Trở ngại càng lớn, chiến thắng càng huy hoàng.

Moliere

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Nguyen Minh
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 338 / 2
Cập nhật: 2019-01-28 20:18:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
a buổi chợ vắng chị. Thằng con tôi thắc mắc, không biết bạn con - dì Hiền đẹp thiệt đẹp đâu rồi. Góc chợ này tôi lui tới từ thằng nhỏ mới đi nhà trẻ, bây giờ nó sắp tốt nghiệp… mẫu giáo. Bây giờ thì người trong chợ thằng nhỏ coi là bạn. Và nó đang níu tay tôi hỏi bạn đẹp của nó.
Tôi nhìn vào cái chỗ đã được lấp bằng một khuôn mặt khác, mà bồn chồn. Tôi nhớ giọng nói chất phát, nụ cười trong vắt, giòn tan, tôi nhớ trên đầu chân mày trái chị có một nốt ruồi, và trán chị có rất nhiều tóc con, lòa xòa. Bàn tay chị trắng bợt vì tiếp xúc với nước ngày này qua ngày khác, bàn tay ấy thường trao cho con tôi những chú cá con còn sống, thằng nhỏ đem về nuôi trong cái ly… cà phê của ba nó. Như thế đã là quá đủ, với một người dưng, tôi nghĩ vậy. Bỗng chiều nay tôi phát hiện ra mình nhớ chị như nhớ người chị gái ruột thịt, mà buồn chưa, tôi không biết gì về chị hết.
Nhà chị ở đâu? Hoàn cảnh sống ra sao? Bữa cơm có thường tươm tất không? Con chị lớn bằng nào? Tụi nhỏ đó hẳn buồn vì mẹ chúng suốt ngày ngồi chợ? Tụi nó có học hành đàng hoàng không? Chồng chị có thương yêu chị không? Anh có nhìn thấy những chỗ loét do nước ăn trên bàn tay chị, có giúp chị có thoa thuốc vào mỗi tối? Sau khuôn mặt, sau cái cười là cả một phận người mà tôi không (hay chưa) bao giờ với tới.
Tôi không tìm được câu trả lời bằng vốn kiến thức trên sách vở mà mình có. Nên xảy ra chuyện vô duyên không chịu nổi, khi mình đã nhậu nhẹt, đã la cà với người bạn suốt nhiều năm, một bữa buột miệng chưng hửng, “Ủa, vậy sao?” lúc biết vợ anh là cô giáo trường làng, con trai mới lên mười tuổi, năm ngoái thì nó mê khủng long, mê tới mức mấy món đồ chơi người ta bày bán ngoài chợ không làm nó hài lòng, và anh bạn nhà thơ của tôi bò ra chế tạo khủng long cho con. Tôi lại “vậy sao?” khi nhìn mấy con khủng long anh làm quá đẹp. Và trong căn nhà tập thể nhỏ xíu, tuềnh toàng, ngó mẹ anh nằm bệnh đã lâu, thoi thóp, tôi “vậy sao?”. Thấy mình gần giống cái ông “Vậy hả?” trong truyện của nhà văn Trang Thế Hy.
Nói chữ gần giống, vì tôi chưa bạc bẽo và vô tình đến mức quên sự hy sinh, quên xương máu, quên nghĩa tình của người khác dành cho mình, nhưng tôi cũng là một phác thảo mới của Sự Vô Tình. Đã hình thành những đường nét. Chiều nay, tôi đã “vậy sao?” khi nghe góc chợ ấy quen ấy kể lại một phận người, bươn chải lặn lội lo cho năm miệng ăn trong nhà, chồng ở không nằm chéo nguẩy, nhậu say và lấy việc đánh vợ làm vui. Chị, “bạn” của con trai tôi đã nằm viện vì những vết thương hằn trên mặt. Mai này gặp lại, cái cười ấy có còn tươi rói trên môi chị?
Chỉ biết, cái cười đó không còn tươi rói, với tôi. Chỉ biết, tôi sẽ dịu dàng ấm áp hơn, tôi không cằn nhằn chuyện cá nhỏ cá to, giá của ngày hôm nay sao cao hơn bữa trước, tôi sẽ cười cùng chị chứ không ra bộ khó đăm đăm, ra bộ ta đây không dễ bị gạt đâu, nghen. Tôi sẽ làm cái điều mà con trai tôi đã làm lâu rồi, khi nó thơm thảo sẻ cho chị ít bánh, kẹo mà nó có.
Chân dung của tôi-vô-tình đã hình thành từ những dấu mực rất nhỏ. Và nó loang ra, người gác cổng xí nghiệp mặt quạu như đeo đá, một bữa tôi “vậy sao?” khi thấy anh đi bán máu để kiếm tiền chữa cho con gái mình khỏi bệnh hiểm nghèo. Ông sếp đầu trọc độc thân hay càu nhàu, cáu kỉnh với đám nhân viên tôi đâu biết từ hồi trẻ đã ôm khối tình đau. Con sông đang chảy kia, tôi đâu biết nó đang đau vì túi rác tôi tiện tay vứt xuống, một hôm nào…
Trượt dài từ “vậy sao?” này đến “vậy sao?” khác. Vậy nên chạm tới nỗi đau nào của người tôi đều ngẩn ngơ, đều tự nhủ, phải biết sớm hơn. Lại một tôi khác lên tiếng, biết sớm hơn cũng chẳng thay đổi được gì. Và ý nghĩ đó đã khiến phác thảo hoá ra người thật, thở thật, sống thật.
Và nhân vật “vậy hả?” đã nhảy tuốt ra ngoài đời, nhân bản thành trăm ngàn người khác với những cái tên khác cũng bằng cách nào đó. Ông “Ủa!?” một hôm ngớ ra khi biết người ta thiết kế những trường học ở nông thôn thiếu mất khu vệ sinh (tôi nghi mấy tay thiết kế này cũng cùng chung một họ “vậy hả?”), hơn trăm ngàn học trò của ông lâu nay đã phải đái bụi, đái bờ, có đứa đái nhầm tổ ong bị ong rượt chạy té re. Ông “Đâu có dè…” một hôm bần thần khi đi qua khu chợ mà chính ông cắt băng khởi công, chẳng thấy bóng người, bởi chỗ này chẳng dân cư, không thuận đường nên không ai chịu vào chợ mua bán. Ông “Sao kỳ vậy trời?” một hôm thừ người phát hiện ra con đường mà mình làm chủ đầu tư không nối xuống Y, một xã nghèo, đìu hiu mà hướng tuốt ra… biển, một đoạn cong vòng vèo ngang qua bên nhà vợ ông. Ông “Tưởng đâu…” một bữa nuốt nước mắt vào lòng nhìn bà con mình áo phơi da thịt, chầu hẩu dưới đất ăn cơm nguội với kho quẹt, muối rang (muối, ăn không cũng ngon, nhưng rang để an ủi là hôm mình có nấu nướng, chiên xào, dù chỉ là xào… muối). Ông “Trời đất!?” một bữa đọc báo mới hay dân xã X nào đó ùn ùn đi trồng cà phê trên đất phèn chua thét chỉ vì câu nói bâng quơ của chính ông, vào bữa nào mà ông cũng quên rồi. Lãnh đạo địa phương tưởng thật, đinh ninh là chỉ đạo của trên, nên kêu gọi bà con hì hụi làm. Ông “Sao để vậy được?” một hôm bực mình khi thấy mấy đứa nhỏ trèo lên cây cầu cụt lủn, hai đầu chỏng chơ, không có nhịp nối, không có đường lên, chỉ là ụ đất tròn tròn, để làm bệ trèo, “bà con mình tệ quá”, ông chép miệng. Đằng phía kia, cha của mấy đứa bé, thấy con cực khổ, xót ruột quá, đứng chống nạnh buột miệng kêu lên, “trời, mấy ông nhà nước làm ăn kiểu này, sao để vậy được?”, thay vì rủ bà con cho đông môt chút, khiêng đất đi làm cái mố cầu. Ông này, rốt cuộc trùng tên với ông kia.
Và trong hành trình đi lướt qua nhau, những em bé kia sẽ còn vất vả đến chừng nào?
Và trong hành trình đi lướt qua nhau, phận người ai thấu?
Ta Vô Tình Đi Lướt Qua Nhau Ta Vô Tình Đi Lướt Qua Nhau - Nguyễn Ngọc Tư