He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Tả Khâu Minh
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: Trần Hùng
Số chương: 56 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 14
Cập nhật: 2023-03-01 08:44:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 51 Phụ Lục Tuyển Chọn Từ Nguyên Tác
UÝ LƯƠNG CAN NGĂN VIỆC TRUY KÍCH QUÂN SỞ
Sở Vũ Vương xâm lược người Tùy, sai Viễn Dương đến Tùy cầu hòa, lại cho quân đội đến đất Hà đợi thời cơ. Nước Tùy cử Thiếu Sư kết ước với nước Sở.
Đấu Bá Tỷ nói với Sở Vũ Vương: “Chúng ta chưa đạt được nguyện vọng đối với các nước ở phía đông Hán Thủy. Thần biết rõ lý do tại sao như vậy. Chúng ta định khuếch trương ba quân đổi mới giáp binh, dùng vũ lực để uy hiếp các nước. Khiến cho các nước lo sợ mà hợp nhau lại chống ta, vì vậy chúng ta khó ly gián họ. Trong các nước ở đông Hán Thủy, nước Tùy là lớn nhất. Nước Tùy mở rộng thì sẽ vứt bỏ các nước nhỏ. Các nước nhỏ ly tán đó là việc có lợi cho nước Sở. Thiếu Sư ngạo mạn, ta giấu quân đi để hắn ta khuếch trương thế lực”. Hùng Xuất Tỷ nói: “Quý Lương còn đó, thì liệu làm được gì?” Đấu Bá Tỷ nói: “Đây là kế hoạch lâu dài. Thiếu Sư được lòng vua Tùy” Vua giải tán quân đội, nghênh tiếp Thiếu Sư.
Thiếu Sư trở về nước, xin cho truy kích quân Sở, Tùy hầu đang định cho phép thì Quý Lương ra can ngăn, nói rằng: “Trời đang giúp nước Sở. Nước Sở giấu quân là để lừa chúng ta. Chúa thượng vì sao phải vội vàng như vậy? Thần nghe nói một nước nhỏ thắng một nước lớn là vì nước nhỏ có chính nghĩa, nước lớn làm xằng bậy. Cái gọi là chính nghĩa là trung với dân, giữ chữ tín với quỷ thần. Bề trên nghĩ đến lợi ích của nhân dân, đó là trung. Lời cầu chúc đàng hoàng, đó là tín. Nay nhân dân đói nghèo mà chúa thượng lại muốn thỏa mãn dục vọng của mình, lúc tế lễ nói những lời huyênh hoang. Thần cho rằng như thế là không được”. Tùy hầu nói: “Ta thường dùng những con vật mập mạp, gạo trắng tế lễ rất là thịnh soạn, sao lại nói là không giữ chứ tín”. Đáp rằng: “Nhân dân là chủ của quỷ thần, thánh vương thời cổ, trước tiên là lo cho dân, sau đó mới phụng sự cho quỷ thần. Cho nên khi dâng các con vật thì đều nói: “Lương thực thịnh soạn đầy đủ nhân dân có sức mạnh phổ biến, nhưng con vật mà nhân dân nuôi dưỡng mập mạp, da dẻ đẹp đẽ không xấu xí. Khi dâng lễ thì nói: “Lương thực đầy đủ”, đó là nói ba mùa không có thiên tai, nhân dân ra sức làm lụng, được mùa lớn. Khi dâng rượu thì nói: “Gạo thơm nấu rượu ngon” đó là nói trên, dưới đều có phẩm chất tốt đẹp, không có tà tâm, đó cũng gọi là rượu thơm thì mùi vị bay xa. Cho nên ba mùa đều phải chuyên tâm làm việc, học tập ngũ giáo, thương yêu bà con dòng họ mình, dùng cái đó để dốc lòng tế lễ quỷ thần. Như thế nhân dân mới được quỷ thần ban phước lành. Lúc bấy giờ làm việc gì cũng thành công. Giờ đây nhân dân lòng người ai chẳng giống ai, quỷ thần không có người làm chủ thì chúa công có dâng vật cúng thịnh soạn thì quỷ thần cũng không đem lại hạnh phúc được. Chúa công phải chỉnh đốn lại chính quyền, coi các nước láng giềng như anh em thì có thể tránh được tai họa”.
Tùy hầu lo sợ ra sức chỉnh đốn nền chính trị trong nước. Nước Sở cũng không dám tấn công nước Tùy nữa
CHA VÀ CHỒNG AI THÂN HƠN?
Sài Trọng chuyên quyền, Trịnh Bá vô cùng lo lắng, sai rể của ông ta là Ung Củ giết Sài Trọng, định mời Sài Trọng dự tiệc ở ngoại thành. Ung Cơ biết được hỏi mẹ rằng: “Cha và chồng ai thân hơn?” Mẹ của Ung Cơ nói rằng: “Con người phải tận trung với trời. Cha thì chỉ có một, làm sao có thể so sánh với chồng được”. Ung Cơ bèn nói cho Sài Trọng biết: “Ung thị không mời cha ở nhà mình mà lại mời ra thành ngoại, con cảm thấy có gì là lạ, xin báo cho cha biết”. Sài Trọng giết chết Ung Củ, vứt thi thể vào hồ nước của Chu thị. Chúa công đem thi thể ra ngoài và nói rằng: “Bàn công chuyện với đàn bà, chết là đáng kiếp”.
Mùa hạ, Lệ Công chạy trốn sang nước Thái. Chiêu Công lên ngôi.
VỆ Ý CÔNG THÍCH CHƠI HẠC MÀ LÀM MẤT NƯỚC.
Mùa đông. Tháng 12. Người Địch tiến đánh nước Vệ. Vệ Ý Công thích chơi hạc cho hạc đi cùng xe chuyên dùng cho đại phu. Lúc sắp đánh trận, những người tiếp nhận binh khí và áo giáp đều nói: “Đưa hạc của chúa công ra đánh địch, hạc của chúa công có bổng lộc. Chúng tôi làm sao mà đánh nhau được”. Chúa công cùng Thạch Kỳ Tử đưa cung tên cho Ninh Trang Tử, bảo họ phòng thủ và nói: “Dùng những thứ này mà bảo vệ đất nước, chọn lựa những việc có lợi mà làm”. Đưa áo thêu cho phu nhân và nói: “Hãy nghe theo lời của Thạch Kỳ Tử và Ninh Trang Tử. Cừ Khổng điều khiển xe cho Vệ Ý Công, Tử Bá đi hô vệ, Hoàng Di đi trước mở đường, Khổng Anh Tề đi sau cùng. Đánh nhau với người Địch ở vùng Huỳnh Trạch.
Quân Vệ đại bại rồi mất nước.
VƯƠNG TÔN MÃN TRẢ LỜI SỞ TRANG VƯƠNG VỀ CỬU ĐỈNH.
Sở Trang Vương đánh Lục Hỗn Nhung tiến tới vùng Lạc Thủy, triển khai lực lượng trong cương vực Chu Thiên Tử. Dịch Vương phái Vương Tôn Mãn khao quân Sở. Sở Trang Vương hỏi Vương Tôn Mãn về độ to nhỏ, nặng nhẹ của các đỉnh. Đáp rằng: “Vấn đề là ở đạo đức chứ không phải ở chỗ có đỉnh hay không. Trước đây triều Hạ có đức vọng, những người ở nơi xa dùng các sản vật quý hiếm vẽ thành bản đồ đem đến triều cống, đúc các tô tem hình vật lên cửu đỉnh báo cho nhân dân biết bách vật quỷ thần để đề phòng trước. Do đó nhân dân vào núi cao, sông lớn, ao hồ, rừng rậm chẳng bao giờ gặp chuyện chẳng lành, không gặp ma quỷ. Nếu trên dưới một lòng, nhận được sự phù hộ của trời. Vua Kiệt bạo ngược, đỉnh di chuyển cho đời Thương. Thương Trụ bạo ngược, đỉnh lại thuộc về người Chu. Nếu có đạo đức tốt thì đỉnh tuy có nhẹ, người khác cũng không di chuyển đi được. Nếu hồn loạn tà ác, thì đỉnh có nặng đến mấy, người khác cũng có thể di chuyển đi được. Ông trời ban phước cho những người có đạo đức, nhưng cũng có thể lấy lại vật đã ban thưởng. Thành Vương đặt đỉnh ở Giáp Nhục. Bói quẻ được biết Chu thất truyền được 30 đời, hưởng phúc trong 700 năm. Đó là do mệnh trời vậy, Đức vọng của Chu Thiên Tử tuy có sa sút, nhưng mệnh trời không thay đổi. Cho nên đỉnh nặng hay nhẹ, lúc này chưa nên hỏi đến”.
NƯỚC SỞ TIỄN TUẦN DIÊU CỦA NƯỚC TẤN VỀ NƯỚC
Người Tấn trả công tử Cốc Thần và thi thể của Liên doãn Tương lão để đổi lấy Trí Diêu. Lúc này Tuần Thủ làm tá trung quân, cho nên nước Sở đã chấp thuận.
Sở Vương tiễn Trí Diêu và nói rằng: “Thần có oán hận ta không?” Đáp rằng: “Hai nước chỉnh đốn quân đội, tu sửa vũ khí, thần bất tài, không gánh vác được trách nhiệm của mình cho nên bị bắt làm tù binh. Những người cầm quân đã không giết thần để lấy máu bôi lên trống trận, lại thả thần về nước. Đó là ân huệ của chúa công. Hạ thần quả thật bất tài, đâu dám oán giận ai?" Sở Vương nói: “Nếu vậy thần có cảm kích ta không?” Đáp rằng: “Hai nước đều tính toán cho xã tắc của mình, làm cho dân khỏi thống khổ, mỗi bên đều tự kìm chế tức giận, thông cảm cho nhau. Hai nước đều phóng thích tù binh để đạt quan hệ hữu hảo. Hai nước có quan hệ tốt, hạ thần không được can dự vào việc ấy, thì làm sao cảm kích ai được". Sở Vương nói: “Sau khi thần về nước, lấy gì báo đáp cho ta?”. Đáp rằng: “Thần không có gì để hận chúa công, chúa công cũng không có gì để cho thần cảm kích. Đã không oán hận cũng chẳng ân nghĩa, không biết là nên đền đáp như thế nào?” Sở Vương nói: “Tuy vậy cũng nói cho ta biết thần định báo đáp ra sao?” Đáp rằng: “Nhờ phúc đức của chúa công, kẻ tù binh như thần mới đem tấm thân này về nước Tấn. Quốc quân của thần giết chết thần. Thần có chết cũng là bất tử. Nếu như nhờ phúc đức của chúa công mà thoát chết mà đem thần ban cho Tuần Thủ, cha thần xin phép quốc quân đem thần ra giết tại tông miếu. Chết như vậy cũng là quang vinh. Nếu chúa công không chấp thuận, mà để cho thần được tiếp tục sự nghiệp của tổ tông, gánh vác nhiệm vụ cầm quân bảo vệ biên cương. Nếu gặp chúa công thần cũng không dám trốn tránh. Thần sẽ dốc hết sức của thần cho đến chết không dám ăn ở hai lòng, để làm trọn nghĩa vụ của thần, dùng cách đó để báo đáp chúa công vậy”. Sở Vương nói: “Ta không thể nào tranh chấp với nước Tấn được”. Thế rồi long trọng cử hành lễ tiễn đưa Tuần Diêu về nước.
HẾT PHƯƠNG CỨU CHỮA
Tấn hầu nằm mơ thấy Đại quỷ, tóc dài sát đất, tay đập vào ngực vừa nhảy vừa la hét: “Giết cháu ta là bất nghĩa, ta sẽ xin ý kiến của thượng đế” rồi đập hỏng cửa xông thẳng vào phòng ngủ. Cảnh Công lo sợ nhảy vào phòng trong, đại quỷ lại đập cửa xông vào. Cảnh Công tỉnh cơn mơ. Sai người tìm thầy mo ở vùng Tang Điền. Thầy mo nói hệt như trong giấc mơ. Cảnh Công nói: “Lành hay dữ?" Đáp rằng: “Chúa công không kịp hưởng lương thực mới của năm nay”.
Cảnh Công bị bệnh, đến nước Tần tìm thầy thuốc. Tần Bá cử danh y tên là Hoán chứa trị cho ông ta. Danh y chưa đến, Cảnh Công nằm mơ thấy bệnh tật của mình biến thành hai người nhỏ bé, nói: “Người thầy thuốc ấy rất giỏi, sẽ làm hại đến chúng tôi, chúng tôi chạy trốn đi đâu?” Một trong hai lại nói: “Nếu ẩn náu giữa hoành cách mô và tim thì làm gì được ta?”. Danh y đến, nói: “Bệnh không thể chữa trị được, bệnh căn nằm ở trên hoành cách mô dưới tim, không có cách nào đụng đến đó được, thuốc cũng không thăm đến đó được. Không thể chữa trị nổi”. Cảnh Công nói: “Thầy thuốc giỏi” rồi tặng danh y lễ vật hậu hĩnh và tiễn ông ta về nước.
Ngày 7 tháng 6 Cảnh Công muốn ăn lúa mạch mới thu hoạch, lấy giống mạch ở ngoại thành, nấu cơm dâng lên. Sau đó gọi thầy mo ở Tang Điền đến, cho thầy mo xem lúa mạch mới xong, thì giết ông ta.
Lúc Cảnh Công chuẩn bị ăn, thấy bụng trương lên đi vào nhà vệ sinh, rơi tọt xuống hố phân mà chết. Một vị thần nhỏ sáng sớm nằm mơ thấy mình cõng Cảnh Công lên trời, đến giữa trưa cõng Tấn hầu vào nhà vệ sinh, kết quả cùng bị chôn chung cùng Cảnh Công.
LÃO TƯỚNG TUYỆT TẦN
Hai nước Tấn, Tần để giao hảo với nhau họp nhau tại Hồ. Tấn Hầu đến trước Tần Bá không chịu qua sông, dừng lại ở Vương Thành, sai sứ giả là Sử Lỏa cùng với Tấn Hầu ký hòa ước tại phía đông Hoàng Hà. Tấn phái Khích Ngưu ký kết hòa ước với Tần Bá tại phía tây Hoàng Hà. Phạm Văn Tử nói rằng: “Hiệp ước này có ích lợi gì? Minh thệ là giữ chữ tín dự họp đúng hẹn là sự bắt đầu của chứ tín. Lúc bắt đầu đã không làm đúng, thì làm sao giữ trọn lời hứa được?” Tần Bá về nước và làm ngược lại những điều ký kết với Tấn.
Lỗ Thành Công năm thứ mười ba. Mùa hè. Ngày 5 tháng tư. Tấn Hầu sai Lữ tướng sang tuyệt giao với Tần, nói: “Ngày xưa Hiến Công của chúng tôi và Mục Công có quan hệ tốt, đồng tâm hiệp lực, dùng minh thệ để ràng buộc nhau, thông qua hôn nhân để tăng cường quan hệ giữa hai nước. Trời giáng tai họa xuống nước Tấn, Văn Công chạy đến nước Tề, Huệ Công đến nước Tần. Hiến Công qua đời, Mục Công không quên công đức cũ, khiến cho Huệ Công chúng tôi không thể thừa tự lên ngôi vua, công đức không được toàn vẹn. Trong trận đánh ở Hàn, Tần Mục Công cũng lấy làm tiếc về việc này. Sau này Văn Công an định được là nhờ sự giúp đỡ của Mục Công.
Văn Công đích thân mang áo giáp trèo đèo vượt suối, vượt qua muôn vạn nguy hiểm dẫn con cháu các nước chư hầu như Ngu, Hạ, Thương, Chu đến triều bái nước Tần, đó là để bao đáp công đức ngày xưa vậy. Người Trịnh xâm lấn biên cương nước Tần. Văn Công của chúng tôi đã dẫn đầu quân đội chư hầu cùng quân Tần bao vây nước Trịnh. Đại phu nước Tần không hỏi ý kiến của chúa công tôi tự tiện ký minh ước với Trịnh. Các nước chư hầu vô cùng tức giận, liều sống chết với nước Tần. Văn Công lo sợ, vỗ yên các nước chư hầu để quân Tần rút quân về nước, không bị một chút tổn thất nào. Đây là ân huệ rất lớn của nước Tấn đối với nước Tần.
Chẳng may Văn Công qua đời, Tấn Mục Công không đến phúng điếu mà còn khinh miệt người đã khuất, coi thường Tương Công của chúng tôi, lại xâm lược đất Diêu của chúng tôi, cự tuyệt quan hệ tốt với nước Tấn chúng tôi, tấn công thành ấp của chúng tôi, tiêu diệt Phí Hoạt của chúng tôi, ly gián quan hệ anh em giữa chúng tôi, làm rối loạn đồng minh của chúng tôi, khuynh đảo đất nước chúng tôi. Tương Công chúng tôi chưa quên ân huệ cũ của chúa công, nhưng lo sợ đất nước bị khuynh đảo nên đã đánh nhau một trận ở đất Diêu. Mong rằng Mục Công xá tội. Nhưng Mục Công không chịu, âm mưu cùng nước Sở chống phá chúng tôi. Nhưng ông trời còn rủ lòng thương Thành Vương về chầu trời, Mục Công không lấy làm thỏa mãn chi lắm.
“Sau khi Tần Mục Công, Tương Công qua đời. Tần Khang Công, Tấn Linh Công kế vị. Khang Công còn muốn làm suy yếu gia tộc chúng tôi, khuynh đảo đất nước chúng tôi, giúp đỡ bọn trộm cướp nước chúng tôi để quấy phá biên cương của đất nước chúng tôi. Do đó mới có trận đánh ở Hồ. Khang Công vẫn không chịu hối cải, tiến vào Hà Khúc, tiến đánh vùng Tốc Xuyên, cướp bóc vương cung của chúng tôi, tiêu diệt kỵ mã của chúng tôi. Đó là lý do xảy ra trận đánh tại Hà Khúc. Con đường phía đông không thông, đây là do Khang Công tuyệt giao với chúng tôi”.
“Đến khi chúa công lên ngôi, Cảnh Công của chúng tôi kéo dài cổ ra mà nhìn về phía Tây, nói rằng: “Nước Tần quan tâm đến nước Tấn chúng ta rồi chứ?” Chúa công cũng không chịu ban ân huệ cho nước Tấn, không chịu ký minh ước với chúng tôi. Lại thừa lúc nước chúng tôi bị bọn Địch quấy nhiễu, tiến quân vào các huyện ven sông của chúng tôi, đốt phá các vùng Kỳ, Cáo cướp phá hoa màu của chúng tôi, giết hại đồng bào vùng biên giới chúng tôi. Đó là lý do chúng tôi phải tập hợp dân chúng ở Phụ Thị. Chúa công cũng lấy làm ân hận về việc kéo dài tai họa, đồng thời cũng muốn cầu phúc cho tiên quân Hiến Công, Mục Công, sai Bá Xa sang Tần lệnh cho Cảnh Công, nói: “Tấn sẽ đánh các ông”, bọn Địch sẽ căm giận, nên nói cho tôi biết. Người nước Sở cũng căm ghét các ông ăn ở hai lòng, cũng đến báo cho chúng tôi biết: “Người nước Tần đi ngược lại minh ước ở Lệnh Hồ, lại đến liên kết với chúng tôi, nói rõ cho Hoàng Nhiên thượng đế, Tần Tam Công, Sở Tam Vương biết rằng: “Ta tuy có quan hệ với nước Tấn nhưng đều dựa trên cơ sở có lợi. Ta chán ghét ông ta không có lòng thành, cho nên mới nói việc này ra để răn đe kẻ khác. Chư hầu đều nghe những lời trên đây, do đó rất đau lòng, đến làm thân với quả nhân, đó là nguyện vọng của quả nhân. Tôi sẽ an định các nước chư hầu, bảo họ rút đi, không dám động binh quấy phá. Nếu chúa công không chịu ban bố cho ân huệ, thì người bất tài như quả nhân đây cũng khó mà bảo các nước chư hầu rút quân!”
Tôi xin nói hết ý kiến của mình để chúa công suy nghĩ lợi hại.
TỬ SẢN VÀ THƯƠNG NHÂN
Tuyên Tử có vòng ngọc, một chiếc khác ở trong tay thương nhân nước Trịnh. Tuyên Tử yết kiến Trịnh Bá để lấy chiếc vòng ngọc đó. Tử Sản không đồng ý nói: “Đây không phải là đồ vật trong kho nhà nước, quốc quân của tôi không biết”. Tử Đại thúc, Tử Vũ nói với Tử Sản rằng: “Hàn Tử cũng không có yêu cầu gì lớn lắm. Nước Tấn ta cũng phải thân thiện với họ. Ta không thể đối xử tệ với nước Tấn là Hàn Tử. Nếu gặp kẻ xấu khiêu khích ly gián quan hệ giữa hai nước quỷ thần lại giúp đỡ họ, làm cho nước Tấn nổi giận. Có hối cải cũng không kịp. Ông làm gì mà luyến tiếc một chiếc vòng mà chuốc lấy thù hận của một nước lớn. Ta đi tìm chiếc vòng đó và đưa cho Hàn Tử”. Tử Sản nói: “Tôi làm như vậy là không phải đối xử tệ với nước Tấn, hoặc ăn ở hai lòng. Vì tôi muốn theo nước Tấn đến cùng cho nên mới không đưa cho chiếc vòng ngọc đó, đó là vì chữ trung chữ tín vậy. Tôi nghe nói một người quân tử không lo mình không có tài sản, chỉ lo mình có chức tước mà không có tiếng tăm tốt. Tôi cũng nghe nói rằng cai trị một nước không phải là lo phụng sự một nước lớn như thể nào hoặc bảo vệ một nước nhỏ như thế nào, mà chỉ lo không có lễ pháp để làm cho đất nước ổn định. Nếu người của nước lớn mệnh lệnh cho nước nhỏ và mọi yêu cầu của họ đều đạt được, thì sẽ lấy gì đưa cho họ. Có thứ thì đưa, có thứ không đưa, làm như vậy tội sẽ lớn hơn. Nếu ta không dựa vào lễ để cự tuyệt yêu cầu của nước lớn, thì lòng tham của họ sẽ vô cùng. Chúng ta sẽ trở thành thôn ấp của họ, đánh mất vị trí của mình. Nếu Hàn Tử phụng mệnh qua nước Tấn mà lại đòi lấy vòng ngọc đó, thì sự tham nhũng đó là rất nặng, đó chẳng phải là phạm pháp hay sao? Bỏ ra một chiếc vòng ngọc, mà phạm hai tội. Chúng ta thì mất nước, Hàn Tử trở thành kẻ tham ô. Hơn nữa chỉ vì một chiếc vòng nhỏ mà mang vạ vào thân, đó chẳng phải là quá đáng lắm sao?”
Hàn Tử mua chiếc vòng từ người thương nhân. Việc mua bán sắp thành, thương nhân nói: “Cần phải báo cáo cho quan đại phu”. Hàn Tử đem việc này hỏi Tử Sản: “Lúc trước xin các ông cho chúng tôi chiếc vòng, chấp chính không chịu, nên không dám nhắc lại chuyện đó nữa. Nay mua chiếc vòng đó từ thương nhân, thương nhân nói phải xin ý kiến của chấp chính. Xin cho biết vì sao như vậy?” Tử Sản đáp rằng: “Trước đây tiên quân Hằng Công và thương nhân đều gốc gác từ Chu. Họ thay nhau cày cấy, phát quang cây cỏ gai góc, cùng nhau cư ngụ tại nơi đây. Lúc đó có thề với nhau để giữ mãi niềm tin nên đã nói rằng, ông không phản lại tôi, tôi cũng không ép mua hoặc cướp đoạt đồ vật của ông. Ông có vàng bạc châu báu, tôi cũng không can dự vào. Dựa vào lời thề này, do đó tin tưởng quan hệ tốt với nhau từ lúc đó cho đến bây giờ. Nay ông đến đây để giao hảo, nhưng lại khiến chúng tôi cướp đoạt tài sản của thương nhân là bắt chúng tôi phản bội lại lời thề xưa. Điều này e rằng không thể làm được. Nếu ông đoạt được vòng ngọc mà đánh mất chư hầu, chắc ông không làm như vậy. Nếu đại quốc ra lệnh chúng tôi cung ứng đủ thứ, là muốn biến nước Trịnh chúng tôi thành một bộ phận của các ông, điều này cũng không chấp nhận được. Nếu tôi đưa vòng ngọc cho ông, thì không biết đó là làm theo đạo lý gì, tôi xin mạo muội nói hết cho ông hiểu”. Hàn Tử cảm ơn, không đòi vòng ngọc nữa, nói rằng: “Lúc đầu tôi ngu ngốc, tôi hỏi vòng ngọc, để chuốc lấy hai tội. Nay không dám đòi hỏi nữa”.
THÔI TRỮ GIẾT QUỐC QUÂN CỦA ÔNG TA
Vợ của Tề Đường Công là chị của Đông Quách Yển. Đông Quách Yển là gia thần của Thôi Vũ Tử. Đường Công chết, Yển đánh xe đưa Vũ Tử đi viếng. Nhìn thấy Đường Khương xinh đẹp bèn bảo Yển gả cho ông ta. Yển nói: “Nam nữ lấy nhau phải xem rõ có khác họ không. Ngài xuất thân từ Đinh, tôi xuất thân từ Hằng. Không lấy nhau được”. Vũ Tử đi xem bói, gặp phải quẻ Khốn, sử quan đều nói rằng: “Kiết”. Đem cho Trần Văn Tử xem, Văn Tử nói rằng: “đó thuộc “gió” “gió” thổi bay vạn vật, không lấy làm vợ được. Hơn nữa lời trong quẻ nói rằng: “Khốn ư thạch, cứ ư kiết lê (có nghĩa là sẽ bị gai đâm) nhập ư kỳ cung bất kiến kỳ thê (có nghĩa là trở về thì vợ đã bỏ đi xa rồi). Thôi Tử nói: “Người đàn bà đó thì đem lại tai họa gì cho ta, người chồng trước của bà đã gánh chịu hết rồi”. Cuối cùng lấy bà ta làm vợ.
Trang Công thông dâm với Đường Khương, thường xuyên đến nhà họ Thôi, lấy mũ của Thôi Trữ ban tặng cho người khác, người hầu nói rằng: “Không được”. Trang Công nói: “Ai biết được đây là mũ của Thôi Trữ, chẳng lẽ người khác không có mũ hay sao?” Vì lý do đó, hơn nữa trước đây Trang Công đã từng đi đánh nước Tấn, nên nói rằng: “Nước Tấn sẽ trả thù” định giết Trang Công để lấy lòng nước Tấn, nhưng chưa có cơ hội. Trang Công dùng roi đánh người hầu là Cổ Cử, không lâu sau lại làm lành với Cổ Cử, nên Cổ Cử giúp Thôi Trữ trị Trang Công.
Mùa hè. Tháng năm, vì lý do trước đây có đánh nhau tại Thả Lí, Lệ Tỉ Công đến triều kiến nước Tề. Ngày 16 tháng 5 Tề Trang Công thết đãi Lệ Tỉ Công tại bắc Quách. Thôi Trữ cáo bệnh không đến dự. Ngày 17 Tề Trang Công thăm Thôi Trữ để làm quen với Đường Khương. Đường Khương ở trong phòng, cùng Thôi Trữ từ cửa hông đi ra. Trang Công vỗ tay vào cột nhà mà hát. Người hầu là Cổ Cử ngăn không cho những người đi theo cùng vào. Đóng sập cửa lại, cho võ sĩ xuất hiện. Trang Công trèo lên đài cao xin tha tội. Họ không chấp nhận. Xin phép được thề thốt, cũng không cho. Xin được tự sát trước tông miếu. Họ cũng không bằng lòng. Họ đều bảo rằng: “Thôi Trữ đại thần của Ngài đã bị bệnh, không thể tự mình nghe theo mệnh lệnh của quốc quân. Nơi đây cách cung thất của quốc quân rất gần, phải đề phòng bọn gian tặc. Không có mệnh lệnh nào khác”. Trang Công trèo tường chạy trốn, bị tên bắn trúng vào mông, ngã xuống, họ liền giết ông ta. Cổ Cử, Châu Xước, Binh Sư, Công Tôn Ngao, Phóng Cụ, Đạc Phụ, Tương Y, Lũ Nhân... đều chết. Đà Phụ đến Cao Đường để lo việc cúng tế. Đến nơi. Đợi mệnh lệnh. Chưa nói xong đã chết trong tay Thôi Trữ. Thân Khoái trở về nhà nói với người đầu bếp của ông ta rằng: “Ông thì có thể được miễn, còn tôi sẽ chết vì chúa công”. Người đầu bếp nói: “Được miễn là đi ngược lại với nghĩa cử". Thế là cùng chết với Thân Khoái. Thôi Trữ lại giết luôn cả đại phu Cách Miệt tại Bình Âm.
Yến Tử đứng ở ngoài của nhà họ Thôi. Nhiều người hỏi: “Chết chăng?”. Đáp rằng: “Nếu chúa công đối xử với tôi như một quốc sĩ tôi sẽ chết vì chúa công?” Lại hỏi: “Thế ông có bỏ chạy không?” Đáp rằng: “Nếu như tôi có tội, tôi sẽ chạy trốn”. Lại hỏi: “Về nhà chăng?” Đáp rằng: “Quốc quân đã chết ta đi về đâu. Làm quốc quân đâu chỉ có đè ép nhân dân. Xã tắc là chủ. Là quốc quân đâu chỉ lo việc ăn mặc của mình, mà phải nuôi dưỡng nhân dân. Cho nên quốc quân hy sinh vì nước, thì quan thần cũng phải hy sinh vì nước. Nếu chết hoặc chạy trốn vì hành vi hoặc lợi ích cá nhân thì những người khác không cần chết theo, chạy trốn theo. Huống hồ có người nhẫn tâm giết chết quốc quân của mình, giờ đây tôi làm sao mà tuẫn tiết được, giờ đây tôi biết đi đâu về đâu”. Cửa mở Yến Tử xông vào, đặt thi thể Trang Công lên đùi mà khóc. Sau đó đứng phắt lên, nhảy ba bước. Mọi người cho rằng Thôi Tử sẽ giết ông ta. Thôi Tử nói: “Ông ta là người được nhân dân ngưỡng mộ, tha cho ông ta thì sẽ được lòng dân”. Lô Bo Quỳ chạy trốn sang nước Tấn. Vương Hà chạy sang nước Cử.
Thúc Tôn Tuyên Bá ở nước Tề. Khi Thúc Tôn trở về đem con gái mình cho Linh Công. Sinh được đứa con là Cảnh Công. Tề Cảnh Công được Thôi Trữ lập làm quốc quân tự mình làm tướng, Khánh Phong làm tể tướng, cùng minh thệ tại Thái cung. Thề rằng: “Nếu có người không tham gia vào đồng minh của chúng ta”. Yến Tử ngẩng mặt lên trời than rằng: “Yến Tử này nếu làm điều gì bất trung với quốc quân, bất lợi cho quốc gia, thì có đèn trời soi xét”. Nói xong hút máu ăn thề. Ngày 23 tháng 5, Tề Cảnh Công và đại phu đến nước Cử xác lập quan hệ đồng minh. Đại sử chép rằng: “Thôi Trữ giết chết quốc quân” Thôi Trữ bèn giết chết thái sử. Hai người em của thái sử cũng bị giết chết vì đã chép như vậy. Một người em khác lại chép như vậy. Thôi Trữ lại tha mang cho. Nam Sĩ thị nghe nói thái sử đều bị giết chết bèn cầm thẻ trúc đến tận đô thành nước Tề. Nghe nói sự việc đã được sử sách ghi chép lại rồi, bèn quay trở về.
KHỔNG TỬ THAM DỰ CUỘC GẶP GỠ Ở GIÁP CỐC
Mùa xuân năm Đinh Công thứ mười, ký hiệp ước hòa bình với nước Tề. Mùa hạ, Lỗ Đinh Công và Tề Hầu gặp nhau ở Chúc Kỳ. Khổng Khâu làm người xướng lễ. Lê Di nói với Tề Hầu rằng: “Khổng Khâu là người biết Lễ nhưng thiếu dũng cảm, nếu như cho người Lai Di dùng bình lính bắt cóc Lỗ Hầu, thì chúng ta sẽ đạt được ý muốn”. Tề Hầu nghe theo. Khổng Khâu yêu cầu họ rút lui và nói: “Quân đâu đến mau, quốc quân hai nước giao hòa với nhau, nhưng những người man rợ này mang vũ khí đến làm loạn. Đây không phải là quốc quân nước Tề đối xử với chư hầu. Bọn Di, Địch không làm rối loạn Hoa Hạ, bọn tù nhân không can dự vào minh hội, không dùng vũ lực để ép buộc sự hòa hảo. Nếu không thì sẽ không may mắn cho quỷ thần, bất nghĩa đối với đạo đức, thất lễ đôi với người. Chúa công chắc không muốn làm như vậy!” Tề hầu nghe những lời nói này, liền đuổi bọn Lai Di đi.
Khi sắp ký minh ước, người Tề thêm vào minh ước một đoạn: “Sau này khi quân đội nước Tề ra khỏi biên giới, nếu như nước Lỗ không cử ba trăm xe vũ trang đi cùng chúng tôi, thì sẽ bị mắng chửi của minh ước này”. Khổng Khâu bảo sứ giả chưa vội đáp lễ, đối đáp lại rằng: “Các ông không trả lại vùng đất Văn Dương cho nước Lỗ, mà chúng tôi đồng ý cung cấp binh xa, thì các ông cũng bị chửi rủa như trên!”.
Tề Hầu định chiêu đãi Đinh Công, Khổng Khâu nói với Lương Khâu Cứ rằng: “Qui định từ xưa đến nay giữa nước Lỗ và nước Tề, lẽ nào ông không nghe thấy. Minh thệ đã hoàn thành mà mở tiệc chiêu đãi, thì làm cho những người làm việc này tốn công tốn sức. Hơn nữa những tượng vật đem ra khỏi tông miếu, nhạc khí cũng không thể đem ra diễn ở ngoài đồng. Nếu vì yến tiệc mà đem hết các thứ ra đây đó là vứt đi lễ pháp. Nếu như tất cả không mang đi mà chỉ đãi khách bằng gạo thô rau dại. Dùng gạo thô rau dại là làm nhục quốc quân, không chú ý đến lễ nghĩa cũng là có tội. Tại sao ông không suy nghĩ kỹ. Yến tiệc là mang ân huệ đến cho người khác. Không mang ân huệ đến cho người khác, chi bằng hủy bỏ yến tiệc đi. Do đó nước Tề hủy bỏ việc đãi tiệc.
Người nước Tề trả cho nước Lỗ ba vùng đất Vận, Hoan và Quy Âm.
Hết
Tả Truyện Tả Truyện - Tả Khâu Minh