A book is a garden, an orchard, a storehouse, a party, a company by the way, a counsellor, a multitude of counsellors.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Tả Khâu Minh
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: Trần Hùng
Số chương: 56 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 14
Cập nhật: 2023-03-01 08:44:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23 Nước Tống Và Nước Sở Giảng Hòa
uyên Công thập tú niên (năm 595 trước công nguyên)
Sở Trang Vương cử Thân Vô Úy đi sứ nước Tề, đồng thời căn dặn Thân Vô Úy rằng: “Không nên mượn đường nước Tống”. Đồng thời cử công tử Phùng đi sứ sang nước Tấn, cũng dặn dò công tử Phùng đừng có mượn đường nước Trịnh. Thời Xuân Thu, sứ giả của các nước chư hầu đi ngang qua nước khác thì phải mượn đường. Nay sứ giả nước Sở đi ngang qua hai nước Tống, Trịnh mà không mượn đường là biểu thị sự coi thường hai nước này, có ý khiêu khích. Trước đây khi Tống Chiêu Công hướng dẫn Sở Mục Vương đi săn bắn ở Mạnh Chư Trạch (đông bắc huyện Thương Khâu tỉnh Hà Nam ngày nay) xảy ra chuyện không vui nên Thân Vô Úy rất ghét nước Tống, bèn nói rằng: “Đầu óc của người nước Trịnh thông minh, người nước Tống kém hiểu biết. Sứ giả đến nước Trịnh không có gì khó khăn lắm, còn tôi thì nhất định sẽ bị giết hại”. Sở Trang Vương nói: “Nếu nước Tống giết khanh, trẫm nhất định đem quân đi đánh nước Tống, báo thù cho khanh”. Thân Vô Úy gửi gắm con của mình là Thân Tề cho Sở Trang Vương rồi mới lên đường.
Thân Vô Úy ngang qua nước Tống thì bị người Tống giữ lại. Hoa Nguyên, đại phu của nước Tống nói rằng: “Đi ngang qua biên giới nước chúng tôi mà không mượn đường điều đó rõ ràng là coi lãnh thổ nước chúng tôi như là biên ấp của nước Sở. Coi lãnh thổ chúng tôi như là biên ấp của người khác, điều này chẳng khác gì chúng tôi mất nước. Giết sứ giả của nước Sở, nước Sở nhất định sẽ đến đánh chúng tôi. Đánh chúng tôi thì quá lắm cũng là mất nước. Bất kể là mất nước kiểu nào cũng đều là mất nước”. Thế là giết Thân Vô Úy.
Sở Trang Vương nghe tin nước Tống giết sứ giả của mình, vô cùng phẫn nộ, vung ống tay áo đứng dậy không kịp đi giày, mang kiếm, lên xe, vội vàng ra đi. Những người bưng giày ở hai bên, chạy theo đến lối đi giữa hoàng cung mới mang được giày cho ông ta. Những người cầm kiếm đứng hai bên đuổi theo đến cửa điện hậu cung mới đeo được kiếm cho ông ta. Người đánh xe đuổi theo đến tận chợ Bồ Tư mới đuổi kịp ông ta và mời ông ta lên xe. Mùa thu. Tháng chín. Sở Trang Vương dẫn quân đi đánh nước Tống.
Tuyên công thập ngũ niên (năm 594 trước công nguyên).
Nước Tống lệnh cho Nhạc Anh Tề đến nước Tấn báo cáo về tình hình khẩn cấp của nước Tống. Tấn Cảnh Công định đi cứu Tống ngay. Bách Tông đại phu nước Tấn nói rằng: “Không được! Cổ nhân từng nói: tuy roi ngựa có dài, cũng không nên quất vào bụng ngựa”. Bây giờ là lúc ông trời cho nước Sở vận may, không nên tranh chấp với họ. Nước Tấn chúng ta tuy cường thịnh, nhưng sao có thể đi ngược lại ý trời? Tục ngữ nói: “Gặp chuyện, phải biết co, biết dãn, trong bụng phải có tính toán trước? Ao hồ, sông rạch có thể chất chứa cặn bã rác rưởi, rừng núi đồng cỏ ẩn náu rắn độc, thú dữ. Trong những viên ngọc đẹp cũng lốm đốm những tì vết. Là nguyên thủ quốc gia phải biết chịu đựng ức hiếp lăng nhục, đó là lẽ đương nhiên. Xin chúa công hãy đợi cho một thời gian rồi hẵng đi cứu viện”. Thế là Tấn Cảnh Công ra lệnh đình chỉ việc xuất quân.
Nước Tấn cử Giải Dương đi sứ qua nước Tống, nói với nước Tống rằng: “Toàn bộ quân đội nước Tấn đã được động viên, chẳng bao lâu nữa sẽ đến nước Tống”. Để cho nước Tống đừng có đầu hàng nước Sở. Giải Dương đi ngang qua nước Trịnh bị nước Trịnh bắt giữ. Nước Trịnh áp giải Giải Dương đến nước Sở rồi giao cho nước Sở, Sở Trang Vương hối lộ Giải Dương yêu cầu ông ta đính chính lại là nước Tấn không chi viện nước Tống nữa. Nhưng ông ta không đồng ý. Sở Thành Vương nhiều lần thúc ép ông ta, ông ta mới nhận lời. Sau đó đưa ông ta lên xe chuyên dùng để công phá thành (giống loại xe cứu hỏa có thang ngày nay) để ông ta leo lên trên đỉnh xe nói to cho nước Tống biết rằng nước Tấn không đến cứu viện họ nữa. Nhưng ông ta không làm theo lời hứa với Sở Trang Vương, ông ta đã hoàn thành sứ mạng mà Tấn Cảnh Công đã giao phó cho ông ta, báo cho nước Tống biết rằng: quân Tấn sắp đến rồi. Sở Thành Vương giận dữ định giết chết ông ta, cho người đến nói với ông ta rằng: “Nhà ngươi từng hứa với ta (Sở Trang Vương) nhưng lại phản lại ta, đó là đạo lý gì vậy? Không phải ta không giữ chứ tín mà chính nhà ngươi không tự giữ lấy chứ tín. Ta sẽ hành hình ngay lập tức, trừng phạt nhà ngươi theo luật pháp”. Giải Dương trả lời rằng: “Thần nghe nói: Người quân chủ có khả năng định ra những mệnh lệnh chính xác đó mới là chính nghĩa, thần tử có thể đảm nhiệm sứ mạng một cách đúng đắn đó mới là trung thành. Trung thành phải làm sao cho phù hợp với chính nghĩa, đó mới là lợi ích của quốc gia. Định đoạt cơ mưu cho đất nước cần phải bảo vệ sự an toàn cho đất nước mà lại không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, đó mới chính là quân chủ của nhân dân. Một việc hợp với chính nghĩa, không thể nào lập lờ hai mặt. Một hành động chân thành cũng không thể có hai mệnh lệnh trái ngược nhau. Một quân chủ hối lộ một thần tử để họ biến chất là người không biết thế nào là mệnh lệnh chính nghĩa. Thần nhận mệnh lệnh của quân chủ mình đi sứ ra nước ngoài, thà chết chứ không từ bỏ sứ mệnh mà quân chủ đã giao phó cho thần. Điều đó là có thể mua chuộc được hay sao? Sở dĩ thần chấp nhận điều kiện của quí quốc là vì muốn lợi dụng cơ hội đó để hoàn thành sứ mạng mà quân chủ thần đã giao phó cho thần. Thần tuy chết nhưng đã hoàn thành sứ mệnh của quân chủ. Thần cho rằng đấy là cái phúc của thần. Quân chủ nước Tấn có được một người thần trung thành, mà thần thì cũng hoàn thành sứ mệnh, thì dù có chết cũng không có điều gì luyến tiếc”. Cuối cùng Sở Trang Vương thả Giải Dương ra, cho ông ta về nước.
Mùa hạ. Tháng năm. Lúc quân Sở chuẩn bị rời khỏi nước Tống, Thân Tê sụp lạy trước ngựa Sở Trang Vương mà rằng: “Tiên phụ rõ ràng biết trước đi sứ nước Tề ngang qua nước Tống là hết sức nguy hiểm, nếu bị người Tống bắt được thì khó bảo toàn tính mạng, nhưng tiên phụ không dám không nghe mệnh lệnh của quân chủ, bất kể nguy hiểm tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa quân chủ cũng đã đồng ý với tiên phụ rằng: nêu tiên phụ bị hại thì sẽ đem quân đi đánh, báo thù cho tiên phụ. Giờ đây quân chủ không giữ đúng lời hứa, bội tín!” Sở Thành Vương không thể trả lời được. Thân Thúc Thời đang lái xe nêu ra một kiến nghị. “Xây dựng nhà ở ngay chỗ này, đồng thời tìm các nông phu đang lưu vong quay trở lại, biểu thị quân Sở dự định định cư ở nơi đây. Như vậy, nước Tống nhất định sẽ nghe theo mệnh lệnh của nước Sở”. Thế là Sở Thành Vương làm theo đề nghị của Thân Thúc Thời.
Quả nhiên, nước Tống cảm thấy lo sợ bèn để cho Hoa Nguyên thám thính tình hình quân Sở thực hư ra sao, nhân đêm tối mò vào doanh trại quân Sở, mò trúng màn của Tử Phản, tướng hữu quân của quân Sở làm cho Tử Phản tỉnh giấc, dùng bính khí khống chế Tử Phản rồi nói: “Ta được quân chủ ta sai phái, kể cho ông nghe cảnh tượng khốn khổ của nước Tống. Nước Tống chúng tôi đã rơi vào hoàn cảnh đổi con nhau để làm thịt ăn, lấy xương người làm củi nấu thức ăn. Nước Tống chúng tôi tuy khốn khổ như vậy, nhưng ép buộc chúng tôi cúi đầu, đầu hàng quân Sở, ký hiệp ước đầu hàng là không làm được đâu. Nếu như quân Sở lui về phía sau ba mươi dặm, không bao vây chúng tôi nữa, thì sẽ dễ thương lượng thôi”. Tử Phản một mặt bị Hoa Nguyên kiêm chế, trong lòng cảm thấy sợ hãi, đồng thời cũng khiếp sợ bởi tinh thần “đổi con cho nhau làm thịt để ăn, lấy xương người làm củi để đốt, mà vẫn không chịu khuất phục” của người Tống, bèn tự mình ký kết hòa ước với Hoa Nguyên, Sau đó báo cáo cho Sở Trang Vương. Nước Sở lui quân ba mươi dặm.
Sau khi nước Tống và nước Sở ký hiệp ước hòa bình, Hoa Nguyên bị nước Tống cử sang nước Sở làm con tin. Trong hòa ước có nói: “Ta không lừa dối người, người cũng không cần vì ta mà lo lắng!”.
Tả Truyện Tả Truyện - Tả Khâu Minh