Thất bại đến với ta không phải làm ta buồn mà giúp ta thêm tỉnh táo, không làm ta hối tiếc mà khiến ta trở nên sáng suốt.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Tả Khâu Minh
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: Trần Hùng
Số chương: 56 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 14
Cập nhật: 2023-03-01 08:44:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 Trịnh Trang Công Đánh Đuổi Em Trai Là Cộng Thúc Đoạn
n Công nguyên niên (năm 722 trước công nguyên)
Ban đầu, Trịnh Vũ Công lấy con gái của thân hầu là Khương thị làm vợ, Khương thị sanh ra Trịnh Trang Công và Cộng Thúc Đoạn. Khi Khương thị sanh Trịnh Trang Công lại đẻ ngược, chịu nhiều đau đớn và kinh hãi, vì thế rất ghét Trịnh Trang Công, đặt cho Trang Công cái tên là “Ngộ Sinh”, lại hết lòng yêu dấu Cộng Thúc Đoạn. Thế là Khương thị nhiều lần yêu cầu Trịnh Vũ Công lập Cộng Thúc Đoạn là người thừa kế ngôi vua, nhưng Trịnh Vũ Công chưa bằng lòng. Đợi đến sau khi Trịnh Trang Công nối ngôi, Khương thị xin Chế ấp (thuộc phía đông huyện Củng tỉnh Hà Nam ngày nay) phong cho Cộng Thúc Đoạn. Trịnh Trang Công giả vờ có lòng tốt mà nói rằng “Chế ấp là nơi địa thế hiểm trở, ngày xưa Quắc Công bởi vì dựa vào địa thế hiểm trở của vùng Chế ấp này mà không chịu trau dồi đạo đức, kết quả đã mất mạng tại vùng đất này. Nếu yêu cầu thành ấp nào khác thì con xin theo ý”. Thế là Khương thị xin phong cho Cộng Thúc Đoạn đất Kinh thành (vùng đông nam huyện Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay). Trang Công bằng lòng để cho Cộng Thúc Đoạn sở hữu vùng đất đó. Do đó mọi người gọi Cộng Thúc Đoạn là Kinh thành thái thúc.
Lúc bấy giờ, đại phu của nước Trịnh là Sài Trọng nói rằng: “Phạm vi của một thành ấp vượt quá ba trăm trượng vuông thì sẽ có hại cho quốc gia. Chế độ của tiên vương qui định, thành ấp lớn không vượt quá một phần ba quốc đô, thành ấp loại vừa quá một phần năm quốc đô, thành ấp loại nhỏ không vượt quá một phần chín quốc đô. Nay Kinh thành đã quá lớn, không phù hợp với chế độ của tiên vương, Chúa công sẽ khó lòng mà chịu đựng được và không có cách nào khống chế nổi” Trang Công trả lời: “Mẹ của ta là Khương thị muốn làm như vậy, ta làm sao tránh khỏi những tai nạn này”. Sài Trọng tiếp lời: “Khương thị chẳng bao giờ chịu thỏa mãn, chi bằng sắp xếp trước cho Cộng Thúc Đoạn, đừng để cho thế lực của Đoạn càng ngày lan rộng, nếu lan rộng ra thì khó mà đối phó. Cỏ dại mọc lan tràn còn khó diệt tận gốc, huống hồ là đứa em trai yêu quý của quốc quân”. Trang Công nói: “Làm nhiều điều bất nghĩa, tất sẽ chuốc lấy sự diệt vong, khanh cứ đợi mà xem!”.
Chẳng bao lâu, Cộng Thúc Đoạn ra lệnh các biên ấp ở phía Bắc và phía Tây nước Trịnh một mặt thuộc về Trang Công, một mặt thuộc về mình. Một đại phu khác của nước Trịnh là công tử Lã nói: “Một quốc gia không cho phép có hai người thống trị. Chúa công sẽ xử lý việc này ra làm sao? Nếu như đem nước Trịnh giao cho Cộng Thúc Đoạn thống trị, thì xin phép chúa công cho khanh đi hầu hạ ông ta, nếu như không giao nước Trịnh cho Cộng Thúc Đoạn, thế thì xin Chúa công loại bỏ ông ta đi, đừng để nhân dân sinh hai lòng”. Trang Công nói: “Không cần, chằng bao lâu Cộng Thúc Đoạn sẽ tự chuốc lấy hậu quả”.
Không bao lâu Cộng Thúc Đoạn đem vùng đất nguyên thuộc quyền thống trị của hai người, quy về sở hữu của riêng mình đồng thời mở rộng đến Diên Bấm (phía bắc huyện Diên Tân tỉnh Hà Nam ngày nay). Công tử Lã sốt ruột nói: “Được rồi, được rồi! Đất đai mở rộng thêm nữa, thì sẽ không có ít người qui phục ông ta". Trang Công nói: “Một người làm nhiều điều bất nghĩa, thì sẽ không có ai qui phục họ đâu, đất đai càng mở rộng càng thúc đấy nhanh hơn quá trình diệt vong của ông ta mà thôi”.
Cùng lúc Công Thúc Đoạn tu sửa trường thành, tập hợp nhân dân, chế tạo binh giáp võ khí, huấn luyện binh sĩ, binh xa chuẩn bị đánh úp quốc đô nước Trịnh. Khương thị chuẩn bị làm nội ứng, mở cống thành. Ngày giờ Cộng Thúc Đoạn đánh úp quốc đô, Trịnh Trang Công đều biết trước bèn nói: “Thôi đủ rồi”, và ra lệnh cho công tử Lã cầm đầu hai trăm binh xa đánh kinh thành. Nhân dân kinh thành chống lại Cộng Thúc Đoạn, Cộng Thúc Đoạn bèn chạy trốn về Yên (huyện Yên Lăng tỉnh Hà Nam) Trang Công lại đem quân đánh vào đất Yên. Ngày 23 tháng 5, Cộng Thúc Đoạn lại trốn đến Cộng quốc (huyện Huy tỉnh Hà Nam ngày nay).
Cuối cùng Trang Công trục xuất Khương thị đến thành Dĩnh (vùng tây bắc huyện Lâm Dĩnh tỉnh Hà Nam ngày nay) và thề với thân mẫu rằng: “Từ nay về sau, trừ khi xuống suối vàng, còn thì mẹ con ta sẽ không bao giờ gặp nhau.” Không bao lâu Trang Công lấy làm hối hận về lời thề này của mình.
Quan quản lý cương giới ở Dĩnh Cốc (tây nam huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam ngày nay) gọi là Dĩnh Khảo thúc, nghe được chuyện này bèn dâng một số lễ vật cho Trang Công. Trang Công thết đãi ông ta ăn uống tử tế. Lúc ăn cơm ông ta cố ý không ăn thịt, Trang Công hỏi ông ta vì lý do gì? Ông đáp rằng: “Ở trong nhà tôi còn có mẹ, mẹ tôi đã ăn đủ các thức ăn của tôi, nhưng chưa hề được ăn đến thức ăn của quốc quân, tôi xin quốc quân để dành những thức ăn này cho mẹ tôi”. Trang Công than thở mà rằng: “Khanh có mẹ có thể dâng phẩm vật cho mẹ, còn ta thì không”. Dĩnh Khảo thúc nói: “Khanh xin nói một câu phạm thượng, chúa công nói câu này là có ý gì?” Trang Công kể lại đầu đuôi câu chuyện, đồng thời báo cho ông ta biết sự ân hận của mình. Dĩnh Khảo Thúc đáp rằng: “Chúa công làm gì phải suy nghĩ về điều này. Ví dụ, đào một cái địa đạo thẳng đến suối vàng, chúa thượng sẽ gặp mặt mẹ mình trong đường hầm, thế thì ai dám bảo chúa thượng là không giữ lời thề?” Trang Công làm theo lời của Dĩnh Khảo Thúc, Trang Công đi vào đường hầm mà hát rằng: “Trong đường hầm rộng lớn, cũng vui vẻ thoải mái vậy”. Lúc đi ra đường hầm, Khương thị cũng hát rằng: “Ở ngoài đường hầm rộng lớn, phấn khởi lại vui vẻ”. Tình mẫu tử từ đó được khôi phục trở lại.
Quân tử nói: Dĩnh Khảo Thúc quả là người con có hiếu. Ông ta yêu mến mẹ ông ta, mở rộng ảnh hưởng làm cho Trang Công cũng yêu mến mẹ ông ta. Trong Kinh thi có câu: “Hiếu tử bất quy, Vĩnh tích nhĩ loại” Có nghĩa là: Chữ hiếu của những người con có hiếu là vô cùng vô tận, mãi mãi truyền cho nhân loại. Có lẽ đấy là nói về chuyện này.
Tả Truyện Tả Truyện - Tả Khâu Minh