Số lần đọc/download: 0 / 2
Cập nhật: 2021-01-12 19:41:11 +0700
G
ần đến năm mới thế kỷ hai mươi mọi sự như xếp lại ngay ngắn trong cuộc đời người đàn bà tuổi bốn nhăm. Con trai đầu sắp tốt nghiệp đại học. Con trai thứ hai đòi đi làm. Con không đi học nữa. Con muốn như bố. Không đi học mà vẫn nhiều tiền vẫn làm công ty to. Học chán lắm. Ông chồng, như mọi sự, ngày nào cũng tối mắt tối mũi vì họp hành, vì tiệc tùng, lại tặc lưỡi: Kệ nó. Đời nó nó lo. Còn em, em cũng phải tự lo nhé. Dạo này không mở mắt ra được. Anh không kham nổi việc linh tinh nữa đâu, em phải tự sắp xếp.
Biết là như vậy. Nhưng sao nghe vậy mà buồn quá.
Bỗng dưng nhận được thư thằng cháu ruột làm đường dây ở miền Trung. Nó viết đại khái như sau. Dì ơi dì hỡi. Cháu báo cho dì một tin “kỳ cục”. Bọn cháu đến vùng M. làm công tác khảo sát địa hình để đặt cột tải điện. Mưa rồi lũ như điên. Bọn cháu được mời vào trú mưa tại một ngôi nhà không to không nhỏ. Cả nửa ngày. Bà chủ ở nhà. Người không đẹp không xấu nhưng xởi lởi mời cà phê bánh ngọt. Bà cho thuê làm quán tầng dưới. Trò chuyện lan man từ tham nhũng đến bồ bịch đến giàu nghèo rồi cuối cùng có cả chuyện chiến tranh. Vùng này thời chiến tranh có vụ thảm sát dân thường người chết cả đống nghĩa đen. Bà gặp ông ấy sau một trận đánh. Trong một lán dã chiến quân y. Ruồi bay tưng bừng nghẹt thở quanh vết thương của ông ấy. Bà là y tá. Bà dùng cái màn mới được phát trùm lên ông ấy che ông ấy với lũ ruồi say máu. Có lẽ tình yêu đến từ lúc ông ấy mở mắt trông thấy cái màn. Cám ơn em. Bà ấy kể rồi mắt rơm rớm. “Ông nhà tôi” ngày trước là lính tên lửa nhiều cô mê lắm nhưng ông ấy chỉ nhớ mỗi một cô. Lúc nào nói tới chuyện chiến trận ông ấy cũng ngậm ngùi không nói hết nhưng tôi thì biết là ông ấy vẫn có chi đó với cô ấy. Muốn xem ảnh không? Bà chủ bảo vậy và dẫn bọn cháu lại gần khung ảnh. Dì tin được không? Ảnh dì. Đeo máy bộ đàm thông tin có hai cái cần cao vút lên. Tóc hai bím dày. Cái ảnh dì để ở phòng thằng Khôi ấy. Lạ không? Cháu định kêu cho thiên hạ biết cái chuyện ngẫu nhiên này nhưng ghìm lại được. Cháu chưa nói gì với bà chủ nhà. Ông chủ đi công tác tháng sau mới về. Đi châu Âu cơ. Tên ông ấy là Nghĩa. Dì nhận ra chưa? Thằng cháu nghịch ngợm chua thêm: Trời đất hỡi. Thời trẻ dì như thế này thì đến cháu cũng ngất.
Thư viết tay nên có thể ngồi thật lâu cầm thư đọc đi đọc lại. Những năm cuối thế kỷ này người ta chưa dùng nhiều thư điện tử ở Việt Nam.
Có những ký ức chiến tranh. Có người lính tên Nghĩa. Trong số hàng chục người lính thân thiết như bạn bè thời ấy. Bây giờ rất khó nhớ lại khuôn mặt từng người thậm chí gặp cũng không thể nhận ra. Nhưng anh Nghĩa thì nhớ rồi. Sao anh không đi tìm cái cô Nhi mà anh đã nói là anh không thể mất em.
Nhi đồng – bọn bạn vẫn gọi như thế vì khuôn mặt trẻ thơ, tiếng cười luôn của đứa trẻ hạnh phúc. Nhưng máu, nước mắt, chia lìa đã trải hết. Như nhiều khuôn mặt khắc khổ của cuộc chiến. Nhi mười tuổi vào đúng hôm Mỹ ném bom cây cầu trên quốc lộ gần nhà. Nhi ngồi trong hầm với mẹ thấy mẹ với tay qua vai Nhi rồi tay mẹ xuôi lơ. Mãi sau mới thấy máu tràn qua ngực mẹ rồi miệng mẹ cũng đầy máu. Nhi mười tuổi hét lên mẹ ơi đừng chết. Mẹ không chết được. Máu trên miệng mẹ đông dần… Trận bom sau Nhi cùng cha, thầy giáo trường làng nhưng làu làu tiếng Pháp, bới đống gạch vụn tìm cái gia tài duy nhất của cha. Sách. Tháng nào cha cũng để ra hai đồng rút từ lương vị giáo viên tiểu học bị chuyển từ thành phố về nông thôn để mua sách. Nhi từng phiêu lưu trong trùng điệp thế giới kỳ lạ của sách. Nhi nhập ngũ mười sáu tuổi đem theo vài cuốn sách. Thỉnh thoảng bị nhắc nhở trong buổi sinh hoạt tư tưởng của đơn vị: coi chừng rơi rớt lối sống tư sản. Nhưng Nhi không bỏ mấy cuốn sách. Nhi làm việc của lính thông tin, sắc lính đối phương lùng bắt trước tiên, làm việc xuất sắc rồi vẫn sống với những giấc mơ không ai kiểm soát được.
Vào một thời khắc nào đó, quên rồi, có lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Bắc Việt và Mỹ. Mấy gã phi công, bọn khốn, không bao giờ đếm xỉa đến cái sự phải ngưng giây lát cho người ta còn thở, lúc này phải nghỉ việc ở vùng Nhi đóng quân. Nền trời trong. Suối trong vắt. Rừng xanh sẫm. Quần áo giặt được phơi phóng tử tế không phải mặc cái thứ quần áo nặng trịch hơ lửa bốc mùi khói. Nhi mặc cái áo quân phục cũ giặt đã mỏng tang. Tóc tết hai bím dày. Giày vải ôm khít vào đôi chân nhỏ. Nhi tung tẩy đi vào rừng chủ nhật, mang theo cuốn sách, một mẩu lương khô. Nhi ngồi tựa lưng vào gốc cây to, đọc sách của một người Mỹ kể chuyện đi phá cầu cùng du kích rồi yêu đương với một cô du kích trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Nhi ám ảnh cái mùi cỏ giập nát dưới lưng cô gái. Không hiểu lắm cái cách ông ta dùng từ dồn dập. Nhắc đi nhắc lại. Rồi nói tới gai cỏ đâm vào cánh tay…
Gần trưa. Rừng sáng bừng do yên tĩnh. Nhi trở về doanh trại. Nơi đơn vị thông tin đóng quân bên cạnh đại đội thanh niên xung phong có những cái lán nửa nhà nửa hầm. Chùm quả rừng trên tay Nhi mọng nước. Mấy ông thanh niên xung phong cao lớn, những người chuyên phá bom nổ chậm trêu: Quả còn bé tí thế kia ăn sao được? Cả bọn cười phá. Có thế cũng cười. Nhi lầu bầu. Rồi đứng sững. Con đường trước cổng doanh trại có một dãy dài xe chở pháo. Cả xe bánh xích. Trên những cái xe khổng lồ có ken những thanh sắt, những quả tên lửa phủ lá ngụy trang nằm im lặng như nghỉ ngơi. Như tạo ấn tượng về cái hùng. Ngừng bắn tạm thời cũng là lúc tranh thủ chuyển quân chuyển vũ khí… Trong sân doanh trại có sự nhộn nhịp khác thường. Trung đội trưởng nhìn thấy Nhi. Đi đâu về thế. Có việc ta phải làm thay đấy. Nhìn gì mà tròn mắt ra? Đơn vị tên lửa mới tập huấn ở Liên Xô về. Nghe chửa. Họ vào nấu nhờ cơm. Nghe chửa? Trung đội trưởng cao lêu đêu hay cốc đầu Nhi lúc này bước đi còn quay lại nhìn cái khuôn mặt trẻ thơ của cô lính đang tái xanh vì xúc động. Lính tên lửa ngày ấy giống các hiệp sỹ. Họ là lính có học. Nói tiếng Nga. Điều khiển vũ khí hiện đại chỉ đứng sau các anh lái Mig. Cái vẻ đẹp của lãng mạn của chiến tranh in dấu trên khuôn mặt họ. Về nước họ xung trận ngay… Nhi đứng sững giữa sự nhộn nhịp tim đập thịch thịch ngừng rồi đập… như quả tim có bệnh bất chợt.
Bộ đội tên lửa ăn cơm trưa. Họ đứng ăn bên dãy bàn nứa trong nhà ăn của đơn vị thanh niên xung phong. Đã có tiếng qua lại trêu chọc giữa bọn con gái bên ấy và các anh lính tên lửa. Không ồn ào suồng sã như với cánh lính bộ binh công binh. Tiếng cười đùa nghe có vẻ ý nhị duyên dáng. Chẳng mấy khi bọn nữ thanh niên xung phong chịu thế. Nhưng đây là các anh. Những hiệp sỹ trong mắt mọi người.
Nhi bồn chồn ăn cơm, xuống suối rửa mặt. Và kẻng báo ngủ trưa của hai đơn vị. Sướng thế. Được ngủ trưa. Có giờ giấc. Lâu lắm quên mất cái nếp này rồi. Trung đội trưởng, anh chàng binh nhất cao như cây sào qua lán mấy đứa con gái: Ngủ đi. Giữ trật tự. Cho đơn vị tên lửa nghỉ ngơi. Nhi đồng thối tai – Anh ta gọi Nhi bằng cái tên bọn con trai gán cho – Đừng có loăng quăng vào rừng đấy.
Báo cáo, rõ rồi.
Sân doanh trại im ắng rất nhanh. Nhi ngồi nhỏm dậy nhìn qua cái cửa kết bằng cây nứa thành những hoa văn như trong một tấm thêu. Mắt Nhi như bị hút về phía bên kia doanh trại mênh mông. Người lính. Người lính đang vừa đi vừa đọc gì đó trong sổ tay. Một trung úy quân hàm nghiêm chỉnh. Nhi trông thấy quân hàm hai sao một gạch của binh chủng tên lửa. Người lính mặc quần xanh đi ủng cao tới gối chiếc áo capốt của lính Nga vải bạt may rộng khoác hờ trên đôi vai khỏe mạnh. Chiếc mũ sắt không rộng lắm để lộ khuôn mặt điển trai trẻ măng có cái cằm xanh xanh râu quai nón mới cạo. Vẻ đẹp hiếm so với hàng trăm người lính qua đây mỗi ngày. Anh ấy vừa đi vừa đọc gì đó. Ghi gì đó. Và nắng bừng lên rọi vào những thân cây săng lẻ thứ ánh sáng huyền diệu làm Nhi đau nhói trong ngực toàn thân lạnh buốt vì những cảm xúc bất chợt không thể hiểu là gì. Nhi biết nhiều trung úy trên đường ra trận nhưng hình ảnh kia, người lính đi giữa những cây săng lẻ thẳng vút thì chưa bao giờ gặp. Cây săng lẻ thân thẳng cao, mảnh dẻ, có những chấm đen loang trên vỏ cây trắng giống cây bạch dương quá. Lần đầu tiên thấy giống cây bạch dương. Ngày còn bé vác ghế xí chỗ gần màn ảnh ở buổi chiếu phim sân đình làng, mắt tròn xoe nhìn một kỵ sỹ cưỡi ngựa áo bay phần phật qua rừng bạch dương trong cái phim gì đó của Liên Xô. Không ngờ cây săng lẻ lại giống cây bạch dương đến thế.
Nhi đi theo người lính ra phía cổng doanh trại. Anh ấy nhìn lại hơi gật đầu, vẻ lãnh đạm nghiêm túc của một người lớn hơn làm Nhi co vai vì sợ. Chào anh ạ. Nhi cất tiếng chào tự nhiên thấy giọng lạc đi. Anh ấy gật đầu nữa rồi nhìn lại có vẻ tò mò. Có tiếng gọi Nghĩa, nhanh lên. Tiếng gọi trên xe chỉ huy. Trên đó có một tốp người. Chắc họp hành gì đó. Việc quân.
Buổi chiều, mấy đơn vị mời nhau ăn cơm chung. Nhi đi lững thững ít nói giữa bạn bè. Bọn con trai gọi: Nhi đồng thối tai sao hôm nay nghiêm thế? Sao khó đăm đăm thế Nhi ngố ơi. Đến lúc đó anh Nghĩa quay sang nhìn cô gái chào buổi trưa, cười cười như bảo tôi biết cái gì đang lẫn lộn trong đầu em rồi.
Nhi ngồi bên cái bàn nứa. Tay khoanh vào lòng không thể nói năng gì được. Có cái gì đang xảy ra?
Lúc sau anh Nghĩa kéo hai cô gái bên thanh niên xung phong lại chỗ Nhi. Cả bọn lại chỗ gốc cây săng lẻ cao nhất có kê cái ghế gỗ đẽo từ cây lim bị bom. Anh xoa hai bàn tay, kỳ lạ, tay lính sao lại đẹp thế, rồi lấy từ túi áo mấy cái kẹo caramen, loại kẹo chống lạnh thường phát cho các chỉ huy. Trong khi hai cô kia ríu rít vì kẹo anh Nghĩa nhìn Nhi hỏi nhỏ: Có chuyện gì với em thế?
Chắc mặt mũi Nhi có gì lạ lùng lắm nhưng chỉ cần câu hỏi kiểu đó người lính vụt trở nên thân thiết. Xem kìa. Mặt mũi bà lão trắng bệch ra kìa. Một đứa con gái gõ ngón tay út vào mũi Nhi rồi cả bọn cùng cười. Anh hỏi cả bọn quê quán ở đâu học hành ở nhà ra sao hay nhận thư ai nhất? Giọng phía Nam trầm trầm của trung úy thật đặc biệt. Anh là học sinh miền Nam ba tập kết mang theo mà. Lớn lên trên đất Bắc. Vào lính. Vào binh chủng tên lửa. Anh thích lái Mig kia. Nhưng tim anh không đạt bị chuyển qua tên lửa. Một đứa con gái mạnh mồm trêu: Tim anh nhất định là không ổn rồi. Em có nghĩ thế không? Anh hỏi. Nhi lúng búng chả đâu vào đâu rồi anh ấy hỏi sau này các em sẽ làm gì? Sau chiến tranh ấy. Hỏi cả bọn nhưng chờ Nhi trả lời. Nhi nhớ cái cách hỏi han của anh, cách anh ấy nhìn vào mắt người đối thoại như biết Nhi sẽ trả lời ra sao. Rồi Nhi nói rất nhỏ:
Em không biết được đâu.
Ừ. Anh cũng vậy. Không thể biết được. Hỏi các em cho vui vậy thôi. Làm sao biết được. Nhỉ….
Anh kéo dài chữ cuối theo giọng Bắc rất buồn cười. Từ câu nói đùa chữ cuối theo kiểu Bắc ấy có linh cảm gì đó về những năm tháng chiến tranh còn dài phía trước. Nhưng hôm nay không có ném bom. Và chúng ta còn trẻ. Máu chảy trong huyết quản thanh sạch tâm hồn đứa nào cũng tràn ngập một cái gì đó như là giấc mơ vậy thì kéo dài cái giấc mơ này đi… Nhi nghĩ nhưng nhìn quanh thấy đầy người, kỷ luật đơn vị của từng người như những cái gọng quấn quanh cổ… Làm thế nào được. Nhi kéo mấy cô bạn ngồi lại. Trò chuyện linh tinh mong cho những giây phút bên anh Nghĩa kéo dài. Kéo thật dài. Ước gì chỉ có anh Nghĩa với mình. Ước gì anh ấy ôm mình một cái thật lâu. Như thời mẹ còn sống. Mẹ ôm đến không thở được. Nhưng mọi chuyện khắt khe dù chiến tranh dù chết chóc người ta vẫn sẵn sàng họp kiểm điểm nhau về một việc rất vớ vẩn. Ôm hôn nhau chẳng hạn.
Suốt đêm. Rừng ngừng bắn im ắng. Bộ đội ngủ say. Vài người lính gác đêm của đơn vị thanh niên xung phong thì thào trao đổi. Mùi thuốc lá của họ phảng phất trong không khí. Nhi đoán được cả mùi thuốc. Đoán được cả tiếng giày xào xạo trên lá khô. Gần sáng thì thiếp đi. Thiếp ngủ sâu đến nỗi không nghe tiếng xe xích. Không nghe tiếng đoàn xe đơn vị tên lửa đang nổ máy. Nghe được thì cái xe đầu đã đi. Không còn thấy anh Nghĩa đâu nữa. Nhi chạy như phát cuồng ra phía con đường chính. Chiếc xe xích sau cùng cũng chuyển bánh. Chân không kịp xỏ giày Nhi bước lên những lằn bánh xích chiếc xe vừa tạo ra. Bước và bước. Không còn kịp làm gì nữa. Không có cả hòm thư của anh Nghĩa. Hết tất cả rồi… Đứng ở cuối sân doanh trại, gục đầu vào cây săng lẻ Nhi ôm chặt hai cánh tay quanh ngực. Người ta đã từng viết tim bị xé rách. Tim Nhi cũng vậy. Có ai xé ra từng mảnh. Cái đau có thực. Đau nhói như có gì xuyên thấu. Đau chảy nước mắt. Như bị thương… Trạng thái đó kéo lúc lâu. Giờ này nếu anh Nghĩa quay lại Nhi sẽ ôm lấy anh. Ôm chặt. Không sợ gì nữa… Nhi nức nở. Thổn thức. Rồi vội im bặt khi có hai người gác ca sáng đi từ ngoài đường vào. Cả hai háo hức bình luận về mấy cái xe xích, không nhìn thấy Nhi. Không còn thổn thức. Nhưng nước mắt chưa thể ngừng…
***
Thằng cháu gọi điện: Dì nhớ ra ai chưa. Ông Nghĩa ấy.
Nhớ ra rồi. Người quen từ thời chiến tranh. Nhi cố nói giọng lãnh đạm.
Cháu có kế hoạch cho dì đấy. Cuối tháng cháu có xe ra ngoài ấy lấy vật liệu. Cháu có kế hoạch cho dì rồi… Thằng cháu hoan hỉ như phát hiện ra thế giới mới. Nó cười hi hí trong điện thoại. Không cho Nhi kịp hỏi cái kế hoạch của nó.
***
Chiến tranh vẫn chưa có dấu chấm. Nhi sốt rét mấy trận. Được chuyển về đơn vị bảo vệ thành phố. Làm việc trong trạm thông tin ở ngoại thành. Hơn một năm rồi. Bao nhiêu mối quan hệ mới. Nhi dần quên anh Nghĩa. Phai nhạt hẳn cái con đường đầy bánh xích xe Nhi bước lên vấp ngã vì tuyệt vọng. Có thứ cảm xúc chỉ xảy ra rất hiếm hoi trong đời.
Một buổi thấy trực ban báo vào: Có ai đó tìm. Bước ra ngoài trạm thấy một người cao cao có gì đó quen quen nhưng vẫn chưa biết là ai. Khi anh ấy đưa tay ra Nhi sững người. Anh Nghĩa. Dĩ nhiên rồi. Không nhận ra anh Nghĩa ngay có gì lạ. Ở trong khu rừng có những cây săng lẻ mà Nhi nhìn ra cây bạch dương kia, người lính được bao phủ trong cái màn sương hồng tưởng tượng, bao phủ trong khao khát cái đẹp, bao phủ trong sự bồng bềnh của ký ức của trang sách của những bộ phim chiến tranh. Anh khác xa với người lính đứng đây, bây giờ, ở thành phố. Anh theo Nhi vào doanh trại nhỏ của trạm thông tin, uống nước trong ca lính, bình thường như hàng trăm người lính Nhi đã gặp, ngập ngừng nói rằng anh đã cố hỏi thăm đơn vị thông tin của Nhi, rằng đơn vị tên lửa vào trong kia tổn thất nặng nề từ trận đánh đầu tiên, rằng có lẽ anh nghĩ nhất định phải đi tìm Nhi. Anh đã thoát nhiều lần lắm, nhiều hiểm nguy, nhiều cái chết cận kề. Hiện giờ đơn vị tên lửa ra ngoài này củng cố lại, bổ sung quân. Anh có chút thời gian.
Từ chỗ đơn vị đóng quân bên kia sông anh Nghĩa đến thăm Nhi bất kỳ khi nào có dịp. Có lúc đi với vài người bạn. Nhưng thường đi một mình. Mang cho Nhi lương khô, kẹo bánh mà lính tên lửa có tiêu chuẩn. Anh ít nói. Ân cần. Muốn làm một cái gì đó hơn thế nữa cho Nhi. Cả hai đều là lính. Nhưng cũng là một chàng trai một cô gái giữa cuộc chiến còn kéo dài. Tình cảm trìu mến tăng dần trong Nhi sau mỗi lần anh Nghĩa tới thăm. Lúc nào anh cũng rất vội. Muốn nói cái gì đó mà chưa nói được. Rồi một hôm anh Nghĩa đến, ngồi hơi lâu trong căn phòng của bốn cô lính thông tin. Được nghỉ, mọi người đều ý tứ đi chơi bên ngoài. Anh loay hoay sửa cái đèn bàn nhỏ Nhi dùng đọc sách. Anh bảo sau này em ra quân đi, khi hết đánh nhau ấy. Vào làm trong nhà máy quốc phòng. Anh sẽ về. Sẽ lo cho em cuộc sống tử tế. Em cứ tin là mọi sự sẽ yên ổn. Anh không để em phải khổ đâu… Anh sắp trở lại chiến trường. Đơn vị có lệnh rồi. Anh vừa được thăng quân hàm. Có ít tiền này. Cầm đi cho anh yên tâm. Cầm đi em. Nào.
Giọng nói run rẩy. Không có một từ yêu đương. Nhưng cử chỉ này thì phải hiểu thế nào đây?
Anh cầm theo cái ảnh chụp Nhi mang máy truyền tin. Bảo Nhi: em chỉ cần ký một chữ vào cho anh. Anh để vào túi ngực như lá bùa. Anh nói rồi choàng tay qua Nhi. Ôm siết, thật chặt. Nhi nói ngây ngô trong cái ôm chặt: Anh đừng chết đấy nhé.
Đừng lo. Anh phải về chứ. Để em một mình sao được?
Hôm đó là ngày rất đẹp. Thiên nhiên phớt lờ chiến tranh. Nắng vàng. Mùa thu. Như hôm ở trong rừng. Nắng cũng vàng óng để những cây bạch dương thẳng vút lên.
Từ đó đến hết chiến tranh Nhi không gặp anh Nghĩa. Chỉ có vài bức thư sau khi chia tay. Anh biến vào cuộc chiến tranh như biến vào hư không. Có lúc Nhi quên tên anh. Quên cả khuôn mặt anh. Nhưng không thể nào quên chàng trung úy trẻ tuổi đi trong rừng bạch dương, người có mấy tiếng đồng hồ đã làm con người Nhi sáng bừng cái ánh sáng lãng mạn của cả cuộc đời. Không mấy khi Nhi nhớ cái người lính đến thăm Nhi ở trạm thông tin ven thành phố. Như hai con người khác nhau dù có cái ôm siết chặt để nhận ra cảm xúc lạ lùng từ người đàn ông. Dù có những săn sóc ân cần.
Khi có đứa con thứ hai, Nhi theo xe cơ quan nhân một chuyến công tác qua rừng Trường Sơn. Nhi đòi mọi người xuống xe, nghỉ chân cạnh một di tích về trận đánh của pháo binh ta và bọn oanh tạc Mỹ. Rừng xanh trở lại từ lâu. Nhiều cây săng lẻ đã sống lại. Những cây thân gỗ cao thẳng vút bình thường không hề giống cây bạch dương mà Nhi đã thấy khi có hai năm đi học bên Nga sau chiến tranh. Lạ nhỉ. Sao lúc đó nhìn cây săng lẻ ra cây bạch dương. Rừng bạch dương bừng sáng khi có người lính mặc áo capốt đi ủng đội mũ sắt ghi chép công việc với cái vẻ chăm chú quan trọng.
Cây săng lẻ thực ra chỉ là cây săng lẻ thôi… Nhi ngẫm ngợi thấy mình thật buồn cười. Nhưng anh Nghĩa thì Nhi không còn nghĩ đến.
***
Kế hoạch thằng cháu nghe cũng có lý. Dì vào thăm thành phố miền Trung đi. Đơn vị cháu có khách sạn có nhà nghỉ. Cháu có xe đưa dì đi khắp nơi. Rồi một hôm nhé, gõ cửa nhà ông Nghĩa. Eng eng… xem ai nhận ra ai trước nào. Người còn giữ ảnh dì đê ngây hôm nay còn ngậm ngùi mỗi khi nhắc đến dì đâu có phải là người quên được. Phải không dì? Dì chuẩn bị đi. Mà cũng chẳng phải mang gì nhiều đâu. Cháu sẽ ra cuối tuần sau. Đi xe với bọn cháu nhìn ngắm đất nước chứ đi máy bay làm gì.
À mà cháu gặp ông Nghĩa rồi đấy. Bắt tay. Một người phong độ hoành tráng mọi phương diện.
Nhi bật cười. Chữ hoành tráng bọn trẻ dùng thật là bao la.
Ông chồng bảo đi chơi một chuyến cho vui. Xin nghỉ phép. Cái cơ quan em cũng đâu có nhiều việc? Cơm nước ở nhà đừng lo. Anh có mấy khi ăn cơm nhà. Bọn trẻ thì bảo sang bà nội. Chả có gì lấn bấn đâu…
Nhi sắp cái va li nhỏ. Làm lại đầu. Mua một hộp phấn thật xịn. Mua quà cho anh Nghĩa. Cho cả vợ anh Nghĩa. May hai cái áo cũng rất xịn. Kể cũng hay nhỉ? Anh Nghĩa đấy à. Chào anh.
Còn sau đó thì nói cái gì? Chào xong thì nói gì nhỉ?
Nhi đi làm về thường đi bộ dọc theo hồ. Nhìn ngắm lắng nghe cái sức sống hừng hực, tham lam, tranh thủ thời gian, chen lấn, cạnh tranh của mọi người. Nhi cũng kiếm tiền, cũng cạnh tranh, chen lấn cũng tham lam. Lại ngạc nhiên tại sao cái buổi ở rừng ấy trở nên rõ nét thế, bắt tim mình lần mò trở lại nhịp đập bất thường của buổi sáng khi xe kéo pháo đi xa. Mình vừa có vụ cạnh tranh ở cơ quan cơ mà. Thắng đậm.
Ban đêm, thằng cháu hồ hởi trong điện thoại. Dì ơi. Ngày mai bọn cháu xuất phát. Khi nào gần ra tới nơi cháu gọi điện cho dì. Cháu còn đi lo công việc của công ty phải hai ngày mới trở vào. Dì sẵn sàng đấy nhé. Hay tuyệt đấy. Eng eng…
Này. Dì không đi nữa đâu.
Sao ạ. Dịp này thuận tiện mà dì. Tháng sau lại mưa.
Dì không gặp ông Nghĩa nữa. Đừng nói với ông ấy là dì ở đây.
Sao thế?
Không sao đâu. Nhưng dì không đi nữa.
Thằng cháu sốc. Bỏ điện thoại xuống. Lát sau nó gọi lại. Phải có lý do chứ dì.
Không có lý do gì đâu. Nhưng cứ để mọi chuyện thế. Không có gì là khó hiểu với cháu cả. Chỉ biết là dì không thích đi nữa… Đừng đón dì… Nhớ đừng nói với ông Nghĩa về dì.
Nhi giở cái va li, treo lại quần áo lên móc, để vào tủ. Có cái sơ mi hiệu Giorgio Armani mua định làm quà cho anh Nghĩa. Nhi cho vào túi ni lông cất sâu dưới lớp quần áo mùa đông. Còn mấy tháng nữa mới đến mùa đông. Lúc đó sẽ nghĩ về cái áo sơ mi…