Số lần đọc/download: 2120 / 16
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
N
hư là vừa ngủ dậy, dù mắt Lý cay. Hoa nắng vãi ngoài sân không lay trong một ngày đứng gió, mớ củi phơi vẫn còn nguyên đó. Buổi trưa này như của hôm qua, đài cũng đang phát một bài ca cải lương, sóng âm dặt dẹo. Và tờ lịch đóng băng ngày mùng bốn. Chỉ tiếng chồng gầm gừ làm Lý biết có gì đó bị bỏ lỡ.
- Lúc này cô ngon ha. Dám để tôi ngủ muỗi ngoài đống rơm suốt đêm.
Mắt vẫn lảng vảng những con muỗi đói tối qua, chồng đập bép rồi gãi, mặt và tay dày mẩn đỏ. Lý ngó quanh tìm đứa con gái nhỏ chạy chơi bên xóm, cầu cứu nó tìm giúp chị mười sáu tiếng đồng hồ bị đánh mất. Ký ức bị đứt, từ xế trưa hôm qua đến giờ là một khoảng rỗng không. Hồi chưa chồng có lần uống rượu say, Lý cũng lẫn lộn nhớ quên vài thứ, nhưng không quên trắng như chưa từng sống kiểu này.
Tôi biết cô ngon rồi. Chồng vẫn nghiến ngầm, giọng đã lợ sang ngờ, lại có chút gì bâng khuâng. Cả anh cũng không tin nổi vợ đã không đón anh lên, không mở cửa cho anh như vẫn thường làm mỗi tối say mèm chân nọ rối chân kia. Khuya nào nhậu về anh cũng ngồi ở bờ sông réo Lý đón, có bữa chị mệt quá ngủ quên không thưa, anh lên tận cửa nhà kêu rồi lại quay xuống bến đợi được dìu.
Khuya qua Lý đã để chồng ngủ ngoài sân.
Như người say không biết sao lại đứng khóc trước nhà bồ cũ, Lý nghĩ đầu óc cũng tráo trở đôi khi. Như hôm đầu nhìn con trên tay bà đỡ, chị cảm giác đã gặp đứa bé lâu rồi. Có lần nghe rõ ràng có tiếng ghe máy quen lắm ngang qua dù mặt sông không hề xao động, nhiều lần mắt ráo trơ mà tưởng mình đang khóc. Giờ đứt lìa luôn một đoạn nhớ, không bất ngờ nhưng sợ. Giống hệt ảo thuật trên truyền hình, đang mặc bộ đồ bông tím ngó lại đã thay bộ rách vai, chớp mắt đã sang ngày. Nồi canh rau mồng tơi nấu tép rong mới bốc khói đây, giờ trên bếp chỏng chơ ơ cá bảy trầu kho quẹt. Chồng thì giận tràn hông vì ngủ muỗi, lúc anh kêu cửa chị vẫn tỉnh bơ ca vọng cổ như chọc tức. Đúng là ăn gan cóc tía. Con Mai Liên rụt rè nói không phải, tối qua mẹ dẫn con đi thi văn nghệ ở trường. Cõng con về tới nhà đã khuya, mẹ ôm con ngủ queo, đâu có nghe ba kêu.
Bím tóc thắt kiểu xương cá của con nhỏ mềm búng tay Lý. Nó nói chị thắt. Chẳng nhớ nổi từ hồi nào chị không chăm chút cho con. Lâu lâu giở mấy bộ đồ đứa trẻ mặc hồi vài ba tuổi, mới hay nó lớn lên như cỏ dại ngoài vườn. Chị đã mặc kệ nó. Vì đứa trẻ này mà chị gấp gáp lấy chồng và bởi nó nên chồng ghét chị. Kéo con vào lòng nựng nịu chị sợ ánh nhìn bén ngót của chồng. Ai cũng khen tên Mai Liên sang như dân chợ, nhưng cái tên đó Lý cũng đặt ầu ơ theo lời bâng quơ của cô y sỹ trạm xá khi nhìn đứa trẻ cuộn trong nách chị tìm hơi, “Con nhỏ như Miên lai”. Mỗi khi có người hỏi thăm con nhỏ giống ba hay mẹ, chị bốc khói bởi cái cười khét lẹt trên môi chồng, “giống ai thì vợ tôi mới biết chắc được”.
Nhưng Mai Liên mắt tròn mắt dẹt kể chị đã cõng nó, tối qua. Bím tóc xương cá như một bằng chứng yêu thương hiếm hoi của mẹ, phải xổ ra gội đầu thì con nhỏ tiếc. Nhìn mắt con thắp vui ngây ngất, ngực Lý thắt lại, vội quơ lấy cái nón lá rồi ra khỏi nhà. Chồng không giật giọng hỏi đi đâu, quanh cái võng anh nằm đang bay lượn những ngờ ngợ. Cô ta mà lại dám bỏ anh làm mồi cho bầy muỗi lá ngoài kia. Cô ta dám ? Không nín nhịn nữa sao ?
Nắng đổ tháo từng vũng sền sệt trên đường. Nhưng cái khoảng trống mênh mông của một ngày rơi rớt làm lưng Lý lạnh. Buồng phổi cứng đanh bởi hít thở thứ không khí khô quánh. Qua doi có người bán kem đang ngồi đụt nắng dưới đám quao, anh dợm đứng lên như đã chờ chị lâu rồi.
- Tôi lo cho em suốt từ tối qua. Trời, sao em nhìn tôi lạ vậy, em nói sẽ trốn đi với tôi mà.
Lý nhớ đời cái tháng Tư giáp hạt này, một ngày bị rớt mất đâu đó dưới nắng nôi hầm hập và người ta rủ nhau chơi phép điền vào ô trống của con nít. Người đàn ông này vẫn thường ghé nhà chị xin nước mưa, nghỉ chân đụt nắng dưới cái chái tồi tàn đằng trước. Hồi đầu thì Lý cũng niềm nở chào hỏi, nhưng từ lúc thấy anh ta hay da diết nhìn mình, nói ba khơi, chị trở mặt lạnh tanh. Mấy cây kem anh ta cho Mai Liên, Lý bắt con đem tiền trả rồi quẹt vô đít nó mấy roi trước mặt anh vì cái tội nhận quà của người lạ.
“Tôi vẫn qua xóm này, nhưng sẽ không phiền em đâu”, anh bán kem rười rượi, không ghé qua khoảng sân vàng hoa nắng nữa. Mấy con chó ngủ ngày trong xóm kịp làm quen với tiếng nhạc xe kem dậy động những ban trưa. Nhạc chỉ tắt lặng khi đi qua nhà chị.
Vậy mà hôm qua, bằng cách nào đó chị đã níu anh ta lại, rủ cùng nhau bỏ trốn. “Tôi mừng hết lớn”, anh hổn hển, “qua khỏi nhà máy xay lúa xóm Lung tôi còn tưởng nằm mơ”. Soi mắt anh, chị thấy một con đàn bà như cái chấm đen lơ vơ trên con đường xóm đang sôi bọt nắng, bộ dạng nhỏ nhoi, cô độc, ngơ ngác. Chị thèm muốn được nhớ lại, và quả quyết nói không phải, tôi đâu phải thứ đàn bà ấy, hôm qua tôi đưa con gái đi thi văn nghệ đằng trường. Nhưng chị không nhớ gì hết, từ một giờ trưa hôm qua đến hiện tại là một quãng ký ức mù. Qua nhà máy xóm Lung nghĩ là bọn chị đã đi rất xa, sắp chạm vào chợ huyện. Từ đó đến chuyến xe đò cuối cùng rời thị trấn chỉ nửa giờ đồng hồ. Anh ghé tiệm tạp hóa mua chai nước và chị đã biến mất, như một cọng cỏ lún sâu vào trong bóng tối mịt mùng.
“Tôi nghèo, nhưng chắc chắn tôi sẽ lo cho em tử tế. Em không tin tôi sao ?”, giọng anh bán kem nhuốm tuyệt vọng, thân người đổ bóng như một dấu hỏi kềnh càng. Hốc mắt ngầu đỏ, chút nữa chắc máu từ đó sẽ chảy thành giọt không làm sao cầm lại được. Lý hoảng quá lập cập bỏ đi một nước. Sau lưng chị, người đàn ông rúm ró như con mèo hen bị đem bỏ giữa đường. Qua quán nước đập Chệt hình như có vài người trong xóm vẫy tay, kêu ơi ới, nhưng chị không dám tạt vào với ý nghĩ bây giờ bất cứ người quen nào cũng có thể điền vào cái chỗ hỗng trống hoác của vùng nhớ, lỡ họ nói hôm qua chị giết ai đó, hay trần truồng ca hát cùng tụi nhỏ. Không biết còn gì tệ hơn chuyện chị muốn trốn đi.
- Nợ đời con vay thì phải trả cho xong.
Lý hay nói vậy với má, những lần bà dấp muối trên gò má, cổ tay sưng vù của chị. Bà hỏi chịu đựng thằng chồng xỉn say tới chừng nào. Hất mặt về phía trời, chị cười, ý nói má hỏi ổng đi. Chị nợ chồng, má cũng góp phần vay. Hồi đó bà bảo phải tìm ai đó cưới ngay để cái thai vô chủ đội bụng thì tao bỏ xứ. Ra sông cọ lọ nồi gặp thằng con trai đằng xóm chài tôm mà cứ đứng ngệt ngó mình, Lý ngoắc lại hỏi, có muốn lấy tui không ?
Chính tay mình đã biến anh chàng ngù ngờ dễ thương đó trở thành người đàn ông thất vọng, cộc cằn này đây. Lý áy náy mỗi khi thấy chồng đá con mèo chửa. Chó chửa chồng cũng ghét. Cưới chưa tròn tháng, chồng phát hiện cứ dán bụng mình vào bụng vợ là nghe có gì đó động cựa phập phồng. Đứa bé ra đời nhanh như lúa ngắn ngày, ngó nó bò chơi trên đất, chồng dùng trí tưởng tượng cằn cỗi dựng lại mặt mũi của gã giang hồ đã biến mất cùng chiếc ghe hội chợ. Ngó Lý nằm ngủ, chồng lại hình dung lưng trần người đàn bà này đã từng dính dấp lá tre khô ở phía sau đình, hai bàn chân trần đã từng duỗi đứ đừ đư cùng đôi chân thằng đàn ông khác.
Mình là chồng, mình cũng uống cho say, không thì làm cách nào khỏi nhớ mấy chuyện đó. Chị thường nghĩ vậy, vô cùng thanh thản, tuyệt không chút cay đắng nào. Bỏ trốn theo người đàn ông mà chị còn chưa biết tên, chỉ vì anh ta đã từng xé áo bó ngón tay chị đứt, chỉ vì anh ta thường nhìn chị bằng ánh nhìn day dứt, và hỏi cô sống vầy mà gọi là sống sao ? Không đâu, không bao giờ. Chị vừa đi vừa lẩm bẩm, hệt những đứa trẻ bị sai đi tiệm tạp hóa, lẩm bẩm để khỏi lẫn lộn giữa đường diêm và diêm quẹt.
Ngẩng lên đã tới nhà má. Lý vẫn thường đi về nhà bằng kiểu đó những lúc tan hoang. Không biết đi cách nào, bao lâu, bằng gì, chỉ biết sực tỉnh nhìn quanh là cái bàn ông thiên nằm giữa bụi bông trang đỏ hiện ra. Hai chân về nhà luôn có mắt. Nuốt ực bao nhiêu đau đớn bên cái cỗng rào ọp ẹp, như mọi khi, chị làm mặt tỉnh bước vào.
- Qua cơn khùng rồi sao ?
Má hỏi khi vừa nhìn thấy Lý. Mình cũng gây chuyện ở đây, chị nghĩ. Mớ rau muống đỏ eng lả ngọn trong thúng. Má nói là của chị. Chiều hôm qua chị ghé nhà má mượn gạo, đội theo thúng rau muống ốm o hái dọc theo những đáy mương đã cạn trơ lòng. Rau mùa nắng cọng cứng đanh, hôi mủ. Đáy thúng còn có ít gạo, nửa chục trứng gà má dúi cho.
- Mắc gì bây xách dao chạy theo chiếc ghe đó ?
Tóc tai xấp xãi sổ tung. Chân trần. Quần xoắn ống cao ống thấp. Lý lăm lăm xách dao chạy trên bờ, chiếc ghe chẳng biết sợ gì cũng lao đi xịt khói. Chị đã nhìn thấy gì trên ghe, má không biết, chỉ biết đứa con gái tội nghiệt bỗng hộc lên, chụp cây mác vót phóng theo quyết liệt, điên dại.
Săm soi đôi tay khô quéo, chị cố bói một ký ức hãy còn nóng hổi. Những ngón tay chai này đã từng cài chặt cửa mặc chồng ngủ muỗi, đã cầm dao săn đuổi một chiếc ghe nào đó ngang qua bến, đã từng nắm tay người đàn ông lạ hay nâng niu đứa con gái nhỏ bơ vơ ?
Má hỏi chị đuổi theo chiếc ghe đó tới đâu. Chị cười cười trong lúc đầu óc dần nhẹ bẫng, “Cũng không biết tới đâu chạy mệt nghỉ thì thôi, đuổi làm sao kịp thứ đã mất lâu rồi”.
Lạ lùng cái tháng Tư nắng đỏ, bỗng dưng mấy con đàn bà lạ hoắc chạy tới, bảo họ chính là Lý, xổng ra từ đâu đó bên trong chị. Nhận lại phiên bản nào Lý cũng thấy xốn xao. Không biết trong chị còn những ai nữa đòi được sổ lồng, bất chấp bị lấp vùi, đè nén. Đám cháy lớn sau đình suýt nữa thiêu rụi gian thờ thần hoàng đêm hôm ấy, người ta nói Lý châm lửa chớ ai.
Tức cười nhất là con Lý hùng hồn cắm cây mác vót vào giữa tim sông, sau khi chém nát mặt nước kiệt ròng, băm vằm dấu cặn bùn chiếc ghe để lại. Chỗ đó cách nhà Lý gần hai mươi cây số. Mặc kệ cây dao lút cán trong bùn, chị nhẹ nhõm thả tàu ngược về. Tĩnh lặng tràn trề, chị trôi ngửa như xác chết, mắt chong rờ rỡ bóng mây. Hơn nửa đời lí nhí cúi mặt, Lý bỗng nhìn thẳng vào trời không run sợ mảy may.
Ký ức hoang đường đó do bà xẩm khùng bên xóm tặng, gặp Lý lần nào bà cũng rụt rè lấy ngón út ẩy nhẹ vào người chị, dè dặt hỏi “sống lại rồi sao ?”