Ancient lovers believed a kiss would literally unite their souls, because the spirit was said to be carried in one’s breath.

Eve Glicksman

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Ngô Tín
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1151 / 3
Cập nhật: 2016-02-22 20:56:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17: Mưa Cũng Có Cái Thú Của Mưa, Cứ Gì Phải Trời Nắng
ùa Hè năm 2001, thời tiết ở Dung Thành và Mi Sơn khá giống nhau. Tháng Sáu, nóng hơn một chút, vào khoảng 35, 36 độ C, nước da người đi bộ dưới ánh nắng có đôi chút khác thường. Ánh mặt trời hơi độc. Câu nói có tính khuếch đại của người xưa nay đã ứng nghiệm. Một số người không sợ nắng như Triệu Ngư, Nam Tử thường thích đi bộ trong nắng, song với sự khuyên can của người khác, họ cũng cảnh giác với cái nắng nóng. Đã có những thực tế đủ để chứng minh rằng người mắc bệnh ngoài da ngày càng tăng lên. Vợ người bạn Triệu Ngư đứng trên sân thượng phơi nắng suốt hai tiếng đồng hồ để tưới cây, kết quả da bị mẩn ngứa rất khó chịu. Lúc đó, chị ta không để ý nhưng về sau đã phát hiện da ở chỗ cổ tay đeo đồng hồ có vấn đề.
Tầng dưỡng khí trên trái đất có những khe hở khổng lồ mà con người không thể nhìn thấy được. Con người chỉ quan tâm đến những vật mình nhìn thấy, đó cũng là một trong những đặc trưng trong thời đại ngày nay của chúng ta. Bầu không khí nóng tăng dần hàng năm, các nhà khoa học đã đưa ra một luận đoán mang tính thuật ngữ: Hiệu ứng nhà kính. Những người quan tâm và không quan tâm đều thừa nhận rằng nhiệt độ đã có sự thay đổi rõ rệt so với hai mươi năm về trước, mùa Đông không rét, mùa Hè lại quá nóng bức. Nhưng sự thay đổi cũng chỉ là thay đổi, nó có ý nghĩa gì? Sự thay đổi ấy có thật đáng sợ không? Hàng ngày trên thế giới đều có sự thay đổi, nếu không có sự thay đổi mới là điều đáng sợ... Những người lạc quan tin rằng các nhà khoa học sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Sợ gì trời nóng! Đã có máy điều hòa không khí thật dễ chịu biết bao! Xe ôtô nhả ra một khối lượng lớn khói bụi, có gì là lạ đâu. Người Mỹ từ chối không ký vào bản Nghị định thư Kyoto về môi trường, chẳng lẽ người Trung Quốc lại phải lo sợ ư? Tiếng nói bảo vệ môi trường ngày càng có sức mạnh nhưng liệu có thể lấn lướt được sự phát triển không? Phát triển là lý lẽ đanh thép, còn mọi thứ đều là lý lẽ mềm yếu. Ngập lụt bệnh dịch, bụi bặm... cũng đã qua rồi, chẳng phải chúng ta vẫn sống rất khỏe đó sao? Mặc dầu số lượng người nghèo chiếm tỉ lệ rất cao, nhưng há chẳng phải vẫn có khá nhiều người Trung Quốc vẫn sống sung túc đó sao? Người giàu ăn của ngon vật lạ, người nghèo nai lưng ra phục vụ, cảnh tượng cuộc sống như vậy há chẳng phù hợp với logic của một số nhân vật tai to mặt lớn hay sao?
Trời đã thay đổi rồi, đó là thực tế không cần bàn cãi: Đất cũng đã thay đổi rồi, đó cũng lại là một thực tế không thể chối cãi. Nhưng sự thay đổi của trời lại bắt nguồn từ sự thay đổi của con người. Con người ở đây là chỉ những con người lòng tham vô đáy sống ích kỷ, chỉ biết trục lợi, họ bất chấp tất cả, thật là khủng khiếp. Song cũng có những tiếng nói dõng dạc từ bờ đại dương mênh mông truyền đến, tiếng nói ấy nhắc đi nhắc lại không biết mệt mỏi ba chữ: Dừng lại ngay. Dừng lại ngay, đừng tàn phá thiên nhiên nữa, dừng lại ngay lòng tham vô đáy, dừng lại ngay...
Cũng như Triệu Ngư, một người sống ở phía tây thành phố, ngày nào cũng nghe người ta nói đến: phát triển, phát triển, phát triển. Nghe mãi cũng quen tai, về sau từ này lại mang một ý nghĩa khác: làm giàu. Phải tỏ rõ cho người châu Âu biết, người Trung Quốc chúng ta cũng... nghĩ tới đây, Triệu Ngư bật cười, anh bỗng nhớ lại lời kêu gọi của thế giới: Phải dừng lại ngay. Anh đã nghe câu này suốt mười năm rồi, tiếng nói trên sách báo và tiếng nói trong trái tim bây giờ mới gặp nhau.
Năm 2001, có một tờ báo đã đăng tin: Mấy trăm nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra kết luận: Việc trái đất nóng dần lên là điều không sao tránh khỏi. Người Trung Quốc thì nói rằng mệnh trời đã định. Triệu Ngư rất ngưỡng mộ một giáo sư người Đức, vì ngay từ những năm 30 của thế kỷ hai mươi ông này đã chỉ ra: Phải tổng động viên toàn cầu để cứu lấy trái đất. Triệu Ngư rất tâm đắc với ý tưởng này, năm nay anh đã ba mươi bảy tuổi, anh thấy mình cần phải làm một việc gì đó, phải có tiếng nói riêng của mình, cho dù tiếng nói ấy có đem lại kết quả hay không, điều quan trọng là phải có tiếng nói. Niềm an ủi duy nhất của anh là tờ tạp chí Bạn đọc được phát hành rộng rãi trên toàn quốc ngày càng đăng nhiều tiếng nói của độc giả. Sự vận động bên lề của giới văn nghệ sĩ và dư luận đông đảo người dân đã tạo nên một sức mạnh thường xuyên cảnh báo về thảm họa môi trường. Nhưng trước mắt vẫn có thể là không khí ảm đạm, ham muốn của con người vẫn như con ngựa tuột khỏi dây cương, chủ nghĩa vật chất vẫn đang bừng bừng như ngọn lửa cháy. Qua những diễn biến thực tế, Triệu Ngư đã nhìn thấy sự ngu ngốc, ngu ngốc đến mức không tưởng của con người. Nếu sự ngu ngốc ấy đã trở thành thói quen thì chỉ còn biết lo lắng. Bạn cứ nghĩ, nghĩ mãi nhưng xung quanh bạn vẫn chỉ là những sự hung hăng, tàn phá môi trường, bất chấp tất cả.
Triệu Ngư đã rút ra bài học, coi đây là lá bùa hộ mệnh cho mình. Không thể đơn thương độc mã chiến đấu với thảm họa có một không hai trong lịch sử thế giới. Không thể cứ đơn phương phê phán, rồi đứng trơ mắt ếch ra nhìn. Đời người rất ngắn ngủi, chỉ vài chục năm là biến mất, trong khi đó những cái cần cảm thụ lại rất nhiều, có thể nói là nhiều vô kể.
Cuối mùa Hè năm 2001 ở Thành Đô và Mi Sơn đều có mưa, mưa kéo dài hàng mấy chục ngày, khắp nơi trong thành phố đều bị ngập lụt. Nạn lụt khủng khiếp chưa từng thấy bao giờ, ngay cả người sống trăm tuổi cũng chưa một lần được chứng kiến. Khu vực Tứ Xuyên trở thành vùng mưa dữ dội, cây cối, côn trùng đua nhau sinh nở. Dòng sông Phủ Nam chảy như thác lũ, nước sông dâng cao cả chục mét. Có ngày nhìn lên thấy trời nắng hẳn hoi, thế mà chỉ trong chớp mắt trời đã sập tối, lại đổ mưa dữ dội. Trời đã thay đổi rồi, trời ơi là trời, dự báo thời tiết sai bét hết cả. Ruộng đồng ngập mênh mông đúng lúc lúa đang lên đòng, rau sắp ra hoa. Người thành phố không gặp trở ngại lớn lắm, chỉ phải mỗi tội không đi ra đường được, đường phố ngập lênh láng, những người làm ăn buôn bán đành chịu bó tay, đành đợi đến năm sau sẽ tính.
Mưa liên miên, đem lại nhiều sự buồn phiền. nhưng chính trong mưa cũng lại có nhiều niềm vui. Những người có niềm vui bao giờ cũng vui, trong mưa cũng có cái thú vui, hà cớ gì cứ phải đợi trời nắng. Mùa Thu trời quang mây tạnh, ai chẳng thích, còn trời mưa tầm tã như mùa Hè này ai chả phiền lòng...
Hỷ Nhi ở đường Tô Tam Mi Sơn, do ở tầng cao nên bị nước dột tràn vào lênh láng, các phòng đều sũng nước, nước ngấm cả vào sàn nhà, dội xuống nhà Điền Tiểu Lan tí tách. Khi đi làm về Điền Tiểu Lan đứng ngây người như phỗng, chị vội chạy lên tầng bảy. Nhưng lúc đó Hỷ Nhi vẫn còn ở công ty uống rượu với mấy người bạn. Khi trở về anh ghé qua căn hộ của Điền Tiểu Lan, thấy chỗ nào cũng đặt chậu hứng nước, anh lại thấy vui vui. Hỷ Nhi hỏi xem cô định làm gì.
Điền Tiểu Lan đẩy anh lên gác, vừa mở cửa đã thấy nước mưa rơi tí tách. Điền Tiểu Lan bật ô, Hỷ Nhi lại thấy vui. Về nhà vẫn phải che ô, thích thật. Hai người cùng che một cái ô. Hỷ Nhi đi đến đâu, cái ô đi theo đến đó. Cái ô đã trở thành phương tiện của tình yêu, dưới mái ô là hai khuôn mặt ửng hồng. Hai người cùng lao động, cùng tát nước, khiến tình yêu giữa họ càng thêm mặn nồng. Chỉ có điều Hỷ Nhi mải miết tát nước nên không kịp thổ lộ tình yêu. Tát sạch nước trên tầng bảy cũng có nghĩa là tầng sáu không bị dột nữa. Buổi tối, mưa đã nhẹ hạt hơn, Hỷ Nhi cầm đèn pin lên kiểm tra nóc nhà, thì ra những bồn hoa đã làm đọng nước ngấm vào tường rồi dột xuống khắp nhà. Hỷ Nhi lấy xẻng hớt các lớp đất còn Điền Tiểu Lan tay cầm ô, tay cầm đèn pin, cả hai hì hục lao động suốt hai tiếng đồng hồ mới xúc hết lớp đất rồi họ cùng đi xuống nhà. Họ tắm rửa, thay quần áo, tinh thần phấn chấn hẳn lên, khuôn mặt ửng hồng, nói cười vui vẻ. Hỷ Nhi giúp Điền Tiểu Lan sắp xếp lại giường ngủ. Khi trải ga giường, chiếc váy ngắn của Điền Tiểu Lan để lộ ra đôi chân trắng nõn, Hỷ Nhi đứng sững người. Điền Tiểu Lan nói: "Này", rồi lại nói, "này", lúc đó Hỷ Nhi mới như người sực tỉnh. Tháng Năm, lần đầu tiên họ hôn nhau trên sân thượng, nhưng chưa có dịp lên giường cùng nhau. Nửa tháng trước, họ lại hôn nhau lần nữa, nhưng vẫn chưa lên giường cùng nhau. Thiệu Binh như một linh hồn ma quái, có thể trở về bất cứ lúc nào. Đệm giường đã trải xong, chiếc gối trắng toát, hai người ngồi bên thành giường rồi dần dần xích lại gần nhau. Lao động suốt mấy tiếng đồng hồ, lúc này nên tận hưởng niềm vui mới đúng. Điền Tiểu Lan có hệ thần kinh rất vững, chị vẫn tỉnh táo theo dõi những tiếng động ở cầu thang. Hỷ Nhi cũng vội khóa chặt then cửa. Anh yêu Điền Tiểu Lan tha thiết, mọi động tác của anh cứ như chó đói vồ mồi, ăn vội ăn vàng vì sợ người khác chộp giật mất. Thiệu Binh có một chiếc xe cũ, có thể về Mi Sơn bất cứ lúc nào, dù là nửa đêm hay hai, ba giờ sáng. Thiệu Binh không quản gió mưa, gió mưa càng thêm kích thích dục vọng của anh ta... Hỷ Nhi và Điền Tiểu Lan ngồi bên giường hôn nhau, hôn thật say sưa đằm thắm như vừa được ăn một bát canh ngon. Họ vẫn không thể lên giường cùng nhau. Hai người buông nhau ra, ngồi nhẩm tính đợi hôm nào trời nắng sẽ gọi thợ đến sửa trần nhà. Đúng lúc đó có một tiếng sấm rất to làm hai người giật thót tim, cứ tưởng Thiệu Binh mở cửa...
Mưa bất thường, mưa triền miên, niềm vui trong mưa, ví dụ như Tôn Kiện Quân ở Thành Đô chẳng hạn. Cô con gái Tôn Tiểu Minh đã nghỉ hè nhưng vẫn đến trường học thêm. Tôn Kiện Quân nhận lời với Tiểu Đào, suốt ba buổi chiều liên tiếp đánh xe đến trường đón con, tiện thể đón luôn Triệu Cao, con trai Thương Nữ. Thương Nữ đã gọi điện nhờ anh đón hộ vì Triệu Ngư đi công tác ở Sơn Đông chưa về. Trước hết, Tôn Kiện Quân đưa con gái về với Tiểu Đào, sau đó mới đưa Triệu Cao về phố Cát Thắng. Nhưng Triệu Cao không chịu, nó đòi cùng vào nhà để làm bài tập với Tôn Tiểu Minh. Tôn Kiện Quân gọi điện hỏi ý kiến Thương Nữ, Thương Nữ đồng ý. Tôn Kiện Quân mừng thầm trong bụng: lại có thời cơ rồi. Anh tự vào bếp nấu cơm rồi đánh xe đến công ty điện tín đón Thương Nữ. Bữa cơm tối rất vui lại có thêm chủ nhà Tiểu Đào, cả năm người cùng ngồi vào bàn ăn. Suốt ba ngày đều diễn ra như thế, Tôn Kiện Quân thấy hả lòng, hả dạ. Trong hai người đàn bà thì Thương Nữ là mối tình đầu, còn Tiểu Đào là vợ cũ của anh. Bên chiếc bàn ăn hình chữ nhật, anh ngồi chính giữa, Thương Nữ và Tiểu Đào ngồi hai bên. Tôn Kiện Quân hết quay sang bên trái lại quay sang bên phải gắp thức ăn, cạn chén với họ. Anh húp thử một thìa canh rồi khen ngon rối rít, tạo nên một không khí đầm ấm trong gia đình. Tiểu Đào tỏ ra khách sáo với Thương Nữ. Trước đây chính Thương Nữ làm chị phải đau lòng, nhưng bây giờ thì không. Tất nhiên chị không đẹp bằng Thương Nữ nhưng lại thời thượng hơn. Khi chị nói chuyện về thời thượng, Thương Nữ chỉ còn cách ngồi ngây như một khúc gỗ, há hốc mồm nghe. Tiểu Đào thầm nghĩ: Người đàn bà gởi thân cho một người đàn ông cứng như khúc gỗ thì chính cô ta cũng là một khúc gỗ không hơn không kém. Thương Nữ đã ba mươi tuổi nhưng vẫn chưa hề nhận ra những khiếm khuyết của mình, về mặt xã hội, chị được trời phú cho tiền tài, đi lại bằng những chiếc xe sang trọng, nhưng thời gian đã quá gấp gáp rồi, mỗi năm lại sụt giá trông thấy. Tôn Kiện Quân vẫn say mê Thương Nữ như điếu đổ, điều đó Tiểu Đào biết rất rõ. Chị rất ủng hộ chồng trước biến ước mơ thành hiện thực. Trên bàn ăn, chị luôn dùng lời lẽ gán ghép cho hai người, khêu gợi lại những chuyện cũ, ngầm ám chỉ Tôn Kiện Quân vẫn rắp tâm theo đuổi mối tình đầu. Phớt lờ sự khó xử của Thương Nữ, chị luôn cố ý nhắc lại tính chất quan trọng của mối tình đầu trong cuộc sống. Có điện thoại gọi, Tiểu Đào cầm ô đi ngay, chị đi ôtô, sợ gì mưa... Hai đứa trẻ sang phòng bên đóng cửa làm bài tập, còn lại một người đàn ông và một người đàn bà, uống nốt cốc rượu, họ sang phòng khách ngồi xem ti vi, nhưng ti vi đang chiếu chương trình gì, có lẽ cả hai người đều không tập trung tư tưởng. Thậm chí Tôn Kiện Quân càng tệ hại hơn: trong anh dường như không hề có ti vi. Trở lại với trạng thái ngơ ngác năm nào, anh đăm đăm nhìn Thương Nữ, nhìn mãi không biết chán, nghe mãi vẫn thấy chưa đủ.
Thương Nữ mặc váy ngắn để lộ bộ đùi gợi cảm, mắt không rời Tôn Kiện Quân, bất thần chị quay đầu lại xem ti vi. Tôn Kiện Quân hồi hộp trong lòng: Cái ti vi chết tiệt này, hãy biến đi cho rảnh mắt. Nhưng làm sao ti vi có thể biến đi được, chính nó là cái cớ để hai người có thể ngồi với nhau suốt mấy tiếng đồng hồ. Thương Nữ luôn giục con trai về nhà, nhưng Triệu Cao vẫn mải mê nô đùa với Tôn Tiểu Minh... Có ai biết Thương Nữ chỉ giả vờ giục con như vậy không? Cứ nhìn điệu bộ chị ngồi trên sa lông cũng đủ biết chị chưa muốn về. Hai người thủ thỉ nói chuyện như một cặp vợ chồng. Người đàn ông thì kiên nhẫn hầu hạ, còn người đàn bà thì không cần ý tứ, hết uống nước lại ăn hoa quả... Thương Nữ đứng dậy đi vệ sinh, Tôn Kiện Quân tay cầm một chiếc khăn mặt mới. Chiếc khăn mặt đẹp có ý nói với Thương Nữ rằng hãy cho anh cơ hội quý giá này. Thương Nữ cầm lấy chiếc khăn màu sắc sặc sỡ cũng có nghĩa muốn nói với anh: Em hiểu rồi... Thật vậy, làm sao chị lại không hiểu ra kia chứ. Họ ra khỏi nhà vệ sinh trở lại ngồi nguyên chỗ cũ, Tôn Kiện Quân kéo Thương Nữ về phía mình. Uống xong hụm nước, anh nhích lại gần hơn thì thầm với Thương Nữ như một cặp vợ chồng. Chiếc đi văng hình vòng cung dường như che khuất cả chiếc ti vi. Tôn Kiện Quân kéo Thương Nữ xích lại gần hơn nữa. Đây là động tác quen thuộc của Tôn Kiện Quân suốt mười năm qua mỗi khi tiếp cận Thương Nữ. Tôn Kiện Quân, hồi hộp, dục vọng đang thúc giục anh. Tình yêu làm anh sáng mắt ra, giọng nói lạc hẳn đi. Giá mà ôm ngay được Thương Nữ vào lòng thì hay biết mấy. Nhưng không thể được vì Thương Nữ vẫn ngồi yên bất động. Nếu Tôn Kiện Quân đánh liều cứ ôm chầm lấy Thương Nữ, thì có lẽ hậu quả sẽ thật khó lường. Hơn nữa anh cũng còn đủ bình tĩnh, không đến nỗi mù quáng làm bừa làm ẩu. Thật là cơ hội ngàn vàng, hai người ngồi với nhau suốt từ bảy giờ đến chín giờ. Đúng lúc đó Tiểu Đào về, hai người đều đứng lên nói lời tạm biệt ra về. Tiểu Đào nói ngay: - Tôi vừa về đến nhà, hai người đã định về hay sao? Nếu tôi chưa về thì sao? - Tiểu Đào mỉm cười, rồi đưa cho mỗi người một cái ô. Triệu Cao cầm lấy chiếc ô đi ra trước, Tôn Kiện Quân và Thương Nữ dùng chung một cái ô đi sau. Khi xuống đến bãi đỗ xe, cách nhà khoảng hai chục mét, Tôn Kiện Quân khẽ bấm tay vào thắt lưng Thương Nữ, đùi sát bên đùi, mặt giáp mặt. Trời mưa to quá, mưa rơi lộp bộp trên chiếc ô, họ càng áp sát vào nhau hơn. Hai mươi mét hạnh phúc, bỗng làm họ nhớ lại hai mươi giây hạnh phúc ở miếu Tam Tô năm ngoái. Tiểu Đào đứng trên tầng ba nhìn rất rõ cử động của hai người. Chị ngẩn người, nhưng thôi, đó là chuyện của họ...
Niềm vui trong mưa đã làm Tôn Kiện Quân quên hết cả. Sau khi đưa mẹ con Thương Nữ về phố Cát Thắng, anh quay đầu xe chạy lên đường cao tốc trước mưa to gió lớn, trước phong ba bão táp trong tâm hồn. Mưa vẫn ngày càng dữ dội, lòng người nóng như lửa cháy, biết tính sao đây? Anh gọi điện cho Phan Đình rồi cho xe chạy một mạch đến đường Tam Hoàng. Trong mưa to, tiếng Phan Đình cười, hét lên: - Anh điên rồi sao?
- Đúng thế, anh đang điên, đêm nay anh phải điên tới số cho đã đời.
May mà có hình ảnh một người đã níu giữ anh lại: người vợ trẻ tuổi của anh: Nam Tử.
Mưa rơi, mưa rơi, mưa tháng Bảy, mưa tháng Tám, nông dân lo lắng, những người làm nghề buôn bán ở thành thị chau mày, còn những cặp tình nhân thì tới tấp đưa nhau đến các quán cà phê. Thôi thì đủ mọi chuyện, người ta gọi điện, nhắn tin cho nhau, kéo nhau đến phòng trà tán gẫu... chỉ có Nam Tử là người thiệt thòi nhất. Ở quê chị chẳng có những chuyện như thế bao giờ. Mưa vài trận, nhà nông có cơ may được một vụ mùa bội thu. Thường ngày, Nam Tử vốn đã ít ra ngoài, những khi trời mưa lại càng không muốn ra ngoài. Chị ngồi trong nhà xem ti vi, nghe nhạc, ôn tập tiếng Anh, buổi chiều vào lúc năm giờ chị đành đội mưa đến nhà trẻ đón con trai Tôn Ân. Nam Tử xinh đẹp cũng có nhiều tâm tư, mưa to bão lớn, sấm rền chớp giật cũng không thể làm chị liên tưởng đến cái đêm ấy ở quê nhà. Ký ức chị về cái đêm ấy đã được khóa chặt trong hòm bảo hiểm. Chồng chị, ngoài lúc đi làm, nói chung đều có mặt ở nhà. Ba miệng ăn cùng ngồi vào bàn thật là hạnh phúc. Tiếng mưa rơi như ru ngủ lòng người. Thế mới hay, mới gọi là cuộc sống gia đình, những ngày bình thường rất khó có cảnh này, chỉ có mùa mưa mới có thể giúp chị đem lại không khí ấm áp gia đình. Có một lần Tôn Kiện Quân vừa mở cửa, định đi nhưng màn đêm lóe lên mấy tia chớp, anh đứng tần ngần hồi lâu rồi lại quay vào ngồi bên cạnh vợ. Đúng là trời mưa đã giữ chân người ở lại, đã níu chân phu quân của chị... Nam Tử ngày càng xinh đẹp hơn, đôi mắt dịu hiền, giọng nói ngọt ngào. Nhưng suốt mấy ngày liền, Tôn Kiện Quân đi đâu mất tăm mất tích, làm chị rầu lòng. Cứ khoảng bốn giờ chiều chị lại nhận được một cú điện thoại báo tin chiều nay anh không về, tối còn đi dự chiêu đãi. Chiêu đãi gì, ở đâu anh không hề cho chị biết. Có một hôm mãi tận nửa đêm anh mới về... Trong màn đêm lạnh lẽo, Nam Tử mặc chiếc váy ngắn đứng trước cửa sổ chờ chồng, hai tay chị lạnh ngắt. Trong mưa to gió lớn bỗng chị vụt nhớ tới một cái tên: Ninh Cường.
Mùa mưa năm 2001 kéo dài từ tháng Bảy đến tận tháng Chín, trong thời gian đó cũng có một vài ngày nắng ráo. Mọi người đổ ra đường để thay đổi không khí đều đem theo ô, nét mặt hớn hở như tù nhân được tha tù. Bạn bè lâu ngày mới được gặp nhau nên đề tài về thời tiết thường được nhắc đến. Mưa lâu như thế nếu không nói vài câu thì chịu sao nổi? Không ai nhắc đến vấn đề biến thiên của trời đất. Mọi người đều tin rằng trong lịch sử đã từng có những đợt mưa kéo dài suốt hơn hai tháng, có gì là lạ đâu. Cũng như thời tiết nóng bức, mặt trời trở nên độc ác, nếu nước sông không bị cạn kiệt thì ngập lụt mênh mông...
Những ngày trời mưa tầm tã, mặt trời không thể ngóc đầu lên được cuộc sống vẫn cứ diễn ra. Trịnh thợ may, cô gái vừa xinh đẹp vừa đảm đang của thị trấn Cầu Khê đang chuẩn bị ra Thành Đô lập nghiệp. Kế hoạch mở cửa hàng lẩu cá mè ở thành phố đã bước đầu được thực hiện, đã đặt tiền đặt cọc thuê nhà. Diện tích ba trăm mét vuông nhà dùng để kinh doanh được chia làm hai tầng, địa điểm này trước đây là cửa hàng cơm nhưng không sống nổi nên chị thuê để mở cửa hàng lẩu cá thực hiện ước vọng bấy lâu nay của chị. Chị dựa vào sự giúp đỡ của Triệu Ngư. Triệu Ngư vừa nhiệt tình vừa thận trọng suy nghĩ về mọi mặt giúp chị. Chị đã gặp Thương Nữ và mua tặng Triệu Ngư rất nhiều thứ. Chị nói với Triệu Ngư: Tôi thật không biết hình dung về vợ anh như thế nào cho đúng...
Nhưng khi trở về thị trấn Cầu Khê chị lại thao thao bất tuyệt kể cho Lương Ngọc Cầm nghe nào là cái mũi, đôi mắt, dáng người ra sao, khiến Ngọc Cầm nghe mà mê tít. Lương Ngọc Cầm hơi phiền lòng ở chỗ vợ chồng Triệu Ngư vốn là khách nhà chị, nay bị Trịnh thợ may nẫng tay trên. Chị đề nghị bà chủ của mình cho chị đi Thành Đô một chuyến vì đã bảy, tám năm nay chị chưa đi Thành Đô. Trịnh thợ may gãi tai, ôm lấy chị bảo rằng: được, được...
Vào một ngày đầu tháng Tám, hai người thu dọn hành lý rồi lên đường. Lúc đó, trời tối sầm, vừa đến Thành Đô trời đã đổ một cơn mưa lớn. Trịnh thợ may thuê một xe taxi và nói với Lương Ngọc Cầm:
- Từ nay cậu đừng gọi mình là Trịnh thợ may nhé.
- Gọi cậu là, Tổng giám đốc Trịnh cho oai. - Lương Ngọc Cầm nói.
- Gọi thế khó nghe lắm, cứ gọi tên thật của mình là Trịnh Thái Ức cho tiện. - Trịnh thợ may nói.
Buổi tối hôm đó, hai người đàn bà ở thị trấn nhỏ đến số nhà 77 phố Cát Thắng thăm vợ chồng Triệu Ngư. Lương Ngọc Cầm trang điểm kỹ càng, mặc quần áo mới, đi giày cao gót. Còn Trịnh Thái Ức vẫn ăn mặc bình thường, vẫn áo sơ mi đen, quần bò. Họ vừa vào đến cửa đã được Thương Nữ niềm nở đón tiếp, chị cũng ăn mặc giản dị: quần soóc, áo sơ mi trắng. Ngoài chiếc vòng kiềng đeo cổ, chị không trang điểm thêm gì hết. Trong khi đó Lương Ngọc Cầm thì nào là nhẫn vàng, khuyên tai, kiềng vàng đủ cả. So với Thương Nữ rõ ràng là hơi tầm thường, nhút nhát chỉ ngồi yên, không nói năng gì, trong khi đó, Trịnh Thái Ức luôn miệng nói cười, vồn vã kéo tay Triệu Cao như người thân thiết trong nhà. Triệu Ngư hỏi thăm Vương Đông và tình hình kinh doanh của cửa hàng lẩu cá ở Cầu Khê, Lương Ngọc Cầm trả lời rành rọt từng câu một, nhưng khổ một nỗi vừa trả lời mặt vừa đỏ bừng lên. Thương Nữ chỉ cười và nhìn chị.
Khi từ biệt vợ chồng Triệu Ngư xuống đến cổng lớn thì lão Tào ra mở cổng, lão ngắm nhìn rất kỹ hai người đàn bà nhà quê. Lão thấy khẩu khí của hai người này rất quê mùa, lão phân tích: đúng là hai người này đến tìm Triệu Ngư nhưng không may có Thương Nữ ở nhà...
Khi về đến nhà trọ, Trịnh Thái Ức và Lương Ngọc Cầm đi tắm rồi leo lên giường. Mỗi người đắp một chăn bông riêng, nhưng cùng gối chung một gối, họ giao hẹn với nhau cấm không được đùa nghịch, chỉ nói chuyện nghiêm túc thôi. Bỗng Trịnh Thái Ức nói đến vấn đề tiền, chị bảo rằng chạy đôn chạy đáo mãi mới vay được hai mươi vạn đồng nhưng khoản tiền nhỏ mọn này chẳng thấm vào đâu, còn thiếu một khoản tiền rất lớn, biết kiếm đâu ra bây giờ? Về thị trấn Cầu Khê vay ư? Không hy vọng. Bạn bè thân thiết của Trịnh Thái Ức ở thị trấn Cầu Khê chắc cũng không giúp đỡ được nhiều lắm. Lần đầu tiên Lương Ngọc Cầm nghe Trịnh Thái Ức nói đến vốn liếng làm ăn, mà thấy giật mình. Đúng như dự đoán của Trịnh Thái Ức, Lương Ngọc Cầm đã gửi gắm tiền đồ của mình vào sự nghiệp của Trịnh Thái Ức. Lương Ngọc Cầm trở mình, quay mặt sang phía khác, Trịnh Thái Ức nhân cơ hội này trêu Lương Ngọc Cầm một trận, chị luồn tay sang chân của Lương Ngọc Cầm, Lương Ngọc Cầm chộp lấy tay Trịnh Thái Ức hét toáng lên:
- Đã bảo không được nghịch kia mà.
- Nghịch cái gì nào? - Trịnh Thái Ức cười bảo.
- Cậu chẳng đang nghịch là gì? Nếu không phải thì cậu cứ bỏ tay ra. - Lương Ngọc Cầm nói.
- Nếu mình không bỏ tay ra thì đã sao nào. - Trịnh Thái Ức nói.
- Cậu lạ thật đấy, hai cái chăn dày như nhau. Hơn nữa tiết trời tháng Tám chứ có phải đêm Đông giá rét gì đâu. - Lương Ngọc Cầm nói.
- Thời tiết hôm nay có khác gì mùa Đông giá rét đâu, nếu không tin cậu cứ sờ vào tay mình mà xem, lạnh buốt cả ra đây này. - Trịnh Thái Ức cười bảo.
Lương Ngọc Cầm không tin, thò tay sang chăn của Trịnh Thái Ức quả nhiên thấy hơi lạnh. Thế là hai người cùng đắp chung một chăn, không để cho hơi ấm bị phân tán. Đùa nghịch với nhau một hồi, họ quay sang nói chuyện nghiêm túc.
- Nước đã lên đến tận cổ rồi mà cậu vẫn không lo hay sao? - Nếu ở địa vị mình, thì mình sẽ lo phát khiếp lên được. - Lương Ngọc Cầm nói.
- Nếu cậu chết đi, thì hàng năm mình sẽ đến bên mộ cậu khóc một lần. Cậu cũng biết đấy, nếu cậu chết thì mình biết sống với ai? - Trịnh Thái Ức nói.
- Cậu định sống với ai? - Lương Ngọc Cầm nói.
- Mình sẽ sống với Vương Đông, đức ông chồng đáng yêu của cậu. - Trịnh Thái Ức nói.
- Được lắm, lại vớ được của hời rồi. - Lương Ngọc Cầm bấm Trịnh Thái Ức một cái.
- Làm gì có chuyện của hời? Cả hai đứa chúng mình, chẳng đứa nào vớ được của hời hết. - Trịnh Thái Ức cười như nắc nẻ bảo.
- Thôi không đùa nữa. - Lương Ngọc Cầm nói.
- Ừ, thì thôi.
- Cậu không lo hay sao?
- Lo ư, lo thế nào?
- Mình có ý này, ta vay mấy hộ khá giả ở thị trấn... - Lương Ngọc Cầm nói.
- Cậu đừng nhắc đến những người đó làm gì, chưa vay tiền mà họ đã lăm le định tranh nhau chiếm lấy cậu, thử hỏi nếu vay tiền thì liệu cậu có thoát khỏi tay họ không? Những kẻ đó không phải là con người, mà là giống súc vật.
- Họ không phải là người, chỉ có chúng ta mới là người. - Lương Ngọc Cầm cười bảo.
- Chúng ta là những người tốt bụng, phải biết trân trọng điều đó. Trịnh Thái Ức nói.
- Ai mà chẳng trân trọng? Song có điều mình rất lo cho cậu. - Lương Ngọc Cầm nói.
- Có thật cậu lo cho mình không? - Trịnh Thái Ức cười bảo.
- Chẳng lẽ cậu bảo mình là giả dối, mình không phải là hạng người như thế đâu... - Lương Ngọc Cầm bực tức nói.
Lương Ngọc Cầm quay mặt đi. Trịnh Thái Ức vỗ lên vai Lương Ngọc Cầm an ủi. Lương Ngọc Cầm mắt rớm lệ. Xem ra đó không chỉ đơn thuần là tình cảm của phụ nữ, mà còn là tình cảm của người làm thuê với bà chủ. Trịnh Thái Ức xúc động ôm lấy bạn mình, ghé sát vào tai nói nhỏ vài câu, Lương Ngọc Cầm lộ rõ ngay vẻ vui mừng.
Bên ngoài, trời mưa càng to, họ tắt đèn đi ngủ, trong đêm tối, họ ôm lấy nhau thân thiết như hai chị em.
Hôm sau là ngày cuối tuần, Trịnh Thái Ức mời Triệu Ngư và một số người đến ăn cơm ở nhà hàng Xuyên Giang khu Ngọc Lâm. Đây là lần thứ hai chị mời cơm, lần đầu tiên cũng mời Triệu Ngư, Lý Tiến, Tôn Kiện Quân và một số người khác ngồi kín cả một dãy bàn. Người đàn bà xinh đẹp của thị trấn nhỏ nói năng đâu vào đấy. Lý Tiến rất có cảm tình, hôm nay lại có thêm Lương Ngọc Cầm chưa nói mặt đã đỏ bừng làm cho không khí bữa ăn càng thêm ý nhị. Triệu Yến, Nam Tử cũng có mặt, kể cả người bạn của Triệu Ngư cũng có mặt. Lần đầu tiên Trịnh Thái ức đến Dung Thành là ngày Mồng một tháng Năm, đúng vào lúc Triệu Ngư đi Mi Sơn, anh đã nhờ bạn đưa Trịnh Thái Ức đi khảo sát. Người đó họ Ngô, tên đầy đủ là Ngô Hải Ba, công tác tại thư viện tỉnh, có nhiều thời gian nhàn rỗi.
Mười người ngồi vây quanh hai nồi lẩu, Lý Tiến ngồi chính giữa, Trịnh Thái Ức ngồi kế bên, Lương Ngọc Cầm ngồi cạnh Thương Nữ. Tôn Kiện Quân mặt mày rạng rỡ, Nam Tử mặc áo dài Thượng Hải trông rất duyên dáng. Đàn ông uống rượu trắng, đàn bà uống rượu màu, phòng ăn rất sang trọng. Chủ quán trước đây cũng làm nghề thợ may, anh là người Trùng Khánh, vóc dáng tầm thước, đã từng là trí thức trẻ đi nông thôn, tốt nghiệp hệ Trung văn Học viện sư phạm Nam Sung. Là chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty lớn, anh rất ít khi xuất hiện, hôm nay anh có mặt, Tôn Kiện Quân liền giới thiệu với mọi người. Anh uống một cốc rượu, hút một điếu thuốc. Đề tài xoay quanh việc mở cửa hàng lẩu, Trịnh Thái Ức lắng nghe, không bỏ sót một câu. Cửa hàng lẩu cá Cầu Khê của chị cũng ở gần cửa hàng Xuyên Giang. Chị đã suy nghĩ kỹ khi chọn địa điểm này.
Mọi người đều bàn tán về việc chọn địa điểm của Trịnh Thái Ức. Đa số đều cho rằng việc chọn địa điểm ở đây rất phù hợp, cửa hàng nhỏ bên cạnh cửa hàng lớn chẳng những không có hại, mà còn có lợi, hơn nữa đây lại là cửa hàng lẩu cá có phong cách đặc biệt. Lý Tiến nói với Trịnh Thái Ức:
- Bước đầu tiên chị đã đi đúng, nếu món lẩu cá mè được khách ăn hoan nghênh, tôi tin chắc chị sẽ thành công.
- Cám ơn, cám ơn ông giám đốc nhiều lắm. - Trịnh Thái Ức xúc động nói.
- Cứ gọi anh ấy là Lý Tiến, đừng gọi là giám đốc. - Tề Hồng nói.
- Không được, tôi không thể xưng hô tùy tiện như vậy được, như thế nghe bất lịch sự quá. - Trịnh Thái Ức nói.
- Sau này quen thân, cách xưng hô sẽ thay đổi ngay. - Thương Nữ nói.
- Tôi đã được nghe về lẩu cá mè Cầu Khê từ lâu rồi, nhưng chưa được thưởng thức, điều đó chứng tỏ rằng tiềm lực vẫn chưa được khai thác hết. - Lý Tiến nói.
- Lời anh Lý Tiến thật chí lý, là giám đốc có khác, cách đánh giá thiết thực, tôi cũng chỉ mới được nghe nhưng chưa được thưởng thức. - Tôn Kiện Quân nói.
- Tôi được ăn rồi, quả thật rất ngon. - Triệu Ngư nói.
- Hồi tháng Tư anh đã đi Cầu Khê rồi còn gì. - Triệu Yến nói.
- Triệu Ngư đã nấu thử ở nhà, ăn rất ngon. - Thương Nữ nói.
- Thương Nữ đã khen ngon thì chắc chắn là ngon rồi. - Tôn Kiện Quân nói.
- Tôi cũng ăn thử rồi, hương vị khác hẳn với các cửa hàng lẩu khác - Triệu Yến nói.
- Tài nấu nướng của tôi còn kém xa chị Trịnh Thái Ức - Triệu Ngư nói.
- Nghe các bạn kể hấp dẫn quá, thể nào tôi cũng ăn thử một lần xem sao, nhưng rất tiếc còn phải đợi một thời gian nữa, cửa hàng mới khai trương. - Lý Tiến nói.
- Không cần phải đợi đến ngày đó đâu, mai tôi sẽ nấu cho mọi người ăn thử. - Trịnh Thái Ức nói.
- Làm ở nhà tôi cho tiện, đã có sẵn dụng cụ và bàn ghế rồi. - Thương Nữ nói.
Trịnh Thái Ức đứng dậy uống hết chén rượu hồng, rồi nói với mọi người:
- Tôi quyết định trưa mai mời các vị đến nhà chị Thương Nữ thưởng thức món lẩu cá mè do chính tay tôi làm. Sau khi các vị thưởng thức, tôi mới chính thức khai trương cửa hàng ở Thành Đô.
- Ngày mai tôi sẽ giúp một tay. - Triệu Ngư nói.
- Tôi cũng sẽ giúp một tay. - Nam Tử nói.
- Thế thì hay quá còn gì. - Thương Nữ nói.
- Tốt quá, mọi người lại có dịp bên nhau. - Tôn Kiện Quân cười bảo.
Tôn Kiện Quân liếc nhìn Thương Nữ, còn Thương Nữ thì quay sang nói chuyện với Lương Ngọc Cầm. Triệu Ngư hỏi Ngô Hải Ba ngày mai có rỗi không? Ngô Hải Ba trả lời:
- Ồ, ồ tôi rảnh rỗi. - Nói xong anh liếc nhìn Triệu Yến rồi lại cúi đầu xuống.
Triệu Yến nói với Triệu Ngư lẽ ra ngày mai tôi có cuộc gặp mặt, nhưng thôi, cứ hoãn lại đã, tôi không muốn bỏ lỡ dịp thưởng thức lẩu cá mè Cầu Khê.
Tối nay Triệu Yến uống hơi nhiều, mặt cô ửng hồng. Cô đã có bạn trai, anh ấy là một nhà dương cầm nổi tiếng. Mỗi tuần họ gặp nhau một lần, không nhiều, cũng không ít. Triệu Ngư và Thương Nữ hỏi cảm tưởng của cô ra sao, cô nói ở quán cà phê cũng giống như ở phòng làm việc. Chỉ tiếp xúc độ bảy, tám lần là cô đã đọc được bản vẽ và dự toán của công trình. Triệu Ngư đã gặp anh bạn trai này rồi, mắt đeo kính trắng trông rất phong độ, rất có niềm tin vào sự nghiệp của mình. Chuyện vòng vo mãi bỗng đề cập tới một từ: Phó Cao. Triệu Ngư có nhận xét rất tốt về chàng kỹ sư này. Đây là nhận xét rất nghiêm túc, chính Triệu Yến cũng không ngờ tới. Cô biết Triệu Ngư vẫn mong muốn cô tìm được một người bạn trai tâm đầu ý hợp, năm nay cô đã hai mươi sáu tuổi, nên lập gia đình mới phải.
Triệu Yến đứng dậy đi vào nhà vệ sinh thì gặp Ngô Hải Ba, biết là khách cùng ngồi ăn với mình, cô gật đầu chào. Khi tránh nhau ở lối đi, Ngô Hải Ba liếc nhìn Triệu Yến trong giây lát rồi quay đầu đi. Anh dừng lại ở hành lang như chợt nhớ ra điều gì. Anh là người uống rượu được, có thể uống liền một lúc hơn chục cốc. Anh đưa mắt nhìn lên trần nhà rồi lại cúi xuống vẻ suy nghĩ. Bước vào phòng ăn, anh ngồi vào chỗ cũ, trong không khí ồn ào, anh vẫn nghe rõ tiếng chân bước nhẹ: Triệu Yến đã quay trở vào.
Trưa hôm sau, mọi người lại kéo đến số nhà 77 phố Cát Thắng, bước lên tầng năm ngồi chật kín cả phòng khách nhà Triệu Ngư. Triệu Cao vui quá hò hét om sòm, cậu con trai bốn tuổi của Tôn Kiện Quân cũng hò hét theo khiến mọi người đều phải giật mình. Tôn Kiện Quân nói với Thương Nữ:
- Con trai tôi ở bên cạnh con trai cô xem ra cũng hảo hán ra phết.
- Đúng thế. - Thương Nữ gật đầu bảo.
- Con rất muốn chị Tiểu Minh ở đây. - Triệu Cao nói.
Tôn Kiện Quân gọi điện ngay cho Tiểu Đào, chỉ một lát sau Tiểu Đào đã đánh xe đưa con gái đến. Thương Nữ xuống nhà mời Tiểu Đào lên chơi rồi cùng ăn cơm trưa. Tiểu Đào nói còn đang bận việc, để khi khác. Tiểu Đào không biết trên nhà có đông khách, cứ tưởng cuối tuần chỉ có Tôn Kiện Quân đến chơi. Trong lúc hai người đàn bà đang nói chuyện, thì Tôn Kiện Quân dắt hai đứa trẻ xuống, đứng ngay sau lưng Thương Nữ, trông cứ như một cặp vợ chồng. Tiểu Đào bằng đôi mắt tinh nghịch đẩy hai người sát vào nhau. Lúc lên xe, chị đưa tay ra hiệu: - Các bạn cứ vui chơi đi, chơi thật thỏa thích đi.
Ba đứa trẻ dắt nhau ra phố mua quà, còn hai người lớn đi lên tầng năm, người đàn ông đi trước, người đàn bà đi sau. Đến tầng ba, Tôn Kiện Quân quay lại nhìn Thương Nữ, anh định nói gì nhưng lại thôi.
Triệu Ngư đang mổ cá dưới bếp, Triệu Yến đưa dao thớt cho anh. Cá mè được mua ở cửa hàng nông nghiệp, tuy cá còn tươi nhưng không thể so sánh với cá mè ở Cầu Khê được. Trịnh Thái Ức phối chế các gia vị, đây là khâu quan trọng nhất, ở các cửa hàng, người ta thường giữ bí mật về cách phối chế phụ gia. Lẩu cá mè có tới mười tám gia vị, thiếu một thứ cũng không được. Việc phối chế các gia vị cũng là cả một nghệ thuật, ví dụ chất thảo dược chẳng hạn, nhiều quá, ít quá cũng không xong. Trịnh Thái Ức vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ. Mười ba người quây quần quanh hai nồi lẩu là cả một nghệ thuật phải sắp xếp, tính toán sao cho ăn vừa đủ. Lương Ngọc Cầm vừa thái rau vừa nhìn Trịnh Thái Ức phối chế gia vị, đến nỗi hoa cả mắt. Lý Tiến tò mò cũng xuống bếp hỏi Trịnh Thái Ức. Trịnh Thái Ức lần lượt kể mười tám loại gia vị cho Lý Tiến nghe, Lý Tiến luôn tặc lưỡi không ngờ làm lẩu cá lại phức tạp đến thế. Trịnh Thái Ức nói chị không dám mơ mộng nhiều, chỉ muốn đứng vững chân ở Thành Đô rồi sẽ từ từ, từ nhỏ đến lớn. Lý Tiến nói chị có quyết tâm như vậy, chắc chắn sẽ thành công. Trịnh Thái Ức nói: - Được giám đốc giúp đỡ, tôi tin mình sẽ thành công.
- Tôi sẽ gắng hết sức mình. Chị đừng gọi tôi là giám đốc, hôm qua tôi đã nói rồi. - Lý Tiến nói.
- Gọi anh là giám đốc cũng được chứ sao, anh là giám đốc công xã vậy. Triệu Yến nói cảnh tượng hôm nay có khác gì công xã nhân dân những năm trước đâu. - Triệu Ngư đứng bên cạnh cười bảo.
- Nhà ăn tập thể của công xã nhân dân. - Lý Tiến nói.
Mấy người đàn bà rỗi rãi, ngồi ở phòng khách kể chuyện đan áo len. Thương Nữ đã đan cho con gái của Tề Hồng một chiếc áo len rất đẹp. Tề Tề đã tròn một tuổi, mặt mũi khôi ngô, ai cũng yêu thích. Nam Tử nới, tôi cũng sẽ đan cho Tề Tề một chiếc quần len. Còn Ngô Hải Ba thì chăm chú xem ti vi, khi đến mục quảng cáo, anh mới quay lại nghe các chị kể chuyện về đan áo. Không khí vui vẻ làm anh rất cảm động, vì thường ngày anh chỉ quanh quẩn trong thư viện, không khí thật buồn tẻ.
Hai chiếc bàn ăn được kê vào phòng khách, mỗi chiếc có một lỗ khoét tròn vừa đủ để nồi lẩu. Ghế ngồi thiếu, phải đem mấy chiếc từ phòng làm việc của Triệu Ngư sang. Mười ba con người, cả người lớn và trẻ con đều ngồi quây quần quanh hai chiếc bàn, hai nồi lẩu đang sôi sùng sục, hương vị tỏa ra thơm ngát, trước hết là được tận hưởng bằng mũi, sau đó mới đến mồm. Chỉ trong giây lát, những con cá sống đã trở thành cá chín, mười ba đôi đũa thi nhau đưa vào nồi lẩu. Không ai nói gì, tất cả đều tập trung vào thưởng thức món cá mè Cầu Khê, riêng Trịnh Thái Ức là không gắp, chị đưa mắt nhìn mọi người. Người đầu tiên thốt lên ngon quá là Tôn Kiện Quân. Sau khi nếm thử một miếng, Lý Tiến nói với Triệu Ngư: Thật tuyệt vời, không chê vào đâu được. Ăn tiếp miếng thứ hai, anh lại nới mùi vị thật hấp dẫn khoái khẩu quá. Lý Tiến quay sang nói với Trịnh Thái Ức người Thành Đô rất sành ăn, khi gặp món cá ngon thế này, nhất định họ sẽ đổ xô vào ăn, chị hãy mau mau tiến quân về Thành Đô đi. Nghe Lý Tiến nói vậy, Trịnh Thái Ức phấn khởi quá đến nỗi mặt đỏ bừng lên. Chị uống một hơi hết hai ly rượu, xem ra chị rất vui, nhưng trái lại, ngồi bên cạnh chị là Lương Ngọc Cầm lại tỏ ra e thẹn. Hai người đàn bà cùng ở một thị trấn nhỏ nhưng rõ ràng mỗi người có một tính cách, Trịnh Thái Ức giao du nhiều nên tỏ ra bạo dạn, còn Lương Ngọc Cầm suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, nên tỏ ra nhút nhát.
Mọi người ai cũng khen ngon, ngay cả Ngô Hải Ba người vốn ít nói nhất cũng thao thao bất tuyệt, hết so sánh cửa hàng này với cửa hàng kia, lại bàn về nghệ thuật kinh doanh. Tuy anh chưa mở cửa hàng lẩu cá bao giờ, nhưng nói năng như một người sành sỏi trong nghề khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Thực ra chỉ có Triệu Ngư là người biết rõ nhất về bạn mình, hễ anh ta thích cái gì là theo đuổi đến cùng.
Khi rượu đã tứ tuần, tiếng cười nói lại càng rôm rả, họ vừa ăn vừa nói. Lương Ngọc Cầm cũng dần dần lấy lại được bình tĩnh, chị cạn chén với Thương Nữ, Nam Tử, Tôn Kiện Quân, Tề Hồng, Triệu Yến, Lý Tiến, Ngô Hải Ba, Triệu Ngư... Thương Nữ hỏi bao giờ thì sửa xong cửa hàng, bao giờ thì khai trương. Lương Ngọc Cầm nói, hiện nay đang thiếu tiền, suốt hai ngày nay, tôi đang lo sốt vó, nhưng hỏi thì chị ấy lại bình chân như vại. Nghe thấy thế, Lý Tiến liền hỏi Trịnh Thái Ức. Trịnh Thái Ức trả lời: - Dù có sốt ruột cũng chẳng giải quyết được gì, hiện tôi đang nghĩ cách. Theo kế hoạch cũ thì tiền đủ chi dùng, nhưng địa điểm cửa hàng quá lớn, lại có cả bãi đỗ xe nên kế hoạch bị phá vỡ. Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, tuy lúc đầu phải bỏ ra nhiều vốn nhưng làm ăn lại tốt hơn, thu hồi vốn nhanh hơn. Nếu so sánh thì vấn đề vốn chỉ là thứ yếu.
- Chị nói có lý lắm. - Lý Tiến gật đầu nói.
- Vấn đề tiền vốn giải quyết dễ thôi, chị có thể cân đối vốn được, có gì khó khăn lắm đâu. - Ngô Hải Ba nói.
- Hay chị gọi cổ đông, sau này làm ăn lớn sẽ thành lập công ty cổ phần. - Tôn Kiện Quân nói.
- Cậu có đồng ý tham gia cổ đông không? - Lý Tiến hỏi Tôn Kiện Quân.
- Đồng ý quá đi chứ. - Tôn Kiện Quân không cần suy nghĩ trả lời.
- Ý kiến phu nhân thế nào? - Lý Tiến hỏi Tề Hồng.
- Em không có ý kiến gì, cửa hàng này kiếm tiền được đấy. - Tề Hồng nói.
- Hay chúng mình cũng đóng một cổ phần đi. - Triệu Ngư hỏi Thương Nữ.
- Tùy anh quyết định, em chỉ biết thưởng thức thôi, không biết buôn bán đâu. - Thương Nữ cười bảo.
- Sau này chúng tôi làm ăn khấm khá cô cũng không nhàn đâu. Tiền thưởng ở công ty điện tín cũng khá lắm, cô hãy nói với tổng giám đốc của cô đưa khách đến ăn ở cửa hàng của chúng tôi nhé. - Tôn Kiện Quân nói.
Tôn Kiện Quân cố ý nhấn mạnh chữ "cửa hàng của chúng tôi" khiến mọi người phải phì cười. Trịnh Thái Ức không ngờ sự việc lại tiến triển thuận lợi đến thế, câu chuyện chỉ nói qua trong bữa ăn, nhưng mọi lo toan về vấn đề vốn đã tìm ra được lối thoát. Rõ ràng những người bạn này của Triệu Ngư có sự tin tưởng lẫn nhau, họ cũng tin ở chị, tin vào khả năng và nhân cách của chị. Chị xúc động đứng đậy, nâng ly rượu đào, uống một hơi hết sạch, rồi vừa lau miệng vừa nói:
- Quả thật hôm nay tôi rất phấn khởi, các vị đã... thôi tôi xin phép không nói đến hai chữ cám ơn nữa, chúng ta đều là người một nhà cả rồi, được sự giúp đỡ của các vị, nếu trước đây tôi chỉ có bảy phần bảo đảm thì nay lòng tin đã lên đến chín trên mười. Trịnh Thái Ức tôi dù có vất vả đến đâu cũng quyết làm cho danh tiếng lẩu cá mè Cầu Khê phải nổi danh ở Thành Đô. - Ngừng một lát, nhìn khắp lượt mọi người, chị lại nói với Lý Tiến: - Có điều, tôi phải kiến nghị về vấn đề chế độ cổ đông. Không những các vị chỉ đơn thuần góp vốn, mà còn phải mở rộng mối quan hệ xã hội. Quan hệ xã hội chính là nguồn vốn lớn đấy, vì thế tôi xin đề nghị nếu tôi góp vào một vạn thì chỉ tính là một vạn, còn nếu các vị góp vào một vạn sẽ được tính là một vạn ba, như thế mới công bằng. Không biết đề nghị của tôi có được các vị đồng ý không?
- Đồng ý, tôi xin giơ cả hai tay trước. - Lý Tiến nói.
- Lợi ích trông thấy như vậy, tôi cũng tán thành. - Tôn Kiện Quân nói.
- Anh bạn của tôi ơi, sao mà tham ăn đến thế, có còn để cho ai ăn nữa không. - Ngô Hải Ba cười nói.
- Anh có thể tham gia vào việc quản lý, có anh là chúng tôi tin tưởng rồi, bộ óc của anh cũng là một tài sản lớn đấy. - Triệu Ngư nói.
- Còn cô thì sao? Tôi chưa thấy cô phát biểu. - Thương Nữ hỏi Triệu Yến.
- Các người cứ làm giàu đi, việc gì phải lôi kéo một người nghèo như tôi, tuy không có nhiều tiền, nhưng vẫn có thể đóng góp được như mọi người. - Triệu Yến cười bảo.
- Hay lắm, thế mới đúng chứ. - Ngô Hải Ba ngồi bên cạnh nói.
Khi nói đến tiền, mọi người đều nêu lên con số cụ thể, người này ba vạn, người kia năm vạn, không khí thật vui vẻ và hữu hảo. Mười cốc rượu lại va vào nhau, ai nấy đều uống cạn. Trong số đó có một người khó xử nhất là Lương Ngọc Cầm. Chồng chị dạy học ở nhà quê, thu nhập ít ỏi, lại không có tích lũy, trước mắt là cơ hội kiếm tiền, nhưng đành giương mắt ngồi nhìn, chị suy nghĩ mãi nhưng đành chịu chết, không có cách nào, mồ hôi chị toát ra, mặt đỏ bừng. Không khí bữa ăn thật náo nhiệt, chạm cốc chan chát, chẳng ai để ý đến chị.
Ăn xong, mọi người vẫn chưa ra về, quay sang đánh mạt chược. Tất nhiên Tôn Kiện Quân là người tích cực nhất, anh chủ động kê bàn ghế và giục Thương Nữ bày mạt chược ra. Có năm người chơi, Tề Hồng cũng tham gia. Ngô Hải Ba ngồi xem xen giữa Lý Tiến và Triệu Yến. Nam Tử đi pha trà, ba đứa trẻ con sang nhà Triệu Yến, Triệu Cao và Tôn Tiểu Minh cùng dắt Tôn Ân. Triệu Cao nói: Mày là em trai tao.
Thương Nữ vội bảo: Con không được nói bậy, - Tôn Kiện Quân thấy thế chỉ cười. Lương Ngọc Cầm muốn về thị trấn Cầu Khê chị là người phụ trách chính, nếu vắng mặt, cửa hàng sẽ gặp khó khăn. Trịnh Thái Ức tiễn chị ra bến xe phía Nam rồi quay lại chơi mạt chược. Triệu Ngư xuống nhà đánh xe ôtô ra bến xe phía nam. Ba người cùng ngồi vào xe. Trịnh Thái Ức ngồi cạnh Triệu Ngư, qua tấm gương Triệu Ngư thấy Trịnh Thái Ức đang tủm tỉm cười, dường như chị đã biết anh đang nghĩ gì. Khi đến bến xe, mua vé xong, nhân lúc Lương Ngọc Cầm đi vệ sinh, Triệu Ngư nói:
- Chị Lương Ngọc Cầm... - Trịnh Thái Ức cắt ngang lời anh cười bảo: - Anh định nói về việc Lương Ngọc Cầm tham gia cổ đông chứ gì? Tôi đã nghĩ kỹ rồi, chúng tôi coi nhau như hai chị em gái, đời nào tôi lại bỏ rơi chị ấy? Tôi định bảo chị ấy cố lo lấy một phần, tôi lo giúp chị ấy một phần, cũng đóng một suất cổ đông khoảng từ hai đến ba vạn.
- Thế thì chị phải báo cho chị ấy biết ngay đi kẻo trên đường về chị ấy lại lo lắng. - Triệu Ngư nói.
- Anh tốt bụng quá, còn chu đáo hơn cả tôi. Bao giờ anh... - Trịnh Thái Ức thở dài.
Đúng lúc đó, Lương Ngọc Cầm quay trở lại, thấy hai người thì thầm nói chuyện, chị hỏi:
- Hai người nói chuyện gì đấy? Sao không cho tôi nghe với?
- Đang nói chuyện về cậu đây. - Trịnh Thái Ức nói.
- Nói chuyện gì về mình? - Lương Ngọc Cầm hỏi.
- Ông bạn quý của cậu nói một chuyện, mà theo mình cậu sẽ rất muốn nghe. - Lương Ngọc Cầm đưa mắt nhìn Triệu Ngư, Trịnh Thái Ức nói tiếp: - Vừa rồi chúng mình đã bàn về chuyện của cậu đấy, cậu thử đoán xem chuyện gì?
- Lương Ngọc Cầm cũng đoán ra được một phần, chị vui lắm.
Trịnh Thái Ức lại ghé vào tai Lương Ngọc Cầm thì thầm, Lương Ngọc Cầm vui ra mặt, chị nói với Triệu Ngư:
- Cám ơn anh, cám ơn anh.
- Cậu chỉ cám ơn anh ấy thôi à, sao không cám ơn cả mình nữa? - Trịnh Thái Ức cười bảo.
- Sao sốt ruột thế, tất nhiên mình cũng cám ơn cả bạn nữa. - Lương Ngọc Cầm nói.
- Cậu lấy gì để cám ơn mình? - Trịnh Thái Ức lại dồn bạn đến tận cùng.
- Mình... - Chưa nói lên lời, mặt Lương Ngọc Cầm đã đỏ bừng. Chị bước lên xe ngồi vào chỗ đâu đấy rồi đưa tay vẫy chào hai người đứng dưới bến xe.
Triệu Ngư và Trịnh Thái Ức trở về phố Cát Thắng. Mưa lất phất, xe đạp đi trên đường đông như mắc cửi. Người xe nườm nượp trong trời mưa... Trịnh Thái Ức xúc động nói: - Cuộc sống ở thành thị còn có khoảng cách quá lớn, người thì đi ôtô, người thì đi bộ. Triệu Ngư cười, có gì đáng nói đâu.
Vừa vào đến nhà Trịnh Thái Ức đã sà vào ngay bàn mạt chược. Tề Hồng quay sang nói chuyện với Nam Tử. Triệu Ngư rót nước cho mấy người rồi ngồi trên đi văng nghe Tề Hồng và Nam Tử nói chuyện. Ngô Hải Ba đi dạo một vòng rồi trở về chỗ cũ xem Triệu Yến chơi mạt chược. Chơi xong, mọi người ra về, vợ chồng Triệu Ngư xếp dọn nhà cửa, Triệu Yến cũng xắn tay áo, giúp một tay.
Say Sắc Say Sắc - Lưu Tiểu Xuyên Say Sắc