Những trận chiến lớn nhất chính là những trận chiến trong tâm trí chúng ta.

Jameson Frank

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Ngô Tín
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1151 / 3
Cập nhật: 2016-02-22 20:56:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Lâm Hạnh Hoa
riệu Ngư ngủ trên xe được một Lúc, khi xe vào cua một đoạn đường gấp khúc thì anh tỉnh dậy, trước mắt anh là những màu vàng khác nhau: màu vàng của lúa, của bùn đất. Con đường Cầu Khê khó tránh khỏi những màu như vậy, nhưng đó là chuyện sau này. Mươi người khách trên xe ngồi lắc lư. Triệu Ngư ngáp dài rồi lim dim đôi mắt, nhưng chỉ một lát sau anh choàng tỉnh dậy. Anh nhớ đến Trịnh thợ may. Hình ảnh người chồng Trịnh thợ may lại hiện lên trong trí tưởng tượng: Một cán bộ nhà quê đầu chải mượt, luôn nở nụ cười thường trực trên môi, nhưng họ tên anh ta là gì Triệu Ngư không biết vì Trịnh thợ may không giới thiệu. Người đàn bà này ghê gớm thật. Thực tế người chồng chỉ là một tay sai không hơn không kém, chính chị ta đã đặt chồng mình vào vị trí ấy. Đúng là hôn nhân mỗi người một vẻ, Triệu Ngư nghĩ vậy. Năm nay không thiếu gì chuyện lạ.
Hôn nhân của Ngọc Cầm do chính chị tạo nên nhưng thời thế lại tạo nên quan niệm của chị. Không thiếu gì những người đàn bà như chị. Nhiều người còn ghê gớm hơn chị nhiều, hết bay nhảy chỗ này đến chỗ khác, riêng chị thì chưa. Thà rằng đừng bay nhảy còn hơn. Nhưng độ vài ba năm nữa dù có muốn bay nhảy cũng đành chịu. Người đàn bà thường dựa vào vẻ đẹp làm vốn quý, song cái vốn ấy cũng chỉ có hạn..
Triệu Ngư vắt tay trên ghế, anh cảm thấy tâm trạng mình phức tạp quá. Anh đã phán đoán thời cuộc một cách vô thức. Anh mới chỉ về Cầu Khê một ngày, biết được chút ít chuyện về bạn mình: Vương Đông bận tíu tít suốt ngày. Ông lão Vương nghèo kiết xác nhưng vẫn sống yêu đời. Đằng sau khuôn mặt khả ái của Ngọc Cầm ẩn chứa một nỗi niềm thương xót, Trịnh thợ may muốn đến Thành Đô làm ăn, bỏ lại phía sau thị trấn nhỏ buồn tênh.
Triệu Ngư nhìn ra cửa xe, anh nhớ đến một câu thơ: Tâm sự mênh mang tựa biển trời. Cuốn truyện tối qua đọc đã viết: Con người sống ở trên đời toàn những lo toan trăn trở. Lo toan, làm lụng vất vả, toan tính. Những người bàng quan cũng lo toan, một dạng lo toan không trọn vẹn. Có lẽ những việc Triệu Ngư lo toan đều chỉ là những việc thêm dấm thêm ớt, chưa đủ làm nên một tiếng sấm. Nhưng cuộc sống thường nhật là thế, làm gì có nhiều tiếng sấm như vậy. Những bi hài kịch thường ngày có bao giờ nghe thấy âm thanh đâu.
Ai đã nghe thấy âm thanh? Triệu Ngư nghĩ. Âm thanh là gì? Nó phát ra như thế nào? Ai nghe? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong đầu làm anh thêm bối rối. Suy nghĩ và nhớ nhung...
Chiếc xe đi đến một đoạn đường nhựa, chạy êm như ru, tốc độ nhanh hẳn lên, cây cối hai bên đường vun vút trôi qua. Hình ảnh một phụ nữ đứng trên ban công tầng hai xuất hiện rồi chỉ trong nháy mắt đã biến mất. Không có duyên phận gặp lại nữa rồi. Khi lên xe Triệu Ngư đã có ý nhìn khắp lượt, cũng có một người mặc áo nhung nhưng cái mũi thì chẳng giống chút nào. Người con gái có đặc điểm như vậy mà anh đã quen hôm trước bây giờ ở đâu? Chắc mãi mãi sẽ không gặp lại nhau nữa.
Trước cửa quán lẩu của Trịnh thợ may, anh thấy như có người đang nhìn mình, anh quay đầu lại, thì ra duyên số cũng chỉ có đến thế. Có lẽ cùng tâm trạng như vậy, khi lên xe, cô ta sẽ đảo mắt qua một lượt, cũng sẽ tự hỏi mình: Bây giờ anh ấy đang ở đâu? Cô ta sẽ tìm cho mình một chỗ ngồi và nghĩ tiếp: Anh ấy đã ở chỗ khác rồi...
Ba giờ chiều, Triệu Ngư về đến Nhân Thọ, hai mươi phút sau thì chuyển xe đi Mi Sơn. Nếu không có gì thay đổi thì khi về đến Mi Sơn, anh có thể ăn cơm chiều với Tưởng Vận, Quân Trị Bình và Hỷ Nhi, tối sẽ lái xe về Thành Đô.
Triệu Ngư nhận được điện thoại của Tưởng Vận, hỏi rằng tối có muốn ăn lẩu dê không. Triệu Ngư nói:
- Mình đang ở Nhân Thọ, không biết dọc đường có bị tắc xe không.
- Chúng mình sẽ đợi cậu về Mi Sơn rồi cùng đi ăn. - Tưởng Vận nói.
- Không phải đợi đâu.
- Cậu làm sao thế? Tại sao lại không đợi? Nếu canh ba cậu về đến đây, mình sẽ đưa cậu đi ăn đêm.
- Quân Trị Bình đang làm gì?
- Tôi đã bảo là sẽ đưa cậu đi ăn đêm, việc gì phải nhắc đến Quân Trị Bình nhiều thế.
- Thôi được mình sẽ liên hệ lại sau.
- Tối nay ta gặp nhau nhé.
Triệu Ngư tắt máy, đi dạo một vòng quanh bến xe. Xa xa có một quảng trường, một pho tượng về cổ nhân nào đó đứng sừng sững. Thạch Lỗ cũng là người Nhân Thọ, sinh ở một làng nào đó của Nhân Thọ. Sau đó Thạch Lỗ phát điên, Triệu Ngư đã nhìn thấy bức ảnh phát điên của ông ta, ấn tượng rất sâu sắc, trình độ nghệ thuật rất điêu luyện. Phạm Cao mưu giết Cao Canh không thành, liền tự cắt tai mình. Mi Cô suýt nữa bị ba người đồng hành treo cổ. Cố Thành chém vợ mình. Hải Minh Uy dùng súng săn giết người của bố trước đây bắn vào đầu mình... Một bé gái bán hoa hồng đi tới, bé vừa đi vừa rao: Một bông hoa hồng... Triệu Ngư nghĩ: Một bông hoa hồng là một bông hoa hồng, là một bông hoa hồng.
Triệu Ngư đứng hút thuốc, một tay thọc vào túi quần. Anh rất hoạt bát, tuy nhiên trong lòng có chút tiếc nuối. Có những việc chưa hề biết tới, khi đụng phải mới biết, nhưng có những việc không biết thì người ta lại tưởng tượng ra. Nó cứ ẩn hiện trong đầu bạn. Triệu Ngư nhìn thấy chiếc xe màu đỏ đi vào bến, có lẽ vẫn là chiếc xe hôm qua mình đi. Khoảng mười phút sau, anh lên xe về thành phố Nga Mi Sơn. Muốn đến Nga Mi Sơn thì phải đi qua Mi Sơn, hai địa danh này, người nơi khác rất dễ nhầm lẫn. Triệu Ngư quyết định đi chiếc xe màu đỏ.
Trên tay vẫn còn nửa điều thuốc lá đang hút dở. Lên xe không được hút thuốc lá, vì mọi người rất ghét mùi thuốc lá. Nhưng anh muốn lên xe ngủ một giấc, khi tỉnh đậy xe sẽ đến Nhân Thọ. Anh cảm thấy rất khó thực hiện vì như có một điều gì báo trước, hôm nay sẽ bị nghẽn xe. Anh nhìn ánh nắng mặt trời, thấy không khí oi bức mùa Hè đã đến. Nếu bị tắc xe dọc đường xe sẽ bị phơi nắng nóng như lửa đốt.
Triệu Ngư lên xe, chọn một chỗ ngồi gần cửa xe. Hành khách lần lượt lên xe. Vẫn là anh lái xe ngày hôm qua, anh ta đang tranh thủ thời gian hút thuốc. Cô nhân viên bán vé vẫn với giọng ngọt ngào: Mời lên xe, mời bà con lên xe, xe đi Mi Sơn và Nga Mi Sơn đây.
Xe đường trường, xe đi gần tới tấp ra vào bến, bụi cát mù mịt. Triệu Ngư lại càng khẳng định thêm điềm báo của mình: Nhất định sẽ bị tắc xe. Cô nhân viên bán vé nói to: Một phút nữa, một phút nữa xe sẽ chạy. Triệu Ngư nhắm mắt đang định ngủ.
Xe đã nổ máy, dường như vừa nổ máy xe đã lắc lư. Một bóng đen dừng lại trước mặt anh. Con đường thì còn biết đi đi lại lại, nhưng bóng đen thì đứng yên bất động. Có tiếng hỏi: Ồ, chỗ này chưa có người ngồi à? - Triệu Ngư mở to mắt, anh đưa tay sờ soạng. Anh nghĩ: Có lẽ mình ngủ mê. Cô gái áo nhung, mũi dọc dừa đang mỉm cười đứng trước mặt anh. Cô gái ngồi xuống, Triệu Ngư bàng hoàng giật mình. Đây rõ ràng là người thật việc thật chẳng những anh nhìn thấy rõ vẫn cái áo nhung và cái mũi dọc dừa, mà còn nhìn thấy cả mái tóc ngắn, chiếc quần màu vàng và đôi dép cao gót của cô. Triệu Ngư mở to mắt.
- Không ngờ chúng ta lại gặp nhau ở đây. - Cô gái nói.
- Tôi cũng không ngờ. - Triệu Ngư nói.
- Đây là lần thứ ba chúng ta gặp nhau. - Cô gái nói.
Triệu Ngư nghĩ thầm trong bụng: Việc bất quá tam... Nhưng miệng lại nói:
- Hôm qua, tôi nhìn thấy cô ở Cầu Khê, tôi cứ tưởng hôm nay...
- Em cũng thế, thật không ngờ... - Mặt cô gái hơi ửng hồng. Cô kể cô có một người chị họ ở Cầu Khê: - Hàng năm em vẫn đi thăm chị ấy. Cửa hàng lẩu hôm anh vào, em cũng đến rồi, hình như bà chủ họ Trịnh thì phải, bà ta còn trẻ lắm, bà ta là bạn của anh à?
- Hôm qua tôi mới quen, chị ấy là bạn của vợ bạn học tôi. Cô vừa từ Cầu Khê đến phải không?
- Sáng nay em đi Nhân Thọ có chút việc. Cả chị họ em cùng đi, chúng em vừa chia tay nhau xong. Em lên xe này, còn chị ấy lên chiếc xe hôm qua chúng ta đã đi.
- Hôm qua chúng ta cũng đi chiếc xe này.
- Đúng thế, em cũng nhận ra ngay, vẫn chiếc xe màu đỏ, vẫn anh lái xe và cô bán vé hôm qua.
- Một sự trùng hợp lý thú.
- Lý thú thật đấy. Em xin phép được hỏi: Anh họ tên gì?
- Tôi họ Triệu, Triệu Ngư.
- Em họ Lâm, Lâm Hạnh Hoa.
- Lâm Hạnh Hoa, cái tên này hình như tôi đã bắt gặp ở đâu đó, có lẽ trong một cuốn phim thì phải.
- Em cũng nhớ lại xem, à, em nhớ ra rồi. Hôm qua khi xuống xe em thấy một chị cầm tấm biển có viết hai chữ Triệu Ngư. - Cô gái Lâm Hạnh Hoa cười bảo.
- Chị ấy là vợ của bạn tôi, vì chưa biết tôi nên phải cầm tấm biển.
- Như thế có nghĩa là lần đầu tiên anh đến Cầu Khê phải không?
- Vâng, lần đầu tiên.
- Em đã đến Cầu Khê nhiều lần rồi.
Lâm Hạnh Hoa vừa đẹp gái, vừa cởi mở, cô tự giới thiệu mình công tác ở Cục Du lịch tỉnh, được biệt phái thường trực ở Nga Mi Sơn đã gần bốn năm rồi. Gia đình cô ở Thành Đô. Chồng làm gì, ở đâu, cô không nói vì thấy không cần thiết. Một người con gái gặp một người đàn ông hà tất phải giới thiệu chồng mình làm gì. Đây chỉ là trường hợp quen nhau giữa đường, có quan hệ gì đặc biệt đâu, sau này lại ai đi đường người nấy.
Triệu Ngư bỗng nhớ tới nhà xuất bản Ngày nay ở một thành phố nào đó, khi người giám đốc muốn tìm hiểu lý lịch của một ai đó, thì trước hết giới thiệu cho nhau biết họ tên, đơn vị công tác, sau đó giới thiệu về tuổi tác, thu nhập, sở thích, tình hình sức khỏe... Nhưng đó là công việc của nhà xuất bản khi muốn tuyển nhân viên, còn trường hợp này thì khác, chỉ mới quen biết sơ sơ trên xe giữa một người đàn ông và một người đàn bà, thì làm sao có thể kể cho nhau nghe một cách cụ thể như vậy được. Nếu một người nói ra, thì chắc hẳn người kia sẽ bảo rằng mình đã gặp một người mắc bệnh thần kinh. Sự gặp nhau tình cờ giữa người đàn ông và người đàn bà, ban đầu chỉ cần giới thiệu họ tên, đơn vị công tác là đủ lắm rồi, còn những tình tiết cụ thể sẽ để từ từ sau này tìm hiểu.
Triệu Ngư và Lâm Hạnh Hoa mới gặp nhau đã bắt chuyện, đó là sự thật. Nói một cách khác, họ đều có ý tốt và thiện cảm với nhau. Nói chuyện có nghĩa là giao lưu, nhưng trước khi nói chuyện, họ đã giao lưu với nhau rồi, giao lưu qua nụ cười. Triệu Ngư đã từng đứng bên đường gật đầu chào cô, và mấy tiếng sau, khi ở Cầu Khê, cô cũng đã mỉm cười chào anh. Triệu Ngư còn mời cô ăn lê, còn nhớ cả việc cô ăn như thế nào, mớ tóc ngắn của cô bay trong gió ra sao. Chính vì có tiền lệ ấy rồi, nên bây giờ gặp lại nhau, họ nói chuyện rất tự nhiên, nói một thôi một hồi đến cả chục phút. Chiếc xe đường trường ra khỏi huyện Nhân Thọ, xe bắt đầu lắc mạnh. Họ nói chuyện với nhau không ngớt, hết chuyện này đến chuyện khác. Ví dụ Triệu Ngư nói màu bùn đất ở Cầu Khê vàng khè như màu vàng của lúa chín. Lâm Hạnh Hoa lại nói cô rất lấy làm lạ. Theo cô được biết thì bùn đất ở Cầu Khê có ba màu, một là màu vàng, hai là màu đỏ và ba là màu đèn. Chỉ đi bộ chục cây số, màu bùn đất đã khác hẳn. Hai người đã nói với nhau về những vấn đề thuộc về địa chất học, thổ nhưỡng học, mặc dầu hiểu biết có hạn nhưng câu chuyện vẫn rất sôi nổi. Từ chuyện cấu tạo địa chất của hệ Long Tuyền Sơn đến phong cảnh, du lịch, mùa màng bội thu nhưng nông dân vẫn nghèo v.v... Hết đề tài này đến đề tài khác, không còn biết đâu là điểm đầu và điểm cuối của từng câu chuyện, cứ như chúng chỉ là một câu chuyện đã được sắp xếp trình tự từ lâu rồi. Ngoài ra, cách trò chuyện của hai người cũng rất hợp nhau, Lâm Hạnh Hoa thì nói không biết mệt, còn Triệu Ngư thì vểnh tai nghe. Xe lắc rất mạnh, hình như nó dừng lại, hành khách đều ngó cổ ra cửa xe, thì ra đường mấp mô, nhiều ổ gà quá, ai cũng nhăn mặt, lủng bủng oán trách con đường, duy chỉ có Triệu Ngư và Lâm Hạnh Hoa là thản nhiên như không, lắc thì kệ lắc, xóc thì kệ xóc, dường như những chuyện đó chẳng liên quan gì đến họ. Họ vẫn chuyện trò với nhau về ba vấn đề của nông nghiệp: nông thôn khổ thật, nông thôn nghèo thật, nông thôn nguy hiểm thật. Điều bất ngờ đối với Triệu Ngư là ở chỗ Lâm Hạnh Hoa là bạn đọc cuồng nhiệt của tạp chí, cô hiểu biết khá rộng. Vì thế, đề tài nói chuyện khá đa dạng và như không hẹn mà gặp, cả hai đều cảm thấy mình đã thu hoạch được nhiều kiến thức mới, nhiều điều bổ ích.
Có lẽ do nói chuyện quá lâu, do trong xe ồn ào quá, hoặc do nguyên nhân khác như ánh nắng chiếu xiên vào xe, ngồi mãi một tư thế sinh mỏi mệt, nên họ đã dừng nói chuyện, dừng nói chuyện một cách vô nguyên cớ. Triệu Ngư nhìn ra ngoài xe, còn Lâm Hạnh Hoa nhìn về phía trước, nghe một người đàn ông ngồi ở hàng ghế trên đang nói chuyện với anh lái xe. Lúc nãy họ ngồi xiêu vẹo, nói chuyện thao thao bất tuyệt, còn bây giờ ai nấy đều ngồi ngay thẳng như hai người không quen biết nhau. Muốn nói chuyện tiếp, phải có cái cớ gì đó để mào đầu. Lúc này họ cảm thấy khó thật, chẳng khác gì cái trò bịt mắt bắt dê, cứ tưởng người đó đứng trước mặt mình, đưa tay ra vồ lại vồ hụt. Chủ đề nói chuyện không biên giới, đã trở thành hư không.
Nhưng có lẽ trạng thái im lặng đó không thể kéo dài được một phút. Kể cả Triệu Ngư lẫn Lâm Hạnh Hoa đều rất khó nhất trí với các hành khách trên xe, cùng quan tâm đến những vấn đề mà mọi người cùng quan tâm. Họ trở thành từng nhóm, một người, hai người, nhưng suy nghĩ lại để ở nơi khác. Hoặc giả suy nghĩ cùng ở một nơi, nhưng chẳng ai hé răng. Từ chỗ trao đổi bằng lời đến chỗ im lặng, từ chỗ im lặng đến chỗ bắt đầu lại câu chuyện là cả một quá trình bế tắc. Thật vậy, họ rất khác thường khác với những người ngồi cùng xe. Chiếc xe đường trường chạy qua một thị trấn nhỏ bẩn thỉu, nhà cao tầng và nhà mái bằng nhấp nhô lộn xộn, các cửa hàng bày la liệt những mặt hàng giá rẻ, đó đây từng tốp vài ba cư dân ngồi túm tụm trò chuyện, mắt lơ láo. Một khách ngồi bên cạnh vẻ mặt giương giương tự đắc nói, tôi đoán không sai, chỉ mười phút nữa thôi, xe sẽ bị tắc nghẽn, vì ở đầu phố nhỏ kia đường xấu lắm. Anh lái xe không nói gì, chỉ quay lại lườm anh ta một cái. Những hành khách ngồi phía sau tỏ vẻ bất mãn, lẩm bẩm chửi thề một câu gì đó. Lâm Hạnh Hoa bưng miệng cười. Triệu Ngư bắt gặp cái nhìn của cô nhưng vẫn ngồi yên không nói.
Xe đã ra khỏi thị trấn nhỏ, nhưng đường càng tệ hại hơn, một đoạn dốc nhỏ mấp mô, hai bên đều là rãnh ổ gà, dù lái xe có kinh nghiệm đến mấy cũng không thể tránh được. Xe cứ lắc lư hoài, chốc chốc hành khách lại như cái lò xo bật tung người lên. Ai nấy đều cố bám chặt vào ghế ngồi, không để cho mình bị văng ra. Đây là một thử thách với lái xe, Triệu Ngư nghĩ. Anh chăm chú nhìn tay lái của lái xe. Bỗng Lâm Hạnh Hoa chồm lên người anh, cô cười bất đắc dĩ. Triệu Ngư nói: Cô ngồi vào phía gần cửa xe đi.
Hai người đổi chỗ cho nhau, xe lại lắc mạnh, Lâm Hạnh Hoa ngồi lên đùi Triệu Ngư. Cũng chẳng sao cả, ngồi lên đùi rồi lại ngồi xuống là được. Hai người lại ngồi ngay ngắn, tay bám chặt vào thành ghế.
Xe lắc mạnh một hồi rồi êm dần. Xe đi với tốc độ rất chậm, vì hai bên đường rất nhiều xe qua lại, cái nọ nối đuôi cái kia. Cửa xe phải đóng chặt, nếu không bụi bặm sẽ ùa vào. Mặt trời trở thành một màu vàng nhạt sau lớp bụi. Trong xe rất nóng bức, có người mở cửa xe để thở hít không khí nhưng lại đóng lại ngay. Thực ra người này đã hít vào cổ mình một hớp không khí mới chứa đầy bụi bặm. Xe đi nối đuôi nhau, khả năng ùn tắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người đàn ông vừa dự đoán ban nãy ngồi im như hến, vì nếu nói tiếp e rằng sẽ gây phẫn nộ cho mọi người.
Triệu Ngư và Lâm Hạnh Hoa bám chặt tay trên thành ghế, giống như hai người cưỡi ngựa. Lâm Hạnh Hoa hơi lỏng tay một chút, nói một câu gì đó, thì bánh xe đã sa vào một cái ổ gà, làm cô suýt bị ngã ngựa. Cô không dám lơ là nữa. Cô nói với Triệu Ngư: Chiếc xe này chẳng khác gì chiếc xe ngựa bốn bánh.
Triệu Ngư quay sang nhìn cô. Cô lại nói tháng Tám năm ngoái, ở thảo nguyên Nha Giang, cô bị một chiếc xe ngựa va phải, hôn mê đến mấy phút. Cũng may là vào tháng Tám cây cỏ ở thảo nguyên mọc rậm rạp, nếu không thì cô đã bị chấn thương sọ não rồi. Cô đã từng đi qua rất nhiều thảo nguyên như Tân Cương, Nội Mông, Cam Túc, Thanh Hải, Cam Mẫn, A Bối, hai châu tự trị của Tứ Xuyên, cô đã từng cưỡi đủ các loại lừa ngựa. Cô cho rằng cưỡi ngựa phải có kỹ thuật, nếu không sẽ bị nó hất tung xuống đất. Hôm đó cô cưỡi một con ngựa cao to, đã rất cẩn thận nhưng không ngờ vẫn bị nó hất tung xuống đất.
Lâm Hạnh Hoa nói về tai nạn mình gặp phải, mà Triệu Ngư nghe cũng toát cả mồ hôi. Triệu Ngư nhìn cái mũi dọc dừa của Lâm Hạnh Hoa, liên tưởng như cô đang ngồi trên ngựa ra roi quất mạnh. Anh liên tưởng đến những cổ nhân xưa một mình một ngựa, đi hàng ngàn dặm, nhưng chưa được tận mắt chứng kiến, hôm nay mới được cô gái kể cho nghe về câu chuyện cưỡi ngựa.
Lâm Hạnh Hoa nói, cô có nhiều cơ hội đi các tỉnh, mỗi năm cũng có vài ba tỉnh mời đi chơi, nhưng không nhất thiết phải đi tất cả. Những năm về trước, cô đi rất nhiều nơi, nhưng hai năm nay thì đã ít hơn. Năm ngoái cô bị tai nạn, điều đó đã giúp cô hạn chế rất nhiều tính hiếu kỳ của mình. Có điều ông chồng luôn cổ vũ cô hãy dũng cảm đi đến những nơi sơn thủy hữu tình của Tổ quốc.
Đây là lần đầu tiên Lâm Hạnh Hoa nhắc tới chồng mình, Triệu Ngư cũng không muốn nhân cơ hội để hỏi thêm, mà chỉ hỏi có phải chị là hướng dẫn viên du lịch không? Lâm Hạnh Hoa nói chị không học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch, sau khi thử đưa khách đi vài lần, thấy có thể làm được. Còn công việc cụ thể của chị hiện nay là phụ trách văn phòng đại diện.
- Cô có phải là trưởng văn phòng đại diện không? - Triệu Ngư hỏi.
- Em là phó văn phòng. - Lâm Hạnh Hoa trả lời.
Triệu Ngư cười. Phó văn phòng đại diện, chữ in trên danh thiếp rành rành. Nếu Lâm Hạnh Hoa tặng anh một tấm danh thiếp thì hay biết mấy. Cả hai đều là phó đại diện. Lâm Hạnh Hoa hỏi anh tại sao lại cười? Anh trả lời không có gì. Lâm Hạnh Hoa nói: - Không đúng, rõ ràng em thấy anh cười. Khi em nói em là phó văn phòng, anh đã cười. Có phải chức phó văn phòng buồn cười lắm phải không?
- Làm gì có chuyện ấy, vợ tôi cũng làm phó văn phòng. - Triệu Ngư nói.
- Thì ra chị nhà cũng là phó văn phòng. Chị nhà công tác ở đơn vị nào? Chắc không phải là văn phòng thuộc Cục Du lịch chứ?
- Nếu có sự trùng hợp như vậy thì phúc cho nhà tôi quá. Cô ấy làm việc ở công ty điện tín.
- Ở công ty điện tín à, đơn vị đó làm ăn tốt lắm đấy.
- Cũng tạm được, tiền thưởng của cô ấy cao hơn tôi.
- Anh thẳng thắn thật đấy, người khác không bao giờ nói tiền thưởng của vợ cao hơn mình đâu.
- Thì có hại gì đâu. - Triệu Ngư cười, nói.
- Đúng thế, chẳng có hại gì cả. Ồ, xe làm sao thế? Sao không thấy chạy?
- Xe đang dừng, có lẽ tắc đường.
Xe đã dừng được một lúc, nhưng vì mải nói chuyện nên hai người không chú ý, hàng cây hai bên đường không còn lùi lại phía sau nữa. Họ không phải bám chặt vào ghế nữa, lúc ấy họ mới hiểu mọi chuyện xảy ra. Xe đã dừng mà họ vẫn bám chặt vào thành ghế, thật buồn cười quá.
Thực ra không ai để ý đến họ, mọi người ngồi trên xe đều đang bực tức. Lái xe nhân cơ hội này, rút thuốc lá hút rồi xuống xe đứng vào một bóng râm. Cô bán vé an ủi hành khách bằng những lời lẽ mà chính cô cũng không thể tin được. Cánh cửa xe mở ra, trời rất oi bức, đã bốn, năm giờ chiều rồi mà mặt trời vẫn chiếu gay gắt.
Lâm Hạnh Hoa ngó đầu ra cửa xe rồi nói với Triệu Ngư:
- Chắc cả tiếng nữa xe cũng chưa chạy được.
- Mặc xác nó, con người ta có số cả.
- Anh không thấy sốt ruột à?
- Sốt ruột cũng vô ích. Ngay từ lúc lên xe tôi đã có linh cảm hôm nay chắc chắn sẽ bị tắc xe.
- Em cũng chẳng sốt ruột, miễn sao hôm nay về đến Nga Mi Sơn là được. Nhưng vạn nhất tắc xe lâu hơn thì sao?
- Cô đừng nói thế, nếu nói là ứng nghiệm ngay đấy.
- Nhưng em đã nói ra mất rồi. - Lâm Hạnh Hoa cười.
- Thế thì cô hãy đợi nó ứng nghiệm cho mà xem.
Tự nhiên hai người nói nhỏ lại, vì mọi người trên xe dường như chẳng ai nói gì. Lái xe đã bước lên và bảo rằng ở gần đây có nhà vệ sinh tương đối sạch sẽ, ai muốn đi thì đi. Ý của lái xe như muốn nói mọi người hãy đi vệ sinh, quay trở về xe chạy là vừa. Không ai tin vào lời nói của anh ta, chỉ nhìn về phía nhà vệ sinh cách đó vài chục mét. Lái xe rốt cuộc vẫn là lái xe, là người có quyền duy nhất trên xe, khi mọi hành khách trên xe đều bó tay, dường như anh ta lại nghĩ ra một cứu cánh, ví dụ anh ta chỉ cái nhà vệ sinh chẳng hạn, đó là một trong những biện pháp của anh ta. Anh ta yên lặng không nói gì là tín hiệu quyền uy của anh ta. Anh ta nói một là một. Ngay cả đến cô nhân viên bán vé cũng tuân lệnh anh ta xuống xe. Anh ta gục đầu trên vô lăng tranh thủ ngủ. Trên xe chỉ còn lại Triệu Ngư và Lâm Hạnh Hoa.
Nhà vệ sinh ở ngay phía sau một thửa ruộng, được xây theo kiểu nhà vệ sinh công cộng, tường quét vôi trắng, trên có kẻ chữ đen: "Nhà vệ sinh". Mọi hành khách đều xuống xe đi về phía nhà vệ sinh, con đường bờ ruộng lố nhố những người mặc trang phục lòe loẹt. Họ xếp hàng trước nhà vệ sinh, người thì hút thuốc, người thì ngẩng đầu nhìn lên trời. Có người từ nhà vệ sinh bước ra mới kéo quần lên và kéo khóa quần, những người này tỏ ra như mình là người có quyền, chẳng coi ai ra gì hết. Chị em phụ nữ đều phải quay mặt đi, kể cả Lâm Hạnh Hoa ngồi trên xe.
- Em không hiểu tại sao lại có những người như vậy. Anh nhìn ông bụng phệ kia mà xem, người đàn ông khúm núm trước mặt ông ta chắc chắn là thư ký. Nhất định ông bụng phệ sẽ đi vào nhà vệ sinh trước, anh nhìn kìa, em nói quả không sai. - Lâm Hạnh Hoa nói.
- Thì ra lãnh đạo khi đi vào nhà vệ sinh cũng vẫn là lãnh đạo.
- Vậy khi lãnh đạo xuống mồ thì sao? - Lâm Hạnh Hoa cười.
- Lại càng là lãnh đạo.
- Khi đã xuống mồ rồi, chưa hẳn đã còn là lãnh đạo, thời thế thay đổi mà anh.
- Dù lãnh đạo có bị ăn đạn đồng, khi chết đi có thể vẫn làm lãnh đạo vì mọi món nợ ông ta đã trả xong.
- Liệu chúng ta có cường điệu quá không?
- Chẳng có gì là cường điệu cả, chúng ta không bao giờ cường điệu về họ, tuy nhiên không phải ai cũng xấu cả, trong họ vẫn có người tốt. Nhìn kìa, ông bụng phệ đã ra, anh thư ký đã vào. Có lẽ anh thư ký sẽ đi tiểu tiện rất nhanh, anh ta sẽ cố nén để lại một nửa. Quả nhiên anh ta ra rất nhanh, ồ chúng ta đoán giỏi như thần. Tiếc quá, giá có chiếc máy ảnh chụp lấy vài kiểu thì hay biết mấy.
- Em có máy ảnh, nhưng sắp hết phim rồi. Dù sao cũng phải chụp trộm lấy một kiểu.
Lâm Hạnh Hoa lấy máy ảnh ra, Triệu Ngư cầm máy ngắm, rồi chụp một kiểu. Cảnh tượng thật thú vị. Lâm Hạnh Hoa nói đợi khi nào in ảnh cô sẽ gửi cho anh một tấm.
Hành khách đi vệ sinh xong, lục tục trở về xe. Anh lái xe tỉnh giấc ngồi thẳng người dậy. Người đàn ông ngồi bên cạnh lái xe mời thuốc và nói cho lái xe biết tình hình tắc đường: Phía trước có một xe công nông bị lật đổ nằm chắn ngang giữa đường. Anh lái xe gật đầu, không nói gì. Người đàn ông nhả khói lên không trung. Anh ta rất đắc chí, tự coi mình là người nắm vững tình hình. Hành khách trên xe đều ngồi ngay ngắn, dường như đang chuẩn bị cho xe xuất phát.
Anh lái xe chẳng nói năng gì, mặt trời vẫn chiếu thẳng vào đầu anh ta, mồ hôi nhuễ nhại trên trán, anh ta cũng chẳng thèm lau. Anh ta hiểu rằng rất nhiều hành khách đang chờ anh ta đưa ra một chiêu gì mới. Nhưng anh ta chẳng có cách nào. Cách gì đây? Hôm qua phải đánh xe đi đường vòng, chẳng lẽ hôm nay lại cũng đi đường vòng ư? Đằng trước, đằng sau đầy ắp những xe, đi làm sao được. Anh ta buồn rầu xuống xe đi quan sát một lượt rồi quay lại trịnh trọng tuyên bố: Phải hai giờ nữa xe cũng chưa thể lăn bánh được. Nếu trước khi trời tối vẫn chưa thông xe thì chưa biết chừng sẽ phải ngủ qua đêm ở đây. Đề nghị mọi người hãy chủ động liên hệ với các gia đình nông dân để ăn cơm tối. Những khách nào có điện thoại di động thì để lại số gọi, còn khách nào không có thì đừng đi xa quá. Tôi sẽ bóp ba hồi còi làm tín hiệu báo cho mọi người biết là xe sắp chạy. Một hồi còi dài là báo hiệu... phải ngủ lại qua đêm, mọi người cứ yên tâm mà ngủ.
Lái xe nói một thôi một hồi, ai cũng gật đầu. Lời nói từ cửa miệng anh ta, tỏ rõ quyền uy chẳng khác gì một vị tướng đang chỉ huy chiến trận. Anh ta lau mồ hôi trên trán. Khi nói xong, anh ta nở nụ cười. Không khí trên xe ồn ào hẳn lên. Sự phiền toái về tắc xe, giống như một chuyến lữ hành lãng mạn. Mọi người sốt sắng báo số máy di động của mình, đề nghị cô bán vé ghi lại, lúc đó người ta mới phát hiện người nào cũng có máy di động.
Để liên hệ được với nhà dân, hành khách tranh nhau xuống xe tỏa đi khắp nơi. Họ xuyên qua rừng trúc, vườn cam, vườn quýt tìm vào nhà dân, chỉ còn anh lái xe và cô bán vé ở lại trên xe tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. Lâm Hạnh Hoa đi vệ sinh, Triệu Ngư đứng bên đường chờ cô.
Lâm Hạnh Hoa từ nhà vệ sinh bước ra, cô thấy Triệu Ngư đang đứng, tay đút vào túi quần. Cô cảm thấy người đàn ông này giống như một bức tranh sơn dầu lơ đãng. Lâm Hạnh Hoa nhìn Triệu Ngư, Triệu Ngư cũng nhìn cô. Anh thấy Lâm Hạnh Hoa không giống cái gì hết, mà giống Lâm Hạnh Hoa.
Khi hỏi chỗ nào có khách sạn, chú mục đồng chỉ tay về phía xa. Triệu Ngư và Lâm Hạnh Hoa đi qua vườn quýt, rồi men theo đường bờ ruộng đi rất xa vẫn chẳng thấy khách sạn đâu. Bị nắng suốt cả ngày, bây giờ vẫn còn nóng, thời tiết mùa Xuân đã báo hiệu bước sang mùa Hè. Những đám mây vần vũ trên đầu, có lẽ nay mai sẽ mưa to. Mưa rồi lại nắng, lúa trên đồng sẽ chín. Lâm Hạnh Hoa đề nghị nên tìm một nhà nông dân nào đó, không cần phải khách sạn làm gì, Triệu Ngư cũng nghĩ như vậy. Họ tiến đến một bức tường đất thó, gõ cửa. Một bà lão người gầy guộc bước ra, Lâm Hạnh Hoa giải thích với bà. Bà lão tần ngần một lúc rồi nhếch miệng cười, mời hai người trẻ tuổi vào nhà.
Gia đình nông dân này có cái sân nhỏ, kém xa cái sân nhà Ngọc Cầm. Quanh hàng rào có trồng cam quýt và các cây ăn quả khác. Một con gà mái dắt đàn gà con kiếm ăn ở sân ngơ ngác nhìn khách lạ, miệng kêu chíp chíp. Con chó đốm nằm ở góc tường sủa lên vài tiếng.
Một ông lão từ trong nhà lùi lũi bước ra, Lâm Hạnh Hoa giải thích lại những lời vừa nói với bà lão, ông lão chẳng nói chẳng rằng, dường như đang suy nghĩ, hết nhìn Lâm Hạnh Hoa, lại nhìn Triệu Ngư.
- Anh chị muốn ăn cơm à? - ông lão hỏi.
- Vâng, chúng cháu đến làm phiền hai bác, - Lâm Hạnh Hoa nói.
- Phiền cái gì, tôi thu tiền đấy. - Ông lão xua tay. Thái độ của ông lão rất dứt khoát mắt nhìn chằm chằm vào cái túi của Triệu Ngư đeo trên vai. Ông lão nói tiếp: - Tôi sẽ làm cho anh chị một con gà, giá năm mươi đồng đấy, không mặc cả đâu.
- Được, bác cứ làm cho chúng cháu, gà rang cũng được, giá cả không thành vấn đề, bác đã nói thế, chúng cháu xin trả đủ. - Triệu Ngư nói.
Ông lão không có phản ứng gì về lời nói của Triệu Ngư, chỉ dặn bà lão vào bếp nhóm lửa thổi cơm, rồi chắp tay sau lưng đi ra cổng sau. Tay ông lão dính đầy bùn.
Đôi bạn trẻ đứng giữa sân ngơ ngác nhìn nhau.
Bà lão vội vàng bắt gà, đun nước, cho củi vào bếp. Lâm Hạnh Hoa muốn vào bếp giúp đỡ bà lão một tay, bà lão vội nói: Cô cứ nghỉ đi, cứ nghỉ đi. Dường như bà lão sợ cô giúp đỡ sẽ trừ bớt tiền của mình. Triệu Ngư nói với Lâm Hạnh Hoa: Chúng ta ra ngoài đi đạo một lúc rồi về. Bà lão nói: Đừng đi chơi xa nhé!
Trên tay vẫn cầm thanh củi, bà lão vội theo hai người ra cổng rõ ràng là không yên tâm. Nếu hai người này không quay lại thì bà sẽ giết oan một con gà, biết tính sao.
Mặt trời đã xuống núi, những tia nắng yếu ớt cuối cùng vẫn còn le lói chiếu. Nghe theo lời dặn của bà lão, Triệu Ngư và Lâm Hạnh Hoa không dám đi xa, đến trước một thửa ruộng thì dừng lại, quay đầu nhìn làn khói đang lan tỏa trong bếp. Hai người ngồi bên bờ ruộng, một người ngồi duỗi thẳng chân nghỉ ngơi, còn người kia thì vê những hòn đất ném lên không trung. Họ giống như một cặp tình nhân hoặc đôi vợ chồng, có lẽ cả hai đều cảm thấy như vậy nhưng không tiện nói ra. Đúng vậy, biết nói gì bây giờ? Hôm qua họ còn là những người xa lạ, cách đây ba tiếng đồng hồ, họ còn chưa biết họ tên của nhau, thế mà bây giờ đã vai sánh vai ngồi bên bờ ruộng ngắm cảnh hoàng hôn. Nhưng sau hoàng hôn, trời sẽ sập tối... biết tính sao bây giờ? Họ chẳng nói với nhau điều gì, chỉ ngồi ngắm cảnh đồng ruộng và ánh chiều tà. Xa xa có vài nông dân đang cặm cụi làm việc, họ đều là những người đã đứng tuổi.
Triệu Ngư nhận liên tiếp ba cuộc điện thoại của Tưởng Vận, Hỷ Nhi và của vợ. Anh nói sơ qua với vợ vài câu thì điện thoại hết pin. Anh không muốn mượn điện thoại của Lâm Hạnh Hoa. Lâm Hạnh Hoa cũng gọi điện thoại cho đồng nghiệp ở văn phòng thông báo tình hình kẹt xe, rất có thể phải ở lại qua đêm. Sợ sáng mai đi làm việc trễ, cô xin nghỉ phép nửa ngày. Người đàn ông nghe điện thoại có lẽ là chánh văn phòng. Anh trả lời đồng ý và nhắc cô phải chú ý về mặt an toàn. Cô cúp điện thoại rồi nói với Triệu Ngư:
- Có lẽ ông bà chủ không thích chúng ta lắm.
- Đối với người thành phố, họ đều có thái độ đối xử như vậy. Giữa chúng ta và họ có sự khác biệt nhau nhiều quá. - Triệu Ngư nói.
- Một ông cụ bảy mươi, tám mươi tuổi mà vẫn ra đồng làm việc họ vất vả quá.
- Có lẽ ở vùng này cũng không nghèo lắm, tôi thấy trong nhà có ti vi màu và cát sét. Rất có thể con cái họ đi làm xa, còn các cháu thì đi học. Người già ở nông thôn ít được hưởng hạnh phúc, họ phải cặm cụi làm việc. Báo chí luôn nói đến xóa đói giảm nghèo, nhưng xem ra chẳng có tác dụng gì mấy. Hoàn cảnh trước mắt của họ chẳng có lấy một chút hy vọng nào. Vất vả lắm mới kiếm được một ít tiền, nhưng nếu ốm một trận lại tay không ngay. Đấy là chưa kể đến việc dựng nhà dựng cửa, cưới xin và nuôi con đi ăn học. Người thành thị chúng ta khác hẳn, làm việc ở cơ quan năm nào cũng được tăng lương, nên không thấu hiểu đến nỗi khổ của người khác.
Câu chuyện trở nên nặng nề, Triệu Ngư rất xúc động. Sự xúc động vô nghĩa. Xúc động suông. Nông thôn bao la, đất đai vô tận, sự xúc động đó quá nhỏ nhoi. Nếu như ai cũng xúc động, cũng thấu hiểu nỗi khổ của nông dân như mình thì hay biết mấy. Thực tế lại chẳng như vậy. Vì thế sự xúc động của anh thật đáng buồn cười.
Triệu Ngư trầm ngâm suy nghĩ.
Mặt trời đã khuất núi, màn sương đang ập tới, trên đường hàng trăm xe nối đuôi nhau bất động, Lâm Hạnh Hoa nhận được điện thoại của lái xe nói rằng có mấy anh cảnh sát giao thông đến rồi lại bỏ đi ăn cơm. Xem ra đêm nay chưa thể thông xe được, đề nghị hành khách tìm chỗ ngủ, nhưng chú ý đừng ngủ say quá.
Lâm Hạnh Hoa nói với Triệu Ngư: Chúng ta về thôi, em đã ngửi thấy mùi thịt gà rừng rồi đấy.
Lúc ăn cơm, ông lão ngồi nhắm rượu với một bát rau, mắt nhìn sang chiếc bàn có bày thịt gà rán. Gà do ông nuôi được, mỗi con nặng hai, ba cân ông bán năm mươi đồng, như thế cũng được. Xưa nay khách vãng lai vẫn vào nhà ông ăn cơm. Xe hỏng là một việc tốt, khách thành thị sẽ phải đến gõ cửa nhà ông. Năm ngoái cũng có một đôi nam nữ đến nhà ông, họ mặc cả rất kỹ, cuối cùng một con gà trống chỉ bán được ba mươi đồng, hôm đó trời mưa, cô gái đã tiện tay đem đi của ông mất một chiếc ô... Ông lão mắt lim dim ngồi uống rượu nhìn màn đêm đang dần đần buông xuống. Mái hiên không mắc đèn, giá điện ở nông thôn còn cao lắm, nạn mất trộm bóng đèn lại xảy ra phổ biến. Triệu Ngư mời hai ông bà cùng ăn, nhưng ông lão lắc đầu xua tay, thái độ lạnh tanh. Triệu Ngư đặt bát đũa xuống, đưa tiền trả ông lão, lúc đó ông lão mới hơi nhếch mép cười. Lâm Hạnh Hoa xẻ một nửa thịt gà đưa sang bàn ông lão, lúc đó không khí mới dễ chịu hơn.
Ông lão mời Triệu Ngư uống một chén rượu. Triệu Ngư uống xong khen ngon, ông lão vui vẻ hẳn lên, bắt đầu trò chuyện. Ông họ Uông, con trai và con dâu đều đi làm thuê ở Mi Sơn, cháu nội thì học ở trường chuyên trên huyện, sau ba năm học lại vào một trường gì đó. Tiền tiêu nhiều quá, mỗi năm phải chi đến mấy nghìn. Hai vợ chồng già chỉ trông vào nguồn thu từ đồng ruộng, ốm đau bệnh tật đều trông vào đấy cả. Ngày nào không đi làm coi là gặp nạn, chẳng trông cậy được vào đâu.
Ông lão uống rất nhiều rượu, Triệu Ngư chuyển sang bàn ông hầu rượu. Trời tối không trông thấy mặt người. Triệu Ngư bỗng nhớ tới ông lão ở Cầu Khê, xem ra ông lão họ Uông này còn nghèo hơn ông lão họ Vương rất nhiều. Bà lão hỏi họ có cần bật đèn không, Triệu Ngư trả lời: Vẫn trông thấy.
Ông lão nói: Chúng tôi có thói quen với đêm tối rồi. Trong làng có người dùng đèn dầu. Dùng đèn dầu có mất tiền không? Vẫn mất tiền.
Ông lão đột nhiên vui vẻ nói thêm: Anh chị nghỉ lại qua đêm tôi chỉ lấy mỗi người mười đồng thôi. Giường chiếu sạch sẽ lắm, con dâu tôi vừa mới về, nó cũng học tập thành thị, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ lắm.
Triệu Ngư không nói gì, anh nghĩ: Đã có cảnh sát giao thông đến, chắc đêm nay sẽ về được Mi Sơn. Lâm Hạnh Hoa ngồi yên không nói gì.
Ăn cơm xong, Triệu Ngư và Lâm Hạnh Hoa bước vào nhà, ông lão bảo bà lão bật ti vi. Theo thói quen, nhà không bật đèn, vì bật ti vi đã đủ sáng lắm rồi. Ti vi chỉ tiếp sóng đài Trung ương và đài Mi Sơn. Ông lão hút thuốc lá cuốn và mời Triệu Ngư hút thuốc lá điếu. Ông kéo Triệu Ngư vào thăm phòng ngủ của con dâu, quả nhiên phòng rất ngăn nắp, đèn điện sáng trưng. Lâm Hạnh Hoa vội giải thích cô và Triệu Ngư không phải là vợ chồng, chỉ là bạn bình thường thôi. Ông lão cười khà khà, Lâm Hạnh Hoa lại bổ sung: Cháu nói thật đấy, chúng cháu chỉ là bạn thôi. Lâm Hạnh Hoa không tiện nói ra cô và Triệu Ngư mới chỉ quen biết nhau trên xe, một người đàn ông và một người đàn bà mới chỉ quen nhau sơ sơ, thì làm sao lại có thể ngủ cùng phòng được?
- Tôi không cần biết anh chị có phải là vợ chồng không, nhà tôi chỉ có một chiếc giường này thôi. - Ông lão nói trong men rượu - Năm đó tôi mua cho con trai chiếc giường này hết năm mươi sáu đồng. Anh chị xem gỗ tốt đáo để, đánh véc ni cũng bóng đấy chứ. Nếu là vợ chồng thì anh chị nằm chung, không phải vợ chồng thì anh chị mỗi người quay đầu về một phía. Chiếc giường này tôi mua đã hơn ba mươi năm rồi. Anh chị thử nằm xem, còn chắc đáo để đấy.
- Con dâu bác ít về nhà à? - Lâm Hạnh Hoa hỏi.
- Nó cũng về luôn. Bọn trẻ bây giờ, chỉ thích vui chơi suốt đêm, khi về đến nhà không hé răng nửa câu, ngủ say như chết. - Ông lão cười đáp.
Lâm Hạnh Hoa vừa buồn cười, vừa đỏ mặt. Ở cạnh tường có một chiếc đi văng, cả cô và Triệu Ngư đều để mắt tới. Khi trở ra phòng ngoài, Lâm Hạnh Hoa hỏi hết chuyện này đến chuyện khác nào là sản lượng một mẫu ruộng được bao nhiêu thóc? Tự mình làm lấy hay phải thuê? Có nghề phụ không? Thuế má ra làm sao? Tiền phân bón hết bao nhiêu? Một tháng ăn mấy bữa thịt? Cán bộ nông thôn có tham nhũng không? Lâm Hạnh Hoa hỏi như một cán bộ cải cách năm mươi năm về trước. Đợi Lâm Hạnh Hoa nói hết câu, Triệu Ngư bảo:
- Tôi đi ra ngoài một chút.
- Anh cứ đi đi. - Lâm Hạnh Hoa nói.
Cô tưởng Triệu Ngư đi vệ sinh.
Triệu Ngư đi ra khỏi cổng rồi men theo đường bờ ruộng. Bầu trời trăng sao vằng vặc, nhưng đồng ruộng thì chẳng có lấy một chút gió. Cảm giác nóng nực ban ngày không còn nữa, ánh nắng mặt trời đã chìm sâu trong lòng đất. Tiết trời tháng Tư vẫn làm cho da dẻ mát dịu. Xa xa trên đường, ánh đèn pin lấp loáng. Dưới đồng ruộng, thỉnh thoảng có vài tiếng ếch kêu.
Triệu Ngư bước lên đường nhựa.
Duyên kỳ ngộ, anh nghĩ.
Một ngôi sao băng từ trên trời rơi xuống rồi lặn tắt về phía nam. Bầu trời sao không phải là điều kỳ ngộ. Lúc này trong tâm hồn người đàn ông không nghĩ gì nhiều, chỉ có hai chữ kỳ ngộ. Kỳ ngộ không phải là một câu hoàn chỉnh, mà chỉ là một từ đơn. Anh không dám nghĩ sâu về sự kỳ ngộ, vì sợ nghĩ sâu sẽ có chuyện.
Anh ngước nhìn bầu trời đầy sao, không suy nghĩ gì nữa.
Anh ngắt một bông lúa sắp chín đưa lên miệng để thưởng thức mùi thơm của lúa. Anh bóp nát một cục đất. Anh hút thuốc. Anh lắng nghe tiếng gió vi vu từ đồng ruộng thổi đến, rõ ràng đây không phải là tiếng ếch kêu. Anh không nghĩ gì hết.
Nhưng anh cảm thấy mình đã ngồi ở đây quá lâu. Một ngôi sao trên trời từ từ chuyển động từ đông sang tây, đột nhiên tỏa sáng, rồi lại mờ đi... chẳng khác gì một vật bay không nhìn rõ, người đàn ông ngồi trên đất không thể nào nhìn thấy được. Ban đêm mát thật, anh nghĩ. Cái mát dễ chịu của một đêm mùa Xuân. Ánh đèn pin trên đường vẫn lấp lóe, còn ôtô thì không bật đèn. Tình hình này chắc phải ngủ qua đêm mất thôi.
Triệu Ngư định hút xong điếu thuốc thì quay về. Đúng lúc đó anh nghe thấy tiếng động ở phía sau, thì ra Lâm Hạnh Hoa đã đến.
Cô tiến sát đến bên anh bảo rằng trời tối quá không nhìn rõ mặt người, phải nhìn theo đốm thuốc lá đến đây. Cô nhìn lên đường nhựa thấy ánh đèn pin lấp loáng, cô nói với Triệu Ngư: Yên tĩnh quá.
Triệu Ngư đứng dậy, vươn vai vài cái.
Lâm Hạnh Hoa nói hai ông bà già đã đi ngủ cả rồi, khi ra đến cổng cô còn nghe thấy cả tiếng ngáy. Hai ông bà già làm lụng suốt ngày, tối đến là đi ngủ ngay, rất ít xem ti vi. Lâm Hạnh Hoa thở dài, Triệu Ngư liếc nhìn cô. Cả hai đều liếc nhìn nhau trong đêm tối.
Lâm Hạnh Hoa không nói gì, chiếc áo nhung của chị chỉ còn cách chiếc áo nhiều màu của Triệu Ngư mười centimét. Một khoảng cách cần thiết vừa đủ để cô quay người ngắm nhìn đồng ruộng.
Triệu Ngư vẫn nhìn lên trời, trong đầu vẫn phảng phất chùm sao vừa nhìn thấy lúc nãy. Nhưng khi vừa vứt mẩu thuốc lá đi, anh lại quên ngay.
- Chúng ta về thôi, bà lão đã đun nước rửa chân cho anh em mình rồi đấy. - Lâm Hạnh Hoa nói.
Họ bước vào sân, rồi vào căn phòng của mình, bước đến chỗ có công tắc đèn, bước đến một khoảng cách không thể gần hơn được nữa. Trong phòng có một chậu đựng nước bằng gỗ màu đen xem ra đã cũ lắm rồi. Lâm Hạnh Hoa ngồi lên chiếc ghế thấp trước chậu nước. Cô cởi bít tất ra rồi đưa bàn chân nõn nà của mình vào chậu nước, cô nhẹ nhàng khua chân... Triệu Ngư ngồi trên đi văng, nhìn đôi chân của Lâm Hạnh Hoa đang khua trong nước, bụng thầm nghĩ đôi chân mới đẹp làm sao. Lâm Hạnh Hoa nói: - Sao anh còn ngồi ngẩn người ra thế, lại đây mà rửa chân đi.
- Cô cứ rửa trước đi, rửa xong tôi sẽ rửa. - Triệu Ngư nói.
Lâm Hạnh Hoa chỉ vào một chiếc ghế thấp khác, Triệu Ngư không có phản ứng gì. Lúc đó anh ngây người như phỗng. Cuộc sống kỳ lạ thật, anh ngây người ra là phải. Anh suy nghĩ miên man. Đêm đầu tiên giúp anh và người con gái đã bắt đầu từ cái chậu rửa chân này đây. Anh nhớ lại cái đêm đông mưa bão hôm nào, chân tay anh bối rối... Còn hôm nay, là đêm mùa Xuân, ở miền thôn dã, tiếng ếch kêu ồm ộp...
- Ngâm chân dễ chịu quá. - Cô luôn miệng giục Triệu Ngư: - Để lâu nước sẽ lạnh đấy.
Ý của Lâm Hạnh Hoa muốn nói là cô đang ngâm chân trong nước nóng, đang hưởng thụ cái thú ngâm chân trong cái chậu cổ lỗ sĩ của nhà quê. Cô luôn miệng bảo Triệu Ngư hãy thưởng thức xem. Phải tranh thủ kẻo nước nguội mất. Nếu để nước nguội, sẽ mất hết cảm giác thú vị. Nhưng đôi chân Triệu Ngư vẫn bất động, như đã chôn chặt xuống đất. Có lẽ anh đang do dự: có nên thử nếm trải mùi vị ngọt ngào một tí không. Anh cúi mặt xuống như một người đang trong cơn buồn ngủ.
Lâm Hạnh Hoa quên mất rằng chính cô và Triệu Ngư đều đã được hưởng thụ như nhau. Anh ngắm nhìn đôi chân và bộ giò thon thả của cô. Và phía trên đùi là... Thế là đủ rồi, đủ lắm rồi, anh say lắm rồi... Anh hiểu rằng một khi bốn cái chân cùng cho vào một cái chậu thì sẽ như thế nào. Thà rằng cứ đứng trên bờ mà xem còn hơn, nếu đưa chân vào chậu thì khác nào như truyền thuyết đã nói: Không cần hái hoa, hoa đã sà vào lòng mình rồi. Lâm Hạnh Hoa không nghĩ ra điều đó, vẫn bảo: Anh cởi giày ra đi.
Thấy không thể thoái thác được nữa, Triệu Ngư liền cởi giày, ngâm chân vào nước. Lâm Hạnh Hoa hỏi:
- Anh thấy dễ chịu không?
- Dễ chịu lắm. - Triệu Ngư đáp.
Tất nhiên là dễ chịu rồi, chậu gỗ khác hẳn chậu sứ, càng khác chậu nhựa. Thành chậu màu đen, loại chậu chỉ dùng ngâm chân vào năm mươi năm trước, thậm chí là trước ngày giải phóng. Nó có thể cùng một lúc chứa được bốn cái chân, nhưng nay thời thế đã khác bốn cái chân của hai người đàn ông và đàn bà vốn không quen biết cùng cho vào trong chậu để hưởng thụ cái thú của nước nóng, của chậu và đương nhiên của nhiều thứ khác nữa, có thể khẳng định là như vậy.
- Anh thấy dễ chịu không? - Lâm Hạnh Hoa luôn miệng hỏi.
Đại để sau mười phút, ngâm chân xong Triệu Ngư ra sân vươn vai vài cái.
Khi quay vào phòng lại gặp một vấn đề mới, Lâm Hạnh Hoa vẫn ngồi trên chiếc ghế đẩu, ngước mắt nhìn anh. Ngủ như thế nào đây, cô đợi Triệu Ngư đề xuất ý kiến. Triệu Ngư chỉ vào chiếc đi văng nói:
- Tôi ngủ ở đây.
- Không được, như thế không công bằng. - Lâm Hạnh Hoa lắc đầu.
- Như thế mới công bằng, cô là nữ.
- Chúng ta chơi oẳn tù tì, ai thắng sẽ ngủ đi văng.
- Thế cũng được, nhưng phải có quy định rõ ràng, nếu tôi thắng hai lần liền thì coi như thắng cuộc, còn cô phải thắng ba lần liền. Nếu cô không đồng ý thì đổi ngược lại, thua thì ngủ đi văng, tôi vẫn phải thắng ba lần liền.
- Thế cũng được, cứ để nguyên như cũ.
- Nghe khẩu khí của cô cứ như cô là cao thủ. - Triệu Ngư cười bảo.
- Hãy cứ thử xem, chỉ cần anh thắng em một lần, em xin phục sát đất.
- Rồi cô sẽ được chứng kiến.
Nói xong, hai người vào cuộc, một người đứng cạnh giường, một người ngồi trên đi văng, tập trung chú ý, mắt mở to rồi không hiểu vì sao khoảng cách giữa hai người cứ nhích dần lại nhau. Chơi đến mấy chục lần, tay đã mỏi mà vẫn bất phân thắng bại. Lâm Hạnh Hoa mặt đỏ bừng nói:
- Chúng mình làm thế này sợ ảnh hưởng đến ông bà lão thì bất tiện quá.
Cô đã nói với ông bà lão rằng mình với Triệu Ngư chỉ là bạn bình thường, thế mà đêm hôm khuya khoắt thế này vẫn còn cười đùa... Đồng hồ đã chỉ đúng mười giờ, nhưng sao lại có cảm giác như đã khuya lắm rồi. Hai người cùng rót nước uống, cuộc chiến không lời lại bắt đầu, ai cũng muốn giành phần thắng. Chiếc áo nhung của Lâm Hạnh Hoa luôn luôn rung động, bên trong là chiếc áo lót màu cánh sen, Triệu Ngư đâu có để ý đến chi tiết này, anh chỉ chú ý đến những kéo, những dùi, những nắm tay và xòe bàn tay... Kéo thì thua nắm đấm nhưng lại là khắc tinh của giấy. Lâm Hạnh Hoa luôn xòe lòng bàn tay để chế ngự nắm đấm của Triệu Ngư, sau đó cô cố ý xòe lòng bàn tay lần nữa thì Triệu Ngư lại ra cái kéo, thế là cắt được giấy. Lâm Hạnh Hoa liếc nhìn Triệu Ngư thấy anh chuẩn bị ra cái kéo, cô cũng ra cái kéo. Thế là vẫn bất phân thắng bại. Lâm Hạnh Hoa tủm tỉm cười, ý muốn lên giường... Cô nói:
- Đã sáng lập kỷ lục rồi đấy, ở đơn vị em vẫn chơi nhưng chưa gặp địch thủ nào như anh.
- Gặp đối thủ rồi hả? - Triệu Ngư nói.
- Nguyên tắc đề ra tuy có lợi cho anh nhưng em mới là người thắng cuộc.
- Cô ghê thật đấy. Tôi cứ tưởng phụ nữ phản xạ chậm.
- Anh tuy là nghiệp dư nhưng xem ra cũng khá đấy.
- Vậy cô là tay chơi chuyên nghiệp à? - Triệu Ngư cười bảo.
- Ở cơ quan chúng em vẫn hay chơi với nhau, oẳn tù tì đi nấu cơm, rửa bát, đi chợ, trực văn phòng... Trình độ của em thuộc loại trung bình, cứ tưởng thắng anh dễ dàng, em sẽ ngủ đi văng nhưng không ngờ... Thôi, em mỏi tay lắm rồi.
- Chơi bằng tay trái cũng được.
- Tay trái em vụng lắm, em chưa thắng bằng tay trái lần nào.
- Nào, ta tiếp tục, nhất định phải phân rõ thắng thua.
Lâm Hạnh Hoa bảo cứ cho là cô thắng có được không? Triệu Ngư không chịu. Lâm Hạnh Hoa nói:
- Em thích ngủ đi văng.
- Tôi cũng thích ngủ đi văng.
- Một cái đi văng làm sao có thể ngủ hai người được, hơn nữa anh lại là đàn ông?
- Tôi thích ngủ co người lại.
- Anh là người đàn ông khó tính quá.
- Khó tính ở chỗ nào? - Triệu Ngư hỏi.
- Người Thượng Hải bảo thế là khó tính. Em có một người bạn ở Thượng Hải, vẫn hay nói thế này là dễ tính, thế kia là khó tính. Khó tính ở đây có nghĩa là rắc rối. Triệu Ngư, anh rắc rối thật đấy.
- Tôi thấy mình chẳng có gì là rắc rối cả, chỉ có cô là rắc rối thôi.
- Em rắc rối ở điểm nào?
- Vì cô đồng chí Lâm Hạnh Hoa không chịu ngủ trên giường.
- Nhưng anh cũng không chịu lên giường, tại sao anh không tự hỏi mình?
- Tôi chả có gì đáng nói cả.
- Em cũng thế, em đần độn, làm sao bì được với anh.
- Cô mà đần ư? Nói thao thao bất tuyệt, nói đâu ra đấy.
- Hay là chúng ta thức đêm, ngồi nói chuyện vậy. - Mắt Lâm Hạnh Hoa sáng lên.
- Bây giờ là mười giờ rưỡi, còn những bảy, tám tiếng nữa mới sáng. - Triệu Ngư nhìn đồng hồ.
- Mới mười giờ rưỡi thôi à, em cứ tưởng đã khuya lắm rồi. Ai mà thức được bảy, tám tiếng đồng hồ? - Lâm Hạnh Hoa lè lưỡi.
- Cô thì có thể được, còn tôi thì chịu chết. Cô là người học rộng biết nhiều. Có điều tôi xin bảo đảm, tôi không nghe sót một câu nói nào của cô đâu. Tôi khẳng định như vậy.
- Thôi đi, việc gì phải thế, dù có nói chuyện được thâu đêm thì cũng chẳng ai ngốc nghếch mà làm như vậy, chân tay em mệt mỏi lắm rồi.
Lâm Hạnh Hoa đứng dậy vươn vai, khua chân múa tay vài cái. Họ ngồi cùng một tư thế trên thành giường, ngồi rất lâu thế mà đùi không ê ẩm mới lạ chứ. Quả thật là hơi ngốc nghếch, chỉ có những người đàn ông, đàn bà ngốc nghếch mới ngồi như vậy, quên cả sự ê ẩm, anh một câu, chị một lời không lúc nào ngớt, có lẽ họ định nói chuyện thâu đêm thật. Lâm Hạnh Hoa nói, bảy tám tiếng thì dài quá, ý muốn nói độ bốn, năm tiếng thì không có vấn đề gì, còn Triệu Ngư bảo có thể nghe rành mạch từng câu nói của cô là có ý nói rất thích nghe những điều cô nói. Họ ngầm liên tưởng đến trò chơi oẳn tù tì ban nãy khi hai người cùng ra cái kéo, đối chiếu với tình huống lúc này: Không những họ cùng ngồi với nhau, mà còn muốn cùng... với nhau.
Lâm Hạnh Hoa với chiếc áo nhung màu lam, thân hình thon thả mũi dọc dừa đứng bên ngọn đèn nói với Triệu Ngư:
- Hay là ta cứ nằm lộn đầu đuôi như ông già nói và mặc nguyên quần áo đi ngủ.
- Tôi không tranh luận với cô nữa, tôi ngủ đi văng. - Nói là làm ngay, anh ra đi văng nằm, lấy tay làm gối, hai chân duỗi thẳng, mắt liếc nhìn Lâm Hạnh Hoa.
- Anh Triệu Ngư, anh phong kiến quá đấy, anh vẫn mang tư tưởng nam nữ thụ thụ bất thân.
- Cô hơi nặng lời rồi đấy, cô Lâm Hạnh Hoa ạ. Chúng ta cùng ăn một mâm, cùng rửa chân một chậu, sao gọi là thụ thụ bất thân được?
Lâm Hạnh Hoa nghĩ đến một câu nói nhưng chưa thể nói ra được. Làm sao có thể nói ra câu này được? Cùng ăn một mâm, cùng rửa một chậu, tiếp theo phải là... cùng ngủ một giường. Cô muốn nói tránh ra là mặc nguyên quần áo đi ngủ, nhưng mặc nguyên quần áo thì cũng vẫn là ngủ cùng giường, nếu lẫn lộn giữa hai từ này thì sẽ xảy ra phiền phức. Bản thân từ ngủ cùng giường không đề cập đến từ để nguyên quần áo, mà có nghĩa ngược lại. Nhân câu nói của Triệu Ngư là cùng ăn, cùng rửa một chậu mà Lâm Hạnh Hoa kịp phanh lại, mặt cô đỏ ửng.
Lâm Hạnh Hoa lên giường, tung chăn ra đắp, cô hỏi Triệu Ngư có lạnh không, Triệu Ngư bảo không lạnh. Một lát sau cô lại bảo: đêm sẽ lạnh đấy. Cô cởi chiếc áo nhung ném cho Triệu Ngư, chiếc áo như có cánh bay thẳng vào người Triệu Ngư, hơi ấm, mùi thơm của cô lan tỏa khắp người Triệu Ngư. Triệu Ngư hít thở một hơi thật sâu. Niềm say đắm không phải từ trên trời rơi xuống, mà chính từ chiếc áo nhung...
Hai người, một người thì mặt đỏ ửng, còn người kia thì say đắm, họ tắt đèn đi ngủ. Đã có màn đêm che chở không việc gì phải lo lắng về sự say đắm và đỏ mặt của mình. Họ lại tiếp tục thì thầm hồi lâu rồi mới nằm yên. Khoảng nửa đêm thì họ ngủ.
Khoảng một tiếng sau, Triệu Ngư trở mình và tỉnh giấc, suýt nữa thì anh ngã xuống đất. Khi định thần lại, anh tự hỏi mình đang nằm ở chỗ nào đây. Ở trên giường, Lâm Hạnh Hoa cũng vừa tỉnh giấc, cô mơ màng chứ không ngủ ngon như Triệu Ngư.
Cô ngồi dậy, vuốt lại mái tóc, bật đèn rồi hài hước mời Triệu Ngư lên giường:
- Anh đừng nhút nhát như thế.
Cuối cùng Triệu Ngư cũng thỏa hiệp, rời đi văng trèo lên chiếc giường kiểu cổ, người anh lắc lư như một kẻ mộng du hoặc con ma men rượu, chỉ cách có vài bước chân mà cứ như đi mấy chục năm. Quả thật anh cũng hơi ngài ngại, ai lại ngủ chung với một cô gái như thế này...
Lâm Hạnh Hoa tắt đèn, đẩy cho anh cái gối. Hai người cùng đắp chung chăn, việc hai đùi áp sát vào nhau là điều khó tránh khỏi. Thỉnh thoảng tiếng ếch nhái lại kêu ộp oạp, ai mà ngủ được họ đều thao láo mắt, không nói năng gì. Tim đập thình thịch, hồi hộp vô cùng, không dám trở mình động đậy chân, chiếc giường thoải mái bỗng đầy ắp những chuyện thiếu tự nhiên... Triệu Ngư nghĩ kể ra câu "nam nữ thụ thụ bất thân" cũng có cái lý của nó, Khổng Tử nói như vậy vì đích thân ông đã thể nghiệm qua. Trước hết Khổng phu tử cảnh giác với chính mình. Tử Lộ nghi ngờ ông mê công chúa của Vệ Linh, ông thề độc rằng nếu tôi có những ý nghĩ bệnh hoạn thì xin trời tru đất triệt tôi, trời tru đất triệt tôi.
Triệu Ngư mỉm cười trong đêm tối. Thánh nhân đã dạy: Tôi chưa thấy một người háo đức nào bằng những kẻ háo sắc. Anh lẩm bẩm câu đó hai lần. Sự ngang ngược của lão phu tử thế mà lại hay, đứng trước đàn bà, ông thường ghét cay, ghét đắng. Rất khó chiều đàn bà, nói đúng hơn rất khó gần đàn bà. Tư Mã Thiên rất hiểu tâm tư của Khổng Tử, đã tốn rất nhiều giấy mực để miêu tả về cảnh Khổng Tử gặp công chúa.
Nghĩ đến đây, thấy lòng mình thanh thản: Thánh nhân như thế đã đành còn mình cả đời chỉ một lần có hành động bất chính có gì đáng nói đâu. Nhưng trong thực tế, ngay cả câu nói không chính đáng, anh cũng chưa hề nói ra. Có điều anh vẫn thấy hồi hộp và xúc động. Đùi phải của anh áp sát vào đùi trái của Lâm Hạnh Hoa, cả hai cái đùi đều bất động chẳng khác nào hai khúc gỗ. Nếu có ai đó quan sát thật kỹ thì mới thấy hai cái đùi hơi rung động. Cả hai đều yên lặng, đều đang trải qua những thử thách chưa từng gặp. Cảm thụ của Lâm Hạnh Hoa không sao tả xiết nhưng không tiện nói ra, còn Triệu Ngư thì không thể nào khác được đành phải suy nghĩ tiếp:
Khổng Tử ở nước Vệ hơn một tháng trời, vì nhàn rỗi, ông liền đi dạo phố để cầu vận may. Nàng công chúa kiều diễm ngồi trên kiệu đi qua phố. Nàng khảng khái nói: Tôi chưa thấy ai trọng đức hơn sắc đẹp đến thế. Dân chúng trên đường phố bàn tán xôn xao về vẻ đẹp của mĩ nhân, Khổng Tử vừa đi vừa suy nghĩ: Mỗi ngày ta phải xem lại mình ba lần, đây là lần đầu tiên.
Ông nghĩ đến cây liễu rủ, xem ra nó còn cứng cáp hơn mình, vì thế ông quyết định: Phàm những điều gì thất lễ đều không nên làm... Triệu Ngư nghĩ: Không biết nàng công chúa đẹp đến chừng nào? Tại sao Khổng lão phu tử phải răn mình như thế.
Chắc hẳn vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của nàng công chúa hai ngàn năm trăm năm về trước sẽ là một trong bốn mĩ nữ đẹp nhất từ cổ chí kim. Có điều tiếng tăm để lại của nàng chẳng hay ho gì, đã làm thánh nhân phải khốn đốn, mang tiếng xấu.
Sắc đẹp của nàng đã làm khuynh đảo cả Khổng Tử, đến nỗi ông phải đưa ra những lời thề độc. Vợ Tôn Kiện Quân cũng là một người đẹp, có lẽ khi viết tiểu thuyết, anh đã dựa vào cốt truyện người đàn bà đẹp làm cảm hứng sáng tác của mình.
Trong đêm khuya, ôn lại chuyện xưa, Triệu Ngư cảm thấy đùi phải của mình dễ chịu hơn, thực ra nói hai đùi áp sát vào nhau vẫn chưa hoàn toàn chính xác vì nó còn khoảng cách giữa hai lớp quần, như thế thì gọi là áp sát sao được? Có điều kỳ lạ là khi Triệu Ngư vừa nhấc đùi lên thì đùi của Lâm Hạnh Hoa cũng có phản ứng ngay, cô trở mình, thế là hai cái đùi rời xa nhau.
- Cô chưa ngủ à? - Triệu Ngư hỏi.
- Chưa, còn anh?
- Tôi chưa ngủ.
- Hình như có một con muỗi.
- Đúng, hình như có một con muỗi.
- Một con muỗi nhỏ xíu làm hai chúng ta không ngủ được. - Lâm Hạnh Hoa nói.
- Con muỗi này độc ác thật đấy.
- Anh đang nghĩ gì thế? - Lâm Hạnh Hoa hỏi.
- Tôi đang nghĩ về con muỗi. - Triệu Ngư đáp.
- Nghĩ về nó làm gì? - Lâm Hạnh Hoa cười.
- Tôi nghĩ có lẽ nó đã bay đi rồi. Nó nghe thấy chúng ta nói chuyện nên đã bay đi rồi.
- Khi nào chúng ta buồn ngủ, nó lại đến. - Lâm Hạnh Hoa lại nói.
- Nó chuyên môn quấy rối chúng ta. - Triệu Ngư nói.
- Nó không muốn cho chúng ta ngủ. - Một hồi lâu, Triệu Ngư không nói gì, Lâm Hạnh Hoa hỏi:
- Anh buồn ngủ rồi à?
- Hơi buồn ngủ thôi, còn cô thì sao? - Triệu Ngư đáp.
- Em chỉ sợ con muỗi lại đến quấy rầy chúng ta.
- Cô cũng bắt đầu nghĩ đến muỗi rồi đấy. - Triệu Ngư cười.
- Thôi anh ngủ đi.
- Tôi vừa nhớ ra một việc, cô có muốn nghe không?
- Muốn, anh nói đi.
- Chúng ta dậy thôi, tôi không ngủ nữa đâu, ngồi tán dóc một lúc rồi sẽ hay.
- Thế cũng được. - Lâm Hạnh Hoa đồng tình.
Cả hai ngồi dậy, lưng tựa vào thành giường, tung chăn ra, sẵn sàng trong tư thế nói và nghe. Đây là chiếc giường kiểu cũ nên cả hai thành giường đều có thể tựa lưng được. Lâm Hạnh Hoa muốn bật đèn nhưng bật đèn thì sáng quá, sợ sẽ khó thể hiện hết tình cảm, giá có một ngọn đèn dầu thì tốt hơn, thể hiện tình cảm sẽ tế nhị hơn. Nghe và nói trong đêm khuya ở nông thôn thì ngồi bên ngọn đèn dầu vẫn tốt hơn. Đêm tối vẫn hay hơn ánh sáng, không nhìn thấy, cũng không sờ thấy, sự truyền cảm cũng ý nhị hơn. Lâm Hạnh Hoa ngồi dựa thoải mái vào thành giường, Triệu Ngư không nhìn rõ mặt cô, chỉ thấy lờ mờ cái bóng: ánh mắt và sự tưởng tượng sẽ hình thành diện mạo của cô. Thực ra, ánh mắt của họ đều nhìn thấu màn đêm.
Trước khi bắt đầu, Triệu Ngư suy nghĩ mình sẽ nói gì đây?
Còn Lâm Hạnh Hoa đang chờ đợi điều gì? Tất cả đều chưa có lời giải, đó là những bí mật không lời giải của hai người trong chuyến đi này.
Triệu Ngư chưa kịp nói thì điện thoại di động của Lâm Hạnh Hoa đã đổ chuông, cả hai đều giật bắn người. Lái xe báo cho họ biết, xe sắp khởi hành, nội trong mười phút, họ phải về xe ngay.
Thế là họ lập tức rời khỏi giường, đi giày, chỉnh sửa lại quần áo.
Triệu Ngư rút trong túi ra một trăm đồng đặt lên bàn. Lâm Hạnh Hoa bảo phải báo cho ông bà lão một tiếng chứ? Triệu Ngư nói không kịp đâu, chúng ta đi thôi.
Hai người bước ra sân, con chó mực sủa ầm ĩ. Có tiếng mở cửa đánh kẹt một cái, ông lão từ trong buồng bước ra, ông chỉ mặc chiếc quần xà lỏn. Triệu Ngư nói:
- Xe sắp chạy rồi, chúng cháu không muốn làm mất giấc ngủ của hai bác.
- Để tôi mở cổng cho. - ông lão nói.
- Tiền phòng chúng cháu để ở trên bàn. - Lâm Hạnh Hoa nói.
- Việc gì phải trả tiền phòng. Anh chị khách sáo quá đấy. - Ông lão cười bảo.
Triệu Ngư và Lâm Hạnh Hoa men theo đường bờ ruộng đi được một quãng khá xa, bỗng nghe thấy tiếng nói to của ông lão: Hai đồng chí tốt bụng quá, chúc thượng lộ bình an.
Lúc lên xe, Triệu Ngư thấy Lâm Hạnh Hoa mắt rơm rớm lệ.
Xe từ từ khởi động, lúc đi, lúc dừng. Trong xe tiếng nói ồn ào ai cũng tranh nhau kể những chuyện đêm qua, nào là ăn cơm tối ra sao, giường ngủ như thế nào. Người thì xách làn đầy hoa quả, người thì đôi gà mái quê, đúng là sự bội thu của những lữ khách lãng mạn, thậm chí có người đưa chú mèo trắng ra khoe. Lái xe vẫn yên lặng, anh ta mỉm cười: Quyết sách dứt khoát của mình đã biến cái bất lợi thành cái có lợi, hành khách ai cũng vui vẻ.
Chỉ một lúc sau, trong xe trở lại yên tĩnh, đã hai, ba giờ sáng rồi, những người đang dở giấc ngủ lại tiếp tục ngủ. Xe đã đến đoạn đường bằng phẳng, chạy êm như ru, tốc độ khá nhanh.
Triệu Ngư không kể tiếp câu chuyện còn dang dở, Lâm Hạnh Hoa cũng không hỏi lại, họ đều ngủ thiếp đi. Xe đến Long Trấn thì Triệu Ngư tỉnh giấc, thấy hai bên đường đèn điện sáng trưng, anh biết đây là thị trấn nhỏ có nơi vui chơi nổi tiếng. Lâm Hạnh Hoa ngả người vào anh ngủ, còn tay anh thì ghì chặt lấy cô.
Triệu Ngư giật mình: chết thật, ngủ say quá nên không biết. Rõ ràng mình nằm mê ngửi thấy mùi của cô, đôi môi của mình kề sát cái mũi dọc dừa của cô... nếu chưa tỉnh giấc, biết đâu họ chẳng nằm mê hôn nhau. Anh cố rút tay ra nhưng không được, như vậy càng tốt. Ngủ mê tựa sát vào nhau sao mà kỳ lạ thế, Triệu Ngư định đẩy môi mình ra xa thì Lâm Hạnh Hoa càng ghì chặt lại, cô muốn tận hưởng hơi thở của anh, muốn âu yếm người tình trong mộng.
Đã đến Mi Sơn, khi xe chạy qua cây cầu lớn, Triệu Ngư khẽ rút tay ra, Lâm Hạnh Hoa liền tỉnh giấc. Có người xuống xe, đèn bật sáng, Lâm Hạnh Hoa thẹn đỏ mặt. Triệu Ngư nói:
- Tôi phải xuống xe rồi.
Lâm Hạnh Hoa ngơ ngác. Khi xe đến đầu hồ, Triệu Ngư đề nghị lái xe dừng lại. Lúc đó Lâm Hạnh Hoa mới tỉnh ra: phút chia tay đã đến. Cô bắt tay Triệu Ngư, xúc động không nói nên lời Triệu Ngư nói: Cô ngủ thêm một lúc nữa đi.
Chiếc xe khách chỉ dừng lại vài phút rồi lại chạy trong màn đêm. Triệu Ngư đứng lại trên đường, Lâm Hạnh Hoa ngoái cổ ra cửa xe, nhưng hai khuôn mặt không còn nhìn rõ nhau nữa.
Say Sắc Say Sắc - Lưu Tiểu Xuyên Say Sắc