Số lần đọc/download: 801 / 17
Cập nhật: 2017-11-07 10:08:45 +0700
T
ruyện ghi lại hồi ức về những ám ảnh chiến tranh của người lính sau khi hoà bình lập lại. Những thương tích mang đầy trên thân thể chưa hẳn đã làm họ đau đớn bằng những vết thương lòng, sự phản bội của người thân, ký ức về một thảm rừng bị rải chất độc... Nhưng đối với họ, quãng đời đẹp nhất, đáng sống nhất vẫn là những năm tháng ở chiến trường; giờ đây chẳng có bất hạnh nào sánh được với khổ đau họ đã nếm trải, cũng như không niềm vui nào lớn bằng hạnh phúc của ngày đã qua.
Giờ đây nhớ lại những ngày tháng cuối cùng của đời bộ đội, lòng tôi vô hạn một nỗi buồn nhớ sâu lặng. Kể từ ngày sau đỉnh cao của hạnh phúc, ngày chiến thắng tới buổi chiều ngày hôm nay, ngày và đêm hoà bình lững lờ trôi chảy mà đời người thì trôi quá mau. Khi đón tôi từ mặt trận trở về, cha mẹ còn chưa hưu trí, vậy mà bây giờ cha mẹ đã ngoài bảy mươi. Anh em ruột thịt mỗi người mỗi phương và thấm thoắt luống tuổi cả rồi. Con trai tôi Tết này đã bằng tuổi tôi ngày nhập ngũ. Vợ tôi, vốn được tiếng là trẻ lâu, nhưng bởi nắng mưa sóng gió sinh kế đoạn trường nay cũng không còn được trẻ như mấy năm trước nữa. Tôi lặn lội kiếm sống, trải nhiều nghề, rốt cuộc thành nhà văn, song văn chương gì tôi, viết lách đã chẳng bao nhiêu lại chẳng ra thế nào, chỉ tổ ngày một thêm lạc lõng và ngày một thêm bơ phờ. Thời gian và cuộc sống nhấn chìm tôi.
Nếu như được phép làm lại nhỉ. Biết làm lại từ đâu. Quá khứ lúc mờ lúc tỏ. Bãi bể nương dâu vật đổi sao dời đã lấp mất lối tôi về với chí lớn năm xưa, với thời trai trẻ vinh quang, với cuộc đấu tranh gian khổ. Hơi hướng bao năm dài trận mạc chẳng còn tăm tích. Ngay đến những kỷ vật quân ngũ cũng theo nhau mất dần. Ba lô, tăng võng, hai bộ Tô Châu, một đôi dép đúc, chiếc mũ tai bèo, rồi sổ quân bạ, giấy chứng thương, thư từ, nhật ký. Tất cả đã mai một. Không phải là do tôi để thất lạc mà bởi nỗi người lính chiến trong tôi không còn trong tôi nữa.
Anh em đồng đội kiến giả nhất phận, hàng năm trời không lần sum họp, không khỏi quên dần mất nhau. Dạo trước chẳng cần phải chỗ bạn bè, chẳng cần phải cùng đơn vị, chỉ cần biết người đó gốc gác ở Mặt trận K, ở Cánh Đồng Chum, ở cổ thành Quảng Trị, thì dù mới chỉ lần đầu gặp gỡ, tôi đã lập tức thấy thiện cảm, có thể nói đã dành ngay một tình thân ái đầy thiên vị cho người anh em chưa mấy quen biết ấy. Nhưng dần dần cái thói phàm tục của đời sống thị thành thản nhiên và tàn tệ này đã khiến tôi không còn muốn xích gần tới với bất kỳ ai. Thậm chí tôi đã gần như quên hẳn đi rằng ông trưởng phòng tổ chức nơi tôi đang làm việc chính là đồng chí trưởng xe chiếc T54 đã dẫn đầu trung đội xung kích chúng tôi đột phá cửa mở Lăng Cha Cả tấn công phi trường Tân Sơn Nhất. Từng sát cánh bên nhau, sống chết có nhau một thời như vậy mà giữa cuộc bon chen kịch liệt hôm nay lắm lúc giáp mặt chạm vai chẳng chào. Như thể đã hoàn toàn bỏ bẵng dĩ vãng, hơn hai chục năm trời sau chiến tranh hôm nay tôi mới một chuyến trở lại Sài Gòn. Khi vừa từ cầu thang máy bay đặt chân xuống mặt bê-tông đường băng, tôi chợt thấy trong lòng nhói lên một điều gì đó không rõ là điều gì, một điều gì đó say ngủ từ lâu giờ đây bỗng cựa mình. Một đám mây thẫm mầu tạt qua dưới mặt trời ngả một bóng râm mờ trên phi đạo mênh mông nắng chiều.
Trong chốc lát, dường như có một không gian khác và một thời gian khác đáp cánh xuống sân bay làm hiện hình lên trong tâm trí tôi toàn cảnh Tân Sơn Nhất của một ngày cuối tháng tư xa thẳm thuở xưa. Nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh trong chớp mắt. Tiếng gầm của một chiếc Bô-ing đang chạy lấy đà chứ không phải tiếng gầm thét long trời của cuộc tấn công. Phi trường trải rộng một cõi bao la, sạch tinh, sáng loáng. Chỉ có cái lầu chỉ huy không lưu là dấu vết duy nhất ngày xưa bây giờ tôi còn nhận ra. Nhưng lá quân kỳ Quyết Thắng của sư 10 mà vừa nãy tưởng chừng vẫn thấy đó trên đỉnh lầu, cuồn cuộn tung bay trong gió, một chớp mắt thôi tôi đã không còn thấy nữa. Tôi nhìn quanh. Đâu là hướng dẫn vào trại Mác Vi? Và đâu là khu vực trại Đa Vít, vị trí kết thúc chiến tranh của trung đoàn 24? Tại đó trung đoàn trưởng Vũ Tài, người anh cả thân yêu, súng ngắn trong tay cùng tiểu đội chúng tôi từ quanh tháp xe tăng ùa xuống lao vào vòng tay dang ra mừng đón của các cảm tử quân. Phái đoàn bốn bên. Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt tưởng đã khóc cạn với nhau rồi vào giờ phút tuyệt đỉnh đời người, giờ phút đất rộng trời cao lòng người nhập một ấy, lạ sao bây giờ lại tràn mi, nóng rực và nhói đau như kim châm trong tròng mắt.
Những ngày vui chiến thắng qua đi, bao nhiêu xúc cảm bước vào thời kỳ mới nhiệm vụ mới, tiểu đoàn này tiến gấp ra biên giới chặn quân Pôn Pốt, tiểu đoàn kia chuyển sang làm kinh tế, hoặc là phân tán về các vùng mới giải phóng gỡ mìn, san lấp hố bom, làm công tác dân vận, hoặc như tôi trở lại chiến trường Tây Nguyên thu gom hài cốt đồng đội. Chẳng may tôi bị sốt rét ác tính vật khi đang tham gia đội công tác tử sĩ trong rừng rậm Đông Sa Thầy. Được trực thăng đưa về Sài Gòn, tôi nằm điều trị ở quân y viện, đến khi bình phục không trở lại đơn vị nữa mà vào trại an dưỡng ăn không ngồi rồi đợi ngày giải ngũ.
Trại an dưỡng này thời nguỵ là doanh trại của một trường đào tạo nhân viên bình định, nằm bên bờ một dòng sông lớn. Sông nước mùa mưa biến khu trại thành một hòn đảo. Nhiều đêm nước lụt bò qua rào kẽm gai, tràn lên sân, tấp vào tận thềm các ngôi nhà đủ thứ tàn tích tanh tưởi của quân chiến bại ứ lại từ mùa khô, còn vương vãi cùng khắp trong trại và trong các đồn bốt công sự hầm hào xó xỉnh bụi bờ hang hốc dọc hai bên bờ sông. Chưa năm nào mực nước sông cao như năm ấy. Mùa mưa hoà bình cũng dài ê ẩm chẳng khác những mùa mưa trong chiến tranh. Quang cảnh những ngày tháng năm rực rỡ nắng nhường chỗ cho tiết thu lê thê hoàng hôn. Nước tràn lênh láng và mưa rơi tối ngày. Tiếng mưa rơi trên mái tôn khi mưa nhỏ hạt thì nghe như tiếng côn trùng rền rĩ, khi mưa lớn hạt thì gầm gào cào xé vỡ màng tai. Bao nhiêu các thứ rau củ chúng tôi tăng gia được đều chết úng, chỉ sót lại có rau muống. Sân bóng làm ra đấy nhưng rồi ngập bùn không bóng đá bóng chuyền gì được. Không khí như õng nước, ngay cả trong buồng cũng nhờ nhờ một chút sương toả ra từ người ngợm và quần áo.
Chúng tôi bị mưa mùa nước lụt cầm chân, chẳng đi chơi được đâu cả, chỉ quanh quẩn trong khuôn viên của trại. Đánh bài chơi cờ, tụ quần lại đấu láo tán dóc, bật đài thật to om sòm nghe thơ nghe nhạc. Nhưng vẫn không thể át hẳn được nỗi buồn mùa mưa. Không khí ướt át, uể oải như ngấm vào xương làm cho da dẻ mãi không hồng hào lên nổi. Hơi ẩm cùng cảnh nhàn rỗi khiến chúng tôi phải làm quen lại với đủ các thứ ốm đau lặt vặt thời bình. Có hôm già nửa trại nhức đầu sổ mũi phải báo cháo. Nghiện cách chữa trị bình dân của bà con trong nam, nhiều tay người lúc nào cũng thơm hắc mùi dầu Nhị thiên đường, trán bầm vết cạo gió và lưng đầy những dấu giác hơi.
Đêm nào ở giường bên cạnh giường tôi Khương cũng nghiến răng, nói mơ và rên rỉ. Anh không la to chỉ ư ử trong đáy họng, khe khẽ và dai dẳng. Ban ngày, nom anh hoàn toàn bình thường, không khỏe hơn cũng không yếu hơn mọi người. Tính nết anh hồn hậu, cởi mở và cũng ham vui chứ tuyệt nhiên không phải con người nhiều u uẩn. Song cứ đến nửa đêm... Khương bảo rằng hồi đang đánh nhau chẳng hề bị như vậy, chỉ từ hoà bình, nhập trại an dưỡng mới sinh ra thế. Thuốc men chẳng ích gì bởi những cơn vật vã hàng đêm ấy không phải là do các vết thương tái phát mà là đau đớn của giấc mơ. Trong giấc ngủ, Khương mơ thấy lại cảm giác đau của những lần bị thương trước đây. Người chỉ huy trinh sát lừng danh này của Mặt trận B3 đã vào trận ngay từ mùa khô đầu tiên bộ binh Mỹ tham chiến ở Tây Nguyên. Ăn đạn hàng chục lần, vỡ thịt toác xương xối máu, tuy nhiên chưa lần nào là một vết tử thương cho nên chưa lần nào gục ngã, dù nặng đến đâu, cuối cùng rồi Khương cũng nghiến răng gượng dậy được và lại trở về với đội trinh sát của mình. Dường như là chiến trận đã nâng đỡ anh, giúp anh dịu đau đớn, dường như là các thương tích trong mùa khô sau đã khoả lấp đi thương tích những mùa khô trước. Và bây giờ, hàng đêm, trong giấc ngủ, Khương như thể lần hồi duyệt lại các vết thương, lần lượt, từ đầu, từng vết thương một, từng nỗi đau. Bác sĩ của trại cho rằng không có gì đáng sợ, những cơn thống giác trong tiềm thức sẽ dần dần bị ngăn lại. Song ai mà biết chắc được. Khi đang mở mắt thao láo thì còn đủ sức gắng gượng quên đi mọi sự nhưng đã ngủ thiếp đi rồi thì ai mà có thể đưa tay ra cản lại mộng mị.
Chẳng riêng gì Khương, tất cả anh em trong phòng đều ít nhiều gặp phải những ác mộng di chứng từ trận mạc. Bao giờ cũng là những ác mộng sinh động. Tú chẳng hạn, luôn sống lại với trái bom CBU ném xuống rừng cao-su Xuân Lộc. Hầm sập và Tú ú ớ ngạt thở, thấy mình bị chôn sống. Còn tôi, tôi mơ thấy mưa thuốc độc, mơ thấy những rừng già trên sườn Ngọc Bơ Biêng bị bom Mỹ biến thành những đại ngàn củi khô. Hồi đó, suốt mấy tháng ròng, ngày nào cũng như vậy, bầu trời Ngọc Bơ Biêng luôn hiện hình những chiếc Caribou C123 chầm chậm trườn theo các sườn, từ từ và kỹ lưỡng thả mưa độc tưới ướt rừng xanh. Nhưng vào ngày đầu tiên, giờ đầu tiên chúng tôi không kịp hiểu là bọn Mỹ giở trò gì, không ai biết điều kinh khủng gì đã xảy ra.
Tiếng động cơ ì ì uể oải của máy bay vận tải chẳng làm ai lưu tâm. Khu rừng đại đội chúng tôi trú đêm mặc dù là rừng thưa nhưng ẩn mình kín đáo trong một cái thung nhỏ lọt sâu giữa bốn bề núi cao, phi pháo khó lòng nện trúng. Song linh cảm về một sự bất trắc buộc chúng tôi phải rời võng. Mặt tôi lành lạnh ẩm ướt. Những hạt nước li ti, cay cay, bám trên mi mắt. Tôi vuốt mặt, dụi mắt, chật vật ngồi dậy, ngáp dài, đờ đẫn bước ra khỏi võng, toàn thân mỏi dừ, mệt nhọc khác thường. Tiếng máy bay không còn ngay trên đầu nữa nhưng vẫn từ đâu đó xa xa ù ù vọng tới. Lòng rừng mờ mịt sương mù.
Tuy nhiên, không phải sương. Có lẽ là khói, nhưng là một thứ khói ướt nhoẹt và đặc sệt. Các mái tăng che trên những cánh võng đều ướt đẫm hơi nước và dính lá rụng. Tóc tai, mặt mày, vai áo, lưng áo của tôi cũng vậy, ươn ướt, khó chịu. Những người khác cũng thế. Lính tráng ngấm hơi nước nom ỉu xìu. Tôi đưa bàn tay lấm tấm những hạt nước lên gần mũi. Chẳng thấy mùi gì cả. Nhưng tại sao trong không khí lại ngàn ngạt một mùi gì là lạ, tựa như mùi nước bị oi khói. Tôi ngước lên, nhìn. Rừng đang đổ lá. Mái rừng tróc từng mảng rộng, hở ra, rụng xuống như bị lột da. Không một phẩy gió, cây cối bất động vậy mà tơi tả chẳng khác nào đang trong một trận động rừng. Một trận động rừng câm lặng, lay chuyển ngàn cây nhưng mà lại im phăng phắc. Lá, hoa, quả và cả cành non nữa trút như mưa song không một tiếng xào xạc. Chẳng phải lá vàng chẳng phải lá xanh, lá to lá nhỏ tất cả đều là những xác chết thâm xịt và nhầu nhĩ như bị vò. Cỏ dưới đáy rừng cũng đang rũ chết, ngả dẹp xuống và đã bắt đầu biến mầu... Trước đó, cũng như sau đó, dọc đường chiến tranh, tôi đã trải qua những tình thế còn bội phần ghê sợ hơn. Tuy nhiên ám sâu nhất vào tâm trí tôi đến trọn đời vẫn là cảnh tượng thiên nhiên bị bọn Mỹ giết hại một cách rùng rợn như thế trong cái tháng mầu Da Cam ấy.
Ngay sáng đầu tháng năm, còn chốt trong sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi đã biên gấp một lá thư gửi ra Hà Nội báo tin còn sống. Nhưng cứ như là đang trong thời chiến, mãi cuối tháng 10 sắp được ra quân đến nơi rồi tôi mới nhận được thư nhà. Không chỉ là thư. Quân bưu trao cho tôi hẳn một bưu kiện nặng ký rưỡi, của mẹ. Nhưng, khi mở ra thì thật không thể tin nổi. Gói quà đã được gửi đi từ tận mùa hè năm 73. Cả trại an dưỡng truyền nhau xem cái gói quà từ quá khứ ấy. Nó đã truân chuyên qua bao nhiêu tháng ngày, lưu lạc qua hai thời đại. Mẹ tôi đã bao gói rất kỹ. Hai lượt ni lông dày, một lượt giấy xi măng. Song ngàn dặm mùa khô đường Trường Sơn lụt trong lửa, mùa mưa thì sình thối, rữa nát dưới bùn sâu, thư mẹ chẳng còn chữ nào đọc được, kẹo chảy nước, thuốc lá mốc meo, bánh bích quy vữa ra, chỉ có kim chỉ, đá lửa, dầu cao Con hổ là còn dùng tốt và sẽ là vô cùng quý giá nếu như đang trong chiến tranh.
Trong chiến tranh, có lần, vào cuối mùa mưa, xác của một người lính quân bưu từ vùng núi cao phía tây đã xuôi theo dòng lũ sông Pô-cô trôi về, tấp vào một bãi lau gần chỗ đơn vị tôi trú quân. Thi thể anh bị đạn đại liên khoan toác ra những lỗ thủng lớn. Anh chết đã nhiều ngày, thân thể ngâm lâu dưới nước đã biến dạng và bị cá rỉa tung toé. Có lẽ anh bị trực thăng vồ khi đang vượt qua một đoạn suối nào đó trên thượng nguồn. Cái bồng vải dù chật cứng thư bám trên lưng anh lỗ chỗ vết đạn. Thư từ chảy nước, ướt nhoẹt mầu mực và mầu máu. Ngay những bức thư không bị đạn xé thì địa chỉ và tên tuổi trong phong bì cũng đã bị nước gột đi hết, chỉ còn mờ mờ dấu vết cái triện mầu đỏ của bưu điện các tỉnh ngoài miền bắc. Đành phải để tất cả những lá thư vô chủ ấy được chôn theo thi thể của người lính quân bưu vô danh. Từ đó tôi không viết thư về nhà và cũng dứt khoát không bận lòng mong ngóng thư nhà nữa. Thư từ của lính lành ít dữ nhiều, tôi có cảm giác như thế. Ngay cả khi đã hoà bình rồi.
Cùng đợt tôi nhận được gói quà của mẹ, trong phòng còn có Quang cũng được thư. Mặc dù Quang rất chăm viết thư nhưng cũng giống như tôi đến mãi bấy giờ anh mới được hồi âm. Song lá thư cho anh hay một cái tin rất tệ. Vợ anh đã bỏ nhà theo trai. Cô ta tằng tịu với một gã thuỷ thủ đường sông, đến nỗi mang bầu nên phải bỏ làng bán xới theo gã vào nam ngay sau ngày hoà bình. Bị phải cái tin điếng người ấy, Quang tỏ ra bình tĩnh. Anh thông cảm với vợ. “Lấy nhau mới được có bảy ngày là tớ lên đường đi B. Như vậy là cô ấy đã phải vò võ chịu đựng những mười năm giời có lẻ chứ nào ít ỏi gì đâu, thế mà sức người thì có hạn - Quang điềm đạm lý giải một cách phân minh - Thêm nữa nhà tớ lại kề ngay một bến sông nhộn nhịp, tứ xứ thuyền bè qua lại, sự thể như thế tất phải xảy ra. Trách ai được bây giờ. Thôi thì sự đã vậy thì đành vậy, tớ chẳng thiết!”. Miệng anh nói vậy nhưng bụng anh nói khác. Đêm đêm, giữa canh khuya, Quang chỉ toàn nằm mộng thấy kẻ bội bạc, anh nấc lên tên cô ta và rên ư ử vừa nói lảm nhảm. Có đêm tôi nghe thấy trong màn anh vẳng ra tiếng khóc thút thít sụt sịt. Vợ chồng anh chưa có con, nhưng có tới một nửa những thứ trong ba lô của anh là đồ chơi. Còn lại là quà cho vợ. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy anh loay hoay hết dỡ ra lại xếp vào những xấp vải và những cuộn len, những mớ đồ lót mỏng manh lụa có viền đăng ten, rồi những lọ nước hoa tí xíu, những vốc hạt trai, hạt cườm, những vòng đeo tay, đeo cổ lóng la lóng lánh. Anh chẳng trà, chẳng thuốc, chẳng uống rượu để dành được cả một cục tiền. Và ngày ngày anh bỏ thật nhiều thì giờ để cặm cụi ngồi viết cho vợ những bức thư thật dài, gần như là mỗi ngày một bức, nhưng không gửi, tồn tại thành một xấp dày. Cho mãi tới buổi chiều trước hôm từ giã chúng tôi để lên đường về quê lẳng lặng Quang mang xấp thư ấy đi xuống bờ sông, lần lượt giở từng bức ra ngồi đọc đi đọc lại, rồi chậm rãi xé nhỏ, rắc xuống nước, như thể thả mồi nuôi cá. Những mảnh tình cảm nát vụn xuôi thành một vệt trắng trôi ngang qua chỗ tôi và Tú buông câu. Nhiều mảnh vướng vào phao. Tú bảo:
- Thật đúng là những bức tình thư gửi cho cá chép.
Hôm ấy, được một buổi chiều bỗng nhiên tạnh mưa, trời quang mây, thế gian hửng nắng, tôi và Tú bỏ chơi bài, mò ra ngồi câu. Vừng dương ló ra trong trời chiều, không gian tràn ngập những đợt sóng vàng lấp lánh lan theo chiều gió, trải từ tây sang đông. Các đường chân trời dường như được nới rộng ra. Khắp nơi cuộc sống thanh bình muộn màng, trỗi dậy trong buổi hoàng hôn thoáng đãng, dưới gầm trời tự do. Tôi nghe thấy tiếng thở dài khoan khoái của dòng sông. Chiều hôm nay mùa khô tựa hồ đã áp sát bờ bên kia. Mây mù bao ngày tan đi, mặt nước như sống lại. Bên kia sông, phía trời xa, thành phố vĩ đại bám đầy nắng chiều và hơi ẩm đang chậm rãi xoay mặt về hướng vừng dương đang từ từ xuống thấp. Dọc con lộ ngang qua đồng trống những chiếc xe vận tải trông như đang bay lơ lửng trong sương.
Ngồi cả buổi chẳng câu được gì nhưng tôi và Tú chỉ quay về khi nhà ăn thúc kẻng báo giờ cơm. Tiếng dùi sắp đập vào vỏ gang của quả bom câm vang dội, lan xa trên mặt sông bát ngát chiều tà. Đi qua chỗ Quang đang ngồi ngây lặng tôi kéo anh cùng về. Tú nói đùa:
- Ngày mai tới phiên anh được ra bắc rồi vậy mà hôm nay định trầm mình hay sao thế, anh Quang?
Người Quang gầy nhom, võ vàng, lưng gù gù.
- Tớ chưa định về quê - Quang nói - Tớ còn phải đi tìm cô ấy. Tớ sẽ đi khắp mọi miền, sẽ đi tìm dọc theo các con sông. Khó khăn đến thế nào tớ cũng sẽ gặp được. Với lại bây giờ đã mùa khô rồi, sẽ đỡ khó khăn hơn.
- Phải rồi, đã mùa khô...
Khi mùa khô đến, tình thế nhất định sẽ phải khá lên, ấy là niềm hy vọng được lặp đi lặp lại đã trở thành như là một thói quen, hoặc có thể nói, như là một tín điều của tất cả những người lính đã trải nhiều năm chiến trường. Mùa mưa âm u lâu dài bất tận nhưng rồi cũng đến lúc phải ngừng. Và thế là cùng với vừng dương rực rỡ, cùng với khung cảnh nắng ráo, lòng người lại trỗi dậy niềm tin tưởng quen thuộc rằng mọi sự sẽ tốt đẹp lên và cuộc sống sẽ lại bắt đầu dưới ánh mặt trời.
Lần đầu tiên sau non nửa năm sống chung buồng với nhau ở trại an dưỡng, tôi thấy Quang không ủ rũ. Buổi tối hôm đó, trong cuộc nhậu chúng tôi tổ chức để tiễn đưa anh, anh uống nhiều, và dường như bội phần hăng lên.
- Tớ đã ngẫm kỹ rồi. Mai mốt khi đã tìm được nhau, vợ chồng tớ sẽ ở lại luôn trong này chứ không ra bắc. - Anh mơ mộng - Trong nam này, đất đai đồng ruộng vô vàn, sông hồ cũng mênh mông bát ngát, lo gì không chốn nương thân. Với lại, người dân trong này hợp tính với tính mình. Họ không cổ hủ, đúng không. Và họ rất rộng lòng...
Hôm sau, Quang khoác ba lô rời trại song không lên ô tô mà một mình cuốc bộ. Và không đi về phía thành phố, không đi lên hướng bắc, chậm rãi anh đi xuôi dòng sông, lẳng lặng bắt đầu cuộc rong ruổi đường trường đi tìm lại người thân yêu thuở xưa và đi tìm miền nương thân mới.
Mấy bữa sau đến lượt Khương. Rồi Tú.
Trại an dưỡng vãn dần. Không có nhiều những ước hẹn gặp lại. Lặng lẽ chúng tôi xiết chặt tay nhau, nhìn vào mắt nhau thầm an ủi và động viên nhau lần chót. Chúng tôi đã từng đông đảo biết bao và hùng mạnh biết bao. Và chúng tôi không phải chỉ là một đạo quân, chúng tôi còn là cả một sự nghiệp lớn lao, một sự đồng lòng vĩ đại. Giờ đây, mỗi người mỗi ngả, bèo dạt mây trôi, song lòng dạ không đổi thay, lý tưởng chiến đấu cháy bỏng suốt thời trai trẻ sẽ còn sáng mãi đến trọn đời anh em chúng tôi.
Trước hôm rời trại ít lâu, tình cờ tôi đã được gặp Loan, người bạn gái cùng phố và cùng lớp ngày xưa. Cô vận quân phục, hàm thiếu uý quân y, tóc cắt ngắn, người gầy, xanh tái, mang súng ngắn và xà cột theo tháp tùng một vị tướng thầy thuốc. Tôi đứng ở cửa phòng, nhác thấy ai đó có nét tựa như Loan giữa đám quan khách vừa từ ô tô xuống đi ngang qua sân trại, liền gọi liều lên “Loan! Loan sữa!”. Vậy mà đúng là Loan thật. Cô giật mình, đứng sững lại. Nhận ra tôi, người Loan như run lên, mặt nhợt đi, môi lẩy bẩy một nụ cười yếu ớt. Tôi mời Loan vào phòng. Đến hôm đó quân số của phòng còn lại có một tôi. Căn phòng trống vắng và có vẻ gì như âm u. Tôi mở toang các cửa ra, và quơ gọn màn chiếu vào góc lấy một chỗ ở đầu giường cho Loan ngồi, rồi tôi pha trà, tôi bày bánh kẹo lên bàn. Bàn kề cửa sổ, trông ra vườn. Gió chiều nhẹ thổi, phảng phất hương thơm và tiếng lá rì rào. Loan bảo là đã bao năm rồi mới có người gọi tên cô lên kèm với cái biệt danh thuở học trò, cái biệt danh ngọt ngào và thân ái như vậy mà buồn cười làm sao hồi ấy cô lại luôn luôn coi là một lời chế nhạo tai ác của bọn con trai trong lớp. Bây giờ thì trái lại, nó làm cô muốn khóc. Chỉ có điều bây giờ có lẽ chỉ còn được một nửa của Loan “sữa” ngày ấy, mà cũng có thể là chẳng còn gì, Loan bảo thế. Còn bọn con trai tai ác ngày ấy thì giờ đây nào biết ai còn ai mất.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi một tiếng đồng hồ, khi vị tướng của Loan đi thăm suốt lượt khu trại, Loan và tôi ngồi cạnh nhau, bên ô cửa sổ rộng mở, ký ức dạt dào và chứa chan hoài cảm, chẳng khác nào cặp uyên ương của một mối tình già đang chậm rãi chuyện trò và sưởi nắng. Không để ý đến thời khắc hàn huyên đang trôi qua chóng vánh, chúng tôi mải mê trò chuyện với nhau về khu phố, về trường Bưởi, về lớp 10C và về những người bạn thuở thiếu thời, một lứa bạn bè mà như Loan nói là đã cùng nhau trưởng thành lên trong hầm trú ẩn và đã cùng nhau hy sinh ở chiến trường.
Sau Tết năm Quý Sửu 1973, Loan kể thế, năm hoà bình ở miền bắc, ngay trước ngày nhập ngũ Loan được dự cuộc họp mặt của các học trò cũ lớp 10C tổ chức tại nhà cô giáo chủ nhiệm. Trong buổi họp lớp ấy, cánh con trai chỉ có mỗi mình Khoa “cô chiêu”, mới tốt nghiệp đại học văn khoa ở Liên Xô về, còn thì toàn bọn gái. Thành thử không khí của buổi họp lớp nặng nỗi ngậm ngùi. Vui tươi tưng bừng sao được khi một lớp học vắng mặt đến quá nửa, và nhất là hễ cứ hỏi đến ai trong số những người vắng mặt thì lại phải nghe trả lời rằng người đó đã hy sinh, hoặc hình như đã hy sinh, hoặc từ lâu không nhận được tin tức. Tin tức về các bạn trai của Loan ở những lớp 10 khác cũng vậy, và cả ở khu phố nữa. Cho tới hôm nay tôi gần như là người duy nhất trong đám bạn bè con trai đã ra đi ngày ấy mà Loan còn gặp lại.
Thực ra, ngoài tôi, Loan còn gặp được một người nữa cùng phố, tên là Hải. Hai người gặp nhau tại trạm phẫu tiền phương mặt trận Thượng Đức, mùa mưa năm 1974. Trước khi vào chiến trường, Hải là công an hộ tịch ở khu phố nên thoáng thấy Loan là anh nhớ ra ngay, nhưng Loan thì trước đây không hề biết Hải, mà dẫu có từng biết cũng không tài nào nhận ra. Hải bị vết thương rất nặng, người nát dập ra, cả khuôn mặt cũng vậy, chỉ còn chừa đôi mắt, mở to, ráo hoảnh, ngời lên vì đau đớn. Sau cuộc giải phẫu, khi đã tan thuốc mê, đau đớn tột cùng, vậy mà Hải lại cực độ tỉnh táo. Suốt đêm, trong căn hầm hậu phẫu, Loan không một lúc rời Hải, cô cùng anh thao thức chờ đón bình minh. Ngoài hầm mưa rừng như thác đổ và tiếng đại bác nổ khi cấp tập khi cầm canh. Hải bảo Loan nằm xuống bên cạnh, anh bảo cô luồn tay dưới gáy để anh được nằm gối đầu lên tay cô. Hải chết lúc tảng sáng, nhưng sau khi đã chết người anh không cứng ra và không lạnh đi ngay, mà con lưu mãi hơi ấm cho đến lúc Loan gỡ mình khỏi thi thể của anh.
Tôi nhẹ nắm bàn tay Loan. Bóng chiều êm ả và những kỷ niệm nặng trĩu khiến hai chúng tôi như mê mẩn dần đi trong nỗi đau buồn và tình thân ái. Mãi đến khi ngoài sân còi ô tô đã bấm inh lên gọi Loan, chúng tôi mới như sực tỉnh. Ánh hoàng hôn hồng rực lửa qua ô cửa sổ, tràn ngập căn phòng.
Ngoài vườn cây gió chiều lộng thổi, dào dạt sóng lá. Tôi giữ lấy tay Loan, níu chặt.
- Đừng - Loan nói, thầm thì, nhè nhẹ rút tay ra - Loan mừng vì có được buổi chiều nay. Chiều nay một buổi chiều thật đẹp cho nên đừng nên có gì hơn nữa.
Lặng lẽ chúng tôi ngã vào nhau, và chỉ trong giây lát thôi, một nụ hôn mơ hồ, rồi lặng lẽ dứt khỏi nhau, Loan chạy vội ra xa, còn tôi đứng lại trong phòng.
Hai hôm sau tôi nhận tờ lệnh giải ngũ. Vĩnh biệt cuộc đời bộ đội.
Tôi ra đi lúc hừng đông. Mặt đất ẩm ướt bập bùng dưới chân. Từ cổng khu trại an dưỡng mà ở trong đó giờ đây đã chỉ còn là những dãy nhà gần như trống vắng vẫn thong thả vang lên hồi kẻng báo thức quen thuộc của nhịp sống quân ngũ mỗi ngày. Tiếng rền của quả bom bắt đầu sự trở mình thức dậy của phong cảnh vùng ven sông.
Nắng loé chếch vào tận mặt, tôi sụp vành mũ cối xuống và im lặng rảo bước.
Mùa khô mới đó mà như thể đã đến từ lâu trên miền ngoại ô mù mịt bụi, trên những trục đường cằn cỗi, thẳng đuột, không có lối rẽ còn rải rác xác xe tăng, trên những nghĩa địa ven đường, trên mái những dãy nhà kho và xưởng máy đã bị lột hết tôn lợp, trên các tấm pa nô quảng cáo ăn đầy vết đạn liên thanh, trên nóc nhọn những ngôi nhà thờ nhem nhuốc vùng ven thị, trên các bờ tường sụt lở, các cổng gạch đổ xiêu trên những cánh cửa vỡ nát, trên những bãi chợ và trên sân các xa cảng đang dần dần tấp nập trở lại. Cõi trời nam sau công cuộc Thống nhất dẫu còn nửa hoang tàn nhưng đã mở ra biết bao nhiêu là triển vọng huy hoàng của tương lai xán lạn. Chặng đường đi tới tương lai còn xa vời vợi nhưng mà tuổi đời của hầu hết anh em chúng tôi, những chiến binh của sư đoàn Chiến Thắng còn dư đủ để được sống tới ngày chạm tay vào tương lai tốt đẹp.
Chỉ có điều, khi mang nặng trên vai dĩ vãng chiến tranh nặng nghìn năm tuổi thì dù còn đang trẻ đến đâu, đối với chúng tôi phần đời đáng sống nhất đã sống rồi. Nếu rồi đây không may phải sống đời bất hạnh thì chúng tôi sẽ tự nhủ lòng rằng không sao cả bởi có thấm thía gì đâu, bởi có nỗi khổ nào của ngày hôm nay sánh bằng những đau khổ đã trải qua trong chiến tranh, và trái lại, mai đây dù được sống sung sướng tới thế nào chúng tôi cũng biết chẳng hạnh phúc nào bằng hạnh phúc ngày đã qua. Chiến tranh và đồng đội ấy là tình yêu của chúng tôi, lớp trẻ trưởng thành lên trong hầm trú ẩn và làm nên ý nghĩa cuộc đời mình trong trận mạc.
(Hết)
______________________