Hãy biến vết thương lòng thành những bài học có ý nghĩa.

Oprah Winfrey

 
 
 
 
 
Tác giả: Du Tử Lê
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 662 / 3
Cập nhật: 2016-06-02 00:12:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi cố gắng lấn tới khi trên sân khấu Lãng đang nói gì đó. Hình như chàng đang giới thiệu một ca sĩ. Không phải. Chàng đang nói gì giống như bắt đầu chương trình, ra mắt tờ báo…
Ở bậc cửa ra vào, nghĩa là ở phía ngoài cùng, điểm đứng xa nhất giữa khán giả và người trình diễn, tôi không tài nào nhìn thấy chàng. Đầu người nhấp nhô, như sóng. Tiếng ồn ào như bị dội ngược ra, hắt về phía sau, khiến tôi chỉ nghe được tiếng còn tiếng mất.
Tôi xấn tới.Mặc kệ. Ta phải bước tới. Tôi nghĩ và lợi dụng ưu điểm nhỏ thó của mình. Tôi nghiêng bên tả, nhích bên hữu. Khối người không chuyển động. Tôi biết có những cặp mắt nhìn xuống tôi. Nhìn xuống con bé mặc áo dài đỏ. Mầu đỏ…không biết tại sao tôi đã chọn chiếc áo dài này, cho buổi sáng nay. Cho cuộc tìm kiếm chàng, hay tìm kiếm chính phần đời của mình?
Ba chiếc áo dài đem theo, khi vượt biên, là cả gia tài, vốn liếng quý báu, thiêng liêng nhất của một đời con gái. Ba chiếc áo dài, như thể một gia tài, đúng hơn là tất cả những gì tôi còn giữ được sau năm năm, từ khi chàng bỏ nước ra đi. Đó là tất cả những gì, còn giữ được sau khi bán hết, bán đến cả những chiếc kẹp tóc đắt tiền mà Lãng đã mua cho tôi, thời yêu nhau. Thời Sài Gòn còn, thời quê hương còn, thời tổ quốc chưa vụn nát thành từng mảnh bè trôi vô định trên biển cả.
Ba chiếc áo dài, tôi xếp dưới đáy một ngăn tủ đựng sách học. Của đáng tội, phải nói rõ, nếu tôi không dấu như thế, có lẽ, nó cũng chả còn đến ngày nay. Không phải chỉ vì mẹ tôi không cho giữ nó, mà chính tôi, những ngày đó là những ngày cả gia đình, năm miệng ăn, chỉ có duy nhất nồi cháo loãng, cho một ngày.
Tới ngày vượt biên, nửa đêm, tôi thu dọn hành lý đem theo, may sao, tình cờ xốc lên đống sách vở cũ, lại tìm thấy mấy chiếc áo dài. Mỗi chiếc đánh dấu cho một sinh nhật tôi từ những năm yêu Lãng.
Mỗi sinh nhật, Lãng có thói quen dù túng đến đâu, cũng ráng chạy tiền mua cho tôi một xấp hàng áo dài, và cho tôi đi ăn. Hoặc bò bía bưu điện. Hoặc bò viên hẻm Cao Thắng. Cuối cùng là một ly cà phê ở Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Du, hay một phim ciné nào đó, nếu chàng còn rủng rỉnh. Cùng với sự khuất bóng của Lãng, "tục lệ" tốt đẹp kia, chấm dứt.
Năm năm ở lại, tôi trở thành kẻ lạ mặt với những nơi chốn quen thuộc đó. Năm năm ở lại, với chiếc xe đạp cọc cạch, mỗi sinh nhật, tôi tự cho phép mình ra khỏi cái thực tế phủ phàng của những bữa "cơm cháo," của những ngày sốt nóng, nằm vùi không có ngay cả một vài viên aspirine. Tôi đạp xe một mình qua tất cả mọi đường phố. Tôi đạp xe một mình, chạy qua những nơi chốn mới ngày nào, tôi có mặt ở đó với Lãng. Tôi có mặt với tất cả rạng rỡ của tình yêu, hạnh phúc ngắn ngủi nhưng ngời sáng như ngọc. Chói lóa như kim cương. Tôi cúi đầu, lặng lẽ đạp xe, ngang qua. Ở mỗi nơi của quá khứ, mỗi chốn của kỷ niệm, tôi đều nói thầm:
"Đây, nơi này, sinh nhật nào, ta đã có với chàng. Ta đã ngồi với Lãng. Ta cũng có và hơn thế, hơn hết những khuôn mặt kia, hạnh phúc. Ta cũng có và hơn thế nữa, hơn hết những khuôn mặt kia, một tình yêu. Nơi này, phải rồi chính nơi này, trước mắt đám đông, có khi chàng hôn ta. Có khi chàng ôm ta. Chàng đã vít đầu ta xuống và nói vào tai ta: Ồ! Yêu dấu. Yêu dấu, Anh yêu em…"
Năm năm ở lại, với năm sinh nhật kế tiếp, tôi mừng sinh nhật mình, như thế. Tôi đi như thế và tưởng tượng. Tưởng tượng đang đi với Lãng. Tưởng tượng nghe được những lời thủ thỉ của Lãng. Tưởng tượng thở được hơi hướm chàng.
Và hôm nay, ở đây, giữa sinh nhật lần thứ sáu, tôi mặc lại chiếc áo xưa, tôi khoác lấy cho mình tâm hồn cũ. Tôi nhen lại, trong tôi ngọn lửa ngất ngây của những xiết ghì lần đầu thời con gái. Khác chăng, tôi đã phải đi trên những con đường mới. Khung cảnh mới. Nhà cửa mới. Cây cỏ, lá hoa không còn là cây cỏ, lá hoa của ngày tháng cũ. Nơi chốn này, với tôi, cũng là nơi chốn không quen. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi giảm đi nỗi háo hức, bồn chồn…
Tôi biết hôm nay, chàng "ra mắt" tờ báo. Thật tình cờ như định mệnh, ngày chàng ra mắt tờ báo, cũng là ngày sinh nhật của tôi. Tôi biết Lãng chẳng còn nhớ đâu, ngày sinh nhật của tôi, Làm sao chàng còn nhớ, khi đã năm năm qua. Năm năm, không còn ai nhắc nhở bên tai chàng, sinh nhật đó.
Ngay giữa Sài Gòn cũ, trong giữa biển lớn của tình yêu, bao giờ tôi cũng phải nhắc Lãng.Tôi luôn phải nhắc chàng "Này nhé. Ngày mai, sinh nhật em" – hay – "Đừng quên đó nha, thứ bảy này". Nhắc như thế, đôi khi Lãng vẫn còn hỏi lại tôi "Thứ bảy, sao cơ!" – "Trời đất, thì sinh nhật em chứ còn gì nữa" – "Ủa. Vậy hả. Sinh nhật? Sao lẹ quá vậy. Mới đây mà…"
Lãng vậy đó. Chàng chẳng nhớ gì hết. Chàng cũng chẳng hề tỏ ra ý tứ. Săn đón hay giả bộ gì cả. Chàng còn hỏi như thể mỗi năm tôi có tới…hai, ba cái sinh nhật không bằng.
Lãng vậy đó. Nhưng chẳng bao giờ tôi có thể giận chàng. Bên cạnh những vô ý vô tứ, Lãng cũng có nhiều điểm rất dễ thương (tất nhiên, bởi vì nếu không thì tôi đã chẳng yêu chàng).
Hình như sự hồi tưởng quá khứ, rất vô thức, xô đẩy tôi len lách hung hăng hơn. Đầu nghĩ, chân bước. Tôi bất kể chung quanh. Tôi bất cần lịch sự. Chen tới. Lấn tới. Bất ngờ, một giọng nói nào nặng chịch ném xuống giữa đầu tôi:
- Làm cái gì mà chen lấn dữ vậy.
Một giọng khác:
- Á á…vừa thôi chứ!
Tôi biết họ đang nói mình, nhưng không ngẩng lên. Tôi dừng bước. Một giọng khác già hơn, chế giễu:
- Ca sĩ hả? Muốn lên sân khấu hả?
Một ít giọng cười hề hề phụ họa.
Tôi không cảm thấy bực tức. Ccũng chẳng nghe ngượng ngùng. Trái lại, tôi muốn đáp "ừ hớ" để mọi người tránh chỗ cho tôi đi. Tôi muốn nói: "Xê ra cho tôi gặp Lãng. Cho tôi gặp chàng. Tôi không phải là ca sĩ. Tôi cũng chẳng là gì, trong ban tổ chức. Nhưng tôi muốn…tôi muốn ra mắt chàng. Tôi muốn bay, tôi muốn chạy tới. Muốn một mình, một mình giữa một khoảng không gian không bị chật vướn, để chàng sẽ tức thì nhìn thấy tôi. Để chàng sẽ tức thì nhận ra, màu áo đỏ này, hình vóc ốm o này."
Tôi ngừng giây lát, rồi chen tới. Bên tai tôi, vẫn ồn ào, từ loa phóng thanh, tiếng Lãng nói, xen vào, như giữa giọng gào thét của biển đâu đó. Tiếng rì rào của những rặng phi lao, những hàng dương của một Vũng Táu, Bãi Sau. Những gốc bàng già cỗi, Bãi Trước.
Qua những lưng, những cổ, những đầu, tôi đã loáng thoáng thấy trên bục gỗ thấp, hình ảnh Lãng.
Chàng vẫn nói. Nói. Giọng chàng như xưa. Ngôn ngữ chàng dùng vẫn vậy. Dường như đã không có thay đổi nào trong việc chàng phải đứng trước một đám đông, hay đứng trước những học sinh của chàng. Lãng kia. Đúng Lãng rồi. Tôi thì thầm, một mình. Lãng kia. Ồ, anh có biết, em đã có mặt ở đây. Giấc mơ gặp lại anh, đã thành sự thực. Khao khát được nhìn lại nhau, giờ đã có thể cầm nắm…
Em không thể biết anh nghĩ gì, ra sao, khi nhìn thấy em. Ý tưởng Lãng sẽ hân hoan, Lãng sẽ mừng rỡ, sung sướng có thể chảy nước mắt, khi Lãng nhìn thấy mình, khiến tôi càng cố gắng hơn, lách tới. Cố gắng tìm lấy cho mình một chỗ đứng, không phải ở "tiền trường", như văn chương của ông Mai Thảo. Nhưng là một chỗ đứng quang đãng, một chỗ đứng hàng đầu, của lớp khán giả. Để nhờ thế, chàng sẽ dễ dàng hơn, nhận ra tôi. Và nhờ thế, dĩ nhiên, cũng có vẻ tự nhiên, bất ngờ hơn cho sự "ra mắt" này.
Cuối cùng, khi tôi vượt lên hàng đầu của đám khán giả đứng chật giữa hành lang, thì Lãng đã nhường bục gỗ cho một nữ ca sĩ. Tôi đảo mắt tìm chàng. Không thấy. Có lẽ chàng đã lui vào sau cánh gà? Người nữ ca sĩ bắt đầu hát. Một bài hát quen thuộc. Bài hát một thời mà cả tôi lẫn chàng đều thích. Bài "Hoài Cảm." Tuy nhiên, tôi không chú ý lắm. Tôi đến đây, không để nghe hát.
Tôi tìm Lãng. Tôi tìm lại đời tôi, những tưởng vĩnh viễn mất. Tôi tìm lại tôi, những tưởng đã vĩnh viễn chôn vùi. Bài hát dứt. Tiếng vỗ tay ào ào, như biển cuộn.
Cảm tưởng giống như sóng biển bất giác khiến tôi nổi gai ốc. Tôi nghe hơi lạnh chạy ngược từ đôi chân lên đến bụng, đến ngực và sau chót là gáy. Hình như tất cả tóc trên đầu tôi đều dựng thẳng, đều xóc ngược. Đâm ra…
Tôi nghe nhức buốt ở một nơi nào đó trên thân thể. Tôi nghe máu rỉ… Thoạt tiên hơi âm ấm, rồi lạnh dần ở đâu đấy, in là nó đang chảy dọc theo hai ống chân…
Người nữ ca sĩ nói tên bản nhạc kế tiếp cô ta sẽ trình bày. Tiếng vỗ tay lại ào ào dấy lên. Lần này dữ dội hơn, gấp gáp hơn. Tiếng vỗ tay như tiếng sóng biển dội đập vào đôi màng tang tôi, âm ngân không dứt. Không dứt. Nó kéo dài. Dài mãi. Mỗi lúc một nháng động, chát chúa hơn. Những cơn đau xé rách thịt da trong tôi, cũng nhồi theo tiếng dội vang ấy mà gia tăng. Những giòng máu đâu đó nơi thân thể tôi, cũng ồ ạt tuôn ra, xối xả…Tôi kịp nhận biết mình bắt đầu bị xây xẩm. Tôi kịp nhận ra mình sắp xỉu ngã, sắp hôn mê, như liên tiếp những ngày chưa xa, trên hoang đảo…Tôi biết…Tôi biết…
Nhưng…Không…Không. Mày không được phép xỉu…Mày không được phép ngã…Như mày đã không được phép cắn lưỡi. Không được phép treo cổ…Không được phép gieo mình vào giữa lòng biển cả. Chẳng có gì, chẳng cách nào rửa sạch được mày. Vết ô uế trên thân thể mày ăn vào tận máu. Đã thấm tận xương. Những ô nhục kia, dù cho mày có chết ngay hôm qua, hay giữa hôm nay, thì cũng chẳng vì thế mà tàn phai. Có xóa được đâu, quê hương cũ! Có xóa được đâu Việt Nam xưa! Có giết được đâu, tình yêu lớn. Mày phải sống. Sống với vết nhơ nhuốc thường trực trên thân thể, trong thịt da, trong máu óc của mày. Mày phải sống, sống để "ra mắt" chàng – ra mắt Lãng- ra mắt Lãng với tất cả nhơ nhớp của thể xác.Nhơ nhớp biển đông. Nhơ nhớp của bày thú người reo hò, nhảy múa trên thân thể mày lõa lồ giữa hoang đảo. Giữa trời đất. Giữa mắt nhắm đau thương, bất lực đồng bào, ruột thịt…chính là cái nhơ nhớp cụ thể nhất, tượng trưng cho Việt Nam mày hôm nay. Mày phải sống, phải đem cái nhơ nhớp đó, đi khắp nơi. Phải nói với toàn nhân loại, phải kể với cùng thế giới mày là ai? Biển là gì? Đảo ra sao? Và vì đâu? Vì ai? Mày mang vết ơ uế kia. Không. Mày không có gì để nhục. Trước sau, mày chỉ là một đứa con gái. Một đứa con gái Việt Nam, sau 75. Và Việt Nam sau 75, có thể tượng trưng bằng mày; một đống thịt xương bầy nhầy, trong tiệc liên hoan của thú. Bầy thú người lên cơn bạo dâm. Bày thú bạo dâm liên hoan trong những bữa tiệc thịt người như thế, đã bao năm trên ở ngay trên quê hương, trên đất nước mày. Vì thế, mày phải ra đi. Vì thế, mày trở thành đứa con gái Việt Nam sau 75.
Tôi lảo đảo? Thật sự lảo đảo. In là tôi không còn bảo được tôi. Tôi không thể đứng vững chờ tới lúc chàng trở lại bục gỗ, để nhìn thấy tôi, áo đỏ, đứng hàng đầu đám khán giả. Tôi nghe lạnh? Đúng vậy. Lạnh đều khắp châu thân. Hình như tôi đã la lên. Tôi đã thét. Thất thanh. Tôi đã gọi Lãng, Lãng. Và tiếng vỗ tay, tiếng sóng gào…chấm dứt cùng lúc thân xác tôi đổ xuống mặt thảm. Rồi đèn bật sáng. Tiếng chân chạy. Mọi người ù té chạy? Mọi người xô nhau chạy? Hình như mọi cánh cửa đều được mở ra, cho tất cả người chạy thoát? Luôn cả chàng, luôn cả Lãng.
Trong ánh đèn rực sáng, tôi nằm lỏa lồ trên mặt thảm. Hệt như bao ngày, trước đây, tôi cũng đã nằm như thế ở hoang đảo. Và sóng biển và, nhơ nhuốc đã hết đợt này lại tiếp đợt kia, vầy vọc thân xác tôi. Vầy vọc vết thương tôi. Vầy vọc cả mủ và, máu tôi tanh tưởi.
1980
Ra Mắt Tôi Ra Mắt Tôi - Du Tử Lê