Love at first sight is often cured by a second look.

Love is sweet when it’s new, but sweeter when it’s true.

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Anh
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Quoc Anh Le
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: /
Cập nhật: 2023-06-10 20:29:09 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
uân Tử Báo Cừu, Thập Niên Bất Vãn
Lôi sinh ra ở một làng chài, gần cảng biển thuộc nước Vệ. Là chàng trai khôi ngô, tuấn tú, vốn có tố chất thông minh từ thủa nhỏ, lại ý chí hơn người, nhưng ngặt nỗi cha mẹ nghèo, không vai vế, đến tiền đóng học cho thầy đồ trong làng còn không đủ nên Lôi chỉ ở nhà tự học, âm thầm chờ đợi thời cơ.
Nhân một ngày kia có thuyền buôn ghé qua làng mua hải sản, đang thông báo tìm người biết chữ lo việc giấy tờ, Lôi cho đó là một cơ hội lớn để đổi đời nên xin theo hầu không lấy công và được chấp nhận. Số phận thuận tự nhiên, trai ham sắc gái ham tài, con gái thuyền trưởng thấy Lôi có khí chất sáng ngời nên đem mong yêu mến. Cha cô, một thủ lĩnh tàu biển thông thạo nhân tướng học, biết nhìn người, cũng thấy Lôi sau này có thể làm nên sự nghiệp, đồng ý gả con gái cho. Họ nên duyên vợ chồng và có với nhau một cậu con trai.
Không muốn để con trai thiệt thòi chỉ ở trên tàu không được học hành bài bản như mình, Lôi bàn với vợ vào bờ lập nghiệp. Khi thuyền đi qua xứ Phù Tang thấy đèn hoa rực rỡ, xứ sở giàu có, con người văn minh lịch sự, với số tiền tích cóp đã đủ Lôi quyết định dừng ở đây cho con du học. Năm đó con trai Lôi vừa tròn 3 tuổi.
Xứ Phù Tang có nền giáo dục tiên tiến, xã hội nhân văn, con trai Lôi như cá gặp nước, học hành tấn tới. Sau ba năm, con trai Lôi mới có sáu tuổi đã cầm kỳ thi họa, nhất là ngâm thơ, chơi nhạc, ngoại ngữ đều giỏi cả, được coi là thần đồng xứ người.
Nước Vệ với xứ Phù Tang vốn có mối giao hảo, năm đó nước Vệ kéo một đoàn tùy tùng đi sứ sang nước Phù Tang học hỏi kinh nghiệm. Cuối chuyến công cán, đoàn tổ chức bữa tiệc rượu gặp gỡ kiều bào tiêu biểu thần dân nước Vệ đang sinh sống ở Phù Tang. Nhờ tiếng lành đồn xa có con trai là thần đồng, hai bố con Lôi cũng được mời tới tham dự.
Theo truyền thống tôn ti thứ bậc, bữa tiệc được phân chia làm ba bàn cách biệt, một bàn trên dành cho các quan lớn, bàn dưới dành cho lính lệ, người hầu và bàn bên cạnh dành cho khách mời. Đúng tập tục nước Vệ, dân chi phụ mẫu, tức quan là cha mẹ dân chỉ việc ngồi yên, các con dân khách mời từ 18 tuổi trong buổi tiệc sẽ phải lần lượt lên mừng rượu, chúc sức khỏe quan lớn, đi đến chỗ từng quan một, để được quan thưởng cho một chén đầy rượu quý.
Trong đám khách mời, đa phần là giới làm giao thương, quen việc tiệc tùng hầu rượu nên vui vẻ, hào hứng, ai cũng cố uống hết cả lượt rượu các quan ban, khúm núm cạn đến long đen với vẻ mặt biết ơn lắm lắm. Ai cũng nghĩ biết đâu sau này còn nhờ cậy quan to.
Phía các quan quen thói thể hiện bậc bề trên, là bố của thiên hạ cơ mà, dù đang ở xứ Phù Tang thì đám khách mời vẫn là dân ngu cu đen, có gia đình họ hàng còn ở nước Vệ dưới quyền các ông cả nên khệch khạng lắm. Đã ban rượu là phải uống. Cứ uống xong một chén chúng lại dập đầu tận chân lạy tạ quan.
Lôi tính cách khác người thường, coi giá trị tinh thần văn chương kinh sử hơn vật chất tiệc tùng tầm thường, chỉ vì đã lâu không gặp đồng hương, lại ngày đêm nhớ cố quốc mà nhận lời đến đây tham dự. Nhưng đã là lệ mừng rượu, đến lượt mình thì cũng phải lên. Tuy nhiên vì không quen, nên tửu lượng có hạn, mới đi đến nửa vòng, uống hết được năm chén, Lôi đã lảo đảo, miệng ứ đầy chực nôn ra. Rủi thay vào đúng lượt ban rượu của quan nội phủ Trương nổi tiếng hống hách, đi lên bằng con đường luồn lách, coi người dưới như cỏ rác, thì Lôi lại tìm cách thoái thác. Cầm chén rượu quan Trương ban, Lôi thành thật thưa:
Con xin lạy quan lớn ba lạy, biết rượu quan ban là quý, nhưng quả thật con say quá không uống được nữa.
Quan Trương nghe thấy thế, thì quát lớn:
Mày là thằng nào mà dám từ chối rượu quan?
Trên mâm, có người nhận ra Lôi bèn cố tình nói hộ:
Thằng này là Lôi, cha thằng Lạt thần đồng hay chữ, nổi tiếng trong đám đồng hương nước Vệ, nghe nói cha con nó chỉ kết giao, trọng nhân sĩ, thánh hiền.
Lôi nghe thấy thế, lại cứ vô tư tưởng đó là lời khen ngợi, vội nhận ngay đầy tự hào:
Vâng, đúng con là Lôi đấy ạ. Quan trên đã biết, quả là con không quen uống rượu, mong các quan thông cảm cho con lui.
Không ngờ, cái sự tiểu sử ấy làm quan Trương tái mặt, mím môi, trợn mắt.
Đó là thời xưa thường những chỉ những người thông minh, tài giỏi đủ đại diện cho bộ mặt đất nước mới được cử đi sứ, tức là ít nhất cũng phải đỗ đạt trong các kỳ thi khoa bảng cả. Duy nhất có quan Trương, dù không bằng cấp, nhưng lại mưu mô xảo quyệt hơn người, cũng xuất thân từ dân đen mà luồn lách được lên chức quan nội phủ. Nay lại chạy chọt được một chân đi sứ vì đánh hơi thấy xứ Phù Tang giàu có, dễ kiếm hàng buôn lậu mang về. Trên chốn quan trường thường tị nạnh, đấu đá nhau, người quan kia biết rõ thân thế của Trương, chủ ý giới thiệu Lôi như vậy là để chơi khăm Trương, ngụ ý nói Lôi vì coi thường văn hóa của Trương mà không thèm uống vậy. Quả nhiên, Trương vốn vô học, chỉ hiểu khơi khơi, mắc bẫy người kia mà đùng đùng nổi giận:
Mày khinh ông không thèm uống à?
Thấy giọng quan sang sảng, mặt mũi chuyển từ tái sang đỏ rực, thì Lôi sợ quá:
Dạ, quan lớn xét cho, con nào dám khinh quan lớn ạ.
Không khinh ông mà đến đúng lượt ông mày lại từ chối uống là sao?
Bẩm quan, con chưa bao giờ uống quá ba chén, hôm nay đã uống đến chén thứ năm. Quả thật con không uống được nữa.
Mày lại còn lý sự nữa à! Mày cậy học nhiều, biết nhiều không coi cha mẹ ra gì à.
Vừa nói quan Trương vừa giơ chân đạp trúng giữa bụng dưới của Lôi. Đau quá, theo đà Lôi gập người xuống, cả chén rượu đang cầm trên tay hất cả vào mặt quan Trương đang ngồi. Sự việc diễn ra nhanh quá, các quan khác trên bàn đều kinh hãi, hướng cả về phía quan Trương, chờ đợi một cơn cuồng nộ đúng với bản tính của hắn.
Chẳng phải đợi lâu, quan Trương đứng bật dậy, không thèm vuốt mặt dính đầy rượu thuốc đen nhờ nhợ mà nắm lấy tóc của Lôi giật đầu lại, gầm lên rồi cứ thế tay kia đấm, chân kia đá thẳng vào đầu, vào mặt Lôi. Máu mồm, máu mũi, máu tai cứ thế chảy ra đỏ lòm chảy ngấm xuống cả áo trắng của Lôi. Thằng Lạt con trai của Lôi đang ngồi dưới thấy bố bị đánh thế thì khiếp đảm quá, gào thét chạy đến bên cha. Quan Trương vẫn chưa hả dạ, đấm đá túi bụi thêm một hồi, đá trúng vào cả thằng bé khiến nó ngã chỏng trơ, nước mắt nước mũi giàn giụa, nhìn thẳng vào khuôn mặt quan Trương đầy thù hận. May cho cha con Lôi Lạt đây là xứ Phù Tang nên thoát khỏi án tù tội khinh khi quan lớn, chỉ bị bốn tên lính lệ xốc tay tống ra ngoài phòng tiệc.
Lôi gắng gượng đau, lê lết ôm con trở về nhà, thề sẽ có ngày báo thù cho sự nhục nhã hôm nay. Nhờ có sự trợ giúp về tài chính của ông bố vợ là thuyền trưởng, Lôi không đi làm đâu nữa mà tập trung đóng cửa dùi mài kinh sử lại từ đầu để lấy bằng cấp, với quyết tâm khi nào có bằng tiến sĩ sẽ vinh quy bái tổ, dấn thân vào chốn quan trường, tìm lại tên quan Trương rửa nhục. Lôi tự dặn mình và dạy cả con vết hằn kia phải trả, nhưng phải biết cẩn trọng, nhẫn nại, chờ đợi đúng thời điểm thích đáng để hành động, làm việc gì chắc việc đó thì mới báo thù thành công được. Quân tử báo thù mười năm chưa muộn.
Vốn sẵn có tố chất, lại có động lực sôi sục, Lôi chẳng mấy chốc học vượt chương trình, đỗ đầu kỳ thi tiến sĩ văn chương, trở về quê hương, được trọng dụng vì có thực tài, con đường quan lại mở rộng thênh thang trước mắt. Đi lên từ chức quan tri huyện sau mười năm, Lôi đã trở thành quan thái thú đứng đầu một vùng rộng lớn. Quan Trương thì gần như quên hẳn chuyện ngày xưa, không hề biết có người vẫn theo dõi sát sao các hành động của mình cả đời tư lẫn trên chốn quan trường.
Ngày nhận chức, Lôi tổ chức bữa yến tiệc lớn ra mắt, ra lệnh mời tất cả các quan lại dưới trướng trong địa hạt của mình, bao gồm cả quan Trương tới dự.
Về phần quan Trương, từ sau khi đi sứ trở về sự nghiệp dậm chân tại chỗ. Chuyến đi đó đã không kiếm chác được gì, lại ở chung chạ một thời gian dài với những quan thực tài năng khác, sự yếu kém ngu dốt của Trương không che đậy nổi, đã thế lại hống hách, bất nhân, ai ai đều biết, lan ra cả triều đình nước Vệ. Trương vì thế bị giáng chức, điều từ trung ương đi địa phương, giữ chức quan nhỏ ở một huyện lị hẻo lánh.
Chán nản, Trương sa vào rượu chè, ngày đêm nằm bên đèn bàn thuốc phiện, người gầy rộc, già nua, tóc tai bạc phơ như ông lão bảy mươi.
Đến một ngày vợ con Trương không chịu đựng nổi quyết định bỏ đi, Trương ta mới bừng tỉnh, đập bỏ hết đèn bàn thuốc phiện, cai rượu chè, quyết tu chí làm ăn xây dựng lại cuộc đời ở tuổi ngũ tuần. Từ đó thay đổi tính cách, chăm đọc sách thánh hiền, hiểu ra việc nhân đức giúp tâm hồn mình thanh thản, hạnh phúc.
Nhận được trát mời đi dự tiệc mừng quan thái thú mới, Trương lên đường đi dự mà không mảy may nhớ đến có tên Lôi đã bị mình đánh đập hộc máu mồm ngày nào.
Hôm đó hơn hai chục quan lớn nhỏ được mời đều có mặt. Cả bọn đang ăn uống nói cười say sưa thì Lạt, con trai Lôi bước vào. Sau mười năm, giờ đây Lạt đã trở thành một chàng trai 16 tuổi cao to vạm vỡ. Vừa thoáng nhìn, Lạt nhận ra ngay khuôn mặt của Trương. Nhớ lại cha mình bị đánh chửi tàn bạo, đuổi đi nhục nhã khi còn ở xứ Phù Tang ngày ấy, chàng trai Lạt nắm chặt tay, nỗi ức giận trào dâng, cộng với sự bồng bột của tuổi trẻ, định xông vào ăn thua đủ với Trương. Những người trên bàn tiệc và cả Trương thực vẫn chưa hiểu chuyện gì, ngoài quan thái thú mới nhận chức. Nhanh như cắt, quan thái thú Lôi chạy lại kéo con trai vào buồng trong.
Lạt hất mạnh tay cha ra rồi bảo:
Chẳng phải cha đã dạy con rằng, quân tử báo cừu, thập niên bất vãn, giờ là thời điểm.
Lôi nhẹ nhàng, ân cần trả lời con:
Cái người đánh đập cha con mình ngày xưa không phải người đàn ông đó đâu.
Con trai Lôi ngờ vực, hé mành che nhìn ra phòng khách, nhìn kĩ lại. Trước mắt Lạt giờ đây là một ông quan già nua, râu tóc đã bạc trắng, da mặt nhăn nheo che phủ gần hết nét tiểu nhân, hung hãn khi xưa. Ông già đó đang xua tay run run từ chối chén rượu mời rót từ một người ngồi bên cạnh, ý chừng mình đã uống đủ, xin thôi.
Lạt khựng lại, ngộ ra điều cha muốn nói. Từ đó không bao giờ còn nhắc tới việc trả thù nữa.
Paris, ngày 05/06/2023
Tái bút: Triết gia Heraclitus người Hy Lạp đã từng nói "No man ever steps in the same river twice, for it’s not the same river and he’s not the same man”, có nghĩa là không ai tắm hai lần trên một dòng sông, vì sự vật vận động không ngừng, dòng nước kia cháy thay dòng nước mới, con người kia của ngày hôm nay không phải là người của ngày hôm qua, từng tế bào, từng trí óc, từng giọt máu đã được thay mới.
Quân Tử Báo Cừu, Thập Niên Bất Vãn Quân Tử Báo Cừu, Thập Niên Bất Vãn - Lê Anh