This will never be a civilized country until we expend more money for books than we do for chewing gum.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyên Hương
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 645 / 4
Cập nhật: 2015-10-14 21:30:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ăn nhà được quy giá trị ra vàng, ai ở lại thì đưa cho người kia một nửa. Xe, tivi, tủ lạnh... tất cả đều chia đôi. Sự phân chia êm thấm và ai cũng sẵn sàng nhường cho người kia hơn một chút.
Chỉ còn lại Thu và tôi. Áo quần của hai chị em thường để chung một ngăn, bây giờ bề bộn đầy giường. Hai đứa tôi vừa xếp riêng quần áo của mỗi đứa ra, vừa lắng nghe ba mẹ nói với nhau về con cái. Nói qua nói lại cho đến chiều thì ba tôi không còn nhỏ nhẹ nữa, ông thẳng thừng:
Về tài sản thì bà muốn lấy thêm gì tuỳ ý. Nhưng về con cái thì tôi nuôi con Linh. Khỏi cần bàn cãi nữa.
- Đành rằng toà xử tôi một đứa, ông một đứa. Nhưng tôi muốn tụi nó có chị có em với nhau - Giọng mẹ năn nỉ.
- Vậy, tôi muốn cả hai đứa, bà chịu không? Tôi cũng muốn tụi nó có chị có em - Giọng ba thách thức.
Im lặng một phút rồi mẹ nói, giọng cay đắng:
- Có thật là ông muốn tụi nó có chị có em không?
- Đủ rồi! Con Linh là con của tôi - Ba lớn tiếng.
- Đồ khốn nạn! - Cả người mẹ run lên - Con Thu cũng là con của ông. Tôi nói đi nói lại điều này suốt bao năm nay, không phải vì tôi muốn chứng tỏ sự chung thủy của tôi đối với ông... - Mẹ cười khẩy - Ông không đáng có mọt người vợ chung thủy...
- Đừng nói nhiều vô ích - Giọng ba lạnh ngắt.
- Tôi nói để cho hai đứa con hiểu rằng tụi nó là chị em ruột thịt.
- Đằng nào thì con Linh cũng ở với tôi.
Mẹ đi đến giường chất đầy áo quần của hai đứa tôi. Bàn tay mẹ ấn trên vai tôi đau điếng:
- Linh... em Thu... yếu đuối hơn con nên em cần mẹ hơn. Con hiểu mẹ không?
Tôi không hiểu được. Cảm giác kiêu hãnh thường ngày biến mất. Thường ngày tôi luôn được khen thông minh hơn, dễ thương hơn và học giỏi hơn Thu. Thường ngày tôi luôn kiêu hãnh, vì ai đến nhà cũng vuốt tóc nựng tôi và chẳng mấy ai hỏi han đến Thu. Và thường ngày, tôi cũng hay lấn át Thu nữa... Nhưng lúc này tôi chỉ thấy tội nó. Tôi không kịp suy nghĩ về những buổi chia tay đang diễn ra. Tôi nhìn đống quần áo đã phân đôi trên giường và chợt nhận ra bao nhiều quần áo đẹp đều là của tôi! Áo quần để chung, nhưng có khi nào Thu mặc đâu. Toàn là tôi mặc và quen dần ai cũng coi đó là của tôi.
Mẹ nhét áo quần của Thu vào valy và cúi hôn tôi:
- Mẹ yêu cả hai đứa! Con hay nói rằng mẹ không thương con, nhưng không phải vậy đâu. Rồi con sẽ hiểu.
o O o
Để hiểu được lời mẹ nói, tôi phải trải một thời gian dài. Suốt những năm tháng dài đó, tôi luôn nhớ đén hình ảnh đứa em gái xấu xí khờ khạo của tôi:
- Chị Linh, con búp bê này chia làm sao? - Nó giơ tay định vặn cổ con búp bê.
- Cho Thu luôn đó! - Tôi vội giựt con búp bê lại, nhét vào valy của mẹ, lần đầu tiên trong đời tôi nhường em mình. Và kể từ hôm đó, những con búp bê trong tủ kính chưng bày ở tiệm không còn hấp dẫn tôi nữa. Một điều gì đó đã vĩnh viễn qua đi.
Hai năm đầu, tết nào mẹ cũng gửi thư và quà cho tôi. Con dấu ngoài phong bì cho biết mẹ ở Nha Trang, nhưng không cho biết rõ địa chỉ. Đến năm sau, năm sau nữa... tôi không còn nhận được tin mẹ. Ba cười khẩy: - Chắc mẹ mày lấy chồng rồi! Tôi không nghĩ đến chuyện mẹ lấy chồng. Tôi chỉ nghĩ rằng mẹ không buồn nhớ đến tôi nữa. Ngày xưa, mẹ cũng ít khi nựng nịu chìu chuộng tôi, mẹ thương em Thu hơn.
Ba lấy vợ. Dì mới hai mươi ba tuổi, lớn hơn tôi tám tuổi. Nhìn dì và tôi người ngoài dễ lầm là hai chị em. Dì không hoạnh họe tôi như những bà dì ghẻ người ta hay nói. Mà thật ra dì không chú ý đén tôi thì đúng hơn. Sáng tám giờ dì thức dậy, chải đầu, thay quần áo rồi ăn sáng đến mười giờ, đi chợ, vậy là tới trưa. Ngủ trưa dậy là đã ba giờ, dì tới tiệm gội đầu hoặc làm móng tay móng chân... rồi cơm chiều. Rồi tối coi tivi hoặc đi xem phim, nghe nhạc...
Khi có bầu, da mặt bị nám một chút, dì khóc, không chịu vào bếp nấu ăn vì sợ nám nhiều hơn. Ba mua bếp điện về, dì than cái thai làm dì mệt. Vậy là ba thuê một bà già ngày ngày tới lo cơm giặt giũ.
- Chứ còn con Linh làm gì? - Đó là câu nói đầu tiên của dì ám chỉ đến tôi sau một năm sống chung.
- Để cho nó học hành! - Giọng ba như ra lệnh, dì im lặng ngay. Dường như dì hiểu được rằng ba rất cưng tôi và đặt hy vọng nơi tôi rất nhiều. Dì muốn gì thì muốn, trừ việc... gây sự với tôi.
Chỉ tội nghiệp cho bà già giúp việc - Ba tôi vốn khó tính, dì không khó tính nhưng lại nhỏng nhảnh, còn tôi thì ngủng ngẳng với tất cả... Bà nấu món gì, hễ tôi khen ngon thì dì chê dở; bà làm gì, hễ được dì khen thì tôi lại chê. Ba tôi khi thì nghe theo dì, khi thì nghe theo tôi... và một ngày kia ông quát lên:
- Từ nay về sau ai chê thì tự làm lấy.
o O o
Dì sinh ra một đứa em gái giống em Thu như đúc. Bà gì giúp việc lắc đầu: - Đàn bà có thai mà chưng diện thì sinh con xấu xí vô duyên là đúng rồi. Chỉ tội nghiệp con bé...
Ba tôi cau mặt mỗi khi nhìn thấy đứa nhỏ. Dì trút bỏ áo quần đẹp, thôi son phấn, cả ngày dì ôm con vào lòng nựng nịu mong cho nó biết cười. Nhưng mặc kệ tình thương lẫn nước mắt của dì, nó vẫn cứ nhìn quanh bằng đôi mắt lờ đờ và chẳng hề vui chút nào khi nghe tiếng lúc lắc của món đồ chơi. - Sao anh chẳng bao giờ nựng con hết vậy? - Tôi nghe tiếng dì khóc hỏi ba tôi và tiếng giày ba tôi đi xa dần.
Đứa bé đã kéo tôi đến gần dì. Đi học về, tôi thường vào phòng dì bồng bé lên. Tôi ca hát, vui đùa trêu chọc bé, cũng như dì, tôi thiết tha mong nghe tiếng nó cười. Dì vui hơn khi thấy tôi gần gũi bé Bi của dì, nhưng không bao giờ dì hiểu được rằng tôi đang nhìn thấy mẹ nơi dì và bé Bi là em Thu ngày xưa. Giờ thì tôi hiểu được câu cuối cùng mẹ nói "em Thu yếu đuối hơn con nên em cần mẹ hơn".
o O o
Sau bao ngày tháng, giờ đây tôi bỗng nhớ mẹ và em Thu đến cồn cào. Tôi nhớ hồi đó tôi hay giành đồ chơi với Thu và nó chẳng biết làm gì hơn là khóc ư ử. Cuối năm học nào tôi cũng ôm về gói phần thưởng lớn nhất lớp và ba tôi hãnh diện chở tôi khắp nhà người quen. Mỗi lần ba nựng nịu hoặc mua quà cho tôi thì mẹ lại đưa em Thu đi loanh quanh trong xóm và mua cho em một món quà tương tự để rồi tôi giành luôn món quà đó bằng câu phụng phịu:
- Mẹ ứ thương con. mẹ chỉ thương em Thu thôi.
- Linh! Con là chị. Con phải nhường em. - Mẹ dàn hòa.
Và đôi khi mẹ nói như năn nỉ tôi:
- Khi nào đi chơi, con dắt em theo cho em biết này biết nọ với nghe con. Tôi lắc đầu nguây nguẩy:
- Nó chậm chạp lù đù, dắt theo mệt lắm.
Tôi chưa bao giờ quan tâm đến em Thu - Ba đã khiến tôi nhận ra điều này! Tỗi ẵm bồng bé Bi, ru nó ngủ, may áo búp bê, mua đồ chơi cho nó. Tôi muốn làm thật nhiều cho bé để chuộc lại sự vô tâm đối với em Thu. Nhưng bé Bi là bé Bi, em Thu là em Thu và tôi bật khóc mỗi khi nhớ mẹ. Tôi lục mấy phong thư cũ, tìm địa chỉ cỉa mẹ nhưng vô ích, con dấu ngoài phong bì với hai chữ Nha Trang lạnh lùng chẳng nói được gì hơn. Nha Trang trở thành một địa danh ám ảnh.
o O o
Giấy báo tôi thi đậu á khoa Đại Học Y Thành phố Hồ Chí Minh gởi về nhà. ba mở tiệc mừng ngay ngày hôm sau. Tiếng cụng ly của khách khứa chúc mừng tương lai tôi vọng vào phòng khiến dì run vai lặng khóc. Tôi bồng bé Bi lên, bé nhìn tôi bằng đôi mắt lờ đờ rồi mệt mỏi ngả cổ trên vai tôi.
- Mai mốt Linh đi học... ở đây một mình... dì biết làm sao? - Dì nói nho nhỏ, thống khổ, tuyệt vọng, cô đơn. Dì già sọm như đã bốn mươi.
Tôi cắn nghiêm môi lại. Mẹ cũng đã từng thấy đau khổ, tuyệt vọng và cô đơn như vậy. Mà hồi đó, tôi còn quá nhỏ để biết chia sẻ.
Tôi rời bữa tiệc mừng đi lang thang trên phố. Hàng cây hai bên đường rũ lá lặng im. Niềm kiêu hãnh trước sự quan tâm đặc biệt của ba dành cho tôi không còn nữa, điều gì đó đã nứt rạn, xót xa.
- Con gái của ba, con muốn ba thưởng gì cho con? - ba hồ hởi khi tôi quay về sau bữa tiệc.
- Con thích đi Nha Trang - Tôi đáp và mong ba hỏi "tại sao con muốn đi Nha Trang" để tôi nói với ba về nỗi ray rứt trong tôi, nhưng ba không thèm thắc mắc.
o O o
Mặc đám bạn vui đùa trên bãi cát. Tôi đi lòng vòng khắp phố biển như một con điên. Tôi dáo dác nhòm ngó, nghểnh cổ xoay đầu nhìn quanh tựa như mẹ và em Thu vừa mới chia tay với tôi xong.
Tôi đặc biệt chú ý đến những đứa bé trạc tuổi Thu ngày ra đi, những đứa bé rách rưới nhẫn nhục chìa cái mũ trước ngực và ngước mắt chờ đợi. "nếu bỗng nhiên một đứa bé ngửa mũ trước mặt tôi với nụ cười nhăn nhở đó là Thu thì sao?". Câu hỏi kinh khủng lóe lên khiến tôi sựng người khiếp sợ. Mẹ sẽ không bao giờ để em Thu như vậy! Nhưng có thể là mẹ làm sao đó... mẹ chết chẳng hạn và chẳng còn ai trên đời này biết đến em tôi. Một con người sinh ra không lý trí thì có thể làm được gì ngoài việc ngửa mũ xin ăn? tôi thẫn thờ đi trên phố, lòng vừa mong gặp, vừa mong đừng gặp.
Ngày cuối cùng ở Nha Trang, tôi đi quanh các cửa hàng tìm mua quà cho bé Bi. "Có món quà nào thật hay khiến cho bé cười được không?". Tôi lùng sục món quà trong trí tưởng tượng của mình một cách xét nét tỉ mỉ khiến đám bạn cùng đi kêu trời:
- Sao mày khó tính như bà già vậy Linh?
Cuối cùng tôi tìm mua được con thuyền bằng vỏ ốc gắn vào nhau. Những cái vỏ ốc nhiều màu lấp lánh dưới nắng mặt trời.
- Cám ơn Linh đã mua quà cho bé Bi - Dì buồn bã nói. - Từ lâu rồi, dì cũng chẳng nhớ đến việc mua quà cho bé nữa.
Dì đưa chiếc thuyền cho bé và ngay lập tức chiếc thuyền tuột khỏi đôi bàn tay lỏng lẻo của bé, rơi xuống nền xi măng khô khốc, vỏ ốc văng tung toé.
o O o
Thật là bất ngờ, tôi gặp mẹ ngay ngày đầu tiên đến trường Đại học. Trong phút giây, tôi và mẹ đứng lặng nhìn nhau. Mẹ già đi nhiều, tóc lốm đốm bạc. - Sao mẹ... đứng ở đây? Tôi ấp úng hỏi một câu ngu ngơ.
- Mẹ đợi con! - Giọng mẹ khàn khàn.
- Sao mẹ... không viết thư cho con?
- Biết ba con lấy vợ nên mẹ thôi không gởi. Mẹ ngại ba nghĩ rằng mẹ quấy rầy hạnh phúc của ba con.
- Mẹ ngại... ngại... Mẹ không nhớ đến con thì có! - Tôi dằn dỗi, như ngày xưa mỗi lần mẹ mua quà cho em Thu.
- Linh! - Mẹ dịu dàng gọi tên tôi - mẹ luôn hỏi thăm về con. Con có thấy là mẹ đang đứng đây không? từ khi biết con đậu trường này, ngày nào mẹ cũng đến đây đợi...
Hai mẹ con mà phải đợi chừng đó năm tháng để gặp nhau ở một nơi xa lạ. Tôi gục đầu trên vai mẹ, bật khóc.
- Con về Nha Trang tìm mẹ... mẹ ơi!
- Hồi đó mẹ đưa em về Nha Trang với hy vọng khí hậu biển sẽ tốt hơn cho em con. Rồi nghe nói ở thành phố có nhiều bác sĩ giỏi nên mẹ đưa em về đây. - Em Thu... sao rồi mẹ? - Tôi hồi họpp hỏi.
- Em con mất rồi! - Nước mắt mẹ rơi trên tóc tôi - Em con không ý thức được nguy hiểm nên đút tay vào ổ điện.
Đột nhiên tôi thấy nhẹ nhõm, nỗi nhẹ nhõm tàn nhẫn, kỳ quặc và đau đớn. Mẹ nghẹn ngào:
- Chết có lúc là giải thoát phải không con?
Nỗi đau trong mắt mẹ khiến cổ tôi cứng lại.
o O o
Tôi có thêm một đứa em trai, vì mẹ đã có chồng. Chồng của mẹ là một bác sĩ khoa tâm thần. Thật khó chịu khi biết mẹ có chồng. Việc mẹ có chồng khác hẳn việc ba có vợ! Không thể giải thích được vì sao lại như vậy.
Tôi cố tạo một vẻ mặt vô tư khi gặp cậu bé. Nó có khuôn mặt tròn và sóng mũi thanh tú của mẹ. Rồi khi đối diện với ông bác sĩ, tôi nhận ra đôi mắt nó là bản sao của đôi mắt ông.
Câu chào ngập ngừng trên môi, rồi tôi bật ra "Chào bác".
Ông đáp lại câu chào của tôi bằng một nụ cười.
Ông đưa mẹ và tôi ra mộ em Thu. Ngôi mộ xây theo một kiểu là lạ, ngồ ngộ. Những viên đá hoa đủ màu đắp quanh mộ như những món đồ chơi bày ra bừa bãi. - Với dáng mộ này, bác mong em của cháu có được tuổi thơ ở thế giới bên kia - Ông nói bằng một giọng ấm áp, ân cần.
Tôi hình dung một cuộc sống có ông, mẹ, em Thu và đứa em tôi mới gặp. Thật khó mà hình dung được cuộc sống đó ra sao. Tuy nhiên, tôi hiểu ông rất yêu mẹ tôi. Vì yêu mẹ nên ông đã tặng cho em tôi tuổi thơ, dẫu muộn màng. Cũng như tôi thân thiện với dì vì nhớ mẹ, và nựng nịu vỗ về bé Bi vì tình yêu muộn màng dành cho em Thu.
Tôi chợt hiểu ra một điều cơ bản của cuộc sống. Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn.
Daklak, 9.94
Quà Muộn Quà Muộn - Nguyên Hương