Số lần đọc/download: 986 / 2
Cập nhật: 2015-01-25 06:25:42 +0700
N
gười đàn bà trạc độ ba ngoài ba mươi, đầu tóc rũ rượi, bẩn thỉu, quần áo xốc xếch nhưng là một thứ xốc xếch của loại áo quần hợp thời trang cách đây khoảng mười năm. Khuôn mặt nàng khá đẹp, thanh tú song lầm lì xa xôi. Đôi khi cơn điên dại nổi lên, nàng đi lang thang không biết mệt và hay hát những bài ca tiền chiến đứt quãng. Nhưng cũng đôi khi cơn điên dại đó được thể hiện qua việc nàng ngồi bất động như tượng đá trên cát, không nhìn ai, không nhìn cái gì cả. Tôi tưởng tượng nếu có ai bứng nàng đi một chỗ khác cũng không phản ứng. Và khuôn mặt sầu thảm như khuôn mặt Đức Bà trong tác phẩm La Pietà của điêu khắc gia Michelangelo.
Tôi hỏi người đàn ông chài lưới đang ngồi vá lưới dưới tàn cây bàng:
"Có bao giờ bà ta nghĩ đến chuyện tự tử không? Những vách đá kia và biển cả đó… dễ mà…"
Người đàn ông không ngừng tay, nhìn tôi như thể câu hỏi của tôi có vẻ kỳ quái, đáp lời tôi:
"Điên thì còn nghĩ đến gì nữa? Bả cứ vậy thôi, chẳng làm hại đến ai bao giờ. Hoặc là hát, hoặc là im lặng như đá. Người trong vùng quen với bà. Trẻ con đôi khi đến chọc ghẹo, nhưng bị người lớn la nên cũng bớt".
"Buổi tối bà ta ngủ ở đâu?"
"Gia đình bà ta rất khá giả. Sau khi đã chạy chữa đủ cách không thấy khỏi, đành tậu cho bà một căn nhà ở đây và cho người trông nom săn sóc cho bà. Bà ta thường thích ngủ trên cát hơn, kêu là giường nệm làm bà ta đau mình, cát êm hơn".
"Ngủ ở cát ngay ngoài bãi này?"
Người đàn ông gật đầu, vẫn chăm chỉ đan lưới:
"Trước kia kìa. Chứ còn bây giờ, nhất là sau vụ bà ta bị thằng Mỹ đen say rượu làm bậy đến nay, bà ta bị ép đưa về nhà mỗi tối. Riết rồi như gà qué mình nuôi đêm xuống tìm được về chuồng ấy mà…"
Đến đây, có tiếng đứa con gái của người đàn ông gọi từ dưới bãi. Ông ta buông lưới và chạy vội xuống giúp vợ con một tay kéo mẻ lưới vào. Tôi nhận ra bóng dáng người vợ mặc quần áo đen đang gắng sức cùng với đứa con kéo lưới vào. Mỗi mẻ lưới chẳng được bao nhiêu cá, toàn cá nhỏ. Người đàn ông bảo tôi cũng chỉ đủ thức ăn cho gia đình ấy mà cô. Đôi khi vợ tôi và con bé lớn chạy đi kiếm ít đồ họp tụi Mỹ dư dùng đem bán và bán lại cho bà con kiếm ít tiền đong gạo, cuộc sống kéo dài như vậy từ ngày thằng con lớn bỏ mình ngoài biển mang theo chiếc thuyền sản nghiệp của cả gia đình.
Tôi nhìn người đàn bà điên dại ngồi bất động như tượng đá trên bãi cát.
"Miền biển, ngày 29-3
Anh,
Đây là lá thư thứ mấy, không biết nữa, em viết cho anh mà không gửi. Nhưng em cảm thấy không thể không viết cho anh. Đôi khi em thu hết can đảm để bỏ một lá thư vào phong bì, đề tên anh, dán tem và quyết định mang đến bưu điện cùng với những lá thư khác. Nhưng kết quả là em lại trở về với lá thư định gửi cho anh còn lại trong xắc tay. Em lại xé lá thư ra, đọc lại và xếp vào một chỗ. Rút cục, em làm sưu tập chính những lá thư em viết cho anh. Đôi khi em nghĩ một cách khôi hài là biết đâu em sẽ trở thành điên như người đàn bà em gặp trên bãi mỗi ngày và người ta sẽ lục được xấp thư có vết gấp mà không gửi kia, người ta sẽ đọc, người ta sẽ xuất bản và cuối cùng, chúng đến tay anh không do quyết định của em để anh chua xót chơi, để anh ân hận chơi. Nhưng, cố nhiên, như em đã nói, đó chỉ là một ý nghĩ khôi hài thôi. Mình điên được, đâu phải dễ, nhất là lại điên vì tình. Vậy mà mình vẫn khổ, vẫn đau, vẫn bị dằn vặt, ray rứt cho được, mới lạ chứ! Và trong khi đó, mình vẫn có cả chục lý do để biện minh cho sự căm lặng của tình mình. Buồn cười thật, phải không anh? Và cũng khó hiểu và khó chịu thật, phải không anh?
Em ra đây, tính ra đã được hơn một tuần. Tạm thời xa lánh cuộc sống bận rộn, u mê nơi thành phố khói bụi, chật hẹp; xa lánh bạn bè, những chỗ ngồi quen thuộc, những khuôn mặt quen thuộc, những băn khoăn không lối thoát cũng quen thuộc. Để làm gì? Em chỉ biết rằng em phải đi, nếu không, em sẽ điên loạn mất, điên loạn với những gì quá quen thuộc đến bế tắc kia, điên loạn với một tình yêu chôn kín, điên loạn với việc đối chất với chính bản thân mình bỗng trở nên tầm thường kỳ lạ.
Hôm thoạt tiên ra đây, em buồn đến thê thảm – nhưng kỳ cục là trong nỗi buồn đó mình bắt gặp một niềm hạnh phúc cô đơn đến tuyệt vời. Em thuê phòng khách sạn, cái khách sạn đối diện với mặt biển, với mỗi lần hoàng hôn của ngày, mà em dự định sẽ thuê chung với anh nếu chúng mình cùng ra đây. Em muốn ở một mình, em muốn nghiền ngẫm nỗi đơn độc trong ý nghĩ về anh, về mối tình chưa được tỏ giữa chúng mình. Em dự định ở vài hôm rồi trở lại thành phố và bắt lại nhịp sống cũ nhưng với một tâm hồn tươi mát hơn nhờ được thở thiên nhiên. Nhưng được ba ngày thì em bắt đầu chịu không nổi. Em chưa bao giờ đi chơi xa một mình cả. Bao giờ cũng với một người, có thể chỉ là một người bạn, có thể là một người tình. Em nói ra vì biết anh không lạ đối với chuyện đó về em. Em lấy làm lạ vì trong chuyện xuất ngoại suốt mấy tháng trời, em vẫn thường ở khách sạn một mình một phòng. Dường như cái việc người con gái đến thuê phòng một mình ở khách sạn tại nước ngoài không gợi cho ai một chút ngạc nhiên hay tò mò cả. Và em thản nhiên ra vào khách sạn, hẹn hò với những người bạn ngoại quốc đi ăn đi chơi. Và đôi khi em mời họ vào phòng em nói chuyện. Với những buổi tối lần về đến khách sạn một mình lăn quay ra ngủ, không bận tâm gì ngoài nỗi nhớ nhà và mong mỏi chóng đến ngày về. Đôi khi em cũng cảm thấy đơn chiếc, lạc lõng, song cũng dễ dàng chấp nhận và chờ đợi ngày dứt công tác để về nước.
Nhưng ở đây khác hẳn. Có lẽ vì chính mình tự nguyện nên bất cứ lúc nào mình cũng có thể và hoàn toàn tự do quyết định lại? Và có lẽ phải chăng đó cũng chính là nguyên nhân khiến cuộc sống của em trở thành một thứ ôm đồm để rồi rút cục cái gì cũng thành ra dở dang cả? Đôi khi em nghĩ nếu sinh ra trong một gia đình ở đó mọi sự đi lại, giao dịch bạn bè, học hành nhất nhất đều cần có sự đồng ý của một thứ cha mẹ trí thức, thương con và săn sóc đến độ gây ra những ràng buộc, như đa số bọn bạn gái của em, thì bây giờ em đã không là em hiện tại: thích làm gì thì làm, thích học gì thì học và bất cứ lúc nào cũng có thể bỏ tất cả những cái đang theo đuổi để khởi sự đi lại từ số không ở một phạm vi khác, để rút cục cái gì cũng là nửa chừng. Song, không phải tất cả những điều đó đã nhiều khi, khơi dậy trong em một thích thú tàn bạo đấy sao? Thành thực, em chẳng có gì để ân hận về cuộc sống của mình cả!
Em đang sắp sửa lần về thành phố, bỏ ngang dự định "sống ẩn dật" trong một thời gian, thì một hôm đang đi lang thang ngoài chợ quận, em gặp bà dì. Chẳng nói chẳng rằng, bà quạt cho em một mách, rằng là tại sao ra đây mà chẳng ghé đằng bà ở, mà lại đi thuê khách sạn, rằng con gái con đứa ở một mình ở khách sạn không nên, chỉ có bọn con gái chơi bậy bạ mới làm như vậy, rồi bà thắc mắc hay là em đi với thằng nào nên mới phải thuê khách sạn. Tự nhiên em trả lời là em đi với anh. Bà bảo bộ mày lấy chồng rồi sao. Em bảo chưa. Bà trợn tròn mắt. Em chỉ cười. Bà tiếp chúng mày đi chơi chung, ra cô cậu văn minh nhỉ, lại thuê phòng chung và ngủ chung nữa, gớm thật. Bố mẹ chúng mày hục hặc nhau bỏ mặc chúng mày muốn làm gì thì làm. Hỏng, hỏng quá. Dột từ trên dột xuống. Em chỉ cười. Bà bắt em phải dẫn đến khách sạn tìm anh. Bà bảo bà phải gặp mặt anh, cho anh một mách, rằng thì là anh có thể coi thường bố mẹ em vì đã để em tự do quá trớn, nhưng anh phải biết là em còn có bà là dì em, dù đã từ lâu, bà giận bố mẹ vì bà xui mẹ em bỏ bố em vì những bê bối lục đục trong gia đình, nhưng mẹ em không chịu, rồi bố em biết chuyện đuổi bà đi và thề chết cũng không nhìn mặt bà nữa. Em chỉ cười và rưng rưng nước mắt một niềm vui sướng mơ hồ. Em tưởng tượng nếu những ngày này ở đây được sống với anh, chắc chẳng còn gì hạnh phúc hơn và đó phải là tuyệt đỉnh hạnh phúc của một trong những cuộc tình em đã trải qua – cuộc tình của anh và em, cuộc tình đã chẳng được nói nên lời, đã được thời gian và lòng cảm mến, kính trọng đúc kết nên, và em tin đó phải là một cuộc tình vĩnh cửu. Nhưng bởi cái ý nghĩ về một thứ hạnh phúc kia đã thức dậy trong em một niềm lo âu. Bởi vì sau cái tột đỉnh đó là gì? Em đứng dừng lại. Cùng một lúc em muốn được hưởng với anh những ngày cuối cùng còn lại trước khi anh lên đường nhập ngũ, sống với một số dự tính anh lập ra và đối với em là lý tưởng, để cho em có với anh một kỷ niệm tuyệt vời trước khi đi thật xa, cũng như cho anh có một kỷ niệm của chúng mình để nghĩ đến ở một nơi đèo heo hút gió nào đó sau những ngày ở quân trường; đồng thời, cùng với ý nghĩ trên, em lại cũng muốn sống với anh để giải tỏa phần nào những ẩn ức trong em trước một mối tình chưa một lời được ngỏ. Hai người yêu nhau dù chưa nói và dù những câu chuyện thuộc đủ loại đề tài đã được đề cập đến, sống trong một căn phòng nhỏ, phía trước là cửa sổ ngó ra mặt biển và buổi chiều, và một chút rượu, một chút can đảm… Dù vậy, mình đã không thực hiện. Em sợ. Không thể hiểu vì sao. Dường như hình ảnh của anh quá đẹp đối với em. Dường như nếp sống của một y sĩ điều độ trầm tĩnh và nặng suy tư của anh quá lý tưởng đối với em. Đến độ em nghĩ chắc gì anh có những đòi hỏi bình thường của một con đực trước một con cái, hay có chăng chỉ là một việc làm có tính cách vệ sinh, để giữ thăng bằng cho cuộc sống sinh lý. Và điều đó em lại không chấp nhận được, nhất là với anh, người em yêu.
Và em đã ra đây một mình, vẫn với ý tưởng – hết sức tinh thần – là em ra đây với anh, là em đang nằm dài trên cát với anh, đang cùng giỡn sóng với anh, đang cùng tắm nước ngọt với anh, đang cùng băng qua khoảng sân khách sạn có những tàn cây bàng vĩ đại với anh, đang đợi anh lấy chìa khóa phòng ở bàn quản lý, đang cùng bước lên cầu thang với anh, đang cùng vào phòng với anh – căn phòng tuần trăng mật của hai đứa mình – đang cùng với anh ngắm cảnh hoàng hôn trên bãi bể, đang cùng nói chuyện với anh và cuối cùng yêu anh và được anh yêu để rồi ngủ trong vòng tay anh…
Ba ngày như vậy, đủ cho em. Em xếp đồ đạc theo bà dì về ở chung với bà trong một nếp nhà cổ có vườn cây chung quanh… Với hình ảnh anh vương vất trên tóc, trên mắt, trên má, trên vai, trên thân thể con-gái-đàn-bà vào trong tâm trí em. Anh đã chiếm ngự em hoàn toàn rồi đó. Tình yêu anh đã chiếm ngự em trọn vẹn rồi đó. Dù là một thứ tình thầm lặng, tình không nụ hôn, tình không chăn gối. Nhưng bền chặt. Và em tin như vậy…"
Căn nhà của người dì là một ngôi nhà cổ, mái ngói đỏ. Xung quanh nhà là một vườn cây ăn trái, nhưng tôi không hiểu vì lý do gì (có lẽ là thiếu nhân công), vườn đó không được chăm sóc nên cũng không gây được huê lợi nào đáng kể. Dì tôi sống một mình. Có người con gái duy nhất, chị tôi, đã đi lấy chồng và làm ăn ở thành phố. Nghe đâu cũng khá giả nên thường cung cấp cho bà mỗi tháng. Nhưng dì tôi không thích sống trong sự cung cấp đó, nên dì cho du khách mướn bớt những phòng trống trong nhà. Chỉ những người thích yên tịnh và có ý định nghỉ lâu tại đây mới tìm đến đây mướn phòng ở. Khách mướn phòng thường là do người nọ mách người kia kéo đến.
Tôi ít gặp mặt dì tôi. Tôi nhớ lần cuối cùng bà ghé thăm chúng tôi với một giỏ đầy ắp trái cây, lúc đó tôi mới mười sáu, mười bảy tuổi. Cũng đến gần mười năm rồi. Kể từ hôm đó, bặt luôn. Cha tôi không mấy thích dì tôi vì bà bướng bỉnh, ưa chống đối ông và chê ông là thứ đàn ông vô trí thức. Ông cấm vợ con nhắc đến tên bà, nhất là bọn chị em gái tôi, vì ông bảo bà có một dĩ vãng không đẹp. Ở thời đại bà, nhờ chút ít học thức, theo lời mẹ tôi kể lại, bà bị các cụ liệt vào hạng con gái tân thời. Rồi bà yêu một người con trai không do gia đình chọn, bà vẫn cứ lấy dù bị gia đình từ. Khi bà sinh được chị tôi, người chồng đi theo kháng chiến và mất tích luôn. Bà đem chị tôi vào Nam sinh sống, lấy một người Tàu lai. Kết quả ông này cũng chết nốt và để lại cho bà một căn nhà, căn nhà bà đang ở hiện nay.
Hôm đầu lôi tôi về nhà, bà bảo tôi:
"Tao cũng có nhà cho thuê, sao mày không đến ở mà lại đi thuê ở ngoài khách sạn làm gì? Ở thời tao, tao cũng tân thời lắm, nhưng đâu dám như tụi bay bây giờ. Ngay như vào tiệm phở một mình, cũng chẳng dám, phải rủ bạn bè cùng đi".
Tôi đáp:
"Tại cháu không nhớ nhà dì. Dạo mẹ cháu cho ra đây nghỉ mát còn nhỏ quá, làm sao nhớ được. Dì nhận ra cháu, kể cũng hay thật".
"Mày giống y như con mẹ mày dạo trẻ, sao tao lại không nhận ra. Tao già, chứ trí óc còn sáng lắm. Không ngờ thằng bố mày "tẩy não" chúng mày hay thật! Nhưng sao mày ra đây có một mình?"
Tôi cười:
"Thì dì vừa chẳng kêu ầm lên là sao cháu dám ra đây thuê phòng ở với một người đàn ông chưa phải là chồng cháu và dì cho như vậy là liều, sao bây giờ dì còn hỏi cháu câu đó?"
"Tại tao tưởng mày nói thật. Mà sao mày phải nói dối tao?"
Tôi không đáp. Tôi nghĩ đến Kha. Tôi không muốn giải thích với ai cả về chuyện đó, về những ý nghĩ tôi có trong đầu, về những tưởng tượng tôi nuôi dưỡng, ôm ấp, về niềm cô đơn đến gần như một khoái lạc tôi đang hưởng thụ. Dù cho đến cả Kha nữa, anh cũng chẳng bao giờ biết được đến những điều đó đâu.
Tôi chiếm một căn phòng có cửa sổ ngó ra ngọn núi trên đó có một ngôi chùa mái đỏ tường trắng dường như cũng mới được cất gần đây. Căn phòng nhỏ, tất cả bằng ván – vách ván, sàn ván, trần ván - nhưng là một thứ ván đã lâu đời. Tôi nhớ hôm đầu tiên đến đây, tôi suýt ngã khi bước lên cầu thang vì gót giày đạp nhằm một chỗ ván mọt. Dì tôi theo sau chép miệng:
"Ấy, con chị mày cứ bảo để vợ chồng nó về xây lại nhà cho tao, tao cứ lần khân mãi. Tao bảo còn ở được thì xây làm gì cho tốn kém. Để khi nào tao chết, căn nhà này thuộc về chúng, chúng nó muốn dỡ đi hay làm gì thì làm. Tao quen với không khí ở nhà này. Bây giờ xây lại, lại cần một thời gian nữa để làm quen, tao không đợi được".
Trên lầu gồm bốn phòng, bọc xung quanh một phòng khách. Chỉ có hai phòng ở phía trước và phòng khách có cửa thông ra ban-công. Không có phòng tắm trên lầu vì nhà dựng từ lâu, tôi không rõ từ hồi nào, và có lẽ thời đó, người ta chưa nghĩ nhiều đến tiện nghi như bây giờ. Dưới nhà cũng tương tự như vậy, duy có thêm một cửa phía sau thông ra một mái hiên chạy dài xuống dãy nhà bếp, nhà tắm, cầu tiêu, v.v. Tóm lại, lối vẽ đồ họa của toà nhà không có gì là đặc sắc, thú vị cả, nhưng nhà sạch sẽ, ngăn nắp và yên tĩnh.
Khi tôi đến, có hai người đàn ông thuê phòng trên lầu. Một người có lẽ là văn sĩ vì đêm đêm tôi nghe có tiếng máy chữ gõ lóc cóc. Hắn còn trẻ, trạc độ ngoài ba mươi, đôi mắt sáng quắc, nét mặt khắc khổ, lầm lì, ít nói. Hắn ở căn phòng đối diện với phòng tôi và cũng có một cửa thông ra ngoài ban-công. Hoặc là hắn ở trong phòng, hoặc là hắn đi ra ngoài. Tôi ít gặp hắn đứng ngoài ban-công. Một người đàn ông khác thuê phòng ở phía trong có dáng dấp một dân chạy áp-phe, nhưng cặp kính cận thị của hắn lại làm cho hắn có vẻ một nhà trí thức mô phạm. Hắn trạc độ bốn mươi. Dưới nhà có một gia đình thuê hai phòng một lúc gồm hai vợ chồng và năm đứa con tuổi từ hai đến chín, với một chị người làm. Bọn nhỏ có nước da sạm đi vì nắng và gió biển. Bà dì tôi ở một căn phòng dưới nhà. Bà bảo tôi:
"Bọn nhỏ, có chúng cũng vui, nhưng nhiều khi chúng làm ồn quá, nhất là mấy đứa con trai. Chẳng các cậu ra đây sung sức mà!"
Một căn phòng trên lầu và căn phòng dưới nhà bỏ trống.
Mỗi sáng tôi thức dậy khi nghe tiếng gõ mõ tụng kinh của bà dì; và khi tiếng chim bắt đầu ríu rít trên những ngọn ổi, cành mãng cầu ngoài vườn, tiếng gõ mõ tụng kinh dứt và trời vừa sáng bên ngoài. Những tia nắng đầu tiên trong ngày chiếu xiên xiên trên vạn vật, xuyên qua những kẽ cây, chùm lá. Tôi nhận thấy tia nắng sớm ở thành phố thường đối với tôi đã trong lành, đã có mãnh lực kích thích nhiệt tâm của một tâm hồn đam mê nhưng cũng nhiều mệt mỏi như tôi; nhưng ở đây, nắng sớm còn trong lành hơn nữa, song ngược lại tôi cảm thấy tâm hồn êm ả, thoải mái. Tôi thấy thèm đi xuống bãi, thèm đi tung tăng, thèm nghe tiếng sóng và nhìn những khuôn mặt người ta xuống bãi buổi sớm, như khi ở thành phố, mỗi buổi sáng, tôi thích đi ra đường, nhìn sinh hoạt phố phường chưa nhuốm mỏi mệt của một ngày vất vả, oi nồng, và tôi thích ngồi ở một quán cà-phê đối diện với một con đường lớn với những cửa tiệm trang hoàng theo lối mới nằm dưới một dãy nhà còn nguyên những chiếc cửa sổ những bức tường cổ, và đối diện với một con đường nhỏ với những cửa hàng bán đồ tiểu công nghệ còn khép kín cửa. Những lúc tôi rời tiệm cà-phê đi làm việc cũng là lúc mà những cửa tiệm đối diện bên kia bắt đầu sinh hoạt như một cô gái đài các sống bằng thứ lợi tức sẵn có của gia đình. Tôi yêu những buổi sáng vì vậy.
Tôi thường trở dậy khi bà dì dứt tiếng mõ cầu kinh ở dưới nhà. Đôi khi tôi nằm lại trên giường nhìn lớp sương mù còn vương vất trong cảm giác thấm lạnh ở ngọn núi bên kia khung cửa sổ. Tôi nghĩ đến Kha. Lúc này chàng đang làm gì và ở đâu. Tôi tẩn mẩn tự hỏi làm cách nào để mình biết được Kha cũng đang nghĩ đến tôi. Có lẽ Kha đã lên đường. Tôi nhớ Kha và bằng lòng với nỗi nhớ ấy. Tôi thầm nói với Kha: Anh không phải là người đầu tiên nhưng hẳn anh phải là người cuối cùng với tất cả những gì còn nguyên vẹn. Bởi vì tình chúng ta, trước khi lên đến tột đỉnh, đã kịp hóa thành mây giăng giăng trong không gian đời em…
Tôi khép mắt lại, tưởng như có một nụ hôn nào đó đang đậu xuống môi, xuống mắt, xuống thân thể, xuống tâm hồn mình.
Dì tôi vừa khuấy bột với trứng gà vừa hỏi, không nhìn tôi:
"Năm nay mày bao nhiêu rồi?"
"Hai mươi sáu".
"Vậy mà chưa lấy chồng còn đợi gì? Bây giờ con gái có công ăn việc làm như chúng mày, thường lấy chồng trễ. Có phải vì chúng mày thấy là có thể tự nuôi sống lấy thân nên không cần nhờ người đàn ông không?"
Rồi không đợi tôi trả lời, bà tiếp ngay:
"Mà nói cho cùng, bọn con trai bị gọi đi lính, cố lấy vào, chờ đợi cũng tội lắm. Chồng đi đánh trận về, nguyên lành là phúc bảy mươi đời; chết, thì cũng còn tàm tạm, sau một thời gian nguôi ngoai, còn tái giá được; chứ mà nó dẫn xác về thiếu cái chân hay cái tay hay đui chột, mới là khổ. Bỏ thì thương, vương thì tội. Ấy là chưa kể cảnh thằng chồng nằm đó, hay kiếm tiền không bằng vợ con, rồi sinh cảnh chàng tự ái, mới là thảm".
Tôi ngồi chống tay xem bà làm bánh, nghe bà nói, không khỏi bật cười và nghe chua xót thế nào. Dì tôi nói tiếp:
"Mà làm đàn bà không lấy chồng cũng không xong! Khổ vậy".
Tôi nghếch mắt lên nhìn bà dì, hỏi, giọng nghịch ngợm:
"Thế dì cho là làm đàn bà thì buộc phải lấy chồng sao?"
"Chứ sao nữa! Chứ mày muốn cái gì? Sống để làm bà cô à? Bây giờ cô còn trẻ, còn nhan sắc, cô thấy chưa cần. Nhưng rồi đến một tuổi nào đó rồi cô sẽ thấy không chịu được, cho mà xem. Cứ thử đi, rồi sẽ thấy! Khi người chồng trước của dì mất tích, dì tưởng có thể sống chờ chồng được. Dạo ấy dì mới hai mươi lăm tuổi. Bằng mày bây giờ. Một năm, hai năm, rồi năm năm… Mày không thể tưởng tượng được sự chờ đợi nó ghê sợ như thế nào, nó dài dặc, nó khắc khoải như thế nào... Rồi xảy ra vụ di cư. Mãi áp ngày tiếp thu Hải Phòng, dì mới lên đường vào Nam, nhưng cũng cố nhắn những bạn bè bà con ở lại, là nếu gặp lại chú mày thì nhắn lại giùm dì vẫn đợi, vẫn mong và dì hy vọng năm 1956 sẽ có tổng tuyển cử, cũng như dì vẫn hy vọng chú mày còn sống. Rồi 1956 qua. Dì tuyệt vọng hoàn toàn…
Dì tôi bỏ lửng câu chuyện, đi vào bếp xem xét lại lò than. Một lúc sau bà trở ra chỗ tôi ngồi.
Tôi nói, mắt nhìn xuống những vỏ trứng vỡ bỏ rải rác trên bàn:
"Đôi khi cháu tiếc không được làm con của dì".
"Gia đình mày bây giờ ra sao? Mày ra đây rồi bố mẹ mày nói sao?"
"Vầy vậy. Thực ra, bây giờ, cháu muốn nói từ hai năm trở lại đây, cháu ít bị chi phối bởi những chuyện xảy ra trong nhà. Cháu đi làm, đem tiền về giúp mẹ cháu chút đỉnh, nhất là để bà thỉnh thoảng có tiền gửi riêng cho các em cháu đi lính ở xa vốn bị bố cháu ghét bỏ. Cháu đi thế này, cháu chỉ bảo với mẹ cháu là cháu đi công tác ít bữa. Bố cháu cũng chẳng nói được gì bây giờ. Gia đình cháu thế nào, thì dì biết đấy. Bố mẹ cháu vẫn không ăn ý, từ hồi nào đến giờ, nhưng vẫn gắng sống với nhau. Đôi lúc cháu muốn đi thuê một căn phòng sống một mình cho đỡ mệt đầu, nhưng vì nghĩ đến mẹ cháu bây giờ đã già lại bệnh tật… Suy nghĩ về cuộc hôn nhân của bố mẹ cháu, nên cháu vẫn do dự trong việc lấy chồng vì vậy. Cháu có cảm tưởng ngày trước và ngay cả bây giờ, người ta vẫn quan niệm hôn nhân như một cái gì tự nhiên, có tính cách bản năng nhiều. Nhưng cháu, cháu cho là cần phải có một sự giáo dục về hôn nhân, để cho những đứa con về sau này không cảm thấy chúng nó là kẻ lạ trong chính gia đình mình. Đâu phải cứ yêu nhau là phải lấy nhau, phải sống với nhau… Tại sao thường những người yêu nhau lại muốn lấy nhau? Chỉ vì họ muốn giữ nhau làm của riêng – đó là một thứ ảo tưởng về quyền tư hữu".
"Mày phức tạp quá! Nghĩ lắm chỉ tổ khổ. Rồi đến khi "người ta lấy hết chổng mông mà gào" đấy, con ạ".
Tôi phá lên cười. Và tôi thầm nhủ tôi có đang tự biện minh về trường hợp Kha và tôi không?
Dì tôi đột nhiên hỏi:
"Mày yêu ai chưa? Nói thử tao nghe cái coi".
Tôi đáp lửng lờ:
"Thì cũng yêu đương lăng nhăng vậy thôi, chẳng có gì đáng kể cả…"
Tôi bỏ lửng câu nói, nhưng tôi chợt ngồi thừ ra, hơi mỉm cười. Dì tôi nhìn tôi, giọng hóm hỉnh:
"Mày đang yêu ai phải không?"
"Sao dì tinh quá vậy? Nhưng chẳng đi đến đâu cả".
"Tại sao? Thằng đó ra sao? Nó làm gì? Năm nay bao nhiêu tuổi".
"Dì hỏi lý lịch người ta làm gì mà kỹ vậy? Cháu đã bảo là chẳng đi đến đâu cả, dì biết làm gì".
"Nhưng ít ra mày cũng phải cho tao biết tại sao chúng mày không định lấy nhau? Chẳng lẽ yêu nhau để chơi vậy thôi sao?"
"Thực ra chưa có gì gọi là rõ ràng giữa chúng cháu cả, cháu yêu người ta, người ta yêu cháu, nhưng chưa đứa nào nói với đứa nào về điều đó cả. Hắn sắp nhập ngũ, hắn muốn sống thật nhiều trước khi bó mình vào khuôn khổ gia đình. Còn cháu, cháu cũng còn nhiều ham hố, thích đi đây đó và sống với tuổi trẻ của mình một cách đầy đủ, trọn vẹn. Tóm lại, cháu cảm thấy mình chưa muốn hy sinh cuộc sống tự do hiện tại. Cháu vẫn nghĩ, vẫn phân biệt giữa tình yêu và hôn nhân. Tình yêu phải là cái gì do con tim mình cảm được. Còn hôn nhân đòi hỏi sự suy nghĩ cân nhắc. Nếu căn bản hôn nhân đặt trên tình yêu, cháu e tình yêu sẽ có ngày bị mòn mỏi vì những bất đồng, những tật xấu mà khi yêu người ta không nhìn thấy được. Cháu ít chịu đựng được trước những điều đó – chẳng thà mình nhìn thấy trước tất cả, mình dự liệu tất cả… Khốn nỗi khi yêu, cháu chỉ nhìn thấy cái hay cái đẹp cái lý tưởng, do đó cháu sợ…"
Bà dì tôi thở dài rất nhẹ, nói:
"Tụi trẻ chúng mày bây giờ phức tạp quá, bày đặt quá. Yêu nhau, nhằm có thể lấy nhau được thì cứ lấy. Mày biết là ngày xưa vì yêu và nhất định lấy chú mày, mà tao bị ông bà ngoại từ đấy. Ai cân nhắc kỹ bằng ông bà ngày xưa khi gả mẹ mày cho bố mày. Bây giờ mày thấy cái hậu quả ra sao rồi chứ?"
"Dì hiểu nhầm chữ "cân nhắc" của cháu. Ngày xưa, mẹ cháu lấy bố cháu là do quyết định của ông bà, không cần biết bố mẹ cháu có hợp với nhau không, có thông cảm được với nhau không, có giúp đỡ được gì cho nhau không, v.v. và nhất là có sự cảm phục quý trọng dành cho nhau không? Nhưng bây giờ chúng cháu có quyền chọn lựa và hoàn toàn chịu trách nhiệm về hạnh phúc của mình. Cháu vẫn yêu, nhưng không muốn bị tình yêu làm mất sự sáng suốt… Đành rằng khi yêu ai không muốn được sống chung với người yêu. Nhưng cứ nghĩ đến lúc tình yêu bị mòn mỏi với tháng năm sống chung, cháu sờ sợ thế nào. Ấy là chưa kể trong tình yêu còn có thể có sự hủy diệt lẫn nhau, bằng cách này hay cách khác…"
"Mày nói cái gì tao không hiểu. Mày nói có vẻ kinh nghiệm, từng trải lắm, làm như mày chưa yêu lần nào và chỉ đọc trong sách không à!"
Tôi bật cười. Tôi muốn nói một câu gì ngược lại với câu nói của bà dì, nhưng tôi kìm hãm lại được. Tại sao tôi cứ cố giải thích? Thật kỳ cục. Sự bình tĩnh quá đáng thường che đậy một sự xáo trộn khủng khiếp của nội tâm. Tôi quá nhiều kiêu hãnh để dám nói thẳng điều đó với bất cứ ai.
"Miền biển, ngày 10-4
Anh,
Thế là em chịu thua với chính em rồi đó. Hơn một lần đối diện với anh, em muốn hỏi anh câu: "Liệu em có thể đem lại hạnh phúc cho anh?", nhưng em không đủ can đảm, vì lẽ mệnh đề trước chưa được anh nói ra, em đâu có quyền gì nói tới mệnh đề sau? Chúng mình vẫn cứ bàn quanh những chuyện thời cuộc, sinh hoạt xung quanh, về những người bạn của chung cả hai đứa, như hai người bạn - hẳn nhiên là em cũng thích như vậy và em vẫn tin là chỉ có tình bạn là vững bền - nhưng làm sao tránh được niềm chua xót sau khi giã từ anh ra về. Em còn nhớ lần cuối cùng gặp anh tại nhà anh, em đã hỏi anh nghĩ gì về hôn nhân. Anh bảo chưa nghĩ gì cả, đợi sống một thời gian trong quân đội đã rồi về tính. Như một người chỉ huy một đoàn quân cố gắng đánh chiếm một cái đồn địch, áp dụng chiến thuật này rồi chiến thuật kia, nhưng đến khi vào đến trong đồn mới hay là đồn bỏ hoang. Viên chỉ huy này quả là tồi, thế mà cứ tưởng mình ghê gớm lắm! Tự nhiên, em liên tưởng tới hai nhân vật trong phim "Été et Fumée" và câu ví von của nàng Alma về hai kẻ cùng đến thăm nhau một lúc và không ai gặp ai ở nhà. Kết cục của cuốn phim làm em xót xa cho chúng mình. Tại sao vậy anh? Ba năm quen biết với anh, cảm phục anh, quý mến rồi yêu anh, cái tình yêu đứt quãng và ray rứt. Đôi khi thấy mình thật vô lý, thật ngớ ngẩn. Và em lý luận, phân tích để có dịp dứt khoát với lòng mình… Em biết anh yêu em. Nhưng vì nhiều lý do, anh không muốn bộc lộ. Còn em, với bản chất đam mê và chỉ nghĩ đến chiếm đoạt, dù trong một khoảng thời gian nào đó, cái ngôi vị của một kẻ được sủng ái. Em đã từng hành động như vậy; nhưng lần này với anh, em sợ. Em quá trọng anh, do đó bắt buộc phải tự trọng. Và có lẽ em bắt đầu thấy mình sắp sửa không còn có thể yêu một cách thơ mộng như thời gian trước đây nữa chăng, nên em sợ, sợ sẽ làm đổ vỡ một mối tình mà em vẫn cho là đẹp là thơ mộng như mối tình đầu của em cách đây bảy, tám năm, với một gã con trai mang những đặc tính khá giống anh bây giờ…"
Hắn có lối nói chuyện hay bỏ lửng câu, như người vẽ những hình trên cát, trước khi hoàn tất, đã vội xoá bỏ. Nhiều lần hắn tiếp tục nói trong cổ họng, tôi không nghe rõ gì hết. Hắn có vẻ mặt nặng nề của pho tượng Triết nhân của điêu khắc gia Rodin.
"Nghe đâu bà ta điên vì đã làm cho một người điên vì bà ấy…"
Tôi đang rũ rũ mớ tóc ướt và bết vì muối biển, chợt ngừng tay lại:
"Thế nghĩa là làm sao?"
"Theo lời những người biết chuyện kể lại thì bà ta hối hận nên hóa điên. Tôi thì tôi nghĩ khác…"
Hắn rút trong túi ra bao thuốc lá gần xẹp lép, cong queo, moi ra một điếu thuốc vuốt nhẹ giữa những ngón tay dài, rồi quẹt lửa châm hút. Tôi chờ cho hắn tiếp tục câu chuyện, nhưng hắn im lặng hút thuốc.
"Thế theo ông thì tại sao bà ta điên?"
"Tại bà ta yêu người con trai đã điên vì bà ta. Anh ta vốn là một thầy tu xuất".
Lối nói chuyện của hắn như vậy, từng câu từng câu đứt khúc. Có lẽ người đối thoại mà thôi không hỏi nữa, hắn cũng sẽ im luôn.
"Tại sao lại tu xuất?"
"Chắc tại một lý do nào đó, nhưng dường như hắn mang cái bệnh ghê tởm đàn bà. Do một cái ấn tượng nào đó từ độ mới lớn. Hắn xin đi tu, rồi xuất. Hắn dường như chỉ đọc sách suốt ngày. Khi đến đây nghỉ mát, bà ta là một thiếu nữ có học, đã sống và biết đời nhiều. Hai người gặp nhau, nói chuyện xem ra hợp lắm. Dường như họ yêu nhau bằng tình yêu nặng tinh thần. Nhưng người con gái thích có một mối tình trọn vẹn hơn, gồm cả thể xác lẫn tinh thần, hay cũng có thể nàng muốn chấm dứt cái lối yêu đương theo kiểu tinh thần lắm ray rứt này, nên nàng đòi hỏi. Nàng hy vọng nàng sẽ chấm dứt được nỗi ray rứt sau khi gần gã con trai. Sau khi trao đổi cái hôn đầu với nàng, gã con trai bỗng kinh hoàng. Hắn bỏ đi biệt. Cái ấn tượng khủng khiếp thuở mới bước vào tuổi dậy thì trở lại với hắn. Hắn hóa điên. Còn nàng, nàng hối hận, rồi lẫn trong niềm hối hận đó, nàng thấy nàng yêu gã con trai thật. Bị dằn vặt, nàng hóa điên luôn".
Hắn nói như đang kể câu chuyện của chính mình. Hắn có vẻ say sưa. Hắn ngừng nói, búng điếu thuốc ra xa. Đột nhiên, giữa sự im lặng, hắn cười lớn rồi hỏi tôi:
"Có tin như vậy không?"
Rồi không đợi trả lời, hắn tiếp:
"Tôi bịa ra đấy".
Tôi không đáp. Tôi hơi bực mình vì lối nói chuyện ngắt quãng và cái vẻ khinh thường ở hắn. Hắn tưởng hắn là văn sĩ rồi cứ việc tự cho phép mình làm ra vẻ khinh bạc chắc. Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, hắn nói giọng nhỏ nhẹ gần như tâm sự:
"Tôi không phải là văn sĩ đâu. Tiếng máy chữ mà cô nghe lóc cóc ban đêm là tiếng máy chữ thu băng đó mà. Hẳn là cô phải phân biệt được tiếng máy chữ thật với tiếng máy chữ thu băng chứ? Nó chỉ có ý nghĩa như tiếng gõ mõ của bà cụ chủ nhà mỗi sáng sớm thôi, ấy mà. Tôi dùng tiếng máy chữ để tự ru ngủ đấy. Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi làm thư ký đánh máy cho một hãng buôn. Tiền lương không đủ nuôi tôi nên mẹ tôi lãnh đồ người ta đặt đánh máy về đánh ban đêm ở nhà. Lúc đó tôi mới bốn, năm tuổi, chỉ muốn mẹ lên giường nằm cùng với mình và kể chuyện cho nghe. Mẹ tôi dỗ tôi bằng câu chuyện thế này: "Ngày xửa ngày xưa có một cô bé chỉ ham nhảy múa, chẳng chịu học hành. Một hôm, một bà tiên hiện ra cho cô bé một đôi guốc gỗ thật đẹp, thật xinh. Cô bé đi guốc vào rồi tự nhiên guốc dính chặt vào chân và đôi guốc nhảy lung tung bắt buộc cô bé phải nhảy theo. Con có biết cô bé nhảy thế nào không? Cô bé nhảy như thế này này…". Và mẹ tôi ngồi vào bàn đánh máy sau khi bảo tôi nhắm mắt lại. Từ đó, quen lệ, tôi thường ngủ thiếp giữa tiếng máy chữ gõ lóc cóc lóc cóc. Đến khi bảy, tám tuổi, thỉnh thoảng tôi còn bắt mẹ tôi kể lại chuyện đó cho nghe. Đến một lúc nào đó tôi không biết và có biết chắc cũng chẳng nhớ, tôi cần tiếng máy chữ để ru mình ngủ và cũng để tưởng nhớ đến mẹ tôi nữa. Nhà nghèo, mẹ phải làm việc khuya không có thời giờ hát ru con ngủ… Tôi sinh ra không có cha".
Hắn im lặng. Mắt nhìn ra mặt biển. Tôi thấy hắn có vẻ bất thường. Chợt ngạo mạn. Chợt thành thật. Chợt say sưa. Chợt phẫn nộ.
Tôi nhớ chính mình đã làm quen với hắn vào một buổi tối, trời có trăng, tôi đang nằm trên bãi dưới gốc dương, và hắn từ dưới biển đi lên. Hắn không nhận ra tôi. Nhưng tôi, tôi nhận ra hắn liền.
Thấy tôi, hắn định bỏ đi chỗ khác. Tự nhiên tôi muốn có một người để trò chuyện. Bởi trăng đẹp quá. Và sóng nhấp nhô như có nạm bạc. Tôi lên tiếng:
"Ông cũng thích trăng ở biển sao?"
Hắn dừng lại, ngỡ ngàng nhìn tôi. Hắn có vẻ đơn độc và lại tỏ vẻ khó chịu khi có người quấy phá sự đơn độc của mình. Cũng có thể hắn không nhận ra tôi. Tôi tiếp:
"Trăng đẹp quá. Tôi không thể nằm trong phòng. Tôi sợ bỏ phí một đêm trăng. Chắc đêm nay ông sẽ cảm thấy thêm hứng thú để làm việc?"
Chúng tôi đi dạo với nhau và trao đổi những mẩu đối thoại rời rạc, nhưng cả hắn lẫn tôi cùng không cảm thấy sự dè dặt.
"Thì ra cô ở căn phòng sát bên phòng tôi? Chắc cô cũng ra đây nghỉ?"
"Như vậy, ông cũng ra đây nghỉ vậy thôi?"
"Tôi không biết phải nói sao. Cứ tạm cho là như vậy đi".
Hắn nói, giọng ngần ngừ. Dường như hắn không muốn nói khác điều hắn cảm nghĩ, nhưng hắn lại không muốn giải thích dài dòng về những điều riêng tư mà chỉ mình hắn cảm được. Tôi để ý trong lối nói chuyện của hắn, hắn hay dùng câu: "Cứ tạm cho là như vậy đi". Tôi thấy câu đó ngồ ngộ. Một cách chấp nhận những xét đoán của người khác, mà thực sự không chấp nhận gì cả: Muốn sao cũng được, nhưng tôi vẫn giữ lập trường của tôi.
"Tôi thấy ông ít khi ở trong phòng…"
"Tôi đi câu, hoặc xuống xóm chài quan sát sinh hoạt của người dân ở đó. Có nhiều cái thú vị. Và tội nghiệp nữa…"
"Chẳng bao giờ tôi thấy ông đem cá câu được về?"
"Tôi câu chơi vậy thôi. Được toàn cá nhỏ. Ai xin thì cho. Trăng sáng thế này cô phải tắm mới cạnh tranh được trọn vẹn cái thú ở biển vào một đêm trăng. Phải thấy được những mảng trăng trôi bồng bềnh xung quanh mình…"
Những mảng trăng trôi bồng bềnh xung quanh mình. Hắn có một giọng nói ấm cúng như người kể chuyện thần thoại. Dường như ở hắn cũng có một cái gì thần thoại nữa… Những mảng trăng trôi bồng bềnh xung quanh mình…
"Thành phố giữa mùa mưa, ngày 23-7
Anh,
Thế cũng xong. Em viết lá thư cuối cùng này cho anh, để rồi không bao giờ viết nữa.
Bây giờ em cảm thấy mình đủ, dù với một chút xót xa.
Ngày mai, em sẽ lên đường với chồng ra miền biển nơi em đã đến sống với hình ảnh anh, ngủ với hình ảnh anh và cũng là nơi em đã gặp Tuân. Sau những chuyện đổi trao, em nhận thấy Tuân là người cô độc và chân thật. Câu chuyện cố nhiên không phải giản dị có vậy. Em thấy không cần thiết phải kể với anh nhiều vì chỉ làm bận anh thêm. Khi Tuân ngỏ ý hỏi em làm vợ, em đã xin anh ấy một thời gian để suy nghĩ và cân nhắc. Tuân thông cảm em hầu như trên mọi lĩnh vực. Và nhất là dù hơn em đến gần mười tuổi, nhưng Tuân cần em, đôi khi nhu cầu đó bộc lộ một cách thái quá khiến em có cảm tưởng như mình là một người mẹ. Người đàn bà thường lẩm cẩm như vậy, nhất là người đàn bà ở em. Em sung sướng vì cảm thấy mình là một cần thiết đối với một người. Ít ra là như vậy. Trong khi đó em và Tuân vẫn có thể cùng nhau bàn về những loại vấn đề mà em vẫn bàn với anh. Và Tuân cũng đã từng giúp em những lúc tinh thần em căng thẳng, xuống dốc. Em mang ơn Tuân.
Bây giờ thì em hiểu. Anh và em quá độc lập, đối với nhau. Tinh thần anh vững vàng quá, hay cũng có thể đó là dưới cái nhìn của em. Em bất thường song lại tự ái trước sự vững vàng của anh, nên cũng đóng bộ mặt độc lập với anh. Biết đâu, ngược lại, anh cũng cảm thấy thế? Và chúng ta cứ mãi cách biệt nhau. Em biết anh yêu em chứ. Bạn bè nói lại với em như vậy. Và linh tính đàn bà bảo với em như vậy.
Nhưng thà như vậy còn hơn. Bởi vì em sợ một cuộc sống chung trong đó hai người cùng giữ miếng với nhau, không phải vì cố tình như vậy, mà vì hoàn cảnh, vì mặc cảm, vì không đủ can đảm nói lên, nói thật.
Không, hôn nhân không thể như vậy được. Nó sẽ trở thành một thứ địa ngục. Nó sẽ chôn sống tình yêu. Nó sẽ làm chúng ta hủy diệt lẫn nhau. Nó sẽ chứa trong nó sự thất bại mà bố mẹ đã lãnh và để bọn anh chị em em chịu mọi hậu quả.
Sống với Tuân, yêu quý và cảm phục Tuân, giúp đỡ và đem lại cho Tuân những gì mà em có thể đem lại được; nhưng em vẫn nghĩ về anh như người tình cuối cùng. Tình đó sẽ chẳng thể nhạt phai, mà chỉ có thể lắng xuống. Và em không cảm thấy em đã phản bội một ai, trong hai người, anh và Tuân.
Hôn anh nụ hôn đầu tiên và cuối cùng,
Em."