I love falling asleep to the sound of rain

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 633 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hiều mùa hè. Nóng bức. Mệt bã sau một ngày làm việc, về đến nhà, hắn vứt huỵch cái túi "đi làm" vào góc giường, nằm vật xuống, thiếp đi lúc nào không biết. Tiếng động cơ, mùi khói ống xả của cái ô tô chở rác đang đỗ trước cửa xông vào nhà và tiếng léo xéo của mấy chị công nhân môi trường đang ca thán về nỗi giá cả sao lại lên nhanh thế, làm hắn tỉnh dậy. Đầu óc ong ong như có cả đàn muỗi đang bay lượn bên trong hộp sọ. ừ, thảo nào ! Giờ thì hắn đã hiểu vì sao còn đến gần chục hôm nữa mới đến ngày lĩnh lương mà sáng nay vợ hắn đã phàn nàn hết tiền đi chợ. Hắn thở dài, thấu hiểu nỗi khổ của vợ bởi, nhân một lần vợ hắn đi công tác xa hơn nửa tháng, hắn đã hiểu thế nào là tiêu tiền, thế nào là quán xuyến một gia đình. Trăm thứ đều trông vào một cái hộp xinh xinh vợ hắn vẫn để trong cái tủ áo xập xệ, không khoá bao giờ. Tiền chợ, tiền học phí, tiền học thêm cho các con, tiền điện, tiền nước, tiền an ninh, tiền chống bão lụt, tiền "lá rách đùm lá rách hơn", tiền công đức... tất tật các kiểu. Đấy là chưa kể những lúc gặp hoạn nạn, bệnh tật không hẹn mà đến hoặc họ mạc, khách khứa, bè bạn xa gần, nhớ nhau thì gặp gỡ, thăm hỏi thân mến, hồn nhiên vui vẻ.
Thấy nguy thì phải tránh, thấy hết thì phải kiếm, có bệnh thì phải chữa, thấy người gặp khó thì phải đỡ, làm người thì phải có bạn... Đạo lý vốn là như vậy.
Hắn buồn rầu, thở dài não cả ruột. Kiếm thêm cái nghề gì mà làm thêm ngoài giờ thì hắn lại không biết. Hắn không đủ độ tinh nhạy thực tế, không có phẩm chất láu cá trong các quan hệ xã hội. Nhưng hắn cũng không ngu đến nỗi không biết cách nói năng trí trá, không biết cách kiếm tiền trong môi trường làm việc của mình bởi hắn có mắt, hắn có tai, đầu óc cũng thuộc loại trung bình. Vậy hắn quan sát, hắn nghe các đồng nghiệp của mình, hắn phân tích và cũng nắm được một số "bài" kiếm chác cơ bản. Ví dụ: Dùng ngay các quy định của nhà nước để xoay, để hãm tốc độ của những việc, những công trình mà các cơ quan cấp dưới đang cần phải khẩn trương hoàn thành, hoặc các công việc đó đang ách tắc, cần được khai thông, mặc dù những cái sơ suất nho nhỏ trong thủ tục của họ hoàn toàn có thể châm chước được, và người giải quyết không thể bị bắt bẻ là sai nguyên tắc. Bí dị lâu ngày, công việc bê trễ, công quỹ thiệt hại, công nhân thiếu việc, có khả năng bị cấp trên khiển trách và đánh giá tệ hại về năng lực, thế là người ta đành phải kiếm cái "bì thơ", nhắm mắt dúi liều vào cái địa chỉ mà chỉ có thằng ngớ ngẩn mới không biết, đặng cho công việc được chạy. Còn để hợp pháp hoá số tiền đã tham gia vào cái dòng "văn hoá bì thơ" này thì "thủ trưởng đã có cách !". Kiểm toán là cái đinh gỉ ! Hòn đất đặt lên ca bin ô tô còn biết nói năng, huống hồ lại là những tiến sỹ đời mới - ra lò trong khoảng cuối thế kỷ trước đầu thế kỷ này - được đặt vào ghế quản lý của các cơ quan nhà nước !
Nhưng cái tạng của hắn lại không thể thật giả lập lờ, ỡm ờ đùa dai, đổi trắng thay đen, nói cười xí xoá. Vả, thêm nữa, chết ở chỗ là hắn lại cứ hay nghĩ đến cái danh dự của dòng họ nhà hắn nên dù biết rất rõ, rõ lắm, hắn cũng không thể tự quán triệt mà triển khai cho được. Tạng nào, phận ấy. Nghèo là phải, là rất đáng kiếp, là hợp nhẽ đời !
Hắn lừ đừ đứng dậy, trút bộ quần áo đi làm vào chiếc chậu nhựa to tướng để trong buồng tắm, rồi uể oải đi vào bếp lấy gạo ra vo. Sao hôm nay bà xã về muộn thế nhỉ, mà cả hai đứa con nữa ! Vừa nghĩ đến đấy thì hắn nghe có tiếng xao xác, tiếng cười của ba mẹ con từ ngoài cửa vọng vào.
- Bố ơi ! Nhà mình có thiếp mời đám cưới !
Con bé con tay xách cặp, tay cầm chiếc phong bì màu hồng hua lên theo nhịp chân sáo, vừa chạy vào bếp vừa loan báo cái tin... - ít nhất, tại thời điểm ấy, đối với hắn - như một tia sét đánh ngang... tiền để mua cá chuyển sang "đàm cười". Hắn chẳng nói gì, người như muốn rũ hẳn xuống.
- Cưới thằng bé thứ hai con nhà bác Xuân đấy mình ạ. - Vợ hắn bước theo vào, đặt mớ rau mồng tơi lên bệ nấu - Không biết bây giờ thay đổi thế nào, chứ... thằng bé ấy ngày xưa là ngoan nhất khu tập thể đấy ! Mình ạ, các bác ấy là người sống có tình, nhất định phải đi mà mừng cho thằng bé !
- Thật sao? - Thoắt cái, bao nhiêu cái sự não nề trong người hắn không hiểu biến đi đâu hết - Đưa thiếp cho tôi xem nào. Trời ơi, hay quá ! Mình nói đúng. Hai bác ấy quý người lắm, ngày còn ở cùng khu tập thể công ty ngoài Đông Triều, Quảng Ninh, mình cũng biết còn gì.
- Vâng, em quên sao được. Người đâu mà tốt thế, lại được cả vợ lẫn chồng !
- Nhưng mà... - Bất giác, hắn nhìn mớ rau mồng tơi đang nằm chỏng trơ trên bệ nấu, ngập ngừng.
- Em hiểu rồi ! - vợ hắn nhìn hắn, mỉm cười thương cảm - Đừng lo, chốc nữa em sang giật tạm cô Linh. Cô ấy bảo khi nào bí, chị cứ sang em; hàng xóm với nhau, chuyện nhỏ. Sắp đến kỳ lương rồi, mình lại trả ngay; tháng sau, bớt ăn bớt tiêu đi một chút, lo gì !
Hắn mừng quýnh, mặc dầu trong bụng vẫn còn lấn cấn, ái ngại cho vợ cho con. Thế là hắn sắp được gặp lại vợ chồng bác Xuân, hắn sắp được thăm lại cơ quan cũ và gặp lại những người quen ngày xưa. Không hiểu sao, độ này có tuổi, đầu óc hắn lại đâm ra lẩn thẩn; hay nhớ lại, hay nghĩ về những người thân thiết, quen biết, những nơi hắn đã từng sống từ hồi còn trai trẻ và rất mong có dịp được gặp lại, thăm lại.
Thời bây giờ sướng hơn thời còn chế độ bao cấp thật; hắn chỉ cần đứng bên đường, phẩy nhẹ tay là đã có xe dừng lại, đón rước nhã nhặn. Ngồi êm ái trên chiếc xe chất lượng cao, có điều hoà không khí, có khăn mặt ướp lạnh, đầu óc hắn như dãn ra, tâm hồn trở lại bình ổn, thư thái.
Khi xe chạy qua khu nhà máy điện Phả Lại, hắn không thể xác định được chính xác đâu là cái thị trấn bé nhỏ nhưng khá sầm uất ngày xưa nữa. Nơi mà từ ngày hắn còn chưa lấy vợ, mỗi lần có dịp đạp xe đi công tác qua, không bao giờ hắn quên mò vào cái quán phở gà phía đầu dốc bến phà, đánh liền một lúc hai bát. Sao lại phải ăn tới hai bát? Có gì đâu, không giống với mậu dịch quốc doanh vốn nghiêm túc và công bằng, cái giống tư thương ấy chỉ thích bán cho được nhiều hàng, nên đối với bát thứ hai bao giờ cũng được nhà chủ trình diễn rất hậu hĩnh, cả chất lẫn lượng.
Đã đến địa phận thị trấn Đông Triều, xe chạy chậm lại. Tuy thay đổi đã nhiều, nhưng về cơ bản, hắn vẫn nhận ra khoảng đất xưa kia là khu Chợ Cột nổi tiếng với món rươi tươi rói, với những quả na dai núc nỉu nây tròn và ít hạt đến kinh ngạc; Cái cửa hàng ăn uống mậu dịch toạ lạc ở ngay ngã tư thị trấn, có bán thứ phở lợn mà miếng thịt bao giờ cũng có đủ cả bì, mỡ, nạc và phía trên có rắc mấy nhánh húng, nhánh răm để nguyên lá, nguyên cuộng; hoà vị tuy là không được nền nã lắm, tựa như một gia đình lúc nào cũng ông chẳng bà chuộc nhưng lại không thể sống rời nhau ra lấy một ngày. Tâm tính cái nhà bác Xuân này cũng vậy - hắn nghĩ - lúc nào cũng ồn ào, tuế toá, thô thô, thậm chí nếu là người không quen tính còn có thể thấy khó chịu, nhưng bác cứ làm như bác nghĩ, rất tận tình và chu đáo với bất cứ ai, thậm chí cả với những người lạ hoắc.
Xe chạy qua khu bệnh viện huyện. Hắn nhớ lại, ngày ấy, hầu hết những người trong cơ quan bị ốm đau, bệnh tật, phải đi cấp cứu, đều do một tay bác ấy đưa đi. Đến nỗi, sau đấy, người ta quen đi, hễ có chuyện đau ốm, cấp cứu, tang hiếu là đều gọi đến bác. Bình thường, với những người có tuổi xấp xỉ hoặc có khi hơn hắn đến dăm tuổi, hắn vẫn gọi là anh, thậm chí còn xuồng xã cậu cậu tớ tớ; nhưng đối với trường hợp bác Xuân, hắn lại không thể như thế được. Không phải vì hắn sợ. Bác ấy hiền mà tốt như thế, lại chẳng phải là giám đốc giám điếc gì, có làm gì hắn mà hắn sợ ! Chẳng qua đấy là sự kính trọng, là tình yêu quý tự nhiên phát tác ra tự đáy lòng người ta mà thôi.
Đã gần trưa. Xuống xe, hắn lục tìm tấm thiếp trong túi áo để xem lại địa chỉ phòng cưới. Thị trấn có nhiều thay đổi, nhưng hắn cũng chẳng phải hỏi thăm nhiều. Bước vào sảnh chính của toà khách sạn có vẽ những ngôi sao xếp thành hàng ngang, hắn nhận ra tấm biển dán giấy đỏ thông tin về đám cưới. Vậy là chính xác rồi. Hắn bèn nhập vào toán người ăn vận tươm tất đang vui vẻ đi vào phòng tiệc.
- Ối, thằng "Lùn" ! - Một tiếng reo vui vẻ vút lên.
Một anh chàng từ phía trong chạy à ra, ôm chầm lấy hắn mà quay, mà lắc. Thằng "Sếu" ! Thằng bạn nhẹ nhõm, ham vui, ở cùng phòng tập thể năm xưa với hắn. Thế rồi anh chàng "Sếu" kéo hắn lại phía những người đang đứng hai bên cửa ra vào. Thì ra toàn người quen cả. Sau khi hỏi thăm đại cương về nhau, hắn bảo: "Thôi, ta vào ngồi một bàn đi, nói chuyện cho sướng !". "Không được đâu, mấy thằng này lãnh nhiệm vụ đón khách, gặp nhau sau". Đám người quen cũ tạm chia tay, hắn và "Sếu" kéo nhau vào trong. Nhìn sâu vào góc trong, từ chỗ ngồi, hắn nhận ra vợ chồng bác Xuân đang đi lần lượt các bàn để cảm ơn thực khách. "Lùn" và "Sếu" hồ hởi hỏi han về tình hình gia đình, về công việc của nhau.
- Mấy thằng đấy bây giờ đều là trưởng hoặc phó phòng cả đấy - "Sếu" khoe.
- Còn mày?
- Vẫn "pình phường", một chủ tịch công đoàn có thâm niên cao !
- Công ty mình bây giờ chu đáo thật, các đám cưới đều được cấp phòng đích thân đứng ra tiếp khách cho ! - Tôi trầm trồ.
- Không hẳn đâu, lần này là đám cưới con của "Sếp"...
- Thế ra bác Xuân bây giờ...
- Là giám đốc công ty. Mày ở xa, không biết là phải.
- Chúng mày vẫn sang nhà bác ấy bù khú, quấy rầy bác gái đấy chứ?
-... Cũng ít thôi... độ này, ai cũng bận cả. Với lại, cũng phải giữ thể diện cho bác ấy chứ.
Vừa lúc ấy, vợ chồng bác Xuân tiến lại phía bàn hắn. Mọi người rào rào ẩy ghế, nhất loạt đứng dậy, nâng cốc chúc mừng. Có bao nhiêu cái vui, cáo háo hức, hắn vận hết cả lên mặt, lên nụ cười, để tỏ tình nồng ấm với hai bác, những người hắn vẫn hằng kính trọng và yêu mến, đã lâu mới gặp lại. Đáp lại cái tình cảm náo nức, cháy bỏng của hắn là nụ cười thời "công nghệ" của bác gái và cái bắt tay lờ vờ, nhũn nhẽo của bác trai. Rồi họ tiếp tục đi sang bàn khác. Hắn cảm thấy bứt rứt, không yên, bèn chạy theo, níu bác trai lại: "Em là "Lùn" đây, bác không nhận ra em sao?". Bác gật đầu, như cố xoá một cảm giác bực bội vừa mới nhu nhú manh nha: "Có !" - cái tiếng "có" ấy bay ra, như tiếng xì ở van một chiếc xăm xe đạp đã gần hết hơi - "Cảm ơn, cậu vẫn khoẻ chứ? Thôi, về bàn uống với mọi người đi !". Bác gật đầu, đường bệ quay đi, rồi rảo bước đuổi kịp bác gái.
Như một kẻ ngoài nắng bất ngờ lạc bước vào buồng đông lạnh, lại vốn không có phẩm chất của những kẻ lừa đảo bẩm sinh, tâm tư thế nào, đều bày hết lên nét mặt, hắn, tay vẫn cầm chiếc cốc, lõng thõng bước trở lại bàn tiệc.
- Lâu quá rồi không được bù khú, tao với mày ra ngoài kiếm chỗ nào uống với nhau. OK? - "Sếu" ghé vào tai hắn, thì thầm.
Hai gã vào một quán bia phía cuối thị trấn. Cảnh vật ở đấy tràn đầy chất thơ. Ngồi tại bàn có thể ngắm những bông sen đang độ hé cánh, hồng ngát, toả hương mang mang trên mặt nước hồ trong vắt; cây cối tốt tươi quanh bờ cùng những chiếc búp nõn lóng lánh, xoà bóng xuống sát mặt hồ. ở đấy, hắn được hít thở thoải mái bầu không khí không gợn chút bụi trần đương đại; Trong lành đến mức bất cứ người ở thành phố lớn nào đến, dù trong lòng đang có điều phiền muộn, buồn bã đều thấy tự nhiên sạch bong, không còn chút gì gợn bận.
- Té ra mày vẫn là một thằng trẻ con, người ta là sếp, trách nhiệm lớn, phải lo nghĩ nhiều, còn đâu sức mà để tâm đến những cái vụn vặt. Thôi, thông cảm đi ! Rồi, đến lúc nào đó, mày làm sếp, cũng thế thôi. Nào, trước hết, trăm phần trăm cái đã !
- Thế sao?! - Hắn cầm cốc lên, vẫn chưa hết ngạc nhiên.
- Chứ gì ! - "Sếu" phẩy tay, nhăn mặt chán nản vì cái chứng chậm hiểu của bạn - Đơn cử một việc viết thiếp mời cho cái đám cưới này này, làm sao ông ấy có thì giờ, tỷ mẩn mà làm nổi? Vậy là việc này phải giao cho Chủ tịch công đoàn. OK ! Tao mới phân làm hai loại, loại trong công ty giao lại cho bọn kế toán tài vụ, cứ chiếu theo sổ lương mà nã, không trật đi đâu hết; loại đã về hưu hoặc đã chuyển công tác đi nơi khác, tao khắc đích thân làm. Tất nhiên, người đầu tiên tao nghĩ tới phải là mày. Hai thằng ở cùng phòng với nhau có đến hơn năm năm chứ ít à? Hồi ấy, lắm lúc nhìn cái mặt của mày cũng thấy bực mình bỏ mẹ, nhưng xa rồi lại nhớ... Nhìn gì tao, mày cũng thế thôi, khác đếch gì !
À, ra thế ! Hắn há hốc mồm, đờ đẫn, ngây thộn. Thì ra là do cái thằng "giời đánh" này nó gửi thiếp cho mình. Cảm ơn mày ! - Hắn thầm nghĩ và cảm thấy đỉnh Yên Tử trước mắt như rùng rùng, chao nhẹ, như muốn rời ra làm mấy mảnh.
- Cảm ơn mày !
Hắn vươn tay qua bàn. "Sếu" cũng đưa tay ra đáp lại. Cả hai nắm tay nhau hồi lâu, rất chặt. Hắn thì hiểu tại sao hắn lại có cử chỉ ấy, còn "Sếu" thì chỉ làm động tác ấy như một cái máy, vậy thôi. Hắn mở túi, lấy ra những món quà nhỏ định bụng biếu mấy người bạn:
- Quà của mày đây... ngần ngừ cái gì... của một đồng, công một nén của tao đấy ! Mày thông cảm, tao có việc phải về ngay. Lần sau nhất định sẽ ở lại qua đêm với chúng mày. Nếu có dịp công tác qua chỗ tao, nhất định phải vào đấy !
"Sếu" nói thế nào cũng không được, thậm chí phải dùng đến món võ "sửng cồ" cũng không được. Rồi mặc cho bạn làu bàu, mặt đầy bất mãn, hắn nhất quyết leo lên xe, trở về với những người thân yêu của mình.
Gần bảy giờ, mùa hè ngày dài, trời chưa tối hẳn, hắn đẩy cửa bước vào nhà.
- A, bố về ! - Đứa lớn reo lên và chạy vào bếp lấy thêm bát đũa cho bố.
- Có quà cho con không bố ơi? - Con bé con sốt sắng, nũng nịu. May mà "Sếu" cũng kịp mua cho hắn một túi na dai.
- Hai bác ấy có khoẻ không? Có vui không mình?
- Khoẻ... vui ! - Hắn trả lời nhát gừng, vẻ như muốn đi vào buồng.
- Ăn đi một ít rồi hãy đi nằm, mình !
Nhìn mâm cơm của những người hắn yêu quý nhất chỉ có nhõn bát rau muống xào và đĩa cà muối, hắn thấy buồn, thấy xót xa đến muốn bật khóc.
- Tôi vẫn chưa đói, mình với các con cứ ăn đi. Xong rồi ăn na. Na Đông Triều của chú "Sếu" gửi cho đấy !
Rồi hắn lặng lẽ đi vào buồng, khép nhẹ cánh cửa lại, nằm vật xuống giường và cảm thấy thảng thốt như vừa bị người ta lấy đi, một cái gì đấy, bình thường nhưng rất quý, không quan trọng nhưng rất hệ trọng. Hồi lâu, hắn buột miệng, rầu rĩ thốt lên:
- Phật ơi, sao lại thế?!
Phật Ơi Sao Lại Thế Phật Ơi Sao Lại Thế - Nghiêm Lương Thành