They say love is blind…and marriage is an institution. Well, I’m not ready for an institution for the blind just yet.

Mae West

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1257 / 15
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hưa bao giờ tôi nghĩ có ngày tôi đến Ấn Độ. Đất nước Ấn Độ, với tôi trong ý nghĩ, vừa xa lại vừa gần.
Bởi từ thuở bé, tôi đã được phiêu lưu theo Tây du ký qua những chốn lạ lùng với thầy trò Đường Tăng. Bởi vì, bây giờ ở Tân Đêli, ở Bombay hay Canquita, gặp chúng tôi đến từ Việt Nam, người Ấn Độ đọc câu thơ: Tên tôi, tên anh là Việt Nam...
Và trong tôi Ấn Độ còn nguyên những mơ màng, chiêm bao xám mờ của tuổi thơ tôi ở trong làng.
Các làng vùng Bưởi, người tứ chiếng đến ngụ cư cũng nhiều. Người Đại Từ lên xóm Vạc làng Yên Thái bờ sông Tô Lịch làm nghề nấu dó đã mấy đời. Các chị thợ xeo giấy quê dưới Nam. Trai tráng Quần Anh, Quần Tín ở Thái Bình lên làm thợ thâm nhuộm lĩnh lụa. Đến mùa rét, các nhà đào ao, đắp tường, từng bọn thợ đấu trên Phùng kéo xuống trọ rồi đi rao hỏi việc khắp các ngõ.
Lại có những người tận đâu đâu, không bao giờ chúng tôi có thể tưởng tượng ra nơi xa xôi ấy, cũng đến sinh cơ lập nghiệp. Có người nước Nhật làm hiệu buôn trong thành phố về lấy vợ làng Đoài Môn. Có ông Ấn Độ chuyên chăn dê. Ông ấy lấy vợ làng Bái. Làng Yên Thái, làng Đông, làng Hồ, có người Tàu đến ở lâu từ bao đời, ai cũng coi như người Nam Định, Thái Bình lên. Có một người Tàu đến ở gần đây nhất một ông quan ba Tàu. Năm 1945, Tàu Tưởng được làm Đồng minh thắng trận, sang đóng quân ở trường đạo La Coóc Đe trên Quần Ngựa, lo việc tước khí giới quân đội Nhật. Ông quan Tàu này hay xuống dốc Bái chơi nhà thổ nhà mụ Tíu.
Đến khi quân Tàu rút về, ông ở lại. Ông lấy cô nhà thổ. Hai vợ chồng sinh sống bằng nghề quảy nước thuê cho các tàu xeo giấy, về sau đi đâu không biết.
Những người lạ ấy đều nói giọng vùng tôi. Những đứa trẻ Nhật hay Ấn Độ, hay Tàu nói tiếng Bưởi hệt giọng hơn cả tôi.
Các nhà Tàu bán thuốc bắc, giết thịt lợn, mở hiệu cao lâu, bán kẹo, làm thợ dọi vàng lá trang kim. Con trai cũng được “vào làng", đóng tiền đi việc làng, đi khiêng giúp đòn đám ma rồi ăn cỗ, cũng đánh trống đi rước những ngày đình đám.
Nhưng tôi biết hơn cả, là nhà ông Tây đen - Ông Carata Sinh. Điều đó tự nhiên với tôi, vì nhà ông ấy có lũ con trạc tuổi tôi cùng đi học trường làng Yên Thái.
Mấy hôm nay các bạn nhà văn Ấn Độ đưa tôi đi chơi đền Ta Mahan ở tỉnh Agra. Một di tích đẹp vùng Trung Ấn. Quả tình, tôi thấy cũng không có gì lạ. Tôi mơ hồ trong những nghĩ ngợi lông bông. Không phải vì không có gì quyến rũ lòng ham hiểu biết, thưởng thức, say mê nghệ thuật. Ở trong đền có một ngôi mộ hoàng hậu Munta Mahan. Cái đau xót của ông vua có vợ chết đã biến thành công trình xây dựng và điêu khắc dày công tốn của như thế vậy - nỗi buồn của vua chúa cũng khác người ta.
Tôi đương đi qua một vùng đồng bằng mênh mông trời xanh xanh thẳm. Người ta bảo tất cả những con đất nhô ra biển đều có quang cảnh và tính nết tương tự, mặc dầu, so với thân hình cả nước ý đằm vào Địa Trung Hải thì cái doi đất Ấn Độ bao la gấp bao nhiêu lần, nhưng Ấn Độ cũng như thế hai bên là đại dương, giữa bao phủ ngày đêm một trời thiên thanh. Hàng năm chỉ có vài ba cơn mưa, đôi khi mùa hạ đem đến những đám mây đen tụ lại chốc lát, nhả nước xuống rồi tan ngay, trời đất trở lại màu xanh nhởn nhơ quanh năm.
Trong những ngày đêm Ấn Độ hồi ấy, tôi đi dưới khoảng trời lúc nào cũng xanh. Vòm trời nhờ nhờ, đấy là màu xanh ban đêm, màu xanh thẫm trời, rồi tiếp đến đất nước lại xanh xanh suốt ngày không lúc nào khác.
Những cánh đồng ngô, những cánh đồng cà tím liên tiếp dọc đường. Không giống những quãng đồng ruộng bé nhỏ quê tôi, ở đây cánh đồng dằng dặc xào xạc vàng nhợt, những bãi cà tím bao la quanh những tảng đá ngồi chơ vơ như những núi nham thạch sao băng rơi. Đường xuống phía nam lại bổ dọc qua những cánh đồng trơ trọi bãi ngô vừa bẻ.
Từng đàn lạc đà tải hàng, đi dài. Người cưỡi lạc đà chỉ hở hai con mắt nhấp nhô sau cái vấu vai con vật, đầu quấn khăn trắng giữa nắng sa mạc.
Sông Hằng xa xa mặt nước lẫn bờ cát vàng. Vài chỗ cạn, có một đàn trâu đen, sừng cong tròn. Lặng lẽ đứng uống nước trông ra dòng nước nắng ánh lên đỏ choé. Đằng kia, làng xóm lơ thơ những túp nhà lợp lá mía trắng nhờ trong làn bụi mịt mù. Con đường đất xuyên bờ bãi vào tới cái giếng có thành cao tròn đầu làng, người đứng xúm xít. Đã lâu không mưa, chiếc lá xanh cũng đổi màu bạc. Người làm đồng, váy áo trắng quấn bụi bên cạnh những con la lắc lư, ngất ngưởng.
Nắng thế mà những người đàn bà đi làm vẫn thướt tha bộ cánh vải áo loả toả, toả trắng, toả hồng, toả vàng.
Ở những thị trấn ven đường có những người làm trò quỉ thuật, người làm xiếc, con người dông dài trong thiên nhiên, như thiên nhiên. Người ấy, tay cầm cái beng beng bằng đồng, gõ từng tiếng một, thong thả bước ra, mấy con khỉ lon ton đi trước ông chủ. Ở ngực mỗi chú đeo một cái trống tý tẹo. Cẳng chân khỉ nhỏ như cái que, bước đều tăm tắp, như giả, như thật. Chốc chốc, con khỉ giơ hai tay vỗ mặt trống, ngoảnh bên phải, ngoảnh bên trái, câng câng, vênh váo.
Những người đạo sĩ làm quỉ thuật, người làm việc đi dong trong những đêm Tân Đêli xanh biếc, sôi nổi bập bùng tiếng trống cơm. Các góc phố, các ngã năm, ngã sáu, ở thị trấn nào cũng có những đám hát, - đám xẩm chợ, như ở ta.
Người xem sáng đêm vẫn đông như nêm cối. Điệu múa Tala Mala, thần nước xanh, thần lửa đỏ quấn lấy nhau, đẹp kỳ diệu. Tưởng như đời sống tinh thần của các dân tộc ở Ấn Độ đã trải những nền văn hoá lâu đời như từng thời kỳ của tuổi trái đất.
Đền Ta Mahan trong bóng tường thành uy nghiêm cất lên nền trời xanh, đẹp nhất toà tháp tròn nóc đá trắng cao lơ lửng như vầng trăng mọc ban ngày trên sông Giua, một nhánh sông Hằng. Cái nóc nhà lạ lùng, cái thang gác toàn đá trắng đá đỏ ở lối xuống hầm mộ bà hoàng hậu, tuyệt vời tinh hoa kiến trúc của văn hoá Ấn Hồi.
Tôi tha thẩn ra chỗ lan can đá góc sân đền hạ nhìn xuống sông. Con đường mùa cạn, sông đọng từng vũng nước tròn. Trẻ con vầy nước, tiếng cười the thé chen tiếng đập vải, vỗ vải từ mặt nước vang lên. Từng đàn trâu sừng cong cuốn như cái loa kèn in hình đen kịt mặt cát trắng, lùi lũi nối nhau lội qua sông.
Ở bờ tường đá giáp lưng tôi, cũng có người ngồi. Một ông già, ông đạo sĩ già trong làng ra chơi quỉ thuật. Có lẽ thế. Từ nãy, ông già duỗi thẳng hai chân, yên như cái yên lặng ở đấy.
Tôi chỉ thấy nhờ nhờ râu tóc và con mắt loáng sáng ngước lên rồi lại thăm thẳm đi đâu. Con mắt ấy đã khiến tôi chú ý đến ông. Phải thế không, hay là bởi một hồi tưởng xa xôi nào.
Ông già từ từ đứng dậy. Trước mặt ông, một con gấu đứng đấy tự bao giờ. Con gấu đen, lưng kẻ một vạch lông trắng lủa tủa như bờm ngựa, cao hơn hẳn người, như cây dừa che bóng tàu lá trên ông già. Mõm nó rúc trong chiếc rọ con, cái rọ mỏng mảnh đóng vào mõm gấu cốt làm phép cho khách lạ khỏi hãi thôi, chứ đấy là con gấu ở với ông. Chắc người sai bảo nó đã quá quen. Ông đứng lên thì con gấu bước ra ngoài, dưới lưng ngay trước mặt. Hai mắt gấu thây lẩy như hai giọt nước mắt trong vắt sắp rơi xuống đám lông ngực đen xám.
Một tay gấu cầm chiếc côn gỗ thông, đầu buộc cái chuông nhỏ. Gấu bắt đầu lắc nhạc reo leng keng... leng keng... nhè nhẹ, và từ lúc ấy, luôn tay rung như thế.
Ông già ra đứng với con gấu như hai bố con cùng khúm núm chào khách rồi nhấc cái bị trên vai xuống. Chiếc bị bằng vải xám nhạt, như bao bưu kiện của người công nhân mỗi sáng khuân ra các xe thư.
Trông màu bao tải, tôi nhớ tôi đã trông thấy cái bao tải như thế này. Không phải mới trông thấy thường mấy hôm nay ở dọc đường, mà ngày trước ông già Carata Sinh ở làng tôi cũng có chiếc bao tải giống thế. Trí nhớ khó hiểu của người ta nhiều khi đinh ninh, mặc dầu sự thực cũng lắm lúc chẳng phải. Nhưng lúc này, cái nhớ như thế, làm cho tôi có cảm tưởng bàn tay xám xù xì của ông già ở Ta Mahan này tôi đã được thấy, tôi biết từ lâu rồi.
Chiếc bao tải màu xám nhạt đeo trên vai ông già Carata Sinh ngày ấy ở vùng Bưởi. Chặp tối, từ trên thành phố về nhà, ông bỏ bao xuống, trong cái bao xam xám lăn lóc ra, có khi là quả cà tím đem bán còn ế lại, có khi là mẩu bánh - không phải những chiếc bánh, mà những mẩu bánh, mẩu đầu đuôi chiếc bánh mì. Lúc nãy, trên đường đi làm về qua Cửa Bắc, ông Carata Sinh đã mua của những người gánh đồ thầu cơm cho lính Tây đem ra dọc đường Cửa Đông bày bán những thùng thức ăn thừa - người bấy giờ gọi là đồ Tây quăng. Ông Carata Sinh đã mua những mẩu bánh vụn như thế. Ông buông cái bị xuống đầu nhà. Lũ trẻ trong nhà, những thằng Caranan Sinh, cái Háccô, thằng Uđà Sinh chạy đến, bao giờ cũng hồi hộp và nhộn nhạo hẳn lên.
Bây giờ, ông già làm xiếc đặt chiếc túi xám xuống. Tất nhiên, chẳng khi nào việc đời hơn ba mươi năm trước lại trở lại đúng là quả cà tím của ông Carata Sinh đổ ra. Cái túi của ông già vừa buông, ngoằng ra một đàn rắn.
Những con cạp nong, cạp nia khúc vàng khúc trắng, con rắn da mờ như da rắn ráo, vừa bò vừa vươn lên, bạnh mang tròn đầu như quả vả, nghe ngóng đánh hơi. Những con rắn đương tìm nghe tiếng nhạc. Người thả rắn thế này, tôi cũng thường trông thấy ở dọc đường các thành phố Ấn Độ. Người ta cầm ống sáo thổi. Con rắn ngó ngó như đuổi bắt những tiếng réo rắt. Lúc ấy, một nhà du lịch nào đó đến chụp ảnh với đàn rắn vừa nghe nhạc và múa. Khách đã thấy rõ những con rắn chỉ là những thính giả hiền lành đương say nhạc. Khách đứng vào giữa đám rắn, bấm ảnh rồi trả công cho người đã cho thuê cái phông lý thú như thế. Cảnh ấy làm kỷ niệm, ở đâu khác, người xem ảnh còn lý thú hơn nhiều những bức ảnh người chụp với gấu gỗ, hổ gỗ, cá sấu nhồi cỏ thường thấy bày ở vườn hoa các thành phố châu Âu công nghiệp không có hổ, gấu và cá sấu.
Ông già có chiếc túi xám đựng rắn giống cái túi của ông Carata Sinh làng tôi ngày trước. Khi tôi còn bé, tôi thấy trẻ con đi chăn trâu mùa lạnh hay tìm các hang đất bắt những con rắn ráo ngủ tránh rét trong đấy rồi đem quấn rắn lẳn vào trong cổ áo, bảo có khăn quàng rắn vào cổ thế thì ấm, khỏi ho. Chẳng biết ông Carata Sinh và trẻ con nhà ông có chơi rắn như thế không, ngày ấy tôi không chú ý như vậy.
Tôi bước đến gần ông già cửa đền Ta Mahan. Tôi giơ tay muốn nói xin ông bắt lại những con rắn vào bao tải. Không khó khăn gì, ông già buông cái sáo xuống, tiếng nhạc o o vừa im, những con rắn lẳng lặng ngoằng vào cái tải - đã thành lệ thế. Và thế là quang cảnh xung quanh không còn rung động như lúc có tiếng chuông khe khẽ như tiếng nước reo trên đầu cái côn của con gấu và những con rắn đương nghe tiếng sáo.
Ông hộ pháp gấu từ nãy cầm dựng cái côn, lại lùi ra đứng tựa vào tường đá.
Tôi đến ngồi cạnh ông già. Trời nắng dịu - một ngày cuối thu như ở ta. Nắng vàng nhoè trên mặt sông gió cuốn, trong cánh đồng cát bay có những người xách cào đi làm đồng về qua đấy, các bà già giặt vải ở dưới sông, lũ trẻ chơi bên bờ nước cũng đã lên đây, cả những người gác dền cũng tụ lại trong chỗ nhiều bóng nắng. Người nằm trong nắng và trong cỏ như mình ngồi quạt máy, cái thú của người ta ở đây. Ông già làm xiếc cũng ngả mình xuống bãi cỏ đầu kê lên cái tải xám. Những con rắn nằm xếp khúc bên trong, im như những nõn gối bông thật.
Tôi bồi hồi mỉm cười, tôi gọi ông già. Tôi gọi bằng tên người mà tôi nhớ.
- Ông Carata Sinh ơi?
Ông già nhìn tôi, hai mắt mở to dưới hàng lông mày rậm bạc nhờ nhệch, khác vẻ lim dim suy nghĩ lúc nãy. Rồi ông nhại lại những tiếng tôi vừa gọi:
- Carata Sing...
Anh bạn nhà văn người Băng gan cùng đi, bảo tôi:
- Cụ ấy nói tên người. Carata Sing... Sing...
Tôi lại gọi:
- Háccô ơi?
Ông già đáp, như nhắc tôi gọi cho đúng hơn:
- Hara Co?
Tôi kể cho bạn nghe chuyện ngày trước, ở làng tôi. Bóng nắng vàng bờ sông, như từ nhánh sông Hằng ngoài xa kia kìa, cát cũng vàng lẫn nắng.
Làng tôi, ba bốn mươi năm trước ở ven thành phố, nhưng không có vẻ phường phố. Nhiều người cả đời không ra Kẻ Chợ bao giờ. Chúng tôi thèm Kẻ Chợ đến nỗi hay bắt con bọ ngựa, cầm gáy bọ ngựa lên hỏi: "Bọ ngựa? Bọ ngựa? Kẻ Chợ đằng nào?" Chiếc gươm con bọ ngựa bươi bươi phía nào thì trẻ con lại cười ngẩn ngơ, bảo nhau: "Kẻ Chợ đằng ấy? Kẻ Chợ đằng ấy?”. Thỉnh thoảng mới nghe tiếng chuông xe đạp kính coong trên đường Thành xuống dốc chợ. Có khi là tiếng chuông xe đạp của ông Carata Sinh - không biết xe của ông hay của sở Tây cho mượn. Trẻ con lóc nhóc chạy theo, kêu toáng lên: "Ma tà! Ma tà bắt gà bỏ túi!". Ông ấy nhảy xuống xe, quay lại. Thế là lũ trẻ sợ, biến vào những bụi dứa dại dưới chân đê.
Tôi không được biết ông ấy đến vùng tôi từ bao giờ.
Nhưng tôi biết tên ông không phải là Ma tà, tên ông là Carata Sinh. Công phu lắm mới biết được? Phải xem trộm cái khai sinh của thằng Uđà Sinh. Ngày trước, trẻ con hay giấu không cho đứa nào biết khai sinh, sợ đến lúc chửi nhau thì nó réo tên bố mẹ mình. Nhưng tôi không cãi nhau với Uđà Sinh bao giờ và cũng không mách tên bố nó cho đứa khác biết.
Nhà ông ấy ở vườn Bàng, cái bãi hoang cạnh đồn Bưởi.
Ông lấy vợ làng Bái. Cả hai chị em cô Gáo đều là vợ ông, bà cả bà hai. Ai mối lái nên cuộc nhân duyên lạ lùng ấy, tôi chỉ trạc tuổi với Uđà Sinh, đứa con bé nhất trong nhà, tôi không thể biết.
Anh lớn, anh Caranan Sinh đã thôi học, ra vẻ người lớn rồi. Một hôm tôi thấy Caranan Sinh không cởi trần như mọi khi. Đầu anh quấn khăn vố to bằng cái vành rế, thường gọi là khăn quấn thừng. Như bố. Cũng như bố, hai con mắt dưới lằn khăn vố càng sâu hoắm. Anh để râu quai nón. Chỉ khác, bộ râu anh chưa ngả màu vàng như râu bố. Anh mặc sơ mi lụa mỡ gà, anh hay đi đâu, thường đến chiều, khi chúng tôi tan học mới về.
Chúng tôi túm anh lại, hỏi:
- Anh Nan ơi anh Nan, anh đi đâu về thế?
Anh quắc mắt, trịnh trọng nói:
- Tao đi làm, tao đi làm mà chúng mày không biết à?
Bây giờ tôi mới để ý anh Carnan Sinh đi đôi giày da gan gà của bố, bước cốp cốp. Mỗi ngày gặp, trông mặt anh càng tối xuộm, vì râu ria cứ xồm xoàm ra. Caranan Sinh đã chạy được chân chăn dê ở Ngã Tư Sở. Anh ấy đi giày tây, chít khăn và để râu dài cho ra vẻ người lớn. Có thế người ta mới mượn làm và chúng tôi còn đoán: anh phải để râu vậy, đàn dê mới sợ, và trẻ con cũng sợ, không dám đến nghịch.
Cái Hác Cô học cùng lớp với tôi. Bàn tôi ngồi dài độ hai sải chân, có sáu đứa, đến năm đứa là con gái. Cái Lộ ở làng Cả, cái Trung trên Quán La... Có mình tôi là con trai ngồi cuối bàn, áp tường, lép vế quá. Chen chúc một cái bàn như thế, bọn con gái tai ác cứ bắt nạt tôi, lúc nào chúng cũng ngồi xoe quần lên tận bẹn. Tôi sợ chúng nó, sợ cả cái Hác Cô.
Tưởng cái Hác Cô có thể đấm tôi, tát tôi, dù nó không dành tôi bao giờ. Nhưng lúc nào tôi cũng sợ.
Trông mặt mũi cái Hác Cô khác lạ và dữ lắm. Nó không giống mẹ - có lẽ nó giống đàn bà ở đất nước bố nó. Đẫy đà, da đen mờ, hai mắt sâu, to, cứ ngơ ngơ, mới thoạt tưởng thờ ơ, kỳ tình nó đương nhìn lạ lùng đến ngẩn ngơ ra thì có. Ôi, đôi mắt, đôi mắt thăm thẳm của cái Hác Cô, không, đôi mắt ấy không ác với tôi đâu Có khi nghe tiếng người ta nói, chỉ mới nghe cũng làm cho mình được an ủi, tin ngay. Đôi mắt ấy cũng như thế. Lúc ấy mới vào lớp, cả lớp còn lố nhố đứng đợi thầy giáo Thịnh gõ cái thước cho phép ngồi, mới được ngồi xuống.
Cái Hác Cô quay sang, thì thào hỏi lại tôi:
- Mày bảo cái gì?
Tôi lại nói, khổ sở, khe khẽ:
- Cho tao để nhờ vào lưng...
Thế là nó hiểu. Nó vẫn ngồi tự nhiên, nói:
- Được rồi.
Giọng nói và đôi mắt nó thật dịu. Không phải tôi có cảm tưởng vậy, vì nó hứa làm ơn cho tôi. Thế nào hôm nay tôi cũng bị gọi đọc bài. Tôi đã nhiều lần nghiệm cứ y như xem bói thấy thế, khi mình không học bài thì lại hay bị thầy giáo gọi đọc bài.
Tôi sẽ phải đứng lên, khoanh tay lại, đọc thuộc lòng một bài cách trí. Hác Cô sẽ cho tôi đặt quyển vở lên cái lưng bè bè của nó. Nó giả vờ ngồi hơi cúi để quyển vở khỏi đổ. Tôi có thể đọc bài cách trí bằng cách hếch một mắt lên để thầy biết mình đương đọc thuộc lòng, còn một mắt cúp xuống quyển vở mở trên lưng áo cái Hác Cô.
Nhiều lần nó đã cho tôi nhờ, dù nó biết nếu làm ơn này bị lộ, thầy giáo sẽ phạt quỳ nó, có thể phạt lây cả bàn phải quỳ lên ghế suốt buổi đến sưng đầu gối. Nhưng những đứa ngồi cùng bàn cũng không đứa nào cản trở hay mách thầy. Bọn con gái hay bắt nạt tôi, nhưng hình như thầy giáo càng ác, học trò sợ khiếp lên, càng hay tìm cách ngấm ngầm giúp nhau và đấy cũng là cách chống trả. Thế đấy, tôi vẫn nhớ những chuyện nhỏ bé, nhạt nhẽo như thế về cái Hác Cô.
Thằng Uđà Sinh, em cái Hác Cô ngồi bàn sau tôi. Chỉ bàn trên bàn dưới, đã ra hai lớp khác nhau. Có nghĩa là Uđà Sinh mới chỉ học lớp "a b c dắt dê..." thôi. Nhưng tôi chơi với nó. Chỉ vì tôi ham tìm tổ chim chích choè trong bụi tre, bắt dế, nhổ trộm củ cà rốt. Những việc tinh nghịch ấy chúng tôi mả lắm.
Chẳng mấy đứa bè bạn với chị em nhà nó. Không biết có phải trông người ngợm chúng nó đen đủi, xa lạ thế nào ấy.
Chỉ một việc nghĩ đến chỗ nhà chúng nó ở, bọn trẻ con đã lo lắng lắm rồi. Nhà nó ở bãi hoang vườn Bàng, cả người lớn cũng chăng ai có việc qua đấy. Không biết ai đã bảo cho chúng tôi biết vườn Bàng - chẳng có cây bàng nào - ngày xưa khi Tây mới sang, Tây đem người ra đấy chém nhiều lắm. Nghe nói bây giờ đào còn xương người, có khi chỉ thấy cái đầu lâu.
Làm sao chúng tôi dám bén mảng đến chỗ ghê gớm thế, dù cho có tò mò thế nào. Cứ nghĩ mà đã rợn, khi thấy chị em cái Hác Cô đi học, lại nhớ đêm qua chúng nó đã ở trong cái vườn Bàng có ma hiện ra cả đêm. Cũng may, những ý nghĩ kinh hãi chỉ thấp thoáng từng lúc. Rồi cả những cuộc chơi mê mải của tuổi ấy làm cho nỗi sợ vẩn vơ lúc đậm, lúc mờ đi.
Một hôm, Uđà Sinh rủ tôi:
- Nhà tao có cái này cơ. Sang mà xem...
- Xem cái gì?
Nó cười, ràng trắng, ghé tai:
- Nhà tao mới có con khỉ. Đừng bảo đứa nào. Chỉ một mình mày thôi.
Làm như đứa nào cũng thích đến chơi nhà nó! Nhưng mà nhà nó có con khỉ. Con khỉ à? Thế lại chuyện khác. Thế thì lạ quá ở chợ, hàng thuốc ê và người làm xiếc, hay dắt con khỉ.
Con khỉ quái quỷ lắm. Trông thấy trẻ con, khỉ kêu khẹc khẹc như chửi nhau, rồi quay lại, giơ mông, gãi đít. Tuy thế, trẻ con không tức nó, mà lại reo lên. Thế mà ở nhà thằng Uđà Sinh bây giờ có một con khỉ.
Tôi không đừng được sự cám dỗ đến nỗi quên cả sợ. Một hôm, tôi theo Uđà Sinh về nhà nó. Nhà ai trong làng cũng đôi bên hàng xóm khin khít, nhà này nằm trống chếnh giữa khu vườn. Một túp hai gian lúp xúp. Những luống cà tím, luống già vừa hái, luống mới gieo, luống đương bỡi, lá tốt um chạm mái tranh. Bố nó đã đem giống cà này từ bên nước Ấn Độ sang. Người ta theo hình thù, màu sắc của nó, đặt tên là quả cà dái dê, quả cà tím. Có người còn kể lần đầu, mẹ nó quẩy cà ra chợ bán chẳng ma nào mó đến. Nhưng rồi thấy ăn bổi như cà ghém, mà lại rẻ. Ở chợ, dù có ôi đến đâu mà rẻ cũng bán hết. Mùa sau, đã có người trồng rau bên Đồng Vân đến nhà Uđà Sinh mua hạt giống. Rồi năm sau, khối người gánh cà dái dê ra chợ Bưởi.
Cái Hác Cô quảy đôi thùng tre ghép, chiếc gáo dừa thọc xuống một đầu thùng. Nó trân trân nhìn tôi, rồi lại đi ra ao lấy nước tưới. Không bao giờ cái Hác Cô nói hay chào hỏi tôi, trừ phi hôm nào tôi để nhờ quyển vở vào lưng nó, nó chỉ hơi gật đầu, hay lý nhí “được rồi” mà thôi.
Ờ con khỉ kia kìa. Con khỉ con, xinh như chú mèo tý tẹo được buộc vào sợi xích nhôm trắng bên cái cột chống phên cửa. Tôi ngồi ngoài sân cũng xem được. Con khỉ tung tăng mải miết đi quanh cái cột. Con khỉ gặm quả cà dái dê. Hai tay khỉ bưng quả cà, nhấp nháy mắt, nhai gau gáu. Cái vai xo lên, như ông già lụ khụ, lọm khọm.
Một lát, tôi đưa mắt nhìn quanh. Vào buổi trưa, thường mẹ nó, dì nó và chị nó ra chợ bán cà. Thế là hôm nay mẹ nó ở ngoài chợ, chị nó phải tưới vườn. Còn bố nó và anh nó, đã đi làm, chặp tối mới về.
Tôi lé mắt vào khe liếp. Nhà nó có nhiều thứ cũng như mọi nhà trong làng. Cái chum nước, cái chõng, vại cà muối, chiếc thừng chăng đầu hè vắt bề bộn xống áo. Tôi bỗng nhìn thấy bố nó lù lù tựa lưng vào cái chõng tre. Bố nó ngồi trông ra ngoài sân. Bởi vì, gian nhà tối, râu ria ông mờ mịt và ông ngồi chìm vào bóng gian nhà vang tiếng muỗi reo o o. Những sọt cà tím đặt khắp mặt đất, cả trên chõng. Ông duỗi thẳng hai chân, đầu ngả vào sọt cà. Ông ngồi nghiêm trang trong bóng tối trông ra sân thế để làm gì vậy?
Tôi sợ toát người. Tôi không ngờ có bố nó ở nhà. Một lần trên dốc chợ ông ấy đương cúi đầu, rù rù đạp xe, tôi vào hùa với bọn trẻ con gào to: "Ma tà! Ma Tà... Ma tà bắt gà bỏ túi...".
Rồi tôi chạy xuống nấp sau bụi dứa. Bây giờ ông ấy nhớ ra tôi thì có mà ông chôn sống tôi.
Tôi ngồi ơ mặt. Sợ quá cũng không dám đứng. Chỉ rón rén rụt chân lại. Con khỉ vẫn nhai tóp tóp. Lại mới thêm trò giơ tay gãi đầu. Nhưng tôi chẳng còn bụng dạ nào ngồi xem khỉ như lúc nãy. Tôi lom khom thu mình đứng dậy.
Uđà Sinh biết ý. Nó nhìn vào trong nhà, rồi bảo tôi:
- Không sợ, đừng sợ, mày ạ.
Giọng nó có vẻ buồn buồn. Nó lo tôi chuồn về.
Tôi ngơ ngác:
- Không, không...
Uđà Sinh cười, nói:
- Thầy tao đang ngủ đấy. Thầy tao đi làm thức cả đêm, đến sáng mới về. Cứ ngồi làm một giấc thế, đến chiều u tao về chợ mới thức. Tao nói to, cũng chẳng nghe tiếng nữa là. Cứ ở đây, không sợ, đừng sợ.
Rồi Uđà Sinh lại kể cho tôi nghe tại sao bố nó hay ngồi ngủ.
Ông Carata Sinh ngồi ngủ như thế trong đêm, đã quen.
Ông làm nghề gác đêm ở khu sân quần vợt của Tây trong thành phố. Suốt đêm, ông cầm gậy song đi canh xung quanh hàng chấn song sắt. Đi vài tua rồi đến ngồi cạnh bức tường có đèn điện treo trên đầu. Ông ngồi, chiếc ba toong dựng tường, chân duỗi thẳng, cái chăn dạ đỏ Nam Định ủ đầu gối, cái ấm giỏ quấn giẻ trong để tích nước chè mạn và cái đồng hồ báo thức của sở đặt bên cạnh. Ông ngủ ngồi như vậy. Ông ngáy pho pho, thế mà đến một lúc, như ngủ đã có ngữ, đến giờ ấy tự dưng ông đứng lên, cầm cái ba toong, đi vòng quanh toà nhà, cái sân quần vợt chằng dây thép mắt cáo, đèn sáng choang. Tua vài vòng, rồi ông lại vào tường ngồi ngủ, rồi lại đi, cứ thế cho đến sáng. Ông gác lúc ngồi lúc đứng ở sở như vậy đã quen. Về nhà, có chỗ thì ông nằm. không có chỗ ông cũng chỉ ngồi một lát đã ngáy.
Nghe Uđà Sinh nói thế, tôi cũng đỡ sợ. Tôi lại ngồi xem con khỉ đương nhâng nháo vừa ăn quả cà vừa gãi tai. Thỉnh thoảng, tôi liếc mắt trông vào gian nhà tối. Bấy giờ nghe tiếng ngáy lạ tai như tiếng mọt gậm. Biết ông ấy vẫn ngủ, không có gì khác, nhưng rồi tôi lại sợ. Tôi vẫn không thể tưởng tượng được ngồi thế lại là ngủ. Rồi chốc, tôi thấy bàn tay ông sờ soạng lên, như đập con dĩn, con muỗi, rồi lại thõng xuống. Ông Carata Sinh ngủ đập muỗi hay ông Carata Sinh thức đập muỗi. Chỉ thấy ông ấy vẫn ngồi nguyên thế.
Thế là tôi đâm sợ thật. Tôi phải về, cứ thấp thỏm mãi càng sợ hơn và ngồi xem như thế cũng chán. Vả chăng ông ấy ngủ rồi cũng phải đến lúc ông ấy thức. Ông ấy mà nhớ ra cái hôm trẻ con trêu mình, có khi lại nhớ có cả tôi. Không xong rồi.
Tôi bảo Uđà Sinh.
- Tao về đây.
Uđà Sinh phụng phịu:
- Không thích chơi ở nhà tao nữa à?
Uđà Sinh nắm tay tôi. Bàn tay nó có những nốt ghẻ lên mốc xanh, khác nốt ghẻ của tôi, đỏ sạm.
Tôi ngơ ngẩn bước ra. Đầu nhà Uđà Sinh trồng những bụi hoa cúc vạn thọ vàng xẫm. Chỉ rặt một giống cúc vạn thọ, lá hắc xì. Khi những cánh hoa vàng li ti rụng xuống, muỗi đất, muỗi mắt bám đen xỉn cả lối đi lầy lội. Bãi cỏ xanh mởn như cái sân bằng cỏ vuông vắn trước nhà. Tưởng bãi cỏ tốt ấy để nuôi dê, nuôi thỏ, nhưng không, ông Carata Sinh hay ra ngồi đấy, nằm đấy. Những khi trời nắng, ông ấy nằm sấp trong cỏ, như đống quần áo cũ ai đem phơi một ngày mùa đông nắng to. Cả khi mùa hạ, gió trong đồng thổi nắng như táp lửa vào, cũng thấy ông phơi mình trên bãi cỏ. Không lạ, đấy chỉ là thói quen. Tôi là bạn của các con ông ấy, rồi tôi cũng có lúc quen mắt.
Tôi không hiểu được, vì lòng mong nhớ quê hương, ông đã làm cái sân cỏ và trồng luống cúc vạn thọ, để ông có những buổi ra nằm lẫn trong cỏ ngoài vườn cà, như cảnh quê nhà ông.
Từ ngoại ô Tân Đêli xuống, nối tiếp bao nhiêu cánh đồng cà tím hai bên đường. Quả cà tím Ấn Độ mỡ mịn màu tím hàng lụa hoa cà Bombay. Những khóm cúc vạn thọ vàng xẫm ở Việt Nam trồng cửa đền cửa chùa và đôi khi, nhặt ra một cái hoa trong gói hoa cúng, chẳng mấy ai cất công chơi cảnh cúc vạn thọ. Nhưng ở Ấn Độ nhà nào cũng trồng hàng búi và người chủ nhà mến khách bước đến quàng cổ anh bạn từ Việt Nam tới, một vòng hoa cúc vạn thọ, mỗi đoá hoa nhử hạt mắt bồ đề lên nước vàng ánh. Cây cúc vạn thọ ở đây tốt lạ lùng.
Đất khô xác, bụi bay khắp cánh đồng nhưng lá cúc xanh biếc và hoa vàng mờ, như cô gái Ấn Độ yểu điệu có đôi môi màu hoa hiên. Khác những gốc vạn thọ sần sùi ở vườn Bàng sân nhà Uđà Sinh năm xưa.
Anh Caranan Sinh mới đi làm chẳng bao lâu, mà đã lọm khọm giống bố, ít ai nhận ra ngay được anh ấy khác ông Carata Sinh thế nào. Anh ấy không mặc sơ mi lụa mỡ gà như ngày mới đi làm phải có cái áo mồi cho ra mẽ người. Râu tóc anh mờ mịt dưới cái khăn quấn thừng màu xám, trông kỹ mới thấy hai con mắt sâu hoắm. Suốt ngày, anh lang thang ngoài đồng, ngoài bãi - anh kể thế, đến xâm xẩm tối mới dồn xong được đàn dê, đàn bò vào chuồng nhà chủ - một lão Tây lai, và hôm nào cũng phải nhá nhem tối, Caranan Sinh mới lò mò về đến đầu chợ.
Trường làng Yên Thái ngày ấy chưa có đến lớp ba. Rồi đến năm tôi ở ngoài Hàng Mã, cũng ít gặp chị em Uđà Sinh.
Mấy năm sau, không nhớ rõ. Cái Hác Cô đã lớn. Có khi gặp nó đi chơi với các bạn gái ở đám hội, đám rước làng Đông, làng Hồ, và những đêm hát chèo trong vùng vào dịp đình đám, cầu mát tháng tư. Nó đẫy đà nhất bọn. Chỉ đám trai lạ mới thấy nó khác con gái mình. Chúng tôi đã quen mắt, không biết thế nào khác, về đôi mắt mơ màng, làn môi bóng hơi cong, những ngón tay nhỏ uốn éo, mớ tóc đen dày với nước da mờ của nó. Chúng tôi chỉ biết nhà nó cũng làm ăn, cũng chợ búa như mọi nhà và nó đương vào tuổi mười bảy mười tám như chúng tôi. Anh Caranan Sinh thì cứ mỗi hôm một lụ khụ. Tay cầm cây hóp dài bằng chiếc lao màn, anh vẫn đi chăn dê, chăn bò cho nhà lão Tây lai tận Ngã Tư Sở, cuối sông Tô Lịch đằng kia.
Uđà Sinh đã cao vổng hẳn lên. Nhưng nó không chít khăn, không để râu như anh Nan. Uđà Sinh mặc áo sơ mi lụa chuội sống cứng cành cành và đánh đuôi guốc mộc, buổi tối đi chơi nhởn như trai làng chúng tôi.
Uđà Sinh cũng bỏ học đã lâu. Thỉnh thoảng, tôi gặp nó đi ngoài thành phố về. Trông cung cách người bước đi lệch lệch, thất thểu, cũng hiểu được nó đi đâu. Ngày ngày nó đi kiếm việc làm. Chiến tranh thế giới đã xám ngắt ở châu Âu rồi, hình như nước Pháp cũng thua trận rồi, chẳng còn công việc ở đâu nữa.
Tôi gặp Uđà Sinh ở chợ. Nó đi chân đất, tay áo xắn, xăm xăm đi.
Tôi hỏi:
- Sinh ơi, mày đi đâu?
Uđà Sinh cười nhe răng:
- Tớ đi vác tre... à mua tre...
Tôi còn đương ngạc nhiên, nó đã cắt nghĩa cho tôi biết trong thành phố đương mua nhiều tre. Từ khi bên Tây có đánh nhau, Tây không sang được, không có cốt sắt, đổ trần nhà người ta làm bằng cốt tre ốp xi măng. Uđà Sinh đi chặt tre, nói khoác thế chứ chỉ vác thuê cho người ta ra Kẻ Chợ. Uđà Sinh lại tất tả đi.
Rồi đến những năm đói. Bây giờ nhớ lại, tôi còn ngỡ như lúc ấy có đợt sóng thần, như những làn sóng thần hàng năm nổi lên ở vịnh Băng gan mà máy bay từ Hà Nội đi Ấn Độ qua vịnh, cơn đói như sóng thần từ đại dương tràn liếm đi biết bao người trên mặt đất dưới kia. Không ai còn nhìn thấy ai nữa. Cả vùng tôi, người đói ngồi bơ vơ trên bãi rác như người thế kỷ trước hiện về, con mắt lơ đãng nhìn xuống âm ti.
Nghe ai nói ông Carata Sinh cũng chết đói rồi. Tôi không biết. Bởi trông anh Caranan Sinh bây giờ còn lụ khụ hơn bố, có khi người ta tưởng bố anh vẫn sống đấy. Cũng có lần tôi gặp cái Hác Cô ngoài chợ. Nó vêu vao xám ngắt. Khi ấy, chẳng ai còn máu mặt. Rồi nó ra sao, nhà anh em Uđà Sinh, ai còn sống, cũng không rõ.
Đến khi cách mạng, tôi làm phóng viên báo Cứu Quốc. Tôi ra ở hẳn ngoài thành phố, ít dịp về làng.
Một hôm, tôi bỗng gặp trên xe điện thằng Uđà Sinh. Từ đằng xa, trông đã biết ngay nó. Lẫn Uđà Sinh với ai được?
Nhưng Uđà Sinh tưng bừng quá, bảnh quá. Uđà Sinh đội mu ca lô, mặc quần áo Vệ quốc đoàn.
Phải, Uđà Sinh đã đi bộ đội. Uđà Sinh là Vệ quốc đoàn.
Mũ ca lô dạ tím, thắt lưng da to bản thắt ngang lưng. Ngôi sao vàng đằng trước mũ, sao tròn hẳn hoi, không phải tự vệ Sao vuông. Lực lưỡng, hiên ngang, cao gần cửa sổ tàu điện, oai như những anh bộ đội ở ban liên kiểm Việt Pháp.
Tôi nắm tay Uđà Sinh, chỉ kịp nói:
- Bây giờ Sinh ở đâu?
Uđà Sinh cười hiền lành, răng trắng tởn, như mọi khi. Uđà Sinh nói:
- Tớ đóng trên dường Thành.
Tàu điện đỗ ở Hàng Bún. Uđà Sinh trỏ tay, tôi hiểu đơn vị của nó ở Cửa Bắc. Chỗ ấy, ngày trước, ông Carata Sinh, những buổi đi làm về, hay mua mẩu bánh mì bỏ vào cái tải xám đen về cho chúng nó. Khu vực này bây giờ đương nhiều rắc rối khó khăn nhất thành phố. Quốc dân đảng theo quân Tàu về đóng ở ngã tư Hàng Bún, trong trường Yên Thành, dãy nhà Tham Thiên Đường ở phố Quán Thánh, chiếm cả một vùng Ngũ Xã, Nam Tràng trong hồ Trúc Bạch. Lại còn bọn tây mũ đỏ ở trường Bưởi ngày nào cũng ra gây sự với bộ đội và tự vệ quãng Hàng Bún, Yên Ninh này.
Uđà Sinh xuống tàu chỗ ấy. Tôi cũng không gặp lại Uđà Sinh. Khi bắt đầu Hà Nội nổ súng, tôi chỉ biết những đơn vị bộ đội đóng ở Cửa Bắc phải đương đầu với Pháp ngay từ phút đầu tiên.
Cuộc kháng chiến đã lan rộng ra các tỉnh quanh Hà Nội.
Có lần, tôi gặp trên đường Trung Hà lên Lâm Thao một đám người và xe bò tản cư. Trong một chiếc xe có gia đình một bác da đen. Người vợ nói tiếng Sơn Tây ánh ỏi. Chị ngồi trên thùng xe, nhai trầu bỏm bẻm, đương vạch vú cho con bú.
Bốn bên lít nhít gồ ghề mấy đứa bé ngồi lẫn với những tay nải quần áo. Người chồng, râu tóc nhếnh nháng mồ hôi, cầm càng. Đứa con lớn, đứa lau nhau, cũng đen kịt như bố, đứa đẩy, đứa bắt bánh. Nhưng không phải gia đình ông Carata Sinh.
Lần khác, tôi qua Phủ Đoan, nghe nhà đò kể chuyện bên kia sông Lô, trong đơn vị bộ đội đóng ở đấy, có một người da đen, tôi tìm đến. Cũng không phải Uđà Sinh. Anh này quê ở đảo Mactinich, thuộc địa Pháp, bị bắt đi lính, ra hàng ta dưới Việt Trì, rồi tình nguyện theo bộ đội.
Đến năm hoà bình, tôi về Hà Nội, trở lại quê làng. Có lúc anh em cùng lửa tuổi ngồi kể chuyện hồi đầu kháng chiến nhắc đến một số bạn cũ, ai ở đâu, ai làm gì, anh nào trong Nam Bộ ra tập kết, ai ở đâu cũng biết tin, chỉ không ai biết nhà Uđà Sinh phiêu bạt nơi nào. Người nói, con cái nhà ông Carata Sinh đã đưa nhau về Ấn Độ. Có người nói thằng Uđà Sinh đã hy sinh ở mặt trận ngoại thành từ ngày ấy. Nhưng ở chỗ nào, có thật thế không. Trong chiến tranh, những người mất tích, người hy sinh mà ta không tận mắt trông thấy, thường có cảm tưởng rồi sẽ gặp, rồi có khi gặp. Tôi cũng nghĩ thế về Uđà Sinh.
Bóng tường đền Ta Mahan đã rợp xuống bờ nước, những đứa trẻ dưới sông đã lên chơi quanh bãi cỏ từ lâu.
Ông già làm xiếc đã lại ngả lưng trên thảm cỏ. Những bãi cỏ công viên chân tường đá cửa đền được cắt phẳng đều đặn như những chiếc chiếu xanh. Ở Ấn Độ, công viên không đặt ghế ngồi. Mà những bãi cỏ xanh rờn, đẹp muốt, là chỗ ngồi chơi nằm chơi. Ông già và lũ trẻ cùng nằm chơi trên bãi cỏ Sao mà tôi thấy ông già và các cháu bé quen thuộc, như tờ tranh Tô Vũ chăn dê dán tường nhà mình thuở bé, tự nhiên ngước mắt lên nhìn thấy thế suốt đời. Tôi cũng cứ bỗng dưng nhớ lại cái sân cỏ và khóm cúc vạn thọ trước cửa nhà ông Carata Sinh ngày ấy, có lúc ông nằm phủ phục trong nắng, lũ con im lặng ngồi quanh.
Chú bé giống Uđà Sinh - tất nhiên không thể bao giờ như thế, nhưng tôi trông ở cửa đền Ta Mahan đứa trẻ nào cũng hao hao Uđà Sinh, da đen mờ, cặp mắt lờ lờ, hiền hiền. Một chú dắt cái xe đạp kiểu Anh cao lênh khênh, đến trước mặt tôi, nhìn tôi.
Tôi cười, tôi nắm tay chú bé, gọi:
- Uđà Sinh!
Chú Uđà Sinh của tôi lúc ấy nở một nụ cười nhỏ bé trên khuôn mặt âm thầm. Dường như chú cảm được đấy là tiếng kêu thân ái của tôi. Chú giơ xe đạp, như mời tôi nhảy lên, như bảo anh cứ đi một vòng cho khoái chân. Tôi nắm ghi đông rồi phóc lên, lách xe thong thả ngoằn ngoèo biểu diễn giữa đám trẻ.
Đám trẻ mỗi lúc xúm lại đông líu ríu cười, reo: Việt Nam Việt Nam. Tôi lại đến bên ông già đương nằm gối đầu lên cái bao đựng rắn cạnh con gấu. Và tôi gọi:
- Ông Carata Sinh?
Lũ trẻ đột nhiên à lên. Những tiếng trong trẻo, vang như chuông, nhắc lại:
- Carata Sing...
Tôi quay lại đám trẻ:
- Uđà Sinh?
Cả bọn lại cười, lại rối rít:
- Uđà Sing? Uđà Sing.
Rồi cười nắc nẻ.
Những tiếng và những tên người xa xôi, nghe phơ phất bâng khuâng trời Agra. Tôi không hiểu những tiếng ấy, nhưng khi nghe mình nói được có tiếng nhắc lại như hai người cùng nói, bỗng thấm thía lạ lùng. Hoạ may chỉ có nước mắt mới làm chứng hết được nỗi xúc động chan hoà ấy.
Tôi nói rằng:
Bạn nhà văn thân mến quê ở Tây Băng gan ơi? Nhớ hồi đầu thế kỷ, người Pháp chiếm nhiều thành phố ven biển Ấn Độ: Bombay, Pôngđixêri, Madrat, Săngđécnago... Người Ấn Độ đói khó ở các nơi đô hội ấy bỏ quê lần đi các thuộc địa khác của Pháp để kiếm ăn ngỡ như thoát khỏi nơi mình ở thì rũ bỏ lại được cái nghèo nặng nề trên vai. Đến đất nước tôi, họ đã lăn lộn làm mọi nghề vất vả, bán hàng thuê, gác cổng, gác nhà, chăn dê chăn bò, canh đồn điền cao su... Đi đồng đất xa xôi mà vẫn không ra khỏi được cái nghèo khó.
Anh bạn nhà văn ở Băng gan đã kể lại cho ông già làm xiếc nghe chuyện ông Carata Sinh ngày trước đã đến ở rể vùng tôi.
Ừ còn cái ông già Carata Sinh này dương nằm nắng ngoài bãi cỏ, cạnh tường đền Ta Mahan. Đối với tôi, đất nước bí ẩn đây thật gần gũi, thật mơ mộng, như cả nước Ấn Độ ra nằm bãi cỏ nắng, những khi nắng đẹp. Ông lim dim mắt, nhìn tôi, nhìn lại tôi. Không thể đoán được con mắt mơ màng ấy đương nghĩ gì. Còn tôi, tôi đương tưởng ra đấy thật là ông Carata Sinh nghề gác đêm, tôi vừa gặp lại ở chỗ chân tường đền Ta Mahan này. Tôi thấy ông mỉm cười, cái cười u ẩn hiền lành trong chòm râu dữ dội xồm xoàm.
Ở Agra hay Bombay, Đêli cũ hay Tân Đê li, ai tôi trông cũng từa tựa anh chị em nhà Uđà Sinh. Cái Hác Cô có đôi mắt đen to, sâu thăm thẳm. Trong mớ tóc dày bềnh bồng buông xuống và đôi tay có những ngón dài cong mà nhỏ nhắn.
Trong dáng khoan thai lả tả cánh áo vàng, áo trắng, áo tím toả xuống hai vai. Trong nụ cười hiền dịu...
Ông Già Ở Agra Ông Già Ở Agra - Tô Hoài