Số lần đọc/download: 1158 / 12
Cập nhật: 2015-07-12 11:48:54 +0700
T
ôi nhớ lần đầu anh ta gọi đến vào khoảng 12 giờ đêm. Có vẻ như anh ta vừa uống rượu nên giọng không được chuẩn lắm. Tuy nhiên tôi chỉ biết vậy mà không được quyền thóc mách sâu hơn. Sau một lát ngập ngừng, anh ta hỏi tôi:
- Đề nghị 1080 cho biết khi người ta cô đơn thì người ta nên làm gì?
Suýt nữa thì tôi đã bật cười vào máy. Bằng khả năng nghề nghiệp, tôi nhận ra người hỏi không thuộc loại hiếu sự thích đốt tiền bằng cách trêu đùa một cô gái, mà về nguyên tắc cô ta không được phép bỏ máy khi khách còn có nhu cầu muốn biết thông tin. Qua giọng nói, tôi đoán anh ta quãng bốn mươi tuổi. Việc đoán chính xác tuổi khách hàng, với riêng tôi, rất quan trọng. Nó cho tôi những dữ liệu hữu ích để phỏng đoán khái quát về người ở đầu dây bên kia, từ đó lựa chọn thái độ đàm thoại thích hợp. Chẳng hạn với một thanh niên, có thể dùng giọng hài hước chút ít, câu chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn. Còn với một ông trung niên, lại trong tâm trạng cô đơn (vào giờ ấy một người trung niên ít khi đùa cố ý) thì nói gì chưa chắc đã quan trọng bằng nói thế nào. Sau vài giây cân nhắc, tôi vui vẻ đáp:
- Anh thử nghĩ về một kỷ niệm đẹp nào đó xem.
- Với ai? - Giọng anh ta chợt nhỏ xuống và như đang hỏi một người tri kỷ. Điều đó khiến tôi giật mình. Tôi hoàn toàn tin là anh ta cô đơn thật và cái cách tìm đến 1080 là đã có cân nhắc nghiêm túc hoặc chẳng còn cách nào hơn.
- Với một cô bạn gái thời sinh viên chẳng hạn.
Tôi nghe rõ một tiếng thở dài bị nén xuống.
- Cảm ơn cô! Nhưng nếu có một kỷ niệm như vậy thì chính là điều mà tôi đang muốn quên đi.
Giọng anh ta, dù cố làm ra bình thản nhưng vẫn không sao giấu được vẻ chua chát. Tôi vội nói:
- Thành thật xin lỗi anh nếu tôi có vô tình khía thêm vào nỗi bực bội của anh...
- Không! - Ông ta ngắt lời - Hoàn toàn ngược lại. Nghĩa là cô giúp tôi nhẹ bớt đi rất nhiều những gì tôi tưởng một mình không thể kham nổi đến sáng mai. Cô rất có khả năng làm an lòng người khác.
Tôi cảm thấy xúc động và tin vào sự chân thành của ông khách ở đầu dây bên kia. Tôi khuyên anh ta đi ngủ, rằng sau một giấc ngủ, đôi khi người ta đã đến một miền đất khác.ÕỞ đó mọi thứ đều mới mẻ... Đáp lại, anh ta bảo đã nhiều đêm anh ta mất ngủ và đêm nay "chợt nhớ" trên đời còn có 1080...
Hoá ra anh vừa chia tay với vợ, cũng đồng thời là cô bạn gái duy nhất thời sinh viên. Cô ta bỏ anh và đứa con trai bảy tuổi lại để bay sang Đức với gã tóc vàng từng tuyển cô ta vào làm thư ký văn phòng. Bi kịch với anh là ở chỗ, mặc dù rất khinh bỉ vợ trước lối ứng xử như vậy nhưng lại không thể quên cô ta được. Vài ngày trước đây anh đã phải tìm đến rượu. Người anh ướt sũng rượu và nó giúp anh quên cuộc đời trong chốc lát. Nhưng khi tỉnh lại, ngoài nỗi u buồn nặng trĩu hơn, anh thấy mình có lỗi với con. Chính điều này đã cho tôi có được một lời khuyên với anh ta. Nhưng tôi cảm thấy anh trở nên tỉnh táo hơn chính bởi anh đã nói ra được những điều riêng tư ấy.
Thế là chúng tôi thoả thuận thiết lập một đường dây riêng với nhau. Tôi cho anh biết lịch trực đêm của tôi. Còn anh hầu như cứ đúng giờ ấy là lại gọi đến. Khi tôiÕ thưa máy, anh thường không giấu được sự hớn hở. Có hôm thay vì hỏi để nghe trả lời, anh hỏi để được hỏi lại. Có hôm anh chẳng kể gì đến anh và cậu con trai, mà nói huyên thuyên những chuyện ở cơ quan. Qua đó tôi biết anh là giảng viên ở một trường đại học. Một điều tự tôi lấy làm lạ là chưa bao giờ tôi thấy những câu chuyện của anh nhàm chán. Nó hấp dẫn tôi trước hết ở những kiến thức chứa đựng trong đó. Anh hiểu rộng, gồm nhiều lĩnh vực. Không ít trường hợp tôi mạnh dạn hỏi lại anh những kiến thức mà tôi chưa tự tin lắm, cả những điều tôi chưa từng biết, chưa từng thấy trong sách nên đành gác nợ khéo léo với nhiều khách hàng.
Một hôm anh gọi điện sớm hơn. Anh hốt hoảng hỏi tôi khi trẻ bị sốt, chân tay co giật thì cần làm ngay việc gì. Vào giờ ấy văn phòng tư vấn y tế đã đóng cửa. Tôi bèn bảo anh cứ chờ máy, kịp để tôi hỏi một anh bạn bác sĩ. Anh bạn này bị đánh thức vào nửa đêm thì lầu bầu bực bội, nhưng cuối cùng thì chính anh ta lại cuống lên. Tôi chuyển lại cho anh những lời bạn tôi nói và dặn thêm sáng sớm mai anh nhớ gọi lại báo cho tôi biết. Sau đó ba, bốn ngày liền không thấy anh gọi đến. Tôi cứ thấy lo lắng thay cho bố con anh. Và một tình cảm không thể giải thích được cứ lăm le trỗi lên trong ý nghĩ của tôi. Chẳng hạn tôi chẳng thể tập trung được vào việc gì, luôn luôn hồi hộp mỗi khi có tiếng đổ chuông và khi không phải cái giọng ấm áp, tin cậy của anh thì tôi thấy hẫng. Tôi cố hình dung xem khi một người đàn ông phải chăm con một mình, lại vào lúc nó ốm, thì họ xoay xở ra sao.
Nhưng tôi không phải chờ lâu. Đúng một tuần sau thì anh gọi lại. Và quả là như tôi dự đoán, anh đã phải vừa giảng dạy vừa chăm con trong viện. Anh vui mừng báo cho tôi biết cháu đã qua cơn nguy kịch, hiện đang do một chị đồng nghiệp của anh chăm nom giúp. Tự dưng tôi nóng bừng cả mặt. Tôi rất muốn hỏi về "chị đồng nghiệp", nhưng chả lẽ lại hỏi chuyện chẳng liên quan gì đến mình. Tôi đành hỏi anh cuộc sống dạo này ra sao, đã ngủ được chưa, anh bảo nhờ những lời khuyên của tôi mà anh đã bớt căng thẳng rất nhiều. Đến lượt anh trấn an tôi, rằng cuộc đời thế mới là cuộc đời. Nó thường không theo ý muốn riêng của bất kỳ ai. Chẳng thể cứ ôm mãi trong lòng những gì đã vĩnh viễn lìa xa mình, trong khi còn có tương lai và nhiều việc hữu ích khác. Liệu cái cô "đồng nghiệp" nào đó có can dự gì vào đây không? Tôi tự chế nhạo mình ngay: Đừng có vớ vẩn. Ông ta chỉ là một khách hàng. Ông ta phải trả 300 đồng mỗi phút cho những câu hỏi, nghe lời khuyên, nghe lời động viên, hỏi lại và động viên lại. Xét về mặt nào đó ông ta là người vô hình, người ảo; và chỉ có bảng ghi thanh toán là ghi lại những điều có thật. Tuy thế, từ cơ quan về nhà, tôi lăn ra giường và nằm úp mặt xuống gối. Đúng lúc anh bạn vẫn đeo bám tôi, làm ở một trung tâm tư vấn tình cảm, gọi điện đến. Không hiểu sao tôi thấy giọng anh ta nhạt nhẽo đến thế. Cả người anh ta cũng nhạt thếch, từ chân đến đầu. Lạy giời anh ta đừng có dẫn xác đến. Tôi đáp chiếu lệ vài lời hỏi thăm rồi lấy lý do buồn ngủ để ngắt máy.
Ông khách đặc biệt của tôi không gọi đến nữa. Chắc anh ta có trong tay ngần ấy lời khuyên là đủ rồi. Cũng có thể anh ta không thấy cần thiết phải đốt tiền thêm nữa. Xét về mặt nghiệp vụ thì tôi đã làm tốt một công việc. Nhưng chả hiểu sao cứ mười hai giờ đêm tim tôi lại đập những nhịp khác thường, bất chấp mọi sự cảnh cáo của lý trí. Tôi khuyên anh ta "nhớ về một kỷ niệm nào đó hoặc nếu không thì hãy tìm kiếm những kỷ niệm mới, bởi cuộc đời không phải ai cũng bán rẻ những lời thề nguyền". Tôi khuyên anh ta như vậy để giờ đây đang sợ anh ta đã thực hiện được điều đó do nghe lời tôi khuyên. Sao con người lại phức tạp thế nhỉ. Đến ngay chính bản thân tôi, tôi cũng không hiểu được.
Cuối cùng để giúp mình thoát khỏi những dằn vặt vô cớ, tôi quyết định dò theo số điện thoại tìm đến nơi ở của bố con anh. Việc này không khó khăn gì. Đó là một buổi chiều đầu đông nhè nhẹ gió heo may. Cũng là buổi chiều mà tôi sẽ còn nhớ mãi, bởi nó để lại trong tôi cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Tôi đã tận mắt thấy bố con anh cùng một phụ nữ đã cứng tuổi, hiền thục và có duyên, tíu tít từ siêu thị trở về. Có vẻ như sắp sinh nhật ai đó. Như một vị khách qua đường, tôi đứng lại chốc lát để ngắm kỹ gương mặt anh, một gương mặt rất đàn ông, trung thực, giàu trí tuệ và sống có trách nhiệm. Thôi, cầu chúc cho anh. Chắc chắn chị ấy phải là một người tốt...
Tôi cố gắng trở lại với công việc của một nhân viên 1080. Đúng mười hai giờ đêm hôm ấy chuông điện thoại réo lên. Nào, lại ai nữa đây. Tôi chào khách và liền đó tiếng một cậu bé nhỏ nhẹ cất lên:
- Thưa cô cháu tự dưng buồn quá. Cô có thể kể cho cháu nghe một chuyện cổ tích nào đó được không?
- Liệu cô có thể biết lý do vì sao cháu buồn không? Mà cháu học lớp mấy rồi?
- Cháu học lớp hai (tôi nghĩ nhanh: Cũng một cậu bé bảy tuổi) và cháu chỉ có thể nói với cô được thế thôi.
- Vậy thì ta bắt đầu nhé.
Tôi đã kể cho cháu nghe câu chuyện do tôi bịa ra, được cổ tích hoá. Có hai bố con nhà nọ sống cảnh gà trống nuôi con. Rồi có một cô tiên xuất hiện. Rồi... Đột nhiên cháu bé bảo: "Chuyện của cô kể giống hệt chuyện của bố con cháu. Nhưng liệu cậu bé có hạnh phúc với một người không phải là mẹ cậu hay không?".
- Sao không? - Tôi đáp dứt khoát - Cháu cứ chờ xem.
Sau đó không thấy cậu bé điện đến hỏi nữa. Liệu có phải là chính con trai anh không? Chắc nó cũng như anh, trong trái tim đã có chỗ cho người phụ nữ kia!
Không khỏi có lúc tôi ước cho anh lại cảm thấy cô đơn. Nhưng ý nghĩ đó bị tôi xua đuổi nhanh chóng. Tôi cần chuẩn bị thêm những tình huống khác để có câu trả lời ngay. Giả dụ một hôm nào đó có người hỏi "khi hạnh phúc quá thì nên làm gì?" Sẽ trả lời họ ra sao. Điều chắc chắn là loại câu hỏi như vậy sẽ không đến vào lúc mười hai giờ đêm, bởi vào giờ ấy người hạnh phúc đang ngủ say.
Hà Nội, 10.2001