This nice and subtle happiness of reading, this joy not chilled by age, this polite and unpunished vice, this selfish, serene life-long intoxication.

Logan Pearsall Smith

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1639 / 34
Cập nhật: 2016-03-11 16:30:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bơ Vơ
ảo đưa tiền rồi căn dặn:
- Bà có quên gì thì quên, chớ đừng có quên xà bông đánh răng nghen. Dây nhựa màu để thắt giỏ cũng cần lắm. Quyển "Văn Nôm" cũng nhớ mua...
- Nghĩa là không được quên món nào hết. Thì cứ nói trắng ra như vậy đi, tội gì phải kể từng thứ cho mệt.
- À nè, xà bông đánh răng nên mua hiệu nào có chất lục diệp é nha!
- Nhưng sao bà lại không ra chơi chúa nhựt nầy? Bị phạt hả?
- Không.
- Nhưng sao lại...
Loan bổng thấy sắc mặt của bạn đổi khác đi. Cô gái vui tươi ấy vụt buồn dàu dàu rồi day qua hướng khác.
Trống trường đánh lên bốn tiếng, báo hiệu cho giờ học thứ nhì của buổi chiều. Cả trường Gia Long đều chộn rộn trước khi sắp hàng vào lớp...
Hai phút sau, đâu đó lặng trang, và Hảo với Loan ngồi kế nhau ở cuối lớp Đệ tam C, chị Ngọc xem đồng hồ tay rồi nói to lên:"Quái sao đã năm phút rồi mà cô Tuyền không đến?".
- Cô Tuyền có việc phải ở nhà! Chị Hài la cà rỡn như vậy.
- Hoan hô cô Tuyền! Cả lớp đều reo mừng, ngỡ chị Hài nói thật.
Dân ban C không ưa khoa học, nên rất sợ cô dạy Lý Hóa ấy.
Nhưng một bà giám thị già đeo kiếng trắng, đi ngang qua đó, lại xác nhận tin vịt của chị Hài. Bà nói:
- Chiều nay cô Tuyền không đến. Các em không có lên bảng trên văn phòng mà xem à?
- Hoan hô! Hoan hô!
Lớp Đệ tam C rần rần đứng dậy đi ta ngoài. Họ chia làm ba tốp. Một tốp lớn lên thư viện để đọc sách. Tốp thứ nhì ra sân Judo chơi bóng bàn và chạy giỡn.
Tốp thứ ba lưa thưa vài chị, len lén xuống bịnh thất là nơi cấm ngặt. Đó là những chị hay nhỏ to tâm sự với nhau nên họ chọn chỗ vắng ấy. Thường thì họ làm bộ đi thăm bạn, nên cô nữ y tá không nỡ cấm cửa họ.
Hảo và Loan cũng trong tốp đi lậu ấy. Loan đã đoán bạn có cái gì không ổn trong đời nên cố kéo Hảo xuống đó.
Loan là học sinh ngoại trú nên không thạo phong tục trong trường, hỏi Hảo:
- Sao lại cấm xuống bịnh thất?
- Không cấm thì mấy chị bịnh sẽ chết mất. Số người đi thăm thật cũng đã đông lắm rồi, thêm vào đó số người trốn học nữa, họ bu quanh mấy giường bịnh mà nói chuyện cà kê dê ngỗng, ai mà chịu cho thấu.
Hảo và Loan không quen với một chị nào trong bịnh thất cả. Tuy thế họ cũng hỏi thăm xã giao mấy chị lạ vài tiếng rồi kéo nhau vào một góc buồng.
Khi cả hai ngồi xong trên một chiếc giường trống, Loan nói:
- Tôi quên hỏi coi bà ở tỉnh nào. Lạ quá, thân với nhau đã sáu tháng rồi mà tôi còn chưa biết điều đó.
Hảo hãnh diện đáp:
- Tôi là dân Saigon bảy mươi hai phần dầu mà. Tôi sanh đẻ ở Đất Hộ.
- Dân Sàigon? Loan ngạc nhiên, nhìn bạn trừng trừng.
Hảo chợt nhớ đến câu hỏi của bạn lúc sắp vào lớp và biết chi tiết và sinh quán của nàng sẽ đưa trở lại câu hỏi ấy nên đánh trống lãng:
- Còn bà ở tỉnh nào?
- Tôi cũng ở Saigon, tuy sanh tại tỉnh. Sao là dân Saigon mà bà xin vào nội trú được?
- Ấy, vì... tại... bị...
Hảo khó nghĩ quá. Nàng đã bị bạn đẩy vào chỗ phải thú nhận, nhưng nàng không muốn khai chuyện nhà chút nào.
Giận Loan và mắng nó vì tánh tò mò của nó chăng? Không được. Đã xem nhau là bạn thân kia mà.
- Thôi, nếu không tiện nói thì thôi vậy...
Loan cầm tay bạn mà siết chặt lại. Hảo nghe như tình bằng hữu của đôi bên biến thành một dòng nước, giao lưu với nhau qua cánh tay, hai bàn tay ấy.
-... Nhưng Hảo ơi, Loan thật muốn sớt bớt với...
Hảo nấc lên một tiếng ngắn rồi cắn môi, mắt lòa vì lệ nóng.
Loan choàng tay qua vai bạn rồi ôm chặt lấy Hảo. Cô nữ sinh nội trú bấy giờ mới òa lên khóc, chui đầu vào vai bạn như bé con khóc với mẹ.
Để cho bạn khóc thật hả hơi, giây lát, Loan thỏ thẻ hỏi:
- Có chuyện đau buồn lắm hả bạn? Loan có làm phiền bạn lắm không?
Hảo lau lệ đáp:
- Buồn đứt ruột đi Loan ơi! Bạn gần giường ở nội trú mà Hảo còn chưa gởi gắm niềm riêng vì Hảo thấy chỉ vô ích thôi. Họ, rất nhiều chị cùng một tình cảnh với Hảo, nhưng nói ra với nhau rồi chỉ biết ôm nhau mà khóc chớ có hơn gì.
- Có phải là Hảo không còn mẹ hay không?
- Loan đoán đúng quá. Mà cũng dễ đoán thật. Kế mẫu của Hảo chắc cũng không ác lắm đâu. Nhưng bà không thương Hảo được nên ba Hảo cho Hảo vào đây để Hảo khỏi tủi thân.
Cô nữ nội trú nín lặng một lát rồi thêm:
- Hảo nói ra điều nầy, Loan đừng khinh Hảo đã nói xấu ba Hảo nhé. Sở dĩ Hảo bị bỏ tù vào nội trú mấy năm nay, chắc cũng vì ba Hảo muốn hưởng trọn vẹn hạnh phúc với bà vợ mới.
- Sao lại phải xô Hảo ra mới được hưởng trọn vẹn...
- Ấy, thì sự có mặt của Hảo làm sao khỏi nhắc nhở bà ấy nhớ mãi rằng bả lấy một người chết vợ. Như thế bả sẽ buồn, sẽ bớt yêu ba Hảo, hạnh phúc của ổng bả như bị mây án đi.
Nói tới đây Hảo như trợn trạo nuốt cái gì, lâu lắm nàng mới nói được:
- Mà Loan ơi, ba Hảo thương Hảo lắm, Hảo cũng thương ba Hảo quá chừng. Ba Hảo có thể tạm thay thế phần nào cho má Hảo mà Hảo rất cần.
-¯—
Hảo lại òa lên khóc, mắt Loan cũng đỏ lòm như mắt tôm, và lóng lánh lệ.
Đôi bạn đều rút khăn ra, để hỉ mũi, đoạn Loan hỏi:
- Nhưng một tuần, Hảo về nhà một lần, cũng không cho nữa sao?
- Không bao giờ ba Hảo rước Hảo ra cả.
- À quên, sao Hảo lại xin vào nội trú được.
- Có khó khăn gì. Lúc xin cho Hảo vào đây, ba Hảo khai ở tỉnh.
- À ra vậy, Hảo nè, Hảo có muốn ra lắm không?
- Khỏi hỏi. Nhưng bà đừng có can thiệp, ba Hảo có thể giận lây bà.
- Không. Loan có ý nghĩ khác. Hảo có "cát" rước ra chớ?
- Có.
- Mau mau lên lầu ngủ lấy xuống đưa cho Loan đi.
- Bộ Loan định...
- Ừ, Loan có anh. Mai nầy anh Phước của Loan sẽ cầm thẻ đưa vào đây rước Hảo.
Hảo mừng quá, đứng lên chụp lấy vai bạn mà reo:
- Sướng a! Rồi tụi mình đi xi-nê. Trong nầy chiếu mãi phim đời ông Nhạc, xem chán phèo.
- Nhưng được cái là nhà trường chỉ lấy có ba đồng một buổi chiếu thôi.
- Ba đồng còn mắc chớ. Đáng lý chỉ nên lấy năm cắc mới phải.
Bỗng Hảo lo lắng hỏi:
- Nhưng Hảo lại không biết mặt anh Phước, mà anh Phước cũng chẳng biết mặt Hảo thì làm sao?
- Khỏi lo. Anh Phước đeo kiếng cận thị và đội kết trông giống hệt như Nhựt Bổn.
- Sao bà lại không vào rước Hảo.
- Lúc trước nhiều chị trong nầy sáng chủ nhật tự đưa thẻ để tự rước mình ra. Nhà trường đã siết chặt sự kiểm soát lại, bà ở nội trú mà còn hỏi tôi điều đó.
Nếu tôi vào rước bà, thấy tôi trẻ, nhà trường sẽ nghi ngờ ngay chính Hảo là tôi. Như thế họ sẽ điều tra gắt rồi lòi vụ rước giả của ta ra.
Sáng nay khi máy vi âm kêu tên bà, bà cứ đi ngay lại nhìn anh Phước, đừng bợ ngợ gì cả, không có một anh Nhựt Bổn thứ hai đâu mà lo.
Anh Phước cũng sẽ được chỉ thị của tôi nên không bợ ngợ. Hai người phải "ăn rơ" với nhau mới được.
- Bà đợi tôi ở đây nha, tôi chạy lên lầu một lát để lấy thẻ.
- Không, ở đây lâu nguy hiểm lắm. Tôi cũng xuống với bà rồi đợi bà ở sân Judo.
Một lát sau Hảo bắt gặp Loan đang chơi bóng bàn với Mỹ, rồi liền đó trống đánh trở giờ.
Cô nội trú trao thẻ cho bạn rồi cả sân vội vã chạy về lớp để kịp giờ học Anh-văn.
Vừa chạy Hảo vừa hổn hển nói:
- Thẻ nầy đáng lý do ba Hảo cất. Nhưng ổng cũng chẳng đếm xỉa gì tới nó cả.
-¯—
Đã hơn bốn giờ chiều rồi. Những nữ sinh nội trú học sáng nghỉ chiều, đã thay đồ ngắn và đổ xuống sân trường. Chị nào thể thao thì đi qua đi lại ngoài trời, còn chị nào sợ nắng thì núp bóng mấy cây dé ngựa trước dãy lầu.
Hảo nhìn qua cửa sổ hôm nay sao lại bớt tủi thân hơn mọi ngày. Nữ sinh khác hẳn với nam sinh ở lối ra chơi chiều. Trong khi nam sinh tùng tam tụ ngũ thì nữ sinh lại chỉ bắt cặp từng đôi một thôi. Họ chơi với nhau vì tình cảm mà tình cảm thì không thể phung phí, tung khắp mọi nơi được.
Mọi ngày Hảo chỉ trơ trọi một thân vì không tìm được bồ. Đã bơ vơ ở nhà, vào trường cũng không tìm được chỗ dựa cho tâm hồn, nên không chiều nào nhìn bạn xuống sân mà Hảo không rưng rưng nước mắt.
Nhưng chiều hôm nay... A, sao nắng lại trông như đẹp hơn lên? Lá dé ngựa rụng, không gợi ý buồn mà trái lại khiến Hảo tưởng như là bướm bay buổi sáng ngoài đồng.
Loan, người bạn gái ngoại trú, từ thuở giờ cũng dễ thương thật, nhưng quả nàng không dè là nó tốt bụng đến như thế. Tuy Loan không nói rõ điều kiện rước ra, nhưng Hảo ngầm hiểu rằng bạn sẽ tiếp nàng trong gia đình ít lắm cũng một ngày chúa nhựt. Những vụ tiếp bạn nội trú không người thân như nàng đã xảy ra thường và luôn luôn là xảy ra như vậy.
Gia đình! Hảo chưa nguôi tình thương mẹ mặc dầu bà cụ đã qua đời từ bốn năm rồi, và đã quơ níu người cha hiền hậu của nàng. Nhưng rồi nàng cũng phải hụt tay vì có người thứ ba hất nàng ra.
Tình gia đình, nàng khát như kẻ đi nắng ngoài sa mạc thèm nước dừa. Những bữa cơm tối dưới ánh đèn, những trận cười chung bên máy ra dô trong một buổi phát thanh kịch pha trò, và cho đến cả nước mắt chung, khóc một người cô họ qua đời, tất cả những thứ ấy từ lâu rồi Hảo không được hưởng.
Tết vừa qua, cha nàng vừa rước nàng ra khỏi trường là đưa nàng ngay về ngoại, ở đó chỉ còn một người mợ dâu thôi.
Gia đình! Gia đình của Loan không biết sẽ tiếp đón nàng như thế nào. Dầu sao không khí thân mật ở đó chắc cũng nồng đậm hơn là không khí của những bức tường trống trơn ở đây.
Thế là nàng đã có chỗ bám níu tinh thần, Hảo liếc nhìn bạn đang ngồi bên cạnh, muốn ôm bạn và hôn một cái như người Tây phương để tỏ lòng biết ơn của nàng.
-¯—
Đây là đêm thứ bảy nội trú đầu tiên mà Hảo không khóc thút thít. Lúc mới lên lầu, nàng hãnh diện mà sắp đặt áo xuống để ra ngày hôm sau. Hảo ngó mấy người bạn như nói thầm: "Mấy chị ra thì tôi cũng ra, nào có kém ai đâu".
Không khóc, nàng lại lắng tai nghe người khác khóc.
Thảm kịch con mồ côi mẹ bị nhốt trong nội trú không phải là hiếm hoi lắm đâu. Hảo vừa sung sướng thì sực nhớ lại một bài thơ La-Tinh nên xấu hổ thầm rồi tự trách mình dữ lắm.
Bài thơ ấy tả nỗi sung sướng tàn nhẫn của kẻ đứng trong bờ, dòm ra khơi thấy một chiếc thuyền sắp đắm.
Hảo cũng bị đắm thuyền và vừa được vớt lên, áo chưa ráo nước đã có cái sung sướng tàn nhẫn ấy rồi.
"Mầy đáng khinh lắm đó nhé!" Nàng tự mắng mình rồi không dám nghe tiếng thút thít của bạn nữa, nàng tưởng tượng cuộc sống của ngày hôm sau.
Qua nhiều câu chuyện với bạn lỏm bỏm biết được những chi tiết về gia đình bạn, nay ráp lại thì thấy gia đình ấy như thế nầy: một ông cha công chức, một người mẹ hiền từ, người anh cả học trường luật. Nhà đầm ấm lắm. Phước sắp cưới vợ và Loan cũng đã có vị hôn phu.
Loan là con cưng, được cha mẹ và anh chiều chuộng lắm.
Hảo thấy Loan có phước quá. Tại cái số của con người mà! Rồi đây Loan lại được chồng chiều chuộng nữa.
Bỗng Hảo bớt vui đi. Loan sẽ lấy chồng. Tình bè bạn sẽ phai lợt trong lòng Loan. Hạnh phúc mà nàng muốn ké, nàng không được hưởng bao lâu. Chỗ dựa tinh thần vừa tìm được, Hảo thấy trước là nó sẽ dang ra xa. Tương lai thật xám xịt.
Hảo nhắm mắt lại hình dung trong trí một thanh niên Nhựt Bổn đứng cạnh máy vi âm để đợi nàng. Anh Phước chắc giống Loan thì cũng dễ nhìn.
Nàng sẽ reo mừng mà kêu: "Anh Phước!" cho họ khỏi nghi. Chà, mà nếu lầm thì xấu hổ quá và sự giả mạo sẽ lòi chành ra.
Có nên về nhà mình hay không? Hảo tự hỏi thế rồi quyết định ngay là không nên, vì về đó "quần thần sẽ lơ láo, rồi phận mình ra sao?". Vả lại biết đâu cha nàng không mét với nhà trường để tuyệt đường tới lui của nàng?
Bên Loan chắc đêm nay biết rõ tình cảnh nàng, vì thế nào Loan cũng kể lại cho họ nghe. Có cha ngay ở Saigon mà đi chơi thép thế nầy thì mắc cỡ quá.
Nghĩ tới đó Hảo muốn đổi ý, không ra ngày mai nầy. Nhưng mà nàng thèm thành phố hơn sáu tháng nay rồi! Chắc họ thương hại mình, nàng tự nhủ, chớ chẳng chê cười gì đâu.
-¯—
Trương - Thị - Chi!... Mạc - Liên - Thanh!... Bùi - Mỹ - Huệ... Ống loa lần lượt điểm tên từng chị nội trú được rước ra. Đám nữ sinh đứng đợi cứ mỗi lúc một thưa dần.
Hảo sốt ruột đưa mắt tìm mãi mà không thấy anh chàng Nhựt Bổn đâu cả. Bỗng nàng giựt nẩy mình mà nghe kêu lớn tên mình. Cô giám thị kê miệng sát máy vi âm quá nên tiếng kêu của cô nghe chát chúa càng khiến Hảo hoảng thêm.
Nàng bối rối vài giây rồi chen lấn để vượt ra khỏi đám đông. Hảo hồi hộp quá, không biết ai là anh Phước để chạy lại.
Thình lình nàng nghe ai kêu mình. Lần nầy tiếng kêu là tiếng người trực tiếp chớ không phải tiếng bị máy vi âm biến đổi, mà là giọng đờn ông:
- Anh đây Hảo!
Hảo ngước lên thấy một người đàn ông đứng tuổi, đeo kiếng trắng, mà đưa một tay lên trời. Người ấy không có đội nón kết, nhưng mặt giống Loan lắm.
Hảo cứ lo anh Phước còn trẻ mà phải e lệ. Giờ thấy anh ấy già hơn ba mươi, nên tự nhiên được ngay mà mừng người anh giả mạo đó.
Trên tắc-xi, Hảo hỏi:
- Làm sao anh nhìn ra em trước được?
- Không cần tài thánh cũng thấy em. Hễ kêu tên Hảo mà cô nào chạy ra tức Hảo là cô đó.
- À, hèn chi! em thì em cứ lo tìm người đội kết.
- Con Loan nó nói điên, ai vào đây lại đội kết. Anh chỉ đội thứ mũ đó là khi nào đi mô tô thôi.
-¯—
Không biết vì lịch sự hay vì tình thương chân thật mà cả nhà Loan tiếp Hảo như một đứa con du học mới về. Ông cụ kêu Hảo bằng con ngọt xớt, còn bà cụ thì ôm Hảo vào lòng mà hôn.
- Hảo với Loan có đi xi-nê hay không, anh đưa đi.
Nghe người con trai cả bày điều, bà cụ nói:
- Mầy đừng có nhiều chuyện, để em nó ở nhà với tao. Hai giờ trưa là nó phải sửa soạn trở vô trường rồi.
Hảo quên đem đồ mát ra. Bà cụ hối Loan lấy y phục ngắn của nàng cho Hảo mặc. Mới có mười lăm phút đồng hồ qua mà Hảo đã hòa mình được với đời sống thân mật trong gia đình nầy rồi, vì sự cởi mở của gia đình ấy.
Phước nói ba điều bốn chuyện rồi đẩy mô-tô đi làm rể. Anh ta gần cưới vợ nên đi làm rể xôm lắm.
Bà cụ kéo Hảo và Loan lên lầu, không quên căn dặn đầy tớ:
- Ai có hỏi tao, cứ nói tao đi vắng.
Ba mẹ con nằm chung một giường với nhau. Phải, đó là ba mẹ con vì xem ra họ thương yêu thật sự. Bà cụ hỏi:
- Hảo tuổi gì đó con?
- Thưa con tuổi Thìn, con Rồng.
- Con Loan tuổi Mẹo. Thuận quá. Má không phải muốn bắt con làm em, nhưng mà thế nầy...
Vừa hỏi bà cụ vừa vuốt lên tóc Hảo khiến nàng cảm động đến chảy nước mắt.
-... Như thế nầy: con Loan sớm muộn gì họ cũng rước đi. Thằng Phước thì nay mai gì nó cưới vợ rồi nó ra riêng mất. Vậy con sẽ còn lại với má, má xem con như con út. Có phải không, con nhỏ tuổi hơn con Loan là thuận?
Loan làm bộ xô Hảo ra, nũng nịu nói:
- Mầy giành hết má của tao, mầy nhỏ!
- Thôi, đừng có làm bộ thương má, cô à. Rồi cô theo chồng cô, cô quên mất má cho mà coi.
Bà cụ nói thế nhưng vẫn kéo đầu Loan lại mà hun.
Hảo nghe như mình sống hằng mười năm trong gia đình. Tình thương thiếu thốn thuở giờ nàng nghe như nó được rót vào nàng bằng một cái quặng. Nó chảy vào ùn ụt, không khí bên trong bị đuổi mạnh ra chực đẩy văng chiếc quặng lên.
Nhưng mười năm hạnh phúc thật kia mà còn qua mau như nháy mắt huống hồ gì mười năm ảo tưởng. Qua bữa cơm trưa, cả nhà chưa kịp nghỉ nắng thì Hảo đã thấy đồng hồ chỉ một giờ rưỡi rồi.
Ba giờ phải có mặt tại trường, hai giờ mười lăm phải đi rồi. Nàng tắm rửa để kịp giờ nhập trường, khi Hảo xong cả, bà cụ căn dặn:
- Tuần sau con phải ra nữa, mà tuần nào con cũng phải ra hết, kẻo má nhớ nghe con.
Hảo nghẹn ngào vì sung sướng, ra xe mà phải nhìn mãi mái nhà, quyến luyến nó như học trò xứ quê bận bịu mái tranh quyện khói lúc sắp sửa lên đường đi Saigon.
Sáng chủ nhựt sau, anh Phước lại đến. Lần nầy anh Phước hân hoan lắm. Anh cho hay rằng anh đã đỗ chứng chỉ thứ ba, tức là đỗ cử nhân luật toàn phần.
Gia đình Loan có phước quá! Hảo nghĩ. Mình ké hạnh phúc thừa của họ mà cũng đã phủ phê lắm rồi.
Sự tiếp đón hôm nay không kém tuần trước một tí nào cả. Bà cụ có may cho Hảo một bộ đồ mát, để Hảo khỏi đùm đề mang y phục ra khỏi trường.
Bà sửa soạn đưa hai con đi chùa vì hôm ấy là ngày vía Phật thì Thanh đến.
Vị hôn phu của Loan dạy học một trường tư thục ở tỉnh, mặc dầu nhà cửa cũng ở Saigon, nên ít khi làm rể. Bà cụ đành phải bỏ hai con lại.
- Hảo, người tình của em đó. Loan liếng thoắng giới thiệu bạn với chồng chưa cưới của nàng.
- Thế à? Tôi có nên ghen hay không? Thanh hỏi cà rỡn.
- Anh khỏi phải ghen, Hảo đáp. Tình đây là tình văn chương của ban C của chúng em thôi.
Thanh là một người con trai lịch thiệp. Anh vồn vã với vị hôn thê mà không để cho cô bạn nội trú của Loan buồn. Nghĩa là anh vui câu chuyện với cả hai.
Hảo lại thấy là anh ta niềm nở với mình quá mức nữa là khác. Nàng hơi ngại vì thoáng thấy cái gì bất chánh trong mắt anh ta.
Giữa lúc ấy thì Phước về:
- À, Thanh. Anh nói to rồi bắt tay em rể. Ở tỉnh có gì lạ không?
- Người ta đồn anh đậu cử nhân.
- Dóc, làm gì mà đồn xa dữ vậy.
- Và có người muốn gả con cho ông cử mới.
- Rất tiếc thuyền đã cặm sào rồi.
- Kéo neo lên rồi gieo bến khác không được à?
Cả bốn cười xòa.
Chúa nhựt ấy cũng vui như chúa nhựt trước, mặc dù thiếu bà cụ cho đến bữa cơm trưa mà cả nhà đều ăn chay.
Kỳ ra thứ ba, Hảo vào nhà thấy Thanh chực sẵn ở đó. Không ai khảo mà Thanh trưng ra đủ thứ lý lẽ để cắt nghĩa sự về thủ đô bất thường của anh ta. Thường thì anh ta mệt, mỗi tháng mới về một lần. Nhưng lóng rày có nhiều giáo sư ngoại quốc sang diễn thuyết nên anh ta không muốn bỏ lỡ dịp học hỏi.
Lần nầy anh ta trắng trợn nịnh đầm mà cô đầm đáng nịnh nhứt lại không nịnh, để chỉ săn đón Hảo thôi.
Hảo khó chịu quá, phần sợ bạn ganh tị và hiểu lầm nên bối rối hết sức.
Trong bữa cơm trưa hôm ấy, Phước đưa vấn đề nầy ra:
- Còn hai tuần nữa là tôi cưới vợ, bận lắm. Cưới vợ xong lại ra riêng, Không biết làm sao để rước Hảo ra nữa.
- Ngỡ gì. Để tôi rước giùm cho. Thanh sốt sắn lãnh sứ mạng.
- Nhưng dượng lại không về thường được, lại đến sáng chúa nhựt mới về.
- Từ đây mỗi tuần tôi mỗi về, mà về tối thứ bảy.
Tuần sau quả nhiên Thanh đến rước Hảo. Hảo do dự, nhưng rốt cuộc cũng theo anh ta mà ra. Thiên hạ đông quá nên họ phải đi bộ để tìm xe. Khi đi ngang qua chùa Xá Lợi, Thanh rủ Hảo vào xem ngôi chùa đồ sộ vừa cất xong ấy.
Học sát bên đó nhưng Hảo chưa biết chùa lần nào, nên nàng hoan nghinh ý của Thanh ngay. Thanh vẫn đứng đắn khi hai người quan sát bên trong chùa. Nhưng khi ra sân xem hai cây kiểng uốn theo hình dáng nóc chùa xưa với mái ngói cong cong, Thanh nói:
- Hảo làm sao không biết chớ tôi mỗi lần chơi chùa là nghe lòng lâng lâng chỉ muốn đi tu thôi.
- Em chưa thích tu, buồn lắm.
- Buồn gì mà buồn. Nếu ta tu được bên cạnh một người bạn chí thân, thì thế giới bên ngoài không còn nghĩa gì cả.
Nín lặng giâu lâu, hắn nói hạ giọng xuống và cố du dương:
- Hảo ơi, tại sao mà tôi gặp Hảo quá trễ như vầy?
Hảo tức giận muốn mắng cho hắn một thôi, nhưng nghĩ mình chịu ơn nhà Loan nhiều nên ráng dằn xuống và chỉ nói:
- Anh không nên thế. Chị Loan là bạn thân của em, hơn nữa, em xem chỉ như chị ruột...
Thanh lui bước ngay vì khôn ngoan biết rằng chưa đến lúc, nhưng thấy rõ là hắn không chịu thua đâu.
Về nhà hôm đó, Hảo cố làm mặt vui nhưng sự ấm ách chứa đầy trong lòng nàng cứ muốn nổ bùng ra. Mặt nàng như mặt chiếc đồng hồ áp lực độ, Loan nhìn vào đó thì biết ngay. Nàng lại biết vì sao mà bạn uất ức, vì anh chàng Thanh cứ cười duyên với Hảo mãi.
Đến trưa, Thanh ăn cơm xong xin về. Cả nhà nghỉ cả, Hảo cầm tay bạn rưng rưng nước mắt mà nói:
- Hảo cám ơn Loan lắm. Loan không hề hiểu lầm Hảo suốt hai tuần nay.
- Loan hiểu cả. Tình bạn của ta vẫn nguyên vẹn như xưa.
- Hảo cứ sợ là không được như Loan đoán. Thôi từ đây Hảo không ra nữa nhé.
- Sao lạ vậy, bậy nà! Loan hiểu biết lắm mà.
- Loan hiểu biết, nhưng anh ấy lại không biết điều. Hảo tự tin Hảo, nhưng Hảo sợ anh ấy đổi lòng với Loan.
Thôi nhá, dầu sao Hảo cũng nhớ ơn Loan trọn đời. Nếm hạnh phúc bốn tuần ở nhà Loan. Hảo như kẻ chết đói được cầm thực bằng một chén cháo. Không cháo, kẻ ấy chết mất trong héo hon rồi.
Đôi bạn ôm nhau òa khóc.
Đêm đó trên lầu ngủ nội trú trường Gia Long, có thêm được một người thút thít trong chăn. Người ấy bơ vơ vẫn hoàn bơ vơ, và đau khổ hơn bao giờ cả.
"Kéo neo rồi gieo nơi bến khác không được à?" Hảo như nghe văng vẳng câu pha trò của Thanh ở nhà Loan, lời nói đùa, nhưng tố giác một căn tính bất thỉ chung của một người con trai nông dạ.
Trời ơi! Nàng than, số phận ta sao mà hẩm hiu quá như thế này? Nếu Thanh mà đứng đắn thì có đâu mình phải mất nơi trú ẩn tinh thần dễ chịu là nhà Loan?
Từ đây không mong gì có một dịp thứ hai được ai thò tay xuống bể hiu quạnh để vớt mình nữa.
Học xong ban tú tài, chắc mình phải vào ngay Nữ đại học xá ở đường Trần Quý Cáp, hay vào một tu viện cũng không biết chừng.
Gối chăn Hảo bấy giờ đã ướt như mưa dột nóc trường.
Tạp chí Nhân Loại, 1957
Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò - Bình Nguyên Lộc Nụ Cười, Nước Mắt Học Trò