Số lần đọc/download: 719 / 4
Cập nhật: 2016-02-27 10:45:52 +0700
Vào truyện,
Khoảng cuối năm 1967. Một giang-đoàn Mỹ đổ bộ đơn vị chúng tôi vào phía tả ngạn Đông Vàm-Cỏ-Tây. Suốt một ngày hành quân không thấy một bóng người, chỉ còn ruộng, vườn hoang hóa đầy dấu vết của bom, đạn. Từng nhóm mộ đất trên những gò cao, mưa nắng đã bào mòn, một vài thân cây làm dấu cắm trên mộ ngả nghiêng. Mỗi nhóm mộ là của một dòng họ, gia đình riêng biệt…
Năm 1970 hành quân sang Campuchia, tôi bị thương ở lại tiền cứ. Vì máy bay trực thăng Mỹ hiếm chỉ dành chở những chiến binh tử trận và những người bị thương nặng.
Đêm ở tiền cứ tôi gặp lại một người bạn học, đại úy H đại đội trưởng và đại đội của anh đang giam giữ hơn mười tù binh dưới hố sâu đào bằng xe ủi phía trên giăng kẽm gai.
Đêm ngồi nói chuyện với H, có một tù binh trẻ bỗng bị đau ngất cầu cứu. Vị thượng sĩ thường vụ:
– Mặc xác nó.
Tôi nhìn H và anh quát lên:
– Gọi y tá
Anh tù binh trẻ bình phục. Tôi xin phép H cho người tù binh trẻ ở lại trên mặt đất, được tự do không trói tay, cột chân. Tôi làm quen mời thuốc lá, lắc. Mời kẹo chocolate, lắc. Hỏi thăm quê quán, gia cảnh, lắc. Những cái lắc đầu còn thù hận. Tôi điềm nhiên, không phản ứng. Bỗng bất thần người trẻ tuổi ấy hỏi lại tôi: “Chú quê miền Bắc?.” “ Ừ, chú đang bị thương”. “Ừ, em hay bạn của em bắn đấy”.Tôi vẫn điềm nhiên.
Sau đó người thù binh trẻ đổi thái độ, đã chịu hút thuốc, ăn kẹo chocolate, kể về quê quán và kể câu chuyện tôi viết ra đây, chuyện kể từng lời dẫn trí nhớ tôi về con Kinh Giữa, những nhóm mộ đất, sông Vàm-Cỏ- Tây ngày ấy…Đến sáng tôi về vị trí của tôi, người tù binh ấy về lại chỗ giam giữ. Câu nói cuối cùng của người tù binh tôi còn nghe: “em là anh em họ với thằng Bửu. Thằng Bửu tự nguyện tử thủ cầm chân địch cho đơn vị an toàn rút lui, hy sinh ở miền Đông. Chú có về lại Kinh Giữa nhắn dùm”. Tôi đã quên không hỏi tên người tù binh trẻ đó.
Năm 1970 về Sài Gòn nghỉ phép dưỡng thương tôi viết lại câu chuyện này, duy nhất một ý nghĩ, nói về sự chịu đựng, hy sinh của dân tộc tôi, từ cả hai phía.
Bốn mươi năm sau, 2010 tôi mới có ý định phổ biến câu chuyện này với chủ tâm khác gửi đến những người cầm bút từ phía khác “Lịch sử chưa bao giờ là một ngộ nhận, xin hãy viết lại lịch sử bằng trái tim và sự trân trọng” i###Saigon 2010
Một
*
Chú hai Cực không chọn nơi để sinh ra, cũng không chọn cho chú một số phận… Nhưng chú đã được sinh ra bởi một mơ ước u buồn của cha mẹ, bởi một nỗi nhục nhằn nào đó chất chứa không hết trong lòng người. Nguồn gốc, tổ tiên, chú từ đâu? quê hương chú từ đâu?, nào ai biết…
Người Pháp từ một miền đất xa lắc, mịt mù trong trí nhớ đã đến đất này thống trị, khoác một cái ách lên cổ ông cha chú, lên lớp người cùng khổ. Sử sách đã làm mốc thời gian 80 năm. Với chú hai Cực chẳng cần, chú chỉ cần nhớ đã nhận cái số phận đó từ bao giờ: Nguyễn-cơ-Cực sinh năm 1920, thôn, xã, huyện… Tấm giấy khai sinh cho chú một ý niệm, về nơi chốn đã được chào đời. Ông cha chú, cha truyền con nối làm tá điền cày thuê cuốc mướn cho bọn chủ đất. Theo thời gian, theo chân bọn quan quyền người Pháp chiếm đóng Nam bộ, bọn quan lại bản xứ đã chiếm hữu vườn ruộng, cửa nhà bằng chính công sức mồ hôi, nước mắt của ông cha chú, thậm chí cả đến lòng thương tổn xót xa. Bọn người bản xứ ấy làm giàu trên xương máu của lớp nông dân, chúng thâu tóm trong tay những vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, thúc ép, dồn đẩy lớp người như cha ông chú đến những vùng đất hoang dã, khắc nghiệt. Có lẽ, ngày chú trào đời đánh dấu những khánh tận cuối cùng của dòng họ. Cha mẹ đặt tên đứa con đầu lòng: Nguyễn-Cơ-Cực.
Số phận nào đã đưa đẩy lớp người lang bạt, mất nhà cửa theo sông Vàm Cỏ Tây về khai hoang, lập nghiệp ở mảnh đất này. Khí hậu phản phúc của thiên nhiên, sự giận dữ của đất, chất độc từ loài cây dại ngâm trong nước, biết giết người, hành hạ con người. Một khoảnh đất vô danh của Đồng-tháp-mười mênh mông đầy dấu vết của cái chết: bộ xương một loài thú hoang, xác một con rắn độc, cả đến những hồn ma rừng rú, cả đến những tiếng động những hình bóng đã mất tích…
Một cơn giông bão nào trên sông Vàm Cỏ Tây lạnh lùng xô dạt mũi ghe lớp người ghé bến. Tiếng gọi nào của đất ngủ vùi trong làn nước phèn ngập đã ngàn năm, lay động tấm lòng nhân hậu của đất thức dậy.
Đoàn người du mục ấy gồm bảy người của hai gia đình, hai dòng họ khác nhau, nhưng cùng có chung một số phận. Tuổi tác họ khác nhau giống đực và giống cái nhưng trên nét mặt mỗi kẻ, trên màu da, và trên hai vai họ như có một bàn tay cai trị đã bôi bẩn, đã đè nén họ xuống tận cùng. Họ như một đám người hành khất lạc loài, một nòi giống lưu đầy trên chính quê hương.
Chú hai Cực ví như một sinh vật đã được tự nhiên lớn lên.
Ngày ấy cha mẹ chú hai Cực dựng một cái chòi lá trên một gò đất cao. Và đồng loại với gia đình chú là gia đình Tư Hưng trên một gò đất khác cách nhau khoảng nửa cây số. Họ làm việc, làm quen với đất, đổ mồi hôi nước mắt để đất biết khoan dung, tha thứ cho sự xúc phạm của họ. Họ khai hoang chặt cây, nhổ lác, đắp bờ. Thân thể, tay chân, họ chảy máu. Máu sẽ làm cho đất hả giận, máu cũng để tạ lỗi với đất trời. Họ hiến cuộc đời cho đất và đất sẽ biết thủy chung.
Đời sống gia đình hai dòng họ được tạo dựng từ đấy yên ổn, bất trắc những đứa trẻ sinh ra kế tục nhau lớn lên yên ổn, bất trắc như mỗi vụ mùa, như cây trái trên đồng…
Cái thôn xóm vô danh bên phải sông Vàm cỏ tây, lầy, mặn phèn, hoang dã đã có lửa, có tiếng người, có khói bếp ấm áp thở cùng hơi thở của đất.
Loài người ở đây đã có thật, sự sống khác cũng đã có thật. Tiếng rống âm vang của con bò đực thứ nhất, màu xanh thân thuộc của lúa, của hoa trái ban ơn, tiếng hót của những loài chim rừng đến thăm viếng cái hạnh phúc giản dị, u uất
Bắt đầu có một thôn xóm không ghi địa danh trên bản đồ và một hạnh phúc không có trong trí nhớ.
Hai
*
Con sông Vàm cỏ tây đã chảy qua đây bao nhiêu nước, đã mang theo những lời than vãn, giằng dặc cả những tiếng thổn thức giữa đêm khuya khoắt. Cha mẹ chú hai Cực lần lượt qua đời, đã chết trẻ. Đó là cái giá phải trả cho đất, cái sức lực phải trả cho nhọc nhằn. Chết là một cách giải thoát cho cuộc đời họ. Nhưng còn kẻ sống. Và chú vẫn phải sống, vẫn phải lớn lên nối nghiệp cha mẹ, cái sự nghiệp là ước vọng một đời khắc khổ, chắt chiu, giành giật, mấy công ruộng đất đã thuần, cái cày, cái bừa, cái cuốc, con bò đực trung thành và một căn chòi lá.
Cha chú: ba ông Khổ phiêu bạt từ nơi nào tới đây mang theo mẹ chú và chú năm vừa mười tuổi và người bạn đồng hành ông Tư Hưng. Ông ba Khổ thầm lặng chẳng hề mở miệng về đường đời ông đã trải qua, chẳng cười, chẳng nói hai hàm răng cắn chặt lại một nỗi oan ức. Cặp mắt nhỏ như cố nhỏ lại che giấu cho ông. Mưa nắng nhọc nhằn để lại trên trán ông những nếp nhăn sớm, một màu da của nước phèn, màu cây mục rã màu đất hoang trộn lại. Và khuôn mặt ông như dị dạng đôi khi méo mó đi một cách đáng sợ. Ông đã chết trước, ông đã mang theo cả những bí mật, cả những ước vọng của con cái, và như đã chôn theo cả mấy đời làm nô lệ của tổ tiên. Mẹ chú chết sau đó mấy năm, sau một cơn bệnh dài kiệt sức, bình thường giản dị như tất cả những người đàn bà lam lũ khác chẳng mất một giọt nước mắt, một tiếng kêu.
Vậy cái duyên số nào đã mang thím đến với chú hai Cực. Cái thiên chức tự nhiên của tạo hóa như giống cái, giống đực của thú vật, nhị cái nhị đực của hoa. Hoa kết trái, thú vật sinh tồn và con người cũng sinh tồn.
Thím hai Cực mồ côi được thiên hạ nhận làm con nuôi từ tấm bé, lớn lên, chăn trâu, cắt cỏ, làm thuê, ở mướn chẳng có gì để nhớ, vậy là hai nỗi đau khổ đã cộng lại. Rồi thím cũng sinh con, đẻ cái, đứa đầu thàng Minh, ba năm sau thím sinh lần thứ hai: con Sớm. Chú hai Cực nghe nói năm sinh thằng Minh là năm Cách mạng khởi nghĩa. Chú nhớ vì năm đó bỗng nhiên hai người con trai Tư Hưng bỏ nhà đi biệt tích: hai Thắng và ba Lợi
Cùng với thời gian, có những ân sủng và nghiêm khắc, nó cho sự sống nhưng đã cũng sẳn sàng hủy diệt đi. Vợ chồng Tư Hưng cũng lần lượt qua đời. Bây giờ trong căn chòi lá lớn, ngay ngắn của gia đình Tư Hưng còn lại một mình thím hai Thắng đang bụng mang dạ chửa. Đầu năm sau ngày hai Thắng bỏ đi thím sinh đứa con đầu: thằng Bửu
Con sông Vàm cỏ Tây bắt nguồn từ đâu, chảy qua những nơi nào, đổ về đâu chú cũng không biết, nhưng sông Vàm cỏ vẫn miệt mài làm cái công việc mang nước, mang sự sống từ nguồn về một cách nhẫn nại, công ích. Dẫu trải bao đời nay, con sông vẫn lạnh lùng, thách thức nó mang những cuộc đời cơ khổ theo nó. Hai bên bờ đã mọc lên những thôn xóm nhỏ vô danh, cây cũng mọc lên chi chít, hoang dã thành rừng, nào đước, chàm, dừa nước, cả những loài cây ăn trái đây đó cũng dại dột mọc lên. Bạt ngàn nước bạt ngàn rừng ngập, mảnh đất mênh mông vô thừa nhận, chẳng ai tranh giành. Và gia đình chú đã tranh giành với thiên nhiên để làm chủ một sự nghèo khổ đến xót xa.
Trong trí nhớ của chú hai Cực ba mươi tám năm xa lắc, giòng giã, mù mịt từ cậu bé mười tuổi áo vá, chân đất, mù chữ theo cha đến đây, theo cha trên luống cầy. Cha chú làm con bò đực, mẹ chú cầm cày, cầm bừa. Gia đình chú ba con người xa lạ cầm dao, cầm cuốc, cầm rựa, quần quật từ sáng đến tối, phạt cỏ, chặt cây, cuốc đất. Cái sức mạnh dị thường khiến cha chú có thể kéo bật lên lớp đất dẻo chằng chịt những rễ cây dại đứt phừng phựt xới lên thành luống. Đôi khi mẹ chú thương chồng, đôi khi đất bất trị, mẹ chia sẻ với cha cái ách trên vai. Hai người cùng mang một cái ách oằn lưng trên luống đất. Chú cầm cày chập choạng theo sau và lòng chú quặn đau.
Cái hạnh phúc gia đình chú, tưởng như xa lạ, lạnh lùng chẳng có nụ cười. Cuộc đời nhẫn nhục, liều lĩnh, thách thức cha chú, tình yêu thương đơn giản như sông, như đất mênh mông của mẹ đã khai mở cho chú một trí tuệ khác, mẫn cảm và một tấm lòng. Tuổi thơ chú đã được lớn lên như thế để thành một người đàn ông
Rồi đất cũng trả công cho người, cây cho trái, đồng ruộng cho lúa, cho hoa màu. Cha chú mua được con bò đực thứ nhất. Con bò đực thân yêu, bạn súc vật đầu tiên của chú Nhưng số phận đã không buông tha cái khốn khổ của xóm ấp này. Chiến tranh đến gần mang đi hai người bạn của chú, thằng Thắng, thằng Lợi bỏ cày, bỏ bừa đi biệt tích. Oi, sự tàn nhẫn lặng lẽ. Mười lăm năm sau ngày sinh thằng Bửu, thím hai Thắng qua đời. Rồi đến lượt vợ chú bỏ chú lại cảnh gà trống nuôi con. Thằng Minh mười bảy, con Sớm mười bốn
Ba mươi tám năm mù mịt xa lắc, đau đớn khác thường mà tưởng chừng như mới hôm qua.
Ba
*
Chiến tranh đã trở lại khốc liệt hơn. Sau khi chôn cất vợ, chú thu xếp thằng Minh lên thành phố nhờ cậy một người quen biết. Chú đã suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định. Trong thâm tâm chú chẳng mong mỏi gì ở tương lai thằng Minh, chú làm sao thay đổi được số phận nó. Chú nghĩ, thôi cho nó tạm lánh thân vài năm hết chiến tranh lại trở về…
Thằng Minh đi được ba năm, quãng thời gian ngắn ngủi cũng đủ làm thay đổi thêm khuôn mặt cái xóm ấp nhỏ bé này. Bây giờ là tháng tư âm lịch. Mùa mưa sớm đã bắt đầu, gió thổi từ biển vào đất liền, mang những trận mưa lớn, mây xuống thấp, vần vũ và mặt trời chỉ hé lúc bình minh, một chút nắng đủ khô ngọn cỏ vào lúc giữa trưa. Đó là không gian, khí hậu của một mùa khác mùa trước, ranh giới giữa hai mùa: mưa và nắng. Nhưng đối với người nông dân, với chú đang náo nức chờ đợi mưa như tiếng gọi của ngày làm mùa, một niềm hi vọng khao khát nức nở.
Bây giờ chỉ còn lại hai cha con chú lặng lẽ, cô quạnh. Con Sớm, con gái chú vừa mười bảy. Cái sức sống bí ẩn, mãnh liệt từ trong mạch máu vươn lên, căng đầy, hừng hực. Cái sức sống ấy mở bật đội mắt to, đang chất chứa một nỗi u uẩn của mẹ nó. Hai cha con sống trong cái chòi lặng lẽ như hai cái bóng. Con Sớm theo chú làm tất cả công việc của thằng Minh để lại tháo vát, táo bạo như một người đàn ông chẳng hề mở miệng than trách.
Chiến tranh mỗi lúc một đến gần xuất hiện như cái bóng đen lớn, bom đạn mới đầu còn xa rồi dần dần trùm phủ lên thôn xóm. Các loại trọng pháo bắn đến từ các phía Quận, Thị Trấn chung quanh nổ chụp trên đầu đạn đào đồng ruộng thành những cái giếng nhỏ. Có đêm, từ bên kia sông bỗng ầm ầm chớp giật rung chuyển khủng khiếp từng dây lữa chằng chịt tưởng bất tận. Căn chòi của chú rung lên, dãy rục dưới sức hơi ép lửa nóng hực. Con sông bây giờ cũng lặng bóng ghe thuyền qua lại, xuôi, ngược. Chiến tranh đã thực sự đến tận thôn xóm, cây cối bị cháy nám đen, xé toạc, cỏ cũng vàng trên mặt đất, lúa trong ruộng cằn khô. Có những lúc chú đau đớn ngồi hàng giờ trên bờ ruộng nhìn xuống. Đã thấy những con cá nhỏ chết, xác những sinh vật thân thuộc của đồng ruộng nổi lềnh bềnh, rã mục. Trên cao lá vàng rụng trái mùa. Đã có một chất độc khác ngấm trong nước, rắc lên cây cỏ ngoài chất độc của thuốc bom đạn cháy vì sự rỉ sét kim loại. Lúa không trả nợ thóc cho người và con bò đực gầy rộc vì thiếu cỏ.
Sớm mai, chú ra ruộng, vỗ về con bò đực trước khi mang lên vai nó cái ách, kéo cày. Chú muốn nói hết tâm sự của chú, nhưng con vật làm sao hiểu hết tiếng người. Chú trân trọng nhẹ nhàng với nó. Một người đàn ông, một con bò đực cùng nhau kéo đẩy chung một số phận. Con Sớm ngồi trên bờ ruộng, mạ gieo cho ngày cấy muộn, đã chết. Những thửa ruộng cấy xong, thân mạ tả tơi úa héo không đủ sức vươn lên. Lòng thương xót và nước mắt con Sớm không đủ làm cây lúa sống lại. Con bò đực những lúc nghỉ ngơi, khi chú tháo khỏi vai nó cái ách, chẳng tìm đâu ra miếng cỏ tươi, đôi mắt nó cũng buồn bã, u uẩn. Chú dỗ dành âu yếm nó, hai mắt nó mở lớn, long lanh tưởng chừng có hai giọt nước mắt trong khóe mắt. Con bò đực cũng biết khóc? Chú liều lĩnh cùng con Sớm chèo ghe qua sông, vào sâu trong các kinh, rạch cắt cỏ, chú đoán chừng nơi nào chưa có con người đặt chân đến cỏ sẽ mọc đàn, mọc đống. Chú thất vọng, nơi dây vết bom đạn còn dữ dằn hơn thôn xóm chú, bom đào thành những ao lớn, cách đều nhau, cây cỏ thì chết rạc. Màu sắc cái cảnh hoang tàn này thoạt trông như những vết lở trên da thịt ung thối lâu ngày.
Chú mua rơm rạ khô về cho con bò đực, rải ra cho nó nằm nhớ cái bộ vó hùng vĩ trên luống cày ngày trước với cái thân hình tàn tạ, da bọc xương của nó bây giờ. Tưởng đến sự cọ xát của những đầu xương nhô ra trên mặt đất cứng, chú lại đau lòng. Những lúc ngồi cả buổi chiều nhìn con bò đực cột dưới gốc cây nhai buồn bã từng miếng rơm khô chát, chú chẳng còn cách nào lấy lại phần xương thịt đã mất đi vì thiếu cỏ, thiếu việc làm. Bao lâu rồi chú không nghe tiếng rống lên của nó như kiêu hãnh về cái giống đực, về con vật biết trung nghĩa với con người. Vào một đêm có trăng mảnh trăng lưỡi liềm treo trên những cành cây lô nhô, nhìn xa cắt lên nền trời những hình thù quái dị, ánh trăng mờ nhạt, buồn hiu. Thiên nhiên, chung quanh chú im ắng, lắng ngủ, chẳng còn tiếng một con gà trống nào gáy lên, báo giờ giấc cho người. Một vài con dế hèn hạ, vô tích sự, sống sót, dai dẳng đập cặp cánh thành những âm thanh lạc lõng. Chú nằm tưởng nhớ, trằn trọc. Những đêm ngày mùa qua trong tâm trí chú, những vụ gặt đã qua thật rồi ư? Chú tưởng chừng như có một sức nặng đang dồn ép trong lồng ngực, tức thở. Một tiếng gọi nào xa lắc, mơ hồ chú còn nghe thấy, những hình ảnh đã khuất lấp, mù mịt mà mắt chú còn nhìn như thật. Chú mở mắt trừng trừng trong bóng tối.
Chú hai Cực đã gần năm mươi tuổi rồi, cái cơ ngơi nửa đời chú tiếp tục gây dựng thêm chẳng là bao, nhưng gần gũi, thân thiết như xương với thịt, như máu trong huyết quản. Người ta đã tước đoạt mơ ước của cha mẹ chú, tay trắng đến đây.Bây giờ người ta rải chất độc xuống ruộng vườn chú, bắn trọng pháo bất kể lên đất đai,nhà cửa,bất kể lên sinh mạng cha con chú,”Thời buổi con người hơn gì con vật?” chú thiếp đi.
Một loạt trọng pháo từ phía thị trấn bắn xuống đánh thức chú dậy, hất tung chú lên.những tiếng nổ như sét đánh, dữ dội, rất gần, mùi khói đạn mù mịt, khét lẹt.
Sáng hôm sau chú thức sớm, lại thăm chừng con bò đực. Chú bỏ thêm rơm khô vào máng ăn, vỗ vỗ lên đầu nó. Chú đi thăm vườn tược, ruộng bãi của chú, đạn khoét sâu xuống ruộng hất ném đất tứ tung, cây trong vườn gẫy, dập. Mỗi lần mất đi một ít, mai kia chắc chẳng còn gì, chú lầm lũi, ngao ngán trở về.
Chú và con Sớm bắt đầu làm hai cái hầm nổi, một cho cha con chú và một cho con bò đực.
Bốn
*
Con bò đực đã chết.
Chú đã đắp đất thành cái hầm nổi chung quanh chuồng con bò đực. Buổi chiều chú bỏ ít rơm khô cho nó nhai qua đêm. Nhưng nó chẳng được sống qua đêm. Tại số nó như vậy. Tại số nó hay số phận chú? Mất con bò đực là mất đến tài sản cuối cùng, ai sẽ thay con bò đực làm bạn đường đời với chú chia sẽ nỗi khốn khổ này. Ai sẽ kéo cho chú cái cày, cùng chú hai sương một nắng. Một vết đạn sắc mở vết thương dưới con mắt trái con bò đực, máu và sự sống thoát ra từ đó, hàng trăm mảnh khác ghim cắm vào những cột, cây, rải rác trên mặt đất, những mảnh đạn mầu rêu nhạt, có in nét chữ đen, nét chữ vàng. Ôi, oan nghiệt. Bom đạn này từ đâu tới đây nổ trên đầu chú, khắp vườn ruộng, cây trái và bây giờ đến con bò đực. Một vệt máu đã đông đặc từ vết thương chảy xuống hai mép hé mở, cặp mắt trắng dã. Nó chết chúi đầu xuống đất như đã cố thở những hơi thở cuối cùng nơi chốn thân yêu. Có lẽ trong đời chú chưa bao giờ chứng kiến một cái chết thương tâm của một con vật trung nghĩa như thế.
Con bò đực già của cha chú để lại khi xưa, chú đã bán khi nó không còn sức lực. Người ta đòi giết thịt nó trước mắt chú, tàn nhẫn như một con dao sắc cắt vào lòng chú. Cái luật về sự sống còn không thuột về chú, con người có thể làm những đều họ muốn, nhưng chú đã không giết con bò đực già, lạc loài.
Bây giờ, con bò đực trẻ lại chết, chú quanh quẩn bên xác con bò, đi ra đi vào chẳng biết phải làm gì. Đầu óc chú rỗng không, ù lì cảm giác như chính chú trúng phải mảnh đạn, dòng máu chú chảy quanh cặp môi hé mở.
Con Sớm giục giã chú, lay gọi chú, rồi nó tất tả chèo ghe đi kêu người để bán xác con bò đực.
Xế chiều con Sớm chèo ghe trở về, theo sau nó là một cái ghe khác có mấy người đàn ông lạ mặt, lực lưỡng. Họ cột ghe chổ lõm con sông, đi quanh co theo đường bờ ruộng. Họ trả giá với con Sớm sau khi coi xác con bò đực. Họ lột da, xả thịt nhét vào những cái bao mang theo và họ theo đường bờ ruộng quanh co trở ra chổ buộc ghe. Có một người đàn ông trẻ hơn trong số họ đi sau cùng, tay cầm sừng con bò đực, lắc lư cái đầu con bò đực bị chặt đứt trong không khí. Xế chiều hôm đó, ngày hạ tuần, có một chút nắng không đủ làm ấm cái giá rét trong lòng chú hai Cực, cũng không đủ khô những giọt máu còn sót trong xương thịt con bò đực nhỏ giọt trên bờ cỏ những người lạ mặt kia đã đi qua.
Ba ngày liền chú nằm li bì như đau nặng, bỏ ăn, bỏ uống. Trong căn hầm ẩm ướt, tối mù, chẳng phân biệt được ngày, đêm bên ngoài, chẳng có tiếng một con vật thân thuộc nào của đồng ruộng cho chú biết giờ giấc, trưa hay chiều, tối. Chẳng còn một ý niệm nào nhắc nhở chú còn sống.
Đạn trọng pháo từ phía thị trấn vẫn bắn, nổ âm âm lên cái bóng tối ấy, lên cái ranh giới riêng của chú: giữa sống và chết. Tội nghiệp con Sớm. Nó chờ chực bên cạnh chú và nó khóc. Có một lúc nào đấy, chú cảm thấy những giọt nước mắt con Sớm nhỏ lên mặt, làm chú tỉnh lại.
Ngày mùa đông ngắn hơn, hầu như không có mặt trời, khoảng 4 giờ chiều sương đã phủ dày đặc trên mặt sông, mù mịt, hơi nước như đặc lại mầu trắng li ti. Hai bờ con sông Vàm- cỏ- tây hoang vắng lạ lùng, những hàng cây cắt lên nền trời một mầu khô chết.Thằng Bửu lặng lẽ chèo xuồng thả theo con nước xuôi, quan sát như cố vận dụng một cái gì trong trí nhớ nó. Trên trán thằng Bửu mồ hôi lấm tấm mặt dù gió lạnh. Có thể giờ này trọng pháo sẽ bắn rải theo bờ thềm của con kinh giữa, nó linh cảm một điều chẳng lành, cây cỏ hai bên bờ con sông đã báo cho nó biết vậy. Hôm nay thằng Bửu trở về vì nó có hẹn với con Sớm lúc trăng lên.
Nó không biết mặt cha và mồ côi mẹ năm mười lăm tuổi. Căn nhà hẹp như một cái chòi từ thời ông nội nó để lại. Kể như quê hương, thôn xóm nó ở đây. Cha nó và chú ba Lợi đi theo cách mạng từ thời chống Pháp không trở về. Bây giờ nó mới được biết vậy.
Năm cha nó đi cũng là năm mẹ nó sinh nó. Nó chào đời trong cái góc nhà lá, cô quạnh, có một cái bếp lửa để un khói muỗi, vừa để ấm lòng người mẹ nhọc nhằn. Thoáng chốc đã hai mươi ba năm, thoáng chốc đã tám năm mẹ nó chết như rành rành hình bóng trước mắt. Nó đột ngột thở dài, trong cái thiên nhiên đang chuyển động, sông nước có thấu hiểu tiếng thở dài của nó?
Hôm nay thằng Bửu trở về, tính ngày tháng trên ngón tay, vừa ba tháng. Hai năm nay nó bỏ căn chòi lá, bỏ hoang ruộng vườn đi biền biệt, ai biết nó đi đâu? Cứ vài tháng nó lại về, ngồi trước sân, đi loanh quanh thăm mộ ông bà nội, mộ mẹ nó trên một gò đất quây quần một gia đình.
Cái tình cảm thân yêu thiêng liêng đã giữ chân nó, tình yêu của con Sớm láng giềng cũng nảy nở trong lòng nó. Lòng Thằng Bửu se lại, hôm nay nó trở về để nói với con Sớm một điều đã thay đổi. Bây giờ bản thân nó chẳng thể quyết định được gì thêm, một con đường khác đã mở, có thể là con đường cha nó và chú ba Lợi đã ra đi ngày trước. Thằng Bửu không thể giấu mãi con Sớm, tội nghiệp con Sớm.
Mảnh trăng non đã lên một mầu sắc khác thường, cây lá xào xạc một ngôn ngữ khác thường, quê hương của thằng Bửu đang đón tiếp, đang trò chuyện với nó. Khúc lõm của con sông đã hiện ra, thằng Bửu ghé xuồng vào, nó lặng lẽ cột xuồng rồi lên bờ, chỉ còn thấy cái lưng nó lô nhô trong bóng cây. Thằng Bửu đến chỗ hẹn con Sớm. Mảnh trăng lưỡi liềm đã lên cao,soi bóng thằng Bửu lẫn với bóng cây soài bằng tuổi nó đã bị bứt hết lá, khô chết, nó chọn một chỗ ngồi quen thuộc, chờ đợi, mặt hướng về con sông Vàm-cỏ-tây, phía bên trái là căn chòi lá ông bà nó để lại, bên phải, căn chòi lá khác của chú hai Cực, nhà con Sớm,” giờ này con Sớm đang làm gì? “ Bên kia sông dòng nước lấp loáng, bạc ngàn hoang dã là ranh giới của ánh trăng và bóng tối của mặt đất như một dải khăn viền đều đặn, một cái khăn sô quấn trên trán một thiếu phụ, cái không gian tĩnh mịch, tắt tiếng. Bỗng một con vạc lẻ loi bay ngang qua nhả một tiếng kêu khản đặc. Thằng Bửu rùng mình, không một ánh lửa, không một mùi vị thân thuộc, thậm chí đến tiếng kêu la của gia xúc sống bên cạnh con người. Trong tâm trí thằng Bửu mơ hồ nhận ra một điều làm nó hết sức đau đớn, quê hương nó xa lạ, hắt hủi đến thế ư. Nó đứng dậy đi về phía cột ghe, đột ngột muốn bỏ đi, bỏ cả cuộc hẹn với con Sớm. Nhưng nó và con Sớm đã gặp nhau ở giữa đoạn đường ấy. Có một cái gì khác lạ khi thằng Bửu nhận ra con Sớm.Nó đứng lại chờ cái bóng lao đao ấy đến gần. Khi hai đứa đối mặt nhau, thằng Bửu cố ghìm một tiếng kêu gầm gừ trong cuống họng hai tay ôm lấy mặt. “ Mày đau hả Sớm” Ừa tao đau” thằng Bửu ngó quanh “ Bây giờ tao chẳng giúp gì mày được”, “ mày lại đi nửa hả Bửu”. Con Sớm hỏi không ngó thằng Bửu, nó ngó quanh quất đâu đó, đưới chân chúng nó có hai cái bóng. Thằng Bửu trả lời con Sớm “ừa mà lần này tao đi lâu lắm, chẳng biết đến bao giờ”. Thằng Bửu đã nói thêm với con Sớm những gì, tai nó không nghe, nó đã không thấy những gì mắt nó đang thấy. Tai nó ù đi, như sực tỉnh, nó đã thấy bóng con Sớm như xa lắc, ngoài tầm tay nó, ngoài tiếng kêu gọi của nó, miệng thằng Bửu như bị khớp cứng lại. Con Sớm chạy chập choạng, ngã nghiêng mất tích vào bóng tối căn chòi lá. “ Thôi hết”. Thằng Bửu cố gắng đi thêm một quãng đường về phía nhà con Sớm, một quãng đường của những điều còn sót lại. Nó nhìn xuống những bước chân nó và chợt nhận ra vuông vải may làm khăn tay của con Sớm, thằng Bửu lượm lên nắm chặt trong tay. Bấy giờ ánh trăng ảm đạm trên hai vai nó, đầu cúi về phía trước một cái bóng trai tráng, vạm vỡ.
Cuộc chia ly của thằng Bửu, con Sớm thật giản dị, bởi cả hai đứa đều không thể ngờ được sau lần gặp gỡ ấy, chẳng còn bao giờ chúng gặp lại nhau….
Con Sớm đang ngồi khóc trên bậc đất nơi cửa hầm, những giọt nước mắt đau đớn không đủ chỗ chất chứa trong lòng nó ứa ra, không còn sức chịu đựng, cầm giữ. Nó ngồi bất động suốt đêm. Đến sáng chú hai Cực tỉnh lại, môi mấp máy. Nó ghé sát tai vào mặt chú, nó nghe được giọng thều thào, hụt hơi của chú. ” Sao mày khóc”,” Con bò đực chết thật rồi hả”.
Những cây cành trong vườn nhà nó bị tước đập, bị chặt đứt, xé toác, cháy đen, trụi lá tưởng như chết tiệt đang cố nứt nú ngọn mầm. Nhưng hạt thóc chết trôi trên đồng ruộng cũng cố vươn lên ngọn mạ ngả nghiêng. Những ngọn gió từ biển mang mưa muộn màng đến. Trong những bất hạnh sức sống lại vươn bật lên mãnh liệt.
Chú hai Cực bình phục mau chóng, con người nông dân cần mẫn trong chú sống lại cùng tiếng gọi của ruộng đồng. Chú cùng con Sớm chuẩn bị làm mùa muộn. Và chú sẵn sàng làm con bò đực đi trước cái cày, chú khoác lên vai cái ách như cha chú như xưa. Con Sớm sẽ cầm cày, vỡ đất. Oi, cái mong ước giản dị, khắc khổ của hai con người duy nhất còn sống sót trên đồng ruộng của họ. Chú hai Cực bỗng mạnh mẽ như con bò đực, chú cong ngả người về phía trước kéo cái lưỡi cày đi phừn phựt, xẻ đất không mệt mỏi, không cần nghỉ ngơi để lấy lại hơi sức. Con Sớm theo sau cái cày đến vã mồ hôi. Hai cha con chú làm việc từ sáng đến chiều và mỗi buổi chiều chú và con Sớm trở về trước cái giờ định mệnh. Như thông lệ, đạn trọng pháo bắt đầu bắn từ các phía, và đạn nổ rải lên đồng ruộng bên này cả phía bên kia sông. Mỗi lần tháo cái ách ra khỏi vai, chú lại nhớ con bò đực, nhớ xót xa. Chú đổ mồ hôi chăm sóc ruộng đất, hy vọng ruộng đất sống lại. Nhưng làm sao con bò đực sống lại được.
Những cố công của hai cha con chú hai Cực đều vô ích. Đất chết thật, thóc không thể nảy mầm trên ruộng. Mỗi ngày đạn trọng pháo bắn càng nhiều bất kể ngày đêm, giờ giấc. Ruộng đồng đang xa chú, cây trái đang phản bội chú. Cả ngày chú loanh quanh, từ sân ra vườn, từ vườn ra ruộng. Cả ngày hết đứng lại ngồi, quên ăn, bỏ ngủ. Chú gầy sút thảm hại, đôi vai bắt đầu co lại, còng xuống. Gía ruộng đất, cây cỏ có linh hồn, cả ngọn gió mùa thổi đến đây có linh hồn. Giả dụ thiên nhiên còn biết trắc ẩn và chú cảm thấy linh hồn con bò đực vẫn quanh quất đâu đây.
Có đêm nằm trơ trọi trong hầm, gác tay lên trán. Chú mơ thấy cây cối trong vườn xanh tốt hoa trái như thật lúa triễu hạt trên đồng. Con bò đực hùng vĩ mở to cặp mắt hiền lành, cái lưỡi nhám sắc liếm lên bàn tay chú. Cái cày, cái bừa, cái cuốc cũng có tiếng nói, tiếng những loài chim đêm đi kiếm ăn bay qua bóng đêm xanh mát, đằm thắm, một con vạc mê mải lẻ bạn kêu gọi bầy. Cả cái không gian có sương muối, có khói phủ, có hơi thở đầy ắp tiếng động thân mật của ruộng đồng. Con giun, cái kiến cũng có được sự sống. Bây giờ mỗi đêm trong giấc ngủ mê mệt chú hay mộng mị như có một tiếng gọi miên man, khoắc khoải trong đầu chú hay ở đâu đó, trong góc căn hầm, tít bên kia sông. Một loạt đạn trọng pháo từ phía thị trấn bắn xuống, cắt đứt, giật chú ra khỏi cơn mộng mị. Tỉnh dậy, chú nằm trằn trọc đợi sáng.
Nhưng đêm nay, chú chẳng cần chờ đợi sáng. Một trái đạn oan nghiệt đã nổ như long trời, lở đất, bên ngoài cửa hầm. Đào một hố sâu dưới đất, hất tung nửa căn hầm và làm chú ngất đi. Những mảnh đạn đã ghim vào đâu đó trên người con Sớm chẳng kịp một tiếng kêu, mái chòi lá bay ra xa bốc cháy. Khi tỉnh lại, định thần.trong ánh lửa chú nhận ra con Sớm nằm sấp bên trong cửa hầm, chú ôm lấy thân thể bất động của con gái chú còn nóng hổi, đẫm máu, chú ôm khư khư trong hai tay chẳng biết đến bao lâu.
Chú hai cực chôn con Sớm trên cái gò cao ở đồng trong, nơi ba má chú và mẹ con Sớm yên nghỉ.
Thấm thoát được ba tháng, mùa mưa đã dứt hẳn, ngọn gió mùa ngừng thổi từ biển cả mặn mà về đây đầy ắp cánh đồng hoang dã. Với chú hai Cực có nghĩa là những tiếng gọi náo nức ngày mùa cuối cùng đã tắt hẳn trong tâm trí chú.
Một đêm, chú hai Cực ngồi ở góc mảnh sân con, hai tay ôm mặt, hai chân bỏ thõng ngâm trong góc ruộng trũng còn ngập nước. Chú ngồi rất khuya, không cử động. Nhìn xa chú như một gốc cây già cụt đang mòn rã.Rất khuya một trái đạn đã nổ gần phía sau lưng chú, hất tung chú xuống ruộng nước,một mãnh đạn vô tình mầu rêu nhạt, có nét chữ mầu vàng, có nét chữ mầu đen…
Một dòng máu chảy ra, từ thân thể chú loang lớn trong nước và tan rã thản nhiên. Có lẽ, điều ân hận trong mấy tháng gần đây chú bỗng có ý định đi thăm thằng Minh, con trai chú bặt tin, nhưng lần lữa mãi, chú chẳng còn kịp đi. Vô ích, bởi không kịp đi đã bớt cho chú thêm một điều đau lòng. Thằng Minh cũng đã chết, Người bạn thằng Minh ( nơi nó khai nhờ địa chỉ báo tin) đã tóm tắt câu chuyện, Thằng Minh bị bắt lính gửi lên chiến trường cao nguyên tử trận.
Một đám mây, ngọn gió đã qua trên bầu trời lúc ấy đó là sự chứng kiến duy nhất về cái chết của chú hai Cực.
Năm
*
Thằng Bửu trở về thăm thôn xóm cũ, nửa đêm hạ tuần đen đặc. Chiếc ghe nhỏ ẩn nấp dọc bờ phía bên có nhà cửa, xóm ấp sông Vàm-cỏ-tây. Hai người đồng đội lặng lẽ chèo, thằng Bửu ngồi giữa lòng ghe, gác cây súng ngang đùi, ngón cái của bàn tay phải để lên chốt an toàn và ngón trỏ để trong cò súng, cái cảm giác lặng ngắt của bàn tay nó trên, cây súng, duy nhất cho nó cảm giác nó đang trở về. Đầu óc miên man, ào ạt những hình ảnh, xúc động chồng chất những góc cạnh trong trí nhớ. Một ngọn gió thổi lên mặt nó, một chút thanh thản làm dịu đi chút phiền muộn, tư lự … Chiếc ghe lẳng lặng ngược dòng sông khuất lấp trong bóng tối. Và cả ba gã trai tráng chẳng kẻ nào mở miệng. Có lẽ đã đến chổ lõm con sông, thằng Bửu ra dấu cho ghe dừng lại, và cả ba người cùng kéo chiếc ghe giấu lên bờ.
Thằng Bửu đi trước theo đường bờ ruộng về phía nhà nó, từ xa một mầu xám đặc của đất, của cây và bầu trời trộn lẫn. Đường đất mấp mô như mới được đắp thêm ngổn ngang, lăn lóc, chồng chất đất. Không một tiếng động, cả gió trên cây và các loài sinh vật khác ngoài tiếng bước đều đặn từng bước chân của ba người, Người đồng đội đi sau có thể nghe hơi thở dồn dập của thằng Bửu” Còn bao xa nữa” một người hỏi “đến rồi” Thằng Bửu đáp” Vùng quanh kích tự do mà” một người nói. Thằng Bửu dừng lại, phía đầu sân bên kia đã bị đào sâu bởi một trái đạn pháo cỡ lớn, lửa đã thêu rụi căn chòi lá từ bao giờ, mùi cay sè của thuốc đạn cháy nám trên đất, mùi nồng to than của lá gồi, của cây đước còn được giữ lại trong các khe nứt của đất, còn ngậm lại đâu đó trong dấu vết của sự hủy diệt dở dang. Sự chết ở đây đã đến tận cùng gốc rễ. Thằng Bửu đi loanh quanh, rồi đi về hướng mộ mẹ, ông bà nội, rồi cùng đồng đội đi ngược lên phía nhà con Sớm.,Ba cái bóng thẳng hàng, nhấp nhô “ đi hả, Bửu”. Một người nào đó hỏi. Không có tiếng đáp, một loạt đạn trọng pháo bắn từ phía thị trấn gầm rú qua trên đầu nổ bên kia sông, đất rung chuyển xa cách một dòng nước như sấm sét. Thềm vành đai trắng. Một người nhận xét”Chất độc ở đây có thể ngấm xuống sâu cả thước”. Một người khác trả lời thằng Bửu nghe lơ đãng, một cơn gió nhẹ rùng mình, mơ hồ cảm thấy mùi người chết trong không khí. Càng đi gần đến nhà con Sớm, mùi tanh tưởi như đặc lại, nồng nặc. Nó đứng sững trong mảnh sân nhà con Sớm, bây giờ cái chòi lá nhà con Sớm cũng chỉ còn lại căn hầm đất đã bị sạt lở, mọi thứ gãy, vỡ, tan nát, ngay dưới chân nó đạn đào một hố sâu. Nhưng ở đây còn có hai con người đang sinh sống. Họ đi đâu? Một mùi xác chết rữa thối vừa bắt gặp nhắc nhở thằng Bửu. Nó đi quanh sang góc sân bên kia chỗ tiếp giáp với một góc ruộng nước và gặp một xác người. Tay thằng Bửu run run bật ngọn đèn bấm mang theo, một người đàn ông tóc ngắn, áo ngắn tay, quần cụt nằm úp xấp chúi đầu xuống ruộng nước. “ Chú hai Cực thật rồi”. Nó lẩm bẩm những đều vô nghĩa trong miệng. Hai người đồng đội của nó cũng tách ra đi tìm kiếm. Một người trong bọn hỏi “Chúng ta chôn cất cho tử tế chứ?”.Vẫn giọng người đó nói “Ông già con Sớm đấy”. Trong hơn hai năm gian khổ cùng những người đồng đội này, đôi lần thằng Bửu đã hé mở tâm sự, lai lịch nó, những điều tưởng chừng như nó đã quên…
Ba người đã vớt xác chú hai Cực bằng cái áo ny long của thằng Bửu mang theo, gói kín, buộc kỹ lại, chôn ở ngay hố đạn góc sân. Mùi nồng nặc của xác chú hai Cực đã rữa thối rồi cũng tan trong không khí, tan trong trời đất như nỗi đau đớn một đời chú đeo đẳng cũng chôn vùi theo chú trong đất. Ai hiểu được. Thằng Bửu nhớ đến vuông vải trắng làm khăn tay của con Sớm nó cột vào một mảnh gỗ, cắn ngón út cho chảy máu và hết sức cố gắng, nắn nót ngón tay út vụng về, run bật của một gã trai ngoài hai mươi tuổi vừa được học vỡ lòng:”Chôn chú hai Cực ngày…năm…”. Thằng Bửu nghĩ “Ừ, một ngày nào con Sớm, thằng Minh cũng trở về …” nó viết chữ Bửu phía dưới và bọc kín bằng mảnh ny-long còn lại cắm lên mộ chú hai Cực.
Ba người lặng lẽ đi theo hàng một nhấp nhô trên đường bờ ruộng mất hút vào phía bóng tối chỗ buộc ghe bên bờ sông Vàm-cỏ-tây.
*
Hai tháng sau ngày thằng Bửu chôn chú hai Cực, vào một đêm tối trời đáng nguyền rủa, thằng Bửu đã hy sinh ở một xóm ấp nhỏ vô danh thuộc miền Đông. Dòng máu nóng của sự sống đã tự do chảy đến cạn cùng từ vết thương nơi ngực giữa trái tim mở ra làm ấm áp cỏ và đất dưới người nó. Về sau đồng đội thằng Bửu đã tìm được xác nó, bộ bà ba đen mặc trên người xũng máu, đã khô, một cuốn sổ tay nó viết duy nhất một dòng địa chỉ báo tử: Nguyễn thị Sớm, kinh giữa, sông Vàm-cỏ-tây và không còn gì khác
Saigon.1970