Reading - the best state yet to keep absolute loneliness at bay.

William Styron

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Hiển
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: kmejoko
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 924 / 15
Cập nhật: 2016-03-12 14:57:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
húng tôi ba đứa, cùng theo học năm thứ ba Thành chung trong tỉnh. Hai năm sống giữa thành thị đã nhanh chóng gột bỏ của chúng tôi, sản xuất bởi những trường phủ huyện, cái dáng nhà quê ngơ ngác. Ba cái đầu húi móng lừa, lấm tấm điểm sẹo tròn bây giờ đã chải rẻ tinh tươm và xức dầu thơm rẻ tiền. Thứ quần ống cao và hẹp bằng vải thô của chị hoặc mẹ dệt cặm cụi thâu đêm trong khung cửi sơ sài cũng đã qua thời; nó để lòi cẳng chân khẳng khiu không lịch sự; với lại khi ngồi, ống quần chật bị đầu gối ấn mạnh u lên một cục khó coi. Bây giờ chúng tôi diện quần chúc bâu trắng buông dài tận gót, thỉnh thoảng đưa thợ giặt là hẳn hoi. Có anh ghi chép của Lamartine, Musset (#1) từng đoạn văn dài của sổ tay, lại còn thử dịch để mài giũa ngòi bút chuẩn bị viết thư tình. Có anh trau dồi khoa châm biếm trào lộng bằng cách đem tất cả mọi thứ, mọi người ra làm đầu đề giễu cợt. Những tiếng lóng bắt đầu nhập tịch ngôn ngữ của chúng tôi. Mỗi chiều thứ bảy, ba đứa dắt nhau dạo nghênh ngang ngoài phố. Các nữ sinh trong tỉnh đều được thuộc mặt, thuộc tên, thuộc đến cả số nhà.
1. Những nhà thơ cổ điển lãng mạn Pháp.
“Nhị Kiều” ở cạnh nhà chúng tôi trọ,đó là hai chị em. Cô chị, có lẽ đến ba mươi, răng đen, má gầy, quần áo mầu thâm ảm đạm, cô em chừng mười sáu, mười bảy, lẳn béo nhưng da xanh, đôi môi dày bờn bợt, ăn mặc cũng toàn đen. Mặt hai người cùng ủ ê một nỗi buồn, không phải thứ buồn mơ mộng và kiểu cách của những cô gái làm dáng, mà thứ buồn xìu xịu, lặng câm, cách biệt, dễ gây ác cảm và làm cho già xấu. Miệng họ mím bụm bụm như sắp mếu, mắt nhìn xuống đất. Họ sống trong bóng mờ của căn nhà thấp bé và ẩm ướt, nom xanh xao ẻo lả như những cây mềm thiếu ánh sáng, thiếu khí trời. Họ ít ra ngoài, việc chợ búa do một vú già trông nom. Cô chị hay đứng tựa cửa chỉ để mở he hé. Cô em có thói quen quấn hai bàn tay trong hai mép tà áo dài, như sợ lạnh, có lẽ đó chỉ là cử chỉ của một kẻ e dè.
Từ trên gác trọ, cái gác khổ mà mái thấp tè hành hạ đầu người ở, chúng tôi thường trông thấy hai chị em, khi họ làm việc ở sân sau. Chắc hẳn vì trong nhà tối quá, họ dọn xa quay ra sân sau. Họ chuyên nghề đánh suốt đánh ống, và hình như chỉ sống bằng nghề đó. Tiếng rè rè của chiếc xa quay thô sơ tưởng như tiếng rền dài của niềm u uất ủ trong bóng mờ ẩm căn nhà. Khi chiếc ống đã đầy, họ ngừng tay, xoắn múi chỉ, đoạn hơi nghiêng mình, họ với tay ném ống vào hộp sắt tây lớn. Nếu ném trật ra ngoài, họ tuyệt nhiên không tỏ một tí vẻ gì bực bội, cũng không có một cử chỉ nhỏ nóng nảy, họ chỉ uể oải đứng lên, vuốt phía sau cái quần vải hoặc lụa thâm theo thói quen, đi nhặt ống bỏ vào hộp, đoạn trở lại ngồi, và tiếng rè rè lại tiếp tục.
Vừa dọn tới trọ ít hôm, chúng tôi đã có ác cảm với hai người con gái láng giềng câm lặng ấy. Một mối ác cảm đột nhiên, vô lý đến bất công, nhưng một ác cảm thực có và sâu xạ Tuổi mười bảy chúng tôi, tràn trề nhựa sống, không thể chịu đựng được vẻ buồn bã gần như lì lợm của hai người con gái già trước tuổi ấy. Suy cho cùng, biết đâu nguyên nhân thầm kín nhất chẳng là vì chúng tôi bị chạm tự ái, họ hầu như không hề biết, không hề đếm xỉa đến sự có mặt trên đời của ba anh chàng trai trẻ chúng tôi, xế ngay trên đầu họ. Từ lúc nào không biết và cũng chẳng cần ai bảo ai, ba chúng tôi đâm ghét họ, gần như nổi giận với họ.
Nhập trường được chừng nửa tháng, một anh học trò tới trọ chung với chúng tôi. Đó là cháu họ xa gọi bà chủ trọ bằng thím, y vừa bắt đầu năm thứ hai, trước y theo học ở một tỉnh xa.
Chúng tôi nhìn y dọn đến, vẻ hơi lạnh lùng, nhưng thực ra tò mò. Y còn nhà quê quá, áo lương ngắn cũn cỡn, ống hẹp chịt lấy cổ tay để lòi gần nửa gang ống áo cánh. Dọn xong y cứ ngồi chồm hỗm, tẩn mẩn soạn thứ tự lại trong chiếc rương con sơn đỏ, đặt ngay ngắn cái thước cạnh cái bút chì, dẹp lọ dầu Nhị Thiên Đường vào góc ngăn, lấy móng tay cào cào vết hoen trên chiếc ảnh “bà đầm” dán giữa mặt trong nắp rương.
Cậu Nguyện lên giọng đàn anh hỏi:
– Này, tên gì đấy?
Y nhỏ nhẻ đáp:
– Thưa anh, em tên là Nguyễn Văn Bồng.
Nguyện giở ngay lối đùa nghịch:
– A, bông, bông (#1), Nguyễn Văn Bồng. Tang bồng phỉ chí. Nghe đây, toa (#2) mới đến ở, chắc chưa hiểu luật lệ Ở đây. Tụi moa (#3) hạn cho một tháng, toa phải làm quen và chinh phục cho được “nhị Kiều”.
————————————————–
1. Tốt, tốt (tiếng Pháp).
2. Cậu.
3. Tớ.
————————————————–
Ba chúng tôi cười ầm. Tôi nói:
– Một cũng đủ, hai có lẽ hơi nhiều. Đằng nhỏ ấy thôi.
Thực tiếp vào:
– Đúng thế, chứ đằng lớn có thể làm chị cả chúng mình được, nước non gì nữa.
Bồng giương mắt nhìn chúng tôi, ngơ ngác.
Nguyện bảo:
– Toa không hiểu? Bọn mình không phải điên đâu, lạy Phật. Không hiểu thì moa giảng cho nghe.
Anh nắm cánh tay Bồng dắt đến cạnh cửa sổ, chỉ xuống sân sau nhà “nhị Kiều”, bảo:
– Nhìn.
Bồng cúi nhìn, vẫn chưa có vẻ hiểu ra. Anh ta quay về phía Nguyện mà cười một cách ngờ nghệch. Khi đứng thẳng dậy, thế nào lại húc đầu ngay vào xà nhà. Anh ta bèn đến ngồi trên rương, quay mặt vào phía tường, đưa ống tay áo lên quệt ngang mắt.
Nhưng rồi chúng tôi để anh ta yên. Bồng sống riêng biệt, học lẩm nhẩm, ăn nhỏ nhẻ và ít, cử động sẽ sàng như sợ chạm phải đồ vật, lặng lẽ nhìn chúng tôi đùa nghịch bằng con mắt gần như kính phục. Anh ta tự thu nhỏ mình, ở bàn ăn dậy lúc nào không ai biết, lên giường ngủ lúc nào không ai haỵ Thế rồi chúng tôi không để ý đến anh ta nữa, coi như không có hoặc chỉ như cái bóng chập chờn.
Chỉ có một hôm, khá lâu sau, Nguyện sực nhớ lại chuyện đùa nghịch cũ:
– Thế nào, Nguyễn Văn Bồng? Cái hạn hết đã lâu rồi.
Bồng nhìn Nguyện với vẻ ngơ ngác. Nguyện tiếp:
– Đám “nhị Kiều” ấy. Cuộc chinh phục tiến hành đến đâu rồi?
Chúng tôi thấy Bồng hơi tái mặt; mi mắt anh đập mau. Bồng nói giọng nhát gừng:
– Các anh… cứ chế… Em chẳng biết.
Rồi cậu ta khoanh một cánh tay trên bàn, gục giấu mặt trong đó. Nhưng biết rằng dù rúc mặt như vậy cũng chẳng né tránh được sự trêu chọc của ba chúng tôi, anh ta vùng bỏ chạy xuống gác.
Chiều hôm ấy, khi đi đến trường chúng tôi bàn tán về cái thái độ lạ lùng của anh ta.
Nguyện nói:
– Rõ ràng thái độ một anh si tình.
Thực muốn tỏ giỏi khoa tâm lý vì vừa đọc một vài cuốn tiểu thuyết Tây gì đó, chêm vào:
– Một anh amoureux transi (#1).
Tôi cũng phải nói câu gì để tỏ không thua kém Thực về mặt hiểu biết lòng người:
– Ai dám chắc mối tình, nếu có thực, đã không hề được đáp ứng? Các cậu có chú ý thấy dạo này cô “Kiều” em thỉnh thoảng đã biết ngước mắt nhìn trộm lên phía cửa sổ chúng mình không?
Nguyện chợt nghĩ ra:
– Ừ nhỉ. Mình thì cũng đã bắt gặp vài lần thằng cha Bồng ngồi trên này vẩn vơ nhìn xuống, mắt đúng là có vẻ mơ màng. Khéo anh chị đã có tình ý với nhau rồi mà chúng mình không biết. Gớm thật!
Thực đặt bài toán:
– Giả thiết một mối tình transi (#2) cộng mối một tình transi cuối cùng nó égal (#3) cái gì hả các cậu?
————————————————–
1. Anh si tình “tê cóng” (e dè, câm lặng) (tiếng Pháp).
2. Tê cóng (tiếng Pháp).
3. Bằng (tiếng Pháp).
Nguyện liền tuyên bố, giọng không để cho ai cãi lại:
– Egal một tấn hài kịch! Chúng mình sẽ được dịp cười. Thử thí nghiệm xem sao nhé.
Và ba chúng tôi chụm đầu vào nhau bàn kế.
Ngay xẩm tối hôm ấy, chúng tôi gõ cửa nhà “nhị Kiều”. Cô chị ra mở, thấy chúng tôi thì vừa ngơ ngác vừa luống cuống đến sững sờ. Thực nói:
– Xin chào chị. Chúng tôi có việc muốn gặp cô em.
Cô chị liền rảo bước vào phía nhà trong, lần đầu tiên chúng tôi thấy chị bước nhanh đến thế, như trốn chạy. Tiếng chị từ phía đó vọng ra:
– Năm ơi! Năm! Có người hỏi.
Lần đầu tiên chúng tôi biết tên cô em, cái tên nhũn nhặn và buồn xịu như người.
Năm bước ra. Nhác thấy ba đứa chúng tôi, cô đứng sững, tựa hồ có một sức mạnh vô hình nào đã chặn ngang ngực cô giữ lại. Hai bàn tay cô quấn chặt vào hai mép tà áo dài thâm. Chúng tôi phải tiến gần thêm nữa. Nguyện lên tiếng:
– Thưa cô, chúng tôi sang đây để làm một nhiệm vụ mà một người bạn đã ủy thác chọ Một người bạn thân: anh Bồng, cô biết đấy, người cùng trọ với chúng tôi.
Năm không đáp gì, đôi mắt to trố nhìn, nom như hơi lồi.
Thực tiếp vào, nói bằng giọng chậm rãi những lời hoa mỹ anh đã soạn sẵn:
– Bạn chúng tôi đã sống những ngày sầu thảm, quằn quại trong một cái bệnh vừa êm dịu vừa ác hại: cái bệnh tương tư! (Chúng tôi cố nhịn cười). Không cần phải nói, cô cũng đã đoán biết bạn đau khổ vì ai… Sau cùng không nén được nỗi lòng, anh bạn nhờ chúng tôi trao cho cô bức thư này.
Thực rút từ túi áo một chiếc phong bì xinh xắn trên có mấy chữ: “Gửi em yêu”.
Vẫn cuộn chặt hai bàn tay trong tà áo, cô gái trố mắt nhìn lần lượt vào mặt chúng tôi như dò hỏi. Chắc hẳn cô đoán đây chỉ là một trò đùa, bởi tấn kịch chúng tôi đóng rõ ràng là có phần thô vụng. Ai lại đột ngột kéo đi cả ba thằng như vậy nhằm chuyển một bức thư thổ lộ mối tình yêu kín đáo! Cô nhìn vào bức thư Thực vẫn chìa trước mặt cô trong một cử chỉ rất sân khấu, và cô ấp úng:
– Không… Không phải của tôi đâu…
Nguyện liền tấn công thêm:
– Cô nỡ hắt hủi một tấm lòng thành thực như của anh bạn chúng tôi sao?… Cô không nhận, có nghĩa là cô đang tâm giết chết một con người!
Vế thứ hai của câu nói, Thực cố lấy một giọng trầm trầm run run, vừa nghiêm nghị vừa trang trọng.
Không ngờ câu nói văn vẻ kiểu cách lại gây hiệu lực đến thế. Chúng tôi thấy nét mặt cô gái lúc này như giãn căng, mắt càng mở to chứa đầy phân vân lo lắng đến gần như sợ hãi, ngực thở phập phồng. Cô rút một tay ra khỏi tà áo, đột ngột giật lấy bức thư rồi nhìn lướt cả ba gương mặt chúng tôi một lần nữa, cô bụm môi như muốn khóc, cầm bức thư bỏ chạy vào phía nhà trong.
Chúng tôi nhảy ba bước ra đường để phá lên cười đến vỡ phố.
Mãi lâu sau, khi tôi đã rời ghế nhà trường và bước vào đời, mới đến trong tôi niềm hối hận day dứt. Nhưng từ đó, tôi nghĩ đến câu chuyện rất nhiều.
Tôi thường tự hỏi sự đau đớn và xấu hổ của người con gái khốn khổ đã lên tới mực nào khi mở thư đọc, cô chỉ vẻn vẹn thấy ba chữ: “Không thương được!” to tướng – ba chữ viết bằng ba nét bút khác nhau, bởi ba chúng tôi đứa nào cũng muốn dự phần vào cuộc đùa nghịch, coi như một trò chơi sáng tạo.
Bấy giờ, tôi lấy cuộc đùa nghịch ấy làm thường, làm tự nhiên, hợp lẽ nữa. Hình như tôi tự xây cho mình cái lý luận rằng Bồng và Năm xứng đáng sự giễu cợt, người này bởi không đẹp và vô duyên, người kia bởi ngớ ngẩn, quê mùa, và cả hai bởi họ quá hiền lành, bởi họ yếu hèn, bởi họ vô nghĩa lý.
Chúng tôi đã giày xéo lòng họ bao nhiêu! Biết đâu chúng tôi đã không bóp chết một mối tình duyên chớm nụ, càng thanh cao đẹp đẽ bởi càng câm lặng? Họ đã trao cho nhau chưa những luồng mắt thú nhận? Những tình cảm nào đã nở hoa trong lòng họ, chắc hẳn chất chứa yêu thương? Bởi, giờ đây tôi mới biết những kẻ yếu ớt, e lệ, sống lặng im, nhỏ nhẹ, lại thường là những kẻ sống bên trong cái đời sống tâm linh phong phú và tinh tế nhất.
Từng ấy câu hỏi, hồi bấy giờ không hề đến với óc tôi. Ồ, giá mà lúc ấy tôi có chứng cớ rõ rệt hơn về tình ý của họ, chắc hẳn tôi sẽ gán thêm cho họ một tiếng “lố bịch” mà thôi. Sống ngay cạnh họ, tôi đã u mê, vì đã lãnh đạm, vì đã khinh thị.
Và lan man, tôi nghĩ đến sự vị kỷ của lòng người.
Người ta sống co quắp, cuộn tròn mình như một chiếc lá khộ Mỗi người đều tưởng mình là một vũ trụ, là tất cả vũ trụ. Ta tưởng nỗi đau khổ hiện đang giày vò ta là nỗi đau khổ to lớn nhất trần gian; khi lòng rạng niềm vui sướng, ta tin rằng nhân loại cùng rung với ta một cung điệu, ai nấy đều vui sướng chan hòa. Cái trạng thái tâm lý thứ hai này không hề là một nét vị tha như ta có thể lầm tưởng, mà nó vốn bắt nguồn từ một thứ tự kỷ trung tâm không hơn không kém.
Ta sống mù quáng, vây bọc bởi những bí mật. Người thiếu nữ cúi mặt lầm lũi đi ngoài phố kia đang nuôi một tâm sự đau đớn nào? ông già còng tôi thường thấy lần bước nặng nhọc ngang cửa, người hầu như gập làm đôi, hai tay chắp trên lưng, mồm nhai móm mém, lão nghiền ngẫm điều chi về cảnh ngộ của lão? Anh viên chức đạc điền trước nhà, bác thợ may hàng xóm, chị bán cháo bánh canh thường ngày cung cấp cho tôi món quà sáng thơm ngon ngầy ngậy, họ sống ra sao, lo nghĩ những gì, họ yêu ai và ghét những ai? Tại sao cô em gái tôi thương yêu nhất đời lặng lẽ khóc hai lần giữa ngày mồng một Tết? Tôi không hề biết, không hề biết!
Tâm hồn tôi trở nên lo lắng. Tôi sống chăm chú, vểnh tai và giương mắt như con nai rừng rậm, tôi muốn cho linh giác thẳng căng, để mà thấu cảm, một cách lẹ làng tế nhị, sự thầm kín ủ trong những nỗi lòng.
Những Nỗi Lòng Những Nỗi Lòng - Bùi Hiển