Số lần đọc/download: 673 / 12
Cập nhật: 2015-01-24 12:59:38 +0700
T
rong đời tôi, tiếng SỮA quả là tiếng đáng viết hoa vì nó đóng một vai trò quan trọng. Thoạt nghe qua có vẻ buồn cười thật đấy: một đứa bé mồ côi mẹ quá sớm, phải sống nhờ vào sữa hộp Con Chim qua sự trung gian của chai và núm vú cao su mà lại thiết tha đến vấn đề sữa! Dĩ nhiên, tôi xin thưa rõ, thứ sữa tôi quan tâm đến là thứ sữa người, do người tạo ra.
Công bình mà nói, không phải nhà trường đã dạy tôi điều đó, tôi cắp sách đến trường quá ít, những ngày đó đâu chỉ đủ đếm trên các đầu ngón tay. Tôi còn bận nhiều công việc thiết thực hơn việc học. Cũng phải công bình mà nói rằng vào mùa hè tôi khá rảnh rang, hiềm nỗi thời gian này, thời gian mà cậu mợ và các anh chị tôi đi nghỉ mát lại nhằm vào lúc nhà trường đóng cửa. Như vậy, tôi còn mong sách đèn làm sao được? Nghĩ có oái oăm không? Khi mình bận thì họ dạy, khi mình rảnh thì họ nghỉ dạy, ức quá!
Mà thôi, chuyện đó không nên bàn ở đây, xin hẹn cùng các bạn vào dịp khác. Không giấu chi các bạn, thật tận đến lúc làm mẹ lần đầu, tôi vẫn chưa đủ kiến thức, trình độ để thấu triệt tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Nếu chuyện tôi nuôi con cũng tự nhiên, đơn giản như các bà mẹ khác thì có lạ gì mà dám táo gan kể ra đây làm rầy các bạn? Không! Chuyện của tôi quả có khác thường. Tôi xin thưa rõ đầu đuôi: nguyên cậu tôi có nhiều luận điệu lạ đời mà tuổi thơ chỉ biết ghi nhận những gì ngoài sức tưởng tượng chứ không thể nào phán đoán.
Với tôi thuở ấy, cậu tôi là điển hình của sự thông thái tuyệt vời, chả thế mà ông thường kể vanh vách chuyện đông, tây, kim, cổ không hề vấp váp hay lật sách ra xem lại bao giờ? Tuy nhiên, ông thường mở đầu câu chuyện bằng ba tiếng trịnh trọng “theo trong sách” để tăng thêm phần long trọng. Hơn nữa, để ai nấy đều phải hiểu rằng ông, một người nho học, chữ nghĩa đàng hoàng, không phải như ai đó, ba hoa kiểu ăn ốc nói mò bậy bạ.
Lại thành thực thưa luôn: cái tâm hồn thơ ngây, man dại của tôi lúc đó thật giống như khu rừng hoang mà những lời lẽ cậu tôi chính là những nhát rìu khai phá đầu tiên. Đành rằng nhát rìu hạ xuống quả có mạnh tay, quá mạnh là đằng khác, song đó cũng lại là chuyện mà tôi chưa muốn kể ra đây, e các bạn đợi chờ sốt ruột.
Địa vị một đứa cháu mồ côi trong gia đình sao mà nó nhỏ nhoi, khiêm nhường đến thế! Kỳ cục một điều, tôi vốn tự biết thân – dù không ai khuyên dạy – nên cố sức thu nhỏ mình lại, càng nhỏ chừng nào càng tốt, song tiếc thay: không một ai hạ cố hiểu giùm thiện chí của tôi.
Nổi tiếng là gan, bướng, lì, điêu ngoa, tóm tắt lại một câu: những gì tượng trưng cho cái xấu tôi đều có đủ. Tuy vậy, những tiếng đó và ngay cả những trận đòn tóe máu vẫn không đủ sức mạnh làm tôi đau đớn, tủi cực cho bằng khi tôi phải chịu đựng cái nhìn nửa thương hại, nửa chán nản của cậu tôi và phải nghe ông nói – cũng bằng giọng chán chường cùng cực:
- Con bé này sau tất hỏng! Chậc! Mà bà còn đánh dạy nó làm chi chớ? (Cậu tôi quay sang phía tôi thở dài một cái) chỉ thêm mỏi tay, nhọc xác. Đó! Bà coi, coi! Tôi có…
Cậu tôi ngừng lại thình lình, bỏ lửng lơ câu nói, thở dài sườn sượt. Tôi hiểu ngầm đoạn sau “Ừ! Tao chán, tao khổ vì mày. Mày đúng là đồ bất trị, không hòng cảm hóa được mày. Tấm giẻ rách còn dùng lau bụi, mày ư? Mày vô dụng. Đồ bỏ đi! Mày là gánh nặng của thân tao!”
Vâng! Cậu tôi không nói rõ, song tôi hiểu hết, tôi hiểu hết! Tôi đứng lặng, mắt ráo hoảnh nhưng lòng tôi đau tê dại, đau thấm thía…
Được cái trời thương, tuổi trẻ vốn vô tư, nên sau đó ít lâu, buồn tủi nhạt đi, tôi chỉ còn ngạc nhiên khi tình cờ cậu lại nhìn tôi, bằng cái nhìn cũ, nói:
- Mày mà… cũng vì ba thằng Tây cho nên nỗi.
Ủa, lạ chưa? Ba thằng Tây? Chúng có liên quan gì đến đời tôi? Chúng trách nhiệm chỗ nào? Hay là… chưa chi óc tưởng tượng phong phú của tôi đã thêu dệt ra nhiều giả thuyết: Chúng giết mẹ tôi? Chúng đốt nhà tôi? Cướp của? Ôi! Một đứa trẻ như tôi, không một ai là người thân thuộc để tiện tâm sự, hỏi han mà phải tìm hiểu một chuyện như vậy, quả đau đầu hết sức! Tôi mang một tò mò, thắc mắc trĩu nặng trong lòng.
Khá lâu sau, tôi mới khám phá ra nguyên nhân. Trong câu chuyện cùng bạn bè, quyến thuộc, cậu tôi thường nhắc đến vần đề sữa mẹ và ba thằng Tây. Vâng! Sữa và ba thằng Tây! Một đầu đề sốt nóng, cậu không bao giờ chán, mỏi, nói hoài không cạn hết. Quả là chuyện hấp dẫn đối với tôi:
- Coi đó, coi! Ba thằng Tây là tụi điêu ngoa, man trá: chúng cướp của giết người, hiếp dâm, xâm chiếm đất đai người ta, ác độc khôn lường, không tưởng tượng nổi. Có cái gì mà chúng chùn tay? Có tội ác nào mà chúng không làm được? Động lực nào thúc đẩy chúng? Biết tại sao không? Hả? Các người có bao giờ tìm hiểu hay không?
Cậu tôi ngừng lại, dặng hắng một cái, cố ý chần chờ làm người chịu chuyện sốt ruột lên tiếng hỏi (như mấy anh trai làng nóng tính) hoặc cười hềnh hệch một cách vô ý thức như ông quản Hinh (một thứ người lười suy nghĩ) và giục: “Chịu! Giảng nghe coi!” Hoặc có thái độ lạnh lùng, không chút vồ vập như mợ tôi… Dù cho kẻ đối thoại thuộc hạng nào đi nữa, cậu tôi vẫn luôn luôn chừng mực: ông ngừng lại không quá lâu cho đến nỗi câu chuyện loãng đi, cũng không vội nói làm nó kém phần quan trọng. Ông ngừng lại đúng lúc cũng như nói tiếp đúng lúc:
- Có gì mà không hiểu? Tụi Tây có thằng nào được bú sữa mẹ đâu? Bạch chủng đâu phải giống người, chúng là loài quỉ! Hừ! Nuôi con bằng sữa súc vật trách chi về sau lớn lên đứa trẻ không có lòng nhân? Thiệt mà! Tôi nói không sai đâu. Bây giờ bọn chúng còn định đầu độc cả dân tộc “An nam ta” bằng lối đó…
Ông bỗng thở dài não ruột, như tuồng có ý buồn thương, lo lo lắng lắng cho dân tộc An nam ta gặp hồi xuống dốc, bị loài bạch quỉ đầu độc mà cứ ngu ngơ, không ai chỉ vẽ để tránh cái họa tày trời đó. Phần tôi, dân An nam xa lạ với tôi quá, tôi chỉ lo lắng cho thân tôi thôi, tôi đánh bạo, mon men lại gần, bặm môi, hỏi cậu:
- Thưa cậu, còn con, con đâu có bú sữa súc vật phải không cậu? Con bú… Con uống sữa chim, chim không phải súc vật, chim là…
- Đồ ngu! – Cậu tôi ngắt lời tôi – ai nói mày bú sữa chim? Con chim là cái hiệu của nó, hiểu chưa? Ờ! Giả tỉ như người ta nói bánh đậu xanh hiệu con rồng thì dài dòng quá, nên người ta nói tắt bánh con rồng, như vậy đâu có nghĩa là bánh đó làm bằng thịt rồng? Sữa con chim là sữa bò hiệu con chim đó. Tao hỏi mày: chim làm gì có vú? Mà cho dù có đi nữa, nó nhỏ xíu làm gì có nhiều sữa? Mà dễ dầu gì bắt nó để hòng lấy sữa? Tao thiệt chịu thua cái đầu óc đặc sịt của mày.
Cậu tôi ngừng lại, thở phào một cái đoạn gằn từng tiếng:
- Mày bú sữa con bò, nhớ chưa? Nghe rõ chưa: sữa-con-bò!
Tôi sửng sốt, rụng rời toan cất tiếng nhưng nghẹn ngào không thốt ra lời, còn cậu tôi thì chợt nhớ ra, ông quát:
- Mà ai cho phép mày hỏi ngược lại tao, con kia? Con nít chỉ nghe thôi, nghe chửa? Dám cả gan…
Tôi cảm thấy tứ chi rũ liệt, choáng váng mặt mày, song cậu tôi như đã quên mất đứa cháu bất hạnh đang đứng chôn chân trước mặt ông. Nhấp ngụm trà thấm giọng, cậu hùng hồn đem điển tích ra chứng minh cho lập luận của mình: nào Tần Thủy Hoàng không được bú mẹ nên ông ta trở thành người tàn bạo nhất trong lịch sử vì cảnh núi xương sông máu không làm ông ta động đến từ tâm – mà ông ta làm gì có từ tâm để động? – Rồi thầy Mạnh và Đức Khổng thuở xưa bú mẹ cho đến khi các ngài lên bốn! Chúa Cứu Thế cũng bú mẹ! Còn Đức Phật Thích Ca tuy mẹ chết sớm nhưng ngài may mắn có bà dì làm nhũ mẫu! (cậu tôi không nói rõ khi bà dì nuôi cháu như vậy, bà đã giao con bà cho ai nuôi? Hoặc để ở đâu? Hay nuôi con chung với cháu? Hay là cho con bà bú sữa súc vật? Điều này chắc không có, ai mà đành hy sinh sữa mình cho cháu, bỏ con? Nhưng tôi đâu dám hỏi ngược lại, dù tôi muốn biết điều này lắm và tôi ao ước có được bà dì như thế biết chừng nào!)
Trong lúc tôi ngẫm nghĩ về bà dì của Đức Thích Ca thì câu chuyện cậu tôi kể đã từ phương đông nhảy sang phương tây: bạo chúa Nê Rông cũng không được bú sữa mẹ. Uy Lịch khôn ngoan, sáng suốt vượt qua muôn ngàn nguy hiểm biết tại sao không? Mẹ ổng săn sóc ổng rất kỹ càng. Mà ngay nước An nam cũng không thiếu bậc kỳ tài: Đức Thánh Trần và ông Trạng Quỳnh đều bú mẹ cho đến khi biết đọc kia đấy. Tóm tắt lại, những bậc hiền nhân quân tử trên thế gian này đều bú mẹ hết thảy! Và thảy thảy những kẻ hung ác, bạo tàn, giết người không gớm tay đều không có bú mẹ ngày nào cả.
Tôi mê man “uống” những lời vàng ngọc từ cái miệng uyên bác của cậu tôi tuôn ra, không biết trời đất là gì nữa, quên luôn thân phận hèn mọn của mình. Thình lình, cậu tôi lại như chợt thấy tôi, ông chiếu cái nhìn hờ hững vào tôi một giây lâu, nói tiếp:
- Cổ nhân đã nói con người là vạn vật chi linh, mà theo trong sách thì hết thảy phi cầm, tẩu thú chỉ loài bốn chân là loài hạ đẳng. Ngu như bò! Ai cũng nhiếc câu đó không nghe thấy đó ru? Vậy mà nay, lũ quỉ đó lại dùng sữa bò đem qua bán cho mình nuôi trẻ, mà mình cứ ngu muội nghe theo, thì cái cơ dân An nam tuyệt diệt ở ngay trên chót mũi chớ đâu xa mà không để ý?
Tôi rùng mình, nghe ớn lạnh từ chót mũi lan khắp toàn thân, gai ốc nổi lên sau những lời lẽ minh bạch, xác đáng của cậu tôi, con người thâm nho, học nhiều, hiểu rộng. Là cháu ruột ông, tôi đâu dốt chữ nho cho lắm? (dù tôi không được hân hạnh làm bạn với cây bút lông qua một ngày nào). Trong nháy mắt, tôi hổ thẹn không kể xiết: tôi nhớ từng khoe khoang với lũ bạn chăn trâu của tôi, nói tôi khôn sớm nhờ mẹ tôi mất sớm, tôi được uống sữa chim của Tây vô hộp. Vì chim là loài thượng cầm. Khi chúng ngạc nhiên tròn mắt không hiểu thượng cầm có nghĩa gì, tôi giải thích rành rẽ: thượng là cao, cầm là chim; thượng cầm là chỉ loài chim bay trên cao, sang trọng, cao thượng! Được thể, tôi hí hửng tán rộng thêm ra là ngoài thượng cầm còn có hạ thú tức là loài bò, trâu, heo, ngựa, loài thú bốn chân, thấp thỏi, lè tè dưới đất – tôi chỉ tay vào con trâu đang cỡi – cả đời chỉ làm tôi mọi cho người ta. Tôi ví dụ thêm: trâu bò đi cày, ngựa bị người ta cỡi, kéo xe, heo bị ăn thịt…
Lũ bạn quê mùa, tầm mắt có thấy gì hơn đám ruộng, bầy trâu?
Chúng không ngớt thán phục cái tài hay chữ của tôi làm tôi hứng khởi thao thao như thầy giáo giảng bài:
- Thượng cầm còn gọi là phi cầm, phi là bay, cầm là chim cũng như hạ thú còn gọi là tẩu thú, tẩu là chạy…
Cứ cái đà đó chúng nghe không ngán tai, tôi nói không mỏi miệng. Chốc chốc, tôi thêm vào ba tiếng theo trong sách làm chúng phục thêm, còn tôi, tôi giật mình cảm thấy mình giống ông cậu uyên bác một cách bất ngờ.
Chao! Cái tài ăn nói của tôi! Và ngồi trên lưng trâu tôi bỗng cảm thấy nhẹ tênh chừng như mình hóa thành chim vút tận lưng trời vậy!
Bây giờ đây, thế là hết: tôi còn mặt mũi nào nhìn mặt các bạn tôi? Tôi tựa như con vật sặc sỡ vừa bị vặt trụi lông, bày tấm thân ghẻ lở xấu xa trước mắt mọi người…
Trước nay tôi chỉ bị coi như súc vật. Song những lời lẽ của cậu tôi đã làm cho tôi cảm thấy mình là… có thể vậy sao, trời?
Hình như đất sụt dưới chân tôi, vòm trời thoắt sầm tối lại.
Chẳng chút hay biết về sự giao động ghê gớm trong lòng tôi, cậu tôi vẫn tiếp tục nói về các vĩ nhân thế giới, ông kể ra nhiều tên lạ, nhiều chuyện hay xung quanh các vị đó, ông đưa ra nhiều bằng chứng; song tôi không còn tha thiết nữa. Tôi chỉ mang máng nghe đến tên Thánh Găng Đi rồi đôi tai tôi ù đặc lại. Tôi hết tiệt cả tò mò, thích thú.
Ôi! Uy Lịch mà chi? Nê Rông mà chi? Thánh Trần mà chi? Cả Găng Đi nữa, biết để làm chi chớ? Các vị đó có đoái hoài đến đứa trẻ khổ sở này đâu? Đứa trẻ bạc phước, côi cút chỉ có một điều để tự an ủi, một chút “ảo tưởng kiêu sa” là được nuôi bằng sữa giống thượng cầm cao quí mà rốt cuộc điều đó lại không phải sự thật. Tôi như kẻ từ chín tầng mây đột nhiên bị rơi tõm xuống vực sâu! Chao ôi! Cái sự thật quá phũ phàng, trắng trợn: phải! Tôi không hề được uống sữa chim, tôi sống nhờ sữa bò, giống thú hạ đẳng, ngu si, bẩn nhất trong loài thú.
Cậu tôi lại tiếp:
- Tục ngữ ta có câu: yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi(Ông ngừng lại, rít một hơi thuốc lá, để sự quan trọng của lời mình đủ thì giờ thấm vào đầu óc người nghe) Đúng lắm! Ngọt cho lắm vào! Cái văn minh vật chất nó hại dường kia, mà khốn thay! Nào ai hay biết, cứ ù ù, cạc cạc, tin, nghe ba cái thằng Tây…
Câu chuyện đang xuôi theo cái trớn mạt sát ba thằng Tây, bỗng cậu tôi ngưng lần nữa, điểm một ngón trỏ vào chị con gái đứng gần ông nhất, nghiêm giọng quát lớn:
- Liệu hồn! Sau này học thói văn minh rởm, nuôi con bằng sữa bò thì tao giết tươi, nghe chửa?
Và câu ấy được lập lại nhiều lần mỗi khi cậu tôi đang trò chuyện mà các chị lẩn quẩn gần ông – cậu tôi vốn có nhiều con gái – cậu tôi không bao giờ nói với tôi câu ấy, cậu cho là tôi không đáng được nhận những lời giáo huấn của ông. Dù vậy, cậu đâu có quyền hạn làm cho tai tôi điếc đặc, không nghe chớ?
Từ đó, mỗi lần cậu tôi chiếu cái nhìn sâu và sắc vào tôi, cái nhìn nửa thương hại, nửa chán nản, tôi liền hiểu ông muốn nói thế này: “Con kia! Rõ tội cái thân mày! Mày mà rắn đầu, lỳ lợm, vô phương cứu chữa chỉ vì mày bất hạnh mất mẹ quá sớm, phải sống bằng thức ăn của loài thú hạ đẳng, ngu si đó mà. Bây giờ, cái thú tính nó xâm nhập tận xương, tận tủy mày rồi, tao xót lòng đau ruột lắm nhưng biết làm sao cứu nổi mày? Biết làm sao?”
Tôi đã hiểu, tôi hiểu quá. Y như hàn thử biểu gặp lạnh, tò mò giảm xuống, trong khi buồn khổ tăng lên, tăng mãi không ngừng.
Một lần, câu chuyện đang diễn tiến đến cái đoạn cậu tôi điểm một ngón tay vào trán con gái, nghiêm giọng quát: “Liệu hồn! Sau này học thói… “ thì mợ tôi ngồi gần đó, cười nhạt ngắt ngang:
- Ấy! Cháu ông nó nói rồi: sau này nó sẽ nuôi con bằng sữa nó đó! Lời giáo huấn của ông có hiệu quả rồi đó! Mừng đi!
Cậu tôi quay phắt lại, mất cả tính từ tốn chậm rãi hằng ngày, mặt cậu đỏ bừng làm tôi sợ thay cho mợ tôi, chắc thế nào cũng bị cậu tôi khiển trách về những lời mỉa mai đó (và biết đâu ông không đoái thương đứa cháu bạc phước mà ban cho vài lời an ủi vì đã thấm nhuần lời gia huấn của mình). Song tôi đoán sai bét: Chao ôi! Cậu tôi biểu lộ giận dữ bằng những lời lẽ như sau:
- Bà điên rồi hả? Ai nói tới con đó? Ai dạy dỗ nó? Tôi nói là nói lũ con của bà kìa! Nghe rõ, hử? Con đó rồi sau này…
Cậu tôi không nói hết, còn tôi, tôi cần chi phải nghe hết, tôi đã hiểu rồi. Ý tại ngôn ngoại mà! Mặt tôi rắn đanh lại, trơ ra tựa hòn đá vô tri. Bằng vào nét mặt tôi lúc đó, cậu tôi lại được dịp thích thú vì chứng tỏ là lời ông tiên đoán về tôi giống như lời thánh sống:
- Đó, nhìn coi, coi! Coi cái mặt nó kìa! Có con người nào mà… ừ! Có con người nào mà tệ đến mức đó không? Hả? Có không?
° ° °
Trong đêm vắng tôi nằm trằn trọc, khóc. Nước mắt bị ngăn chặn cả ngày trời được dịp tuôn ra như suối… Khóc chán chê, khóc hả rồi, tôi thấy tủi thân và buồn khổ cũng tan mất tự bao giờ không kịp nhận ra. Tôi nghĩ mình vẫn là người như kẻ khác, mình không biến thành súc vật đâu mà hãi. Mình ở vào một trường hợp ngoại lệ, tại mẹ chết nên mình phải uống sữa con chim, quên, sữa bò hiệu con chim, vậy mình không bị… người nào có mẹ mà mẹ không cho bú như tụi Tây kìa, mới bị…
Tôi không phủ nhận lời cậu tôi. Ông nói gì tất đúng, song cậu tôi chưa xét kỹ trường hợp tôi (chắc ông quên?) Nhất định, sữa bò không hủy diệt nhân tính của tôi đâu.
Quì mọp trong bóng tối, tôi chắp tay thành khẩn cầu Trời, Phật, Chúa, Sơn Thần, Thủy Thần và cả Thượng Đế nữa, xin tất cả các bậc cao minh này rủ lòng thương xót tôi, giúp tôi để tôi bảo toàn nhân tính, đánh bạt cái chất thú đã theo sữa bò ẩn nấp trong người tôi. Sau đó, lòng phơi phới, tôi cuộn mình trong manh chiếu rách, ngủ. Một giấc ngủ có mộng đẹp và hơi lạ: tôi thấy Uy Lịch và Thánh Găng Đi (sao không phải là các vị tôi đã khấn vái mà lại là hai ông này?). Cả hai ông đều hiền hậu, quí phái, nom na ná như ông Phúc và ông Lộc trong cuốn lịch của cậu tôi. Hai ông đều biết nỗi khổ sở của tôi, đều cười cùng nụ cười khoan dung, hòa nhã và cùng nói: “Con đừng buồn, ta sẽ giúp con… “
Liền đó, có tiếng quát the thé làm tôi tan mộng đẹp tức thì:
- Còn nằm ườn xác ra đó sao? Mặt trời lên chín sào rồi!
Tôi lồm cồm bò dậy, không sợ hãi bao nhiêu, mặt trời chín sào có nghĩa là đã hết canh năm, chưa kịp tang tảng sáng! Tôi rửa mặt qua loa, dắt trâu ra đồng. Đã lâu lắm, tôi mới lại thấy lòng vui vui lên đôi chút.
Bắt đầu từ đó, tôi khấn thêm tên Uy Lịch và Găng Đi trong những lúc nào thấy cần bề trên phò trợ, chở che.
Cũng từ đó tôi gói kín, giữ chặt trong lòng những điều suy tính. Nói làm chi? Tôi đâu mau quên cái vụ tôi dại dột tuyên bố với mấy chị rằng tôi sẽ cho con bú, đến nỗi những lời đó đến tai mợ tôi và tệ hơn nữa mọc cánh bay tuốt vào tai cậu? Tôi cũng không bao giờ còn dám ba hoa trước mặt lũ bạn chăn trâu, không hề đá động đến cái kho hiểu biết về thượng cầm, hạ thú. Nói làm chi chớ? Nó sẽ làm tôi tủi thân hay nói một cách văn vẻ hơn, theo giọng các nhà viết tiểu thuyết thời đó thì nó chỉ… nó chỉ chạm sâu vào “vết thương lòng rớm máu” của tôi thôi!
Và cũng từ đó, làm gì, nghĩ gì tôi cũng xem đi, xét lại vô cùng tỉ mỉ thử mình có hành động, suy tưởng ra người không? Tôi nghiêm khắc với chính mình như với kẻ thù. Khi cảm thấy mình thèm muốn, ao ước cái gì tôi lại tự ngăn tôi bằng luận điệu này: “Coi chừng! Coi chừng không khéo mình bị cái chất thú của sữa bò ẩn nấp trong mình đầu độc đó”
Một lần, mợ tôi sai tôi chở heo ra tỉnh bán một mình. Nghĩ đến lúc mình ngồi chung với mấy cái rọ heo và bên trong rọ chúng luôn mồm kêu eng éc, tuy khó khăn, vất vả nhưng tôi lại cảm thấy chút tự do, thoải mái và tưởng như mình đã lớn khôn. Chả thế mà mợ tin cậy, giao chúng cho tôi ư? Giữ được chúng đưa đến nơi, giữ được tiền đem về nhà không phải là chuyện dễ dàng gì. Tôi hãnh diện quá! Mợ lại giao cho tôi đồng hào sáng chói, dặn dò:
- Đây, cho! Lên tàu có đói thì mua cái gì ăn, nhớ đợi cho tàu ngừng hẳn, có hàng quà đi ngang hẵng mua, nhớ lấy quà xong mới đưa tiền, kẻo đưa trước tàu chạy thình lình thì mất toi tiền. Nhớ…
Tôi lấy làm khó chịu hết sức, lòng cứ nong nả mong cho tàu chạy quách để được yên thân “Nhớ gì mà nhớ lắm thế không biết” tôi cầu nhầu thầm trong bụng. Bỗng, tàu hoét lên một tiếng chát tai trong khi mợ tôi cũng ráng hét to:
- Nhớ đừng có sơ ý đứng cheo leo nơi bậc cấp lúc tàu sắp chạy kẻo ngã… chết…
Tôi cảm động vì thấy mợ lo lắng cho tôi, tuy theo thói quen bà không bao giờ gọi tôi là con, tôi chẳng chút phiền lòng. Nhưng tôi lầm! Không: mợ không lo lắng cho tôi như tôi tưởng, mợ tiếp liền:
- Nhớ không? Đứng cheo leo, ngã chết không ai trông coi bầy heo đó!
Tôi xịu mặt xuống, muốn khóc quá. Có trời chứng: tôi muốn khóc quá đi! Nhưng tôi đang say sưa cái không khí tự do và cảnh đẹp bên đường sắt nên không khóc được. Ủa! Việc gì mà khóc: có phải bây giờ tôi mới bị bạc đãi, thân phận thua cả con heo đâu? Từ lâu lắm, từ lâu lắm rồi mà! Ấy vậy là trong một nhoáng tôi quên béng những lời mợ nói, thò đầu ra cửa toa, hóng gió để bù những lúc bị tù túng với cái cần xay.
Ngồi chung một toa với heo thật khổ! Tôi nhận ra điều này khi tàu ngừng lại một ga xép, song tôi không lấy đó làm phiền, quí hồ được tự do… Giữa lúc tôi đang so sánh như thế thì từ đằng ga tiến lại phía dãy toa một bà lão ăn xin mù, một tay chống gậy, một tay ngửa ra, mồm bà ấp úng những lời van vỉ - hẳn là khẩn thiết, tuy không nghe rõ, tôi đoán thế. Bàn tay bà lão chơ vơ, run rẩy đưa lên, quơ qua, quơ lại trước toa hành khách khá lâu song không được đáp ứng; hình như thất vọng, bà tiến lại phía toa tôi (toa hàng hóa) bà vẫn dò dẫm từng bước một, dáng bộ thê thảm, tiều tụy, mặt hơi ngửa ra, đôi mắt trắng dã như bất động, không chớp qua một cái nào; hai cánh mũi phập phồng mấp máy nom vừa buồn cười, vừa đáng thương. Tôi động lòng, lần túi áo rút ra đồng hào sáng loáng, song tôi vội thụt vào vì có tiếng cười tai quái từ phía toa hành khách vọng sang:
- A! Mụ ăn mày! Định đến đó xin bầy lợn chắc! Ai bên đó mà hòng! Rõ mù!!!
Tôi đứng nép sát vào thành toa, lấp ló nhìn ra thấy hai đứa con gái sang trọng suýt soát cỡ tôi đang thò đầu qua cửa toa theo dõi bà lão mù như xem trò xiếc. Tôi đứng chết dí bên trong không dám rục rịch chỉ sợ chúng trông thấy thì xấu hổ chết. Bà lão bên dưới vẫn kiên nhẫn đưa qua đưa lại bàn tay khô đét, xương xẩu, mồm lắp bắp van lơn…
Tàu chạy sau tiếng còi hoét báo hiệu. Tôi ngồi phệt bên đống rọ heo, mặc nước mắt chảy chẳng buồn lau. Tôi vừa xót thương vừa đau đớn, lại tức giận mình vì xấu hổ đã làm mất cái dịp giúp đỡ người tàn tật – cái dịp hiếm có trong đời! – Ôi! Biết bao giờ? Biết bao giờ nữa, tôi mới được làm chủ một đồng hào?
Về sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi hối hận không nguôi. Song cùng lúc tôi cũng lấy làm sung sướng, tự hào rằng mình có lòng nhân ái. Bởi cái bầu không khí tự do, cởi mở trên tàu hôm ấy đã làm tôi quên biến chuyện kiểm soát hành động và tư tưởng mình tự bao giờ! Thật thế: lúc toan cho tiền bà lão, tôi chỉ biết vâng theo một sai khiến ngoài trí óc. Lòng đầy phấn khởi, tôi muốn hét to lên để mọi người cùng nghe thấy rằng tôi, con bé mồ côi không hề được bú mẹ, nhưng nhân tính vẫn tràn đầy! Song may thay, tôi ghìm sự bồng bột lại kịp. Ai tin tôi? Nói làm chi? Những lời tôi từng thốt ra hết sức chân thành đó kết quả ra sao tôi đã quên đâu? Ngay cả cậu tôi, người kể về huyết thống thì gần tôi nhất mà còn…
Vâng! Tôi ghìm lại kịp! Tuy lòng tôi ấm ức, tức tối giống như chiếc xe đổ dốc đang ngon trớn bỗng bị hãm phanh; nó hục hặc vùng vằng trước khi dừng lại.
Tuy vậy, tức thì tức chớ trước sau tôi không hề oán hận cậu tôi, dù ông quên bẵng luôn không chịu xét lại trường hợp ngoại lệ của đứa cháu bất hạnh đã là một gánh nặng cho gia đình ông trong nhiều năm liên tiếp.
Nói vậy cũng không hẳn là tôi rộng lượng tha thứ những kẻ đã làm tôi điêu đứng suốt tuổi thơ, tôi đâu là thánh? Tôi là người kia mà! Tôi oán hận “ba thằng Tây” không kể xiết, không thể nào nguôi. Tôi bị ghét bỏ, bị khinh miệt, bị hành hạ cả tinh thần lẫn thể chất đến dường này vì chúng, chỉ vì chúng mà ra.
May mà cái chất người trong mình tôi mạnh quá, nếu không thì chất thú trong sữa đã tác hại cả cuộc đời tôi chứ chơi sao? Nghĩ chừng nào tôi càng ghét cay tụi Tây chừng ấy.
Tôi tự nguyện sẽ cho con bú. Không bao giờ để nó lâm vào cảnh khổ nhục như tôi ngày nay. Lạy ơn trên! Xin đừng… đừng bắt tôi chết sớm như mẹ tôi, tội nghiệp!
Đó! Thưa các bạn, chuyện tôi quyết định cho con bú đầu đuôi là thế. Tôi sợ nó sẽ ngu si, hung tợn, bất nhân như tụi Tây theo lời ông cậu uyên bác của tôi. Kể ra, cũng thấy đơn giản lắm! Đơn giản thật đấy, nhưng… quả đã chép bằng nước mắt của tuổi thơ.
° ° °
Từ tuần qua tôi mệt nhiều, người cứ hâm hấp sốt song cố gượng, cũng tưởng như mọi bận rồi sẽ qua đi; cảm là chứng bệnh xoàng tôi thường chống lại luôn, có gì đâu mà ngại. Mấy đêm liền, nhà tôi nghe tôi ho, hắt hơi, hỉ mũi liên tiếp, dưới gối tôi mấy chiếc khăn tay ướt đẫm. Tiếng anh ấy từ phòng bên vọng qua sang sảng:
- Mợ cảm khá rồi đó, đừng làm bộ anh hùng chống lại công toi, mợ phải đi bác sĩ, nếu không thì coi lo uống thuốc cảm, uống liều nặng vào kẻo coi bộ… đừng cãi tôi!
Đi bác sĩ? Uống thuốc cảm? Đâu phải tôi muốn cãi và đâu phải là lần đầu nhà tôi khuyên tôi điều đó, vì quả có khó khăn chi, song tôi không nghe lời anh ấy vì cả hai đều có thể làm tôi mất sữa, mà sữa tôi thì…
Phải! Tôi sợ, tôi sợ lắm! Mất sữa là điều tôi cố tránh từ trước đến nay, mỗi lần đang cho con bú tôi cần giữ gìn sữa như báu vật. Tôi không thích thuê vú, cũng không muốn nuôi con bằng sữa hộp. Tôi muốn làm trọn thiên chức người mẹ mà tạo hóa đã ban cho.
Bốn đứa đầu tôi nuôi toàn bằng sữa tôi cho đến lúc chúng mọc răng gần đủ để nhai cơm. Bận thứ năm vẫn không có gì báo hiệu tỏ ra tôi kém sữa, cho đến khi cháu lên sáu tháng. Thình lình tôi bị báo động: mỗi sáng ngủ dậy khác với lệ thường sữa không thấy căng lắm, dần dần đến giờ cho bú cũng chẳng thấy sữa xuống nhiều, cháu bú lâu mà vẫn chưa no; tôi bắt đầu lo ngại. Có lẽ nào?... Tôi nghĩ mà không dám nói ra lời điều mình nghĩ, nghĩ với một mối sợ hãi vu vơ… Tôi cố moi óc tìm xem mình có làm gì hại đến hai bầu sữa quí và rất bằng lòng mình sau đó: tôi không bao giờ uống rượu, không hút thuốc, không ăn uống những món cầu kỳ nhiều gia vị (gạo hẩm, đường hẩm, đậu nành, rau quả là thực phẩm chính của tôi). Thậm chí nước trà tôi cũng không dùng.
Chín giờ tối, tôi đã khóa chặt cửa phòng để ngay cả nhà tôi cũng không sang được thăm con (!) bởi cớ tôi cần giữ gìn hai bầu sữa. Thế mà tại sao?... Tôi khỏe mạnh và trước nay tôi chẳng từng nuôi lấy các con đó ư?
Nhìn nét mặt đầy lo lắng của tôi, chị bạn tôi – cũng là bà đỡ của cháu – ôn tồn giải thích:
- Sinh nở nhiều, sữa kém dần đi, tôi cũng vậy. Mà có gì làm chị cuống quýt thế? Phải bình tĩnh chút, coi nào!
- Bình với tách! Chị thì lúc nào cũng bình chân như vại (tôi cáu lên, gắt to) nói thì dễ quá, người ta đang lo… Chị xem, xem, không đủ sữa cho nó bú đây.
Chị cau mày, gặng tôi:
- Vậy chớ tôi dặn từ lâu, chị có làm theo không?
- Dặn cái gì? Từ bao giờ đâu?
Tôi ngơ ngác hỏi lại. Chị “hừ” một tiếng:
- Dặn cái gì… dặn nhớ về nhà tập cho cháu bú dặm thêm…
Tôi chợt nhớ ra:
- Nhớ chớ, nhưng mà về nhà thấy sữa có vẻ nhiều nên nghĩ là không cần thành ra không cho bú dặm, mà chị tính, cho bú dặm lôi thôi quá… Mình cũng có ngờ đâu, trước nay tôi vốn nhiều sữa, chị biết đấy.
- Trời ơi! Chị tưởng chị là bò chắc? Mà thôi, cũng không sao, cháu cũng lớn rồi, cho nó bú thêm sữa hộp đi.
Tưởng gì, cho bú sữa hộp thì có gì lạ? Tôi đành nghe theo chị ấy, song dễ gì chấp nhận luận điệu của chị. Tôi phản đối ngầm: “Hừ! Sinh nở nhiều, ít sữa!”. Nói nghe vô lý chưa? Có sinh nở thì có nuôi nấng chứ, nếu không trời sinh phụ nữ có hai vú to lớn để làm gì? Dễ để khoe chăng? Nhất định không phải vì vấn đề thẩm mỹ mà phụ nữ… tôi bật cười tuy tình trạng tôi lúc đó chẳng có gì vui, tôi đang cuống lên.
Lần thứ nhất nhìn vào chai sữa vừa pha – một thức ăn cho con trong thời kỳ mà mấy đứa trước chỉ nhận nơi tôi – tôi bực tức, chỉ chực gắt (không biết gắt ai đây?). Tay run lên, tôi cầm không vững. Lại phải nhìn con nút cái núm vú cao su cứng nhắc một cách miễn cưỡng, chốc chốc nó lấy lưỡi ẩy ra – nó không quen – một nỗi giận hờn xâm chiếm lấy tôi, tự ái tôi bị xúc phạm… Là mẹ, tôi không muốn nhờ cậy vào ai, vào bất cứ một thức ăn nào, ngoài sinh lực, máu của chính mình để nuôi con.
Thốt nhiên, tôi chợt nhớ lại thời Kháng chiến, cái thời sữa hộp khan, quý hơn vàng. Thời đó, các bà mẹ quắt quay vì sữa, tôi vẫn ung dung ngủ kỹ! Thỉnh thoảng nhà tôi lại nhắc chừng:
- Mợ coi lo mua sữa sẵn cho con, kẻo lúc cần tìm không có đó!
- Xin đa tạ lòng tốt của đồng chí, nhưng kẻ hèn này sản xuất đủ cho con, xin đồng chí cứ yên chí lo việc lớn!
Tưởng câu khôi hài văn vẻ của mình sẽ làm anh ấy cười như mọi bận, ai ngờ ông tướng gắt um lên:
- Mợ thì cứ… lúc nào cũng đùa nhảm được. Tình hình đến nguy thôi mà coi như không.
Ủa, lạ chưa? Tự nhiên mà cáu lên, tình hình có đến nguy thì đã sao? Tôi trách nhiệm gì về nó? Tôi chẳng có gì quý mà lo – trừ hai bầu sữa và con tôi – đi đâu, đến đâu cũng được, chẳng việc gì phải rối lên. Con trên tay, sữa trong mình… Hừ! Thời chiến, người ta xích lại gần nhau, thương nhau không hết, hơi đâu lo buồn, gắt gỏng?
Nghĩ vậy, song tôi dỗi, không thèm nói ra, lặng lẽ vén áo cho con bú. Nhà tôi tuồng như có vẻ hối, lại gần toan gợi chuyện, thấy tôi với cái ly trên bàn gần đó, anh đon đả:
- Mợ uống nước hở? Để tôi pha cho nhé?
Tôi lắc đầu đón cái ly trên tay anh kê sát vào đầu vú bên kia, chỉ chốc lát sữa chảy vào non nửa ly, tôi bưng lên, ngửa cổ “ực” một hơi không nghỉ trước con mắt ngạc nhiên của anh chàng.
- Sữa mợ nhiều nhỉ? (nhà tôi khen, song thấy tôi vẫn không bắt chuyện, lại hỏi tiếp) mợ uống thế không thấy… tanh à?
- Rõ… (tôi toan nói rõ khỉ, nhưng ngừng kịp tiếng sau, anh chàng sẽ cáu lên chứ không chơi) rõ hay! Anh tưởng tôi là cá chắc? Sữa người ta mà tanh…
- Thế có ngon không? Mợ nói thực đi nào?
- Sao lại không ngon? Không ngon ai uống làm chi?
Tôi ỡm ờ đáp và nghĩ rất nhanh: A! Anh này thèm sữa,, rồi buột miệng hỏi lại:
- Anh hỏi làm chi? Nói thực đi! Nếu anh muốn uống, em sẽ mua cho anh, đừng làm bộ lo cho con, nó không bao giờ thiếu, em dư sữa, anh biết đấy!
- Bậy! Ai mà thèm! Mợ cứ ưa đùa nhảm, con nít sao mà thèm sữa?
Chồng tôi đỏ mặt, cãi. Chúng tôi cùng cười. Thời chiến mà, người ta xích lại gần nhau, thương nhau không hết, hơi đâu… Tôi thú thật:
- Em nói dóc đó, sữa em chả ngon lành gì đâu, em muốn trêu anh chơi…
- Vậy nó ra sao?
- Nó ngòn ngọt, ngọt lơ lớ, hơi beo béo, khó uống là khác.
- Ủa! Sao mợ uống coi ngon lành quá vậy? Làm tôi ngỡ đâu là ngon chớ, như vậy thì đổ đi…
- Đổ chi! Phí đi! Uống để nó lại vào trong mình ra sữa cho con chớ, và phải uống một hơi, nếu ngừng lại sẽ hết muốn uống…
Mà hễ mỗi lần nhớ chuyện này, tôi lại nhớ luôn câu chị bạn tôi thường nói về luật thừa trừ. Luật thừa trừ? Đúng hay sai? Ngày nay tôi không giàu có chi, nhưng tạm cho là khá, tôi không cảm thấy thiếu gì, thì tôi lại thiếu sữa, thứ mà tôi quý nhất trong thời kỳ nuôi con. Ức quá đi! Hồi nào chật vật, cái đói luôn luôn thập thò chờ bên thềm cửa, hái rau mọc hoang ăn độn cho no bụng thì sữa căng nhẩy ngực, đầy ăm ắp.
Hừ! – Tôi lại cầu nhầu thầm – bây giờ không được dư dật như trước kia thì ít ra cũng đủ dùng trong vòng tám chín tháng đầu chớ, sao mà tệ quá!
Rồi tôi lan man nhớ tới mấy bà quen biết - ấy, từ khi làm ăn khấm khá tôi quen nhiều bà như thế lắm – bà nào cũng không muốn cho con bú; bà sợ hại sức khỏe, bà sợ hại sắc đẹp, bà thì rằng sữa mình không hợp với tạng con. Có bà thì rằng cho con bú mất thì giờ (tưởng bà bận đi kiếm gạo, ai ngờ bà bận đi dạo phố, may sắm và du hí!). Có bà dài môi ra, ỏn ẻn:
- Em, hễ em cho con bú là em mệ… ệt!
Đặc biệt nhất, có bà lại đổ tội cho đức lang quân:
- Nhà em kỳ lắm: ảnh không bằng lòng em cho con bú!
Hại sắc đẹp! Hại sức khỏe! Mất thì giờ! Không hợp với tạng con! Nhà em không bằng lòng! Mệ… ệt! Nghe thực giống như nghe ai đọc bài thơ toàn vần trắc.
Mà cũng kỳ, sao tôi lại nhớ tới các bà ấy trong lúc này? Trong lúc tôi đang rối ruột vì chuyện sữa cho con? Các bà đâu giúp gì được tôi?
- Cô nên uống sữa nhiều vào, uống sữa nhiều tức thị sẽ nhiều sữa, cũng như… Ờ! Cũng như mình ăn gan thì bổ gan vậy đó mà! (Một bà chị họ nghiêm trang dạy).
Tôi liền làm theo, song kết quả lại ngoài ý muốn. Nỗi lo canh cánh bên lòng, gặp ai tôi cũng hỏi – một điều lạ là ai cũng có một toa thuốc sữa biếu tôi, toa nào cũng hay hết sức, cũng tốt nhất, cũng cam đoan kết quả như lời, ngay chính tôi, trước khi dùng cũng tràn đầy tin tưởng.
Mấy người láng giềng miền Bắc thì:
- Hầm chân giò với đu đủ mà ăn, sữa khối ra!
- Hoa chuối sứ ăn nhiều sữa lắm!
- Cháo nếp là thứ rẻ tiền mà nhiều sữa hơn bất cứ thứ gì!
Một phu nhân đất Huế:
- Hạt sen hầm với bao tử nai là món sinh ra sữa tốt nhất đó.
Một chị bạn người Nam:
- Chị sao ưa rắc rối! Nghe lời tôi xực đại la de dô, hỏng phải nói dóc đâu. Tinh tôi đi!
Vâng! Quả tình là tôi tinh lời chị lắm – tuy tôi có hơi ngại ngùng một chút, chút xíu thôi, khi tôi ngắm cái vóc dáng của con người đồ sộ và vui tính đó.
Rõ thực là phiền phức mà cũng xấu hổ cho tôi: trong đời tôi, lúc đó là lúc luôn luôn nghĩ đến chuyện ăn, cả ngày lo ăn! Tôi tuân theo, làm theo, ăn tuốt các món do các lời chỉ dạy lọt tai, không chút băn khoăn, thắc mắc.
Tôi cũng không tha các bậc tu hành, các bà xơ, và các vị này chẳng biết sữa là gì, (nói trắng ra, các bà không sản xuất được sữa) mà cũng có sẵn một toa thuốc sữa hay: hạt gòn rang nấu nước! Món này coi xoàng vậy mà kiến hiệu, và tôi, vốn tham lam, sốt ruột nên đã không ngần ngại vừa uống nước lại vừa nhai luôn cả hạt. Ban đầu nghe beo béo, thơm thơm, sau gắt cổ không chịu nổi. Tôi cầu viện đến nhà khoa học, dùng đủ thứ thuốc lợi sữa của tây y: Extraitmamaire, Galactogyl, sirop Galacta… Tôi như mất hồn không nhớ gì ngoài chuyện sữa và tiếng Lac ám ảnh tôi đến nỗi có lần tôi suýt mua Lactéol về uống!
Không bao lâu, người tôi nặng nề dần, chẳng còn chút gì gọi là co với kéo.
Tuy nhiên, tôi đâu nản? Những phép thể dục cho tiêu mỡ, thon người tôi vốn thuộc nằm lòng. Tôi sẽ… Lo gì cái ấy? Vả chăng, tôi đâu phải là kẻ đặt nặng vấn đề sắc đẹp? Tôi ao ước sẽ kiêu hãnh nói: “Vâng! Cả bầy con tôi (năm, sáu hay bảy đứa chưa biết được, tôi sẽ còn tùy) đều bú toàn sữa mẹ, không có thêm một giọt – một giọt cũng không – sữa hộp nào” Tôi đã nói thế, song mới bốn đứa con, ai dám dùng chữ bầy khi mới bốn đứa con? Chưa kể lần thứ năm này tôi đang lủng củng nội bộ vì chuyện sữa?
Một người bạn khác thương tình, gửi cho tôi cái giò nai khô đầy bồ hóng kèm theo mấy chữ ngoáy vội “Thấy Thu lăng xăng như gà mắc đẻ nên mình cho chị món này, hầm với đậu xanh mà ăn, nhiều sữa lắm!”
Nhiều sữa lắm?. Tôi đọc đi đọc lại ba chữ này, lòng tràn tin tưởng, tôi còn ao ước nào hơn? Để đạt được mục đích đó, tôi không hề từ chối món nào, ngay những món thoạt nghe cái mùi khăng khẳng ta đã buồn nôn! Có thứ tôi nhắm mắt nuốt bừa song dạ dày tôi không chịu nhận, nhất định tống ra bằng cả đằng mồm lẫn đằng mũi.
Tuy không có kiến thức chuyên môn, chỉ nhờ vào trực giác bén nhậy của nữ giới và bằng vào kinh nghiệm cũ, tôi biết rằng nuôi con lấy thì chúng khỏe mạnh, ít quặt quẹo, không hay đau vặt mà rủi có vướng bệnh thì cũng chóng lành (Tôi hết sợ cho con bú sữa hộp thì sẽ ngu và ác như lúc nhỏ nghe cậu tôi nói, song trước sau tôi vẫn không thiện cảm với loại này khi nhìn thấy). Về sau tìm hiểu qua sách báo tôi càng vững lòng tin. Nhiệt độ trẻ lên? Chưa cặp mạch tôi đã biết vì khi cho bú cảm thấy nóng ở hai đầu vú. Con sốt ư? Vì gió? Vì nước hay sắp mọc răng? Nó ói? Vì bú nhiều hay tại mệt? Ho, ho gió, ho gà, vì cảm cúm hay sưng phổi đến nơi? Tiêu chảy? Tại lạnh bụng hay mình đã ăn nhiều rau quá?
Nuôi con? Ôi! Biết bao phức tạp, khó khăn, bao sung sướng đi kèm bên cực nhọc? Một tấm lòng thương con, một chút tế nhị, ý tứ ta sẽ cảm biết trước những gì sắp đến. Tôi bạc phước mất mẹ quá sớm, chỉ tự dò dẫm một mình trên con đường làm mẹ, tự học làm mẹ trong lúc nuôi con.
Thoạt tiên, con vừa ra đời là tôi chăm nom hai bầu sữa. Nhờ cho bú, tình mẹ con thắm thiết hơn lên. Nếu là họa sĩ thì bức tranh thứ nhất của tôi, tôi vẽ cảnh mẹ cho con bú; vì còn cảnh nào ý nghĩa, cảm động hơn? Ai có thể bảo là tôi nói không đúng chứ?
Ôm con trong tay cho bú, tôi lắng nghe bằng cả tim, óc và trực giác riêng – những tia sữa ấm áp, trắng ngần (những dòng máu tinh khiết từ tim người mẹ nhờ phép mầu của Tạo Hóa biến chất, thay màu) đang từ hai đầu vú truyền sang chiếc miệng xinh xắn, bé bỏng của con tôi… Tôi cúi xuống trong niềm kiêu hãnh và sung sướng vô biên nhìn trẻ… Và trẻ thơ nào có biết gì, vẫn chầm bập nút dần, nút dần sinh lực mẹ! Lòng tôi tràn ngập niềm vui, phơi phới chừng như mình mọc cánh… A! Hẳn là đây? MẪU TÍNH cao quí, nhiệm mầu mà sách vở và người đời không ngớt lời ca tụng?
Tôi thấy tôi vững mạnh hẳn lên, tưởng có thừa sức dời sông, xẻ núi. Hạnh phúc sờ sờ trước mắt, nằm gọn trong tay chớ đâu xa, ai bảo hạnh phúc mong manh như cánh bướm? Tôi phấn khởi như tên lính đã võ trang đầy đủ, chờ giờ lâm trận và cầm trọn phần thắng về mình.
Ôm con trong tay, tôi thấy buồn nản lui xa, bực tức biến mất; những khổ nhục trĩu nặng trong lòng bỗng nhẹ tênh, những thử thách mà tôi đã, đang và còn sẽ hứng chịu trong đời hóa ra chẳng mùi mẽ gì, tôi đủ sức chịu đựng và vượt qua tất cả! Vâng! Tôi đủ sức! Khi trong tay tôi có con và trong người tôi, nguồn sữa tựa nguồn vui bất tận!
Chao! Cho con bú! Ngày lại ngày, cảnh đó tái diễn không ngừng, cho đến một hôm, con tôi biết nhìn, biết ngắm, nó đưa đôi mắt màu nâu trong sáng – long lanh như có nước – ngẩng lên nhìn mẹ, thỉnh thoảng lại nhả vú ra rồi chiếc miệng nhỏ bé xinh hơn cả muôn hoa đó bỗng nở một nụ cười, một nụ cười thần tiên, huyền diệu! Tôi thấy thời gian đọng lại bên nụ cười đó, không trôi…
Để nghiền ngẫm niềm vui tột độ của mình, tôi dựa vào thành giường lặng lẽ, không dám cười, không dám nói, không cả một cử động nhỏ nào; tôi sợ, sợ đến cái mức tưởng như một tiếng thở mạnh của mình cũng đủ làm cho thời gian giật mình, vỗ cánh.
Tôi như thoát trần, chơi vơi, ngợp trong bầu không khí kỳ diệu, trác tuyệt. Tôi như lạc vào một thế giới khác, một nơi tĩnh mịch, êm đềm, trong một lúc tôi như tắm trong thứ ánh sáng dịu dàng, mờ ảo – thứ ánh sáng mát rượi của trăng đêm – xung quanh tôi chỉ có màu xanh của cỏ cây và những bàn tay của TÌNH YÊU đang dang rộng, soãi dài trên khắp lối.
° ° °
Làm mẹ! Cho mà không nhận! Một nghệ thuật cao quí của phái nữ chúng tôi! Tiếc thay! Tôi không phải là nhà văn có biệt tài để diễn tả được hết cảm giác mình, tôi không thể trải lòng ra trên giấy. Tôi vụng về chăng? Hay cả kho ngôn ngữ loài người không đủ chữ?
Ma men gặp rượu? Chiến sĩ được huy chương? Tầm thường quá! Hay là cái cảm giác mênh mang, rưng rưng trong lòng của kẻ vừa trở lại gia hương sau nhiều ngày ly cách? Hay là sự thích thú khi tình cờ bắt gặp bài cổ thi thất lạc từ lâu? Sự xúc động trước một nghĩa cử hay trước cảnh non sông hùng vĩ?
Lạ quá, chịu thôi! Tôi không thể so sánh, phân tách được, không nói ra lời, ghi thành chữ đươc, không cách nào chia sẻ được như ý muốn.
Tôi chỉ cảm và chỉ những kẻ từng làm mẹ như tôi hẳn cũng cảm thông… Lại có lúc, tôi tưởng như thế giới chỉ có mẹ con tôi và Thượng Đế. Vâng! Thượng Đế riêng thương, riêng ban cho tôi cái diễm phúc được đặc quyền LÀM MẸ! Ô! Không: Ngài ban cho tất cả phụ nhân chứ chẳng riêng ai. Song không phải kẻ nào cũng xứng đáng để hưởng nhận cái đặc ân thiêng liêng ấy, cũng biết sống đúng với cả nghĩa và chữ ấy, những chữ LÀM MẸ viết hoa!
Phải chăng người đàn bà hoàn toàn hơn sau khi LÀM MẸ? Phải chăng đời họ có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn, họ cao hơn, đẹp hơn, tốt lành hơn và Thượng Đế dành cho họ nhiệm vụ làm mẹ để bù đắp vào những thiệt thòi khác, những chông gai, khổ nhọc mà họ phải hứng chịu trong đời? Với tôi, tôi còn cảm thấy tăng thêm nghị lực, can đảm trong khi làm mẹ.
Bởi những lẽ trên, tôi coi sữa như báu vật, như kẻ hà tiện đếm tiền, tôi cũng đếm những giọt sữa khi bắt buộc phải vắt bỏ đi: những lúc tắm xong, trước khi cho bú, chỉ năm ba giọt sữa gió cũng đủ làm tôi xuýt xoa, tiếc rẻ. Vâng! Tôi đã hãnh diện tự nuôi lấy con mình, từ đứa đầu tiên còn vụng dai, gia cảnh thiếu trước hụt sau cho đến khi khá giả, tôi thuê được người giúp việc trong nhà. Tuy vậy, người giúp việc chỉ làm những việc khác, còn con tôi, tôi chẳng thể giao ai.
° ° °
Lo lắng và ăn uống thế đó – vì mong muốn có sữa, tôi quả ăn uống hơi quá độ – cho đến nỗi gặp ai, ai cũng ỡm ờ khen:
- Chà! Chị Thu dạo này khá quá chớ!
Hay:
- Chị xổ sữa không thua con chị chút nào!
Hoặc:
- Thật là mẹ tròn, con tròn, chớ không vuông vức gì cả, nhé!
Nghe mãi đâm chột dạ, nhất là khi các em tôi cũng khúc khích nói riêng với nhau – nói riêng nhưng cốt cho tôi nghe rõ:
- Chị Thu dạo này ra vẻ nhỉ? Trông cứ y như là mệnh phụ phu nhân!
- Ừ! Trông y như mệnh phụ phu nhân!
Bốn tiếng đó các em tôi ưa dùng để ám chỉ kẻ nào quá nặng cân, và chính là bốn tiếng do tôi đề xướng lúc đầu, mà nay chúng dùng tặng lại tôi. Thế là ngay chiều hôm ấy, tôi lặng lẽ đi cân thử. Ngồi lên xe ngắm lại mình, tôi thấy quả lũ quỉ nói không ngoa. Song cần gì, để chừng con thôi bú, mình “thể dục” ít lâu là xong. Tôi tự nhủ.
Đứng trên cân tôi thấy cái kim cứ chạy lên, lên mãi không ngừng mà đâm sốt ruột: đã đến số 50 mà kim còn chạy lên, 51 vẫn tiếp tục xoay, chắc mình 52 ký? Tôi hỏi thầm và cái kim trả lời ngay, vì 53 ký kim vẫn chưa ngừng. Tôi thất vọng không thèm phỏng đoán nữa, mặc kệ. Sau cùng đến số 54, cái kim lắc lư qua phải, qua trái một chút rồi đứng yên tắp.
Không chừng cái cân này sai? Tôi đến nhà thuốc khác, nhà khác nữa vẫn không lên xuống bao nhiêu. Mồ hôi đẫm ướt hai lớp áo. Mãi tận lúc đó tôi mới chịu là mình mập thật. Khốn thay: những béo bổ chỉ vào thân thể, nằm ỳ trong lớp da, thành mỡ chứ không chịu thành máu, thành sữa cho như lòng ao ước của mình.
Thì ra trong người tôi có hai thứ chống nhau mà tôi không ngờ tới: mỡ và sữa. Mỡ càng tăng lên sữa càng giảm xuống, ngoài ý muốn của tôi!
Tự nhiên, tôi giận sôi lên. Tôi đâu cần mập? Ừ! Tôi đâu cần thiết thứ mỡ thừa? Tôi cần sữa cho con kia mà. Cao cỡ tôi, 48 ký là tốt rồi, tôi đâu cần mập? Tôi vừa đi, vừa cầu nhầu thầm, quên phắt là mình đang đi giữa phố, xuýt tung vào người đi ngược chiều. Dù sao, tôi biết trút cơn giận của mình vào đâu cho hả?
Khi cháu lên bảy tháng rưỡi, sữa tôi càng ít cho đến nỗi mỗi ngày nó còn bú mẹ có một lần thôi. Đó là thời kỳ tôi mệt lử, khổ vô cùng tận – những khổ sở, tức tối tôi chưa hề nếm trải qua năm lần làm mẹ – suốt ngày tôi quay như cái vụ: súc chai, nấu chai, rửa trụng mấy cái nấm vú cao su, cái này còn cứng quá, nó chê không bú, cái kia lại mềm quá cũng bị nó chê, có cái nó bằng lòng thì sữa chảy ít, phải thông thêm vài mũi kim nữa… rồi vài ngày sau cái đó lại xuống sữa nhiều, nó nuốt không kịp, khóc thét lên.
Tôi không dám giao cho người nhà pha sữa, sợ nóng, sợ nước không sôi, sợ chai không sạch, sợ pha thiếu sữa nó đói, sợ pha nhiều không tiêu, sợ… sợ trăm cái sợ. Mồ hôi ướt đẫm lưng tôi suốt ngày (quái! sao dạo này tôi nhiều mồ hôi dữ!). Ủa! Đã cho ăn cam sao còn bón? Được, cho thêm chanh vào, chanh cũng tốt không sao! Chậc! Cà rốt mà bón à? Vô lý! Hay là tại đường? Bậy quá! A! Thôi, cứ cho nó ăn khoai vô, dễ quá mà lú hồn đi chớ!
- Dạo này mợ tính làm phù thủy hẳn? Cái gì mà rì rầm hoài vậy, hở?
Nhà tôi hỏi. Tôi giật mình thon thót trong lúc ngủ. Đang ăn, một cái đưa mắt của người nhà làm hiệu là tôi buông đũa đứng lên tức khắc. “Gì mà gấp quá! Để ăn cho xong bữa được không?”. Nhà tôi lại hỏi. Có tiếng cười khúc khích và tiếng em tôi:
- Thưa anh, chị đi khám phân đó!
Và tiếng con gái lớn của tôi:
- Mẹ con làm y như bác sĩ, phải không ba?
- Mẹ mày làm Câu Tiễn đó, con ạ!
Khi tôi trở lại bàn ăn, cha con bịt mũi cười váng lên. Họ làm gì vậy kìa? Cái bô trong phòng mà. Nhà tôi lại trêu:
- Này mợ, quên, thưa Câu Tiễn, phân ra sao?
Và cha con anh ấy đoán theo nét mặt tôi – vui vẻ cười xòa hay lầm lỳ - là biết con tôi đi tiêu tốt xấu, không cần đợi trả lời.
Sách vở cả chồng trong đầu giường tôi, tôi tham khảo cả sách ngoại ngữ. “Mợ chê sách Việt kém chỗ nào?”. Anh ấy lại có dịp trêu. Tôi phớt tỉnh, như không nghe, vừa gạt mồ hôi vừa tra cứu. Thình lình bí, tôi quát lên:
- Mai! Đưa cuốn Tự Điển đây!
Tội nghiệp con bé, nó không biết tự điển là cuốn gì trong số sách bề bộn của tôi. Tôi quát to thêm.
- Thưa mẹ, cuốn tự điển ra sao?
- Ngu! Ngu quá!
Mắng con xong, tôi lại hối, nhất là khi thấy nó khóc tấm tức. Nó chưa đi học làm sao biết được cuốn tự điển ra sao? Tôi vội vàng gọi con lại gần, xoa đầu an ủi:
- Thôi! Mẹ nóng, mẹ xin lỗi! Vào đầu giường mẹ, coi cuốn nào dày nhất, là cuốn tự điển đó, đem nó ra đây cho mẹ, chóng ngoan.
Rồi tôi tiếp tục tra cứu ngay bên bếp lửa để canh chừng cái soong đang sôi sục.
Tuy vậy, không gì làm tôi khổ tâm bằng phải chịu cái cực hình khi cho con bú chai. Tuy đã quen song nó không thích, nên thỉnh thoảng lại giở chứng, vùng vẫy, quay bên này, ngoảnh bên kia; có khi nó hất vỡ cả chai đi, sữa đổ lênh láng trên nền gạch. Nhìn cảnh đó tôi chỉ biết khoanh tay ngồi khóc, mẹ con cùng khóc!
Ôi! Nuôi con bằng sữa mẹ! Nó mới giản dị, khỏe thân làm sao: hễ đến giờ, vắt bỏ đi vài giọt sữa gió rồi vén áo cho con bú, không sợ nóng, nguội, thiếu, thừa gì cả. Đâu còn cảnh đó, cái cảnh mà tôi vẫn gọi đùa là “gặp hội phong vân” khi bế con cho bú; chẳng bao giờ tôi còn được cái diễm phúc vừa nhìn con vừa nghĩ: “Thật không biết cùng ai chia sẻ niềm vui, mà làm sao chia sẻ được?”. Con tôi cũng chẳng bao giờ còn vừa bú mẹ vừa nhịp nhịp hai chân vừa cười nữa. Lần độc nhất trong ngày bú mẹ chẳng khác gì bú chai: nó vừa nút vừa gầm gừ, ậm ọe, có khi nút mãi không thấy sữa ra nó nguẩy đi làm tôi đau nhói tận tim!
Rồi cái ngày tôi cố tránh lừng lững đến: con tôi thôi bú hẳn! Còn gì mà bú! Sữa tôi ráo kiệt…
Nhìn tôi rũ ra như gà mắc mưa, nhà tôi nói:
- Ơ hay! Mợ học đâu cái lối nuôi con nhà quê ấy? Làm như mới lọt lòng, lúc nào cũng ôm ôm lấy, không rời; vả, sữa mợ bây giờ thì béo bổ gì mà tiếc chớ?
Tôi uất giận run cả người, nghẹn cả cổ, không thốt được một lời. Nhà tôi vẫn điềm nhiên, tiếp:
- Nhà mình nghèo khổ chi cho cam, trên thị trường bây giờ khối thứ sữa tốt, cứ nghe tôi mua cho con bú, lại chẳng bổ gấp mấy ấy.
Hai tai tôi ù đặc, tiếng nói anh ấy như xa dần, như từ đâu vọng lại. Tôi quay đi, giấu mặt vào vai con lặng lẽ lau nước mắt.
Ôm con khóc, tôi không muốn mà vẫn nhớ lại những ngày vàng son cũ: những ngày con tôi bú bên này, sữa tuôn chảy ròng ròng bên kia, tôi dùng ly hứng để uống lại! Ôi! Tôi quên sao được, làm sao quên kia chứ?
Tôi chỉ còn 49 ký tuy chẳng có tâm trí đâu mà nghĩ đến thể dục, thể thao.
Nằm, tôi tiếp tục miên man nhớ… Vâng! Những ngày vất vả rồi cũng qua đi. Tôi tự an ủi rằng dù sao con cũng bú mình được gần tám tháng và vì cạn sữa chứ không phải mình tự ý dứt sữa con. Song mỗi lần nhớ đến chuyện này, tôi lại khổ sở ray rứt không nguôi và ao ước đừng bao giờ sinh nở nữa. Không bao giờ tôi muốn làm mẹ mà không nuôi nổi con mình, phải nhờ vả vào kẻ khác hay một thứ thực phẩm khác, ngoài máu của chính mình.
° ° °
Không muốn, nhưng tôi vẫn sinh cháu thứ sáu. Lần này, tôi lo tính đâu vào đấy cả, tôi đâu dễ quên những phiền phức, cực khổ đã qua! Sau khi cân nhắc kỹ, sang tháng thứ hai tôi cho con bú dặm thêm mỗi ngày một lần sữa hộp.
Tuy vậy, tôi không thể ngờ rằng con mới ba tháng mà sữa tôi đã kém đi nhiều, tôi hoảng lên, vội vàng tìm cách thêm sữa, lại ăn, lại uống thuốc lợi sữa, có điều tôi thận trọng không vô độ như lần trước, vì tôi biết ăn nhiều chỉ thừa mỡ mà thôi. Than ơi! Nỗi lo ngại càng tăng trong khi hai bầu sữa ngày càng giảm. Tôi bứt rứt, ngồi đứng không yên, ngày đêm chuyện mất sữa luôn luôn ám ảnh, không phút giây nào quên lãng.
Để cố trấn tĩnh, tôi tìm việc làm cho khuây khỏa, tôi may vá, tắm rửa cho các con, lau dọn, giặt giũ, thừa chút thì giờ nào, tôi đọc sách. Tôi không mó tới loại sách dạy nuôi con vì tôi đã thuộc lòng như cháo và ngấy lên tận cổ. Nhưng chữ nghĩa có lúc như bay bổng tận đâu, có khi tôi đọc mà không hiểu gì trong sách cả. Trưa, tôi không dám ngủ, vì muốn để tối ngủ cho ngon. Đêm đến, tôi mệt lả, nằm bên con, giương mắt nhìn lên đình màn, thao thức, lặng lẽ, cố gắng nghe với sự hồi hộp, mong chờ cái cảm giác sữa lên mà tuyệt nhiên không hề thấy! Tôi gượng tin là ban ngày mệt, con lại bú nhiều bận nên sữa đã ít lại ít thêm, không lên kịp, đêm sẽ lên… Song tôi hoài công đợi mãi. Tôi lại ngồi lên với chút hy vọng mong manh là đôi bầu sữa sẽ nằng nặng hơn một tí, để rồi cảm thấy đau xót trong lòng: hai vú vẫn nhẹ bưng!
Dù đến mức đó, tôi đâu tuyệt vọng hẳn cho, tôi nằm thấp thỏm chờ sáng. Sáng may ra!?? Phòng ngoài chiếc “Odo” cứ đều đều báo hiệu mỗi 15 phút cho đến bình minh trở lại. Từng đêm, từng đêm, dài dằng dặc như vậy cứ đều và chậm trôi qua…
Tôi đâm ra mất ngủ. Tôi thường trỗi dậy nhẹ nhàng chân không chạm đất, sang phòng bên cạnh đắp chân cho đứa này, kéo màn cho đứa kia, đóng bớt một cánh cửa sổ cho ba chúng. Tôi khe khẽ, ren rén chỉ những sợ chúng giật mình.
Rồi tôi ra phòng khách, dưới ánh trăng chênh chếch dịu mát, mọi vật đều có vẻ ngăn nắp, bình yên, sao riêng tôi, tôi bồn chồn nóng nảy lạ thường. Ngồi thu mình trên chiếc ghế ở góc phòng tôi cố trấn tĩnh, đợi thời khắc trôi qua, mà nỗi buồn, lo cứ loang dần như vết dầu loang trên giấy.
Tôi đứng lên, bước lại cửa sổ nhìn ra, sương nhiều quá! Tôi chợt rùng mình cảm thấy trong người gây gấy khác thường, như thời tiết thình lình thay đổi.
Cùng với sự lo lắng thái quá, sự mệt nhọc và mất ngủ, tôi ngã bệnh. Tôi vốn khỏe mạnh, ít khi dùng thuốc, thường cứ để vậy rồi cũng qua đi, nhất là cảm trong lúc đang cho con bú thì không bao giờ tôi chịu uống – vì tôi biết tất cả các thứ thuốc giải cảm đều làm mất sữa – tôi chống cự, chống cho kỳ đến khi bệnh lui. Có lẽ phần lớn nhờ lòng thương con, nhờ sức khỏe dồi dào nên tôi thắng luôn và lần này, cũng tưởng như mọi bận tôi tin là tôi sẽ lướt qua được. Song tôi lầm: mồ hôi toát ra lau không kịp, nước mắt, nước mũi chảy liên miên, đầu tôi như bị một vật nặng đè lên, hễ gượng ngồi là tôi choáng váng phải nằm ngay lập tức; mắt tôi hoa lên và ăn gì cũng nôn ra.
Lần thứ nhất trong đời, tôi đi mà phải nhờ người đỡ bên cạnh và phải đi bác sĩ tiếp ba lần.
Buồn, lo không còn làm tôi nóng nảy, bứt rứt nữa, nó trầm lại, sâu thấm thía. Bệnh lui dần mang theo những giọt sữa cuối cùng mà tôi đã hết sức giữ lại một cách vô hiệu quả. Buồn và mệt! Tôi biết rồi đây tôi sẽ khó nhọc hơn: thiếu sữa mẹ, mất thứ khí giới tự vệ hữu hiệu của trẻ thơ… tôi nao nao xót xa trong lòng. Tôi nhớ thời vàng son cũ, thời tôi cho con bú bên này, sữa tuôn ướt đẫm áo bên kia… Biết làm sao? Tôi đâu muốn thế? Vậy mà tôi cứ vương vấn mãi không nguôi.
Dù sao đi nữa – tôi tự an ủi mình – con cũng bú mình gần bốn tháng! Với điều đó, tôi tạm yên lòng nhắm hai mắt lại, xua đuổi lo âu ra khỏi tâm trí mong được nghỉ ngơi giây lát. Những vòng tròn đủ màu chập chờn trước mắt tôi, gần rồi xa, nhỏ rồi to dần như những vết gợn của mặt hồ khi thoảng gió.
Thốt nhiên, trong vắng lặng của đêm sâu, câu nói của nhà tôi chợt vang lên mồn một: “Ơ hay! Đâu có cái lối nuôi con nhà quê đó? Vả, sữa mợ bây giờ thì béo bổ gì mà tiếc chớ?”. Sữa mợ bây giờ thì béo bổ gì? Quái! Ngực tôi bỗng nằng nặng, tưng tức, một tia hy vọng lóe lên: sữa chắc? Tôi bàng hoàng ngồi dậy song lại nằm xuống ngay tức khắc, vì quá mệt. Không! Không phải sữa! Chỉ là đau đớn trào dâng…
Minh Quân
(1964)
(Trích trong tuyển tập truyện ngắn Những ngày cạn sữa do nhà xuất bản Trí Đăng ấn hành năm 1972)