Books support us in our solitude and keep us from being a burden to ourselves.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Thanh Minh Le
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1150 / 16
Cập nhật: 2017-01-29 18:19:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hội Đền Bà Tấm
ền Bà Tấm nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội, xưa kia thuộc trang Thổ Lỗi, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Dương Xá gồm ba thôn là Dương Đình, Dương Đá và Dương Đanh (tam Dương), xa nữa là ba ngõ trong một làng, đền Bà Tấm nằm trên đất của thôn Dương Đá. Trước đây riêng Dương Xá là một xã, nhưng nay hợp với Thuận Quang và Yên Bình thành xã Dương Xá mới.
Trong hậu cung đền có tượng bà Tấm (Nguyên Phi Ỷ Lan) và sáu tượng nữ khác gọi là lục bộ. Gian ngoài có đặt một số đồ thờ và chiếc ngai, trên ngai có bài vị ghi "Lý triều đệ tam hoàng thái hậu" và một vài bia ký ở hai gian bên cạnh. Đặc biệt có bộ khám long đình rất đẹp mang niên đại thời Mạc.
Hàng năm ngày tiệc lệ chính là 19-2 âm lịch - ngày hội lớn là 25- 7, tương truyền là ngày giỗ bà. Ngoài ra vào các dịp xuân thu, những ngày sóc vọng đều có lễ trong đền.
Xưa kia hội đền bà Tấm rất lớn, không phải chỉ có Dương Xá và Thuận Quang tổ chức, mà cả tổng Dương Quang cũ (gồm chín xã suốt từ Sủi (Phú Thị) cho tới Văn Lâm (Hải Hưng) và những làng cấy ruộng hậu của đền. Trong đền còn giữ được tấm bia ghi rõ tên các làng cấy ruộng hậu của đền với số lượng cụ thể. Do hội khá lớn, nên thường phải năm năm mới tổ chức một lần. Hội cuối cùng, theo trí nhớ của dân làng, được tổ chức vào năm 1939, nhiều người còn nhớ cả tên người được giải cờ người năm đó là ông Trần Nhật Tân.
Trước đây chính hội là từ 19 đến 22 tháng 2 âm lịch, nhưng thực chất người ta đã rục rịch từ ngày 16 và đến tận 25 tháng 2 mới hết hội. Ngay từ tiệc đầu xuân dân làng đã tụ hội tại đền để chuẩn bị hội xuân tế lễ cẩn cáo với Bà, mong phù hộ cho làng. Dân làng chọn cử các tiên chỉ, tổng cờ, ban tế cùng các việc khác cho ngày hội. Ngày 19-2 âm lịch tương truyền là ngày sinh của bà Tấm.
Ngày hội được mở đầu bằng một đám rước long trọng - rước nước. Đám rước khởi hành từ đền Bà Tấm lên tới giếng nước cạnh chùa làng Sủi (Phú Thị) cách đền khoảng 2km. Đi đầu đám rước là cờ ngũ hành, tiếp đến là Tổng cờ, rồi đến chiêng, trống, bát bửu. Liền sau đó là long đình rước bà Ỷ Lan (bài vị), có những người phục dịch theo kiệu. Đường đi từ đền theo đường 179 ngày nay lên Sủi. Sau kiệu Bà là kiệu đựng chóe dùng lấy nước. Các cụ già còn nhớ trước kia trong đền có một chiếc chóe bằng sứ Nhật Bản rất cao và to, nhưng nay đã bị mất. Ngoài ra là kiệu của các thôn thuộc Dương Xá và tất cả các làng cấy ruộng nhà đền. Do vậy mà đám rước rất lớn và dài, bởi vì ruộng đất lộc của bà trải rộng tới tận Nghĩa Trai, Bình Trù, Liên Mỹ... Bà cũng được coi là Mẫu nghi thiên hạ. Do qui mô của đám rước dài và lớn như vậy nên nó kéo dài tới bốn năm tiếng đồng hồ mới rước được nước về tới đền.
Trong lúc diễn ra cuộc rước nước, thì từ các thôn cũng tiến hành rước lễ vật ra đền để tế lễ. Sau khi kiệu Bà và nước được đưa vào đền yên vị, cuộc tế lễ bắt đầu. Các bô lão năm thôn được cử vào ban tế tiến hành kiểm tra lễ vật rất nghiêm ngặt. Lễ vật để tế lễ trong ngày hội hoàn toàn là trầu, rượu. Từ thượng cổ năm nào cũng vậy có chăng thêm thì chỉ có bánh gai, bánh mật mà thôi. Tương truyền việc làm oản xôi thờ cũng phải rất tinh khiết. Phải dùng nước ở giếng Quán Đôi, đầu thôn Dương Đình, gánh về nhà trước đó ba bốn ngày để thật trong, khi đó mới đem ra vo gạo và thổi xôi, như vậy mới đảm bảo độ tinh khiết. Sau khi đã xem, xét lễ vật một cách kỹ lưỡng, cuộc tế lễ bắt đầu.
Trong "Lý triều đệ tam hoàng đế" bản chữ Hán còn chép rõ bản văn tế Hoàng thái hậu về mùa xuân ở đền. Chúng tôi xin ghi lại ở đây làm cứ liệu tham khảo:
"Rằng: Năm nay là... tháng... ngày mồng một.
Tỉnh-phủ-huyện-tổng-xã, toàn dân kính dâng lễ vật mong được chiếu cố.
Triều Lý, Hoàng đế thứ ba, Ỷ Lan linh ứng, dung mạo thơm tho, đức hạnh đoan trang, trí hòa hiền hậu, trinh tiết phép lành, lừng danh nhân hậu... giúp nước đầy phúc, nghĩa đẹp, một mực hiền hòa đôn hậu, dẹp hết nạn, yêu nước; đoan trang điềm lành, cứu đời yên dân, giúp nước bảo vệ sự nghiệp, gây dựng cơ đồ, vun trồng nền ơn, ban phúc, phát của... đức lớn lừng danh, hành vi tao nhã, giữ nề nếp, yên dân giữ nước, lòng nhân đức mở rộng kéo dài không nghỉ.
Rất linh Hoàng thái hậu ngôi trên, rằng có lễ tế trong mùa xuân. Kính mong Hoàng thái hậu xét đến chỗ tối tăm. Đoan trang thuần túy công ơn ấy ghi lại ức năm, muốn kỷ. Nay gặp thời lành, tế mùa xuân, lễ mọn, tình thâm, kính cẩn, xin được chiếu cố, ban phúc, giúp nước thịnh vượng, giúp cứu vớt dân cư ấm no.
Xin tâu trình"
Chắc chắn văn tế này được làm về sau, và tới nay không rõ vào ngày hội nội dung bài tế có giống như trên không, song ít nhất đó cũng là cứ liệu để thấy được niềm mong ước cầu xin của dân làng đối với Bà.
Sau cuộc lễ chính thức của các cụ trong hội đồng, ra vào không ngớt là các cuộc dâng lễ của dân làng và khách thập phương. Ngày hội đầu tiên kéo dài cho đến khuya trong không khí nghiêm trang tại đền cùng các cuộc vui ngoài sân và khu vực xung quanh. Tương truyền sau khi tế lễ xong ngày hôm đó cũng như buổi hôm sau, lễ vật được chia ra làm đôi, riêng Dương Đá (là nơi sinh ra Bà) được một nửa, nửa kia mới được chia cho các thôn còn lại trong xã. Riêng ông chủ tế được biếu 60 phẩm oản và 60 quả chuối.
Những cụ già được chúng tôi hỏi đều khẳng định hội xưa không có chi tiết về kiệu và võng lọng của ông bán dầu trong đám rước ngày hội (người mà theo truyền thuyết đã báo trước cho Ỷ Lan biết sẽ trở thành hoàng hậu). Tuy nhiên theo Bắc Ninh dư địa chí của Đỗ Trọng Vĩ, (mục cổ tích) khi nói về miếu Lý Thái hậu lại nhắc đến chi tiết này như sau:
"Người con gái làng Dương Xá hái dâu trong nương. Có một ông lão bán dầu trông thấy trên đầu cô có đám mây tía liền đến bảo cô ta đi gặp vua. Người con gái từ chối nói: "Mẹ tôi sai tôi đi hái dâu chứ không sai đi xem vua". Ông lão nài thêm, nói "sau này nếu quả cô được quí hiển thì cho tôi võng lọng đi trước". Đến lúc đó, cô ta mới chịu nghe theo ông lão đến chỗ vua ngự... Lý Nhân Tôn lên ngôi, tôn làm hoàng thái hậu. Nhớ lời ông bán dầu, mỗi khi ngự giá lại cho võng lọng (của ông - tác giả) đi trước. Nên về sau, dân vẫn giữ lệ cũ. Hàng năm ngày nhập tịch mở hội, vẫn rước một cái kiệu đỏ để không và một đôi lọng xanh đi trước kiệu thần, không dám thay đổi".
Ngày 20 tháng 2 hội cũng bắt đầu bằng những cuộc rước. Song lần này là rước Thành hoàng và lễ vật của các thôn thuộc Dương Xá và những nơi ăn lộc ruộng của đền bái vọng và dâng lễ. Trừ kiệu của bốn thôn thuộc Dương Xá và Thuận Quang được vào trong đền, còn tất cả các kiệu của những làng khác đều phải đứng bên ngoài cổng đền (chỗ đường 5 bây giờ) bái vọng vào. Lễ vật được chuyển vào trong đền.
Tại sân đền còn có tục phất cờ tổng, truyền rằng nhất là vào những năm trời âm u, múa cờ là để xua tan mây ám cho trời quang mây tạnh. Thuận Quang là làng được quyền lựa chọn tổng cờ cho hội hàng năm. Tổng cờ cũng được lựa chọn cẩn thận, là người không tang chế, đẹp người, khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ngoài ra còn có hai thủ hiệu trống và chiêng. Cả thủ hiệu cờ và thủ hiệu trống, chiêng đều mặc đẹp và phải tập luyện từ trước. Các động tác và điệu múa của họ cũng giống như hiệu cờ, hiệu trống và hiệu chiêng ở hội Dóng. Hiệu cờ cũng quì, nhảy, múa ba lần như ba ván ở hội Dóng. Lá cờ cũng dài như ở hội Dóng, nhưng tổng cờ phải tập luyện cẩn thận, thuần thục, tránh để cờ lùng nhùng mà cuốn vào cán, như vậy sẽ bị phạt vạ rất nặng và có lỗi với Thánh. Do đó mà các tổng cờ luôn luôn phải chú ý trong khi luyện tập.
Tại bãi Xây ở trong đền, ngày trước rất rộng và cây cối um tùm, mát mẻ, là nơi diễn ra cuộc đấu cờ người. Người đẹp nhất được chọn làm tướng. Mỗi quân cờ đều có một chiếc ghế đầu để ngồi. Riêng tướng cờ được che thêm một chiếc lọng. Người chơi đánh nước nào thì người đóng vai quân cờ chuyển chỗ theo nước đánh. Cứ như vậy ván cờ diễn ra căng thẳng với sự đấu trí của người chơi, nhưng lại hấp dẫn người xem không chỉ vì các nước cờ tài ba mà còn bởi các màu sắc và sự thanh tú của các nam nữ đóng quân cờ. Cuộc đánh cờ phân thắng bại cho các địch thủ kéo dài cho tới hết hội. Đến cuối hội người ta mới xác định rõ người thắng và trao giải cho người nhất cuộc.
Mỗi năm hội đều có phường hát ở các nơi đến đăng cai hát giữ cửa đền, suốt từ 19-2 đến hết hội. Thường thường các phường hát đến xin, địa phương tín nhiệm phường nào thì cho phép họ tới hát giữ cửa đền cho đến khi rã đám mới thanh toán tiền cho họ. Ngoài ra các phường chèo, tuồng khác cũng đến góp vui cho hội thêm sôi nổi.
Trong hội còn có các trò chơi khác như tổ tôm điếm, đấu vật, chọi gà, đốt pháo và thời Pháp thuộc có cả hát cô đầu... Cứ như vậy lễ hội đền bà Tấm kéo dài cho đến hết ngày 21 tháng 2 âm lịch. Ngày 22 tháng 2 là ngày tế rã đám và kết thúc hội. Cũng vào ngày đó các giải vật, giải cờ mới phân ngôi nhất nhì và làm lễ trao giải.
Qua khảo sát lễ hội ở Dương Xá và những làng có liên quan ta thấy một số điểm sau:
1. Trong các làng thờ Nguyên Phi Ỷ Lan thì hội ở Dương Xá có qui mô lớn nhất. Hội có rước nước từ trên Sủi (Phú Thị) với đám rước lớn gồm cả tổng Dương Quang xưa và các làng ăn lộc đền Bà Tấm.
Nếu như ở Như Quỳnh (Hải Hưng) hay chùa Dạm (Nam Sơn, Quế Võ, Bắc Ninh), Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội) nhất mực mọi người đều cho chỉ thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, thì tại Dương Xá, bà Tấm và Nguyên Phi chỉ là một và có một quá trình lịch sử dài từ một hình tượng cô Tấm lam lũ và thông minh đến vị nguyên phi tài ba, tháo vát. Chỉ có Dương Xá kiêng chữ Tấm gọi là bổi, cám gọi là đớn.
2. Vào dịp hội, cả Dương Xá, Như Quỳnh và Phú Thị đều rước giao hiếu và cả ba nơi đều trân trọng yêu quí thần tượng Mẫu nghi thiên hạ của mình. Cũng dễ nhận ra điều đó vì Thổ Lỗi trang xưa bao gồm đất đai suốt từ Sủi (Phú Thị) cho tới Văn Lâm, Văn Giang, Hải Hưng ngày nay. Cả ba làng trên đều thuộc trang Thổ Lỗi ấy. Do vậy không lấy làm lạ khi xuất hiện tâm thức kính trọng, cả ba làng đều coi Nguyên Phi Ỷ Lan là người của quê mình.
3. Ghép các chi tiết hội ở cả ba làng ta sẽ có được một lễ hội trọn vẹn với nội dung là toàn bộ truyền thuyết và sự thực lịch sử về Nguyên Phi Ỷ Lan. Đó là các tục lệ, nghi thức liên quan đến cô Tấm ở đền Bà Tấm. Chi tiết ông bán dầu ở hội làng Ghênh (Như Quỳnh) nhắc đến đoạn cô Tấm dựa bên khóm lan khi đi hái dâu và gặp vua để thành hoàng hậu sau này. Tục bông sòng ở hội làng Phú Thị (Sủi) nhằm kể lại sự tích đầu thai của vua Lý Nhân Tông và cuối cùng là những nghi thức và lễ vật của ngày hội nói lên quãng đời cuối cùng của Nguyên Phi chuyên tâm vào việc xây dựng chùa chiền, chuyên tâm làm điều thiện, tu nhân tích đức nơi cửa Phật. Toàn bộ lịch sử của một nhân vật được biểu tượng hóa trong các nghi thức, tục lệ ở lễ hội của cả ba làng. Do vậy việc tổ chức tốt lễ hội ở đây sẽ phát huy được tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các địa phương như truyền thống tốt đẹp của các làng mạc Việt Nam vốn đã có từ xa xưa.
4. Những năm gần đây, hội đền Bà Tấm ngày càng trở thành một lễ hội lớn. Khu vực đền đã được tu sửa khang trang hơn, đẹp hơn. Ngày hội được sự tổ chức khá chu đáo của chính quyền địa phương và nhân dân trong xã. Nhiều trò vui dân gian được khôi phục lại như tổ tôm điếm, chọi gà... Một số sinh hoạt mới được tổ chức... Trong một khu vực đền hơn hai hécta, các trò chơi được bố trí hợp lý cho nên đã thu hút người xem rất đông. Dương Xá lại là nơi gần thủ đô, nằm cạnh đường quốc lộ số 5, do đó khách trẩy hội cũng rất tiện lợi. Vì vậy khách đến hội mỗi năm một đông thêm.
Những Lễ Hội Truyền Thống Việt Nam Những Lễ Hội Truyền Thống Việt Nam - Sưu Tầm