Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọc Giao
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Oanh2
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 638 / 2
Cập nhật: 2015-10-19 14:42:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
húng tôi ghìm cương ngựa. Bà Tố vẫn ngồi trên yên lau mồ hôi, thở liền mấy cái. Và không chờ tôi đưa tay đỡ, bà nhanh nhẹn nhảy xuống đất, nhìn lại phía sau, cười:
- Hèn quá! Anh chàng kia phải bỏ dở cuộc đua rồi.
Ông chồng bà đã bỏ cuộc đua ngựa từ biệt thự vào rừng mà ông tổ chức, vì bà Tố chỉ cho tôi nhìn ông tít phía xa, đang cho ngựa leo lên dãy núi đất đỏ, rải rác mấy túp nhà của người Thổ, người Mông.
Bà Tố chặc lưỡi bảo tôi:
- Ông ấy lên cơn nghiện nên phải mò lên nhà thằng Thổ hút! Mặc, ta cứ vào rừng, rồi về sau.
Bà vui vẻ vừa đi vừa líu lo hát những câu hát Thổ, và biết là mình kỳ bà nhìn tôi ngặt nghẽo cười:
- Ông thấy độ này tôi trẻ con lắm phải không, ông Nghĩa? Nếu đúng thì có lẽ đó là triệu chứng của bệnh điên đấy ông ạ.
Tiếng cười của bà lại ròn thêm, vang động khu rừng vắng. Bà ngồi bệt xuống cỏ, ngửa mặt nhìn ánh nắng lấp loáng trên lá cây non.
- Nắng trong rừng đẹp quá, ngồi xuống đây nghỉ một lát rồi sẽ bắn cũng chẳng muộn mà. Ông hiền lành thế mà ác lắm đấy, một tay ông đã giết bao nhiêu mạng muông thú mà không sợ vong hồn chúng oán sao! Ngồi xuống đây, Nghĩa!... ồ, cứ lì lì và lễ phép như nhà nho thế kia, chẳng trách ế vợ hoài!
Tôi ngạc nhiên vì cử chỉ của bà. Mọi khi bà nghiêm nghị, buồn rầu, uể oải, ít nói, ít cười thế mà hôm nay thì trái lại? Ừ, hôm nay thâm tâm bà hẳn có sự hoan lạc, hoặc do hạnh phúc gia đình, hoặc về một nỗi niềm riêng. Cho nên làn mây ám trên khuôn mặt sáng như trăng ấy đã tan đi, giọng nói của bà, giọng nói của một thiếu phụ Nam Kỳ trở nên dịu ngọt, tình tứ làm sao! Tôi thèn thẹn vì câu nói ấy, và nhất là bà lại ngó tôi, miệng cười chúm chím trong khi bà ngả mình nằm nghiêng trên nệm cỏ non, gió thổi bay tà áo màu hồng nhạt, và in rõ hẳn nét đùi tuyệt đẹp.
Ngoan ngoãn, tôi ngồi xuống cỏ, cạnh bà. Bà đòi thuốc lá, và chờ tôi đánh diêm châm thuốc hầu bà xong, bà nhìn trời, nhìn hoa lá với đôi mắt đăm đăm. Bà nghe... tiếng nhủ của lòng, vì tôi thấy bà ấp bàn tay vào ngực và thở mạnh khác thường.
Hai con ngựa gần đấy đang gậm cỏ và thỉnh thoảng đập móng xuống đá sỏi khiến bà giật mình nhìn ra ngoài cửa rừng tựa hồ bà lo ngựa của ông tham phi đến..., hoặc bà sợ hãi một cái gì gở lạ rình bà, vì tôi thấy bà tự nhiên hốt hoảng, nét mặt lại rầu rầu.
Núi rừng yên lặng trong cái yên lặng giữa bà với tôi, như thế một khắc dài.
Chợt một tiếng, rồi hai, rồi ba tiếng súng nổ gần đâu đó. Bà Tố ngồi nhỏm dậy, đứng lên. Chúng tôi tưởng là tiếng súng của ông Lục, nhưng thấy cái ô tô đỗ ngoài rừng, chúng tôi mới biết là tiếng súng của mấy người Pháp ở tỉnh về săn.
Một con thỏ chạy vào trong bụi. Bà Tố giằng súng trên tay tôi, bắn. Tài thiện sạ của bà, quả như tôi nghe người ta ca tụng, đã không làm phí viên đạn ấy.
Bà cười và cho tôi biết, hồi con gái bà đã có dịp săn thú dữ ở rừng Lào.
Nhưng cái can đảm trong những cuộc bẫy cọp săn voi nơi đồng gianh không còn nữa. Bà ngày nay đã hoàn toàn là một người đàn bà bạc nhược, thiết tha cầu một hạnh phúc gia đình, sống yếu đuối dưới sự áp chế của người chồng tính tình kỳ lạ, không hề thương đến bà.
Tại làm sao? Tôi không biết mà cũng không thể biết hơn, ngoài cảnh ngộ đau xót của bà tôi vừa kể trên đây. Phải, tôi chỉ biết chắc rằng bà không phải là người sung sướng, tuy ở một địa vị, một gia đình sung sướng. Nhà tôi ở liền bên tòa biệt thự của chồng bà. Vì vậy, tôi thường nghe ông Lục mắng chửi bà, và thảm hơn, đã nhiều lần giữa đêm khuya, tôi nghe rõ tiếng bà kêu khóc và tiếng roi kêu vun vút như tiếng roi đòn.
Trời hỡi, xinh đẹp như bà, hiền hậu như bà mà người ta nỡ hành hạ như thế, mà bà chịu nhẫn nhục như thế được? Tôi muốn biết đôi phần duyên cớ, tôi muốn được gần bà, gần ông Lục, nhưng, nhiều lần, vừa xảy cuộc xung đột xong, cách độ vài giờ sau, tôi đã nghe thấy tiếng đờn tì bà của bà Tố văng vẳng trên phòng ngủ bên biệt thự và, đứng trên gác nhà tôi mà thóc mách nhìn sang bên đó, tôi còn ngửi thấy mùi thuốc phiện thơm thoang thoảng và tiếng ông Lục đang cao hứng ngâm thơ, - hình như một gia đình êm ấm, khiến một trai chưa vợ như tôi - nếu chẳng hiểu trước tiếng đờn kia là tiếng khóc, nếu chẳng biết tiếng ngâm thơ nọ chỉ là để che nỗi giận - thì, tất nhiên, tôi phải ước thèm cái cảnh vợ chồng tiên.
- Ông hẳn đang nghĩ điều gì lạ về tôi?
Tôi lôi con thỏ ở trong bụi ra đưa bà.
- Tôi đang nghĩ đến cái chết của con vật đáng thương này.
Đón con thỏ, giơ lên, bà Tố bỗng tái xanh mặt:
- Tội chưa! Con vật đang có chửa, và, tội hơn nữa, là không ngờ viên đạn nhằm vào bụng nó, lòi cả con ra đây này... Thực đã sáu năm nay bây giờ tôi mới phạm thêm một tội ác nhường này...
Bà đứng tần ngần một lát rồi bà nhờ tôi bới đất chôn con vật ấy. Tiếng súng của mấy người Pháp vẫn luôn luôn nổ, bà Tố rùng mình nhảy lên yên ngựa, giật mạnh cương phi nước đại. Tôi vội theo sau, gọi bà. Bà không đáp, càng ngả người về phía trước, thúc gót săng đan vào bụng ngựa. Đường chạy chữ chi, mỗi khi qua chỗ rẽ, ngựa nghiêng hẳn mình đi và đạp cát bụi lầm. Nhìn bà Tố lúc đó, tôi có cảm tưởng như thấy một viên nữ tướng trong tiểu thuyết ta thường đọc; vậy mà người thiếu phụ có khí sắc hiên ngang ấy, chỉ vì quá giữ phận làm vợ, làm dâu mà trọn đời đau đớn, yếu hèn như con chim bị giam trong lồng.
o O o
- Đừng! Bà Tố, sao lại như thế được? Bà nên về ngay kẻo ông Lục biết thì tai hại cho bà, cho tôi... Ồ kìa, bà bắc thang sang ban công bên này à? Bà đã nhớ cất thang chưa, nhỡ đầy tớ nó thấy thì chối làm sao?... Bà Tố... bà Tố... bà!
- Ông nhất định đuổi người đàn bà đến thăm ông vì một việc cần. Tôi đã xin phép ông cho tôi vào phòng một lát, và ông đã nhận lời. Thế mà, từ nãy ông nói bao nhiêu câu... bao nhiêu câu vô nghĩa lý để đuổi tôi. Tôi đã bảo ông đừng sợ. Nếu sự nguy hiểm có xảy ra thì chỉ xảy cho tôi, chứ ông có can gì... Tôi xin ông nên bình tĩnh và nói khẽ...
Bà kéo ghế ngồi cạnh giường tôi. Tôi tung chăn đứng dậy, với chiếc áo khoác vội ra ngoài quần áo ngủ. Tôi nhìn bà như nhìn một hiện tượng lạ lùng. Thấy hộp thuốc lá ở nệm giường, bà tự nhiên cầm lên rút một điếu hút, bởi bà nghiện nặng thuốc lá từ lâu.
- Xin cho tôi biết tôi giúp được gì cho bà.
Không đáp lời tôi hỏi như đãng trí không nghe thấy, bà ngồi bắt chéo chân, hai tay ôm má nhìn trăng sáng ngoài trời. Đêm ấy, dưới ánh trăng sương xuống đầy vườn, cảnh buồn lạ lùng. Dế bên tường ri rỉ, trong tiếng gió cành lá xào xạc, não nùng như một tiếng thở dài của người thiếu phụ ngồi cạnh giường tôi mà không cho tôi biết vì một lẽ gì, một cớ gì bí mật...
- Bà Tố!
Bà ngửa mặt, đáp tôi bằng cái nhìn đăm chiêu và kiêu hãnh, rồi tự nhiên mắt bà sáng hẳn lên, đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Bà cầm con búp bê xinh như cô gái nhỏ ở bên gối tôi, giơ lên, rồi ôm vào ngực như bế ẵm, cười sằng sặc:
- Rõ ê chưa! Không chịu lấy vợ để cứ ngày đêm ân ái với cô gái bằng bột này à!
Tôi đỏ mặt. Nhưng bỗng bà rên thảm thiết:
- Sao Trời Phật không cho tôi một đứa con? Nếu có một đứa con để cho người ta được hài lòng mãn nguyện thì thân mình đâu đến nỗi bị giầy vò, đau khổ, đâu đến nỗi nhơ nhuốc, xấu xa...
Bà tựa đầu vào cửa sổ, nhìn ra vườn, khóc nấc lên tựa đứa trẻ thơ. Tôi không biết cư xử thế nào. Tôi bối rối, và kinh hãi. Nhưng tôi đã hiểu đôi chút về nỗi thống khổ của bà, về tâm sự của bà...
- Khốn nạn, bà cầu xin Trời Phật một đứa con, chỉ có thế thôi ư, bà Tố? Nhưng bà lo ngại làm gì vội, bà còn trẻ, mạnh, ông ấy cũng vậy kia mà!
Xúc động vì câu nói, bà càng nức nở rồi ngồi phịch xuống giường.
- Còn hi vọng nữa đâu. Tôi khổ lắm ông ạ. Chỉ vì tôi xấu số muộn con mà bố mẹ chồng rẻ rúng, cả đến chồng cũng chẳng thương yêu, che chở được một phần. Sự hiếm hoi ấy không phải ở nơi tôi, mà tại chồng tôi bất lực, bệnh tật luôn luôn, lại thêm nghiện nữa, như vậy thì yêu đương có kết quả gì! Cả dòng họ chồng tôi mọi người đều rất hiếm con, chồng tôi có lẽ cũng bị ảnh hưởng cái không may đó. Nhưng ông ấy không chịu lấy thêm vợ lẽ mà cũng chẳng chịu nhận hai lẽ trên đây là một trở lực khiến tôi không sinh đẻ, ông ấy lại tìm cách rẫy bỏ tôi, mà sự rẫy bỏ đau đớn ấy tôi tin nó sẽ xảy ra, nếu tôi không có một đứa con để nối dõi sau này. Gia đình, vì vậy, hàng ngày rối nát, chúng tôi không thể gần nhau, hòa thuận với nhau. Thấy rõ hạnh phúc của đời mình dần dần sụp đổ không cách nào cứu vãn, tôi nhiều phen toan tự tử, song thú thực, không hiểu sao, tôi còn luyến tiếc cuộc đời... - Bà Tố lau nước mắt, lặng yên... Ánh trăng ngoài vườn làm da mặt bà xanh và đẹp một vẻ đẹp mơ buồn. Bà ngập ngừng run giọng nói: - Không có can đảm tự sát mà cũng thiếu nghị lực bỏ chồng để làm lại cuộc đời... Nghĩa ạ, tôi đành sống trong cái gia đình đầy sầu lụy, đầy sự bất công hiện tôi đang sống, vì Định mệnh đã xếp đặt thế rồi. Tôi có thể..., ừ, Nghĩa ơi, tôi có thể hy sinh trinh tiết của tôi, lòng trong sạch của tôi, cả danh dự của tôi cho một người... để có một đứa con, ôi, một đứa con mà Trời Phật sẽ cho tôi, mà người đó sẽ cho tôi!
Bố mẹ chồng tôi sẽ có cháu mà bồng, chồng tôi sẽ có con mà ẵm, thế là tôi mãn nguyện. Rồi nuôi nấng cho tới khi nó lớn lên, tôi sẽ tự tử, hoặc không thế thì tôi sẽ đi tu. Khi đó, tôi không ân hận điều gì nữa, vì tôi đã làm đẹp dạ bố mẹ chồng, làm đạt ý muốn của chồng, tôi đã giữ tròn thiên chức một người đàn bà, bởi tôi đã có một đứa con, dù đứa con ấy là kết quả của cuộc ngoại tình nhơ nhuốc, nhưng phạm tội ấy vì tôi quá hi sinh cho hạnh phúc gia đình chồng tôi, vì tôi muốn cầu sự yên ấm cho cuộc đời đã tan nát của tôi... - Bà Tố, mặt đỏ bừng, hai mắt đắm say, nắm chặt lấy tay tôi - Nghĩa ơi... ai sẽ vui lòng cho tôi, cho người đàn bà khốn nạn này mối ân tối hậu ấy... ai sẽ... Nghĩa! Đừng ngạc nhiên nữa, đừng lấy đạo đức mà khinh rẻ người đàn bà đáng thương này, hãy cứu đời tôi, cứu hạnh phúc của chúng tôi mà cho tôi một chút tình...
Tiếng sét làm tan vũ trụ không khiến tôi hoảng sợ bằng lời nói của người đàn bà đang nhìn tôi với đôi mắt van lơn lo sợ, cử chỉ bối rối sượng sùng. Tôi biết đáp làm sao, nghĩ làm sao? Tôi có nên nghĩ đến hạnh phúc vợ chồng bà mà làm cái việc ghê gớm ấy. Tôi có nên tin những lời bà, thoạt mới nghe thì vô lý, nhưng, nghĩ kỹ, tôi phải mủi lòng vì hoàn cảnh đau đớn của bà? Tôi muốn cưỡng. Nhưng tôi không nỡ, ồ, phải nói tôi không thể, bởi vì Tố nắm chặt tay tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi. Trước cặp mắt chứa một mối buồn mênh mang ấy, trước một thân hình mà vẻ đẹp hoàn toàn như cám dỗ, như khiêu khích ấy, trái tim tôi dù là đá cũng bị mềm.
Trăng buồn, trong sương nhạt, ngả dần về phía tây nam. Tôi say với cơn mộng tỉnh,... tôi đã yêu bà!
o O o
Cụ Tuần đi chơi vắng vẫn chưa về, ông Lục thì đang bận đi việc quan ở một tỉnh xa.
Tố Lan - tôi phải gọi thế, vì Tố không muốn tôi gọi là bà nữa - đêm nào cũng bắc tấm ván gỗ từ bao lơn bên gác biệt thự Tố sang bao lơn căn gác nhỏ của tôi. Tố chỉ định gần tôi trong tuần lễ, Tố chỉ mong làm một kẻ hành khất ái tình, vậy mà, tuần lễ ấy đã qua, Tố yêu tôi quá, mê tôi quá, mà tôi thì trước kia miễn cưỡng chiều nàng, song lâu dần lòng tôi yếu ớt, tôi yêu nàng như yêu một tình nhân.
Tôi có một con vẹt rất khôn. Tôi dạy nó gọi tên Tố. Rồi tôi đem treo nó ở bao lơn, cứ đến nửa đêm, bốn bề vắng lặng, nó gọi liền ba tiếng "Tố Lan!" Nghe hiệu lệnh, Tố bắc ván làm cầu sang gác tôi... cho tới lúc bừng mắt dậy nhìn sương đêm đã loãng, sao mờ thưa thớt giữa trời khuya, Tố mới leo về phòng ngủ của nàng.
- Tố Lan! Sao sự đời lại như thế được! Sao chúng ta nỡ mê mệt với một hành động đê hèn, thầm vụng như thế mãi, Tố Lan ơi!
Tôi thẹn cùng bút, sách, Tố, chẳng hay có thẹn cùng gương lược, phấn son? Tố! Tố! em hối hận ngay đi, xa bỏ anh đi, trở lại vòng luân lý, muộn lắm rồi!
o O o
Một đêm sương, khi con vẹt của tôi đã làm cái "sứ mệnh" như thường lệ, thì Tố đứng bên bao lơn biệt thự, giương chiếc cung cành dâu, nhắm bắn sang lồng con vẹt một phong giấy đỏ.
Trời hỡi! Tố đã có tin mừng, Tố đã có mang! Sự hi sinh tất cả tiết trinh, danh dự đã kết quả một đứa con. Đứa con ấy sẽ làm sống lại cuộc đời hầu chết của nàng, sẽ là một ánh sáng làm tan mây khói trong gia đình nàng bấy lâu. Tố ơi, bây giờ thì ta phải lìa nhau? Hẳn rồi! Mà ta mong thế lắm, tuy sự xa lìa kia làm chết lòng tôi, làm héo lòng nàng, nhưng làm sống đời nàng. Thế là đủ lắm!
o O o
Con của Tố đấy à!... Mới năm nào... À, mới ba năm nay, cũng một đêm sương, tôi khắc khoải trên gối, lắng tai nghe tiếng cười của bố mẹ chồng nàng, tiếng reo mừng của ông Lục sự, tiếng khóc lanh lảnh của đứa con vừa lọt lòng nàng. Thế mà bây giờ nó đã lớn nhường kia, xinh xắn thế kia. Đứng bên vườn nhà tôi nhìn sang vườn biệt thự xem ông Lục đang vui đùa với con bên hòn non bộ, tôi nhận thấy ông béo tốt hơn xưa, nét mặt tươi tỉnh, vô tư lự, thật là một người mãn nguyện về hạnh phúc đầy đủ của mình.
Lên gác, vào gian phòng cũ: vẫn nệm giường kia, vẫn đôi gối ấy, nhưng còn đâu mùi hương thoảng trên da thịt nàng, trong mớ tóc nàng.
Ra ngoài bao lơn đứng, tôi ngẩn ngơ nhìn sang phòng ngủ nàng, song nào thấy bóng nàng đâu. Duy chỉ còn một kỷ vật gợi cho tôi nhớ những đêm sương, những cuộc giao tình vụng trộm: tấm ván gỗ, xưa kia nàng vẫn dùng làm cầu để sang ân ái với tôi. Tấm ván ấy vẫn còn nguyên chỗ cũ, ở góc tường.
Không sao ngủ được, tôi ra bao lơn ngắm trăng sao và trông đợi bóng nàng.
Người bõ già lẳng lặng đến sau tôi, tôi khẽ hỏi:
- Lão Bộ có biết tin bà Lục bên kia thế nào?
Lão nhìn tôi, buồn bã:
- Ông đi xa vắng từ ba năm nay, bây giờ về cảnh láng giềng, hàng xóm thay đổi khác xưa nhiều. Thỉnh thoảng vẫn xảy ra đám cháy, cướp bóc, giết người luôn ấy, ông ạ.
- Ồ, tôi hỏi lão về tin bà Lục kia mà!
Lão lại buồn thảm hơn:
- Bà ấy chết nửa tháng nay rồi, mà nghe đâu như chết một cách khả nghi lắm. Tội nghiệp, người xinh đẹp thế, sung sướng thế!
Trời ơi! Tin sao mà ghê gớm! Có phải là tiếng sét giữa trời đông? Nhát búa giữa đầu tôi? Viên đạn giữa tim tôi? Tố chết một cách khả nghi à? Nàng tự sát? Mà sao nàng chẳng đi nương cửa Bồ đề mà sám hối, như lời nàng hứa với tôi trong đêm hôm ấy?...
Nàng chết rồi! Em đã chết rồi!...
TỐ LAN! Con vẹt của tôi vẫn còn sống để chờ chủ nhân trong mấy năm xa vắng, nay thấy tôi về, nó vui mừng kêu ríu rít, bay đậu lên vai tôi, rồi chờ tới nửa đêm, nó lại làm cái "sứ mệnh" gọi tên nàng:
"Tố Lan! Tố Lan! Tố Lan!" Nhưng chim ơi, đừng gọi nữa, khổ lòng ta lắm, nàng đã chết rồi, Em đã chết rồi!
"Tố Lan"!
Tiểu thuyết thứ Bẩy, số 153/1937
Những Đêm Sương Những Đêm Sương - Ngọc Giao