That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 513 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
uổi tối trời Đà Lạt đầy sương, tôi rủ Đức:
- Không lạnh lắm, mình xuống hồ Xuân Hương uống café.
Đức nhún vai:
- So với Minnesota cái lạnh nầy ăn thua gì. Đi bộ nói chuyện cho vui.
Đức đến thăm tôi thật bất ngờ. Chúng tôi là bạn từ thời trung học nhưng nhiều năm rồi chúng tôi không gặp nhau vì mỗi đứa sống một nơi, mỗi đứa một cuộc đời, lâu lâu điện thọai hỏi thăm để biết bạn bè còn đó, hẹn gặp nhau nhưng rồi hình như chẳng bao giờ có thì giờ.
Chúng tôi đi xuống con dốc dài. Con dốc nầy là ‘con đường mang tên em’ khi mà mái tóc chúng tôi còn xanh, khi mà trái tim chúng tôi còn ấm nồng, khi mà những đôi má hồng của những cô bé Bùi Thị Xuân vẫn còn làm chúng tôi ngẩn ngơ, trước khi Đức xuống Sài-Gòn theo học ‘Quốc Gia Hành Chánh’, và trước khi tôi làm người đi biển, lưu lạc bốn phương trời.
Tôi hỏi Đức:
- Mầy về đây hôm nào?
- Mới sáng nay.
- Sao biết tao ở đây mà tới kiếm.
Đức cười:
- Tưởng mầy phiêu bạt, bỏ vợ ở nhà một mình đi phương trời nào, không ngờ quay về chốn cũ. Trước khi rời Hoa-Kỳ tao có điện thọai, Trinh cho biết mầy về dạy học ở đây.
- Tạm thời thôi. Đi đi về về chứ không ở hẳn. Xong niên học nầy tao lại về Cali với gia đình vài ba tháng. Vợ con có theo về không hay chỉ một mình?
- Trinh hiểu biết và rộng lượng nên mầy mới tự do ‘nay ở mai về’, tao không có cái may mắn đó. Yến về thăm mẹ dưới dốc ‘Nhà Bò’, khuya tao sẽ phải đón em về khách sạn ‘Empress’.
Tôi hỏi:
- Sao không đưa Yến tới chỗ tao.
Đức lắc đầu:
- Không tiện. Để chúng mình tự do nói chuyện tình ngày xưa. Vả lại không muốn bị mắng là ‘già đầu hai thứ tóc mà cứ còn ‘mầy tao’ như trẻ thơ’!
- Ừ, chẳng còn được bao nhiêu đứa như bọn mình. Ước gì còn thằng Tuấn Mù ở đây nữa là đủ bộ ba như ngày xưa. Còn nhớ ngày đó chúng mình làm báo trường với nhau không? Mầy là ‘Văn Bựa’, tao là ‘Trữ Tình’ [1], còn thằng Tuấn Mù thì bao giờ cũng vẫn là Tuấn Mù, yêu nhỏ Linh vừa đen vừa lùn.
Giọng Đức có thoáng buồn:
- Tao tưởng đời tao đã là ‘khốn nạn’ nhất, nhưng vẫn còn có những đứa xót xa hơn. Mấy chục năm không nghe tin nó, sợ rằng Tuấn Mù chẳng còn sống trên cái cõi đời buồn thảm nầy.
- Đừng bi quan Đức ạ, dù thế nào cũng nên thiết tha với đời sống. Một trong những lý do tao trở về đây dạy học là mong gieo rắc trái tim xanh của mình cho lớp trẻ. Tao thấy họ thông minh và cần cù hơn chúng mình trước đây, nhưng có lẽ sau chiến tranh điêu tàn, họ không có trái tim nồng ấm như chúng mình ngày xưa.
Hồ Xuân Hương mờ ảo trong sương, ánh đèn từ nhà thủy tạ mù mờ và tiếng nhạc vọng ra nghe êm đềm. Chúng tôi chọn chiếc bàn ngoài hành lang gần mé nước vì bên trong đầy khách trẻ và khói thuốc mịt mù. Đức nhìn quanh:
- Ngày xưa chúng mình cũng không khác gì, lúc nào cũng điếu thuốc trên môi, cũng café đen và nhạc tình, chỉ khác là lúc đó là café Tùng.
Tôi nhắc:
- Café Tùng vẫn còn đó.
Đức cười:
- Nhưng người xưa không còn.
Có bóng người che mất ánh đèn. Tôi ngẩng lên và thấy Loan đứng đó tươi cười:
- Thầy uống gì ạ? Mà thôi em biết thầy uống gì rồi. Café sữa nóng!
Tôi chưng hửng:
- Em vào làm ở đây từ bao giờ?
Loan trả lời như phân trần:
- Em mới vào làm tuần nầy. Nhà trường lại mới tăng học phí nên em đi làm vài tối một tuần.
Tôi chỉ Đức:
- Kỹ sư Đức bạn tôi, còn đây là Loan, sinh viên lớp vi-tính do tôi hướng dẫn.
Đức lịch sự nghiêng đầu:
- Chào cô Loan, thầy Duy uống gì tôi uống thứ ấy.
Loan gật đầu:
- Em mang lại liền.
Bước chân Loan nhún nhảy, luồn lách giữa đám bàn ghế chật hẹp, nhưng vẫn còn ngoái cổ lại nhìn và mỉm cười. Đức tra vấn:
- Sao mà Loan nó biết mầy chỉ uống café sữa nóng?
Tôi cười:
- Tao đi uống café và ngao du với sinh viên rất thường. Họ quen tính, biết thầy Duy hiền khô, không rượu chè, café là hết cỡ thợ mộc!
Đức dọa:
- Mầy vớ vẩn ‘ông’ về Mỹ ‘ông’ mách Trinh là mầy ốm đòn.
- Mầy đừng có ‘bỏ bom’. Tao lăng nhăng dăm ba cuộc tình, nhưng đó là chuyện xưa. Lúc nào tao cũng yêu Trinh.
- Xưa mẹ gì. Trinh mách với tao là hơn năm trước đây mầy ‘lêu lổng’ ra tận Tây Hồ với em Jackie hay Phương Thảo nào đó. Về Mỹ với vợ mà lâu lâu còn thở dài. Đúng không?
Tôi cười trừ:
- Đúng có một nửa. Mà thôi, ‘ông’ muốn nghe chuyện tình của mầy chứ đâu phải mang mầy ra đây để mầy sỉ vả ‘ông’. Mầy biết đó, tao ở Cali còn mầy ở Minnesota, như đầu sông với cuối sông, mấy chục năm mới gặp nhau được vài lần. Biết mầy ly-dị rồi trải qua mấy cuộc tình mới mà cũng không rõ cội nguồn. Bây giờ là lúc mầy kể rõ cho tao nghe.
Tôi ngừng một giây rồi nói thêm:
- Nói tao nghe để tao còn biết đường mà tránh. Long đong như mầy không biết rồi hậu vận có khá hơn không.
Đức chợt buồn:
- Cũng là số phận. Có bao giờ tao nghĩ là Diệu và tao phải xa nhau. Như mầy biết, tao là mối tình đầu của Diệu, cô nữ sinh 18 tuổi, con ông hội đồng, yêu ông ‘phó quận’ và lấy người mình yêu như ước mơ. Chúng tao đã có những ngày rất hạnh phúc. Khi còn ở Sài Gòn mầy thường đến tao, và mầy thấy chúng tao yêu nhau đến thế nào.
Tôi ngậm ngùi:
- Tao biết chứ. Con gái mầy vẫn gọi tao là ‘bố Duy’. Gia đình mầy là nơi tao nương máu mỗi khi đi biển về, và tao thật buồn khi nghe tin chúng mầy xa nhau. Ước gì khi đó tao ở gần, biết đâu chẳng giúp được chúng mầy làm lành.
Đức thở dài:
- Mầy không làm được gì đâu. Bây giờ nghĩ lại tao biết đổ vỡ là do hoàn cảnh. Chúng tao được một gia-đình Mỹ đỡ đầu, định cư tại vùng Twin Cities khi chạy khỏi Sài-Gòn năm 1975. Cảnh sống của những người lưu vong như chúng mình lúc đó ra sao thì mầy đã biết rồi, khỏi cần kể lể làm chi. Lúc đó Diệu còn rất trẻ, chưa tới 30, còn tao đã bắt đầu cằn cỗi với tuyết sương mùa lạnh. Diệu yêu tao và muốn đỡ đần một phần nào gánh nặng gia đình, nên ghi tên theo học một vài lớp tại đại học cộng đồng địa phương, hy vọng lấy được bằng kế toán, xin được việc nhẹ nhàng, phụ giúp chồng, nuôi hai con còn nhỏ. Lúc đó Oanh mới 8 tuổi và đứa em trai nó còn bé hơn hai năm.
Tôi ngắt lời:
- Tao thấy như vậy Diệu là người biết nghĩ. Mầy còn đòi hỏi gì hơn.
- Không. Tao còn khuyến khích Diệu nữa là đàng khác. Nhưng đó là khúc quanh của lỗi lầm. Mầy biết không khí đại học ở bên đó rồi. Rất là sống động, môi trường của tuổi trẻ yêu đời và hy vọng. Cũng có nhiều sinh viên VN học chung trường với Diệu, và ‘Chị Diệu’ là một ngôi sao vì trẻ đẹp và vui tính.
Tối nào từ xưởng tiện lội tuyết về đến nhà tao cũng chỉ muốn lăn ra ngũ, trong lúc Diệu ríu rít kể chuyện vui trong trường. Dần dần Diệu chán chẳng thèm đề ý đến tao vì chưa nói được vài câu tao đã ngủ mất rồi. Bạn bè Diệu càng ngày càng nhiều, và có những cuộc vui tao không có mặt vì không thích hợp với không khí trẻ trung, với ngôn ngữ thời thượng, và nhất là không có ai cùng trang lứa với mình.
Khi xưa Diệu nũng nịu, bắt tao bồng bế lên giường trong đời sống vợ chồng, bấy giờ hình như ngại mùi dầu mỡ dính vào da thịt, và né tránh bàn tay sần sùi mỗi khi tao vuốt ve ân cần.
Những đứa con trai mà trước đó tao không buồn để ý vì còn măng sữa dần dần đến chơi thường hơn, ở lại lâu hơn, và khi ra về nắm tay từ giã thiết tha hơn. Một lần tao thấy thằng nhỏ Dân khi ra về ‘hug’ Diệu dưới bóng đèn mờ của hiên nhà trong lúc tao đứng từ phòng ngủ nhìn ra. Tao thấy Diệu ngoái nhìn vào trong nhà, như có mặc cảm tội lỗi, và chờ thật lâu cho đến khi xe Dân đã khuất bóng mới lững thững vào nhà.
Tối đó chúng tao cãi nhau một trận tơi bời. Từ đó không có anh nhóc nào bén mảng tới nhà, nhưng khoảng cách giữa tao và Diệu càng xa hơn. Diệu vẫn trông nom gia đình, các con tao vẫn mặc đủ áo ấm khi tới trường, vẫn có thức ăn nóng trên bàn, nhưng Diệu ít nói với tao hơn, nhiều khi viết giấy để lại chứ không chờ nhau, hay nói cho nhau nghe những điều cần nói giữa hai vợ chồng.
Tôi hỏi:
- Tình trạng thê thảm đó kéo dài bao lâu?
- Gần một năm, cho đến khi Diệu ra trường, kiếm được việc làm.
- Và hai vợ chồng làm hoà?
Đức lắc đầu:
- Không, chỉ vui được vài tuần, sau đó tình trạng tồi tệ hơn. Diệu không còn lệ thuộc tao về tài chánh nữa. Tao tự ái không thèm so sánh nhưng cũng biết là Diệu như một kế toán viên còn làm ra nhiều tiền hơn thằng thợ máy là tao lúc bấy giờ. Diệu trưng diện hơn và bắt đầu quen với khí hậu, với môi trường mới nên càng ngày càng xinh tươi, còn tao chỉ thêm ủ rũ, thương nhớ những ngày qua, luống tiếc cuộc đời quyền uy cũ.
Tôi thở dài:
- Đó là một lỗi lầm của mầy.
Đức gật đầu:
- Bây giờ thì tao biết. Nhưng lúc đó tao u mê, và càng đẩy Diệu xa tao, vào vòng tay kẻ khác.
Tôi thấy thật bưồn như chuyện đó xảy ra cho chính mình:
- Tao không ngờ. Diệu vốn rất ngây thơ.
- Tao biết, cũng vì Diệu ngây thơ nên nghe theo những lời dịu dàng của những gã đàn ông chỉ tìm cách lợi dụng đàn bà. Diệu bắt đầu đi sớm về trễ, lấy cớ làm thêm giờ. Buổi tối nhiều khi ra khỏi nhà, nói cần lên thư viện học thêm để thăng tiến nghề nghiệp.
Đức ngừng câu chuyện vì Loan vừa trở lại, mang theo hai phin café và phích nước sôi, và vì Loan như muốn nán lại chuyện trò.
Tôi hỏi Loan:
- Em đi làm như thế nầy bố mẹ em có bằng lòng không?
Loan nghiêng đầu nhìn tôi:
- Em ngồi với thầy một lát nhé.
Tôi gật đầu, đúng dậy kéo chiếc ghế trống cho Loan ngồi xuống. Loan tâm sự:
- Bố mẹ em không được vui lắm nhưng em nói là chỉ làm tạm. Hết năm học nầy là em tốt nghiệp rồi, và dù không có việc làm ngay nhưng không còn phải đóng học phí nên cũng không cần phải đi làm.
Tôi ngần ngại:
- Em nên cẩn thận. Buổi tối đi về nên có người đưa đón. Dù sao như vậy cũng yên tâm hơn.
Loan nhìn tôi:
- Em không có anh em trai lớn. Thầy …
Loan cúi đầu không nói thêm. Tôi thở dài:
- Để tôi nói Tùng đưa đón em.
Loan dẫy nẩy:
- Không được! Chúng nó cười chết. Với lại Tùng đâu có muốn vậy.
Tôi mỉm cười:
- Tôi cam đoan với em là Tùng sẽ rất vui lòng.
Loan vẫn lắc đầu:
- Em không thích thế. Thầy … ác lắm - và Loan ngúng ngẩy đứng lên bỏ đi. Đức nheo mắt nhìn theo:
- Phải nói là thầy … ngu ơi là ngu! Chết mầy. Coi chừng lại ‘đong đưa cuộc tình’.
Tôi lắc đầu:
- Never happen. Nói tiếp chuyện của mầy đi.
Đức trở lại u buồn:
- Lúc đó tao rất buồn, trời Minnesota rất lạnh. Tao hút thuốc nhiều hơn, và đôi khi còn húng hắng ho. Diệu vịn vào cớ đó và đòi ngủ giường riêng. Tao vừa buồn vừa tủi nên đành có thái độ dứt khoát.
Một tối ngay khi Diệu ra khỏi nhà tao chở hai con theo sau xa xa. Diệu không đến thư viện như là Diệu nói nhưng lại là một căn nhà trong khu dân cư ở ngoại ô. Tao thấy Diệu đậu xe trên drive-way, bấm chuông đứng chờ. Tao ngồi trong xe bên kia đường và thấy người đàn ông đó ra mở cửa, dang tay ôm Diệu rồi dắt nhau vào nhà. Tao quặn đau nhìn hai mái đầu sát vào nhau in trên màn cửa sổ. Trời đổ mưa và bóng đêm nhạt nhòa. Đèn trong nhà vụt tắt, và bố con tao ngồi trong xe lặng lẽ khóc, chừng như khuya lắm mới dắt diú nhau ra về.
Tôi thấy cay ở mắt:
- Khi nghe mầy gọi về Cali, nói là chúng mầy ly-dị vì không hợp nhau, tao có buồn nhưng không ngờ Diệu lại làm thế.
Giọng Đức nghe thiểu não:
- Và ngay đêm đó tao đã làm một việc ngu xuẩn nhất đời. Khi Diệu trở về tao hỏi thẳng là “mầy đi ngủ với thằng nào”. Diệu mím môi không nói, chỉ hất mặt lên như bất cần, và tao đã dùng hết sức còn lại đấm vào khuôn mặt xinh đẹp đó. Diệu kêu nhẹ một tiếng nhưng không nói một lời, chỉ lặng lẽ vào nhà thu xếp, dắt hai con đi trong khi tao còn đang ngồi ôm đầu ở sa-lông.
Đức ngừng nói, xoay nhẹ tách café trên bàn nhưng không uống, mắt nhìn một chỗ nào như rất xa xôi. Tôi vỗ vai bạn:
- Khúc cuối của một chuyện tình buồn.
Đức lắc đầu:
- Chưa hết! Diệu moved-in với người đàn ông ngay đêm đó và vài tháng sau tao phải ra tòa về tội hành hung vợ. Tòa chỉ cảnh cáo, nhưng cuối cùng chúng tao ly-dị, Diệu được giữ con, giữ nhà, còn tao bỏ đi lang thang.
Dù đã biết trước như vậy mà tôi còn thấy bất bình:
- Đời chó đẻ, đau quá, phải không mầy?
Đức gõ nhẹ ngón tay trên bàn:
- Đau thì có đau thật, nhưng nhờ đó mà tao ra khỏi ngõ cụt cuộc đời. Còn ít tiền dành dụm, tao bỏ việc thợ máy, thuê căn phòng nhỏ của nhà thằng An, trở lại trường và đâm đầu vào sách vở đề quên đời, quên nỗi buồn và nhất là quên Diệu. Đó là lúc mầy mất liên lạc với tao vì tao không muốn bạn bè thương xót hoàn cảnh của mình.
Tôi gật gù:
- Tao hiểu.
- Sách vở có làm tao quên nỗi buồn, nhưng không làm tao quên được Diệu, dù rằng sau đó tao có trải qua thêm dăm ba cuộc tình. Một mối tình khá sâu đậm, nhưng rồi cũng lại vỡ tan tành chỉ vì bóng ma dĩ vãng.
Tôi mỉm cười:
- Cái chuyện nầy thì tao chưa bao giờ nghe mầy nói.
Đức gật đầu:
- Tao yêu Đào, em thằng An, chỉ vì Đào thoáng nhìn thật giống Diệu. Cũng mái tóc dài, dáng người mảnh mai, đôi mắt tròn và nước da trắng. Đào thỉnh thoảng đến thăm gia đình An, biết chuyện của tao nên từ xót thương đi dần đến yêu đương. Chúng tao có được với nhau một thời gian êm đềm khá dài, đến hơn một năm. Tao đã nói với Đào về một tương lai của hai đứa sau khi tao tốt nghiệp. Vợ chồng thằng An xúi thêm nhưng Đào vẫn ngần ngại vì sợ rằng tao chưa quên được Diệu. Tao biết trong thâm tâm tao không quên được Diệu, nhưng vẫn hứa hẹn với Đào là chuyện xưa đã qua, và đó là chuyện buồn nên tao đã quên.
Tôi hỏi:
- Đào tin mầy?
Đức gượng cười:
- Tin cho đến ngày tao ra trường. Tối hôm đó An mở party mừng tao. Tao ôm Đào dìu nhau trong tiếng nhạc, Đào trượt chân và tao lơ đãng “Diệu, em dẫm lên chân anh bây giờ”. Đào đứng chết xững rồi òa khóc, đẩy mạnh tao, bỏ chạy ra về. Tao cố chạy theo, cố năn nỉ nhưng không bao giờ Đào tha thứ. Đào biết là tao còn nhớ thương Diệu và không muốn chia xẻ tình yêu với một bóng người của dĩ vãng. Tao rất buồn, muốn đi tìm một chân trời khác, hy vọng là sẽ quên được nơi chốn có những cuộc tình tan vỡ. Sau đó tao may mắn tìm được việc ở Florida nên bỏ Minnesota tuyết lạnh, về miền nắng ấm mong làm lại cuộc đời thêm một lần.
Tôi đứng lên:
- Đúng là chẳng ra cái ‘đếch’ gì. Nhưng cũng là tại mầy chứ số mạng nào khiến mầy gọi tên vợ cũ khi đang ôm người yêu mới! Tao còn muốn nghe chuyện mầy và Yến, nhưng để vừa đi vừa nói. Tới đón em về không em lại cho mầy lang thang một mình nốt cuộc đời.
Đức cũng đúng lên:
- Sẽ không bao giờ xảy ra. Bây giờ tao … khôn rồi.
Tôi tới quầy trả tiền. Loan hỏi:
- Sao thầy về sớm thế - và một chút tinh nghịch, cười bằng mắt - Cô đâu có ở nhà!
Tôi lắc đầu:
- Cũng không sớm lắm, mai Loan nhớ đi học nghe.
Loan nhìn tôi cười:
- Có bao giờ em vắng mặt giờ thầy Duy đâu!
Tôi cũng cười:
- Nhớ ra rồi. Em và Tùng không bao giờ vắng mặt.
Loan lườm tôi:
- Em và Tùng! Bộ Tùng ‘hối lộ’ thầy cái gì hay sao mà lúc nào thầy cũng nhắc tới Tùng?
Tôi không trả lời, chỉ mỉm cười vẫy tay chào. Ra tới cửa Đức còn ngoái đầu nhìn lại. Nó chọc tôi:
- Chết mầy! Em nhìn theo đăm đăm.
Tôi huých nhẹ vai Đức, không trả lời. Chúng tôi theo con dốc bưu-điện về nhà mẹ Yến. Đức khoe:
- Con đường nầy ngày đó tao và Yến vừa đi vừa hôn nhau bao nhiêu lần. Thoáng một cái mà cũng đã mấy năm.
Tôi hỏi:
- Hồi nào?
- Từ từ tao ‘thú tội’ cho mầy nghe. Ở Florida tao chẳng quen ai. Có thằng Bá ở Tampa nhưng cũng phải lái xe cả tiếng mới tới nên tao cũng ít gặp. Lúc đó là lúc tao liên lạc lại với vợ chồng mầy, gọi mầy sang nghỉ hè nhưng mầy còn mê man vơi công việc, không thèm vác mặt sang.
Tôi chống chế:
- Tao chẳng tới thăm mầy một lần là gì.
Đức chửi thề:
- Sư mầy! Mầy trên đường từ Brazil về, phải đổi phi cơ ở Miami, ngồi ngủ quên ở phi trường, trễ máy bay về California nên mới nhân tiện tới thăm ‘ông’ chứ mầy tử tế gì. Chưa nói được câu nào đã chạy cong đưôi.
Tôi cười trừ:
- Thăm được là quí rôi. Tao bận bỏ mẹ. Sinh nhật vợ còn không nhớ. May mà Trinh nó hiền nên nó tha Tào.
Đức nói:
- Mầy may mắn hơn tao. Nhưng thôi để tao kể tiếp. Hơn năm trời quạnh hiu ở Florida tao rất buồn, chỉ biết đi làm, rồi ăn, rồi ngủ. Tao nghĩ thầm nếu cứ như vậy hoài thì một ngày nào đó tao sẽ héo hon và chết vì buồn. Hồi đó tao có sang thăm mấy thằng bạn quốc-gia hành-chánh xưa ở Nam Cali, nhưng khi về lại Florida tao còn thấy buồn hơn vì gia-đình chúng nó hạnh phúc trong khi tao cu-ki một thân một mình. Tao cũng có trở về Minnesota một lần vì tao nhớ con tao. Diệu đưa con tới nhà An cho tao gặp nhưng không vào nhà. Tao thẫn thờ đứng nhìn theo xe Diệu. Cha con tao ôm nhau khóc vùi. Bé Oanh cứ sờ mặt tao mà gọi bố. Mầy biết không, giá lúc đó Diệu vào nhà thì tao đã quỳ xuống xin Diệu trở về. Tao sẽ quên hết lỗi lầm xưa của hai đứa, sẽ yêu nhau như ngày xưa, khi chúng tao mới gặp nhau ở Mỹ Tho. Hèn quá phải không mầy?
Tôi lắc đầu:
- Phải ở vào hoàn cảnh đó mới hiểu được. Thế có gặp lại Đào không?
Đức lắc đầu:
- Đào cũng đã lấy chồng và dọn về Virginia. Khi trở về lại Florida tao thấy bơ vơ trên xứ lạ, nhiều lúc muốn chết hơn là đối diện với cô-đơn. Đó là lúc VN mới mở cửa, và tao quyết định về thăm nhà. Bố mẹ tao đã qua đời, chỉ còn gia đình ông anh trong ấp Thái Phiên. Tao gặp Yến ở đó, Yến là bạn của các cháu tao.
Tôi cười:
- Thế là ‘chú’ Đức yêu ‘cháu’ Yến tức thì, phải không? Lúc đó Yến ‘lên mấy’?
Đức lại chửi thề:
- Sư mầy. Để yên cho ‘ông’ kể tiếp. Chuyện không giản dị như mầy nghĩ đâu. Yến kém tao hơn hai mươi tuổi, nhưng cũng đã trải qua một cuộc tình, ly dị và có đứa con gái nhỏ. Đó là yếu tố làm chúng tao thông cảm và gần gũi nhau. Quả thực ban đầu Yến có gọi tao bằng chú, tuy nhiên chúng tao coi nhau như bạn bè và chia xẻ với nhau tâm sự chân thành. Cùng với hai đứa cháu gái chúng tao đi chơi chung, đi ăn tối, đi nhảy đầm, và chỉ có thế thôi. Khi trở về Mỹ tao mới thấy thương nhớ Yến, một phần vì tao cô đơn, nhưng tao cũng thấy như mình sống lại thời thanh xuân mỗi khi nghĩ tới Yến, và biết rằng tao không thể nào xa người đàn-bà-trẻ-con tao vừa gặp. Tao bắt đầu viết thư cho Yến, viết đều đặn mỗi tuần một lần bày tỏ tình cảm của mình. Có thư tao viết:
Bây giờ thì tôi biết là tôi yêu Yến thực tình. Yến đừng gọi tôi bằng chú nữa, và cho tôi xưng anh với Yến nghe. Chúng mình đã nhiều đau khổ, hãy làm lại cuộc đời bên nhau, cho anh được yêu em, săn sóc em và con những tháng năm còn lại. Anh vụng về nhưng lòng anh chân thật. Xin em hãy tin anh, cho anh mang em và con về một nơi mà anh biết là chúng mình sẽ có hạnh phúc và con sẽ có cơ hội hơn ở bất cứ nơi nào.
Tôi cười ha hả:
- Tán cải lương như vậy thì em cảm động và chịu là cái chắc.
Đức lắc đầu:
- Đâu có dễ vậy. Yến cũng như con chim phải ná, vẫn còn rất e dè, không hoàn toàn tin tưởng bất cứ người đàn ông nào. Em nói rất có cảm tình với tao, nhưng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện lứa đôi. Yến nói: Dù sao đi nữa thì nơi đây cũng là quê nhà. Yến có anh, có em, có bạn bè, khi vấp ngã có bàn tay nâng đỡ, có bờ vai cho Yến khóc vùi. Nơi xứ lạ Yến đâu có biết ai. Nhỡ anh hắt hủi thì mẹ con em sẽ bơ vơ nơi xứ người. Em thì sao cũng được, nhưng còn con. Em làm thế sao đành.
Tôi than thở:
- Vậy mà ai cũng tưởng là cô gái nào cũng chỉ muốn tìm một người tình Việt kiều để ra khỏi VN. Tao nghĩ Yến là người thành thật. Rồi làm sao mầy thuyết phục được em?”
- Tao viết cho Yến, than rằng đời tao chỉ bị đàn bà bỏ rơi chứ tao chưa phụ tình ai. Thư đi thư lại nhiều lần trong mấy tháng trời nhưng tao vẫn không lay chuyễn được ý-định của Yến. Sau cùng không báo trước tao trở về VN, lên Đà Lạt tìm Yến. Lúc đó trời đã khuya, mưa rả rích và gió lạnh căm căm. Vai áo và tóc tao ướt mềm khi tao bấm chuông nhà Yến, run rẩy đứng chờ. Yến kêu lên hốt hoảng khi thấy tao, và bật khóc khi thấy tao té xỉu trước khi nói được một lời.
- Thế là em bằng lòng?
Đức gật đầu:
- Tao đau và mê sảng mất một ngày. Khi tỉnh dậy câu đầu tiên tao nói là “Anh yêu em, anh chết mất nếu Yến không thương xót anh”. Chúng tao ôm nhau khóc dòng, và sau đó là những ngày thần tiên.
Đến lượt tôi chửi thề:
- Mẹ mầy! Uống thuốc liều. Nhưng tao phục mầy. Như thế mới gọi là yêu!
Đã tới gần nhà mẹ Yến. Đức đi chậm lại:
- Để tao tóm tắt nốt cho mầy nghe. Gần một năm sau tao mới đón được Yến và con sang Florida. Thằng ‘cà chớn’ Bá ở gần nên nó có đến thăm. Nó dọa tao là lấy vợ ‘nhí’ thế thì chỉ ít lâu là em sẽ giã từ tình anh.
Tôi cười:
- Tao có biết vài trường hợp như vậy. Mấy anh già mất vợ chỉ còn biết an ủi là ‘6 tháng thôi cũng đã lời chán”. Mầy ‘lời nhiều lắm’ vì Yến đã sống với mầy rất lâu. Mấy năm rồi đấy nhỉ?
Đức gật đầu:
- Hơn bốn năm, không phải chỉ ‘lời’ mà tao còn nợ Yến một món ân tình. Hơn năm trước đây tao bị stroke nhẹ, tưởng là đi đong, may mà chỉ méo mồm, liệt mất tay trái. Yến đã phải chăm sóc tao, và còn phải đi làm thêm trong xưởng plastic lấy tiền chữa chạy cho tao. Tao nằm nhà mất gần sáu tháng mới khỏi hẳn. Ân tình nầy nặng hơn núi Lâm Viên nhiều.
Tôi vỗ vai Đức:
- Có nghe Bá nói. Nó vẫn tếu, nói tại mầy có vợ ‘nhí’ nên ‘hung hăng quá độ’, tí nữa là đi đong.
Đức cười:
- Mẹ cái thằng cà chớn! Tao còn tin vui nầy nữa nói cho mầy hay. Tao không còn nhớ thương Diệu nữa. Chúng tao bây giờ lại là bạn rồi. Cuối cùng Diệu đã bỏ người tình cũ có lẽ vì những sôi nổi, ngu ngơ ban đầu qua mau, nhận thấy mình sai lầm, nhưng đã quá muộn để trở về với tao nên bước thêm bước nữa, lập gia-đình với một giáo sư gốc Nhật. Hai vợ chồng có đến thăm tao. Diệu và Yến trở thành bạn thân, và các con tao cũng rất thương yêu Yến.
Tôi nói:
- Mừng cho mầy. Có bao giờ mầy tin vào ‘duyên phận’ hay không? Tao thì tao tin, dù rằng ý chí con người cũng có phần.
Ngừng một chút tôi nói thêm:
- Cũng cần có tấm lòng nữa. Như mầy đã nói, mầy vụng về nhưng mầy có một tấm lòng, yêu ai cũng yêu bằng hết trái tim, như thế trước sau gì rồi hạnh phúc cũng trong tầm tay.
Đức nói khẽ:
- Cám ơn mầy.
Yến mở cửa cho chúng tôi. Trong bóng đêm trông Yến bé bỏng như hãy còn là sinh viên mới bước chân vào trường, như Loan, như Thủy trong lớp vi-tính tôi đang hướng dẫn.
Đức chỉ tôi giới thiệu:
- Thằng Duy, bạn anh đấy.
Yến đon đã, giọng bắc kỳ ngọt ngào:
- Anh ạ, mời anh vào chơi.
Quay sang Đức Yến mắng yêu:
- Anh ăn nói đứng đắn không em mách mẹ bây giờ.
Tôi có chút khách sáo:
- Chào chị và xin chị tha lỗi. Đức với tôi bạn bè từ nhỏ, mấy chục năm trời, không thay đổi cách xưng hô được đâu.
Chỉ Đức tôi mỉm cười:
- Giao lại cho chị thằng Đức còn nguyên vẹn, và xin lỗi chị tôi chợt nhớ ra một việc phải làm nên cần đi ngay. Tối mai, khoảng 7 giờ, tôi sẽ tới đón chị và Đức tại Empress. Chúng mình đi ăn và sẽ nói chuyện nhiều.
Tôi cúi chào và quay ra. Đức chạy theo:
- Mầy đi đâu giờ nầy?
Tôi nói nhỏ:
- Tao đi tìm thằng bé Tùng. Nhà Loan xa và ở nơi vắng vẻ, nên cần có người đưa về.
Đức cười cười, giơ tay vẫy chào. Tôi bước nhanh hơn và hỏi thầm:
- Nếu mình không tìm thấy Tùng đêm nay thì sao?
Tôi chợt thấy bâng khuâng:
- Hay là mình …
Tôi thở dài, bước chân chậm lại như không dám nghĩ xa hơn. Gió thổi nhẹ, sương bay vướng ánh đèn đường, tôi rùng mình kéo cao cổ áo lạnh, và bỗng dưng thèm một vòng tay ấm áp như vòng tay của Trinh.
[1] Nhân vật trong truyện của H.H.Thủy
Những Cuộc Tình Đong Đưa Những Cuộc Tình Đong Đưa - Trần Quang Thiệu