Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Toan Nguyen
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2375 / 53
Cập nhật: 2016-04-19 21:57:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
ÀNG SAY SƯA BƠI LỘI VÀ LÀM QUEN VỚI SÓNG NƯỚC. THUYỀN TRÔI vào một vùng biển có cá mập, nhưng nàng tỏ ra không sợ hãi loài cá dữ này nhiều lắm. Tôi giảng cho nàng nghe thực ra loài cá mập không nguy hiểm lắm cho người đang bơi lội và thoải mái dưới nước y như chúng. Cá mập chỉ tấn công người khi bị khiêu khích hay khi chúng ngửi được mùi máu tươi ở trong nước. Cá mập kiếm ăn quanh quẩn ở gần bờ biển mới đáng sợ vì lũ này từng quen tấn công và sống bằng những sinh vật ở trên mặt đất chẳng may rơi xuốn biển, còn cá mập ở giữa biển khơi rất hiền. Nếu gặp chúng, người ta cứ coi như chuyện thường, vẫn cứ tiếp tục thản nhiên bơi lặn. Đừng hoảng sợ. Loài cá này như có năng khiếu cảm thấy sự sợ hãi của các sinh vật khác.
Bây giờ nàng đã có thể bơi được cả ngày dưới biển. Bơi, khi đã quen, cũng như người đi bộ trên mặt đất. Đi mãi vẫn đi đuợc, miễn là đừng chạy vội để bị hết hơi. Nhiều hôm biển lặng, chúng tôi bơi xa thuyền đến hai, ba cây số. Nhiều hôm khác có gió thổi thuyền đi, chúng tôi để cho thuyền trôi đi thật xa mới bơi theo.
Tôi dạy nàng mang mặt nạ, ống hơi và bình dưỡng khí trên lưng lặn sâu xuống đáy biển. Chỉ ba ngày sau, nàng đã lặn được cùng tôi xuống những đáy biển sâu cả trăm thước. Đêm tới, chúng tôi nằm bên nhau nhìn lên trời sao.
Quê hương xa rồi, và chúng tôi cũng không nghĩ đến ngày về.
° ° °
Diễm Lan thích nhất là lúc đang trườn mình trên làn cát trắng có những cây rong vật vờ trên đáy biển sạch, đột nhiên gặp một đàn cá lướt tới:
- Em muốn bơi cùng với chúng – nàng nói – Em tuởng nếu mình ở dưới biển lâu, mình có thể nghe được tiếng nói của chúng. Nếu nói chuyện được với cá thì thú biết chừng nào.
- Cá bơi nhanh quá – nàng cười tiếp – Hình như cá nó có vẻ không thích chơi chung với người. Thấy em đến gần, chúng nó sợ hãi bảo nhau lũi hết…
- Em biết tại sao không? Tôi đùa với nàng – Tại vì ở dưới đáy biển, cá cái nhiều hơn cá đực. Các chị cá phải ráo riết bảo vệ hạnh phúc của các chị. Thấy em tới với thân hình quyến rũ ghê gớm của em, các chị cá phải đốc thúc những anh cá chồng chạy cho mau…
- Bộ em đẹp lắm sao?
- Đẹp nhất, đẹp quá, đẹp chịu không nổi chứ không đẹp lắm.
- Lâu lắm rồi, anh đâu có khen em đẹp…
- Lâu lắm của em là bao nhiêu lâu?
- Là một tiếng đồng hồ…
- Em biết tại sao thỉnh thoảng anh lại phải nói đùa em không?
Đôi mắt nàng nhìn tôi mơn man như lụa nõn:
- Em biết. Vì chúng mình sống sung sướng, thần tiên quá nên thỉnh thoảng chúng mình phải nói đùa nhau đôi câu, để nhớ rằng chúng mình hãy còn sống và đang ở trên biển chứ chưa lên thiên đường… Nhiều khi em có cảm giác như em là tiên, em có thể cất mình bay vút lên trời xanh nếu em muốn…
° ° °
Chừng mười lăm ngày sau khi Khôi và Xoa rơi xuống biển, vào một buổi sáng, Diễm Lan đang bơi dưới làn nước xanh, tôi vào phòng máy mở bản đồ ra đo tọa độ: du thuyền Tình Nữ đang ở trong vịnh Bắc Việt. Gió Nam thổi từ nhiều ngày, nhiều đêm đã đưa du thuyền và chúng tôi trở về phía Bắc. Bây giờ, bên trái chúng tôi là Hải Phòng, trước mặt chúng tôi, chếch về phía bên phải, là đảo Hải Nam. Trước mặt chúng tôi là Hương Cảng.
Tôi không nói chuyện này với Diễm Lan. Có thể nàng không ngờ được rằng du thuyền đang ở gần đất liền và đã đi ngược trở về phía Bắc đến như thế.
Ở đây, trời nóng hơn. Mặt trời như đứng tim ở một chỗ suốt ngày, không khí cũng ngừng di chuyển. Mặt biển vô biên mệt mỏi và uốn khúc lười biếng quanh chúng tôi.
Vì gần đất liền nên có những con hải âu bay quanh du thuyền. Loài hải âu không phiêu lưu quá xa ngoài biển khơi, chúng sợ buổi tối bay trở về đất liền không kịp. Chúng sống nhiều nhất ở những cồn cát quanh các hải cảng nhiều tầu thuyền. Không biết từ đâu trôi lại một mảnh ván thuyền khá lớn. Ván thuyền của một chiếc thuyền bị đắm? Trên ván có đứng dựng lên một thân cột và trên đầu cái cột ấy, một con hải âu lông cánh trắng đứng nhìn chúng tôi. Tôi thấy đầu con chim gật gật khi du thuyền trôi gần nó nhất như nó tán thành việc làm của chúng tôi.
Rồi một đàn cá nhỏ vừa nổi vừa đi trên mặt nước. Đàn cá nổi làm trắng xóa cả một vùng bể. Tiếng cá nhẩy vọt lên trên mặt nước phát ra một làn tiếng động rào rào nghe như tiếng mưa, như tiếng sỏi ném xuống mặt cát.
Hôm nay, tôi nhận thấy Diễm Lan ít nói và tư lự hơn mọi ngày. Đêm tới, một đêm không trăng nhưng sao lấp lánh đầy trời. Dãy Ngân Hà hiện rõ như chưa từng bao giờ rõ đến thế trong đời tôi – trời lấp lánh đầy sao sáng gợi cho tôi nhớ lại những đêm hè thời tôi còn là một chú nhi đồng ở Bắc Việt – quá nửa đêm, tôi lại chợt tỉnh giấc ngủ nồng để thấy Diễm Lan thao thức bên tôi. Đôi mắt nàng mở lớn nhìn lên trời cao:
- Em làm sao vậy? – Tôi bồn chồn hỏi nàng – Em có chuyện gì làm em sợ?
Nàng gượng cười:
- Không. Em làm gì có chuyện gì phải lo sợ? Sao anh hỏi em như thế?
Vì anh thấy nhiều lần em có thái độ lạ lắm… Như đêm nay em không ngủ chẳng hạn, em cứ nằm đó. Anh biết em đang lo âu chuyện gì…
- Không có đâu… Chỉ tại vì em sung sướng quá mà thôi… Em đang suy nghĩ đến… chúng ta…
- Về chuyện gì? Có phải em sợ không thể sống mãi được cuộc sống lênh đênh này, phải không em?
- Sao lại không sống được? Có anh cạnh em, sống ở đâu em cũng sung sướng hết…
Tôi ngã đầu lên ngực nàng, lắng nghe tiếng tim nàng đập nhẹ trong đó. Ngay lúc ấy, khi nàng nói nàng không có chuyện gì để lo buồn, nàng sung sướng hoàn toàn với tôi, tôi tin nàng. Nhưng trong tim tôi vẫn còn vương vấn chút nghi ngờ: tôi không nghi nàng không yêu tôi, tôi chỉ nghi nàng lo âu một chuyện gì đó mà nàng không muốn cho tôi biết. Chỉ vì nàng yêu tôi nên không muốn cho tôi biết…
Nhưng chuyện ấy là chuyện gì?
Tôi cũng bắt đầu thao thức những khi nàng thao thức. Nhưng tôi giả vờ ngủ để cho nàng không biết rằng tôi thức và biết nàng thức. Tôi suy nghĩ về trường hợp bắt buộc phải sống cuộc sống thủy thủ không bao giờ cập bến của nàng. Người đàn bà khó hòa hợp với cuộc sống thủy thủ, nhất là người đàn bà văn minh và lịch sự như nàng. Có thể nàng đã thấy nhớ những mỹ viện, những bộ y phục đẹp và những lần đi dạo trong thương xá Eden, Tax…, nhớ những phố phường đông vui của Sài gòn, nhớ xi-nê.
Và tôi bắt đầu nghĩ cách đưa nàng trở về thành phố.
° ° °
Buổi sáng, mặt trời chưa lên, nhưng trời biển đã sáng choang như tất cả lồng trong một tấm gương vĩ đại. Gió không thổi, du thuyền đứng im, mặt nước lặng tợ như mặt hồ.
Chúng tôi đứng bên nhau ở sàn tầu cao nhất, nhìn ra tứ phương. Mặt nước cũng có mầu hồng của nền trời và chân trời liền với mặt biển.
Một đàn cá lớn nổi lên cách thuyền chừng 200 thước. Những con cá lưng đen, bụng trắng theo nhau nhẩy vọt lên trên mặt nước như làm một cuộc thi đua con nào nhẩy lên được cao hơn. Những con cá thân dài đến hai thước. Không phải là cá mập, cũng không phải là cá đuối. Đây là đàn cá nược, loại cá biển cũng lớn như cá mập, cá đuối, nhưng hiền lành nhất trên và dưới biển. Loại cá này không bao giờ tấn công người hay chịu ăn thịt người. Đặc biệt chúng lại hay thích đùa giỡn với thuyền. Dân thuyền chài thường rỡn chơi với cá nược. Họ gọi loài cá này lên đua thi với thuyền của họ bàng cách cầm dùi gõ cách cách liên hồi lên mạn thuyền, âm thanh ấy truyền xuống nước và cá nược nghe được. Chúng thường từ cả chục cây số xa tìm đến vọt lên mặt nước chạy đua với thuyền. Cả tiếng đồng hồ chúng mới chán và bỏ đi.
Tôi kể đặc tánh ấy về cá nược cho Diễm Lan nghe. Đàn cá nược trong thời gian ấy vẫn theo nhau nhẩy vọt lên quanh thuyền chúng tôi. Chúng như biết rằng đang có cử tọa nhìn và tán thưởng thành tích của chúng nên ra sức biểu diễn…
- Mình xuống bơi thi với chúng… – Diễm Lan vui vẻ và sốt sắng la lên, vẻ ưu tư đêm qua của nàng đã hoàn toàn tan biến, nàng vui và sốt sắng như một cô nữ sinh vừa biết bơi lần đầu tiên đến biển … – Em muốn xuống dưới biển, ở dưới nhìn lên xem chúng thi nhẩy cao chắc là thú lắm…
Nàng đã quen lặn rồi. Từ mấy ngày trước nàng đã có thể một mình xuống thật sâu và tự nàng mang mặt nạ cùng bình dưỡng khí lên lưng. Chiều nàng, tôi thả sợi dây xuống nước. Khi từ đáy biển trồi lên, chúng tôi sẽ bám vào sợi dây này để lên thuyền. Nếu mệt, Diễm Lan có thể cởi bình dưỡng khí ngay ở dưới nước, buộc bình vào sợi dây này để lên thuyền cho dễ và nhẹ nhàng.
Khi tôi quay lại, nàng đã mang xong bình dưỡng khí lên lưng. Nàng chỉ còn bận có chiếc slíp nhỏ xíu. Lần đầu tiên tôi nhận thấy mầu xanh của chiếc slíp ấy đã bạc. Với tấm thân nâu hồng gần như hoàn toàn khỏa thân, với mái tóc xõa trên đôi vai – lâu rồi nàng không dùng đến chiếc mũ nylon bọc mái tóc khi xuống nước nữa – trông nàng như nàng Jane, người đàn bà mà xi-nê Hollywood bầy vẽ ra cho làm bạn với chàng Tarzan trong rừng thẳm. Nhưng nàng là một nàng Jane sống động, có thực, một nàng Jane không chút giả tạo của xi-nê.
Rồi tôi lại thấy nàng như một Nữ Hoàng, không, hơn cả một Nữ Hoàng, nàng như một Nữ Thần Sống của một dân tộc chuyên sống trên biển khơi không bao giờ đặt chân lên đến đất liền.
Trước khi mang mặt nạ thở hơi dưỡng khí và ống kiếng để có thể nhìn rõ dưới nước lên mặt, nàng đi đến cạnh tôi, choàng hai vòng tay lên cổ tôi và nồng nàn gắn môi nàng lên môi tôi. Chúng tôi nồng say, âu yếm hôn nhau như mọi buổi sáng, như mọi lần hôn nhau. Không có gì lạ hay khả nghi trong buổi sáng và chiếc hôn này, nhưng linh tính bỗng dưng lờ mờ báo động với tôi. Tôi ôm ghì nàng trong tay, tôi như không muốn buông nàng ra, cũng không muốn để cho nàng xuống nước.
- Em… Em yêu… Anh yêu em…
Như người đàn bà này sắp đi một chuyến đi xa xôi ngàn đêm hay dấn thân vào một cuộc liều lĩnh đầy nguy hiểm, tôi muốn ôm ghì lấy nàng, muốn giữ nàng ở lại cạnh tôi, để tôi có thể bảo vệ được nàng.
Nhưng tôi trấn tĩnh lại được. Có gì là nguy hiểm? Tôi trở thành con nít mất rồi. Tôi chỉ việc cũng mang bình dưỡng khí trên lưng, choàng ống kính lên mắt và nhẩy xuống biển cùng với nàng.
- Em đừng đến gần cá quá nhé… Cá nược hiền lành thật đấy, nhưng cũng đừng quá coi thường chúng. Bao giờ mình cũng phải đề phòng phản ứng bất ngờ của cá biển…
Nàng hôn tôi chiếc hôn thứ hai – và cũng là chiếc hôn cuối cùng – rồi chụp ống kiếng xuống mắt, đưa ống dưỡng khí lên miệng ngậm, nàng đẩy nhẹ qua thành thuyền xuống nước.
Đàn cá đùa rỡn làm thành một vòng tròn quanh thuyền. Nắng bắt đầu lên, những tia nước tóe lên dưới thân đàn cá vọt lấp lánh sắc hồng, sắc đỏ.
Tôi chạy vội vào ca-bin lấy đồ nghề thợ lặn của tôi, mang vội lên người và nhẩy xuống biển theo nàng.
Làn nước mát dịu và trong suốt làm cho tinh thần căng thẳng lo âu vô duyên cớ của tôi dịu lại. Bơi trong làn nước trong suốt như pha lê đó, tôi mỉm cười vì nỗi lo âu vừa cảm thấy trên thuyền của tôi. Tôi yêu nàng quá, quá… Khi yêu người ta trẻ lại nhiểu tuổi. Tôi vừa trẻ lại quá đáng và trở thành trẻ con: sợ không dám để cho người yêu xa mình dù chỉ là xa từ giường ngủ tới nhà bếp. Cuộc trăng mật của chúng tôi càng ngày càng làm cho tôi cần có nàng sát cạnh bên tôi, xa nửa thước cũng không được. Tôi nghĩ đến những cặp vợ chồng loài sam dưới biển, con đực suốt đời bám trên lưng con cái. Loài sam bám sát gần nhau đến nỗi loài người có câu để chỉ những cặp nhân tình trẻ hay những cặp vợ chồng mới cưới yêu nhau, mê nhau là “dính như sam”. Tôi là một chú sam đực rời lưng vợ ra là chết ngắc. Yêu nhau như thế này mãi kiếp sau chúng tôi chắc sẽ trở thành một cặp vợ chồng sam. Và nếu được làm sam đực, chắc tôi sung sướng lắm vì yên chí lớn.
Loài cá nược hiền lành tuy thích chạy đua nước rút với thuyền và biểu diễn nhẩy cao, nhưng lại nhát người. Chúng như chỉ thích thấy người ở trên thuyền. Bỗng dưng thấy có hai con cá lạ bơi đến gần, chúng vội vã bảo nhau lảng đi xa. Nhưng Diễm Lan cũng thỏa mãn, nàng đã được bơi dưới đàn cá và được nhìn ngắm chúng từ dưới bụng chúng, một cảnh mà ít người có thể được thưởng thức.
Khi đàn cá đã đi xa, nàng và tôi bơi cạnh nhau quanh thuyền. Rồi chúng tôi ghé vào bám ở mạn thuyền, bỏ ống dưỡng khí và mặt nạ ra để thở khí trời. Bỗng nhiên gió nổi và biển có sóng. Khi Diễm Lan chuẩn bị để tiếp tục lặn, tôi dặn nàng:
- Hình như biển sắp động, có thể có mưa hay bão kéo đến, em đừng đi xa thuyền nhé…
- Em lặn quanh đây thôi, nàng đáp.
Tôi cũng lặn xuống, nhưng không đi theonàng. Tôi lặn quanh đáy du thuyền tìm xem làn ván đáy thuyền có chỗ nào bị rêu bám hay chưa. Rêu biển là vật tàn phá ván thuyền nguy hiểm nhất, kể cả những chiến thuyền, thương thuyền bằng sắt cũng bị loài rêu tấn công. Chúng đã bám vào đâu là y như rằng chỗ đó bị ăn mỏng đi. Nhưng khi chúng mới bám, chỉ cần lấy ngón tay cạo nhẹ là chúng cũng bong ra.
Lặn quanh đáy thuyền, tôi vẫn để ý nhìn Diễm Lan. Nàng cũng chỉ bơi lặn quanh thuyền. Tôi nhìn thấy mái tóc đen của nàng xõa và trôi thành một đường trên vai nàng. Trong nửa phút, tôi nghĩ đến chuyện lát nữa đây, tôi sẽ đề nghị cắt bớt tóc cho nàng. Trên thuyền có cây kéo, tôi sẽ không phải cắt tóc nàng bằng dao như chàng Tarzan chính cống.
Vài phút sau, trong lúc ở phía đuôi thuyền, tôi trông thấy một bóng đen dài và thon lướt nhanh bên dưới. Một chú cá mập. Trong vùng này, cá mập xuất hiện là chuyện thường, nhưng tôi cảm thấy chú cá mập này đặc biệt có vẻ hung dữ, hiếu chiến. Người sống nhiều dưới biển thường có cái cảm giác nguy hiểm, rình mò.
Tôi chú ý đến con cá mập nhiều hơn sau khi có cảm giác ấy. Tôi rời đáy thuyền để lướt tới chặn đầu nó. Như một chiếc phi cơ phản lực phóng pháo, nó quay trở lại. Tôi đập mạnh tay và quơ chân để đuổi nó. Tôi không muốn để nó tới gần Diễm Lan. Nó bị tôi cản đường và lao xuống sâu hơn.
Tôi đuổi theo con cá cho nó đi thật xa nên tôi cũng lao theo nó. Nhìn lại, tôi trông thấy rõ Diễm Lan đang ở dưới du thuyền. Nàng đang bơi và hình như nàng muốn nổi lên. Có lẽ nàng cũng đã trông thấy cá mập và thấy tôi đuổi cá.
Tôi lặn xuống sâu hơn và ánh sáng quanh tôi bắt đầu tối lại. Con cá lượn những vòng bên dưới tôi. Tôi đã xuống sâu khoảng ba mươi thước.
Khi con cá mập lảng đi xa, tôi vẫn còn bơi quanh ở mực nước sâu hơn chờ nó trở lại. Một đàn cá nhỏ dẫn nhau tới bao quanh tôi. Bây giờ tôi có cảm tưởng như tôi cũng là một con cá. Tôi không bơi nữa, để mặc cho những thớ thịt dãn ra. Với đàn cá vây quanh, tôi như đang dự một cuộc khiêu vũ nhịp nhàng. Chừng ba phút sau, không thấy bóng dáng con cá mập khả nghi trở lại, tôi từ từ đạp chân cho tôi trồi lên.
Ngửng đầu lên, tôi trông thấy rõ đáy du thuyền nhưng không thấy Diễm Lan đâu. Chắc nàng đã lên thuyền.
Tôi vẫn từ từ nổi lên. Khi còn cách đáy du thuyền chừng mười thước, mắt tôi bỗng thoáng ghi nhận một vật gì đang rơi nhanh từ ngang mặt tôi xuống đáy biển. Toàn thân tôi bỗng lạnh ngắt và cứng đơ ra khi tôi nhìn rõ vật đang rơi nhanh đó là vật gì…
Diễm Lan đang rơi xuống. Nàng rơi thật nhanh. Chỉ vài cái chớp mắt từ lúc tôi thoáng nhìn thấy vật lạ và nhận ra đó chính là nàng. Nàng đã rơi sâu xuống tới bốn mươi thước nước. Khi con người chìm nhanh như vậy trong lòng nước, người đó chỉ có thể là đã chết hoặc chết ngất.
Nàng rơi gần như thẳng đứng, chân xuống trước, mái tóc như đứng thẳng. Tôi vội xoay mạnh người và vừa bơi tới vừa lao xuống theo nàng. Tôi bơi nhanh đến nỗi sức ép của nước làm hai mang tai tôi đau nhói như bị kẹp bởi một cái kềm lớn. Nhưng tôi vẫn hết sức bơi tới. Sự sợ hãi, kinh dị, làm cho chân tay tôi trở thành cuống quít …
Người nàng vẫn rơi thẳng đứng, nhưng giờ đây, tôi thấy nàng vừa rơi vừa xoay tròn. Và sức rơi của nàng mỗi lúc một nhanh hơn. Nàng đã rơi sâu tới sáu mươi thước trong lúc tôi chỉ mới xuống được tới ba mươi thước.
Bọt nước từ mặt nạ của nàng nổi lên thành một đường trắng dài, áp lực của nước trở thành quá nặng, tôi không còn chịu nổi nữa. Hai mắt tôi hoa lên và sắc nước tối sầm lại. Tôi như người say rượu mạnh…
Diễm Lan đã xuống sâu tới trăm thước. Nàng rơi nhanh xuống vực thẳm tối đen dưới đáy biển sâu. Tôi mất nàng… Không… Tôi không thể mất nàng… Chân tay tôi nặng như chì và dưỡng khí bị sức ép quá nặng của nước không còn lọt được vào phổi tôi nữa, nhưng tôi vẫn lao xuống…
Hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy là nàng vẫn rơi… Rơi nhanh xuống làn đêm dày đặc của vực sâu. Mắt tôi hoa lên rồi tôi không còn biết gì nữa…
Như Chuyện Thần Tiên Như Chuyện Thần Tiên - Hoàng Hải Thủy Như Chuyện Thần Tiên