Có tiền và có những thứ tiền có thể mua được là điều tốt, tuy nhiên, đôi khi cũng nên xem lại và đảm bảo rằng mình không mất những thứ mà tiền không mua được.

George Horace Lorimer

 
 
 
 
 
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Dang Long
Upload bìa: Dang Long
Số chương: 56 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1223 / 63
Cập nhật: 2019-01-08 18:11:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Kỷ Niệm Về Loài Chó
Cà Mau,
Hôm nay thằng Bưởi ngố nằm chết ngay trên bàn quỳ của tòa giải tội. Mình bảo người ta đem đi chôn, nhưng dường như mấy tay nhậu đã đem đi làm thịt... Chó chết thì hết chuyện, nhưng thằng Bưởi chết làm mình suy nghĩ mông lung.
Thầy Nhiên đem nó về đây và đặt tên cho nó là Bưởi. Còn tên Bưởi ngố là do thiếu nhi đặt. Nó không biết sủa, không biết cắn, nhưng lại thích rượt con nít. Hễ thấy con nít là rượt, rượt mãi miết cho tới khi gí mũi vào mông đối tượng một cái, rồi mới chịu quay về. Tỉnh bơ. Ngơ ngơ.
Lúc nào cũng tỉnh bơ, ngơ ngơ như thế, chẳng biết giận dữ là gì. Vậy mà đã hai lần nó làm lương tâm mình bị cắn rứt.
1- Hôm ấy đến phiên mình nấu cơm. Nhà có ba miệng ăn, mình xúc hai lon gạo. 3-2 là bài toán chuẩn xác nhất, được mọi người trong nhà xứ tuân theo một cách máy móc. Thế mà hôm ấy 3-2 lại sai. Ba anh em vét sạch nồi. Không còn một miếng cháy. Vẫn còn thòm thèm. Khi mình rửa chén, cọ nồi, thằng Bưởi cứ đứng dòm mình. Ngơ ngơ. Cặp mắt ngơ ngơ của nó làm mình xấu hổ. Mình giơ tay dọa nó, nó lùi một bước, rồi lại đứng đóù, cặp mắt lại ngơ ngơ dòm mình. Phải rồi, nó đi đâu bây giờ? Ngoài vườn không có gì để ăn. Chỉ có một món có thể ăn được, thì mình lại bỏ vô hầm cầu mất rồi. Mình là chủ của nó, nhưng là một ông chủ vô trách nhiệm. Mình xin lỗi nó, nó không biết, cứ ngơ ngơ. Thế mới đau!
2- Mình gặp bà Tư ở bên nhà thờ Quản Long.
- Ủa, bà Tư, sao lâu quá không gặp bà. Cứ tưởng là bà dời nhà đi đâu rồi.
- Con có đi đâu đâu. Lâu lâu muốn vô thăm cha, lại sợ con chó Bưởi. Con Bưởi của cha dữ quá à!
-!!!
Thằng Bưởi của mình ngố là thế mà vẫn bị mang tiếng là chó dữ. Tin dữ đồn xa. Chó dữ làm mất láng giềng. Mình thấy nhói trong tim. Từ đó mình đã quyết tâm không bao giờ nuôi chó nữa. Thằng Bưởi là con chó cuối cùng của đời mình.
Khi nhà xứ không còn nuôi chó nữa, mình lại nhớ đến những kỷ niệm xa xưa về loài chó.
Kỷ niệm một:
Niên khóa 1951-1952 chủng viện Hà Thạch đi sơ tán, để lại sáu đứa chúng mình, làm chủ ba dãy nhà lầu rộng thênh thang và một khu vườn rộng bát ngát. Lũy tre xanh bao bọc xung quanh. Bên kia có một con lợn xề. Bên này có một rẫy khoai. Nghề của lợn là phá rẫy. Nghề của chúng mình là đèn sách. Hai bên không có dịp giáp mặt nhau. Cứ đến giờ vác cuốc xuống rẫy, thì chỉ còn biết kêu lên “Hỡi ôi!”.
Trong thời buổi khó khăn, khoai quý như gạo, thì bảo vệ rẫy là bổn phận hàng đầu. Chúng mình chia phiên gác. Vừa học bài, vừa coi rẫy.
Con lợn xề vừa chui qua hàng rào tre, thì có tiếng vỗ tay và hô to:"Hươu, Nai, Hổ... xùy, xùy...". Ba con chó bẹc giê xông ra một cách dũng mãnh... Bỗng khựng lại và sủa khan. Con lợn xề to quá và dữ quá. Án binh bất động. Hai bên thủ thế. Con lợn xề ngồi tựa lưng vào lũy tre, chiến lũy Maginot bất khả xâm phạm. Địa hình ưu đãi nó. Ba con chó bẹc giê ngồi chầu con lợn. Tiến thoái lưỡng nan: tấn công thì không thắng; rút lui thì nhục. Chiến trường ngưng đọng. Hai bên chỉ còn chửi đổng nhau một cách rời rạc.
- Gâu... Gâu...
- Ôộc…. Ôộc….
Từ phía gốc bàng cổ thụ có tiếng gọi: “Hôå, xùy... xùy...". Lòng tự ái bốc lên như triều dâng, con Hổ nhào vô tấn công con lợn. "Ẳng, ẳng...". Con lợn xề to đùng ôm lấy con Hổ. Hai má núng nính quăng qua quật lại làm con Hổ bị đau gần chết. Con Hổ chịu thua, giãy giụa để thoát thân, chạy vội về chiến tuyến của mình. Thở hào hển. Lại ngồi chầu hẫu. Lại sủa khan để chống thẹn.
Bỗng nó đứng dậy, lủi thủi ra đi như kẻ bỏ cuộc. Nó chậm rãi đi về phía cuối hàng rào, chui qua một lỗ hổng, rồi vòng trở về phía chiến lũy bất khả xâm phạm của đối phương. Nó trườn mình qua hàng rào dày… Thì ra nó đánh tập hậu bằng miếng võ ngoạm đuôi. Con lợn kêu éc một tiếng, xoay vội ra phía sau để đối phó, bỏ trống phía trước. Nhanh như chớp, Nai và Hươu nhào vô cắn mông. Con lợn bị rơi vào địa hình bất lợi hoàn toàn. Bị tấn công hai mặt. Chưa kịp đỡ phía trước thì đã bị đánh phía sau. Đánh không được, đỡ cũng không. Sau mười phút chiến đấu điên cuồng, con lợn xề hộc lên một tiếng, rồi đổ kềnh xuống. Một đống thịt đỏ lòm như tắm máu. Ruột lòi ra một nùi...
Thây lợn được khiêng ra Ủy ban xã. Thầy quản lý được mời ra Ủy ban để đối chất với chủ lợn. Chúng mình nín thinh chờ đợi... Thầy quản lý vừa về tới cổng, chúng mình ùa ra đón.
- Có sao không thầy?
- Chúng ta thắng..., được bồi thường bằng một rổ thịt.
Chủ lợn đang thắng thành thua. Chúng mình đang thua thành thắng. Mình cảm động đến ứa lệ.
Tối hôm ấy, chúng mình được ăn một bữa thịt lợn ngon ơi là ngon. Ngon vì chúng mình đang thiếu chất đạm một cách trầm trọng. Ngon vì thịt lợn là chiến lợi phẩm bất ngờ.
Ba con chó lẩn quẩn dưới gầm bàn. Thương tụi nó thì ít, mà biết ơn tụi nó thì nhiều. Mình vứt xuống gầm bàn một khúc xương còn dính nhiều thịt. Thế là ba con chó quần nhau một trận tơi bời hoa lá, rung bàn đổ ghế. Gầu gầu… Gừ gừ… Ẳng ẳng….
Chó ơi, sáng nay chúng mày thương nhau là thế, khôn ngoan là vậy. Thế mà bây giờ chúng mày lại cắn xé nhau chỉ vì... một khúc xương. Ôi, tình chó!
Bây giờ mình mới hiểu thấm thía một lời trong sách Chiến Quốc: “Khi hai người cùng chung lo một việc, thì yêu nhau; khi hai người cùng chung hưởng một quyền lợi, thì ghét nhau”. Ôi, tình người!
Kỷ niệm hai:
Mình đọc sách để dọn bài giảng... Một linh mục người Đức kể chuyện:
Trong nghĩa trang dành cho loài chó có một ngôi mộ bằng đá cẩm thạch thật xinh. Trên mộ có một tấm bia ghi bằng chữ vàng như sau: "Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của NIỀM HY VỌNG ĐỘC NHẤT của đời tôi". Đó là lời tâm tình của một bà cụ già gửi cho con chó yêu thương của mình. Con chó là niềm hy vọng độc nhất của bà. Bây giờ nó đã chết, bà sống vật vờ như xác không hồn, cô đơn giữa chợ đời gần sáu tỷ người. Tại sao? Tại bà không thương người; hay tại người không thương bà? Hay tại hai cuộc thế chiến đã biến con người trở thành muông sói của nhau? Hay tại nền văn minh cơ giới đã cơ giới hóa con tim loài người? Rồi mình lo âu tự hỏi: "Trên thế giới này sẽ còn có bao nhiêu người cô đơn như thế?".
Kỷ niệm ba:
Cha A. Desroches là linh mục thừa sai Paris, là giáo sư môn toán, lý hóa của tụi mình. Thầy phát âm tiếng Việt rất dở, nhưng thầy rất mến người Việt Nam. Cứ mỗi buổi chiều Chúa nhật, thầy lại xách môtô đi thăm dân sống rải rác trong vùng rừng núi. Mỗi lần đi thăm về, thầy lại có quà cho tụi mình: không bưởi thì cũng quít, không sấu thì cũng ổi... Thầy rất sợ thịt chó. Cứ nói đến thịt chó thì thầy lại nhún vai tỏ vẻ kinh tởm. Nhưng sau đó, thầy lại hối hận. Thầy âm thầm tập luyện để hội nhập, cho tới một ngày kia...
- Cha có dám ăn thịt chó không?
- Có.
- Cha đã ăn được chưa?
- Ăn được rồi.
- Cha thấy thế nào?
- Thịt chó ngon lắm, nhưng phải là chó Việt Nam.
- Tại sao?
- Chó tây ăn thịt, thịt không ngon. Chó Việt Nam ăn c., thịt lại ngon.
Dám ăn thịt chó, ăn được thịt chó, thấy thịt chó ngon, lại còn biết triết lý dí dỏm về thịt chó. Mình cảm phục một vị thừa sai chân chính dám sống VỚI, sống NHƯ đến tận cùng, để sống CHO trọn vẹn.
Nhật Ký Truyền Giáo Nhật Ký Truyền Giáo - Linh Mục Piô Ngô Phúc Hậu Nhật Ký Truyền Giáo