Most books, like their authors, are born to die; of only a few books can it be said that death hath no dominion over them; they live, and their influence lives forever.

J. Swartz

 
 
 
 
 
Tác giả: Athur Hailey
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: “The Money Changers”
Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 58 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Thứ Hai - Chương 1
hững dấu hiệu đáng lo ngại đầu tiên xuất hiện vào giữa tháng giêng giống như một bong bóng nổi lên mặt nước. Hầu như không có gì lớn: chỉ một đoạn nhỏ đăng trong phần tin vặt "'Nghe lỏm'" đăng trên một tờ báo địa phương như sau:
“...có tin đồn là tình hình Forum East bất ổn. Dự án cải tạo và xây dụng nhà ở bị đình lại. Nghe đâu do không có tiền..."
Mãi đến sáng Thứ hai, Alex Vandervoort mới đọc được dòng chữ đó, khi nữ thư ký của ông đặt các báo chí lên bàn. Cô đã khoanh mấy đòng chữ đó bằng bút chì đỏ. Chiều hôm đó, Edwina d’Orsey gọi điện đến hỏi Alex, xem đã biết tin đồn đó chưa và cái tin đó có đúng không?
Edwina băn khoăn đâu phải chuyện lạ! Ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án cải tạo khu phố cổ Forum East, chính chi nhánh của bà đã đảm nhiệm phần cấp vốn cho các công trường ở đây và công việc đó chiếm một phần quan trọng trong công việc của Edwina, và bà yêu cầu mọi tình hình ở Forum East đều phải được thông báo cho bà biết.
- Theo tôi biết thì không có gì thay đổi hết, - Alex trấn an Edwina.
Lát sau, ông nhấc máy định gọi điện cho Jerome Patterton để hỏi, nhưng lại đặt máy xuống. Chuyện thỉnh thoảng lại xuất hiện những tin đồn đại xung quanh dự án Forum East là bình thường. Dự án này lớn, được đông đảo mọi người quan tâm, nên thỉnh thoảng xuất hiện những phỏng đoán này nọ là chuyện tất yếu. Do vậy, Alex quyết định không quấy rầy vị tân tổng giám đốc nhà băng làm gì, nhất là ông lại đang cần sự ủng hộ của Jerome Patterton về một chương trình quan trọng hơn gấp bội: mở rộng mạng lưới gửi tiền tiết kiệm. Chương trình này Alex đang soạn thảo, để ít ngày nữa sẽ đem ra tường trình trước Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên vài ngày sau, Alex thật sự lo lắng, khi thấy một bài đăng trên báo hàng ngày Times- Register như sau: "Ngày càng có nhiều tin đồn rằng dự án xây dựng và cải tạo khu phố cổ Forum East sẽ bị thu hẹp về số tiền đầu tư, thậm chí có khả năng sẽ bị cắt hoàn toàn. Dự án này - một khu phố buôn bán và cư trú - được một loạt doanh nghiệp tham gia đầu tư, đứng đầu là Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ. Hôm nay, trong khi được phỏng vấn, phát ngôn viên của nhà băng này đã thừa nhận ông có biết về những lời đồn trên, nhưng ông chỉ chịu công bố có một câu: chúng tôi sẽ chính thức phát biểu vào thời gian thích hợp. Dự án Forum East đã được thực hiện một phần. Một số toà nhà đã được xây dựng xong, bao gồm những căn hộ cho thuê với giá phải chăng và đã có người đến ở. Hàng loạt ngôi nhà khác còn đang được tiếp tục xây dựng. Dự án này được xác định thực hiện trong mười năm, bao gồm cả việc nâng cấp các trường học, cửa hàng dành cho các cộng đồng, trung tâm học nghề cùng như những công trình văn hoá và nghỉ ngơi. Được khởi công cách đây hai năm rưỡi, dự án cho đến nay đã được thực hiện đúng tiến độ dự kiến."
Alex Vandervoort đọc bài báo này tại nhà riêng của ông lúc ăn điểm tâm. Ông ăn một mình bởi từ đầu tuần trước Margot đi công việc, không có mặt ở thành phố.
Vừa đến cơ quan, Alex lập tức cho mời Dick French đến. Ông ta là một người đàn ông to lớn, tính tình thẳng thắn, phu trách phòng quan hệ xã hội và thông tin. French rất thành thạo công việc bởi đã từng phụ trách mục tin tài chính trong một tờ báo.
Alex Vandervoort hỏi:
- Cho tôi biết phát ngôn viên của nhà băng là ai?
- Tôi. - French đáp. - Tôi phải nói ngay rằng, mấy từ "vào thời gian thích hợp” tôi không thích chút nào, nhưng ông Patterton ra lệnh tôi dùng đúng mấy từ đó và ông ta còn yêu cầu tôi không được nói gì thêm.
- Thêm nghĩa là sao?
- Chính tôi cũng đang định hỏi ông, thưa ông Phó tổng. Bởi rõ ràng là có sự thay đổi chủ trương. Dù theo hướng tốt hay xấu, thì tôi nghĩ chúng ta cũng nên công bố càng sớm càng tốt cho mọi người biết.
Alex cố nén cơn giận chỉ chực bùng lên trong lòng.
- Tại sao không ai hỏi ý kiến tôi về chuyện này?
- French lộ vẻ ngạc nhiên:
- Ôi tôi tưởng ông đã biết. Hôm qua, lúc tôi gọi điện cho ông Patterton, ông Roscoe cũng có mặt ở đó. Tôi cam đoan là đúng như thế bởi tôi nghe rõ tiếng ông ta. Tôi đinh ninh như thế có nghĩa là cả ông cũng có mặt ở đó.
- Lần sau tôi yêu cầu ông đừng quá tin vào những phỏng đoán như vậy. - Alex bực tức nói.
Sau khi French đi ra, Alex yêu cầu cô thư ký gọi điện cho nữ thư ký của Jerome Patterton, hỏi xem ông ta có rảnh không. Nữ thư ký của Tổng giám đốc cho biết ông ta chưa đến làm việc và chỉ có mặt ở đây sau mười một giờ. Alex bực dọc văng lên một tiếng, rồi tiếp tục soạn thảo bản tường trình về mở rộng mạng lưới gửi tiền tiết kiệm.
Mười một giờ Alex Vandervoort sang phòng giấy của Tổng giám đốc, gồm hai phòng nằm ở góc Toà Cao ốc, có cửa sổ trông ra hai khu vực khác nhau của thành phố. Từ khi vị Quyền Tổng giám đốc nhận chức, cửa vào một căn thường xuyên đóng, và khách muốn vào gặp ông ta đều phải đi qua phòng bên là chỗ nữ thư ký của ông ngồi. Nghe đồn Patterton tự nhốt kín ở ngăn trong là để tập luyện thân thể theo những bài bản riêng.
Hôm đó, nắng mùa đông rọi một luồng vào mái đầu hói đỏ ửng của Jerome Patterton. Ngồi sau bàn giấy ông ta mặc bộ đồ màu ghi sáng, trông sang trọng hơn bộ đồ vải tuýt ông vẫn quen mặc trước kia. Một tờ báo gấp đặt trên bàn, đúng vào trang có bài báo Alex đã đọc sáng nay.
Roscoe Heyward ngồi kín đáo trong chỗ hơi tối của căn phòng. Sau vài lời xã giao, Patterton đi ngay vào vấn đề.
- Tôi có đề nghị ông Roscoe nán lại, bởi tôi nghĩ ta sẽ tay ba cùng trao đổi vấn đề này. Chắc hẳn ông đọc rồi chứ, Alex?
Vừa nói, Patterton vừa vỗ lên tờ báo.
Tôi đọc rồi, - Alex đáp - và tôi cũng đã hỏi French. Anh ta bảo ông ra lệnh trả lời nhà báo thế nào, sau khi đã bàn với ông Roscoe. Vậy tôi xin hỏi, tại sao chuyện này không cho tôi biết. Dự án Forum East là nằm trong những dự án giao cho tôi khởi thảo.
Patterton lúng túng đáp:
- Đúng ra thì phải báo cho ông biết, Alex, nhưng thú thật là khi nhận được điện thoại của nhà báo yêu cầu gặp, chúng tôi có bối rối. Nghĩa là đã có sự rò rỉ ra ngoài.
- Rò rỉ cái gì?
Lúc này Roscoe Heyward đỡ lời vị quyền Tổng giám đốc:
- Rò rỉ lời đề nghị của tôi với ủy ban phương hướng.Tôi đề ra ý kiến, là nhà băng chúng ta nên giảm một nửa số tiền đầu tư vào dự án Forum East.
Alex cũng đã ngờ là có chuyện cắt giảm, nhưng không nghĩ là mức cắt giảm lớn đến thế. Ông sửng sốt hỏi Patterton:
- Tôi cần biết ông tán thành cái ý kiến điên rồ ấy ra sao?
Cả khuôn mặt lẫn cái đầu hói của vị quyền Tổng giám đốc đỏ ửng lên:
- Tôi không tán thành cũng không phản đối. Tôi hứa sẽ trả lời vào Thứ hai. Còn việc Roscoe có mặt trong phòng giấy của tôi hôm qua và hôm nay là dễ hiểu thôi: ông ta đang thuyết phục tôi về đề xuất của ông ta.
Roscoe Heyward lạnh lùng nói:
- Đúng thế. Xử sự của tôi là chính đáng. Nếu ông thấy không thích thì tôi xin nhắc để ông nhớ rằng, đã bao nhiêu lần ông cũng đến gặp riêng Ben Rosselli, để thuyết phục ông ta nghe theo các chủ trương do ông đề xuất, trước khi họp với ủy ban phương hướng.
- Những đề xuất của tôi không điên rồ như của ông, Roscoe?
- Đấy là ý kiến cá nhân ông.
- Không phải chỉ của cá nhân tôi. Nhiều người khác cũng tán thành tôi.
Roscoe Heyward không hề bối rối:-
- Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sử dụng vốn sẵn có của chúng ta theo cách nào tốt nhất.
Ông ta quay sang Patterton nói tiếp:
- Tôi xin nói thêm rằng, chính tin tức kia lọt ra ngoài lại có cái tốt, bởi khi ủy ban phương hướng chấp thuận đề xuất của tôi, mọi người sẽ không bị đột ngột.
Alex nói:
- Vậy chính ông đã cố tình để lọt tin đó ra?
- Cam đoan là không phải. Ông hãy tin lời tôi.
- Nếu vậy ông giải thích việc lọt tin là do đâu?
Roscoe Heyward nhún vai:
- Một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, chắc thế.
Alex tự hỏi làm sao có sự ngẫu nhiên nào được? Rất có thể một người thân cận của Roscoe tung tin đó ra để thăm dò. Đúng thế. Chắc là Harold Austin, ông ta là giám đốc một công ty quảng cáo, làm chuyện đó là hợp lý.
Jerome Patterton giơ cao tay nói:
- Xin các ông giữ lập luận riêng cho đến Thứ hai. Trong cuộc họp của ủy ban phương hướng, chúng ta sẽ trao đổi vấn đề này.
Ủy ban phương hướng của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ họp hai tuần một lần vào Thứ hai. Ủy ban này do Roscoe Heyward làm chủ tịch và có thêm ba ủy viên nữa: Alex Vandervoort và hai viên chức cao cấp của nhà băng: Tom Straughan và Orville Young. Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu đề ra cách nào sử dụng vốn của nhà băng theo cách có lợi nhất. Những chủ trương quan trọng, ủy ban đưa ra cho Hội đồng quản trị xét, nhưng thông thường đều được Hội đồng thông qua.
Những khoản tiền do ủy ban đưa ra bàn thường không dưới vài chục triệu đô la. Tổng giám đốc nhà băng cùng ngồi dự họp với bốn ủy viên của ủy ban, nhưng chỉ phát biểu khi số phiếu hai bên cân bằng. Sáng Thứ hai này Jerome Patterton có mặt, nhưng từ nãy đến giờ chỉ ngồi nghe, không phát biểu ý kiến gì.
Alex tiếp tục nói:
- Chúng ta đừng nên ngộ nhận. Điều chúng ta quyết định hôm nay phải là xác định xem tỷ lệ lãi suất như thế nào là hợp lý, và từ mức nào trở lên là quá đáng.
Roscoe cười:
- Tôi xin nói thật tôi không thấy một lợi nhuận nào là quá đáng, cho dù lớn đến đâu.
- Tôi cũng nghĩ như Alex. - Tom Straughan nói. - Đôi khi lợi nhuận đạt mức cao quá đáng đã gây ra một số phiền toái, chúng ta bị dư luận phê phán. Người ta chê bai, trách cứ chúng ta là lấy lãi quá nhiều. Và cuối cùng khi chúng ta công bố bản tổng kết, so sánh lỗ lãi thì vấn đề lập tức thấy rõ, họ chê trách chúng ta là đúng.
Alex nói:
- Chính vì thế chúng ta càng cần xác định một cán cân thăng bằng giữa tiền lãi và những gì chúng ta phục vụ cho mọi người.
Roscoe nói:
- Nhà băng trước hết phục vụ các cổ đông. Đấy là cái chính... Cuộc tranh luận bắt đầu chuyển sang vấn đề cắt giảm mạnh tiền đầu tư vào dự án Forum East. Để dự án được tiến hành theo đúng tiến độ, trong vài tháng tới Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ sẽ phải đầu tư vào đó năm chục triệu đô la. Roscoe Heyward đề nghị giảm số tiền đầu tư ấy xuống chỉ còn một nửa, tức là hai mươi lăm triệu.
Ông ta nói:
- Chúng ta sẽ nói cho các bên liên quan biết chúng ta không bỏ dự án và không có ý định bỏ. Chúng ta chỉ giải thích rằng do tình hình kinh doanh, chúng ta phải đầu tư vào nhiều việc khác. Dự án vẫn tiếp tục chỉ có điều tốc độ chậm lại.
Alex nói:
- Nếu ông nhìn vào nhu cầu nhà ở của dân chúng trong khu vực, ông sẽ thấy tốc độ thi công hiện nay đã là chậm rồi. Chúng ta không có quyền giảm tốc độ thêm nữa.
- Ông nói đến nhu cầu thì tôi cũng xin nói, điều chúng ta cần quan tâm không phải nhu cầu nào khác, mà phải là nhu cầu của nhà băng.
Giọng nói của Roscoe Heyward khiến Alex cảm thấy ông ta rất tự tin là sẽ át được Alex. Về phía Alex, ông hy vọng ở sự ủng hộ của Tom Straughan, trưởng phòng kinh tế, một người còn trẻ nhưng thông minh, năng nổ và có nhiều quan niệm thức thời. Hơn nữa, chính Alex đã nâng đỡ Tom Straughan, cho nên anh ta mới thăng chức nhanh vùn vụt đến như thế. Mặt khác Orville Young, chánh thủ quỹ của nhà băng lại là người bên phe Roscoe, tán thành giảm đầu tư cho dự án Forum East. Giống như trong mọi nhà băng lớn, các thế lực không chỉ nằm trong giới lãnh đạo mà có chân rết cả ở bên dưới. Mâu thuẫn giữa Alex và Roscoe chia các nhân viên ra thành hai phe. Và ngay ủy ban phương hướng đầu tư này cũng chia thành hai thế lực đối lập nhau.
Alex nói tiếp:
- Năm ngoái, lợi nhuận của chúng ta đạt 13%. Như thế là rất cao. Chúng ta thừa biết ràng tỷ lệ lợi nhuận như thế là hiếm có, ít doanh nghiệp đạt được. Năm nay còn triển vọng lớn hơn, hy vọng đạt tới 15%, thậm chí 16%. Đến như vậy rồi mà chúng ta còn đòi thêm thì liệu có quá đáng không?
- Không quá đáng chút nào hết. - Chánh thủ quỹ Young nói.
Tom Straughan bác lại:
- Tôi đã nói rồi, nghĩ như ông là thiển cận.
- Đúng thế. - Alex đẩy thêm. - Chúng ta cần tỉnh táo. Tất cả các nhà băng đều có thể đạt lợi nhuận lớn, và nhà băng nào không đạt có nghĩa đứng đầu nhà băng là những người khờ khạo. Nhà băng chúng ta có rất nhiều thuận lợi, nhiều chuyên gia giỏi, cách tổ chức và điều hành hợp lý, hiệu quả cao. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm, có vốn, có phương hướng chính xác. Đấy là cái chính. Nhưng chúng ta hãy coi chừng, nếu lạm dụng điều kiện để mải mê kiếm lãi mà không quan tâm đến trách nhiệm xã hội thì không thể bền.
Roscoe Heyward nói:
- Tôi không hiểu tại sao ông Alex lại nói đến chuyện không quan tâm đến trách nhiệm xã hội? Bởi chúng ta vẫn tiếp tục cấp vốn cho dự án Forum East kia mà? Ngay cả trường hợp chúng ta cắt giảm xuống một nửa thì theo tôi, chúng ta vẫn đóng góp vào dự án đó rất nhiều.
Alex không ghìm được, bật lên:
- Ông lầm rồi, Roscoe. Nếu cắt giảm một nửa thì số tiền cấp cho dự án đó sẽ quá ít. Phần đóng góp của chúng ta vào chương trình cải thiện điều kiện nhà ở cho nhân dân thành phố này, chỉ còn là con số nhỏ đến mức là trò làm lấy lệ. Tôi xin nhắc rằng, truyền thống hàng chục năm nay của nhà băng chúng ta là luôn luôn tham gia vào các chương trình xã hội. Thế mà ở đây, ngay trường hợp chúng ta không cắt giảm, chúng ta hiện chỉ mới làm ở mức tối thiểu.
Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế Tom Straughan lật sổ tay ra nhìn rồi nói:
- Tôi muốn lật lại vấn đề tiền ký quỹ để thuê nhà, thưa ông Roscoe. Vừa rồi ông Alex đã nhắc đến, tôi xin nói rõ thêm một chi tiết: 25 phần trăm số tiền gửi tiết kiệm được đầu tư vào số ký quỹ kia. Thế là quá ít. Nếu chúng ta lại còn giảm một nửa nữa thì hầu như không còn gì.
Alex nói:
- Tôi tán thành đề nghị của Straughan. Các chi nhánh của chúng ta luôn đề nghị chúng ta trợ cấp cho những khoản tiền ký quỹ kia. Các khoản đầu tư đó đem lại tiền lãi chính đáng. Kinh nghiệm cho thấy rằng rủi ro bị lỗ trên những khoản tiền ký quỹ là rất nhỏ, không đáng kể.
Chánh thủ quỹ Young phản đối:
- Đúng thế, nhưng những khoản đó bị nằm im trong thời gian dài, mà lẽ ra chúng ta có thể đem đầu tư cách khác thì mang lại nhiều lãi hơn.
Không ghìm được cơn giận dữ, Alex đấm mạnh tay xuống bàn nói to:
- Nhưng trách nhiệm chúng ta đối với xã hội đòi hỏi chúng ta đôi khi phải chịu tỷ lệ lãi suất thấp. Đấy là điều tôi nhắc đi nhắc lại từ đầu cuộc họp hôm nay. Chính vì suy nghĩ như vậy mà tôi phản đối đề nghị buông trôi dự án Forum East.
Tom Straughan nói thêm:
- Còn một lý do nữa khiến chúng ta phải biết làm ăn có chừng mực, đó là luật ngân hàng. Vấn đề này ở Quốc hội các đại biểu đã chất vấn dữ dội. Các nhà lập pháp yêu cầu ban hành một điều luật giống như ở Mêhicô, qui định các nhà băng phải dành một tỷ lệ nào đó trong các số tiền gửi, để xây dựng nhà ở cho dân nghèo với giá thuê ưu đãi.
Roscoe Heyward nhếch mép cười khẩy, nói:
- Quốc hội sẽ không bao giờ thông qua một điều luật như thế. Thế lực các nhà băng ở Washington là rất mạnh.
- Tôi thì lại không nghĩ như vậy, - Tom Straughan nói.
- Tom.- Roscoe nói. - Tôi xin hứa với anh một điều. Sau đây một năm, chúng ta sẽ trở lại vấn đề các khoản ký quỹ và sẽ làm theo đề xuất của anh. Một năm sau, chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư cho dự án Forum East. Một năm sau, chứ còn năm nay thì tôi muốn chúng ta phải đạt được lợi nhuận mức kỷ lục.
Nói đến đây, Roscoe quay sang Tổng giám đốc Jerome Patterton nói tiếp:
- Đây cũng là điều mong muốn của ông Tổng giám đốc mới của chúng ta. Bây giờ thì Alex hiểu Roscoe dùng chiến thuật gì. Âm mưu của ông ta là một năm lợi nhuận kỷ lục, sẽ biến Jerome Patterton thành vị anh hùng xuất chúng của các cổ đông và quan chức điều hành. Vị Tổng giám đốc này chỉ còn lãnh đạo một năm nữa thôi rồi sẽ phải nghỉ hưu. Ông ta muốn cuối đời làm nên công trạng chói lọi trước khi ra đi, nhất là suốt cả cuộc đời ông ta chưa làm được công trạng nào đáng kể.
Triển vọng đó tất nhiên làm Patterton khoái trá và Roscoe dựa vào đó để thực hiện ý đồ. Khi về hưu, chịu cái ơn đó tất nhiên Patterton sẽ đề cử Roscoe Heyward thay chân ông ta làm Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ. Sau một năm thành công, Hội đồng rất dễ tín nhiệm Patterton và nghe theo ông ta. Alex thấy mình khó có thể làm thất bại một chiến thuật cực kỳ khôn khéo và hiểm độc đến như vậy.
Roscoe Heyward lại tiếp tục nói:
- Còn một thứ nữa tôi còn chưa nói, ngay cả với ông, ông Jerome, và thứ này sẽ khiến ủy ban phải tán thành đề nghị của tôi. Đó là rất có thể, chỉ sau đây ít ngày chúng ta sẽ cộng tác được với Tập đoàn siêu quốc gia Supranational. Chính vì triển vọng này, mà tôi rất không muốn chúng ta đem phân tán vốn liếng.
Chánh thủ quỹ Young reo lên thán phục:
- Tập đoàn Supranational? Ôi, thế thì còn gì bằng!
Ngay Tom Straughan bây giờ xem chừng cũng nghiêng ngả. Tập đoàn siêu quốc gia Supranational Corporation, tên gọi tắt là SuNatCo là một doanh nghiệp khổng lồ, đa quốc gia, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp thông tin, có uy thế rất lớn trên thế giới, ngang tầm với Tập đoàn General Motors trong lĩnh vực ô tô. Giống như General Motors, SuNatCo cũng sở hữu toàn bộ hoặc một phần hàng chục doanh nghiệp cỡ lớn liên quan ít nhiều đến lĩnh vực thông tin. Tập đoàn SuNatCo có uy thế với tất cả các chính phủ lớn nhỏ, bất kể phương Đông hay phương Tây.
Báo chí còn tâng bốc rằng Tập đoàn siêu quốc gia SuNatCo có quyền lực hơn cả một số chính phủ, nơi Tập đoàn hoạt động. Cho đến ngày hôm nay, Tập đoàn SuNatCo mới chỉ có quan hệ tài chính với ba ngân hàng cỡ lớn của Hoa Kỳ là Bank of America, First National City và Chase Manhattan. Nếu xây dựng được quan hệ tài chính với Tập đoàn khổng lồ SuNatCo và đứng ngang hàng với ba nhà băng cỡ lớn kia, thì đấy quả là một vinh dự lớn cho Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ.
Patterton bây giờ mới lên tiếng:
- Ôi đấy mới là một triển vọng làm tôi thật sự phấn khởi.
Roscoe Heyward nói tiếp:
- Tôi hy vọng đến phiên họp sau của ủy ban, tôi có thể báo cáo một vài điều cụ thể hơn. Theo tôi biết, thì Tập đoàn SuNatCo đang tính mở ở nhà băng chúng ta một ngân khoản tín dụng lớn.
Tom Straughan nhắc hội nghị trở lại vấn đề đang thảo luận:
- Chúng ta chưa biểu quyết về vấn đề dự án Forum East!
- Chuyện đó sẽ xong ngay ấy mà, - Roscoe Heyward nói, miệng nở một nụ cười đầy tự tin.
Phản ứng hồ hởi của mọi người trước thông tin ông ta vừa đưa ra, khiến ông ta tin tưởng chắc chắn rằng, việc thông qua đề xuất của ông ta sẽ dễ dàng. Mà ông ta nghĩ như thế là hoàn toàn không lầm. Khi biểu quyết, Roscoe Heyward và Young bỏ phiếu thuận. Alex Vandervoort và Straughan bỏ phiếu chống. Mọi người quay cả sang nhìn Tổng giám đốc Patterton. Ông này ngập ngừng một chút rồi tuyên bố.
- Alex ạ, lần này tôi theo Roscoe!
Nhà Băng Nhà Băng - Athur Hailey Nhà Băng