That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Tác giả: Athur Hailey
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: “The Money Changers”
Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 58 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
lex Vandervoort cũng rất bối rối. Sau cuộc trao đổi với Nolan Wainwright, ông rất đỗi lo lắng. Rồi lại cái chết sắp tới của Tổng Giám đốc Ben Rosselli, kèm theo những hậu quả tai hại và phức tạp cho nhà băng. Ông đi đi lại lại, đầu óc ngổn ngang trăm thứ. Lâu lâu ông đứng lại, nhấc tấm thẻ tín dụng giả lên ngắm nghía. Trung tâm phát hành thẻ tín dụng Keycharge được Hội đồng quản trị mà Ben Rosselli làm chủ tịch, giao phó cho ông.
Rồi Alex Vandervoort đứng lại trước bàn, ngắm nghía những mẫu quảng cáo mà hãng quảng cáo của Austin đem đến. Những mẫu quảng cáo này vận động mọi người sử dụng thẻ tín dụng Keycharge.Trên một mẫu viết: Tại sao ông phải lo âu về tiền bạc? Hãy sử dụng thẻ tín dụng Keycharge. Chúng tôi sẽ lo lắng hộ ông! Một mẫu khác viết: Mỗi lần chi tiền ông hoặc bà sẽ bớt xót nếu ông hoặc bà có thể nói với người bán: Hãy tính vào tài khoản tôi ở Keycharge. Mẫu thứ ba viết: Ông hoặc bà còn chờ gì nữa? Ngay hôm nay ông hoặc bà có thể thực hiện ước mơ ngày mai bằng cách sử dụng thẻ tín dụng Keycharge.
Có gần một chục mẫu quảng cáo và tất cả đều làm Alex rối ruột thêm. Tất nhiên đây là việc cần làm và Hội đồng quản trị đã thông qua nghị quyết, trích ra một khoản tiền lớn để mở rộng hình thức quảng cáo. Tuy nhiên Alex vẫn thấy một loạt băn khoăn xung quanh những mẫu quảng cáo này.
Ông thu tất cả lại định bụng đem về nhà, tối nay nghiên cứu thêm. Nhất là sẽ nghe thêm ý kiến của Margot.
Hình ảnh Margot hiện ra trong óc Alex, ông lại liên quan đến bệnh tình của Ben Rosselli. Từ hôm qua đến giờ, một ý nghĩ luôn ám ảnh ông: Sao cuộc đời mỏng manh đến thế và ngắn ngủi nữa. Bất cứ lúc nào ta cũng có thể ra đi. Ý nghĩ ấy gắn với bệnh tình của Ben Rosselli đã đành, nhưng cũng tác động đến suy nghĩ của Alex đối với Margot.
Ý nghĩ đó đặt lại những câu hỏi lâu nay của ông. Có nên quyết định làm lại cuộc đời với Margot không? Hay cố đợi thêm? Nhưng đợi cái gì? Để làm gì? Vì Celia chăng?
Alex Vandervoort ngước nhìn ra cửa sổ phòng giấy. Nơi xa xa, ở đầu kia thành phố, Celia đang nằm ở đó. Nàng lúc này đang làm gì? Tình hình nàng ra sao? Hỏi thăm tin tức về nàng đâu có khó khăn gì. Alex quay vào bàn giấy, nhấc máy điện thoại, quay số mà ông đã thuộc lòng. Một giọng nữ trả lời ở đầu dây kia:
- Trung tâm an dưỡng đây.
Alex xưng tên và xin gặp bác sĩ McCartney. Lát sau tiếng đàn ông vang lên ở đầu dây:
- Ông đang ở đâu đấy, Alex?
- Ở phòng giấy của tôi. Tôi đang băn khoăn về tình trạng của vợ tôi.
- Tôi đang định gọi điện cho ông, đề nghị ông đến thăm bà ấy.
- Nhưng hôm trước, ông lại khuyên tôi đừng đến.
Người bác sĩ tâm thần thanh minh:
- Hôm ấy, tôi nghĩ rằng trong thời gian này ông đến không có lợi cho bệnh tình của bà nhà. Các cuộc thăm viếng của ông sẽ làm bà nhà bệnh nặng thêm. Chắc ông còn nhớ chứ?
- Tất nhiên là nhớ. - Alex đáp, rồi im lặng một lát. - Bệnh tình vợ tôi có biến đổi rồi à?
- Có sự biến đổi, nhưng tôi e không phải theo hướng tốt.
Diễn biến bệnh tâm thần của Celia quá ngoắt ngoéo, đến mức Alex đâm đã quen với mọi trạng thái, khi thì thuyên giảm, khi nặng lên. Ông bình thản hỏi:
- Cụ thể là sao?
- Bà nhà ngày càng trầm cảm thêm. Bây giờ bà hầu như thoát ly hoàn toàn khỏi thực tế xung quanh. Chính vì vậy, tôi nghĩ ông đến thăm sẽ có tác dụng tốt. Dù sao thì cũng không làm bà trầm trọng hơn.
- Tôi sẽ đến ngay tối nay.
- Lúc nào là tuỳ ông, Alex. Và nhớ ghé vào gặp tôi, ông biết đấy, trung tâm an dưỡng của chúng tôi không có quy định giờ thăm viếng nào hết.
Tính co dãn của giờ thăm viếng ở trung tâm an dưỡng bệnh nhân tâm thần này, là một thuận lợi khiến Alex chọn nó, khi cách đây bốn năm, trạng thái mất trí của Celia bước vào thời kỳ nguy kịch, khiến ông phải thực hiện một quyết định hết sức đau lòng. Không khí tại trung tâm này hoàn toàn khác bất kỳ một bệnh viện nào. Y tá và nhân viên điều trị không mặc bờ lu trắng. Bệnh nhân được hoàn toàn thoải mái và tự thu xếp lấy sinh hoạt của họ. Trừ một số trường hợp đặc biệt, họ hàng thân thuộc đến thăm đều được trung tâm đón tiếp niềm nở. Ngay cái tên cũng không gây ấn tượng xấu. Không phải trại điên hay bệnh viện tâm thần mà là trung tâm an dưỡng.
Bác sĩ Timothy McCartney trẻ tuổi lỗi lạc, đứng đầu cả một đội ngũ chuyên gia tài ba, tận tụy, đã từng chữa khỏi nhiều bệnh nhân nặng mà các bệnh viện khác chịu không chữa được.
Trung tâm an dưỡng này không bao giờ nhận quá một trăm năm mươi bệnh nhân, và lại có khá đông nhân viên phục vụ. Nó giống như những trường tư, mà mỗi lớp học rất ít học sinh, và các giáo viên được chọn lọc cẩn thận, đều có năng lực cao và tận tụy. Tiền bạc sung túc cùng với óc tưởng tượng phong phú của các chuyên gia, đã tạo cho khu nhà này thành nơi nghỉ ngơi tuyệt vời, với những vườn cây trái và hoa cỏ tươi thắm.
Dĩ nhiên, tiền thu của gia đình bệnh nhân rất cao, nhưng Alex quyết định Celia phải được hưởng những điều kiện tốt nhất. Ông thấy không thể tiếc tiền trong việc này, như thế là tội lỗi.
Alex Vandervoort tiếp tục làm việc cho đến sau giờ chiều. Ông xuống nhà, lên xe, dặn lái xe địa chỉ của Trung tâm an dưỡng. Xe chạy chậm. Alex lấy báo ra đọc. Chức vụ Phó Tổng giám đốc cho ông cái quyền được sử dụng một chiếc limousine, với lái xe riêng cả trong việc tư. Khi ông đến Trung tâm an dưỡng, một thiếu nữ tóc vàng xinh đẹp mặc áo liền váy bằng vải hoa, duyên dáng mở cửa. Cô đeo trên vai trái một huy hiệu nhỏ để phân biệt với bệnh nhân:
- Bác sĩ đã báo chúng tôi biết ông tới thăm bà nhà, thưa ông Vandervoort. Xin mời ông đi theo tôi.
Alex theo cô gái đi dọc hành lang. Tường hai bên đều sơn màu vàng và xanh lá cây, rải rác treo những lẵng hoa tươi. Ông nói:
- Tôi nghe nói vợ tôi bệnh nặng lên.
- Vâng, đúng thế. Thật đáng tiếc. - Cô y tá nói.
Cô đứng lại trước một cánh cửa phòng, nói:
- Bà nhà đang trong phòng. Bà vừa qua một ngày nặng nề. Xin ông chú ý, nếu như bà không được...
Cô không nói hết câu, mở cửa phòng bước vào trước. Ở đây các bệnh nhân hoặc ở riêng một phòng hoặc ở chung hai người tuỳ theo trạng thái bệnh tình, như thế nào có lợi cho họ hơn. Thoạt đầu Celia được bố trí ở phòng hai người, nhưng sau bệnh càng nặng lên, bác sĩ quyết định để vợ ông ở phòng riêng. Mặc dù là phòng bệnh, nhưng căn phòng không có vẻ gì của một phòng dùng cho bệnh nhân. Trên tường treo những bức sơn dầu theo trường phái ấn tượng. Giá đựng sách. Đồ đạc gồm một đi văng rộng có thể dùng làm giường ngủ, một ghế bành nệm êm ái một ghế dài nhỏ và một bàn để chơi bài. Cô y tá dịu dàng nói:
- Thưa bà Vandervoort, ông nhà đến thăm bà.
Người phụ nữ trong phòng không nhúc nhích. Không nói một lời. Không có biểu hiện gì chứng tỏ Celia nghe thấy câu cô y tá nói. Đã sáu tuần lễ rồi Alex không nhìn thấy vợ. Ông đã chuẩn bị trước tinh thần là thấy Celia thảm hại, nhưng sự thật hiện ra trước mắt ông còn khủng khiếp hơn.
Celia thu mình vào góc phòng, trên đi văng, quay mặt vào tường, hai vai xuôi xuống, đầu cúi, tay khoanh lại, bàn tay đặt lên hai vai hai đầu gối khép chặt, co lên đến tận vai, áp chặt vào ngực, và nàng hoàn toàn bất động.
Alex bước đến gần, dịu đàng đặt bàn tay lên vai nàng, trìu mến nói:
- Chào em, Celia. Anh đây mà... Alex đây mà. Anh nhớ em nên đến thăm em.
- Vâng.
- Celia nói rất khẽ, chỉ như thở và vẫn không nhúc nhích. Alex ấn mạnh thêm một chút bàn tay lên vai vợ.
- Em quay ra với anh đi, Celia. Rồi vợ chồng ngồi bên nhau trò chuyện nào. Celia không trả lời, co dúm người thêm một chút. Alex nhận thấy nước da vợ vàng vọt và làn tóc vàng bù rối. Những nét thanh tú trên khuôn mặt nàng chưa hoàn toàn mất hẳn, nhưng Alex cảm thấy đang suy thoái nhanh chóng. Ông hỏi cô y tá:
- Vợ tôi bị thế này lâu chưa?
- Từ trưa hôm qua và cả ngày hôm nay bà nhà cứ ngồi nguyên như thế này. - Cô y tá đáp. - Trước đây bà cũng có lần bị như thế. Bà thích giữ tư thế này. Ông nên làm như không để ý gì đến trạng thái đó. Hãy ngồi xuống và trò chuyện, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Alex ngồi xuống ghế bành. Cô y tá rón rén đi ra rồi khép cửa lại. Alex nói:
- Tuần vừa rồi anh đi xem vở ba lê của đoàn Coppélia. Hai nghệ sĩ Natalia Macarova và Ivan Nagy biểu diễn tuyệt vời. Tất nhiên âm nhạc thì tuyệt diệu rồi. Anh nhớ là ngày trước em rất thích vở ba lê ấy. Em nhớ không, hồi mới cưới hai vợ chồng mình đi xem vở ba lê này...
Nói đến đây Alex Vandervoort hình dung thấy buổi tối hôm đó Celia mặc tấm áo dài chấm gót mầu xanh lá cây nhạt, đính những vòng bằng vàng lấp lánh. Hồi đó nàng mảnh mai, một sắc đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát, như thỉ chực bay bổng lên theo gió. Bấy giờ là sau khi cưới sáu tháng, Cẹlia vẫn còn e thẹn khi đứng trước mặt bè bạn của chồng. Nàng bấu chặt cánh tay chồng. Nàng rất trẻ, kém Alex mười tuổi, và có lẽ tính tình nhút nhát của nàng đã khiến ông yêu? Alex rất tự hào thấy vợ dựa hẳn vào mình, tin cậy, giao phó. Chỉ mãi về sau, tính nhút nhát, hoàn toàn không có lòng tự tin nào của vợ mới làm ông thấy khó chịu.
Quả là một sự thiếu thông cảm. Lẽ ra Alex phải hiểu rằng, Celia lớn lên trong một khung cảnh hoàn toàn trái ngược với ông, và nàng không được chuẩn bị chút nào để sống một cuộc đời hoạt động năng nổ, ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Bước vào cuộc sống chung với chồng, Celia thấy mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm, khiến nàng sợ hãi rồi hoang mang, rối trí.
Vốn là con một, cha mẹ sống thầm lặng, không giao thiệp với ai nên nàng không quen giao tiếp xã hội. Lớn lên lại vào học trong một tu viện, hoàn toàn không phải tiếp xúc với người ngoài. Trước khi quen Alex, nàng không hề quen biết ai và cũng không biết gì về thế giới bên ngoài. Cuộc hôn nhân đã làm nặng thêm căn bệnh nhút nhát và Celia chưa bao giờ phải lo lắng điều gì, chịu trách nhiệm về cái gì, bây giờ đâm ra rất đỗi hoang mang. Cảm giác mình là người có lỗi cứ trầm trọng thêm, tạo cho nàng không còn tin vào bản thân. Tâm trạng căng thẳng lo âu đã huỷ hoại trí óc nàng. Cuối cùng thần kinh nàng suy sụp. Alex bấy giờ mới nhận ra, rất ân hận là đã không nâng đỡ vợ, không rèn dần cho vợ lòng tự tin; không lựa lời khuyên giải vợ. Ông quá mải mê công việc, quá nhiều tham vọng về thành đạt...
- Cho nên hôm vừa rồi đi xem mà anh rất tiếc không có em cùng ngồi trong rạp, cùng xem...
Thật ra hôm đó Alex đã đi cùng với Margot. Người phụ nữ đã một năm rưỡi nay lấp chỗ trống của Celia để lại trong tâm hồn Alex. Ông cho rằng là con người sung sức và năng động, ông cần một phụ nữ như Margot chứ không phải một cô gái ẻo lả, nhu nhược, một ngươi mắc bệnh tâm thần. Đôi khi Alex tự hỏi, phải chăng ông lý lẽ như thế để lương tâm được thanh thản. Dù sao thì cũng phải giấu đi mối tình đó và không nên thốt lên cái tên Margot trong căn phòng này, trước mặt vợ ông.
- Celia ạ, cách đây ít hôm anh có gặp vợ chồng Harrington. Em nhớ anh John Harrington và chị Elise vợ anh ấy chứ? Họ vừa đi một chuyến du lịch sang Thụy Điển để thăm gia đình Elise.
Vâng, - Celia nói rất khẽ, hờ hững với mọi thứ.
Nàng vẫn giữ nguyên tư thế co quắp như trước, không hề nhúc nhích. Nhưng nàng tỏ vẻ nghe chồng nói. Vì vậy Alex vẫn tiếp tục nói, trong khi óc ông tự nhủ: "Thế nghĩa là sao? Có chuyện gì xảy ra vậy?
- Hồi này công việc ở nhà băng rất bận, Celia ạ.
Mà rất có thể là công việc đã chiếm hết trí óc Alex. Lúc nào cũng bận rộn, ông không có thì giờ quan tâm đến vợ, trong khi Cela thì lại rất cần đến chồng. Khi Alex hiểu ra, sự thể đã quá muộn. Celia không hề trách cứ việc chồng thường xuyên vắng nhà. Nàng âm thầm chiu đựng và tự tiêu khiển bằng đọc sách, ngắm cây cối hoa cỏ và chăm sóc chúng. Thế rồi, hình như sự lặng lẽ đó đột nhiên bị phá vỡ. Đến thời kỳ Celia nói huyên thuyên, nói suốt ngày, sôi nổi, say sưa. Những câu nói nhiều khi chẳng ăn nhập gì với nhau. Sau thời kỳ đó nàng trở lại lăng lẽ và còn lặng lẽ hơn trước.
Alex sau này biết mình có lỗi. Đáng lẽ trong thời kỳ vợ đột nhiên sôi nổi, ông phải quan tâm, hỗ trợ thêm thế ông lại khó chịu, bỏ mặc, khiến nàng càng xa vắng hơn. Và sai lầm khủng khiếp nhất của ông là đã lộ ra với vợ ý định ly hôn. Phản ứng của Cela khiến Alex hoảng hồn. Nỗi hoang mang của Celia đến độ không ai có thể ngờ.
Chính sau đó tinh thần nàng sụp đổ và Celia trở lại lặng lẽ, và lặng lẽ hơn cả ngày mới cưới.
Thoạt đầu Alex chỉ nghĩ rằng vợ buồn. Ông nghĩ bụng rồi nàng sẽ bình tĩnh trở lại. Nhưng bệnh tình Celia trầm trọng đi rất nhanh, đến mức Alex phải tìm đến bác sĩ tâm thần. Cho đến lúc không thể giữ nàng ở nhà được nữa, ông đã đưa nàng đến trung tâm này. Và cũng từ đó, Alex luôn bị mặc cảm tội lỗi dày vò.
Alex vẫn tiếp tục nói, như để tránh không khí lặng lẽ chỉ rình hiện lên, đẩy cả hai vợ chồng vào trạng thái căng thẳng.
- Lúc này tất cả mọi người chỉ lo chuyện tiền nong. Nào tiêu, nào vay, nào mượn, nào kiếm lời. Đấy thật ra cũng chỉ là chuyện thường tình. Nhà băng nào chẳng thế. Gần đây lại thêm một chuyện đau lòng là ông Ben Rosselli, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch ban quản trị nhà băng anh mắc bệnh hiểm nghèo, chỉ còn chờ chết. Hôm qua, ông ấy triệu tập tất cả bọn anh và...
Alex kể lại diễn biến và không khí của buổi chiều hôm qua trong hội trường lớn trên Toà Cao ốc, và thái độ của mọi người. Đang nói, đột nhiên Alex ngừng lại. Ông thấy Celia bắt đầu rung người. Nàng run bần bật và miệng thốt lên tiếng rên rỉ.
Phải chăng do ông kể chuyện nhà băng mà nàng thành như vậy?
Nhà băng đã ngốn hết sinh lực của ông và khơi sâu hố ngăn cách giữa ông và Celia. Thật ra hồi đó là Kho bạc dự trữ liên bang, chưa phải Ngân hàng Thương mại số một hiện giờ. Nhưng đối với trí óc của Cela thì nhà băng hay Quỹ dự trữ Liên bang chỉ là một, chỉ là hai nơi chất tiền, hai nơi cướp đi mọi sinh lực, mọi tư duy cua chồng nàng.
Hay là nàng bị xúc động về bệnh tình trầm trọng, vô hy vọng của Ben Rosselli? Ben sắp chết. Ông ta chẳng sống được bao lâu nữa. Thế còn Celia nàng còn sống bao lâu nữa? Có thể nhiều năm. Rất có thể như vậy.
Alex chợt nghĩ, rất có thể Celia sẽ sống lâu hơn ông. Trông nàng có vẻ như một con vật. Lòng thương cảm trong lòng Alex bỗng biến thành nỗi căm giận, nỗi căm giận đã từng phá vỡ quan hệ giữa họ.
- Celia! Bình tĩnh lại đi? Vì Chúa, hãy bình tĩnh lại đi?
Celia vẫn tiếp tục run rẩy và mỗi lúc một run rẩy nhiều hơn.
Alex bỗng căm ghét con người trước mặt, cô ta không còn gì là của con người, chỉ sống như con vật, đồng thời lại là thứ chướng ngại cản trở cuộc sống bình thường của ông.
Alex đứng dậy, ấn mạnh vào một nút điện gắn trên tường rồi đi ra cửa. Trước khi ra hẳn, ông ngoái đầu lại nhìn vợ lần nữa. Cô ta đấy! Cô gái ông đã từng yêu say đắm. Vậy mà bây giờ cô ta trông thảm hại nhường kia. Alex thấy hố ngăn cách giữa ông và Celia sẽ không bao giờ được lấp. Họ mãi mãi là hai thế giới. Đột nhiên Alex oà khóc. Những giọt nước mắt thương xót, ân hận tuôn ra liên tiếp. Cổ họng ông nghẹn lại. Nỗi giận dữ ban nãy đã biến đâu mất. Ông quay lại, đến trước đi văng, quỳ xuống, van vỉ:
- Celia! Tha thứ cho anh. Em hãy tha tội cho anh!
Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai ông và giọng nói dịu dàng của cô y tá vẳng đến tai Alex:
- Bây giờ thì ông hãy đi đi ông Vandervoort.
Alex lau nước mắt, loạng choạng đi theo cô y tá. Lát sau ông ngồi trong phòng giấy của bác sĩ McCartney.
- Nước suối có ga hay không có ga?
- Có ga.
Bác sĩ McCartney lấy một cái chai trong tủ lạnh, rót vào cốc đã có sẵn một lượng whisky. Ông bỏ thêm đá vào rồi đưa Alex Vandervoort. Sau đấy ông rót nước suối có ga vào một cốc khác không có rượu.
Alex đỡ cốc rượu pha với lòng biết ơn. Cuộc gặp gỡ với Celia vừa rồi đã gây chấn động mạnh mẽ trong trí óc ông. Những cảm giác lẫn lộn diễn ra trong đầu, khiến ông thấy như đang sống trong một khung cảnh không có thật. Bác sĩ đã quay về chỗ, sau bàn giấy.
- Trước tiên tôi cần nhắc để ông nhớ, rằng nói chung chẩn đoán về căn bệnh của bà nhà vẫn không thay đổi. Đó là bệnh schizophrénie loại catatonic. Tôi đã giảng cho ông rõ về căn bệnh này rồi, đúng không nhỉ?
- Có. Tôi đã nhớ lại cái tên bệnh đó.
Alex Vandervoort lắc cốc để những mảnh nước đá trong đó chuyển động rồi lại uống thêm ngụm nữa.
- Ông cho biết bệnh trạng vợ tôi hiện giờ ra sao?
- Tôi nói thế này có lẽ ông khó chấp nhận, nhưng mặc dù dáng vẻ bên ngoài như vậy, bà nhà đang trong trạng thái sung sướng tương đối.
- Điều ông nói khó hiểu quá.
Viên bác sĩ tâm thần nói tiếp:
- Sung sướng hoặc hạnh phúc thật ra chỉ là một khái niệm tương đối. Vợ ông đang hưởng cảm giác bình thản và an toàn. Bà ấy không phải lo lắng trách nhiệm gì và cũng không thấy cần thiết đến người khác. Bà có thể hoàn toàn sống với bản thân, đó là điều làm bà thấy dễ chịu và bà muốn được như thế Tư thế bà ấy sử dụng lúc ông vào thăm, cũng là tư thế thường xuyên của bà ấy trong thời gian gần đây. Đó là tư thế của cái bào thai trong bụng mẹ. Ở tư thế đó bà nhà cảm thấy yên ổn, tuy nhiên chúng tôi vẫn phải thuyết phục để bà nhà bỏ cái tư thế đó vì nó có hại cho sức khoẻ của bà.
- Vợ tôi có dễ chịu trong cái tư thế ấy hay không là chuyện khác. Nhưng điều tôi nhận xét thấy là sau bốn năm điều trị, bệnh trạng của vợ tôi mỗi ngày một tồi tệ hơn. Tôi nhận xét thế đúng hay sai?
- Đáng tiếc là ông nhận xét đúng.
- Liệu có chút hy vọng nào vợ tôi bình phục và trở lại cuộc sống như trước đây được không?
- Trong y học, có tất cả mọi khả năng...
- Tôi chỉ muốn biết có nên hy vọng không?
Bác sĩ thở dài, lắc đầu nói:
- Không.
- Ông trả lời thế là đã rõ ràng. Xin cảm ơn... Nếu tôi hiểu không sai thì Celia đã thành một người mất trí, theo nghĩa ông thường dùng. Cô ấy lánh xa cuộc sống của con người, không biết gì về xung quanh và cũng không muốn biết, không cần biết.
- Về chữ "mất trí", hoặc còn gọi là aliénée thì ông nói đúng. - Người bác sĩ nói. - Nhưng ngoài ra thì ông lầm. Bà nhà không hề lánh xa cuộc sống xung quanh, ít nhất thì cũng trong thời điểm này. Bà ấy vẫn nhận thức được hoàn cảnh bao quanh. Bà ấy biết bà ấy có chồng. Mỗi lần đến với bà ấy, tôi đều nhắc đến ông. Nhưng bà ấy quan niệm ông có thể sống thoải mái không cần có bà ấy bên cạnh.
- Nghĩa là vợ tôi không quan tâm gì đến tôi?
- Nhìn chung thì đúng như thế.
- Thế nếu vợ tôi được tin tôi ly hôn với bà ấy và lấy vợ khác thì bà ấy sẽ ra sao?
Bác sĩ ngừng một lúc rồi mới đáp:
- Thì sẽ mất nết mối liên hệ ít ỏi còn lại nối bà ấy với thế giới bên ngoài và rất có thể bà ấy sẽ rơi vào trạng thái mất trí hoàn toàn.
Họ im lặng. Alex Vandervoort đặt cốc rượu xuống bàn, đưa hai bàn tay ôm mặt một lúc lâu rồi mới ngẩng đầu lên nói, giọng pha chút chua chát:
- Đó là một câu trả lời rõ ràng, sáng sủa.
Bác sĩ gật đầu, nghiêm giọng nói:
- Vì quí ông trọng ông nên tôi mới trả lời thành thật như vậy. Nếu là người khác, tôi sẽ không nói toạc ra như thế. Tuy nhiên tôi cũng cần nói thêm là rất có thể điều nhận định của tôi không chính xác.
- Ôi đó là câu ông không cần nói. Theo ông, tôi phải làm thế nào bây giờ? Nếu ông ở vào địa vị tôi, ông xử sự ra sao?
- Ông hỏi tôi hay chỉ là bộc lộ tâm trạng.
- Tôi hỏi thật. Ông có thể viết câu trả lời kèm theo tấm biên lai.
- Tối nay sẽ không có chuyện biên lai. - Người bác sĩ nhếch mép cười, nói. - Ông hỏi nếu ở vào địa vị ông tôi sẽ xử sự ra sao ư? Tôi sẽ cố tìm hiểu xem mình đang trong tình huống nào. Tôi thấy điều đó ông đã làm. Sau đó tôi suy nghĩ xem xử sự cách nào công bằng nhất cho mọi người, kể cả cho tôi. Và trước khi chọn một cách xử sự, tôi ghi nhớ hai điều, thứ nhất người lương thiện bao giờ cũng ân hận về những lỗi lầm của mình hơn người bình thường. Thứ hai là rất ít người cố giữ cho mình một sự thánh thiện.
- Ông không thể nói cụ thể hơn được sao?
Bác sĩ lắc đầu:
- Ông là người phán xét duy nhất mọi hành vi của ông. Và có những thứ con người phải tự chọn lấy không đợi ai khuyên bảo, nhắn nhủ. Ông đành phải tự quyết định lấy một mình thôi, Alex.
Alex Vandervoort nhìn đồng hồ đeo tay rồi đứng lên. Lát sau, hai người bắt tay nhau. Chiếc limousine đợi Alex ngoài cửa. Lái xe đã cho máy nổ nhè nhẹ chờ ông.
Nhà Băng Nhà Băng - Athur Hailey Nhà Băng