Sometimes the dreams that come true are the dreams you never even knew you had.

Alice Sebold

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Anh
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Quoc Anh Le
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2023-04-23 21:19:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
uần rồi tôi được mời đi ăn. Ăn hóa vàng. Hóa vàng tại Pháp. Thật là vinh dự và quý hóa làm sao. Đấy là tôi nói thực lòng. Từ hồi xuất ngoại đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi được mời đi ăn hóa vàng. Có những điều tưởng như bình thường đến tầm thường ở trong nước, nhưng lại là phi thường ở nước ngoài. Mà là hóa vàng thật. Tức là sau khi cúng xong thì có màn đốt vàng mã gửi xuống âm phủ. Với hi vọng thành tâm để cho vong hồn người thân nhà mình nếu có về ăn Tết với gia đình có lộ phí trở về. Trần sao thì âm vậy. Có những cái không giải thích được, và cũng không cần thiết phải lấy khoa học ra giải thích làm gì. Vì ít nhất nó đang phản ánh một đức tính đẹp đẽ của người Việt đó là uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, kính lễ với ông bà, họ hàng, tổ tiên đã khuất. Thấy tôi ngạc nhiên, khen ngợi, anh Hùng chủ nhà đẩy cho chị Hương vợ anh: “Tất cả là công lao của chị đấy, anh chỉ hưởng ứng cổ vũ thôi.”. Đấy là anh khiêm tốn. Sau ba vái lễ tạ các cụ, anh thành kính mang tiền vàng ra đầu hồi nhà để đốt. Mùi khói quyệt mùi hương trầm thơm ngát tạo một không gian trang nghiêm, huyền bí. Khiến lòng người trở nên tĩnh lặng và an nhiên. Một quy trình tâm linh phải theo đúng nghi lễ từng bước một. Mà anh chị đều đang làm việc tại một trường đại học lớn hàng đầu của Pháp. Anh đã bảo vệ HDR chuyên ngành Điện Tử Viễn Thông được khá lâu, viết tắt của Habilitation à Diriger des Recherches, tức là người có đủ khả năng để tiến hành nghiên cứu độc lập, có thể hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Một vị trí tương đương với Phó Giáo Sư ở Việt Nam. Giới thiệu thế để thấy rằng anh hiểu biết, không phải người mê tín dị đoan. Số năm anh sống ở nước ngoài đã nhiều hơn số năm sống ở Việt Nam. Nói tiếng Pháp hay pha trò chém gió theo lối người Pháp không khác gì một ông Tây mũi lõ. Nhưng anh vẫn giữ được sự hài hòa của một người Việt truyền thống, và một phong cách người Tây hiện đại. Đó cũng chính là lý do tôi quý mến anh ngay từ lần đầu tiên gặp nhau tại nhà một người em tên Văn thân thiết. Còn với Văn, tôi quen ngay từ những ngày đầu mới chân ướt chân ráo tới Pháp. Khi đó cả hai anh em vẫn còn là sinh viên. Thấm thoát đã gần hai mươi năm. Giờ Văn đã là viên chức, đảm nhận vai trò giám đốc dự án nghiên cứu, trong một tập đoàn nhà nước. Có vị trí trong xã hội. Cũng như vợ chồng anh Hùng, đều là công chức, giảng viên của trường đại học, có hợp đồng trọn đời với bộ giáo dục. Cuộc sống nhân viên nhà nước ở Pháp không quá giàu có về mặt vật chất, nhưng khá là viên mãn về mặt tinh thần. Có điều kiện để tìm hiểu và hưởng thụ các giá trị văn hóa Pháp, cũng như chú trọng duy trì các giá trị văn hóa Việt. Mà buổi lễ hóa vàng là một ví dụ.
Sau màn hóa vàng, chúng tôi cùng rút các bao lì xì để mừng tuổi cho bọn trẻ con. Không ai bảo ai, mà mọi người đều dường như đã chuẩn bị phong bao từ trước. Đó là các phong bao nhỏ nhắn, màu đỏ, đóng nắp như bao thư, bên trong chứa tiền mừng tuổi. Dù bọn trẻ con ngoan ngoãn không mở ra xem ngay mệnh giá tiền, nhưng tôi vẫn có thể chắc chắn đó là những đồng tiền 10 euros, đồng tiền Pháp duy nhất màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn trong quan niệm của người Á châu. Xong, anh Hùng bảo tôi: “Chúng mình giữ được truyền thống quê nhà thế này là tốt lắm em ạ, cố gắng phát huy nhé.”.
Bữa cỗ có ba gia đình được mời. Cộng thêm gia đình anh Hùng nữa là bốn. Ngoài nhà người em Văn đã giúp tôi biết đến anh Hùng, còn có anh Bình đang làm việc tại thư viện quốc gia Pháp. Là một trong những người đang giữ trọng trách bảo quản khối tài liệu về Việt Nam học lớn nhất giới, bao gồm từ các sách cổ viết bằng chữ Hán-Nôm cho đến sách viết bằng chữ Quốc Ngữ, đang được lưu trữ tại đây.
Chè tam, rượu tứ. Anh chị mới khéo chọn mời làm sao. Vừa đủ người để chủ nhà tiếp đón được chu đáo, thân tình mà câu chuyện bàn luận đủ sâu, đủ rôm rả. Đủ để có kẻ nói, người nghe. Khách mời đều tương đồng kiến thức, tôn trọng nhau, ai nấy đều cảm thấy hứng thú, hòa hợp khi chuyện vãn. Chúng tôi vào bàn tiệc, với vị trí chủ nhà ngồi trung tâm, rồi cùng nâng cốc vui vẻ chúc Tết đầu xuân. Sau vài chén rượu nếp mới Văn mua ở chợ Thanh Bình mang đến cho hợp với khẩu vị bữa cỗ hóa vàng, câu chuyện của bốn chúng tôi bắt đầu vào nhịp. Cảm giác ngà ngà say mà vẫn đủ tỉnh táo để suy nghĩ, đối đáp bạn bè. Dù rượu ngon, nhưng không ai ép ai, hay cố uống thật nhiều để say túy lúy theo lối tục tửu cả. Đến tuổi trung niên, bao giờ người ta cũng trở nên điềm đạm hơn. Mọi hôm gặp nhau, trong những buổi trà dư tửu hậu như thế này, đề tài ưa thích của chúng tôi thường là bàn luận về các sự kiện chính trị, thời sự thế giới nói chung, và tình hình xã hội Pháp hay nước nhà quê hương Việt Nam nói riêng. Chính trị không phải là cái gì đó viển vông, xa vời, mà có những vấn đề thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, ảnh hưởng đến chúng tôi. Ví dụ như chiến tranh Ukraine đang làm giá năng lượng cao, lạm phát tăng, ai cũng phải thắt lưng buộc bụng hơn trong ăn uống chi tiêu. Nhưng hôm nay, nhân ngày hóa vàng, toàn những món ăn truyền thống ngày Tết, nem, canh măng, giò thủ tự gói, bánh chưng tự luộc, xôi gấc tự đồ, chúng tôi bàn về một chủ đề gần gũi hơn, đó là tiếng Việt cho thế hệ trẻ ở nước ngoài.
Không có ai khởi xướng cả. Trong khi chúng tôi đang cụng ly, hỏi thăm tình hình nhau sau một thời gian không gặp, thì ở bàn ăn bên cạnh bọn trẻ con cũng sôi nổi không kém. Có điều chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Còn chúng nó bắn liên thanh bằng tiếng Pháp. Anh Hùng sau một hồi ngầm quan sát chúng nói chuyện thì nghĩ ra một trò chơi. Anh bảo chúng tôi quay sang làm chứng và đưa ra luật với tụi nhỏ: “Đố bọn con có thể nói được tiếng Việt với nhau trong vòng 10 phút. Ai phải sử dụng bất kì một từ tiếng Pháp nào sẽ bị thua.”. Biết rằng, con cái chúng tôi, những gia đình hôm nay ở đây khi ở nhà vẫn có thể nói chuyện tiếng Việt với bố mẹ, nhưng như một thói quen, hễ gặp bạn bè đồng lứa là ngay lập tức chúng chuyển hệ tự động sang tiếng Pháp. Sau một hồi ngập ngừng, chúng tôi quay đi để bọn trẻ cảm thấy tự nhiên, chúng bắt đầu bắn từng câu tiếng Việt với nhau một cách gượng gạo, có vẻ như không hiểu hết lời nói của nhau và đành kết thúc trong im lặng chờ hết giờ.
Chúng tôi ngừng uống nhìn nhau chờ đợi. Không khí yên ắng đến nỗi các bà vợ đang buôn dưa lê phía kia bàn ăn cũng phải dừng lại ngạc nhiên, tò mò. Anh Hùng phá vỡ bầu không khí sau khi nhấp thêm một ngụm rượu:
“Con cái chúng ta đều có bố mẹ Việt cả, mà chúng ta cũng đều nói tiếng Việt. Vậy mà con cái chúng ta mới chỉ là thế hệ đầu tiên sinh ra ở nước ngoài đã không thể giao tiếp với nhau được bằng tiếng Việt. Mọi người nghĩ sao?”.
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời anh:
“Đúng là khi em sang đây, cái làm em tiếc nuối nhất cho bọn trẻ nhà em đó chính là tiếng Việt, mà tiếng Việt chính là văn hóa Việt, hình thành con người Việt. Nếu chúng ta mà còn không có điều kiện trở về Việt Nam thăm gia đình thường xuyên nữa thì có khi bọn trẻ lại giống lời bài hát Bonjour Vietnam thôi”.
Tôi nói thế khi chợt nhớ đến bài hát Bonjour Vietnam. Một bài hát gây xúc động, chạm đến tâm hồn của những người Việt xa quê hương, nói về những đứa con sinh ra ở nước ngoài, không nói được tiếng Việt, thậm chí không phát âm chuẩn cái tên của mình và chỉ biết đến Việt Nam qua những hình ảnh mường tượng.
Bài hát đó thành công không chỉ bởi lời bài hát được sáng tác bởi một tác giả dòng nhạc trữ tình rất nổi tiếng của Pháp là Marc Lavoine, mà còn có sự kết hợp với giọng hát da diết của ca sĩ trẻ Phạm Quỳnh Anh, một người con Việt sinh ra và lớn lên tại Bỉ. Tò mò, tôi tìm hiểu thì được biết cha mẹ của Quỳnh Anh đều là người Việt, đều sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, ra đi năm 75 sau biến cố đau thương của dân tộc. Họ đều là bác sĩ, thuộc thành phần có học, tri thức. Nhưng, cô bé Quỳnh Anh không nói được câu tiếng Việt nào. Lúc đó, tôi cảm thấy thực sự khó hiểu. Tại sao bố mẹ Việt mà con lại không nói được tiếng Việt. Có nghĩa là họ hoàn toàn sử dụng một ngôn ngữ nước ngoài khi nói chuyện với con. Ở Bỉ người dân sử dụng tiếng Hà Lan và tiếng Pháp là hai ngôn ngữ chính thống của đất nước, tùy vào vị trí từng thành phố. Có lẽ gia đình Quỳnh Anh sống ở vùng nói tiếng Pháp và họ giao tiếp ngay cả trong gia đình, bố mẹ con cái với nhau cũng bằng tiếng Pháp. Cũng không chắc, cũng có thể họ giao tiếp với nhau bằng tiếng Hà Lan. Cái đó không quan trọng. Mà quan trọng, họ là người Việt hoàn toàn, nhưng đang không sử dụng nó để nói chuyện với con mình.
Định cư một thời gian ở Pháp, tôi có nhiều bạn bè là các gia đình Việt Nam đang sinh sống ở đây. Và ngạc nhiên chưa, rất đông trong số họ cũng đang dùng tiếng Pháp để giao tiếp với con cái. Ôi, cái dân tộc Việt Nam. Ôi, cái giống người Việt mới nhanh mất gốc làm sao. Chỉ mới trải qua có một thế hệ mà đã mất gốc thế rồi. Hãy nhìn những người Trung Quốc, người Do Thái, người Ả Rập đi. Họ bôn ba khắp nơi trên thế giới, định cư hàng chục đời ở nước ngoài mà vẫn giữ được văn hóa của mình, ngôn ngữ của mình cho thế hệ con cháu. Tại sao chúng ta không làm được? Ngôn ngữ là một phần của văn hóa. Không có ngôn ngữ Việt, không còn là người Việt. Trải qua cả nghìn năm bắc thuộc, sở dĩ người Hán không thể đồng hóa được người Việt một phần vì chúng ta đã giữ được ngôn ngữ của mình, giữ được tư duy ngôn ngữ của mình, bởi vì ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Có thể nói chính nhờ tiếng Việt mà còn tồn tại người Việt cho đến ngày hôm nay.
Đối với những người Việt bỏ đất nước ra đi năm 75, tôi có thể hiểu được một phần. Họ đang căm thù bên thắng cuộc, rồi đánh đồng tất cả đất nước đã từng là quê hương mình toàn là kẻ thù, lòng hận thù lớn đến mức căm thù toàn bộ những gì liên quan đến Việt Nam. Đôi khi thành mù quáng, tìm mọi cách ngăn cản sự phát triển kinh tế của Việt Nam, vì coi đó là công cụ bảo vệ cho chế độ cầm quyền. Lấy lý do đất nước càng giàu mạnh thì chính quyền càng được củng cố. Những nỗi đau họ đã phải chịu đựng, không chỉ nỗi đau tinh thần, vật chất mà còn cả mạng sống người thân, khiến họ hoặc thù hận, hoặc muốn quên đi quá khứ, quên hết, cố quên luôn cả ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Họ đáng thương hơn đáng trách.
Đấy là đối với những người trong hoàn cảnh đặc biệt, có thể cảm thông. Nhưng còn đối với những người Việt ra đi theo con đường chính thống, những gia đình đang ở lại nước ngoài sau quá trình học tập du học, lao động xuất khẩu,... Họ có lý do gì mà phải từ bỏ tiếng Việt của mình?
Anh Bình như đoán được suy nghĩ của tôi, tiếp lời:
“ Với nhiều thành phần lao động chân tay, thời gian làm việc ở ngoài nhiều hơn ở nhà, không có cả cuối tuần. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, về nhà chỉ muốn ngủ nghỉ, có khi không buồn nói chuyện với con cái. Những đứa trẻ có thời gian ở trường cũng nhiều hơn ở nhà. Thì việc mất dần tiếng Việt cũng là khó tránh khỏi. Những gia đình này chỉ nhớ đến tiếng Việt khi con cái họ đến tuổi trưởng thành, và họ muốn tìm kiếm con dâu hay con rể từ Việt Nam cho hợp tính cách, dễ nói chuyện, ngoan ngoãn dễ bảo, khi mà việc kiếm được dâu rể bản xứ với những tiêu chí như vậy là không thể. Còn với thành phần trí thức thì sao? Xin lỗi các bạn ở đây nếu có động chạm phải. Theo tôi, có lẽ họ muốn hòa nhập tốt hơn vào đất nước họ đang sống. Nhập gia tùy tục bằng cách học cách ăn, cách nói đúng với người bản xứ. Hoặc đôi khi chỉ là muốn tự nâng cao ngoại ngữ của mình thông qua nói ngoại ngữ đó với con. Hoặc đối với họ, ngôn ngữ bản xứ họ biết quá lưu loát, nhuần nhuyễn đến mức không thấy sự khác biệt giữa nói tiếng bản xứ hay nói tiếng Việt với con. Những đứa trẻ được học bằng ngôn ngữ bản xứ từ bé, thông thạo hơn tiếng Việt là điều dễ hiểu. Và khi chúng vẫn còn vô tư, thì một cách tự nhiên sẽ luôn chọn ngôn ngữ nói thoải mái nhất, dễ dàng nhất nếu không bị ép buộc. Không thiếu những học giả uyên bác người Việt sống ở nước ngoài, luôn mong muốn tìm cách chấn hưng văn hóa Việt, bằng cách này hay cách khác đóng góp vào gìn giữ văn hóa Việt ở bên ngoài, như tổ chức giữ gìn truyền thống Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, giới thiệu với bọn trẻ những trò chơi văn hóa dân gian, ẩm thực Việt. Rất đáng quý nhưng lại quên đi giữ tiếng Việt cũng là giữ văn hóa cho chính con cái mình.”
Anh Hùng trầm ngâm, lắng nghe rồi từ tốn nói:
“Mình nên nhìn nhận vấn đề một cảnh tổng thể. Mỗi người sẽ có hoàn cảnh khác nhau. Đôi khi lực bất tòng tâm. Mình là người Việt, giao tiếp với con cái bằng tiếng Việt nhất định truyền tải được trọn vẹn cảm xúc của thông điệp nhất. Hơn nữa, chúng nó thành thạo tiếng Việt cũng là biết thêm một ngôn ngữ. Biết thêm một ngôn ngữ là biết thêm một văn hóa. Nhưng nhìn vào thực tế cuộc sống của người Việt ở nước ngoài, hay của chính chúng ta, việc duy trì được tiếng Việt không hề dễ dàng. Không có môi trường giao tiếp, thì đến người biết tiếng Việt lâu không sử dụng cũng mai một dần, quên từ này, mất từ kia. Bọn trẻ nếu chỉ giao tiếp trong gia đình có bố mẹ Việt thì không thể đủ từ vựng xã hội được. Cấu trúc ngữ nghĩa tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ đa nghĩa, khó học nhất thế giới. Học sinh ở Việt Nam có cả chương trình Tiếng Việt trong nhiều năm liền, mới có thể thành thạo. Rồi vì chúng hiểu chậm khi nghe tiếng Việt mà có khi bố mẹ đang vội vã, thà nói luôn tiếng Pháp cho nhanh. Lâu dần thành thói quen. Chẳng ai nghĩ sâu xa đến mất gốc hay văn hóa gì đâu. Đấy là nói đến những gia đình còn có cả bố mẹ đều sinh ra ở Việt Nam, chứ còn các bạn lấy vợ, hoặc lấy chồng Tây ở đây thì làm sao chỉ toàn nói tiếng Việt được.”
“Em đồng ý với anh Hùng ở những trường hợp cụ thể”,Văn bây giờ mới lên tiếng lên tiếng, “nhưng ở đây, chỉ nói đến gia đình có cả bố cả mẹ là người Việt, từ Việt Nam sang với tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình, thì việc từ bỏ nó để giao tiếp với con cái bằng ngoại ngữ khác, như tiếng Pháp, là điều đáng tiếc, một thiệt thòi cho đứa trẻ mất đi một ngoại ngữ. Thật sự, nếu muốn chúng ta vẫn hoàn toàn có thể duy trì được tiếng Việt cho con cái, dù ở mức tối thiểu, tất nhiên là cần có quyết tâm và nỗ lực hơn trong giao tiếp với chúng. Sống ở nước ngoài, đương nhiên phải dùng ngôn ngữ nước đó như ngôn ngữ chính nếu muốn phát triển, hòa nhập. Chúng ta không thể nào giúp con nói lưu loát tiếng Việt như tiếng Pháp đã được học hành bài bản kỹ lưỡng ở trường, nhưng ít nhất trang bị được cho chúng như một ngoại ngữ thứ hai, đủ ở mức nghe, nói cơ bản. Tạo đà cho chúng sau này lớn lên có cơ sở để tiếp tục hoàn thiện tiếng Việt. Từ đó mà có động lực tìm hiểu về cội nguồn. Còn không nói được từ tiếng Việt nào thì…”, Văn lắc đầu ngán ngẩm.
“Mất tiếng Việt thì còn gọi gì là người Việt.”, anh Bình vẫn bức xúc nói, “Mũi tẹt, da vàng, cư xử theo văn hóa người Tây, lại không nói được tiếng Việt thì người ta gọi là gì biết không?”
“Quả chuối?”, tôi đáp lời.
“Đúng, người Pháp gọi những thế hệ người châu Á trẻ tuổi sinh ra và lớn lên ở đây mà không được trang bị văn hóa cội nguồn của mình là những quả chuối, chỉ còn màu vàng bên ngoài, chứ bên trong là trắng cả rồi. Quá chuẩn với cách so sánh đấy. Gọi những người đó là mất gốc không phải đúng sao?”
“Chúng ta không nên dùng từ nặng nề thế.” anh Hùng vẫn ôn tồn, “vẫn có nhiều người không nói được tiếng Việt, nhưng luôn hướng về Việt Nam, có cơ hội là tìm cách giúp đỡ người Việt. Ở Pháp có tổng hội UGVF (Union Générale des Vietnamiens de France) có rất nhiều người gốc Việt như thế (ie, tức là không nói tiếng Việt), ở Bỉ thì có hội Cơm Có Thịt, họ làm vô cùng nhiều thứ cho Việt Nam như quyên góp tiền hỗ trợ người nghèo, xây trường học trên vùng cao,.. Vậy còn hơn những người nói tiếng Việt mà luôn muốn chối bỏ nguồn gốc của mình”.
“Hai vấn đề rất khác nhau anh ơi, chuyện giúp đỡ hay tốt bụng với người Việt, với Việt Nam thì kể cả các bạn Tây mắt xanh, da trắng, không có dây mơ rễ má gì vẫn làm được. Chủ đề ở đây mình đang nói về tiếng Việt cho thế hệ người Việt sinh ra ở nước ngoài thôi, những người có cả bố cả mẹ là người Việt.”, Văn phản bác lại.
Ngừng giây lát, Văn nói tiếp: “Có một sự thật mà nhiều người chúng ta hay lẩn tránh. Đó là sự tự ti dân tộc. Tự hạ thấp bản thân. Không thấy tự hào mình là người Việt vì thế mà không coi trọng tiếng Việt. Cái này không phải vơ đũa cả nắm, nhưng nhất định phải không coi tiếng Việt có giá trị thì mới không muốn truyền nó cho thế hệ con cháu mình. Lấy ví dụ người Nga đang ở Việt Nam, người Pháp đang ở Trung Quốc, khi họ sinh con cái ở đó họ có dùng tiếng Việt hay tiếng Trung để nói với con họ không? Chắc chắn là không!”
“Văn nói vậy làm anh nhớ đến một gia đình Pháp anh quen, hiện đang sống ở Bordeaux có liên hệ gắn bó sâu sắc với Việt Nam, tên ông ý là Jean nhỉ?”, tôi quay sang hỏi vợ để khẳng định lại.
“Vâng, đúng rồi. Ông Jean sinh ra ở Việt Nam, đến năm 40 tuổi mới sang Pháp. Bố ông ý là viên chức người Pháp trong chính quyền bảo hộ thời thuộc địa Đông Dương”, vợ tôi hào hứng tham gia.
Tôi tiếp tục kể: “Ông ý không nói tiếng Việt khi ở Việt Nam. Mặc dù nhà ông có đầy đủ đầy tớ, con sen, bác tài là người Việt. Rồi ra ngoài đường là xã hội Việt. Vì đơn giản, họ tự hào là người Pháp, tự hào với ngôn ngữ của họ. Ngôn ngữ của dân tộc thượng đẳng, sao phải đi học tiếng người An Nam. Còn ở Pháp, khách du lịch sang đây đều có thể nhận thấy, có thời kỳ người bản địa Pháp biết cũng không thèm trả lời bằng tiếng Anh. Họ xây dựng các trung tâm văn hóa Pháp ngữ khắp nơi trên thế giới để truyền bá ngôn ngữ và văn minh của mình. Nói một cách dễ hiểu là họ thấy ngôn ngữ của mình có giá trị, không những cần giữ gìn cho người Pháp, mà phải truyền bá cho cả người nước ngoài. Trong khi hiện nay đang có làn sóng của những nhà giàu trọc phú ở Việt Nam là cho con đi học trường quốc tế từ bé, khi mà tiếng Việt còn chưa nói sõi, đã chỉ theo học 100% bằng tiếng Anh.”
“Vì thấy tiếng Việt chẳng có lợi ích gì mà phải truyền lại cho con cháu. Phải không anh?” Văn nhìn tôi chờ câu trả lời.
“Có thể nói là vậy”, tôi xác nhận, “Chúng ta không coi việc con cái phải biết đọc, biết viết tiếng Việt là quan trọng. Vì ngắn hạn, nó chưa mang lại lợi ích thật sự nào.”.
“Em thì thấy trẻ con ở nước ngoài biết tiếng Việt mới là mang lại lợi ích, cả ngắn hạn và dài hạn. Thứ nhất, trẻ con càng được dạy nhiều thứ tiếng, khả năng ngôn ngữ càng phát triển, giúp chúng thông minh hơn. Thứ hai, biết thêm một ngoại ngữ, không chỉ là nghe hiểu được ngôn ngữ đó, mà là còn là học thêm được một cách tư duy mới. Chúng ta nói tiếng Pháp là đang tư duy kiểu người Pháp. Nói tiếng Anh là tư duy theo phong cách người Anh. Chính xác ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Vì thế, khi học ngoại ngữ, chúng ta cần tư duy, suy nghĩ bộc phát bằng ngôn ngữ đó trước khi nói ra, chứ không phải suy nghĩ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ rồi mới dịch trong đầu ra ngôn ngữ khác. Nếu đứa trẻ có thêm tiếng Việt tức là nó có tư duy của người Việt, thành tiếng mẹ đẻ đúng nghĩa. Thứ ba, cái lợi hiển nhiên trước mắt, là công cụ giao tiếp với họ hàng, với ông bà của mình. Sau này lớn lên, nhờ đó mà có sợi dây kết nối với anh em, họ hàng người thân vẫn còn ở Việt Nam của mình.”
Thấy không khí có vẻ căng thẳng, vợ Văn góp chuyện nửa đùa nửa thật: “Các anh em quan trọng hóa vấn đề quá. Không có tiếng Việt cũng có chết ai. Thế giới đã trở nên phẳng, văn hóa hòa trộn, mọi người suy nghĩ thoáng lên chút đi, suy nghĩ cứ như mấy ông chủ nghĩa dân tộc cực đoan thế. Công nghệ giờ phát triển, mấy năm nữa người ta có khi phát minh ra cái máy thông dịch tự động, cấy luôn vào tai nghe ngôn ngữ nào cũng được ý chứ. Mà nhà em về Việt Nam chơi chứng kiến, nói giọng lớ lớ đôi khi lại được coi là Việt Kiều xịn, đối xử tốt hơn với người Việt ở nước ngoài mà nói tiếng Việt trôi chảy. Mà Việt Kiều phải nói tiếng Anh mới được đánh giá cao, chứ tiếng Pháp giờ cũng lạc hậu, chả ai coi trọng nữa. Bọn trẻ nhà em bận rộn, học thêm nào cờ, nào nhạc, phải ưu tiên cái gì quan trọng, tốt hơn cho bản thân chúng nó. Thay vì cho học tiếng Việt thì đầu tư cho nó học tiếng Anh thôi. Chả tốt hơn à? ”
“Dân mình thông minh khôn ngoan, mà kiểu khôn vặt. Chỉ nghĩ ngắn.” anh Bình không ngại ngần chỉ trích, “Làm gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân mình trước tiên. Không phải là bọn Tây không thế. Chúng nó cũng chủ nghĩa cá nhân, nhưng nó còn nghĩ đến hậu quả lâu dài, có tầm nhìn xa. Cha mẹ về già chẳng hạn, lú lẫn chỉ muốn nghe tiếng mẹ đẻ, thì sao giao tiếp với con cái đây. Việc này đã xảy ra ở một số ông bà già Việt Kiều rồi chứ không phải không. Nhiều cha mẹ lấy lý do sang nước ngoài là vì con cái, cho nó có điều kiện học hành văn minh, tiến bộ. Nhưng đến khi già bất đồng ngôn ngữ, văn hóa khác biệt với con cái thì chẳng hóa ra kế hoạch “hy sinh đời bố củng cố đời con” đã thất bại rồi.“
“Vợ em đùa thôi anh”, Văn đỡ lời cho vợ “chứ như em phân tích lúc nãy, thì dạy bọn trẻ biết thêm một thứ tiếng nói chung, tiếng Việt nói riêng mới là nghĩ đến lợi ích cho bản thân chúng nó. Bố mẹ đều là Việt, đều nói tiếng Việt thì cơ hội cho tụi nó học tiếng Việt chẳng dễ dàng hơn học một ngoại ngữ khác. Một năm cố gắng cho tụi nó về thăm ông bà, khác gì một kỳ nghỉ thực hành tiếng Việt đâu. Cái cần lên án là những gia đình để con cái hoàn toàn không biết, không nói được câu tiếng Việt nào”.
“Đúng thế. Đó quả thật là những gia đình vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm với con cái vì làm mất đi một ngôn ngữ cho chúng nó. Thế thì còn gọi gì là tiếng mẹ đẻ?”, anh Bình bức xúc.
Quả là vậy. Khi con tôi điền vào hồ sơ cá nhân, mục ngôn ngữ mẹ đẻ, liệu nó sẽ điền tiếng Pháp hay tiếng Việt. Nếu như nó điền tiếng Việt mà lại không biết đọc, biết nói tiếng Việt?
Tôi không trả lời được câu hỏi mà lặng lẽ rót thêm rượu lúa mới đầy cốc cho mọi người. Chúng tôi còn bàn luận cho đến cuối bữa tiệc. Câu chuyện càng ngày càng nóng hơn, gay gắt hơn. Chỉ có điều, không ai nhận ra, hay không muốn nhận ra một sự thật. Chúng tôi đang lên án ai đây? Những người Việt hay gia đình Việt ở nước ngoài chẳng phải là bốn chúng ta ngồi đây sao? Bàn bên, con cháu chúng tôi vẫn đang hồn nhiên nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Chưa bao giờ chúng biết đến một câu ca dao, tục ngữ Việt Nam. Lịch sử hay văn học là thuộc về nước Pháp. Chúng đang mất gốc dần. Chỉ còn tiếng Việt ít ỏi cũng đang dần mất nốt. Xã hội tự do, dân chủ, những đứa trẻ đều được giáo dục để không bị ép buộc, kìm kẹp bởi bố mẹ ngay từ lúc nhỏ. Chúng tôi không thể cứng nhắc ép con cái phải học tiếng Việt, phải nói tiếng Việt bằng hình phạt như những ông đồ giáo học chữ Nho ngày xưa được. Chỉ có tình thương, sự chân thành và trên hết là sự kiên trì giao tiếp của cha mẹ với bọn trẻ mới có thể giúp cho chúng duy trì được văn hóa cội nguồn này.
Tạm biệt anh chị chủ nhà khi đã quá nửa đêm. Tôi trở lại Paris với nhiều câu hỏi còn đọng lại chưa có lời giải đáp. Làm thế nào để hòa nhập mà không hòa tan. Có thể ngày mai, tôi sẽ thuyết phục để con mình theo học lớp tiếng Việt như một ngoại ngữ thứ hai tại trường. Càng lớn nó càng bận rộn với cuộc sống bên ngoài hơn, trong khi chúng tôi cũng như các cha mẹ khác đang độ tuổi sống để cắm mặt vào công việc kiếm tiền. Nhưng từ giờ sẽ cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho con cái, nói chuyện tâm sự với chúng bằng tiếng Việt, bằng cách này hay cách khác để chúng cảm nhận ra sự giàu đẹp của tiếng Việt qua những vần thơ, điệu nhạc.
Paris 02/02/2023
Người Việt Mất Gốc Người Việt Mất Gốc - Lê Anh