Số lần đọc/download: 1359 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
N
gày xưa, ở huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa có một ông lão tiều phu tên Nguyễn Quốc Oai, tính khí ngông nghênh. Ông lão không có con, chỉ có hai vợ chồng trơ trọi. Nhà làm ở trong núi, hàng ngày kiếm củi bán để sống.
Một hôm, ông lão đi vào rừng trông thấy ở dưới đèo có một con cọp con lông vuốt chưa mọc mà mình mẩy thì đầm đìa máu. Đoán chừng là cọp mẹ cõng con đánh rơi xuống không lấy lên được, bèn trèo xuống bắt lên đem về nuôi, lấy thuốc bôi cho khỏi chỗ đau. Bà vợ thấy thế, can chồng rằng: "Cọp là giống hung tợn, nuôi thế nào được, hãy thả nó ra, kẻo lại mắc họa về sau".
Ông lão không nghe, nói rằng: "Giống vật cũng có linh tính, biết đền ơn trả nghĩa. Như trước kia có người đàn ông kiếm củi ở làng Thuận Lộc chữa cho cọp khỏi hóc, người đàn bà bán rượu ở làng Trung Hà giúp cọp sinh đẻ, đến bây giờ những người ấy vào rừng không lo gì cọp nữa. Những người ấy làm ơn trong một lúc mà con cháu còn được đền ơn đến bây giờ.
Huống chi là ta nuôi từ lúc yếu đến lúc mạnh, coi nó như là con". Từ đó, ông nuôi cọp như con. Lúc ăn uống, cho ngồi ở bên, lấy thức mình ăn thừa cho cọp ăn. Dần dần, lông cọp mỗi ngày một dài, nanh vuốt đầy đủ, mà cọp lại hiểu ý người ta, lúc thì múa, lúc thì nhảy làm trò cho vui. Thấy thế, ông lão càng yêu nó lắm.
Đi đâu, ông cũng bảo nó đi theo hầu mang đồ nhắm và đeo bầu rượu. Lúc uống rượu xong thì ông lại cưỡi cọp mà đi lăng nhăng ở trong rừng núi, ai trông thấy cũng lấy làm lạ, sợ hãi. Buổi tối ông thường đơm đó ở dưới khe suối lấy cá, thỉnh thoảng bị kẻ khác lấy đi mất. Vì thế đêm đêm ông dặn cọp cứ ra đấy mà giữ. Khi nào ông đến thì ho lên mấy tiếng cho nó biết.
Hễ cọp nghe thấy tiếng thì ra đón rước. Ông xuống khe, đổ đó lấy cá đem đổi lấy thịt để nuôi cọp. Cứ như thế được nửa năm. Một đêm, ông say rượu, ra chỗ đơm đó quên không lên tiếng, con cọp ngờ là người khác liền cắn ngay một miếng. Đến lúc trông mặt, biết là cha nuôi mình thì đã muộn.
Cọp liền cõng xác cha nuôi lên bờ rồi về nhà, đến trước vợ ông lão, cọp phục xuống mà chảy nước mắt ra, như là kẻ đến thú tội. Người vợ thấy thế lấy làm ngạc nhiên, đốt đuốc đi theo cọp. Khi đến nơi, thấy chồng nằm trên bờ suối, áo quần đầm đìa những máu, bà liền kêu lên rồi trỏ vào mặt con cọp mà mắng: "Mày đã quên cái ơn nuôi nấng mà đã vội cắn trả lại chủ mày thế ư? Tao không muốn trông thấy mặt mày nữa, đi đâu thì đi". Cọp cúi đầu xuống mà ra đi. Sáng hôm sau người vợ khiêng xác chồng đi chôn.
Đến ngày thành phục thì con cọp đem một con lợn về để ngoài sân, đến ngày cất đám, cọp lại đem về một con bò để cúng chủ. Lại đến ngày tiểu tường, các cọp rủ nhau đến quấy, bắt những súc vật trong làng. Dân chúng sợ hãi xem bói bảo rằng: "Ấy là cọp muốn báo ơn ông ấy đấy. Các ông nên làm đền mờ thờ Hổ ông. Hễ ông ấy được cúng tế thì yên". Bấy giờ làng mới đem thờ ông Nguyễn Quốc Oai ở bên tả đình, tôn làm hậu thần, đèn hương ngày đêm cúng tế, gọi là đền Hổ ông. Quả nhiên từ đấy trong làng được bình yên.