"We will be more successful in all our endeavors if we can let go of the habit of running all the time, and take little pauses to relax and re-center ourselves. And we'll also have a lot more joy in living.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Bão Vũ
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Tu Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 587 / 5
Cập nhật: 2017-11-08 14:00:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hững lời khuyên của bà nội không làm cô cháu gái thay đổi quyết định bởi giữa họ là khoảng cách của thời gian. Cô phụ bạc người yêu cô chân tình như bà đã từng làm thời tuổi trẻ. Chỉ khác là cả cuộc đời bà đã tiếc nuối vì mối tình lỡ dở, còn cô gái của thời hiện đại lại vô tâm, lạnh lùng.
“... Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?...
(Ông đồ - Vũ Đình Liên)
Nga vừa trút bỏ quần áo vứt bừa lên ghế, vừa hỏi bà nội:
- Có ai hỏi con không, bà?
- Có một cậu; người trông đứng đắn, lễ độ lắm.
- Bà thì chỉ để ý người đứng đắn với không đứng đắn. Thế hắn ta cao thấp, gầy béo, đẹp xấu,... thế nào?
- Cái con này. Cứ nhìn con giai ở mã ngoài, rồi là khổ một đời đấy con ạ!
Nga lăn ra giường, trên mình độc một cái quần con, ôm lấy bà:
- Cháu mà vớ phải một tên đứng đắn nhưng lại kiết xác, thì mới khổ đời. Thế sao bà biết là hắn đứng đắn.
- Cậu ấy trông cao ráo. Đi xe máy...
- À, được rồi. Con sẽ nạp vào bộ nhớ: Người đứng đắn là người cao ráo, đi xe máy - Nga cười khúc khích - Thế xe gì, Wave hay Spacy, bà?
- Con nỡm. Làm sao bà biết được xe gì. Bà đã nói xong đâu. Cậu ấy đi xe trong ngõ rất chậm, không bấm còi, lại không chiếu đèn chói mắt người ta như đám con nhà Soạn thịt chó trong kia. Cậu ấy hỏi bà nhẹ nhàng lắm. Bà cũng muốn có người nói chuyện, mới đưa chìa khoá bảo: “Cháu mở cửa hộ bà, vào đây chờ Nga”. Nhưng cậu ấy giữ ý, không vào. Nhà có mỗi bà lão lẩm cẩm... thế là người tốt chứ gì?
- Trộm bây giờ siêu lắm bà ơi. - Nga vừa nói vừa ngáp - Hắn không dám vào vì thấy bà mời. Sợ “kẻ cắp gặp bà già”. Biết đâu bà có Tê-cun-đô lại cho hắn một cước thì toi. Lần sau, bà cứ ra vẻ không cho hắn vào là hắn tìm cách vào bằng được cho mà xem.
- Con ranh này. Cậu ta bảo là trước cùng họ với mày. Tên là Hoàng.
- á, à! “Hoàng hấp”. - Nga bật cười khanh khách - Người tình cũ. Xưa bà gọi là gì nhỉ? à, “nhân ngãi” của con đấy bà ạ! Xe ấy là xe đi mượn. Hắn đang ở tận miền trung.
- Ừ, nó nói là làm tàu thuỷ chở hàng từ miền trung ra. Rẽ vào thăm bạn học cũ.
- “Cử động” quá. Tên Hoàng này trước đây sốt cao vì con đấy. Nhưng nhà thì ở tít khu trỏng, lại chỉ độc một món tim trần nên hết khoá học, con đánh trượt. Tội gì phải chập với một tên chỉ biết yêu không thôi, bà nhỉ?
- Nói với năng. Ngày xưa con gái mà ăn nói thế là chết đòn, con ạ. Phải thưa gửi, gọi dạ bảo vâng. Cấm có nói tục, nói lóng. Nhỡ miệng thì vả gẫy răng. Mà có dậy mặc quần áo vào không. Cứ trùng trục như đô vật thế này, cảm lạnh thì sao?
Nhưng Nga đã khẽ ngáy gừ gừ như một con mèo con, không để ý đến bài giáo huấn của bà nội. Bà Ngân phải trở dậy lấy cái váy ngủ, rồi vần thân hình Nga lăn lóc một hồi mới mặc được vào cho nó. Bà mệt, vừa thở vừa mắng yêu: “Cha bố nó, nặng như cái cối đá lỗ. Ngày trước, bằng ngần này là đã con bồng con mang”. Bà tắt đèn, nằm xuống, phe phẩy cái quạt giấy quạt cho cháu, dù cái quạt trần đang quay.
Đêm đã khuya. Bà Ngân chập chờn giấc ngủ của người già. Tiếng xe cộ ì ầm xa xa. Chợt Nga trở dậy, nhảy thịch xuống giường. Bà nhìn thấy trên nền sáng khuôn cửa sổ, thân hình dậy thì của Nga lồ lộ trong chiếc váy mỏng, ngửa cổ tu bình nước.
- Con gái con đứa mà uống nước như thế à!
- Bà tinh mắt nhỉ. - Nga trèo lên giường, ôm lấy bà nội, cù vào nách. Bà không cười, mà chính nó lại khúc khích - Con đi lấy chồng, không còn ai để mắng mỏ, bà có buồn không?
- Cha bố mày. Bà yêu thì bà mới mắng, cho nên người chứ!
- A, bà cũng yêu đấy nhé! - Ngụm nước lạnh làm Nga tỉnh ngủ - Thế ngày xưa, bà có yêu ông nội không? Gọi là gì nhỉ. À, “phải lòng”! Hôm nọ con thấy ảnh của ông ở cái thẻ gì ấy. Ông để đầu đinh. Trông mô-đen lắm.
- Hồi ấy ông đi làm ký lục lộ trên mạn ngược, bị ngã nước rụng hết tóc, rồi mọc lại ngứa quá, mới húi “cua”.
- Thế nên bà mới phải lòng - Nga lại cười khúc khích. Nó thừa biết cái ông để đầu đinh ấy chỉ là ông nội của nó. Còn người mà bà nó đã “phải lòng” là kép chính của một gánh chèo lang thang. Ông ta con nhà giàu, có học, viết chữ nho đẹp có tiếng; lại có hoa tay, vẽ vời cắt giấy phết hồ chẳng thua thợ hoa man, làm được cả phông màn cho những cảnh diễn. Đã có lần bà hãnh diện nói về người ấy: “Bọn con trai chúng nó bây giờ học hành đến mấy, cũng chẳng bằng được người như ông ấy”.
- Bà kể về ông ấy đi.
... Tan đêm chèo, người ấy để nguyên quần áo của chàng Ngưu Lang, tất tả đi vội đến chiếc cầu đá đứng đợi Ngân. Còn Ngân thì không sao thoát ra khỏi căn buồng có cánh cửa gỗ lim kiên cố bị người dì ghẻ khoá trái.
- Rồi làm sao mà bà thoát ra được?
- Anh Ngọ là lực điền của nhà, cũng quen biết người ấy, đã trèo lên nóc nhà, dỡ mái, dòng dây thừng xuống, kéo bà lên. Trăng sáng vằng vặc soi rõ khuôn mặt anh ta buồn rười rượi. Này, hôm nay bà thấy cái cậu Hoàng ấy trông mặt cũng rầu rầu như thế. Người nào cũng vậy; Thời nào cũng vậy. Cứ vướng vào dây tình là khổ. Thì ra anh Ngọ cũng phải lòng con gái nhà chủ.
- Ôi, các cụ cũng “tay ba tay tư, lằng nhằng dây điện” nhỉ?
*
Ngọ nhón những cọng rạ lợp mái nhà vướng trên tóc Ngân. Cô để yên cho anh ta được làm chuyện đó như một sự thưởng công. Những ngón tay chẳng hề chạm vào tóc Ngân, mà anh ta cũng thấy như đang được hưởng một hạnh phúc to lớn lắm. Ngân cảm thấy thế khi nhìn vào khuôn mặt vuông chữ điền rạng rỡ ánh trăng.
- Cô chạy ngay ra cầu Đá đi. Mau lên,... cậu ấy đứng đợi ở đấy lâu rồi. Cô đi may mắn nhá. Rồi nhắn tin về... cho tôi mừng. - Ngọ vừa nói vừa nuốt nghẹn.
Ngân chạy tắt qua lối vườn Chùa. Khu vườn ngay giữa trưa cũng âm u lạnh lẽo với tiếng cú rúc và tắc kè kêu ghê rợn. Mặc Bà chúa Thượng ngàn xống áo mớ ba mớ bảy vắt vẻo đưa võng trên cây, cười lanh lảnh trêu chọc; mặc ông Hoàng Mười cân đai bối tử trừng mắt đứng bên lăng Sư tổ; mặc cái Gái chết oan ức, quần áo trắng loà loà ngồi xoã tóc nỉ non khóc dưới cây quéo kia. Ngân chạy thục mạng, thoát khỏi khu vườn đầy những bóng ma. Rồi cô cắt ngang qua lối gò Trành là nơi chôn người chết. Ngân chạy như ma đuổi. Mà ma đuổi thật. Nghe rõ tiếng chân thình thịch phía sau. Ngân vấp vào một tấm bia đá, ngã như trời giáng. Không phải ma đuổi mà là Ngọ chạy hộ tống đằng sau. Anh nâng Ngân lên, lấy ống tay áo lau máu trên môi cô, nhặt cái tay nải quần áo, tư trang khoác lên vai Ngân:
- Còn một quãng đường quang nữa thôi. - Anh ta đứng trên gò nhìn theo Ngân.
Ngân đến nơi. Trên cầu vắng tanh. Một bóng người đang lúi húi đặt đăng đó dưới chân cầu. Ngân hỏi vọng xuống:
- Bác đánh đăng ơi! Vừa rồi bác có thấy ai đứng trên cầu không?
- Có. Đứng lâu lắm. Khăn áo phơ phất như phường chèo. Nhưng đi rồi.
- Đi lâu chưa, bác?
- Chừng giập bã trầu.
Chiếc cầu trơ trọi. Trụ cầu bằng đá đẽo. Mặt cầu lát đá phiến nhẵn bóng, mỗi phiến bằng nửa cái sập gụ. Ánh trăng khuya làm chiếc cầu sáng sủa mới mẻ như thể nó vừa hoá thành đá xong. Ngân đứng chết lặng trên cầu, nghe có tiếng còi tàu hoả xa lắc ở phía nhà ga, nơi những ngọn đèn mờ mờ sương đêm. Người ấy đã không thể đợi thêm được. Gánh chèo phải đi kịp chuyến tàu sớm, ngược lên Lạng Sơn, rồi đến hát ở những làng mạc dọc sông Thương. Bao nhiêu đường đất; mịt mù bóng chim tăm cá.
- Bà cũng lãng mạn nhỉ?
- Cha bố mày. Chỉ được cái hỗn. Bà là bạn mày đấy à?
- I'm sorry!
- Cái gì? Con ranh. Mày rủa cả bà à?
- Đâu mà, ấy là con xin lỗi. Bà có biết không, tên Hoàng ấy cũng lãng mạn một cục. Hắn viết thư cho con, y như phim: - Nga ghé sát miệng vào tai bà thì thầm. Môi nó mềm ướt như môi đứa bé còn bú mẹ; hơi thở nóng hổi- “Tàu chạy giữa hai bờ con sông lạ. Nước sông đục ngầu, nhưng hoa cỏ trên bờ tươi xanh. Tôi ước được là thuyền trưởng; tôi sẽ cho tàu cập bờ, lên hái một bó hoa dại thật lớn gửi cho Nga. Vì, lúc đó tôi rất nhớ Nga. Nhớ lắm! Nga ơi!” Con viết cho hắn rằng phải bỏ ngay cái kiểu ngồi trên nóc tàu gật gù lơ mơ, nhỡ lộn cổ xuống sông; lại làm con tốn oan nước mắt. Thế mà hắn viết lại rằng, nếu được con khóc thương thì hắn sẵn sàng nhảy xuống sông.
Nga lại ngủ được ngay, lại gừ gừ khe khẽ như con mèo con.
*
Ngân đọc đi đọc lại lá thư một người làng đi buôn trên mạn ngược về, chuyển cho cô. Thư của người ấy. Những chữ rất đẹp viết bằng mực tím. Cô đã thuộc cả những chữ cô không hiểu:
Phủ Lạng Thương, le 25 Novembre 1941
... Ngân ơi! Cái đêm hôm đó Ngân không đi cùng với tôi, thì tôi cũng không dám trách gì Ngân, mà chỉ hận trời xanh. Âu cũng là oan trái từ tiền kiếp nên đôi ta mới lỡ dở... Thôi thì đành đợi kiếp sau. Tôi cầu chúc cho Ngân gặp được người ý hợp tâm đầu, bách niên giai lão. Còn tôi thì trọn đời thương nhớ Ngân. Viết đến đây, lòng tôi đau như dao cắt; tôi nhớ Ngân lắm, Ngân ơi. Mà tôi biết, Ngân cũng chưa quên được tôi. Thật là:
Người đi Tam Đảo Ngũ Hồ
Người về khóc trúc thương ngô một mình
Non non nước nước tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ...
Đầu năm sau, Ngân lấy chồng. Cái đám mà bố Ngân và dì ghẻ đã xếp đặt từ trước. Anh chàng này con nhà giầu ở Hải Phòng “làm bàn giấy”, trông hiền như đất mà cục tính. Anh ta phong thanh biết chuyện, ghen; có lần đánh Ngân toạc cả đầu. Nhưng Ngân vẫn không quên được người ấy; cả khi bố Nga ra đời. Sau này, bố Nga tính cũng cục cằn. Cũng ghen bóng, mà vợ thì lại là người nhan sắc, giao thiệp rộng. Bố Nga đánh vợ đến nỗi phải bỏ nhau khi Nga còn chưa biết đi. Nga được bà nội nuôi từ nhỏ, không nhớ nổi mặt mẹ.
Sáng hôm sau, chủ nhật, Nga ra đầu ngõ mua bát xôi ngô cho bà; rồi son phấn, phóng xe đi mất. Bố Nga ra hiệu sách. Bà Ngân lại ngồi một mình bên cửa sắt xếp. Bà sợ những lúc ngồi một mình, cũng như sợ giấc ngủ chập chờn. Như những kẻ từng chọc trời khuấy nước, đã hết thời; như những giai nhân, mỹ nữ về già; bà Ngân thường ngồi nhớ một thời xuân sắc bà từng có.
Hoàng lại đến, rụt rè lễ độ chào bà như tối hôm qua.
- Hoàng đấy à. Cháu vào đây nói chuyện, chờ Nga. Nó sắp về bây giờ.
Ban ngày, trông Hoàng cũng điển trai. Cũng dáng hào hoa lịch sự như người ấy ngày xưa; và hiền lành phúc hậu như anh Ngọ.
Ngay đêm ấy Ngọ bị đánh đến què chân như quân trộm cướp, rồi bị đuổi. Lúc anh tập tễnh ôm bọc quần áo ra đi, Ngân vẫn bị nhốt trong buồng. Khi ra khỏi cổng anh còn cố nói to lên: “Tôi đi đây! Chẳng biết bao giờ mới được về lại đây nữa. Cô ở lại mạnh khỏe may mắn nhé!” Tên đầy tớ nịnh chủ của nhà Ngân giộng cái đòn ống vào lưng anh thêm một lần nữa. Trong buồng Ngân nghe thấy rõ. Cô khóc nức lên. Sau, nghe nói anh Ngọ phiêu bạt sang tận Nam Vang, rồi biệt tích.
- Cháu uống nước đi. Chè xanh đấy. Bà chỉ uống nước này thôi.
- Dạ. Cháu cũng thích nước chè xanh, nhưng ít được uống. - Rõ là đứa lễ phép, thật thà, chứ không phải nói lấy lòng bà. Bà Ngân bắt đầu cuộc hỏi han về gia thế của Hoàng như Nga đã nói trước khi phóng xe đi: “Tên Hoàng có đến nữa, bà cứ thẩm vấn hắn xong phần tiểu sử là con về”. Hoàng chỉ còn mẹ và đứa em gái đang đi học. Trước, nhà cũng khá nhưng bố chết trong một chuyến đi biển; nên mẹ con lâm cảnh khổ. Chỉ hơn con Nga một tuổi mà đã là trụ cột gia đình. Bà nhìn Hoàng thương cảm:
- Cháu yêu thương Nga lắm phải không?
Hoàng bị bất ngờ, lúng túng, im lặng.
- Đêm qua Nga đọc cho bà nghe thư cháu gửi cho nó.
- Chết thật, Nga lại đọc thư của cháu lên? - Hoàng ngượng nghịu. - Trước kia Nga cũng yêu cháu, còn bây giờ thì cháu cũng tự biết là không thể như thế được.
- Nó đã thuộc làu lá thư. Cháu thật lòng thế, con Nga không thể vô tình được.
Hai bà cháu nói chuyện đến gần trưa. Hoàng tần ngần đứng lên:
- Cháu xin phép bà... Chiều nay tàu chúng cháu về rồi. Bà ở lại mạnh khỏe. Cháu... nhờ bà chuyển hộ cho Nga cái hộp này. - Rồi thằng bé lủi thủi đi.
Chiều muộn, Nga về cùng với Hà, bạn gái thân của nó và một đứa con trai lạ mặt. Chúng chào hỏi bà chiếu lệ rồi ra phòng khách. Một lúc sau, Hà vào buồng, ghé tai bà thì thào: “Bà ơi! Hắn đấy”.
- Hắn nào? - Bà hỏi và linh cảm rằng thằng bé Hoàng hiền lành kia sẽ khốn khổ.
- Nó không nói gì với bà à? Người yêu của nó đấy. Hơi lùn một tị, nhưng con ông gì to lắm. Ở tận Thủ đô mà về đây “chim” cháu gái bà đấy - Hà nhại giọng quê, cười hí hí.
Đến gần tối thằng bé kia mới ra về. Nó ghé vào cửa buồng chào bà. Trông cũng được nhưng đúng là lùn, có khi còn thấp hơn Nga một đốt ngón tay. Cũng đầu đinh.
Bà muốn vun vén cho Hoàng. Nhưng bà biết, tất cả do đứa cháu gái bướng bỉnh của bà quyết định. Nó không phải là bà ngày xưa. Bà Ngân thở dài đưa cho Nga cái hộp giấy đựng quà của Hoàng. Đó là những bông hoa bằng thuỷ tinh. Tàu của Hoàng định kỳ chở cát trắng từ miền trung ra đây cho nhà máy thuỷ tinh. Cậu ta nhờ người ở phòng thí nghiệm thuỷ tinh mỹ nghệ làm cho. Những bông hồng mỏng mảnh trong suốt phớt trắng ở diềm cánh tan lẫn trong không gian, như ảo ảnh.
- Đẹp, cứ như là nhìn kỹ cũng vỡ mất. - Hà bình phẩm.
- Mụ thích, ta cho. - Nga hỏi bạn. Nhưng Hà lắc đầu:
- Chả dại. Đứt tay như chơi.
Nga cẩu thả để những bông hoa lên nóc tủ, rồi mở hộp quà của thằng bé đầu đinh ra kêu lên:
- A, sô-cô-la Pháp, loại có hạt hạnh nhân chiên ròn. Trên cả tuyệt vời!
Bà Ngân từ chối thanh kẹo lạ mắt màu nâu bóng Nga đưa cho, như giận dỗi: “Mùi nó gây gây hăng hắc thế nào ấy. Bà không ăn được!”
Hoàng vẫn gửi thư đều đặn. Nga vừa đọc cho bà nội nghe vừa bình phẩm giễu cợt. Nó bỏ ngoài tai những lời bà nói xa xôi về Hoàng kèm với những câu ví von, ca dao tục ngữ về tình với ngãi. Lúc có Hà, hai đứa đọc thư, thêm bớt câu chữ để cười.
- Mày ác như quỷ ấy. Sao không cắt đi, cứ làm tội hắn mãi? - Hà mắng Nga - Ngày xưa, lính đánh trận bị thương, đau quá, phải van xin người khác giết đi cho đỡ khổ.
- Đau còn hơn chết. Mà thương hắn bằng thừa. Mụ còn lạ gì dân thuỷ thủ. Bến nào chẳng có đứa con gái chờ hắn, cứ để hắn đấy như món lương khô. Phòng cơ nhỡ.
Hoàng theo tàu ra luôn. Nga reo lên mỗi khi Hoàng đến:
- A, ông lại chở cát ra đấy à? Ông nói chuyện với cụ hộ, Nga đi đằng này một tẹo về ngay! Và Nga lại mất tăm cho đến khi Hoàng không thể ngồi thêm được nữa.
Dù sao cũng có điều tốt. Bà Ngân mong thằng bé như chờ đứa cháu yêu đi xa. Còn Hoàng cũng thấy lòng dịu lại khi nghe được những lời an ủi ân cần của bà. Hai bà cháu nói chuyện rất hợp nhau. Đến nỗi trong đầu Hoàng bóng dáng hiền từ của bà, còn gần gũi thân thiết hơn hình ảnh rực rỡ của Nga. Và mỗi khi rẽ vào cái ngõ quen thuộc, Hoàng không hiểu là mình háo hức vì sắp gặp Nga hay lại gặp bà Ngân.
Có lần đến, thấy Nga đi lại đang bồn chồn bên cạnh bà đang nằm ốm mệt, Hoàng nói luôn: “Nga bận cứ đi, tôi trông bà cho”. Và Hoàng cặm cụi sắc thuốc cho bà.
Hoàng đem theo món bánh cáy, chè lam, kẹo vừng làm quà, mỗi khi đến. Những thứ quà quê chế biến theo lối ngày xưa ấy làm Nga buồn cười như nhìn thấy những sản phẩm thô thiển của thổ dân ở một xứ lạ nào; và nó chê bẩn, không dám đụng đến. Còn bà Ngân thích thú đem mời người bạn thân: “Tôi cho các bà nếm lại những thứ quý hoá ngày xưa. Thằng cháu tôi đem ở quê ra đấy!”
Cuối năm, thằng bé trên Hà Nội xin cưới Nga, vì nó sắp đi du học ở Mỹ mấy năm. Hai bố con Nga bàn bạc xong xuôi mới cho bà Ngân biết. Bà cuống lên, nghĩ đến Hoàng. Tội nghiệp thằng bé. Bà chẳng biết phải làm gì cả. Bà làm mặt giận Nga. Nhưng con bé không bận tâm coi đó là sự trái tính, là kiểu giận dỗi mát mẻ của người già.
Tuần sau là ngày cưới. Nga hớn hở, hát cười luôn miệng.
... Những ngày xưa ấy... Cả làng ầm ĩ tiếng lợn kêu, chó sủa, trẻ con la hét, như đã đến Tết. Người ấy ở tít trên mạn đồng rừng heo hút. Ngân chôn chặt chuyện cũ như cất một đồ dùng trái mùa về nhà chồng. Khi lên chiếc xe hơi màu sữa, cô khóc như mưa. Nhưng không ai để ý chuyện con gái khóc khi đi lấy chồng.
*
- Thôi, bà nín đi, đừng để con khóc theo, hỏng hết cả mặt bây giờ. - Nga cau có.
- Tao khóc kệ tao. Khổ thân nó đã bồ côi bồ cút. Lại gặp phải chuyện này nữa.
- Ơ, bà buồn cười nhỉ. Con có làm gì hắn đâu? Tự hắn xin chết chứ.
- Mụ có tắt đi không! - Hà mắng Nga, dỗ dành bà Ngân - Bà chấp con điên kia làm gì. Mà cái tên Hoàng ấy ú ớ như thế thì khổ là đáng đời. Thôi, bà nín đi để con tô môi cho bà. Hôm ăn hỏi, nhà trai, có một bà béo ục ịch, già bằng mấy bà, thế mà làm mặt còn siêu hơn bọn con. Hôm nay bà cũng phải tô một tẹo cho bên đối tác kính nể chứ.
Bà lần từng bậc lên căn gác nhỏ. Bà không bật đèn, ngồi nhìn những khóm cây đen sẫm trong bóng tối ngoài ô cửa nhỏ và khóc. Thằng bé Hoàng bây giờ cũng như người ấy ngày xưa, đang ở tận bờ bến nào, không hề biết cái người mình yêu thương đã thuộc về kẻ khác rồi.
Đám rước dâu về Hà Nội đã đi xa. Bố Nga cùng bạn bè đang ăn uống ở khách sạn. Bộ dàn băng hình bọn trẻ bỏ đấy vẫn nhấp nháy hát.
- Bà ơi,... Con đây! - Có tiếng gọi khẽ. Bà Ngân nhìn ra. Thằng bé đến.
Hoàng nhìn quanh và hỏi bà, giọng khô khan:
- Rước dâu rồi hả bà?
- Có dễ được mươi, mười lăm phút rồi con ạ. Sao con biết? - Bà Ngân lúng túng như có lỗi - Bây giờ, xe phải đến cầu Lạc Long rồi.
Hoàng im lặng. Bà Ngân quay đi không nhìn vào mặt Hoàng. Bà sợ khuôn mặt như mất hồn của thằng bé sẽ làm bà khóc lên mất. Bó hoa trong tay Hoàng chúc xuống đất, trông cũng như héo rũ đi. Bà lại nhìn thấy khoảng không gian mờ mịt của ký ức, người ấy đứng trên chiếc cầu đá đợi bà, áo khăn phơ phất. Chiếc cầu đến giờ vẫn còn, như thể nó đã hoá đá vì đã cùng chờ đợi, và để làm chứng tích.
- Bà đang xem băng ca nhạc đấy à? - Hoàng hỏi như để có chuyện.
- Không, bà có biết băng bó gì đâu. Chúng nó vừa trang điểm cho con Nga, vừa mở máy hát hổng với nhau. Lúc nhà giai đến, cứ bỏ đấy kéo đi. Bà cũng chẳng biết mở tắt thế nào. Cháu không muốn xem thì tắt đi.
Hoàng ngồi xuống nền nhà, tay vẫn cầm bó hoa như cầm một cái chổi. Hoàng nhìn màn hình. Băng karaoké những bài hát hay nhất của nhóm “Boys”. Bà Ngân nói với Hoàng những câu an ủi cũ kỹ mà bà cũng thấy là giống như những lời đãi bôi: “Thôi con ạ. Cũng là cái duyên cái số. Nguôi ngoai rồi thì... con giai như con, lấy đâu chẳng được vợ. Con đi về, cứ đến đây. Coi bà như bà nội của con”.
Hoàng cúi đầu giọng khàn đi: “Vâng ạ!”. Bà Ngân tìm cách nói lảng sang chuyện khác:
- À, cái bài hát này chúng nó mở máy hát theo suốt ngày không chán. Bà nghe quen cũng thấy vui tai. Nó nói cái gì thế hở con?
- Vâng, để con đọc bà nghe. - Hoàng dịch những chữ tiếng Anh trên màn hình:... “ Em là một nghìn buổi bình minh tuyệt vời. Em là một nghìn buổi hoàng hôn tuyệt vời... Bây giờ tôi đi tìm em khắp phố. Công viên và bờ sông không có em... Tôi đến nhà thờ, xin Chúa chỉ nơi em... Thấy em lộng lẫy trong áo cưới... Tôi đến chậm mười lăm phút... Chỉ mười lăm phút thôi!... Mười lăm phút thôi!”
Hoàng nhắc lại mãi cái điệp khúc đó. Còn bà Ngân thì nước mắt giàn giụa. Bà đến cây cầu Đá chỉ chậm một khoảng thời gian chừng “giập bã trầu”. Người ấy đã bỏ đi mãi đến tận bây giờ.
*
Ông Phổ Độ, chủ hiệu thuốc Bắc đầu phố, là người quen của bà Ngân đưa mấy gói thuốc cho Hoàng, căn dặn:
- Cậu làm đúng như tôi viết đây. Phải cho bà uống nóng, thuốc mới kiến hiệu. Hết mấy thang này là đỡ đau lưng. Còn chứng phù bàn chân, để sau. - Ông nhìn bức thư pháp lồng khung trên tường, hỏi. - Nhà này mới mua được chữ ở đâu thế này? Đẹp thật! Người viết tài hoa khoáng đạt lắm. Cứ nhìn bộ “đao” là biết. Bao nhiêu tiền bức này đây bà?
- Chữ ông đồ đền Mẫu viết cho không đấy, ông ạ. - Bà Ngân trả lời - Để từ năm kia. Tôi muốn treo, con Nga nhà này không nghe, cứ dán ảnh người râu ria, đánh đàn, đá bóng. Bây giờ nó đi lấy chồng, tôi bảo thằng cháu đây treo dịp Tết này.
- Bức này lụa tốt, mực thơm mài bằng rượu. Nét chữ kiểu “hành xà” xoắn bện như thể thắt ruột vắt gan trút hồn lên ngọn bút mà viết. Thường thì là Tài, Lộc, Phúc, Thọ, Phú, Quý. Đây lại là Lựu. Lựu có chữ Lưu là “Gìn giữ”, là “Đọng lại”. ờ, nếu chỉ mưu cầu giầu sang phú quý, sống lâu, mà chẳng biết giữ gìn cái Nghĩa cái Nhân, cái Tình thì cũng chỉ là phù phiếm. Lưu ở chữ Lưu luyến, lưu tình: chút tình còn lại: cũng ở chữ Lưu bút. Để lại chữ cho nhau... còn bộ chấm thuỷ là hàm ý Lưu thuỷ hay Dư lệ. Hay lắm! Tài hoa, nhưng gian truân một đời.
Bà Ngân cúi mặt, lén lau nước mắt. Ông lang Phổ Độ đeo mục kỉnh, nhìn hai cột chữ nhỏ đã thảo có in triện son trên phía trái bức thư pháp, ngâm nga:
“... Nhớ xưa luyến ái Hàn công tử...
Xương trắng thành tro hận chửa tan!... “
Ông chép miệng - Lý Thương ẩn đời Đường đây. Hằng Nga bay về trời, đã yên vị ở ngôi cao quý nơi tiên giới rồi, vậy mà lòng vẫn còn lưu luyến mối thâm tình cõi phàm trần với công tử họ Hàn. - Ông lang thở dài - Người như lão đồ đền Mẫu này, trong thiên hạ bây giờ chẳng còn nhiều. Mấy vị túc nho vùng này phục lão lắm. Lão chỉ xuất hiện có một bận vào năm kia. Từ năm ngoái, lão biệt dạng. Có người nói hình như lão bị phong hàn, mất ở Bắc Giang rồi. Sống lang bạt sông hồ, chết tha hương. Vậy là số “Lưu hà”. ờ, cũng lại có chữ Lưu!
Ông lang như nói một mình, gật gù đắc ý trước bà già lẩm cẩm và gã thanh niên lộc ngộc dáng thất phu. Hai người kia như những kẻ tàn tật khiếm khuyết tri thức; họ làm sao có được cái cao khoát trong tâm hồn khi thấu hiểu được sự thâm trầm của chữ nghĩa, thi ca.
Đúng là người ấy rồi. Thì ra cái cảm giác vướng gợn không cắt nghĩa được trong lòng bà hôm xin chữ, là có duyên cớ. Năm kia sáng mồng một Tết, hai bà cháu vào đền Mẫu xin quẻ thẻ rồi đi dạo. Bà Ngân thích cái không khí ở đền Mẫu này. Đó là cái khí xuân thanh sạch nguyên sơ của một thời đã mất. Ngày xưa bà đã gặp người ấy trong một ngày hội Xuân tươi sáng như thế này, ở ngôi đền quê nhà, cũng có tên là đền Mẫu.
Con bé Nga cũng hớn hở vì cái không khí ấy. Ai cũng nhìn đứa cháu gái đẹp rực rỡ của bà. Con bé giống hệt bà nội ngày xưa. Bà đã tái sinh với hình hài của nó. Đến cái ông đồ râu tóc trắng như cước ngồi cạnh cổng đền cũng dừng chiếc bút lông trong tay, nhìn con Nga đăm đắm, rồi lại nhìn bà. Chắc ông cũng nghĩ như mọi người: Một cặp bà cháu đẹp như bức tranh vẽ Phật bà với nữ tiên đồng.
- Chào ông đồ. Xin thầy cho bà cháu tôi một chữ, treo năm mới lấy khước.
Nga ngồi thụp xuống bên cạnh ông đồ già, ngắm nghía cái nghiên mực bằng đá, thỏi mực lớn có hình rồng cuốn, hòn son, ống bút, những vuông lụa bạch, xấp giấy đỏ...
- Bà với cháu muốn chữ gì nào? - Ông đồ ân cần hỏi.
Ông ơi, viết cho cháu chữ “Happy New Year”.
- Không được hỗn! - Bà Ngân củng lên đầu đứa cháu lém lỉnh.
Gần hai năm theo học thầy đồ ngày xưa, giờ chẳng còn mấy chữ. Xin Tài, Lộc thì đời cho là tham. Phúc, Tâm thì người ta bảo vì thiếu thứ đó, mới mua về. An là hèn nhát. Còn Thọ dành cho kẻ uý tử cầu sinh. Thôi thì tuỳ thầy. Bà nói thế, làm ông đồ ngạc nhiên về sự thông thái của một bà già ở tuổi lẩm cẩm.
- Nghe bà suy luận thì rõ người là mẫn tuệ. Chỉ tiếc là... - Ông nhìn con bé Nga lần nữa rồi lại nhìn bà, thở dài - Vậy là tôi vô phép viết đại một chữ mà không dám lấy tiền. - Ông trải vuông lụa bạch nõn có hồ xuống chiếu, quệt ngọn bút lông thật đẫm mực rồi nhíu mày trầm ngâm một lúc. Mặt ông thoáng tái đi, căng thẳng. Đôi mắt đục buồn rầu sau cặp kính như hướng về cõi xa nào không rõ. Ông tìm chữ, nghĩ cách thể hiện, hay đang tâm niệm cho cơn hưng phấn thư pháp đến? Không biết. Bất ngờ một giọt mực như giọt nước mắt lớn từ trong ngọn bút rỏ xuống vuông lụa bạch, cùng với tiếng “ối” của Nga. Con bé nhìn thấy giọt mực đúng lúc sắp rớt xuống.
Nhưng chính giọt mực rớt là một gợi ý. Bàn tay nhập thần hạ bút. Giọt mực tình cờ ấy đã không làm hỏng vuông lụa, mà lại đắc dụng. Hai giọt mưa hay lệ đang rơi, kế tiếp giọt đầu tiên đã xuống đất và bắn lên thành nét phẩy ngược. Để sửa giọt mực vô tình, ông đã thêm bộ chấm thuỷ vào chữ Lưu mà ông định viết.
Con người lang bạt ấy về đây, có phải vì mong được gặp bà lần cuối trước khi nhắm mắt xuôi tay? Tiễn ông lang Phổ Độ về rồi, bà Ngân quay lại nói với Hoàng:
- Hoàng này. Năm nay bố Nga trực Tết ở sở. Con Nga ra giêng mới về. Nhà vắng vẻ. Con còn chờ chữa tàu, thì đến đây ăn Tết với bà cho vui. Chiều nay, hai bà cháu mình đi sắm Tết. Nhân tiện rẽ qua đền Mẫu.
Hoàng khẽ “Vâng ạ!” Trong đầu anh vẫn vang lên giai điệu bài 15 minutes với giọng ca gào đau đớn của Bill Aston ở cuốn băng hôm đám cưới: “Tôi đến chậm mất rồi... Chỉ mười lăm phút thôi... Mười lăm phút thôi!”.
Bà Ngân ước có một phép mầu để chiều nay lại được thấy người ấy ngồi đợi bà bên cổng đền Mẫu với cây bút lông trong bàn tay tài hoa. Và bà biết, dù có chết, hồn đang phiêu giạt đâu đó nơi đầu ghềnh cuối bãi thì linh hồn của một người như thế ắt sẽ tìm về bên bà; để mãi mãi vấn vương, lưu luyến với cố nhân...
Thành Tô - 1999
______________________
Người Muôn Năm Cũ Người Muôn Năm Cũ - Bão Vũ