I love to lose myself in other men's minds.... Books think for me.

Charles Lamb

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 765 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
à Lạt một chiều mưa lạnh. Thành phố cao nguyên ngả màu trắng đục, khiến cho người phương xa tới đây lúc nào cũng có cảm giác như trời sắp tối. Phố xá thưa người qua lại, lác đác có những chiếc xe hơi sang trọng cửa kính kín mít chạy xé mưa vội vã. Trên bãi cỏ nhàu nát bên hồ Xuân Hương, có một con ngựa già đứng bất động giữa trời như đang thi gan với gió mưa, như đang chờ đợi...
Trong góc quán vắng có hai người đang ngồi yên lặng đối diện với nhau. Người đàn ông tóc bạc trắng, da mặt trổ đồi mồi hơi ửng lên vì sự bồi hồi. Người đàn bà luống tuổi đang cố giấu vẻ hồi xuân sau tấm khăn voan mỏng. Họ nhìn nhau như không thể dứt ra nổi. Người đàn bà hỏi rất khẽ khàng:
- Chờ em có lâu không?
Người đàn ông trả lời, giọng Nam bộ ấm áp từng tiếng một:
- Sao em không hỏi con ngựa kia. Nó bắt đầu đứng vậy khi anh đến. Anh thì gặp em rồi. Còn con ngựa, bạn của nó chắc là không tới.
Người đàn bà thoáng mỉm cười, nụ cười buồn buồn mà ánh mắt lại vui
- Trách chi lúc này mặt anh giống hệt mặt con ngựa.
- Trời đất ơi! Người đàn ông kêu lên, âm thanh bị ém sâu vào trong ngực giống như tiếng nấc. Ông nói khó khăn vì xúc động. Em vẫn còn giữ được cái nết nghịch ngợm ngày nào.
Họ lại im lặng nhìn nhau. Họ nói với nhau bằng ánh mắt. Thời gian trôi chầm chậm. Người đàn bà xốn xang lòng dạ bởi ánh mắt vừa buồn vừa sâu lắng của người đàn ông.
- Nhìn gì mà nhìn lắm thế? Giọng bà làm ra vẻ đanh đá nhưng âm sắc vẫn ngọt ngào của người gốc Hà Nội.
- Nhìn cho đã... Bộ nhìn cũng cấm sao?
- Chẳng ai cấm ai cả. Chỉ mình tự cấm mình thì có. Đúng không nào?
- ờ ờ... Ngày xưa mà.
Người đàn ông lẩy bẩy châm thuốc lá, bàn tay run run cầm chiếc hộp quẹt ga nhỏ. Ông không thể tự bật lửa. Người đàn bà nhẹ nhàng gỡ chiếc hộp quẹt ra khỏi những ngón tay gầy khô, nói trong tiếng thở dài:
- Khổ chưa. Đưa em bật cho nào. Này châm đi. Anh vẫn hay lóng ngóng như hồi xưa.
- Thì tại trời lạnh quá. Lên đây anh không quen khí hậu.
Người đàn ông chống chế một cách yếu ớt nhằm khỏa lấp sự xúc động. Người đàn bà đưa mắt làm bộ nguýt ông nhưng bờ mi chớp chớp cố ngăn một giọt lệ sắp trào ra.
- Vẽ chuyện. Chỉ giỏi giấu diếm thôi. Cứ tưởng là không dám gặp lại nhau đấy.
Hai ly cà phê đen trên bàn đã thôi nhỏ giọt nhưng hai người không ai nhớ cầm muỗng pha đường để uống. Bên ngoài quán mưa vẫn nhẹ rơi.Gió khua xào xạc trên những ngọn thông già. Mặt hồ gợn sóng mờ mịt. Trên bãi cỏ màu xanh tái, con ngựa vẫn đứng hóa đá giữa trời, đôi mắt buồn không chớp, hướng cái nhìn trống rỗng bất tận vào hư vô...
Họ là hai người của ngày xưa, lâu lắm rồi, bây giờ mới có dịp tình cờ cùng có mặt trên cao nguyên. Họ gặp nhau chẳng phải do hò hẹn mà do sự run rủi của chim trời cá nước. Người đàn ông là Chính, nguyên chủ nhiệm Tổng kho hậu cần mặt trận Z trên cung đường 15 máu lửa thời chống Mỹ. Người đàn bà là Ngàn, nguyên bác sỹ quân y. Ngày xưa... Hai người từng một thời cùng chung đơn vị. Một thời thật gian nan và khó thể nào quên nổi...
Đại úy Chính lúc ấy mới ngoài ba mươi, làm chủ nhiệm Tổng kho được hai năm thì trên chủ trương cần mở thêm bộ phận trạm xá trực thuộc nhằm đối phó với tình hình chiến dịch. Xe tải từ chiến trường ra sẽ trả thương binh rồi nhận hàng quân dụng quay vào ngay để khép vòng cung vận chuyển. Công việc chuyên môn của Tổng kho là cung ứng hàng hóa súng đạn nay phải đón thương binh, Chính cảm thấy bối rối thực sự.Đúng lúc ấy, một nữ bác sỹ trẻ xuất hiện, y hệt cô Tấm chui ra từ quả thị trong chuyện cổ.
- Báo cáo thủ trưởng, em là Ngàn, vừa tốt nghiệp đại học quân y, được phân công về đây. Dạ mời thủ trưởng xem quyết định công tác. Chính nhìn Ngàn, bàng hoàng trong chốc lát vì vẻ tươi trẻ của cô nhưng rồi anh cố giữ sự nghiêm nghị vốn có:
- Gọi tôi là chủ nhiệm đừng gọi là thủ trưởng.
- Vâng ạ.
Thế là giải thoát được nỗi lo âu thiếu người phụ trách trạm xá, Chính vui vẻ gọi:
- Anh em ơi... có bác sỹ rồi nghen. Bác sỹ thứ thiệt đây nè.
Đám lính trẻ ùa đến vây quanh. Ngàn đỏ mặt thẹn thùng. Họ ngỡ ngàng ngắm cô bác sỹ xinh đẹp như những chú lùn đang bắt gặp nàng Bạch Tuyết giữa rừng sâu. Bao năm rồi Tổng kho mới có bóng dáng con gái xuất hiện.
- Chào em... Em gái Trường sơn... ơi em gái đồng hương...
- Đề nghị chủ nhiệm cho tôi chuyển sang Trạm xá. Coi kho đạn mãi ngán lắm rồi.
Chính xua tay giữ trật tự rồi trân trọng giới thiệu:
- Đồng chí Ngàn cấp bậc trung úy, quê Hà Nội, chức vụ trưởng Trạm xá, chính thức biên chế Tổng kho từ chiều nay. Ai có ý kiến gì không? Không hả? Vậy thì giải tán, rõ chưa?
- Rõ! Đám lính hô ran nhưng chẳng ai muốn rời cửa hầm chỉ huy.
- Chưa khi nào thấy ông Chính rạng rỡ như hôm nay chúng mày ạ.
- Chủ nhiệm nhìn em chủ nhiệm cười. Đau lòng em lắm chủ nhiệm ơi...
Có Ngàn đến, góc rừng hẻo lánh nơi đây bớt heo hút hơn. Xe vận tải đến rồi đi tấp nập. Những chàng lính lái xe bẻm mép đều mong ngày quay lại Tổng kho gặp Ngàn. Họ tạc ra đủ thứ lý do xin khám bệnh, cố tình lân la xin thuốc, xin điều trị ngoại trú. Ngàn là bông hoa đẹp ngát hương giữa rừng gìa. Cô bận túi bụi lo cứu chữa thương binh. Người bị nặng phải sơ cứu rồi chuyển ra tuyến ngoài. Người bị nhẹ điều trị tạm thời tại trạm xá. Tổng kho tăng thêm quân số, quyền uy của Chính cũng tăng lên nhờ có bác sỹ Ngàn. Vài chàng trai trẻ biết sắp phải ra viện lân la xin chủ nhiệm cho ở lại phục vụ Tổng kho. Chính chỉ cười hiền lành, anh biết tỏng ý đồ của họ nên kiên quyết lắc đầu:
- Các cậu là mặt hàng chiến lược mà mặt trận đang cần. Bác sỹ Ngàn đã chữa khỏi là tớ phải cho xuất kho. Chiến trường đang vẫy gọi.
Chính vốn xuất thân từ bộ đội hậu cần thời chống Pháp ở chiến khu Đ. Tính anh hiền lành cần mẫn và ít khi nặng lời với cấp dưới. Thế nhưng ai cũng nể sợ anh vì sự chân thành trong sinh hoạt. Tập kết ra Bắc, anh bị các bạn đồng hương coi là tên gà tồ nhát gái. Họ hùa nhau mai mối cho một cô giáo người Nghệ An. Chính có vợ, hai lần về phép, vợ đẻ hai đứa con.Anh đâm hoảng, thương vợ con nhưng thường ngại tạt về thăm trong những lần công tác ngắn hạn. Ba mẹ anh đẻ mười một đứa con, anh là thứ chín... Nghĩ đến vợ, vừa nhớ thương vừa sợ. Chẳng lẽ không giúp được gì, mỗi lần về lại làm cô ấy chửa đẻ thêm khổ. Có dịp, anh thường gửi quà nhờ anh em chuyển hộ, còn họp hành xong là quay lại đơn vị. LàmTổng kho nắm trong tay vô số thứ hấp dẫn. Chỉ cần chữ ký của Chính trong ba lô chiến sỹ sẽ có thêm thùng lương khô làm qùa cho người thân. Ai cũng biết ơn anh và ngại tính khắc kỷ của anh, dù Chính ít khi tỏ ra quan cách.
Từ ngày có Ngàn, người ta bắt đầu để ý tới Chính bằng nhiều sự liên tưởng đầy hàm ý. Không khéo bố mày chê bà vợ quê mùa rồi. Cứ nhìn cái cách cưng chiều cô bác sỹ là đủ hiểu. Chính nhường hẳn căn hầm chỉ huy cho Ngàn ngủ đêm, ra phía ngoài mắc võng ở chung với anh em. Sự bao quát của anh luôn làm cho đám trẻ khó chịu. Kỷ luật thời chiến khắt khe lắm nhưng ai mà chặn nổi những khe hở đời thường. Một hôm thấy Ngàn khóc sưng mắt, Chính chột dạ vặn hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Cô chỉ lắc đầu, quay mặt nức nở một cách ấm ức. Chính nổi quạu:
- Đứa nào làm gì cô phải không? Nói đi!
- Thủ trưởng chẳng giúp được em đâu. Họ bậy bạ lắm. Em khổ tâm qúa.
Chính bổng cười lớn:
- Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Chuyện lính tráng cô bận tâm làm gì.
Ngàn ngước nhìn anh, đôi mắt thẩn thờ:
- Mỗi lần em ra suối tắm đều có người rình nhìn trộm. Anh không biết thật sao?
- Làm gì có chuyện tầm bậy đó.
- Trời ơi, trong người em có bao nhiêu cái nốt ruồi người ta biết hết.Chỉ mỗi mình anh là không biết. Cô khóc to hơn. Tiếng khóc của Ngàn làm Chính nóng bừng mặt. Anh gầm lên trong cổ:
- Khốn nạn! Tại sao cô không báo cho tôi hay?
- Em có biết đích xác kẻ nào. Chỉ nghe tiếng cười như ma ré khắp rừng. ở trạm xá họ kháo nhau đủ thứ nhăng nhít ngay trước mặt em.Đề nghị anh cho em chuyển ra tuyến ngoài thôi. ở đây thật nhục nhã..
Chính quát tướng lên:
- Cô tưởng tôi thích cho cô ở đây à! Tôi mà làm tướng tôi không cho bất cứ cô nào vào đây. Chỗ của các cô là ngoài kia. Thôi được, cô cầm lấy cái này. Anh rút khẩu súng ngắn K59 đưa cho Ngàn. Từ nay đi tắm, thấy động cô cứ bắn thẳng vào chỗ nào cô thích. Đứa nào chết tôi chịu trách nhiệm.
Đó là lần duy nhất Ngàn thấy anh nổi nóng. Sống gần nhau, Chính luôn cố gắng thể hiện mình vừa là cấp trên vừa là người anh từng trải hiền hậu, biết chăm sóc đứa em gái thật chu đáo ân cần. Ngàn rất quý trọng anh và bổng cảm thấy anh là người thân thiết nhưng cũng là một bóng hình xa vời rất khó với tới. Bảy năm ở rừng đã làm Ngàn từ cô bác sỹ tươi trẻ thành người lỡ thì xuân sắc. Miệng thế gian ai đủ sức bịt nổi. Dọc tuyến đường ra vào chiến tranh, quen biết bao nhiêu chàng trai hào hoa, nhận hàng trăm lá thư tỏ tình, cô vẫn là một trinh nữ vô nhiễm, chẳng hề thuộc về ai. Cô là thứ báu vật làm người ta nhớ về Tổng kho,người con gái xinh đẹp nhưng chẳng ai chiếm nổi để sở hữu cho riêng mình...
Biết bao lời đồn thổi thị phi rằng lão Chính chủ nhiệm bao bọc phong tỏa hết mọi ngả vào tán tỉnh bác sỹ Ngàn của đám lính trẻ, âm mưu giữ làm của riêng. Chính biết điều ấy nhưng anh chỉ im lặng, gần gũi đấy mà vẫn điềm tĩnh, chẳng bao giờ nói một lời nào ra vẻ để ý đến chuyện đàm tiếu linh tinh. Trong lòng anh, Ngàn là người em gái bé bỏng cần được che chở. Anh chỉ nghĩ thế. Sau bao năm ở Tổng kho, anh cũng đã thành một người đàn ông luống tuổi, tóc bắt đầu sợi bạc lốm đốm trên đầu. Giữa hai người có một sợi dây vô hình gắn bó bằng lòng tin hơn là bằng tình cảm đồng đội. Nghĩ đến lúc xa Ngàn anh bổng thấy hốt hoảng bởi một nỗi đau đớn thầm lặng...
Người đàn ông nhìn ra mặt hồ bắt đầu gợn lên những con sóng nhỏ, hỏi bằng giọng trầm buồn:
- Sao em không lập gia đình?
- Em thấy hình như những người đàn ông tử tế đều đã có vợ mất rồi.
- Anh không ngờ em là người cực đoan đến vậy.
- Anh mới là người cực đoan thì có. Này... em hỏi nhé. Còn nhớ lần chúng mình bị bom ở khe Nai không?
- Còn nhớ... Ngàn ạ.
- Sao lúc ấy anh lại vùng chạy, bỏ mặc em giữa vòng bom nổ.
- Biết nói thế nào cho em hiểu... Người đàn ông thở dài.
Lần đó hai người từ cuộc họp Quân khu trở về Tổng kho. Họ đi bộ suốt bảy ngày đường rừng. Đêm mắc võng châu đầu vào nhau nằm ngủ. Chính vốn là người kín đáo, thế nhưng dọc đường anh đã kể hết chuyện đời tư và gia cảnh mình cho Ngàn nghe. Cô nghe rất chăm chú rồi bỗng hỏi một câu làm Chính sửng sờ:
- Anh có yêu vợ không?
- Có... có chứ. Không yêu làm sao lấy nhau, làm sao có con với nhau. Cô hỏi nghe kỳ cục quá?
- Thì em nghe nói đàn ông thường thay lòng đổi dạ.
- Cô Ngàn cũng nghĩ tôi như vậy à?
- Biết đâu đấy. Biết đâu là tổ con chuồn chuồn...
Ngàn cười vang, hai má ửng hồng. Chính thấy lòng mình rạo rực. Anh nhổm lên khỏi võng nhìn Ngàn và cô bỗng im bặt trước ánh mắt thân thiết của Chính... Trời đất bỗng nhiên chao đảo, rừng cây ngả nghiêng vật vã...
- B52...! Chính thét lên và ôm choàng lấy Ngàn. Hai người lăn lông lốc xuống lòng khe cạn. Bom nổ liên hồi, mặt đất đung đưa xô dạt. Ngàn thu mình trong vòng tay rắn chắc của Chính, thân thể cô mềm mại và nóng ấm. Chiến tranh... biết thế nào là sống với chết... biết thế nào là ngày mai. Bom cứ rung lên dồn dập khiến Ngàn bấu chặt vào anh, hai thân thể chìm trong cơn hoảng loạn...
Bỗng Chính buông Ngàn vùng chạy ra xa. Anh băng qua những hố bom nồng nặc, khét lẹt mùi khói, rồi rơi thẳng xuống một hốc đá...
Mặt đất trở lại yên ắng lạ thường. Chính đội đất đứng dậy đi như trong chiêm bao. Anh gào muốn rách họng:
- Ngàn ơi... Còn sống không...?
Ngàn cố lảo đảo đứng lên, tai ù đặc, cổ họng nghẹn khô vì hơi bom. Cô nghe tiếng của Chính gọi từ cõi mơ hồ vọng tới.
- Em đây... anh Chính ơi. Ngàn gục xuống, chân trái cô đã bị trẹo khớp gót.
Suốt đêm ấy Chính cõng cô trên lưng đi một mạch về tận Tổng kho. Anh lặng câm không hé răng nói nửa lời. Ngàn khóc ròng vì tủi thân, nước mắt nhỏ xuống ướt đầm lưng áo Chính. Thỉnh thoảng cô lại nấc lên rền rỉ:
- Anh ác lắm. Tại sao anh bỏ em một mình. Anh hèn lắm...
... Người đàn ông châm thuốc lá. Lần này thì ông đã tự bật lửa châm thuốc cho mình:
- Đến bây giờ nghĩ lại anh vẫn còn mắc cỡ vì trận bom đêm ấy Ngàn ạ. Đúng là anh sợ. Sợ hai đứa cùng chết chung dưới lòng khe cạn. Lỡ đồng đội tìm ra trong tư thế ấy thì ai sẽ thanh minh cho anh và em...
Gương mặt người đàn bà thoáng ửng hồng nhưng vẫn đượm một nét buồn xa vắng:
- Anh biết không? Lúc đó em ao ước được chết như thế.
Người đàn ông cười, nụ cười hiếm hoi từ khi hai người gặp lại:
- Em nói tầm xàm. Sống nguyên lành vẫn hơn chứ. Hồi chống Pháp anh từng ở rừng ba tháng với một cô du kích rất trẻ, chỉ có hai người canh kho gạo kháng chiến. Đêm ngủ sợ cọp vồ, đốt lửa nằm gác chân lên nhau chẳng hề có chuyện gì xảy ra,mà lúc đó hình như cũng chưa biết mắc cỡ. Đến khi cô ấy bị địch cắt cổ bêu đầu ngoài cửa rừng, anh cứ thấy đau đớn mãi. Cô ấy ám ảnh đời anh. Suốt thời trai trẻ mỗi khi gần cô gái nào anh lại nhớ tới cô ấy....
... Bảy năm trời sống ở Tổng kho, Ngàn vẫn cảm nhận được nơi anh một thứ tình cảm thầm lặng, không nói ra lời nhưng không kém phần si mê. Những đêm rừng gìa, chị biết anh thao thức không ngủ rồi trở dậy ngồi lặng lẽ ngắm chị trong bóng đêm. Lúc ấy Ngàn chỉ gỉa vờ ngủ. Giữa chập chờn nửa thức nửa tỉnh, cô thấy gương mặt hiền hậu của anh rất gần... Gần đến nổi, mở choàng mắt ra làm anh chẳng kịp quay đi, đôi mắt ẩn chứa một nổi niềm vô vọng đau đáu...
Người đàn bà bắt đầu trêu chọc:
- Anh mà đi tu chắc là thành chánh qủa. Họp mặt đơn vị lần nào người ta cũng nhắc anh nhiều lắm. Anh biết không?
- ờứ ờ... xa xôi qúa làm sao có điều kiện ra Hà Nội. Họ nhắc anh làm sao, nói nghe coi.
- Họ bảo: Người như lão Chính chỉ cần rửa ráy qua loa rồi đem đặt lên bàn thờ là thành Phật.
- Chu cha... anh mà làm được Phật hả trời. Chắc em hay đi chùa lắm phải không?
- Đi với chị em cho vui. Có biết lễ bái khấn vái gì đâu. Lúc đầu vừa sợ vừa ngượng. Nay quen rồi thấy vui vui. Lên chùa về cái tâm nó nhẹ nhỏm hẳn...
- Cầu lộc hay cầu duyên vậy?
- Cầu đủ thứ mà cũng chẳng cầu gì sất.
..... Trên bãi cỏ dưới màu chiều, con ngựa buồn đã thôi đứng bất động, nó lửng thửng bỏ đi xa dần. Nó bước lầm lũi, đầu cúi sát lề đường, hàng lông bờm ướt rủ xuống,bết từng lọn tả tơi. Sương mờ trên triền đồi tràn xuống, con ngựa chìm vào sương... Thành phố bắt đầu lên đèn.
Hơn hai chục năm rồi, hai người mới lại ngồi bên nhau kể từ chuyến tàu khuya hôm ấy... Chiến tranh kết thúc. Đất nước thống nhất. Tổng kho giải thể, Ngàn được thuyên chuyển về quân y viện ở Hà Nội theo nguyện vọng. Còn Chính, anh chuyển ngành và xin trở về miền Nam. Dù lòng dạ bâng khuâng nhiều, anh vẫn cố tình không gặp lại Ngàn, lặng lẽ khoác ba lô ra ga Hàng Cỏ đi vào. Tàu đêm đông người, trong toa không có đèn đóm. Ngồi sát bên anh là một người con gái tóc dài che kín nửa mặt. Khi con tàu ra khỏi nội ô, những cơn gió đồng phóng khoáng xốc vào cửa sổ, anh bỗng nhận ra làn hương quen thuộc từ mái tóc cô gái. Đó là làn hương từng làm trái tim anh xáo động. Chính đưa tay chạm khẽ bờ vai mềm, hỏi nhỏ:
- Xin lỗi, phải Ngàn không? Trong khoang tối lờ mờ nhưng linh cảm mách bảo anh không thể nhầm. Kìa Ngàn, quay lại đây nào. Giọng Chính hơi lạc đi vì xúc động. Em đi đâu đây? Tự anh không hiểu sao mình lại hỏi một câu ngớ ngẩn như thế.
Ngàn hất mái tóc dài, gương mặt đầm nước mắt lộ ra.Chính biết là cô đang khóc,bằng một trực giác đau đớn, chứ không phải bằng đôi mắt.
- Nào em có làm điều gì để đến nỗi anh không thèm chia tay. Anh nói đi.
- Anh vội quá Ngàn ơi. Chính nói dối, đúng hơn là anh đang dối lòng mình. Anh phải về Nghệ An thu xếp cho vợ con vào Nam. Bao nhiêu thủ tục giấy tờ mà anh đã làm được gì đâu. Xin lỗi em.
Ngàn hỏi nhỏ giọng cô run rẩy với mặc cảm của người đang phạm tội:
- Em cứ tò mò muốn biết vợ anh là người như thế nào? Tại sao anh yêu chị ấy thế?
- Trời ơi... Chính muốn kêu lên thật to nhưng anh kịp kìm lại. Vợ anh cũng bình thường như bao phụ nữ khác thôi em ạ. Cô ấy yêu anh, chung thủy đợi chờ anh và điều lớn lao nhất là đã sinh cho anh hai đứa con xinh đẹp. ở rừng, đêm đêm anh thường mơ thấy con, giật mình tỉnh giấc nhớ chúng nó kinh khủng.
- Chị ấy là người đàn bà may mắn. Ngàn thảng thốt với chính lòng mình.
Tàu vào ga Thanh Hóa đúng lúc nửa đêm. Trong khi chờ thay đầu máy, hai người xuống sân ga đi dạo. Sương đêm sa hơi lạnh, Ngàn rùng mình. Chính cởi áo khoác ngoài choàng lên người cô. Mùi mồ hôi thân thuộc từ áo anh lan tỏa làm Ngàn ngây ngất. Cô nhìn anh đắm đuối, thật lâu sau mới nói ra một câu khiến Chính bàng hoàng:
- Em sẽ đổi tàu quay lại Hà Nội. Tiễn anh được một đoạn đường này, đủ làm em nhớ anh suốt đời. Thôi anh đi nhé... Vĩnh biệt anh.
- Ngàn... Chính kêu lên. Hãy quên anh nghe em. Anh ôm chòang lấy hai vai cô. Ngàn ngửa mặt chờ đợi, đôi mắt mở to với cái nhìn thăm thẳm. Chính chần chờ giây lát rồi đặt vội đôi môi khô khốc của mình lên mái tóc đen mượt thoảng hương bồ kết dịu dàng.Rồi em sẽ gặp được một người xứng đáng, yêu thương em. Anh cầu chúc em hạnh phúc...
Hai con tàu ngược chiều đưa hai con người xa nhau đi về hai ngả đường đời... Ngàn thu mình co ro trong tấm áo quân phục đã bạc màu của Chính, lặng lẽ khóc thầm với nỗi cô đơn vô bờ bến. Cô đã cố tình không trả lại anh tấm áo, bởi nó là kỷ vật thân yêu nhất của những ngày không bao giờ trở lại trong đời nữa...
... Người đàn ông bỗng như nhớ ra điều hệ trọng, ông run run cầm lấy hai bàn tay người đàn bà:
- Em còn nhớ chuyến tàu khuya ở ga Thanh Hóa nữa không?
- Hỏi thế cũng hỏi được à. Anh lẩm cẩm mất rồi. Tội nghiệp chưa...
- Đến bây giờ anh cứ ngạc nhiên làm sao em biết anh đi chuyến tàu ấy?
Người đàn bà cười hồn hậu, tiếng cười rơi thành từng hạt âm sắc ngọt ngào:
- Khi còn trẻ người ta có thể làm được những điều mình muốn anh à.
Em đã nhờ cô bạn cùng phố sắp hàng mua vé ngay sau lưng anh. Anh thấy cô ta bị chen lấn liền mua giùm vé, thế mà không nhớ ư? Đúng là lúc đó em đang lên cơn điên đấy...
- Hình như anh cũng hơi điên. Nói thật lòng nghe. Về sau anh cứ ân hận mãi, tại sao mình không dám hôn em...
Lần này thì hai người cùng cười vui vẻ, khóe miệng người đàn ông để lộ một khoảng hở nhỏ do chiếc răng rụng tạo ra, người đàn bà hơi cúi đầu nhưng hai vai vẫn rung lên nhè nhẹ.
- Ân hận thế bây giờ có dám hôn em không?
- Dám chớ... Hà hà... thôi đã trót một đời rồi Ngàn ơi...
- Đấy... Em biết ngay mà...
Người đàn ông định nói: " Chúng mình đều đã già rồi ". Nhưng bỗng thấy không nỡ nào nói ra điều ấy... Họ rời quán đi khuất dần phía cuối đường. Sương mù giăng kín mặt hồ bồng bềnh. Những ngọn đèn trong sương vàng úa rất giống màu những bông cúc nở muộn...
Người Của Ngày Xưa Người Của Ngày Xưa - Sưu Tầm