You are a child of the sun, you come from the sun, and that is something true with the Earth also... your relationship with the Earth is so deep, and the Earth is in you and this is something not very difficult, much less difficult then philosophy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Hiển
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: kmejoko
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 762 / 9
Cập nhật: 2016-03-12 13:28:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
uồng sở lục lộ, mọi người đang làm việc. Vài ba người vừa đo, vẽ, vạch trên giấy đồ bản trải rộng gần kín cả mặt bàn vừa trò chuyện râm ran. Từ buồng bên cạnh, thông Cần chạy sang góp chuyện. Chưa vào tới nơi Cần đã tách mép ra cười: anh ta nhăn nhở nhe những cái răng dài vàng ệch, môi trên mỏng thín vén cao để lộ lợi tím bầm. Cần là một miệng lưỡi giễu cợt, mà tất cả những lời nói đều trổ sang một giọng đanh độc. Anh ta quen châm biếm tất cả, làm cho tất cả trở nên lố bịch, gán một biệt hiệu cho mỗi người, và kiếm ra dịp công kích cả những hành vi nhỏ nhặt nhất của kẻ khác.
Anh vớ ống điếu cày, tới ngồi vắt vẻo trên một cái bàn, đập đập miệng điếu cho nẩy bật cái mồi thuốc đã lụi. Anh tra mồi thuốc mới, đoạn tụt xuống cúi cúi nhìn quanh làm vẻ tìm tòi. Một người mỉm cười hỏi:
– Tìm gì đấy?
Và Cần đáp:
– Quái! Không có lấy một cái đóm!
Câu đùa đã nhàm chỉ khiến các thầy Thông hơi nhếch mép. Ai cũng biết anh ta muốn giễu thông Bân, người gầy nhom đến mức khô đét, “có thể dùng làm cây đóm châm thuốc được”.
Bân gầy ốm thực, gầy như người ta không thể nào gầy hơn, gầy đến nỗi xưa nay thợ nào may áo cho anh cũng đều may quá rộng. Mặt anh gồ ghề những xương, hai con ngươi lồi nổi hòn đảo trong vòm mắt trũng, nhìn lơ láo dễ sợ.
Bân bị giễu, mặt đỏ bừng, rồi tái đi, đôi môi bầm rung lập bập. Anh ta cắm đầu, giả cách làm việc. Vốn tính xung động, lòng Bân nóng sôi liền. Nhưng lại vì nhát, cũng như những lần trước, anh ta nín lặng, chịu nhịn. Đã bao lần như thế, dần dà nỗi tức giận chuyển thành một niềm nhẫn nhục chua xót và đè nén.
Hút xong điếu thuốc, Cần ngửa mặt, phun mạnh khói thành một luồng rất thẳng lên phía trần nhà, hai mắt lim dim. Người ta biết những khi ấy anh ta đang soạn bắn một mũi tên hài hước hoặc trêu chọc một nạn nhân nào đó đã chọn. Quả nhiên anh hất hàm hỏi thông Chu:
– Thế nào anh Chu, phu nhân đi nghỉ mát Sầm Sơn đã về chưa hở?
Chu cười lớn và đầu tiên: đó là cách khôn khéo nhất để nghênh tiếp một lời chế giễu. Mọi người cùng cười theo, vui vẻ. Thông Bân ngước nhìn Chu, cũng cười. Miệng anh há ra trong một cái cười lặng lẽ phô hàm răng thô. Anh nhìn người vừa bị giễu, lòng hơi vui thích. Cái nhục vừa chịu, anh thấy vơi nhẹ hẳn đi trong lòng hay tự ái vặt của anh. Gần như anh đã tha thứ cho Cần bởi hắn đã cho anh một dịp cười lại người khác như người ta đã cười anh. Bân không hiền lành,trái lại nữa. Nhưng anh nhát, và sẵn sàng về hùa bên mạnh thế để hy sinh nạn nhân.
Chu vui vẻ nói:
– Nhà tôi còn đợi hết mùa nực đã.
Vì lương ít ỏi, Chu không lập nổi gia đình, anh đã phải cho người vợ mới cưới về ở lại nhà cha mẹ ngoài nhà quê làng chài. Cần gọi đùa là “cho đi nghỉ mát Sầm Sơn”.
Bỗng người tùy phái bước vào nói với thông Bân:
– Bẩm thầy cụ gọi.
Bân hơi luống cuống. Việc ông Chánh gọi anh là một việc hãn hữu. Anh là một kẻ giúp việc tối tăm, không có gì trội để làm cho chủ để ý. Anh vốn tính lừng khừng, thiên về sự lười biếng; nếu anh có làm hết bổn phận, là bởi sợ những trừng phạt. Tâm trạng anh luôn luôn bị một nỗi lo lắng mơ hồ kích thích.
Anh hỏi lại người tùy phái:
– Cụ gọi tôi thực à?
Anh xóc lại cổ áo, vuốt hai ống tay cho bớt nhăn,dùng ngón tay chải qua tóc, rồi tất tưởi bước, lòng phân vân cố đoán có việc gì.
Tới trước cửa buồng ông Chánh, anh ngừng lại một giây, đoạn gõ ba tiếng se sẽ. Tiếng ở trong ném ra, hơi quạu: “Cứ vào!”.
Anh bước vào, sẽ sàng đóng cửa lại, cúi chào rất thấp trong một cử động nhanh nhẹn, rồi rón rén bước tới. Ông Chánh vẫn ngồi viết. Không khí trong phòng mát quá, gây cảm giác lạnh rợn trên da mặt. Bàn ghế trơn tru sạch sẽ, choáng lộn dưới màu véc ni sẫm, không biết tại sao, làm tăng trong anh niềm lo lắng. Anh khẽ ho một tiếng, tay chắp trước mình đứng đợi.
ông Chánh vẫn cúi mặt,anh chỉ thấy hai làn lông mày rậm của ông. Anh tưởng tượng ra hai bụi lông mày rậm ấy là hai con mắt nghiêm khắc.
Tiếng quạt kéo đập gió đều đều đánh nhịp cho cái im lặng của gian phòng. Góc đằng kia, thằng bé ngồi kéo quạt, vẻ bình thản, ý chừng mỏi tay, nó ngoắc vòng dây vào ngón chân cái mà kéo, người hơi ngửa ra sau để ngầm vươn vai. Bỗng dưng Bân đâm thèm thuồng địa vị của nó.
ông Chánh ngẩng đầu, “a” một tiếng sẽ. Ông với tay lấy tập hồ sơ nơi góc bàn, trao cho anh một tờ giấy, hỏi:
– Thế này là nghĩa làm sao?
Anh đọc qua tờ công văn ngắn, và toát mồ hôi trán. Một cái sơ suất của anh đã bị tòa Công chính Huế vạch ra, người ta đòi cắt nghĩa.
Anh liền lấy bộ mặt thiểu não để gợi lòng thương. Anh nói ấp úng:
– Vâng vâng… thưa ông… tôi quên.
Anh ríu lên không giảng giải được. Thấy anh lúng túng giữa những tiếng nhát gừng, ông Chánh, ý chừng đang lúc vui nên muốn tỏ ra rộng lượng, bèn bảo:
– Thôi, để đó tôi liệu. Anh đánh máy lại cho tôi cái bản dự tính giá làm, mà lần này nhớ đánh cho đúng, nghe chưa?
Anh đáp hai lần:
– Ủy xừ, ủy xừ.
Anh cúi chào rồi lật đật bước ra, vô cùng cảm kích vì thái độ khoan dung của ông chủ vốn nghiêm.
Tim anh đập mạnh, lúc nãy vì sợ, bây giờ vì mừng. Anh muốn kể cho anh em đồng sự nghe câu chuyện vừa rồi, hơi kiêu hãnh vì lòng tốt của ông Chánh đối với mình. Anh khơi mào để gợi chú ý của anh em:
– Hú vía! Mình phạm cái lỗi to quá mà may cụ không nói gì…
Khi giờ tan buổi sắp đánh, các thầy Thông đã sẵn sàng cả để về. Họ đặt giấy tờ sổ sách lại ngay ngắn, cất dao, bút vào ngăn kéo, đoạn ngồi gõ nhịp, hoặc nói chuyện với nhau rầm rì.
Bân trở về nhà trên chiếc xe đạp khổ. Hễ anh đạp một vòng, nó lại nhọn giọng kêu “kít”.
Vợ anh ra mở cửa, hơi ngạc nhiên hỏi:
– Về sớm thế à?
– Sớm gì! Vẫn như mọi hôm.
Vì nhà không có đồng hồ, thường chị vợ phải lắng tai nghe chuông đồng hồ nhà thờ để biết giờ mà làm công việc. Bân thêm:
– Cơm chưa thổi hẳn?
– Tôi vừa bắc nồi bây giờ. Gió to quá, nghe chuông nhà thờ tiếng được tiếng mất, chẳng biết trưa hay chiều nữa.
Bân không bằng lòng. Như khi khác, anh đã cằn nhằn vợ, theo thói quen. Nhưng hôm nay anh còn xúc động vì sự tha thứ của ông chủ. Anh bèn lẳng lặng đi cất xe, cởi áo. Đoạn tự để lăn ình trên giường như cách đã đói đến mệt lả, anh giục:
– Thôi, đi soạn cơm, mau!
Nằm một lát, cơn xúc động đã qua đi, anh lại nhớ tới bộ răng dài vàng ệch dưới lần lợi tím cùng với câu nói châm chọc chế giễu của thông Cần. Bụng anh quặn lên chẳng rõ vì tức hay vì đói. Mối xung động thói thường lại làm đầu anh nóng ran. Tiếng bát đĩa lách cách dội vào chỉ khiến anh thêm tức bực. Bỗng nhiên anh trỗi dậy, đi đi lại lại.
Anh tới hút một điếu thuốc lào. Thấy hơi đắng nơi đầu lưỡi, anh vứt mạnh xe điếu, gọi vợ lên hỏi:
– Đứa nào trét cái gì ở đầu xe thế này? Mà trông cái bát điếu cái sạch chưa!
Vợ đáp.
– Sáng nay con ở nó mắc đi giặt chiếu. Để chiều rồi tôi bảo nó lau.
Người vợ đã quen với tính hạch sách của chồng. Vốn nhỏ nhen, Bân có thói hay kiếm chuyện ở những cớ cỏn con như vậy. Đôi giầy chưa lau, cái mạng nhện nơi góc tường, một gói thuốc lào anh dặn mà vợ quên mua, đĩa món ăn không làm anh vừa ý, đều là những dịp cho anh nổi nóng.
Nghe vợ đáp, Bân quát:
– Thế mình ở nhà làm gì?
Anh nhổ nước bọt luôn hai lần, cốt để biểu lộ cái khó chịu mình vừa bị Ở vị giác.
Chị vợ đáp chậm rãi:
– Tôi đi chợ.
– Đi chợ cả buổi sáng! Cái thứ đàn bà chúng bay, đi đâu cũng la cà!
Dáng điệu Bân trở nên hùng hổ. Một chút nước bọt sùi ra, vương ở khóe miệng. Mắt anh trợn lên, trắng dã. Người ta không nhận lại được cái anh thư ký khọm rọm hồi sáng nữa.
Sự thay đổi nơi chốn đã gây nên sự thay đổi tính tình. Trên sở Bân nhân nhượng và nhút nhát bao nhiêu, thì ở nhà anh hung hăng, hà hiếp từng ấy. Cuộc biến chuyển trong tâm lý rất bất ngờ, rất đột ngột. Giữa những bức tường bàn giấy quét màu vàng sáng, anh thở một không khí lạ lẫm,nền gạch hoa trơn bóng quá ư sạch sẽ, mùi giấy thơm và mực nhạt, sự gần gũi một vài đồng nghiệp có tính châm biếm, nhất là lão thông Cần lợi tím và răng dài vàng ệch, nét mặt nghiêm khắc của ông chủ với đôi lông mày rậm rì, tiếng giày chủ thỉnh thoảng nện cộp cộp, tất cả từng ấy thứ góp nhau lại để gây trong anh một nỗi khó chịu, tuy mơ hồ nhưng liên miên, làm cho tất cả con người anh mềm nhũn, nhút nhát, sợ sệt, lo lắng. Nhưng khi bước chân về nhà, khi ngửi thấy mùi quen thuộc của những bức tường loang lổ hăng vôi và của nền đất ẩm, khi nhìn lại những đồ đạc tầm thường, dệch dẹo trong phòng, vật sở hữu của anh, được sắp đặt trong cái trật tự do ý anh định, thì con người anh bỗng nở bùng, hơi thở nhẹ nhõm hẳn đi; anh thấy rằng mình là chủ, anh biết mình có thể làm tất cả mọi thứ, nói bất cứ gì, và có thể mở toang cửa cho những cơn tức giận, càng dữ dội bởi đã bị đè nén.
Vợ anh là một chị nhà quê hiền lành. Bỗng nhiên được nâng lên địa vị một cô Thông, chị có kiêu hãnh và lo giữ được xứng cái chức phận mới. Vốn hồn hậu, chị giữ rất bình tĩnh trước sự thịnh nộ của chồng, đến nỗi đôi khi Bân tưởng vợ lạnh lùng.
Người đàn ông gầy khọm kia, bị ức hiếp ở sở, ưa ức hiếp lại vợ mình. Anh rất biết như vậy là hèn hạ, nhưng không ngăn được cơn xung động. Anh có một tính tình chuyên chế, và tìm thấy vui thích trong sự hành hạ vợ. Thái độ thụ động của vợ chỉ làm tăng cơn hung hăng của Bân, chị ta càng im lặng, anh ta càng làm dữ, bởi biết chắc sẽ không bị trả miếng.
Con ở bưng cơm lên. Bân kéo rất mạnh ghế – anh thường có những cử động phường tuồng như vậy cốt để biểu thị sự tức giận của mình – đoạn ngồi vào bàn ăn. Liếc qua trong mâm, anh hỏi:
– Sao lại chỉ có một bát với một đôi đũa?
Con ở đáp:
– Bẩm cậu, mợ nói mệt không muốn ăn.
Bân đột nhiên lo lắng. Anh nói:
– Vừa mới đứng sù sụ ra đấy mà mệt gì! Mợ đâu?
– Bẩm, mợ nằm trong buồng.
Anh gọi to:
– Mình ra ăn cơm ngay! Để người ta còn nghỉ trưa nữa chứ!
Trong buồng im lặng.
Bân bèn kéo ghế thật mạnh cho cào sệt trên đất, xăm xăm đi vào. Người vợ nằm co, tay gối đầu, mặt quay vào tường. Anh đứng chống nạnh, bảo:
– Có ra ăn mau không? Mệt làm sao?
Vợ đáp, giọng ngắn ngủi của kẻ dỗi:
– Tôi hơi nhức đầu. Mình ăn đi.
Chồng đứng phân vân. Nộ khí đã tan đi đâu mất. Thái độ của người vợ vốn hồn hậu thật bất ngờ, làm cho anh bối rối.
Anh định bỏ ra ăn cơm. Nhưng cho như thế là chịu thua, anh bèn nói lớn:
– Ngồi dậy ngay! ông đánh cho cái tát bây giờ.
Người vợ bỗng trỗi dậy. Vừa sửa lại khăn, chị vừa thở hồng hộc như cách vừa làm việc gì mệt nhọc. Rồi bỗng chị nổ bật:
– Mình hà hiếp tôi vừa vừa chứ. Tôi mệt tôi nằm việc gì mình dọa tát tôi? Tôi có phải con mèo con chó đâu mà mình muốn làm gì thì làm? Tôi chịu khổ đã hai năm trời rồi, tôi không thể chịu được nữa. Mình không ưng ở với tôi nữa, thì cho giấy tờ để tôi về với bố mẹ tôi. Chứ cứ nay mắng, mai chửi, ăn không ngon thì vứt bát vứt đũa, ngủ không được thì quát tháo rầm nhà để cho người khác cũng không thể nhắm mắt, mình làm tình làm tội tôi quá một con ở! Khốn nạn thân tôi không trời ơi là trời!
Chị nói một thôi, làm Bân sững sờ. Đang chống nạnh, anh buông thõng tay, anh chỉ còn là một cái bong bóng xì hơi.
Chị Bân khươ chân lấy guốc, đến ngồi trên một cái ghế nơi góc buồng, vớ quạt phất mạnh phành phạch; đoạn chị ngừng tay ngồi thở, thỉnh thoảng “khịt khịt” từ lỗ mũi, tỏ vẻ tức giận đến cực điểm. Chị bặm chặt môi, mắt nhìn trân trân dưới đất. Có lẽ chính chị cũng hơi ngạc nhiên về sự bùng nổ vừa rồi.
Chị có hơi nhức đầu thật, nhưng đó là một cớ nhỏ. Người đàn bà có những trái chứng thật bất ngờ. Vốn tính thâm trầm, họ chịu nhận tất cả những hiếp đáp, những khổ nhục; nhưng bỗng một hôm, vào lúc không ngờ nhất, cũng không cần một hoàn cảnh đặc biệt nào kích thích, họ trả miếng lại cách dữ dội, tưởng như xưa nay họ vẫn hằng để tâm thu góp những oán hờn để chờ ngày khích phát.
Bân đứng đờ nhìn vợ. Mặt chị Bân đỏ hồng, ngực béo thở phập phồng. Người đàn ông thấy một cái gì mới thoáng qua tâm can.
Chị Bân vốn béo tốt, má chị phúng phính, cánh tay tròn lẳn, ngực và hông nở nang. Sức khỏe hồng hào của chị gây một mối ghen tị trong người chồng ốm yếu. Bân thường ho sù sụ, thỉnh thoảng bị một cơn ốm vật xuống nằm liệt giường, thân thể gầy guộc đến nỗi cử động rời rạc như thể xương không ăn khớp với nhau nữa.Anh vẫn tự thấy mình hèn kém đối với vợ, điều đó làm anh gần như tức bực và có khi anh mong vợ ốm yếu như mình. Anh thường ưa rủa cái béo tốt của vợ. Khi chị ta không làm nhanh như ý anh muốn, Bân mắng: “Sù sụ một cục chả được cái tích sự gì!”.Anh quen gọi chị là “con lợn sề” và quen nói cằn nhằn: “Béo cho lắm mà ăn hại cơm, mà cười híp mắt, mà đỏng đảnh, mà đi theo trai!”.
Nhưng hôm nay, người đàn bà bỗng có một diện mạo mới, chưa từng thấy. Sự giận dữ truyền cho chị Bân một vẻ uy nghi, dũng cảm. Mắt chị mở to, má còn hồng trong hơi nóng của nộ khí, môi dày và đỏ hơi bìu bĩu, có vẻ vừa khinh bỉ, vừa khiêu khích. Người chồng thấy nẩy nở trong lòng một tình cảm mới gần như sự kính nể. Anh ta cảm thấy trước mình sẽ chịu phục tòng vợ, như bao lâu nay anh đã cam chịu phục tòng ông Chánh và bọn đồng nghiệp trên sở làm.
Người Chồng Người Chồng - Bùi Hiển