Số lần đọc/download: 642 / 6
Cập nhật: 2016-06-03 16:01:11 +0700
Đạo Phật đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, và ảnh hưởng của đạo Phật đi sâu vào văn học của xứ này. Nhiều tư tưởng Phật giáo bắt rễ vào văn học dân gian Nhật Bản.
Theo lý thuyết Luân Hồi của nhà Phật thì một người không chỉ sống một kiếp, một đời mà trải qua rất nhiều kiếp liên tục qua sự đầu thai. Và cũng theo lý thuyết ấy thì con người phải chịu hậu quả của những việc làm trong tiền kiếp của mình. Trong đời sống hiện tại, con người phải trả nợ cho Ác Nghiệp đã phạm trong kiếp trước. Thêm vào lý thuyết Nghiệp Báo là sự mê tín của quần chúng tin rằng chính những người chết có bổn phận phải đòi sự trả nợ này.
Truyện ngắn Nghiệp Báo dưới đây là một trong những truyện Nhật Bản phản ảnh sắc thái trên của Phật giáo.
° ° °
Phu nhân của Đại Lãnh chúa sắp từ trần, và chính bà cũng biết rằng bà sắp chết đến nơi. Bà đã nằm liệt giường ngay từ đầu mùa thu của niên hiệu Bunsei thứ mười. Bây giờ đã là tháng thứ tư của niên hiệu Bunsei thứ mười hai rồi, và hoa anh đào đang độ nở hoa. Bà nhớ tới những cây anh đào ngoài vườn, và sự hân hoan của mùa xuân. Bà cũng nghĩ tới các con. Bà nghĩ đến các người hầu thiếp của chồng - đặc biệt là nàng Yukiko, mới có mười chín tuổi.
Đại Lãnh chúa nói với vợ: "Phu nhân yêu quý, nàng đã đã đau đớn quá nhiều trong ba năm dài vừa qua. Ta đã làm tất cả những gì có thể để nàng bình phục, kề cận săn sóc nàng ngày đêm, và thường ăn chay cầu nguyện cho nàng. Nhưng mặc dù sự chăm sóc yêu thương của ta cũng như tài năng của các lương y, giờ đây dường như ngày tàn sinh của nàng không còn xa mấy. Chắc chắn ta và mọi người sẽ đau buồn hơn nàng, bởi vì nàng sắp lìa xa một nơi mà Đức Phật gọi rất đúng là "ngôi nhà thế gian đang cháy." Ta sẽ cho tổ chức tang lễ theo đúng mọi nghi thức để giúp nàng sớm được siêu sinh tịnh độ - dù tốn kém thế nào cũng được; tất cả chúng ta sẽ không ngừng cầu nguyện cho nàng để nàng khỏi phải lang thang trong chốn U Minh, và mau sớm nhập cõi Niết Bàn, và thành Phật."
Đại Lãnh chúa nói một cách vô cùng dịu dàng và vuốt ve bà vợ. Bà vợ mắt vẫn nhắm chặt, lên tiếng trả lời chồng bằng một giọng nhẹ như tiếng côn trùng:
"Thiếp biết ơn, vô cùng đội ơn, những lời nói tử tế của tướng công...Phải, đúng như tướng công nói, thiếp đã bịnh suốt ba năm dài, và đã được chăm sóc bằng mọi cách chữa trị và tình thương... Vậy thì tại sao thiếp lại quay đi khỏi con đường Chánh Đạo trong lúc sắp lìa cõi đời? Có lẽ nghĩ tới chuyện trần thế lúc này thực là không phải; nhưng thiếp có một lời cầu xin cuối cùng -- chỉ một thôi... Hãy gọi nàng Yukiko lại đây cho thiếp. Tướng công biết đấy, thiếp yêu nàng như một người em gái. Thiếp muốn nói với nàng về công việc trong nhà này."
Yukiko tới theo lời triệu của Đại Lãnh chúa, và vâng theo dấu hiệu của ông, nàng quỳ xuống bên cạnh giường. Phu nhân mở mắt ra, nhìn Yukiko và nói:
"A Yukiko đây rồi... Hãy sát lại đây chút nữa để em có thể nghe ta rõ hơn: ta không thể nói to được... Yukiko, ta sắp chết rồi. Ta hy vọng em sẽ trung thành trong mọi việc đối với tướng công, vì ta muốn em giữ địa vị của ta sau khi ta đi rồi... Ta hy vọng em sẽ được tướng công yêu dấu mãi. Phải, yêu gấp trăm lần so với ta, và muốn rằng em sẽ được sớm nâng lên địa vị cao hơn nữa, và trở thành người vợ chính thức vinh dự của tướng công... Và ta xin em lúc nào cũng kính yêu tướng công; đừng bao giờ cho phép một người đàn bà khác cướp đi tình yêu của tướng công... Đó là điều ta muốn nói với em, em Yukiko thân yêu... Em có hiểu không?"
Yukiko lên tiếng phản đối, "Thưa phu nhân, xin đừng nói những điều kỳ lạ đó với em. Phu nhân đã biết em là phận nghèo hèn; em đâu có bao giờ mơ ước được làm vợ chính thất của tướng công đâu!"
Phu nhân nói lại bằng giọng khàn khan, "Không, không! Đây không phải là lúc nói những lời nghi lễ khách sáo; chúng ta chỉ nên nói thực với nhau thôi. Sau khi ta chết rồi, em sẽ được nâng lên địa vị cao; và bây giờ ta bảo đảm với em rằng ta ước muốn em sẽ là chính thất của tướng công - phải, Yukiko, ta ước muốn như vậy hơn cả ta muốn trở thành Phật nữa... À, ta suýt quên mất! - Yukiko, ta muốn em làm một việc cho ta. Em biết rằng trong vườn có một cây anh đào nở hoa kép - cây ấy được đem đến đây năm kia từ núi Yoshino thuộc vùng Yamato. Ta được biết cây ấy giờ đang nở hoa, và ta rất muốn trông thấy cây ấy nở hoa! Chỉ một lát nữa ta sẽ chết. Ta phải xem cây hoa ấy trước khi ta chết. Bây giờ ta mong em cõng ta ra ngoài vườn - ngay lập tức, Yukiko, để ta được xem cây hoa đào... Phải, cõng trên lưng em, Yukiko; hãy cõng ta trên lưng em."
Trong lúc yêu cầu như vậy, giọng của bà dần dần trở nên trong trẻo và mạnh mẽ, như thể là sự ao ước mãnh liệt đã cho bà thêm sức mạnh; rồi bỗng nhiên bà òa khóc. Yukiko quỳ bất động, không biết phải làm gì; nhưng Đại Lãnh chúa đã gật đầu đồng ý.
Ông nói, "Đây là ước muốn cuối cùng của phu nhân trên đời. Phu nhân luôn luôn yêu hoa anh đào; và ta biết rằng phu nhân rất muốn trông thấy cây anh đào Yamato đó nở hoa. Nào, Yukiko yêu quý, hãy cho phu nhân được toại nguyện."
Như một nhũ mẫu quay lưng lại cho đứa trẻ để đứa trẻ có thể bám vào lưng, Yukiko đưa vai cho người bệnh và nói, "Thưa phu nhân, em sẵn sàng rồi. Xin cho em biết em làm thế nào cho vừa ý phu nhân."
"Như thế này đấy!" người đàn bà sắp chết trả lời và vươn người lên với một sức mạnh lạ lùng và bám lấy vai Yukiko. Nhưng ngay khi bà ta thẳng người được thì bà ta luồn hai bàn tay gầy guộc qua vai Yukiko, bên dưới chiếc áo choàng ngoài, và nắm chặt lấy hai bầu vú của cô gái, và bật lên một tràng cười độc ác.
Bà ta kêu lên: "Ta đã mãn nguyện rồi. Ta đã đạt được ước nguyện hoa anh đào rồi 1 - nhưng không phải là hoa anh đào ngoài vườn!... Ta không thể chết được mà chưa được toại nguyện. Bây giờ ta đạt được rồi! Ôi sung sướng quá!"
Nói thế xong bà ta gục xuống về phía trước, trên lưng cô gái đang cúi xuống, và tắt thở.
Ngay lập tức những người hầu định nhấc xác bà ta ra khỏi lưng của Yukiko và đặt lại lên giường. Nhưng thực là lạ lùng! - cái việc dễ dàng đó không thể thực hiện được. Hai bàn tay lạnh lẽo đã dính chặt vào hai bầu vú của người con gái bằng một cách không giải thích được, và có vẻ như đã ăn sâu vào da thịt. Yukiko bất tỉnh vì sợ và đau đớn.
Các danh y được mời tới ngay, nhưng họ không thể hiểu được tại sao lại như vậy. Không một y thuật thông thường nào có thể tháo gỡ được hai bàn tay chết ra khỏi thân thể nạn nhân; hai bàn tay dính chặt đến nỗi bất cứ cố gắng cậy gỡ nào cũng làm chảy máu. Đó không phải là những ngón tay bám chặt vào da thịt, mà vì da thịt của lòng bàn tay người chết đã dính liền làm một với da thịt trên vú cô gái.
Lúc đó vị danh y tài giỏi nhất tại Yedo là một người ngoại quốc - một bác sĩ giải phẫu người Hòa Lan. Người ta quyết định cho mời vị bác sĩ ấy. Sau khi khám xét cẩn thận, bác sĩ nói rằng ông ta không thể hiểu được trường hợp này, và để giải thoát ngay cho Yukiko thì chỉ có một cách là cắt hai bàn tay ấy ra khỏi cái xác chết. Bác sĩ tuyên bố việc tách hai bàn tay khỏi vú cô gái rất là nguy hiểm. Người ta chấp nhận lời khuyên của bác sĩ, và hai bàn tay bị chặt từ cổ tay. Nhưng hai bàn tay vẫn còn bám chặt vào vú, và chỉ ít lâu sau thì hai bàn tay ấy đen lại và khô queo, giống như hai bàn tay của một người chết đã lâu ngày vậy.
Nhưng đây chỉ là sự khởi đầu của một hình phạt kinh hoàng.
Mặc dầu có vẻ khô héo và không còn huyết sắc, nhưng hai bàn tay đó không chết. Thỉnh thoảng hai bàn tay vẫn cử động, một cách lén lút giống như hai con nhện xám khổng lồ. Và hàng đêm sau đó - bao giờ cũng bắt đầu từ giờ Sửu - hai bàn tay bắt đầu bóp nắn và hành hạ. Chỉ tới giờ Dần thì cơn đau mới ngừng lại.
Yukiko đã xuống tóc quy y, và trở thành một ni cô khất thực, lấy đạo hiệu là Dassetsu. Nàng thuê làm một bài vị mang lời cầu nguyện cho vị phu nhân đã chết và mang theo trên con đường lang thang khất thực của nàng. Hàng ngày nàng quỳ trước bài vị cầu xin sự tha thứ của người chết, và hành lễ theo nghi thức Phật giáo để cho cái linh hồn ghen tuông kia được yên nghỉ. Nhưng cái ác nghiệp đã gây ra sự đau đớn này đã không tỏ ra ngừng chán.
Mỗi đêm tới giờ Sửu hai bàn tay không bao giờ quên hành hạ nàng trong suốt mười bảy năm - theo lời các nhân chứng đã được nghe nàng kể chuyện, khi nàng dừng lại một buổi tối tại nhà Noguchi Dengo Zayémon, trong làng Tanaka thuộc quân Kawachi trong tỉnh Shimotsuké.
Đó là năm thứ ba của triều đại Kokwa. Kể từ đó người ta không nghe nói gì về Yukiko nữa.
(Dịch từ cuốn 50 Great Oriental Short Stories)
--------------------------------
1 Theo truyền thống Nhật Bản thì vẻ đẹp tình dục và thể xác của một người đàn bà được ví như một bông hoa anh đào, trong khi vẻ đẹp tinh thần bên trong của người đàn bà được ví như một bông hoa mai.