Số lần đọc/download: 2603 / 51
Cập nhật: 2015-11-18 18:54:04 +0700
H
ôm ấy là ngày 29 Tết, những ngày cuối chạp u ám, buốt giá và buồn tẻ. Tôi từ bến đò qua đê đi tắt ruộng xiên chéo một đường thẳng đến tận đầu làng. Bốt Chi Điền cách làng năm mươi thước. Ngày tôi đi bốt mới xây xong, có bốn lô -cốt chìm, một lô-cốt nổi cao ba bốn tầng, trên mỏm bắc một khẩu đại liên, bây giờ cỏ mọc xung quanh bốt xanh um, dây thép gai gỡ dỡ cuộn lại từng đống nhớn nhỏ, tầng trên cùng của lô-cốt nổi sạt đi đâu mất, tường chằng chịt vết đạn.
Cây gạo cổng làng đã đây rồi, nhưng rõ là không phải cây gạo ngày xưa mà bóng cây che tối cả mấy khoảnh ruộng, trâu bò buộc dưới gốc đen kín, mùa đình đám thì kết nụ, cuối xuân hoa nở đỏ rực như đốt lửa, bây giờ các cành của nó đã bị ai tiện cụt, chỉ còn trơ lại một cái thân chọc thẳng, trùi trũi. Làng tôi rất nhỏ, chỉ có hơn trăm nóc nhà, phong cảnh chẳng có gì đáng để ý, nhân dân chỉ còn hãnh diện ở ngôi đình Cả và lai lịch của ông Thành hoàng. Tục truyền, tám ông Thành hoàng ở vùng này là tám anh em do một mẹ đẻ ra.
Ông Thành hoàng làng tôi là anh Cả. Trong đám rước, long đình ông Cả đi đầu, cao nhất, đẹp nhất. Trong làng không có nhà nào có đến năm mẫu ruộng, nhưng mọi người đều tự hào: tuy nghèo kiết nhưng vẫn là nền anh. Những tay đầu bò đầu biếu say rượu đi cà khịa đánh nhau với người thôn bạn phần nhiều họ đều nhường cả.
Nhưng cái điều đáng tự hào nhất của dân làng bây giờ cũng không còn nữa.
Ngôi đình Cả tiều tụy không khác gì một túp lều rách, hai đầu hồi đình bị đại bác phá tung, mái ngói tróc nham nhở như người đánh vẩy cá. Vào trong làng cảnh tượng càng chán ngán hơn, chỉ thấy những tường đất xếp ngổn ngang, những túp rạ co kéo, tranh giành nhau, những bụi tre mới nhú phờ phạc và từ khối hỗn độn ấy xông lên mùi ẩm ướt, hôi mốc. Đến chỗ rẽ về ngõ nhà tôi có một chị to béo, khăn vuông che gần kín mặt, từ đám ruộng cấy cần bước lên đi trước tôi vài bước. Trông dáng người tôi nhận ngay ra chị Vườn. Tôi mừng quá bước nhanh đến ngang chị khẽ hỏi:
- Chị vẫn khỏe!
Chị dừng lại nhìn tôi thoáng một cái rồi trả lời:
- Các anh về chơi. Cảm ơn anh tôi vẫn khỏe.
Rồi chị cắp rổ cần bước ngoắt đi. Biết là chưa nhận được ra tôi, tôi vừa cười vừa gọi lại:
- Chị Vườn ơi, tôi đây mà!
Lập tức chị quay phắt lại, nhìn tôi một lần nữa rồi kêu lên:
- Anh Cu phải không?... Thế mà không nói ngay, cứ ngỡ là ông khách nào.
Tôi nhìn chị:
- Trông tôi lạ lắm à. Chị thì vẫn như xưa.
Chị Vườn cứ đứng ngắm tôi từ đầu đến chân, miệng tủm tỉm cười:
- Cao lớn quá. Thoáng trông không thể nào nhận ra. Mới ngày nào nhỉ... à, để tôi gọi ông Kinh cho ông ấy mừng.
Thế là chị cắp cả rổ cần, quần vẫn để xắn đến bẹn, chân đầy bùn, chạy vào ngõ nhà tôi, réo ầm ĩ:
- Ối ông Kinh ơi! Anh Cu về kia kìa. Ra mà nhận mặt ông em!...
Ngày tôi đi bộ đội chỉ có ủy ban xã biết, còn đến anh tôi cũng không hay (thầy u tôi mất sớm, từ ngày bé tôi vẫn ở với anh). Năm ấy chị Vườn là thôn đội phó du kích. Chị cho quần áo của tôi vào cái thúng khảo đội lên đầu đi qua bốt, còn tôi tay cầm thuổng, lưng đeo giỏ như người đi đào chuột đi tắt ruộng đón đường. Khi chia tay, chị nắm lấy tay tôi dặn: "Nhớ đến thù làng mà giết cho nhiều Tây nhé!".
Hôm nay lại gặp chị và tôi tự xét không đến nỗi hổ thẹn với lời dặn của chị năm xưa. Anh tôi đương phát rào ở ngõ, nghe nói em về vứt cả dao, chạy ra đón. Thấy tôi, anh ôm chầm ngay lấy, vừa khóc, vừa nói:
- Chú Cu về đấy à. Anh tưởng chú lại đi mãi đâu rồi... Sao chẳng chịu thư từ gì cho nhà biết cả.
Tôi nhìn lại anh tôi, sao anh có thể già đến thế. Ngày tôi đi anh cao lớn hơn nhiều, tính lại nghiêm nên tôi càng thấy mình bé bỏng, trẻ con. Bây giờ râu anh mọc sồm soàm, người choắt lại, đứng chỉ có đến tai tôi, mặc cái áo bông rách, quần ống thấp ống cao trông càng tiều tụy. Anh thấy tôi to lớn, đĩnh đạc khác xưa nên cứ luẩn quẩn đi bên cạnh, nói đi nói lại:
- Chú, chú khỏe chứ. Thật không ngờ Tết này chú lại về.
Bà chị dâu đi chợ vắng, các cháu đứa đi cấy, đứa đi học. Hai anh em vừa nói với nhau được vài câu chuyện thì người kéo vào đã đầy nhà, vừa họ hàng, vừa hàng xóm láng giềng nghe tin tôi về nên chạy lại xem mặt. Tôi lấy ở trong ba-lô ra một gói kẹo, một bao thuốc lá, mời từng người, trẻ con thì ăn kẹo, các cụ, các ông hút thuốc, còn các bà, các chị cứ mủm mỉm cười: "Gớm, anh Cu bây giờ giàu nhỉ.
Mua quà đãi khắp làng". Mọi người đều khen tôi to lớn, trắng trẻo, đẹp trai hơn ngày ở nhà, và hỏi tôi đã xây dựng gia đình ở đâu chưa, có định cưới vợ ở làng không để còn liệu manh mối, chị Vườn lúc ấy mới nói thật:
- Ngày anh đi trông người cứ bé choắt, tôi cứ chắc mẩm thế nào cũng phải về lộn. Năm ấy anh mới mười bảy nhỉ?... Ai ngờ...
Tôi nói:
- Nhờ có chị khuyến khích tôi, lại mang giúp quần áo nên nay tôi mới trở thành người bộ đội. Ơn chị tôi vẫn nhớ.
Chị vẫn cười to như xưa:
- Ai dám nhận ơn của anh. Bây giờ anh là anh hùng quân đội, đi đây đi đó người ta hỏi quê anh ở đâu thì trả lời quê tôi ở làng Chi Điền, huyện Nam Sách, như thế cũng đủ mát mặt chúng tôi rồi.
Trong khi nói chuyện tôi để ý ở góc cửa có một chị trông rất quen mặt, nhìn vài ba lần thì nhận ngay ra là cái Miều, con ông anh họ.
Ngày trước, tôi với nó vẫn đi cắt cỏ trâu với nhau, nó mới mười bốn tuổi mà cao hơn tôi cái chỏm đầu, nhưng chỉ được cái lưng dài còn làm ăn đến đuểnh đoảng. Có hôm gánh cỏ về, đường mưa trơn, nó cứ bấm chân xuống đất không dám bước, rồi khóc hu hu. Tôi tức mình mắng nó: "Người cứ đuỗn như con cá rô đực, gánh có gánh cỏ mà cũng khóc, mày thì rồi chó nó lấy". Rồi tôi san một nửa gánh cỏ của nó sang tôi. Bây giờ nó lại có vẻ thấp hơn trước, người béo đỏ mập mạp, trông đẹp gái và gọn ghẽ, lại thấy nó bế một thằng bé chừng lên hai, lên ba tuổi. Tôi hỏi nó:
- Cái Miều đấy hử?
Nó nói như dỗi:
- Giờ chú mới nhận ra cháu đấy à. Sao chóng quên thế.
Tôi chống chế:
- Quên đâu mà quên... Mày bế con ai thế?
Nó toét miệng cười. Tôi gắt:
- Cười cái gì. Con ai đấy?
Nó ngoảnh mặt đi, lấy tay che mặt, tiếng cười càng to.
Anh tôi bảo tôi:
- Con nó đấy. Con lên ba rồi. Rõ chú với cháu.
Lúc ấy nó cũng đặt thằng bé xuống, đun vào giữa nói:
- Vào với ông, ông đấy, vào ông cho kẹo.
Tôi đưa cho đứa bé một cái kẹo, định bế nó, nhưng nó quay ngoắt ra ôm lấy cổ mẹ đu lên, rồi quay lại nhìn tôi lấm lét:
- Anh bộ đội, anh bộ đội cho kẹo...
Miều ôm lấy con phát vào đít:
- Láo, ông mày đấy... ra lạy ông đi. Lạy ông... ạ... Cháu là con mẹ Miều cháu đấy ạ...
Mọi người cười ầm lên. Bỗng vòng người ngồi ở hè giãn ra nhường lối cho một ông cụ tóc bạc phơ bước vào. Tôi nhìn lên: kìa chú tôi. Tôi đứng dậy đỡ lấy chú.
- Lạy chú, chú sang chơi.
Chú tôi năm nay phải hơn tám mươi tuổi. Trước ngày tuy tôi làm ăn ở nhà anh, nhưng đêm đêm lại vác chiếu sang nhà chú ngủ.
Chú thương tôi mồ côi bố mẹ, lại làm ăn vất vả nên rất chiều. Chú chỉ có một người con trai ra làm trưởng thôn được hai năm thì bị địch bắt đem dìm chết ở ngay cái giếng xóm trên. Thằng Thâm là cháu nội nhưng lại phải đi ở cho người làng khác, đêm đến chỉ có hai chú cháu tôi ngủ ở nhà.
Chú nằm gác chân lên tôi kể chuyện làm ăn chán rồi lại lẩy kiều, hát chầu văn cho nghe. Người chú rất lắm rận, đêm rận bò sang tôi đốt cứ ngoay ngoáy, gãi đến phát ghẻ, nhưng không đêm nào tôi không mò sang đấy ngủ để được chú ủ ấp, an ủi. Chú nhìn tôi rất lâu, mắt nhấp nháy, rồi đưa tay lên quệt nước mắt, mãi mới nói được: Tao tưởng mày bỏ làng rồi đấy. Mày ghét chúng tao lắm phải không?
Cứ đi biền biệt như người giận dỗi cái gì...
Thấy chú khóc, tôi cũng ứa nước mắt. Chú lại lẩm bẩm:
- Sao cũng may tao còn sống để được trông thấy mày.
Rồi chú hỏi tôi:
- Bây giờ mày đổi tên là Đức Song phải không. Song hay là Sang. Tao thấy ảnh chụp anh hùng Đặng Đức Song thì đúng là mày.
Anh tôi đỡ lời:
- Chú nó đấy ạ. Hồi ở nhà chú ấy cũng đã đổi là Song rồi nhưng không ai gọi.
Tên tôi ngày bé là Sang, song vì trùng tên với con cháu nên người làng cứ gọi tôi là anh Cu. Sau anh tôi phải đổi tên tôi là Song.
Ra bộ đội tôi mới thêm chữ Đức đệm giữa: Đức Song.
Cái Miều đứng ở ngoài nói chõ vào:
- Chốc nữa chú Song ra mà xem ảnh chú treo ở phòng thông tin ấy. Đẹp, đẹp là... tha hồ mà đắt vợ.
Tôi phải lườm nó một cái nó mới chịu ngồi thụp xuống nhưng vẫn cười rúc rích.
***
Bữa cơm trưa 29 đã có mùi vị Tết. Dưa nén, hành nén, thịt gà luộc. Ăn xong tôi sửa soạn định lên đình gặp ủy ban thì có tiếng nói từ ngoài cổng:
- Chú Song còn ở nhà không?
Tôi ngó ra thấy thằng Thâm bế con đi vào sân. Thấy tôi nó chạy vội lên hè, cầm lấy tay tôi lắc lắc:
- Ôi, chú hơn tuổi cháu mà chú còn trẻ quá, cháu hóa già hơn chú rồi.
Tôi nhìn lại quả nó biến đổi nhiều quá. Ngày trước nó vào loại đẹp trai của làng, có bộ ngực nở và hai cánh tay rắn chắc. Nhiều cô mê nó cứ đi mua thuốc lào biếu nó hút. Thành thử nó là tay nghiện nặng, tiền không mất một xu mà vẫn có thuốc hút quanh năm. Nay nó già hơn tôi thật, tóc lờm sờm, gò má nhô lên xanh nhợt, mắt trũng sâu lờ đờ.
Nói chuyện được một lát, tự nhiên nó bảo tôi:
- Cái Cún con nó lấy chồng rồi chú ạ.
Tôi cười:
- Mới lấy à?
- Lấy nhau cũng được hơn ba năm rồi, đã gần có ba con.
Tôi chép miệng.
- Nhanh nhỉ.
Thâm nhìn tôi, rồi hắn nói hơi buồn buồn:
- Kể ra ngày con gái cô ấy cũng đẹp thật, cháu đã định ướm hỏi đám ấy đấy, nhưng... sau nghĩ là của chú nên cháu lại thôi.
Tôi đỏ mặt:
- Ai bảo mày thế, bạn chăn trâu thôi, chứ đã có tình ý gì đâu.
Thâm càng có vẻ tiếc rẻ:
- Cháu cũng nghĩ như vậy, vì từ ngày chú đi chẳng gửi về cho cô ấy lá thư nào cả. Nếu có vấn đề gì thì ít ra cũng phải có hứa hẹn với nhau chứ... thôi việc nó cũng đã qua rồi.
Thâm bế con cùng lên đình với tôi. ở đình có lớp học ngắn ngày của các cán bộ trong toàn xã, gồm những người bị xử trí oan vừa được trả lại tự do và anh chị em cốt cán trong cải cách. Tôi vừa bước vào sân đình thì ông Hợp thoáng trông thấy tôi. Ông ngừng nói chuyện rồi chạy ra:
- Chú Song, chú đã về chơi đấy ư?
Trông ông vẫn như xưa, cái mũ nồi rách ở chỏm để lòi cả tóc, một mắt bị kéo màng trắng, còn một mắt rất tinh nhanh, hàm răng trên vàng khè ám khói thuốc lào, hơi nhô ra, khi cười rất độ lượng và hiền lành. Ông nắm tay tôi hỏi:
- Chú được về chơi bao nhiêu hôm?
Khi biết tôi được về phép có một tuần, ông chặc lưỡi:
- Kể ra xa nhà năm sáu năm về chơi được có một tuần thì cũng còn ít. Nhưng nhiệm vụ quân đội thì...
Rồi ông lôi tôi vào trong đình, mọi người xôn xao lên: "Kìa anh Cu, nghe tin về từ sáng kia mà". "Trông chững chạc nhỉ". Ông Hợp tươi cười đun tôi ra phía trước giới thiệu:
- Tôi xin giới thiệu một người của làng ta, một người làm vinh dự cho quê hương ta là đồng chí Đặng Đức Song, Anh hùng quân đội... Đồng chí...
Ông chưa nói hết mọi người đều đứng dậy vỗ tay hoan hô. Tôi liếc nhìn thoang thoáng toàn là những cán bộ cũ của xã, có thêm ít người mới, chắc là anh em cốt cán. Ông ra hiệu im lặng, rồi nói tiếp:
- Đồng chí Song là anh hùng Điện Biên Phủ, nghĩa là có rất nhiều chuyện về Điện Biên. Tôi đề nghị hôm nào Tết ra xã sẽ tổ chức cho đồng chí Song nói chuyện với bà con trước khi về đơn vị.
Sau ông dắt tôi xuống nhà dưới nói chuyện. Tôi móc túi lấy bao thuốc lá để trên bàn. Ông nheo mắt, bóc thuốc lá cười:
- Độ này cũng hút thuốc lá kia à?
- Không, ngày Tết thì mua về vài bao hút cho vui.
- Thế nào, chú còn nhớ những chuyện hồi còn kháng chiến không. Tôi vẫn nhớ ơn chú đấy nhé. Lắm lúc nghĩ lại thấy mình còn sống được đến bây giờ kể cũng giỏi thật.
Nhân vui chuyện ông nhắc lại thời kỳ hoạt động cũ. Hồi ấy ông là bí thư của chi bộ Đảng ở xã, nhiều ngày ông đến nằm ngay trong buồng nhà anh tôi để nắm tình hình lính bốt. Những ngày ấy, tôi cứ chăn trâu luẩn quẩn bên ngoài, đến bữa cơm lại đưa cơm vào, có động làm hiệu báo. Có hôm ông mót đái quá liền đục một lỗ nhỏ ở vách sau cho nước tiểu thông ra, ai ngờ nước chảy xuống nền nhà không thấm ngay mà lại kéo thành một đường thẳng chạy ra vườn.
Tôi chợt đến thấy thế vội vàng lấy tro đổ lên rồi quét đi, vừa xong thì bọn lính bốt sục tới. Sau biết chuyện ông Hợp cứ khen mãi: "Thắng Song nó bé mà lại tinh khôn hơn mình, suýt nữa thì chết cả lũ".
Chuyện cũ chán, ông cho biết tình hình sửa sai của xã, bây giờ ông lại về nhận nhiệm vụ bí thư Đảng như cũ, kỳ vừa qua ông cũng bị xử trí oan, đi tù mất mấy tháng. Lúc chia tay ông dặn tôi: Hôm nào chú lại đằng nhà ăn bữa cơm rau muối với vợ chồng tôi, tôi sẽ cho chú biết thêm tình hình của xã nhà. Tôi chắc chú sẽ góp được nhiều ý kiến hay.
Tôi hơi ngượng nghịu:
- Tôi thì còn có ý kiến gì.
Ông trợn mắt:
- Xưa chú khác, bây giờ chú khác. Chú tưởng hễ đi bộ đội là không có trách nhiệm gì về phong trào của xã nữa à. Nhớ hôm nào lại chơi nhá...
***
Sáng hôm sau tôi dậy sớm đi thăm nhà bà dì em ruột u tôi ở xóm trại. Bà có hai con trai là thằng Cớn và thằng Cởn, một đi bộ đội, một vào du kích, cả hai đều đã hy sinh. Bây giờ bà chỉ còn một người con gái, nhưng vẫn ở riêng vì đứa con rể ăn ở với mẹ vợ chẳng ra gì.
Ngày tôi còn ở nhà bà thương tôi như con đẻ, vẫn cứ bảo xuống ở dưới ấy nhưng anh tôi không bằng lòng. Mỗi lần đi chợ bán được một món hàng gì, bà lại rẽ vào gặp tôi, cởi vạt áo khi cho một đồng, khi cho vài đồng. Bà đang xay thóc, cái váy mặc vá chằng vá đụp, hai ống chân gầy choắt khô khỏng. Tôi rón rén đi đến đứng sát đằng sau, khẽ nói:
- Dì đưa con xay đỡ cho nào.
Bà giật mình quay lại thấy tôi ngơ ra một lát rồi vừa chửi vừa khóc:
- Cha bố mày, mày đi bộ đội mà không thèm nói với dì đến một tiếng. Mày về bao giờ thế hả con... Vào trong này.
Bà cầm tay tôi nắn bóp, rồi lại sờ mặt tôi, nắn đùi tôi, nước mắt cứ giàn giụa.
- Bây giờ tao chỉ còn có mày, thằng Cớn, thằng Cởn nó bỏ tao nó đi, mày mà bạc nữa thì tao biết ở với ai.
Tôi an ủi dì:
- Con coi dì cũng như u con, bây giờ con về là vui rồi sao dì lại khóc cho nó thêm buồn ra.
Dì tôi chùi nước mắt, hỏi tôi về chơi được bao lâu, và muốn giữ tôi ở dưới này ăn Tết. Dì đem nải chuối vừa dấm chín ra bảo tôi ăn rồi nói:
- Này, cái Cún con nó lấy chồng rồi. Đến hoài, con bé vừa đẹp người lại đẹp nết.
Tôi thẹn quá nên nói có vẻ không cần:
- Cô ấy lấy chồng mặc cô ấy chứ.
Dì phát vào lưng tôi:
- Quân bạc, nó để ý mày từ ngày còn bé kia đấy. Nó đợi tin mày mãi thỉnh thoảng lại đến tao hỏi dò. Tao thương nó quá nên cứ nói dối nó là người trong xã đi dân công ra ngoài ấy vẫn gặp mày và mày vẫn nhắn tin về. Mãi năm nọ mới chịu đi lấy người khác. Con bé đến ngoan.
Tôi cởi áo ra xay nốt thúng thóc còn lại, bà chạy đi đâu một lát về bảo tôi ngừng tay rồi móc túi đưa tôi tờ giấy năm nghìn còn mới.
- Con cầm lấy mà tiêu. Dì nghèo cũng chẳng có gì...
Tôi biết dì tưởng tôi đi bộ đội thì túng thiếu như hồi còn kháng chiến nên giật tạm tiền của ai đây. Tôi đưa lại và nói:
- Con không túng đâu, dì cầm lấy mà mua vải, mua thuốc. Con trông dì gầy lắm.
Bà giận dỗi:
- Hay mày chê ít, dì nghèo, dì chỉ có thế thôi con ạ.
Rồi bà mở khuy túi áo trên của tôi, nhét tờ giấy bạc vào. Cò kèo mãi tôi đành phải nhận, nhưng định bụng rằng hôm nào đi tôi sẽ gửi lại cho anh tôi cầm xuống trả bà.
Khi tôi trở ra đến đầu ao có giồng một rặng táo thì thấy một người đàn bà, mặt bầu bầu, bụng chửa, bế con đi lại. Đúng là cái Cún con!. Cô ta dáng chừng cũng đã trông thấy tôi nên khẽ kéo nón xuống che mặt. Hai đứa chỉ cách nhau có vài bước, tôi đã định bước chéo chân né người vào một bên rào đi thẳng, nhưng có một cái gì bắt tôi phải dừng lại. Cún con thấy tôi đứng chờ, càng luýnh quýnh.
Tôi đi sát lại, hỏi:
- Cô Cún còn nhớ tôi không? Song đây mà.
Lúc ấy Cún mới bỏ nón ra ngượng nghịu nhìn tôi nhưng không nói gì. Đứa con thấy người lạ nhệch mồm ra mếu rồi úp mặt vào vai mẹ. Mẹ nó đưa mắt nhìn xuống đất rồi cũng mếu máo nốt. Tôi định nắm tay cô ta dắt vào nhà dì tôi nói chuyện một lúc, nhưng người chị gái đi sau cũng vừa tới, chào tôi rồi giục em: "Thôi dì xin phép anh ấy mà đi, muộn rồi đấy". Cún lại đội nón, cúi đầu xuống, bế con theo chị.
Tôi ngoái nhìn lại đợi cho hai người đi khuất bờ ao mới quay về.
Tôi thấy cần phải kể lại một chút về mối tình bạn bè giữa tôi và Cún con. Cún là người con gái đầu tiên đến với tôi và chiếm một vị trí quan trọng trong những kỷ niệm của tôi về quê hương. Năm ấy, tôi mười sáu tuổi và Cún con mười lăm. Tôi và nó tuy cùng làng nhưng ở hai xóm cách nhau khá xa. Nó để ý tôi và mến tôi trước khi tôi biết đến nó. Lần đầu hai đứa thật sự quen nhau là do một cuộc đánh tam cúc tay ba ở ngoài đồng: tôi, Cún con và thằng em họ. Tôi chơi bài rất thấp, vả lại vốn cũng không ư a nhưng vì hôm đó lại được thông luôn mấy ván nên đã bắt đầu ham. Một ván tôi kết đôi pháo điều. Cún con nhìn bài tôi ngần ngừ một lúc rồi dúi hai cây bài còn lại vào tận dưới lớp bài chui.
Tôi cười ré lên:
- A tướng, tướng đi ỉa!
Thằng em tôi hơi nghi nên lôi hai con bài chui ra lật xem: ai ngờ lại là đôi tịnh vàng. Tịnh vàng phải chui pháo điều? Thì ra nó muốn ngồi đánh bài lâu với tôi nên cứ giả vờ thua để tôi hăng máu, không chóng chán. Thằng em họ tôi rất láu, nó cứ nhìn con bé chòng chọc rồi cười:
- Ê, đánh bài hay nhỉ... Tao biết thừa rồi...
Tôi chỉ thấy Cún con đỏ mặt lên nhìn đi chỗ khác.
Hai đứa chúng tôi chăn hai con trâu. Từ ngày quen nhau tôi cứ cưỡi trâu ra đồng lại nhờ Cún chăn hộ, còn tôi đi đánh bẫy chim, đơm cá, đào ổ chuột đến buổi mới về. Thường thường Cún cứ buộc hai đầu thừng của hai con trâu lại, cho chúng nó đi với nhau. Một chiều tôi đi chơi về, tìm trâu lại thấy trâu buộc díu đôi cởi mãi không được, trời thì sắp có cơn giông. Tôi giận quá quát tướng lên:
- ới Cún, Cún ơi... đi đâu rồi!
Cún con ở đâu chạy lại, cười cười. Tôi trợn mắt gắt:
- Sao không chăn riêng lại buộc thừng lại với nhau làm người ta tháo mãi không được.
Nó nhìn tôi gườm gườm.
- Người ta đã chăn hộ cho mà đi chơi lại còn làm bộ. Gắt gắt cái gì...
Tôi càng tức:
- Từ nay không khiến chăn hộ nữa. Tháo thừng ra. Nó cũng găng:
- Sai ai đấy, muốn về trước thì tháo lấy.
Tôi tháo mãi không được liền nắm lấy lưỡi liềm nó cầm ở tay giằng lấy, rồi một chân dận đầu thừng, một tay kéo thừng căng ra cứa đứt đôi. Khi tôi cưỡi trâu về quay lại nhìn thấy nó đương đưa vạt áo lau nước mắt. Hôm sau tôi gặp nó vì ngượng quá nên lại làm ra vẻ giận, mặt hầm hầm không nói. Nó đến bên tôi, làm lành trước:
- Có đi đâu thì đi đi để trâu tôi chăn cho.
Tôi khó trả lời quá nên cứ lặng im.
Nó lại nói:
- Hôm qua tôi cũng định giằng liềm lại nhưng vì anh cầm đằng lưỡi sợ anh đứt tay nên tôi phải buông ra. Vì cái thừng mà u tôi chửi tôi cả một buổi tối đấy.
Ngày bé tôi ăn mặc rất rách rưới, tóc cứ để bờm che kín cả gáy, cả tai. Ngồi chơi với nhau, Cún cứ thủ thỉ bảo tôi:
- Sao không cạo đầu đi, để thế ngứa chết.
Tôi đỏ mặt:
- Nhưng không có tiền.
Nó gặng hỏi:
- Cần bao nhiêu?
Tôi lảng ra:
- Không cần.
Có buổi nó còn mang kim chỉ và mụn đi vá áo cho tôi, bắt cả rận. Tôi bó cỏ vào loại đẹp nhất làng, bó vồng lên như quả trám, lội nước không tuột. Những đứa mười một, mười hai tuổi mới đi cắt cỏ lần đầu, thích làm đỏm đều đến van vỉ tôi đổi công cắt lấy công bó.
Buổi nào đi cắt cỏ tôi đều bó cho Cún một gánh đẹp nhất, đến nỗi nó phải bảo tôi: "Bó đẹp vừa thôi, để lúc về dỡ ra đỡ tiếc". Đi đâu hai đứa cũng líu ríu bên nhau.
Mới đầu tôi không để ý đến Cún lắm, coi nó cũng như những đứa trẻ khác, sau thấy nó săn sóc tôi, an ủi tôi, khiến tôi cũng bớt tủi vì thân phận mồ côi nên tôi cũng trở lại mến nó. Hôm nào nó ở nhà là tôi thấy như thiếu, trống cái gì, người cứ ngơ ngác suốt buổi, không thiết chơi bời với ai khác. Mọi khi chúng tôi vẫn cưỡi trâu sánh đôi, nhưng sau tôi cứ muốn để nó đi trước, hoặc tôi vượt lên trước, và khi thấy người khác nhìn hai đứa thì mặt tôi đỏ lên, lúng túng.
Năm sau tôi đi bộ đội cũng không kịp gặp Cún để dặn dò. Từ bấy đến nay những lúc nằm rỗi tôi lại nghĩ đến người bạn gái bé nhỏ, lúc ấy trong người vừa buồn buồn, vừa thương nhớ lại hơi thổn thức, và tự nhiên tôi nghĩ đến ngày tôi về nhà, gặp lại nó, hai đứa chắc còn thân nhau hơn xưa.
Bây giờ nghe Thâm và dì tôi nói chuyện lại thì ra nó đã yêu tôi từ ngày ấy, yêu tôi trước khi tôi kịp biết rằng mình cũng đã... yêu nó.
Tôi đã yêu nó thật ư? Tôi chưa hề nói với nó một câu nào hò hẹn, yêu đương. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng Cún sẽ là vợ tôi. Nhưng tôi vẫn nhớ, vẫn thương và bây giờ thì tôi thấy bâng khuâng, hối tiếc như vừa để mất một cái gì rất quý.
Tối 30 Tết. Chỉ còn mấy giờ nữa là bước sang một năm mới với những công việc và ước vọng mới. Suốt làng sáng rực ánh lửa. Trai, gái đốt đuốc gọi nhau đi xem chèo của xã ở đình trên. Nhà nào cũng bắc thùng ở giữa sân nấu bánh, nước sôi bánh kêu lục cục, lửa lùa vào các thớ gỗ nổ đôm đốp. Tết năm nay là Tết vui nhất của làng.
Tám, chín năm kháng chiến bốt kề đầu làng, tối đến hút thuốc cũng phải vào trong buồng kín, ngày Tết đều luộc bánh chưng ban ngày, mà luộc bánh ngày thì còn gì là hương vị ngày Tết.
Nhà ông anh tôi tối hôm ấy trở thành một cái câu lạc bộ, những người đi nhờ sân định tắt ruộng sang đình trên xem chèo đều dừng lại chơi. Người ngồi trên giường, người ngồi dưới đất, phải giải cả chiếu ra đầu hè. May trời đêm ấy lại đẹp, âm ấm như cuối thu. Ông anh tôi đã cạo râu, húi tóc, mặc bộ quần áo nâu mới, trông sáng sủa, vui vẻ hơn hôm qua nhiều. Nói chuyện một lát ông sai con mang đàn bầu ra đánh. Cũng vì tiếng đàn bầu mà anh tôi lấy được vợ. Nguyên ngày trước anh tôi ở trong phường chèo của xã, thường hay sang các xã bạn diễn những ngày đình đám đầu xuân.
Một năm phường chèo ở trọ nhà ông trưởng bạ, ông ta có người con gái út, trạc trên đôi mươi, làm ruộng, buôn bán đều đảm, nhưng chỉ được có tiếng đàn mà người con gái ông trưởng bạ nhất định xin đi theo, dù bố mẹ chửi mắng, đe dọa thế nào cũng mặc. Ông chú đánh đàn tranh, một người anh họ thổi tiêu, ban nhạc gia đình chơi các bài lưu thủy, bình bán, kim tiền... Mọi người lại đề nghị tôi hát. Tôi hát hỏng vốn không ra gì, nhưng sau khi hát bài Giải phóng Điện Biên mọi người nắc nỏm khen giọng tôi ấm làm tôi xấu hổ quá. Có tiếng đề nghị cô Tỵ hát chèo. Tất cả quay về phía một cô bé vỗ tay rầm rầm.
Cái Tỵ cũng không bé lắm, đến tuổi mười bảy, mười tám rồi. Chị cái Tỵ là Tẹo xưa cũng ở trong phường chèo của xã. Thường Tẹo hát và anh tôi đệm nhị.
Giọng của Tẹo rất trường, tiếng vang, khi vào lại ngọt, hơn nữa là người có nhan sắc nên thanh niên làng nhiều anh muốn ngấp nghé. Ngày ấy nó rất mê tôi, và mẹ nó cũng bằng lòng gả nó cho tôi, nhưng tôi lại nghĩ nó là đứa con hát, không đứng đắn, quen ngay lưng, lấy về lại hầu nó nhọc nên cứ thoái thác. Tỵ đẹp hơn chị, giọng hát còn có phần trong trẻo, quyến rũ hơn. Tỵ hát một đoạn chèo trong tích Trương Viên. Mọi người lại đề nghị hát lại lần nữa. Hát xong, nó nhìn tôi tủm tỉm cười: "Em hát hai bài mà anh Song không cho em gái gì à?". Cái Miều ngồi cạnh tôi thừa lúc không ai để ý ghé sát vào tai tôi nói nhỏ: "Chú xem con mắt nó có sắc không?".
Tôi biết tính con bé này hay chọc ghẹo nên gạt đi, nhưng nó cứ bám nhằng lấy: "Cháu bảo thật đấy, nó bảo với cháu là nếu chú hỏi nó thì nó nhất định bằng lòng lấy chú". Tôi hỏi lại: "Nếu tao bằng lòng thì mày thấy thế nào?". Nó toét miệng cười: "Cũng phải bằng lòng chứ, nhưng nó lao động kém lắm, còn lười hơn con chị nó nhiều đương có nguyện vọng xin đi văn công đấy. Chú giới thiệu cho nó đi với".
Cả nhà thức cho đến lúc giao thừa. Trên đình có tiếng chiêng và tiếng trống đánh thì thùm, cung coong. Trời hơi sáng vì lửa ở các nhà, ở dọc đường hắt lên. Từ nóc các mái nhà mờ mờ bay lên những mảng sợi trắng rất xốp và nhẹ, khói hương hay sương đêm. Anh tôi lấy vôi ra vẽ bốn góc sân bốn cái cung lớn, có bốn mũi tên chĩa ra ngoài trừ ma quỷ. ở giữa vẽ một cái vòng tròn là cót thóc, chung quanh vẽ cày, bừa, cuốc, hy vọng năm tới thóc lúa đầy nhà, no ấm quanh năm.
Anh thông tin của thôn đã trèo lên cái chòi cuối xóm báo tin giao thừa, đọc thư chúc tết của Hồ Chủ tịch, của ủy ban Huyện và Xã gửi tới nhân dân. Sau đó tiếng động nhẹ dần, lắng đi rồi im hẳn. Các cánh cửa khép lại, ánh sáng thu tròn một khoảng trên bàn thờ có những sợi khói nhang uốn éo bay qua. Nhìn ra ngoài trời đen thăm thẳm và mưa xuân bắt đầu rây lất phất.
***
Chiều mồng bốn Tết, tôi từ giã gia đình, quê hương lên đường về đơn vị. Lúc nhấc ba lô lên thấy nặng gấp đôi lúc thường, mở ra không hiểu ai đã xếp lên trên lớp quần áo hai cái bánh chưng, một nửa cái giò nạc, một đĩa chè kho gói lá chuối. Tôi để cả lại chỉ mang đi có một cái bánh. Chồng cái Miều cứ đòi khoác ba lô cho tôi đến tận bến đò, anh tôi cũng đi theo tiễn chân. Vợ chồng Thâm từ sau cải cách đến nay vẫn làm nghề chở đò ngang ở sông, hôm nay đến phiên vợ chồng nó. Chồng đương ngồi ăn cơm bên kia bờ, thấy bóng tôi bỏ cơm, chèo vội sang. Tôi xuống đò, đò chèo xa anh tôi vẫn còn đứng trên bờ vẫy. Gần áp bờ thì Thâm hỏi tôi:
- Chú định ra tàu mấy giờ?
- Tàu bảy giờ.
- Chết, giờ mới có năm giờ, còn sớm chán. Để cháu chở chú đi chơi trên sông một lát.
Tôi bằng lòng để ba lô vào trong khoang, ngồi một đầu thuyền, Thâm ngồi một đầu thuyền. Nó nhìn tôi cười:
- Thế là chú nói dối cháu đấy nhá!
Tôi cũng cười:
- Bận khác về phép lâu hơn thì mới có thì giờ lo liệu chứ. Các cô làng ta cũng không dễ tính lắm đâu.
Mái chèo đập xuống nước bì bõm, nước ngoạm hai bên mạn thuyền choàm choạp. Con thuyền lờ lững khi ở giữa dòng, khi men theo phía bên đê dốc thẳng, đất lở xuống đen nâu. Xa xa những cụm tre đứng cô độc, xõa sượi, buồn bã. Khi thuyền đến chỗ ngoặt sông thì ở những mảng bè nép mình dưới chân đê đã có những đốm lửa le lói sáng.
Thâm khẽ nói:
- Để cháu chở chú lên bến trên thì đi gần được một quãng đường.
Phía làng đã khuất hẳn, nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Tôi đi đã nhiều nơi, đóng quân lại ở nhiều chỗ, phong cảnh đẹp đẽ hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và cũng có những người yêu tôi tha thiết nhưng sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cội cằn này.
Làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa nếu tôi có ngày trở về. ở miếng đất ấy tháng giêng tôi đi đốt bãi đào ổ chuột, tháng tám nước lên đánh dậm, úp cá, đơm tép, dấm cá rô, tháng chín, tháng mười đi móc con da dưới vệ sông. ở miếng đất ấy những ngày phiên chợ dì tôi lại mua cho vài cái bánh rợm, đêm nằm với chú, chú gác chân lên tôi mà lẩy Kiều, ngâm thơ, những tối liên hoan xã nghe cái Tỵ hát chèo và đôi lúc lại được ngồi nói chuyện với Cún con nhắc lại những kỷ niệm đẹp đẽ hồi thơ ấu.
Khung cảnh chung quanh tôi bắt đầu mờ dần rồi trắng xóa, sương xuống dày đặc đến không còn trông rõ cái gì nữa. Phảng phất trong không khí có thứ mùi quen thuộc, không hẳn là mùi nhang ngày Tết, cũng không phải là thứ mùi nào khác có thể gọi tên được, nó man mác, có lẽ đã lâu lắm tôi mới lại cảm thấy nó. Thôi, tôi nhớ ra rồi... đó là thứ mùi vị đặc biệt, mùi vị của quê hương...