Số lần đọc/download: 581 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
“S
ao anh không về chơi thôn Vỹ?”
(Hàn Mặc Tử)
I. Mỗi năm đều phải có Tết. Ai sinh ra chữ Tết mà lại ngụ kết nhiều ái ngại thế nhỉ? Tết về là phải dọn nhà, mua hoa, là quần áo, nấu nướng, treo lịch, sắp đặt lại bao nhiêu là thứ. “Nửa đời nhìn lại”.
Dạo xưa, lúc còn trẻ con mình thấy đời toàn những màu hồng, áo đẹp, được mừng tuổi tiền mới tinh, lúc nào cũng chỉ mong Tết. Tết của người lớn khác rồi. Đến đêm 30 mới xong việc, coi như được nghỉ ngơi, cũng coi như hết Tết. Khi yêu nhau người ta đã vô tình chuẩn bị cho sự háo hức của đêm giao thừa hôn nhân. Sáng mồng một trở dậy mới thấy đời quạnh vắng. Tiếng cassette nhè nhẹ: “Đời sao im vắng. Như đồng lúa gặt xong...”. Câu hát nghe thấm thía, xót xa. Cả ngày mồng một người ta loanh quanh ở nhà trong sự mới mẻ của thời gian, trong sự ngỡ ngàng thiêng liêng của những quan hệ mới quen thuộc vừa được cải thiện, tân trang. Những rét mướt của đời đành đứng ngoài cửa theo gió lang thang trong hiền lành và thiếp ngủ của nhân gian. Khói hương cuối năm gợi cho con người nhớ về những cánh đồng tuổi thơ, về cội nguồn... Có tiếng chuông điện thoại. “A lô...Vâng. Hảo đây ạ. Anh nhầm máy rồi. Không sao...”. Giọng nói nhẹ, nhiều thương cảm. Cái máy được đặt xuống. Những ngón tay thon, giản dị buông ra hững hờ, nghĩ ngợi. Mình ra ngoài thành phố dạy học, “gõ đầu trẻ” đã mấy năm rồi nhỉ? Làm một cô giáo dạy văn cũng có nhiều cái mệt. Nhất là lại có chút nhan sắc. Bà Huyền chẳng hiểu độ này thế nào? Nghe bảo tay chồng loăng quăng suốt. Lại thêm cờ bạc. Đời chị có nhiều chuyện đáng thương. “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Những điệp âm sáng loà ở câu sau như dắt díu nhau chạy mãi vào hút xa thời gian một kiếp người...
II. Cốc rượu có chân để trên bàn. Rượu màu nâu sáng. Khói thuốc bay lơ lửng rồi tản ra quanh phòng. Tiếng nhạc dìu dịu. Cái đầu tóc cắt ngắn đeo kính nhìn ra cửa sổ, nhìn trời mưa. Bàn tay nhấc chiếc cốc lên. Tết này là bốn Tết rồi. Những hạt mưa bụi bay lơ ngơ bám vào cửa kính. Bàn tay đặt lại chiếc cốc lên bàn. Bàn tay nâu nổi gân bật lửa. Điếu thuốc cháy lên thanh bình. Mấy bông hoa cúc vàng tươi sáng. Bây giờ hoa rất đẹp. Điếu thuốc đặt trên miệng gạt tàn. Gạt tàn bằng đất nung phủ men da lươn hình trống đồng. Gạt tàn to, tiện dụng. Những cán thuốc màu vàng chúi đầu cắm vào đó yên nghỉ sau những phút giây cháy sáng oanh liệt. Thời gian đo bằng khói, cán thuốc, tro, bụi và công việc. F.Bacon bảo rằng lạc thú của tri thức lớn hơn lạc thú của ái tình và rằng chỉ có tri thức mới giải phóng tâm trí khỏi mọi vọng động, náo nhiệt của đời sống áo cơm. Mấy tập thơ mới in của bạn bè tặng đặt trên đi-văng. Có mấy tờ báo, quyển sách mới xuất bản. Sách vở bây giờ nhiều. “Bột giặt Daso mới là hảo hạng”. Làng quê vào dịp này thật đẹp, yên tĩnh, thư thái. Những cánh đồng nhàn rỗi, thưa vắng người. Xe máy vẫn hối hả rú còi vào bình minh thành phố mỗi ngày. Bàn tay lơ đãng cầm quyển thơ lên. Trên trang đầu có dòng chữ viết tay: Thân mến tặng Huy để đọc cho vui. Văn chương hình như không phải chỉ để đọc cho vui. Bên dưới có chữ kí hùng hồn, bay bướm. Cái đầu cúi xuống rồi đứng lên ra phía cửa sổ. Trên bản đồ, sông Hồng ở phía Bắc thành phố. Phương Bắc ở phía xa kia. Cái ngày xưa ấy. Phía Tây thành phố là bây giờ. Cái tủ màu nâu đứng sát tường. Tủ để đựng cốc, đựng rượu, đựng sách... Mỗi người là một cái tủ đựng hồ sơ bí mật về cuộc đời mình. Tủ thì có nhiều kiểu. Có cái im lìm có cái hồ hởi, lộng lẫy bởi kiểu dáng và màu sắc. Khoá tủ chìm bên mép cánh như con mắt lim dim. Con mắt lim dim là đang khoái lạc hay đang tư lự? Mắt khoá như khích lệ. Tủ này, mày bảo như thế thì ra thế nào? Thế à? Ừ nhỉ. Kẻ đó bệnh hoạn, đố kị lắm à? Trên màn hình computer có chữ Ngày Tết. Tết đến rồi ư? Có nên gọi điện thoại không? Những người nhỏ nhen cho rằng chủ động gọi điện thoại là lép vế, hạ mình. Người nói điện thoại bao giờ cũng cúi xuống đất; còn nói di động lại ngẩng lên trời. Vì sao? Cứ ngẩng lên trời thế nhỡ mưa ướt mặt thì làm thế nào? Giống như cuộc đời, trong văn chương con người cũng phải có nói năng, bàn tán mà lí luận văn học gọi là ngôn ngữ nhân vật. Phụ nữ thường nói những chuyện gì với nhau nhỉ? Cái này phải “hư cấu” đây.
III. “Người về soi bóng mình, Trên tường trắng lặng câm...”. Có tiếng chuông điện thoại. Âm lượng cassette nhỏ dần lại. Bàn tay thon hồng lên vì nước lạnh nhấc máy. Tiếng chuông gắt gỏng ngưng bặt. “Vâng... Vâng... Vâng ạ. Anh đang viết à?”. Có tiếng thở dài. Mái tóc dài rủ xuống như tranh lụa một thiếu nữ đang gội đầu. Phải vặn bé cái chuông điện thoại lại mới được. Cứ chuông là giật mình. Một gương mặt xinh đẹp in trên sàn nhà đang lau ướt nước. Gương mặt đó dừng lại tự quan sát, nhìn ngắm. Đôi mắt to, đen, đẹp, im lìm. Con người trên mặt đất này cứ phải cắm mặt xuống mà làm lụng, mà kiếm sống, mà sửa sang. Quần áo là một thứ phải sửa sang quan trọng nhất nhưng cũng mệt mỏi và dễ gây chóng mặt, ngán ngẩm nhất. Mưa xuân dai dẳng. Những hạt mưa mang cái lạnh thấm thía. Có tiếng gõ cửa. “Ôi, Phương, vào đây!”. “Hảo... Tao đang chán. Lão bỏ đi rồi”. “Mày yêu nhiều quá...”. “Sinh ra là đàn bà dẫu làm bà gì thì vẫn là một định mệnh. Niềm vui chả có bao nhiêu chỉ thấy buồn khổ, lo âu, tuy chẳng phải là lo lớn. Phúc họa nấp trong cái đẹp. Mười anh đàn ông thì có đến chín phẩy chín anh chạy theo nó. Lão theo con thư kí vào Nam”. “Chả làm gì được... Mày vẫn làm báo à?”. “Đàn ông chạy theo cái Đẹp là để bù lỗ cho khiếm khuyết bản thân của họ và để hãnh diện”. “Kết hôn với đạo đức thì cũng tốt. Nhưng đấy là lúc về già”. “Sống với nhau, đàn bà bao giờ cũng là mẹ của đàn ông. Lo ăn, lo ngủ, lo đủ thứ... Càng yêu tao càng thấy chán. Chưa kịp quen đã chực vồ ngay lấy mình. Tầm thường khủng khiếp. Có mỗi mình, mày dọn nhà làm gì cho mệt?”. “Thực ra, làm đàn ông cũng chẳng sung sướng. Sự lo của họ là lo lớn”. “Tình yêu chỉ là giai đoạn ban đầu mang tính chất phụ gia. Hôn nhân là phía sau cánh gà của tình yêu. Vấn đề lưu truyền nòi giống là tất yếu. Trước đây lúc nào lão cũng hi ha hi hóp làm tao mệt lử cả người. Đàn ông chả biết sạch biết bẩn là cái gì cả. Những hoạt động bên ngoài của họ là để khoả lấp sự cô đơn, yếu ớt, chóng chán. Phải yếu ớt mới cần sự ồn ào. Cuộc vui nào rồi cũng phải chấm dứt. Bà Huyền độ này thế nào? Thôi, cho qua đi. Lão còn gọi điện tán mày nữa không? Với lại, dẫu gì bà ấy cũng là chị”. “Ừ... Mưa. Lạnh nhỉ...”. “Hai vợ chồng con Thoa thằng Toàn cứ như trẻ con. Đến nẫu ruột. Chúng nó tra từ điển để cãi nhau. Con vợ nấu ăn không ngon. Thằng chồng tủm tỉm chê bảo quyển sách dạy nấu ăn đó sai chính tả. Con Thoa cãi bảo không sai. Thế là loạn nhà. Con bé con ngồi dưới sàn nhà sợ khóc ầm lên. Thằng chồng cáu thấy chân lý của mình bị lung lay mới lôi từ điển ra tra rồi còn vẽ cả sơ đồ tư duy của vợ lên bảng bảo cách nghĩ của vợ là ngô nghê, lôi thôi. Đố kị, nhỏ nhen đến thế thì cũng lạ. Vợ chồng chúng nó thật như địa ngục”. “Được bà mẹ chồng cũng thương nó. Cũng chẳng có đôi nào yên ấm thật sự...”. “Mày mua vải này ở đâu trông cũng được đấy. Có đắt không? Chàng tặng à? Cái váy hôm nọ mày khen tao quẳng vào sọt rác rồi”. Những mơ mộng của một thời thiếu nữ vô lo đã tan biến từ lúc nào chả biết nữa. Lấy chồng như đi vào lễ hiến sinh tự nguyện. Chỉ mới mẻ lúc yêu nhau. Sau đó là nghĩa vụ, thói quen. Mọi nổi loạn trong hôn nhân ở xứ ta vẫn còn xa lạ. “Gái chê chồng không chứng nọ cũng tật kia”. “Hôn nhân là bệnh viện của tình yêu”. Chuyện bà Huyền khiến mình ngại. Bà ấy tốt chỉ tội yếu đuối. Thôi, đành vậy. Ai rồi cũng phải thế. “Mày nghĩ gì thế? Chán nghe rồi hả. Thôi tao về...”. Cánh cửa được khép lại.
IV. Những ngón tay nâu gõ nhanh trên bàn phím. Rồi dừng lại. Cái đầu cúi xuống, lại ngẩng lên. “Cánh cửa được khép lại”. Câu này hững hờ, bị động, thiếu vắng tác nhân. Mỗi căn nhà là một thế giới riêng tư. Trong thế giới đó đồ đạc đã nói thay sự thiếu vắng chủ nhân. Balzac kĩ lưỡng bảo: “Trước khi con người xuất hiện, các đồ vật đã nói hết về họ”. Nhà văn hình như là người bắt buộc phải gắn bó với thế giới của mình nhiều nhất mà lại cũng hình như “thiếu vắng” nhất. Mỗi truyện ngắn là một mảnh đời sống. Giả Bình Ao bảo rằng chữ Tàu “nhà văn” đọc lên cùng âm với “ngồi nhà”; còn “Tác hiệp” nghĩa là “Hội nhà văn” đọc lên lại cùng âm với “đóng giày”. Một bà già láng giềng với nhà văn chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao mới tặc lưỡi: Ồ, thì ra là anh “làm giày”! Ấy thế! Viết thì cũng cặm cụi, gù lưng như anh đóng giày thôi. Một công việc khốn khổ, nhọc nhằn, cả cô đơn nữa. Nhưng ngồi nhà cũng có cái thú, cái thích. Suy nghĩ, đọc sách, rồi viết được cái gì thì viết. Nói vu vơ một tiếng. Lại cười thầm một tiếng. Rồi đi thổi cơm, quét nhà, rửa ấm chén, tiện tay thì lấy quần áo trong máy ra phơi cho đỡ “nhàn cư...”. Tú Xương thác lời cho vợ đếm luôn cả chồng. Chồng cũng là một thứ con dại vẫn phải nuôi cùng với năm đứa kia. Sách để ở tầm với, đèn đặt đầu giường, tắt bật tùy nghi. Đã lâu không có tin nàng. Xa mặt cách lòng. “Đi qua khu nhà em / Thấy mùa xuân còn đó / Đường rộng nào em đi / Đoá hồng nào trên tay...”. Em có hạnh phúc không? Victor Hugo gọi con gái của Thénardier là “Bông hồng trong nghèo đói”. Những người khốn khổ khổ trong tình đời. Chuyện đàn ông đàn bà lúc nào chả động đậy trong đầu mọi người. “Nam động thì cứng, nữ động thì mở”. Automatique. Chuyện này đã nói một lần rồi, bây giờ không nói nữa. Ra đến ngoài là tai nạn. Mỗi gặp gỡ là một tai nạn. Bây giờ xe cộ đi lại ghê quá. Gặp nhau rồi gần nhau. Gần nhau rồi thì phát sinh tình cảm. Có tình vui, có tình buồn. Cái sau nhiều hơn. Người đời cũng chóng quên. Làm gì có yêu đến một nghìn lần. Nói thế là để nhớ mà trấn át sự quên. Yêu thì không đếm; đếm thì không yêu. Yêu là tình; đếm là tính. Tình tính tang, tang tính tình... Cuộc đời như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao, như bóng đèn, như... phích nước! Cuộc đời là gì? Áo, cơm, danh vọng, địa vị, sức khoẻ, tăm tiếng? Có ông chơi xổ số trúng cái xe Dreame, được cả làng cả họ đến mừng, xong việc là tan xe, lại còn thêm nợ, thêm lục đục. Danh tiếng nào mà chả mang nợ, chả lục đục?
Người ta có hai con người, ở nhà chểnh mảng, ra ngoài thiết tha. Tha thiết với của chẳng quen. Người Tàu bảo vợ chồng phải kính nhau như khách cũng có lí. Để không chểnh mảng, cũng chẳng còn thiết tha. Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng nói: “Đàn bà là nước. Đàn ông là bùn”. Nước trộn với bùn thì nhão nhoét ra, chả còn hình thù gì. Muốn còn hình thù thì phải ngay ngắn, chính đính, phải kính đấy. Hôn nhân làm hao mòn sức lực, làm con người trở nên mệt mỏi, vỡ mộng với tình yêu. Ở xứ nóng sự mệt mỏi dễ gây gắt gỏng. Nhưng vì đã trót bước vào rồi nên người Tàu mới nghĩ ra nhiều cách kính để nhắn nhủ thiên hạ đừng gắt gỏng với nhau. “Môn thể thao ưa thích nhất của phụ nữ là đi chợ”. Cô nào hay ăn quà vặt cũng hay ngoại tình. “Tình là tình nhiều khi không mà có...”.
V. Nhân vật của chúng ta cũng hay nghĩ ngợi. Bây giờ Hảo chỉ còn một mình nên nàng độc thoại triền miên. Như chúng ta đã biết, dòng suy nghĩ của con người lúc thì nhanh như dòng điện, lúc lại nhẩn nha, phẳng lặng như dòng sông thu quạnh vắng. Lúc khác nó lại ngổn ngang, rối bời, lộn xộn chả thể nào kiểm soát được. Người kể chuyện thấy là cứ nên “thành thật” ghi tốc kí tất cả những ý nghĩ của Hảo ra để bạn đọc cùng tham khảo. Vả chăng, lí luận văn học cũng hay gọi nhân vật là “đứa con tinh thần” của nhà văn. Mà đã là con cái thì cha mẹ nào không hiểu rõ tính tình? Chúng tôi thấy dòng tâm tư của nhân vật trung tâm rất đáng quý và trân trọng vì những day dứt nhân sinh. Tình yêu, hạnh phúc, lẽ đời trái phải, những khổ đau, những phấn đấu, kể cả những bi hài kịch... của con người hiện đại nằm trong lẽ nhân sinh đó. Không hiếm trường hợp người đàn bà đã đẹp lại còn thông minh và cả chủ quan nữa. Tạo hoá đôi khi cũng không công bằng.
*
Sao hôn nhân lại được mệnh danh là “bệnh viện của tình yêu” nhỉ? Thế tình yêu bị ốm à hay bị tai nạn giao thông? Hôn nhân mà là bệnh viện của tình yêu thế hoá ra gia đình là bệnh viện miên viễn ư? Bệnh viện đa khoa, bệnh viện nhi khoa hay bệnh viện tâm thần? Thế trong bệnh viện ấy người ta chữa cái gì, giải phẫu cái gì, khâu lại cái gì?
Suốt đời con người phải sống trong bệnh viện thì khi xuất viện, đi đâu? Sự nhàm chán và thói quen là hai con bệnh trầm kha nhất của gia đình nhân loại.
Có chuyện một ông đi thi lấy bằng xe máy. Cảnh sát mới hỏi: “Từ khi đi xe đã bao giờ anh bị va quệt hay tai nạn gì chưa?”. Đáp: “Có lần tôi cho một cô gái quá giang. Bây giờ cô ấy là vợ tôi. Chả biết đấy có phải là tai nạn không”. Thế thì đích thị tình yêu bị tai nạn giao thông rồi mới phải vào bệnh viện hôn nhân.
Thực ra hạnh phúc là gì nhỉ? Đấu tranh là việc của đàn ông thôi. Hạnh phúc với phụ nữ có lẽ là cứ có chồng, có con cho giống mọi người cái đã. Nhà mới lau lại bẩn rồi. Phải luôn luôn lau rửa lại những đồ đạc đã cũ rất mệt. Chậu hoa để thế này đã được chưa nhỉ? Thôi, tạm thế. Cái gì cũng cầu toàn cả chả được đâu. Phương là một đứa tốt mà chả mấy gặp may. Hình như có nhà văn nước ngoài bảo rằng cuộc kinh doanh vĩ đại nhất của người đàn bà là lấy chồng. Chán quá đi mất. Mình lóng ngóng thế này thì kinh doanh làm sao. Hình như ai cũng lạc loài ở một góc độ nào đó. Tí nữa phải đi lấy mấy cái bánh chưng đặt mới được. Có hoa đào, có bánh chưng thì mới ra Tết. Nào có ai ăn giúp cho đâu. Cũng nên mua một chai rượu Tây. Làm một nồi cá kho khô với riềng là hay nhất. Một ngày bây giờ người ta đi bao nhiêu cây số trong nhà, nói bao nhiêu câu nhàm cũ, gây ra bao tiếng ồn ở cơ quan. Thông tin lần đầu thì mới lạ, lần thứ hai đã nhàm cũ, đến lần thứ ba trở đi thì chỉ còn là tiếng ồn. Đàn ông dạy cùng chỗ mình hình như chẳng phải đàn ông. Đôi mắt đen, im lìm dừng lại trên một trang sách. “Đàn ông lúc nào cũng muốn, nhưng không phải lúc nào cũng được. Đàn bà lúc nào cũng được, nhưng không phải lúc nào cũng muốn”. Sự đáo để xuân sắc mà làm gì. Cuộc đời hoá ra chẳng vô biên, thời gian hoá ra chẳng vô tận. Trang sách mở thở than và nghĩ ngợi. Mâm Gia tiên, Thần linh đặt thế này là được rồi. Chân hương năm cũ để đến Giao thừa hoá một thể. Bánh chưng tí nữa lấy, ngũ quả đã bày, cơm cúng xới rồi... Năm nay mình xin gì nhỉ? Ngày xưa mẹ dạy: “Con chắp tay xin Thần linh, Ông Bà cho con chóng lớn, học giỏi đi”. Trong không khí linh thiêng toả hương trầm ngào ngạt, con bé là Hảo lẫm chẫm ngày xưa chắp đôi bàn tay bé xíu, đỏ hồng đứng bên mẹ lẩm nhẩm những điều như thế. Mẹ thương Hảo ôm vào lòng, mừng tuổi cho Hảo những đồng tiền mới tinh. Năm ấy còn pháo. Pháo nổ rộ vào đêm Giao thừa như hùng hồn đáp lại, gom gộp tất cả những tiếng lẹt đẹt từ mấy hôm trước. Hảo nhớ chiếc áo mới ngày Tết, Hảo nhớ những đồng tiền mới sột soạt... Những kỉ niệm đầu đời chẳng thể nào quên được. Tuổi người, đã có mấy lần tinh khôi, nguyên chất như thế? Hảo khóc. Sao chị lại nỡ cư xử thế? Một nhà văn đã cho rằng đời người chẳng khác gì đường mòn, những năm đầu đời có bao nhiêu là chuyện phong phú, sau rồi cứ đơn điệu, phẳng phiu dần đi, chẳng thêm được gì. Bây giờ biết ước gì, xin gì?
Cành đào thế năm nay đẹp. Gốc to. Cành vươn rủ ra thắp sáng những nụ phớt hồng như mời gọi mùa xuân về. Dáng đẹp tự nhiên mà không uốn éo quá. Chị bán hàng thực thà độ năm mươi cứ xưng em với mình. Khổ lắm. Đời vừa trong trẻo vừa đục ngầu những trục lợi, xun xoe. Quanh năm mưa nắng bên gốc đào, cuối năm ngọt ngào chào mời mới bán được vài chục nghìn. Đời còn khốn khó áo cơm, đứng bán hàng với gió mưa nhợt cả môi cười. Thấm gì đâu... “Chị cứ mua đi. Cây đào của em năm nay lắm lộc lắm đấy. Đảm bảo với chị, anh và các cháu ở nhà tha hồ phấn khởi”. Một nụ cười chua chát. Trả tiền. Gọi xích-lô... Mưa bụi... Những chân người bùn đất... Những gương mặt ướt bết tóc... Huyên náo và hiu quạnh.
VI. Trích thư: “Hảo em, Tết về ở trong này vẫn nắng đẹp. Mọi người tưng bừng sắm sửa. Anh chị vẫn khoẻ. Sắp nhỏ luôn nhắc đến dì Hảo. Việc ngày xưa đã qua lâu rồi chị không muốn nhớ lại nữa. Đôi lúc chị thấy ân hận vô cùng. Hạnh phúc không phải cứ giằng giật là có được. Nhất là đàn bà chúng mình. Anh chị luôn trân trọng em. Anh chị đã chuẩn bị quà mừng cưới cho em. Chỉ cần em điện vào là anh chị và các cháu bay ra. Cầu mong ngày đêm sẽ tới ngày đó với em...
Tái bút: Đã lâu quá em không vào chơi. Dạy và đọc vừa thôi. Tuổi xuân có thì. Nhớ có tin gì cho anh chị biết ngay. À quên, sau Tết nếu em có về quê tảo mộ bà nhớ sửa sang mộ và thắp giùm anh chị vài nén nhang nhé.
Thương em,
Chị Huyền”.
VII. Thực ra, tên nhân vật cũng chẳng có gì quan trọng lắm. Đừng “phản diện”, chói chang quá là được. Chốc nữa phải gọi điện hỏi ý kiến Hảo xem thế nào. Đàn bà họ tinh tai hơn chúng ta. Cái đầu đeo kính trắng tóc cắt ngắn mơ màng. Sự hồn nhiên của đời sống bao giờ cũng giản dị, hài hoà. Đời sống không cần đến sự bày biện, xa sỉ. Nó là trường sinh so với một cá nhân đơn lẻ. Mỗi cái tên là một kí hiệu, một số phận. Biết được sự hữu hạn của sinh tồn, mỗi số phận cần phải sống với đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cũng coi như đã sống với sự giản dị và hài hòa của cuộc sống. Có một chữ Hòa viết Nho mực Tàu trên vuông giấy đỏ dán ở tường. Màu ấm cúng. Điếu thuốc cháy lên hoang dại, vẩn vơ. Thôi tạm kết thúc Ngày Tết ở đây. Lời kết sẽ có cả cảnh, cả tình, cả thời gian đậm đà thế này: “Trời chiều trở lạnh, mây nhiều, mưa phùn ẩm ướt. Còn mấy trăm ngày nữa là sang thế kỉ hai mốt. Người ấy năm nay còn đón Tết? Bàn tay cầm con chuột dò dẫm, ngập ngừng. Con trỏ chạy lên File. Exit? Yes”.