Số lần đọc/download: 2698 / 29
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
C
õi đất hoang cuối làng Hạ ngay bên bãi tha ma. Chỗ đất trống ấy bỏ um tùm vì nhà nào có mồ mả cũng không muốn để sát vào luỹ tre bên xóm có người ở trong. Chỗ này mọc lên những bụi cây ké, cây lá cối xay, cây dướng và bụi lau. Đôi khi, con trâu đi qua quơ mõm chẳng có cỏ rả nhai được, lại lảng ra.
Thế mà vẫn có người ở. Chỗ tận cùng nào chẳng có người ở. Nhưng trong làng không bao giờ coi đấy là xóm, là ngõ, kẻ đến kẻ đi không biết thế nào. Chỉ những người lưu lạc đến đây ngụ cư, trai tráng không có tên trong sổ đinh, không được đóng hàng giáp. Thằng mõ làng còn được chia phần ngồi một mình ngoài cửa, chứ người ngụ cư thì chưa được bằng cu mõ. Ấy thế nhưng hàng năm khi nước sông Cái lên to, trên phủ sức về lấy đinh đi hộ đê thì ông phó lý lại tróc đến cái xóm hoang này. Mày đến nương nhờ đây, mày uống nước giếng đầu làng đây thì mày phải làm thân con lừa cõng việc quan sai. Lão ta trôi giạt đến bãi hoang từ bao giờ. Người ta gọi lão là lão, tên lão là lão hay đấy là cái tiếng để gọi người già mà lão già từ khi nào lão cũng không nhớ.
Chẳng mấy lúc đã đến ba mươi tháng chạp. Phiên chợ áp Tết, tiếng à à chợ búa nháo nhác đằng cây đa bên kia cánh đồng đã vang động từ sớm. Tiếng vịt cạc cạc, tiếng bò rống, tiếng người chửi nhau... Có xào xạc thế mới ra ngày chợ vét. Bởi vì sớm mai đã mùng một năm mới rồi. Ai dư dả tiền thì chúng họ thong dong đi sắm sửa từ những ngày chợ trong năm. Phiên chợ này của người cố cùng mới chạy được vài tiền, vội nhoáng nhoáng đi vơ cút rượu, thẻ hương, miếng thịt lợn cúng, lẻ gạo nếp... Lão cũng chẳng đào đâu ra đồng nào mà mó đến những thứ sắm sửa ấy. Lão chẳng màng đến phiên chợ. Cái Tết, lại cái Tết, rồi lại cái Tết, những tết nhất thờ Ơ qua đi.
Khốn khổ, ấy thế mà lão, chỉ có lão, lão thuộc tất cả ruộng lúa, ruộng màu, ruộng đồng cao, đồng xa của mọi nhà trong làng. Bởi vì lão quanh năm đi làm thuê đã cày bừa tát nước tháo nước nhẵn các mặt ruộng.
Bây giờ thì lão đi cuốc. Ruộng trồng màu phải cuốc mới kỹ được đất. Để cắm dây khoai lang, khoai nghệ, lại cải thìa.., lắm giống mới quá. Ruộng huệ hoa trắng lôm lốp như đứa chít khăn đại tang. Chúng nó hoá rồ đến nơi, trồng các cái ăn cái uống linh tinh. Chẳng bận đến lão. Lão chỉ biết bổ nhát cuốc, lão mong được có việc làm suốt giêng hai. Nhưng đến năm cùng tháng tận thế này thì cũng chẳng nhà nào còn mướn cuốc ruộng nữa. Lão không làm dối, mà có lẽ bởi lão cuốc chậm. Cái già đã hất miếng cơm của lão. Nhưng chẳng cần, lão có việc khác, lão ối việc, có người thì có việc. Nhà kia gọi sửa bờ rào, đóng cổng ngăn, đào cái rãnh tát nước dưới ao, lại đánh gộc tre và không đi làm thì lão đi đặt đó, đánh lờ, kéo vó tôm, câu ếch, lão không đi chợ, nhưng thấy người ta đi chợ Tết thì lão cũng nghĩ có khi ta nên đi chợ đong lẻ gạo nếp, mua thẻ hương, khốn khó đến thế nào thì cũng phải lo nhớ đến các cụ. Nhưng chỉ nghĩ chứ chưa Tết nào lão đong được bát gạo, mua được thẻ hương, rồi cái nghĩ nhạt dần, rồi thôi, mà cứ mùng một Tết, lão múc bát nước mưa đem vào đặt lên hòn gạch ông đồ rau trong bếp cúng ông vải và vua bếp, lão cúng chay.
Ờ thì cũng phải đi chợ một cái xem làng nước họ chợ búa ra sao. Cái phiên chợ chửi nhau, đánh nhau, cướp giật của nhau cũng vui mắt đấy. Vẫn còn hàng lá dong, lạt giang bởi vì cũng chẳng thiếu nhà tối ba mươi mới luộc được đôi bánh chưng. Bác hàng dừa bày lên mặt gánh một đống gáo dừa có chuôi cả sọ, có cái đã đẽo thành muôi, chỉ một chốc đã bán hết nhẵn. Thiên hạ mua gáo, mua muôi làm gì mà đổ xô vào thế. Tết nhất lắm thứ phải đong, phải múc, phải khảo chăng. Có đứa bảo sọ dừa già gọt làm quân xóc đĩa còn nảy rền trong bát hơn quân vỏ diêm. Chẳng biết thế nào, chỉ biết vào những tháng củ mật tháng ăn chơi thế này thì đâu cũng có đám thò lò, đám xóc đĩa.
Dãy hàng tranh lơ thơ chỉ còn mớ tranh tiền rẻ nhất. Tờ giấy hồng điều đỏ khé in từng chuỗi hình mười đồng tiền. Một chinh Khải Định được lấy mười tờ tranh tiền.
Có năm lão đã mua chơi tranh tiền. Lão dán các cột lều, ngoài cửa, trong bếp. Để bói xem năm mới có tiền vào nhà không. Nhưng không khi nào có tiền vào nhà, cũng không có tiền đội nón ra đi, chẳng thấy gì cả.
Lão vào bãi bán trâu bò. Lúc nãy chắc có nhiều trâu, nhiều bò, bởi cái bãi lầy bùn còn in vết móng trâu, lại lắt nhắt móng dê hay móng chó. Lúc này thì chợ trâu bò vắng tanh, chỉ còn mỗi một người mổ bò thuê đương cọ mấy con dao trong cái xảo thả dưới ao làng. Trong cái xảo còn có bốn cái móng bò đen gồ ghề nổi lơ lửng trên mặt nước.
Lão nói:
- Này đằng ấy cho tớ bốn cái móng bò nhé. Tớ xin cái móng chứ không xin cái vó đâu!
Bác đồ tể mặt còn đỏ lựng. Dáng hẳn lúc nãy vừa mổ, vừa xả thịt vừa nốc rượu. Bác đồ tể nói to:
- Có cái bong bóng nữa. Định đem vứt cho chó gặm, người có tết thì cũng phải cho chó cái tết chứ. Lão giơ hai tay như can đôi bên đánh nhau. Ấy chết. Ấy chết, đừng phí của giời. Cái móng bò ninh lên cũng được nồi nước xuýt. Cái bong bóng thì đem phơi nắng may ra bán cho con mẹ hàng rượu. Một đống tiền cả đấy. Ông ơi!
Người đồ tê cười hề hề:
- Ờ thì cái bong bóng để đấy chốc nữa bán cho con mẹ buôn rượu. Còn cho bố cầm cái guốc bò này về, của thằng con rể sêu tết đấy nhé.
Câu tán dại đâm ra mất cái bong bóng. Phải mau mau kẻo nó không cho cái móng bò nữa thì có mà ăn mày. Lão vơ đâu được cái giỏ mất hom, nhét cả bốn cái móng bò còn dính lầy nhầy lông và bùn lấm. Rồi tất tả đi ngay.
Ra khỏi chợ, lão nhìn lại cài giỏ móng bò mới thực yên tâm. Chẳng có đồng mốc nào, đi chợ cũng được những thứ này. Cái xương, cái móng cứ đun mãi tất phải ra sụn ra nước xuýt. Thế là có tết rồi.
Đến cái quán giữa đồng, lão ngồi buộc lại giỏ. Bà hàng nước đã nghỉ dọn hàng quán trống gió thổi ào ào vào lều. Lão trói vào lại tháo ra, lại cầm từng cái móng bò lên ngắm, ngắm chán rồi lại đâm nghĩ ngợi lấn thẩn. Khốn nạn thân ông, cái móng bò không phải là cái vó bò, cái vó bò thái ra chấm tương gừng, nhai rau ráu, cái móng thì... thôi thôi ông cứ đắp bùn hầm cho mấy ngày mấy đêm thì đến sừng trâu móng trâu cũng phải chảy ra nước xuýt. Thuở xưa thằng vua còn ninh mầm đá ra ăn cơ mà...
Ngoài ruộng, một đàn quạ khoang xúm xít trên một luống đất cày ải. Bọn chim chóc trộm ngày này đương chơi trò tranh nhau cái gì đây. Lũ quạ thoáng thấy người ra bay rào rào lên, lão trông thấy trong luống đất một chiếc bong bóng lợn, à mà không phải bong bóng lợn cái bong bóng trâu mới to ngồn ngộn lên thế. Không biết bọn quạ tha ở đâu về hay là đứa nào ném ra đây.
Thằng mổ bò kia không cho ông thì ông cũng được giời cho, giời cho ông cái bong bóng trâu còn to bằng mấy cái bong bóng bò. Thật là của giời cho.
Những con quạ chết đói lại táp xuống. Có con nhảy vào mổ cái bong bóng. Có con táo tợn đậu xuống vai ông lão, như toan quào vào mặt cái thằng người đến cướp cơm của nhà quạ. Những những con quạ khoang địch sao được lão ông mà túm được con nào thì ông cũng cho chúng mày vào nồi tất. Tết này ông ăn tết thịt bò ông ăn thịt quạ. Lập tức, lão huơ tay lên. Những con quạ khôn ngoan đã đọc được cơn giận nổi đùng đùng trên mặt lão. Cả lũ bay biến đi. Thế là lão nhặt cái bong bóng nhét vào giỏ. Lão nhổ cái cỏ xước tết làm lạt buộc những cái móng bò xách một bên tay.
Lão chợt lắng tai. Tiếng chuột kêu chí chí ở góc tường đất. Không phải tiếng chuột nhắt đuổi nhau. Hình như tiếng chuột nhút nhít mới đẻ chưa mở mắt, đương chen nhau trong ổ, lão rón chân bước lại. Lão nhấc hòn gạch vồ.
Một ổ chuột tý nhau lúc nhúc đỏ hon hỏn. Con chuột mẹ nằm giữa chưa kịp ngoái đầu lên, bàn tay lão đã chít cổ lôi ra. Con chuột mẹ giãy được mấy cái, tắc thở. Thế là cả chuột mẹ chuột con lão dốc tuột vào giỏ. Đã có thịt bò, lại thêm thịt chuột, được quá
Lão về đến những túp lều cái xóm người ngụ cư. Cái lều của lão như đống rạ lởm chởm. Gió rét ngăn ngắt. Tự dưng, lão lẩm bẩm một câu bơ vơ: "À à thế này mới là Tết" lão đương hả hê ta đây. Mấy cái lều ở ngoài chưa thấy hơi hướng ai về. Gió thổi kẽo kẹt như có ma ở các ngôi mộ đằng kia lên đánh đu trên bụi tre.
Người ta đi đâu, lão không biết, lão cũng chẳng để ý Chúng nó trốn tết hay chạy tết, có khi kéo nhau bỏ đi luôn cũng nên. Ở ngoài tha ma có nhà nào đi sửa mộ cuối năm. Gió tạt vào mùi hăng hắc hương đám ma. Nhưng trong đầu lão chỉ đương có những cái mừng. Nước xuýt luộc bò, cho thêm cái bong bóng này vào thì ngon ngọt đứt đuôi rồi. Lại còn xó rượu đấy, rượu nhắm với thịt chuột bao tử nướng.
Lão đã tưởng ra tiếng pháo xa xa, tiếng trống đình, tiếng chuông chùa nối lên. Ba ngày tết qua rồi, đã có người gọi hẹn mừng tuổi lão từ trong năm, mùng bốn vào dọn vườn động thổ. Hôm ấy thì được chén tuỷ luý thẳng thừng rồi.
Lão nhìn cái bờ rào cúc tần. Để những thức ăn sống sít này chỗ cao ráo cho khỏi con kiến bò vào, không khéo thì có khi cả con chó đến ngoạm mất. Nhìn trước nhìn sau, rồi lão gài cái giỏ chuột vào hốc thân cây dướng. Bốn cái móng bò và cái bong bóng trâu thì treo trên cành cây dường ở ngay cửa lều, trông ra thấy ngay.
Lão vào bếp thổi lửa, vơ mấy cái que củi đốt sưởi rồi ngả người xuống ổ rơm.
Lão cứ nghĩ vơ vẩn toàn những cái vui, tưởng như vừa được một buổi sắm sửa bận rộn rồi lại đã cơm no rượu say ngoài chợ. Hai con mắt lão gà gà díp lại trong tiếng pháo lạch tạch đâu đây.
Lão chợp mắt một lúc. Tiếng gió lùa rào rạt trong vòm trời âm u, trở dậy không biết sắp tối hay còn ban ngày. Lão ngồi dậy lò dò ra đem các thứ vào bếp.
Trong hốc cây dướng để cái giỏ chuột. Bốn cái móng bò, cái bong bóng trâu thì treo trên. Nhưng chẳng thấy các thứ ấy đâu cả. Đứa nào đã thón mất. Hay con cầy, con cáo tha rồi.
Lão nhìn quanh xem như còn có cái gì rơi xuống đất. Không thấy. Lão đứng tần ngần, cũng chẳng nghĩ ngợi ra sao.