There is a temperate zone in the mind, between luxurious indolence and exacting work; and it is to this region, just between laziness and labor, that summer reading belongs.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 674 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ột buổi sáng, còn chưa ngủ dậy, tôi đã nghe gió thổi ào ào ngoài cửa sổ. Có lẽ vì có gió nên không gian trở nên lành lạnh, kéo giấc ngủ sâu hơn.
Gió vẫn thổi ào ào như thúc giục, như mời gọi. Chợt nhớ sáng phải đưa bố đến thăm người bạn thân của ông, tôi trở dậy. Mở toang cửa sổ, như chỉ chờ có thế, gió ào vào phòng, chạm vào tất cả mọi thứ. Sao hôm nay gió lớn vậy trời!
Bước xuống nhà, đã thấy bố tôi đang ngồi nhìn đăm đăm ra ngoài sân. Sân ngập tràn gió và lá vàng của cây dâu da xoan lớn cuộn thành đống ở góc sân. Lá vàng rụng nhiều nghĩa là thu đã đến. Mùa thu đã đến rồi sao? Lại một mùa thu nữa đến rồi sao?
- Bố! Hôm nay nhiều gió quá bố nhỉ?
- Ừ! Hôm nay không đến nhà bác Mậu nữa. Ta ra đồng đi.
- Ơ, ngoài đồng gió to lắm bố ạ. Bố đang yếu mà.
- Không sao. Ra đồng câu con cá về nấu canh chua. Câu cho vui ấy mà.
Nhớ lời dặn của bác sĩ: “Bố cháu muốn gì thì cố chiều lòng”. Tôi khịt khịt mũi, cố xua đuổi một giọt nước mắt đang sắp trào ra. Lui cui chọn cho bố bộ quần áo có thể giảm bớt cái lạnh của ngày gió lớn. Mẹ xuýt xoa:
- Gió to thế này, hay là ông quàng thêm cái khăn mỏng này vào.
- Ô hay, bà này lạ nhỉ? Trời hôm nay dự báo nóng 30 độ C mà bà bắt tôi quàng khăn.
- Nhưng ngoài đồng gió to lắm. Nhỡ sao thì…
Bố mỉm cười, tỏ vẻ cảm thông cho nỗi lo lắng của người bạn đã 30 năm chung sống.
- Được rồi. Bà đưa đây nào.
Tôi chở bố ra cánh đồng. Vừa qua cơn lũ. Những ruộng lúa đã mượt xanh, sắp trổ đòng. Giữa cánh đồng là ao cá hơn một mẫu của bác tôi. Mặt ao đang nổi sóng. Sóng vỗ bờ oàm oạp. Bác lật đật chạy ra đỡ lấy bàn tay gầy yếu của bố tôi mà xuýt xoa:
- Chết, chết. Gió to thế này, cậu ra đây làm gì chứ?
- Em ra xin chị con cá.
- Cậu muốn, tôi mang vào cho cậu, chứ ra đây làm gì.
Tôi đứng trên chiếc cầu tre nhỏ bắc từ bờ ra chòi cá giữa ao, nghe bác tâm tình với người em trai đau yếu. Bác rầy la vậy thôi, chứ bác biết bố tôi nhớ gió. Nhớ tiếng sóng nước vỗ bờ cỏ, nhớ cái thênh thang của đất trời.
… Nồi canh cá dọn ngay trên chiếc lều ven bờ ao. Bố quay sang tôi cười mủm mỉm:
- Ly rót cho bố chén rượu đi.
Tôi hơi nhăn mặt, không đồng tình.
- Bố còn sống được bao lâu nữa, mày tiếc gì bố chén rượu. Tôi nhìn bác. Thấy mắt bác đã rơm rớm nước.
- Cậu có chết cũng không bỏ được rượu – Rồi như không thể kìm lòng hơn nữa bác khóc tu tu. Bố đỡ chén rượu từ tay tôi rồi thủng thẳng: - “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử. Chị buồn làm gì. Ly, con cũng uống một chén đi”.
Tôi rót cho mình một chén, cho bác một chén rồi cụng ly. Rượu cay nồng trong miệng. Sống mũi cay xè, tôi chống chế – rượu đắng quá bố ạ.
Bố lại cười tủm tỉm, mắt lại nhìn xa xăm…
Tôi biết uống rượu đã lâu rồi. Từ khi tôi hai mươi tuổi. Nhưng ngụm rượu đầu tiên tôi uống chính là bố đã dạy. Thực ra, hôm đó bố say rượu, bảo tôi và em trai uống.
Sợ bố mắng, hai chị em nhắm mắt nhắm mũi uống một chút thứ nước cay nồng mà bố và mọi người ai cũng đã uống. Vì chuyện đó mà mẹ tôi giận bố cả tháng trời. Tôi không giận.
Dù sao thì chỉ lúc bố say mới dữ dằn như vậy. Cũng may, tâm hồn tôi mạnh mẽ, chẳng dễ gì bị tổn thương. Tôi lại luôn biết tìm cách cảm thông cho những việc làm của người khác.
Tôi nhớ lần đầu tiên cắt tóc con trai, mặc quần áo giống con trai. Lần đầu uống rượu cùng các bạn không có kinh nghiệm, say lử đử… Tất cả những lần đầu tiên ấy tôi đều ngỡ sẽ bị bố đánh đòn, hay chửi cho một trận. Hóa ra lại không phải.
Bố chẳng đánh mắng. Chỉ cười như ngầm đưa ra một thông điệp: “Con cứ làm những gì con muốn”. Mẹ tôi thì phản đối quyết liệt. Mẹ bảo tôi sinh ra là con gái sao tôi không cam lòng, cứ muốn làm con trai làm gì. Và dù tôi có mặc quần áo của em trai, đi đôi Sandal to oành như cái thuyền, tóc ngắn tun hủn thì tôi cũng đâu thể là một đứa con trai.
Dù cho mẹ có mắng mỏ, tôi vẫn cứ là đứa ẩm ương như tôi muốn. Mẹ lại quay sang bố “Ông không sợ nó hư sao?”. Bố lại chỉ cười nửa đùa, nửa thật “Hư làm sao được. Bà đẻ nó ra mà không biết nó sao. Có đánh chết nó cũng không hư hỏng, mai này biết yêu, lại chẳng điệu bằng mấy”.
Có lẽ bởi sự dung túng của bố mà tôi đã gặp Mắt Lạnh. Để tôi trở thành một cô gái khác hẳn với cả nửa nghìn nữ công nhân ở xưởng may không vì xinh đẹp. Và yêu anh, và được yêu anh. Hôm đá cầu cùng tôi ở sân phân xưởng, anh nhìn tôi chưng hửng:
- Con gái hả?
Và dù tôi có cố làm ra vẻ bề ngoài là một đứa con gái ẩm ương, cá tính, có tham vọng trở thành một chàng trai thì trái tim tôi vẫn đập nhịp đập của trái tim con gái. Tôi và Mắt Lạnh yêu nhau suốt hai năm trời. Cũng hò hẹn, cũng giận hờn, cũng dạo bước dưới trăng sao.
Nhưng chưa bao giờ Mắt Lạnh hôn tôi. Môi tôi - đôi môi thanh xuân tươi trẻ chưa một lần hôn ấy cũng khát khao biết bao nụ hôn đầu đời. Nhưng sao anh lại không hôn tôi? Vì sao?
Vì sao anh không nhận ra mỗi lần gặp anh, môi tôi cũng hồng tươi sức sống vì nắng, vì gió và vì cả thỏi Lipice màu nhiệm. Mỗi lần chúng tôi đối diện nhau, khi hai ánh mắt hòa tan trong nhau. Tôi đã thầm nói, rồi như muốn gào lên: “Hãy hôn em đi. Hãy hôn em”. Nhưng không…
Lũ con gái trong xưởng coi anh là thần tượng. Là hoàng tử lạc lối vào vương quốc những thiếu nữ đồng trinh vì thế. Chúng chẳng thú vị gì với tôi. Một dạo, chúng kháo nhau: “Anh Vũ yêu cái Ly, khác gì yêu một thằng em trai. Nó như đàn ông thế ai mà chịu được”.
Tôi về nằm khóc một đêm trên gác trọ. Hóa ra tôi là một đứa con trai trong mắt mọi người cơ mà cũng tại tôi tự rũ bỏ đứa con gái trong mình đấy chứ. Lĩnh lương tôi ra chợ khuân về mấy cái áo chiết ly và rộng cổ. Mua thêm một thỏi Lipice. Tháng đó, tôi không cắt tóc.
Bỏ đôi giày thể thao vào xó. Tôi đi giày cao gót đến xưởng. Mắt Lạnh nhìn tôi kinh ngạc “Em sao vậy? Sao lại như thế?”. “Anh không thích em nữ tính sao?”. Mắt Lạnh ngập ngừng: “Không phải… nhưng… em thay đổi thế có khác gì hàng trăm nữ công nhân khác.
Anh làm sao tìm thấy em nếu em lẫn vào họ…”. “Anh làm sao thế? Rút cuộc thì anh có vấn đề gì ở não phải không?” – Tôi đã muốn gào lên với anh như thế. Tôi đã muốn khóc. Mà tôi lại không khóc. Tôi cũng im lặng.
Khi tôi đã trở lại là một cô gái như tôi sinh ra vốn thế. Tóc tôi dài mượt, má tôi ửng hồng, đi đứng nhẹ nhàng thì Mắt Lạnh bị bắt, bị kết án tù vì tội tổ chức gây rối.
Hóa ra Mắt Lạnh là dân xã hội đen mà tôi không hề hay biết. Anh hư hỏng, anh ngông cuồng. ừ thì là như thế? Nhưng sao anh lại buông tha tôi? Sao anh không biến tôi thành tay chân của anh, ngông cuồng phá phách. Cầm dao búa đi đòi nợ thuê?
- Anh có yêu em không?
Mắt Lạnh quay đi, tránh cái nhìn đầy tuyệt vọng của tôi.
- Ly, anh xin lỗi. Anh rất quý em, nhưng…
- Vì sao anh lại không yêu em? Vì sao?
- Vì em là một cô gái ngoan.
Ơ hay! Sao người đời lại lạ vậy kìa? Có tin được hay không nhỉ? Một cô gái bị từ chối tình yêu chỉ vì cô ấy không hư.
- Nếu em là cô gái hư thì anh có yêu em không?
- Ly ạ, em quên anh đi. Hãy tìm một người ngoan như em để yêu.
Hôm đó trời cũng rất nhiều gió. Hôm đó cũng là một ngày chớm thu.
Tôi biết uống rượu thực sự từ khi ấy. Thú thực, là tôi rất muốn mình hư hỏng, đua đòi, biết rượu chè, cờ bạc, biết mặc những thứ quần áo mà đứa con gái ngoan không bao giờ dám chạm tới.
Bố mẹ nhận ra tất cả bằng linh cảm thiên phú dành cho các bậc sinh thành và bố mẹ chắc sẽ cười ngất mất nếu biết tôi thất tình chỉ vì ngoan ngoãn, sáng trong, dù vẻ bề ngoài cũng không thể thay đổi bản chất. Bố nói đúng. Cuối cùng thì tôi cũng không trở thành một cô gái hư, không dám hư.
Tôi vẫn ngày ngày đi làm sau khi đã chải mái tóc dài mượt, mặc những bộ quần áo dịu dàng nữ tính, tôi chỉ biết uống rượu thôi, nhưng cũng không bao giờ dám uống đến say không biết trời biết đất. Năm tháng cứ qua đi, nhưng hình như tôi luôn nhớ về Mắt Lạnh.
Một lần bố bảo tôi: “Mối tình đầu đẹp, nhưng cũng dễ đi qua. Như ngày xưa ấy. Ngày xưa bố cũng yêu một người. Nhưng không hiểu sao lại tan vỡ. Bố lại gặp một vài người nữa cho đến một hôm mẹ con tay xách hai thùng đi lấy nước.
Nhảy chân sáo xuống các bậc thềm và hát vang: “Em ơi vút lên một tiếng đàn” thì bố ló đầu ra khỏi phòng và tự hỏi: Ai thế nhỉ? Ai mà xinh xắn và có giọng hát trong trẻo thế kia. Và thế là yêu nhau, và ăn đời ở kiếp. Chỉ tiếc là bố không thể cùng sống đến khi mẹ con cũng đầu bạc răng long”.
Bố bị ung thư phổi, gan, dạ dày… tất cả các bệnh như chỉ chờ cùng lúc xuất hiện khi cơ thể suy yếu. Bác sĩ ái ngại hỏi: “Trước đây bác có chiến đấu ở vùng nhiễm chất độc da cam không?”.
Bố thở dài: “Có hành quân qua”. Bác sĩ lại bảo: “Sao bác không làm hồ sơ xin hưởng chế độ?”. Có chứ sao không, bố có làm hồ sơ, mà làm đi làm lại, làm tái làm hồi. Nhưng người ta cứ lắc đầu quầy quậy, bảo: “Bác thiếu cái này, bác thiếu thứ kia”.
Mà tất cả những năm tháng chiến đấu người lính chỉ được công nhận trong những tờ giấy nhỏ, toen hoẻn như bàn tay đứa trẻ lên ba. Đã úa màu theo năm tháng. Chỉ một lần bị tên bất lương móc trộm cả tiền lẫn giấy tờ trên xe đò.
Thế là mất tất cả: Quá khứ, chiến công, hy sinh. Tất cả như biến vào sương mù. Không ít người ngứa miệng kháo nhau: “Có da cam da kiếc gì đâu. Mấy đứa con, đứa nào cũng lành lặn, hồng hào, đẹp đẽ, dị tật gì đâu. Chẳng qua là chạy giấy tờ để hưởng chế độ”.
Bố không phải là không nghe thấy. Nhưng bố cũng chẳng buồn. Mỗi lần tôi đem giấy tờ chạy lên chạy xuống phòng Thương binh xã hội, bố lại động viên: “Thôi, con cứ làm đi, được thì được, chả được thì thôi.
Dù sao bố cũng đã sống gần hết đời người rồi. Đắng cay ngọt bùi trên đời cũng từng nếm trải. Bố chẳng tiếc gì, chỉ thương con vẫn lận đận tình duyên… Con gái mà mạnh mẽ quá cũng không tốt”.
Bố chẳng hy vọng gì ở sự bù đắp mong manh mà cái chất độc da cam thảm khốc năm nào đã gieo xuống từng tấc đất, từng khe nước của Trường Sơn hùng vĩ. Mà suy cho cùng, có sự bù đắp nào cho vơi đi được những mất mát cơ chứ. Mẹ tôi khóc quá trời. Bố an ủi: “Bà đừng sợ, tôi không bị da cam đâu, già rồi sinh bệnh đấy chứ?”.
Bố vẫn đòi uống rượu. Bố bảo cả cuộc đời bố chưa từng làm gì xấu, chưa từng cờ bạc, trai gái, chưa từng buôn gian bán lận, lừa dối ai. Chỉ duy có rượu là không bỏ được. Rượu như ngấm vào máu vào thịt, cứ như không có nó, bố không thể duy trì sự sống.
Tôi cũng thường hay ngồi tiếp rượu bố vào những khi cả hai bố con đều có nhiều tâm sự trong lòng. Một hôm, bố hỏi “Giả sử bây giờ thằng Vũ có quay lại tìm con, con có tha thứ cho nó không?”.
“Bố à, chuyện cũ đã qua lâu rồi. Con đâu còn nhớ nữa, tha thứ hay không liệu có ích gì đâu ạ”. Phải rồi, tôi không còn nhớ Mắt Lạnh dù tôi đã từng yêu anh. Mối tình đầu đã đi qua 8 năm rồi. Tôi đã yêu người khác. Người ấy đã hôn tôi.
Tôi không còn khao khát nụ hôn như ngày xưa tôi đã từng khao khát, mà nhiều khi, nụ hôn còn làm tôi cảm thấy chán ngắt vô cảm. Nhưng mà có thật là tôi đã quên anh không nhỉ khi mà mỗi lúc nhớ đến anh, lòng tôi chỉ một nỗi buồn tê tái? Đến khi tôi xem phim Fan Fan tôi mới biết vì sao ngày xưa Mắt Lạnh không bao giờ hôn tôi.
Có phải anh đã nghĩ như Alexander: “Chỉ yêu ở trong tim, không có nụ hôn, không va chạm. Vì như thế tình yêu mới là vĩnh viễn. Tại sao khi người ta yêu lại cứ phải hôn nhau, để rồi tất cả lại kết thúc như bao cuộc tình khác?”. Tôi không phải là Fan Fan và anh cũng không phải là Alexander. Vậy tại sao anh lại làm như thế? Tôi đã khóc.
Nước mắt của tôi mãi sau nhiều năm mới tuôn chảy, kể từ khi tôi nhận được bức thư mà Mắt Lạnh viết khi còn ở trong tù: “Ly ơi, em có tin không? Em là cô gái duy nhất trên đời anh không thể làm tổn thương. Bởi vì anh yêu em hơn tất cả trên đời…”.
Ngày ấy. Sao tôi lại không tin anh nhỉ? Sao tôi lại không khóc, sao tôi lại không tự hỏi vì sao? Và vì sao tôi lại đốt bức thư ấy đi, để nó trở nên một nhúm tro tàn? Đến khi tôi có thể khóc, đến khi tôi muốn nhào đến ôm lấy anh và hôn anh, nụ hôn đầu đời.
Nhưng đã muộn mất rồi. Tôi đã hôn người khác. Tôi đã nhận nụ hôn chẳng thiêng liêng, chẳng ngọt ngào thi vị như tôi đã từng tưởng tượng. Bao nhiêu năm qua, tôi cũng từng nghe nói về Mắt Lạnh. Nghe nói anh đã ra tù, rồi lại vào tù. Rồi lại ra tù. Bây giờ anh đang ở nơi đâu? Tôi đã chờ đợi anh mà sao anh không quay trở lại?
Bố tôi mất vào một ngày lặng gió. Gió đã biến đi như thể chúng đã thổi hết mình cho một ngày đã qua. Tôi không khóc được nhiều. Trước mặt thiên hạ, tôi không thể gào lên, lăn lộn, vật vã như biết bao đám ma khác.
Người ta chạy đến hét vào mặt tôi: “Em gọi bố đi. Gọi bố em đi”. Nhưng tôi không gào lên được. Nước mắt đã chảy sâu vào trong tim. Tôi lặng ngắm gương mặt bố tôi lần cuối cùng. Gương mặt bố hiền lành, nhân hậu biết bao. “Bố ạ, con gái của bố rất can đảm và mạnh mẽ phải không bố?”…
Đêm ấy. Trời đầy sao. Cả một bầu trời sao cùng lấp lánh, lấp lánh… Có lẽ linh hồn của bố tôi đã là một trong vô vàn vì sao ấy. “Đêm nay sao nháy. Ngày mai trời trở gió… Sẽ lại có một ngày gió lồng lộng thổi”.
Ngày Của Gió Ngày Của Gió - Phạm Thanh Thúy