"It is possible to live happily in the here and the now. So many conditions of happiness are available - more than enough for you to be happy right now. You don't have to run into the future in order to get more.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Dân gian
Thể loại: Cổ Tích
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 654 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
uyện Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, có nho sinh tên Tống Văn Học, đến khách cư ở đất Hàng Châu thuê một gian nhà bên bờ hồ Tây làm nơi trú ngụ.
Nơi đây hoang vu vắng vẻ ít có người lui tới nên cỏ dại, giây leo mọc kín cả tường lẫn mặt đất, trông tưởng như là một tấm chăn xanh biếc. Tuy vậy, phong cảnh lại thật là u nhã, tú lệ dị thường.
Trước cửa nhà Tống có một hồ sen. Cứ vào khoảng mùa Hạ sang Thu thì sen đua nhau nở rộ, hương thơm theo gió thổi bay tỏa lan khắp mặt hồ. Tống lại vốn là người yêu sen một cách đặc biệt, nay được dịp ngắm sen nở từng đóa, ngửi hương thơm bát ngát, hứng thơ trong lòng bộc phát, bèn làm luôn một bài thơ đề là Liên Hoa Phú, để vịnh hoa sen và bày tỏ tấm lòng yêu thích sen của chàng..
Một hôm vào ngày mùa Hạ, Tống đứng dựa cửa để ngắm sen. Bất chợt chàng thấy xuất hiện một chiếc thuyền nhỏ, có hai người con gái đang chèo hái hoa giữa hồ.
Một nàng mặc áo hồng. Một cô mặc áo tím. Cả hai trông đều phong tư tiêu sái, diễm lệ khác thường. Duy người con gái mặc áo hồng, nhan sắc lại có vẻ mặn mòi hơn.
Ngày đầu, Tống không biết hai nàng từ đâu tới. Sang ngày thứ hai chàng lại thấy hai nàng xuất hiện vào khoảng giờ Thân đến giờ Dậu. Rồi sau đó, cứ vào khoảng chiều chiều, không ngày nào, Tống không thấy hai nàng.
Lúc mới, Tống còn e dè gái trai cách trở, không dám hỏi han. Sau thấy nhau đã nhiều lần, chàng mới mạnh dạn, buông lời bắt chuyện, hỏi:
- Chèo thuyền là việc nguy hiểm. Còn hái sen cũng không phải là một việc gấp, cớ sao hai đằng ấy, ngày nào cũng đi hái sen như vậy, không sợ lỏng chèo buông mái ngã xuống hồ chết hay sao?
Cả hai nàng chỉ tủm tỉm, che miệng cười khúc khích không đáp. Không thấy bị quở trách, Tống được thể, lập tức lòng xuân dạt dào sôi động, bèn lả lơi ong bướm:
- Nhà tớ ngay đây, mời hai đằng ấy quá bộ uống ấm trà cho vui.
Người con gái áo hồng vẫn giữ im lặng, không trả lời, cố ra sức chèo thuyền lánh đi chỗ khác. Nhưng cô áo tím lại quay thuyền hướng vào bờ, đến bên chỗ Tống.
Tống bảo cô áo tím rằng:
- Người ta đã muốn "làm đồng đạo" chứ, thì cứ đi, ngại gì, để xem người ta đãi đằng ra sao chứ?
Từ lâu, Tống sang độc thân một mình, mỗi lần gặp người lời khác phái, trong lòng thường hứng khởi xôn xao vạn phần. Huống hồ đây lại là hai nàng, người nào cũng như hoa như ngọc.
Tống trong lòng mừng lắm, sung sướng như con sẻ nhỏ, bèn quay gót đi trước, dẫn đường cho hai nàng.
Trong nhà Tống chỉ có người lão bộc, lo việc phục dịch cơm nước cho chàng. Ðột nhiên lão thấy Tống đem về nhà một lúc hai mỹ nhân, lòng không khỏi kinh ngạc, nghi ngờ đem lời hỏi han.
Tống chẳng biết trả lời sao, chỉ đành trí trá đáp:
- Ðây là hai cô em họ tôi, từ xa đến thăm. Lão cấm tuyệt không nói cho ai biết, kẻo làm phiền khách đấy nhá!
Người lão bộc nghe dặn, gật đầu vâng lịnh rồi xuống bếp lo cơm nước, không có thì giờ hỏi rõ thêm chuyện hơn nữa.
Hai người con gái thấy vậy, cũng bật cười nhìn nhau.
Nàng áo tím nói:
- Ai dám bảo "người ta" là học trò dốt nát nào! Mồm năm miệng mười, dối trá hơn cuội như vậy mà không hề chớp mắt.
Tống nghe nàng áo tím nói thế cũng hơi có ý thẹn đỏ mặt, cười gượng gạo cho qua.
Sau đó, cả ba chẳng còn cấm kỵ, khách sáo chi nữa, cùng nhau đùa cợt lả lơi, cao hứng quên mất cả trời đã về khuya. Khi Tống hỏi tính danh quê quán của hai nàng, thì nàng áo hồng nói:
- Thiếp tên Ngẫu Hoa, con tiểu tỳ đây là Lăng Hoa, nhà ở trên hồ này, không xa xôi gì, cũng là lân cư với chàng đấy.
Rồi cũng tiếp tục đàm đạo rất là tương đắc.
Mãi cho đến lúc thật khuya, hai nàng vẫn còn tỏ ra quyến luyến không muốn từ biệt. Bèn tắt đèn lên giường cùng nằm với Tống, quấn quít mây mưa cuồng loạn.
Chừng có tiếng gà gáy. Trên trời sao mai lấp lánh, hai nàng mới vội vã đứng dậy nói:
- Trời sáng rồi, bọn thiếp phải ra về thôi. Tống nào đâu có chịu, cố nài nỉ giữ lại.
Bỗng nàng áo hồng mặt hoa lộ vẻ u sầu, mày liễu ủ ê, bùi ngùi hồi lâu, mới bảo Tống:
- Thừa mong ơn chàng nhã ái. Bọn thiếp lẽ nào có thể rời ngay chàng cho đành. Chẳng qua mệnh số, bọn thiếp bất đắc dĩ phải đớn đau mà giã biệt chàng. Bọn thiếp biết rõ chàng là người khoát đạt, hiểu rõ nhân tình, nên xin được cùng chàng bộc bạch. Hai chị em thiếp đều không phải người ta, mà là yêu hoa.
Chàng như chẳng hề nghi ngại, chê bỏ thì xin ra giữa đám hà hoa ở ngoài hồ kia sẽ thấy một bông sen vô cùng diễm lệ. Ðó chính là thiếp. Còn bông hoa ấu màu tím ở bên cạnh, chính là Lăng Hoa đấy. Chàng có thể dời cả hai cây hoa ấy mang về nhà, nhưng chớ đừng làm hỏng rễ hay bất cứ tàu lá nào, nhẹ nhàng trồng lại trong một chiếc bình, rồi lấy nước hồ mà tưới.
Trong nhà cũng xin chớ nuôi chó, sợ làm hoa kinh động. Bạn bè lai vãng, thì xin tránh bọn tục tằn, ác khách e làm ô nhục hoa. Như vậy, chị em thiếp sẽ có thể cùng chàng sớm chiều hoan hợp được.
Tống nghe nàng áo hồng nói xong, trong lòng vừa lo vừa mừng, ghi nhớ thật kỹ những lời nàng dặn. Rồi tiễn hai nàng ra hồ trở về nhà.
Lúc mặt trời đã lên cao, Tống chèo một chiếc thuyền con ra hồ, bơi đi bơi lại giữa đám hà hoa, để tìm kiếm bông sen mà nàng áo hồng đã dặn. Thì quả nhiên, thấy một bông sen hồng đẹp lạ lùng, rạng rỡ như ráng chiều, hương thơm nồng nàn như mùi băng xạ, cốt lại to hơn loại thường.
Ngay bên cạnh, là một cây hoa ấu, mọc thẳng, dáng vẻ tự nhiên tiêu sái.
Tống trở về nhà, bỏ vàng ra thuê một ngư phủ, mang cả hai cây hoa ấy, lẫn bùn và rễ, về trồng trong một chiếc ang lớn.
Từ đó, chàng đóng cửa tạ khách, suốt ngày nằm bên cạnh hoa, để chờ tái ngộ mỹ nhân. Nhưng liên tiếp ba hôm như thế, không thấy hai nàng xuất hiện, lòng Tống đã cảm thấy mối nghi ngờ, tính tới tính lui, bồn chồn xao xuyến, chẳng rõ thiệt hay hư.
Ðến hôm thứ tư, giữa lúc Tống buồn buồn bất an, thiu thiu trong giấc ngủ trưa Hè, chợt bên tai nghe có tiếng xiêm y sột soạt, quét lê mặt đất, rồi tiếng bội ngọc leng keng thánh thót.
Chàng mở mắt ra nhìn, té ra là Ngẫu Hoa và Lăng Hoa, đang đứng bên cạnh giường.
Tống tung chăn ngồi dậy, mừng ơi là mừng, rưng rưng cảm động chừng muốn đổ lệ.
Ngẫu Hoa bèn dịu dàng ôn tồn an ủi, nói:
- Nhờ chàng có lòng chăm bẳm nuôi dưỡng, ơn ấy thiếp nguyện ghi sâu, chỉ vì thể chất còn yếu, lại mệt mỏi vì nỗi thiện đồ, cho nên mấy hôm vừa rồi, thiếp phải nghỉ ngơi tỉnh dưỡng, không dám cử động, để cho chàng tịch mịch trông chờ, thật là áy náy quá.
Tống khẽ lắc đầu, đáp:
- Nhưng nay cùng được hai khanh xúm họp thường xuyên thế này, xá gì một chút vắng nhau. Ta sống độc thân từ mấy năm nay, gặp toàn điều bất như ý. Hôm nay được cùng hai khanh kết nghĩa đá vàng, thì có chết cũng cam
Ngẫu Hoa nói:
- Có tấm lòng như chàng, trên đời này thật là hiếm. Chỉ cầu mong sao chúng ta cùng nhau chung sống trọn đời được hạnh phúc, cho dù có thân bại danh liệt, cũng chẳng xá chi cái kiếp sống này.
Vả lại, danh vọng chỉ là hư không, ví như những bọt nước nổi chìm trong thoáng chốc mà thôi.
Nếu chúng ta chẳng kịp hưởng lạc, thì có sống đến một trăm tuổi, cũng nào khác gì mấy con phù du. Còn hai chị em thiếp đây, từ bỏ nơi rộng ngàn khoảnh, về sống trong ang nhỏ tí tẹo này, như cá trên thớt, như chim trong lưới, sự an nguy yểu thọ, khác biệt một trời một vực, nên nghĩ rằng thà lấy được người mình yêu mà chết còn hơn phải chịu côi cọc lẻ loi. Rồi tặng cho Tống một bài thơ:
Ðan chỉ thiều quang dịch lão
Miết nhỡn sơ dương hựu huân
Tòng thử chiêu chiêu mộ mộ
Bắt cách thu thủy tự quân
Ba người từ đó như hình với bóng, không xa nhau một bước. Còn hai nàng Ngẫu Hoa và Lăng Hoa, danh phận tuy chủ tớ, nhưng đều lấy Tống làm chồng, nên thân thiết như chị em, áo quần hài vớ mặc chung, không phân biệt của người nào.
Nhưng sự đời, nào có ai học đến chữ ngờ, điều tốt đẹp khó được bền lâu. Một hôm Tống có việc phải ra ngoài, có hai người bạn của Tống đến thăm không gặp, thấy bông hoa ấu cắm trong bình đẹp mắt, bèn ngắt đem đi.
Ðến chiều, lúc Tống trở về thì Ngẫu Hoa vừa khóc vừa đem việc đã xẩy ra thuật lại cho Tống nghe, rồi nói:
- Như chàng còn có lòng thương Lăng Hoa thì hãy cứu lấy nó. Bằng không, thì thiếp chẳng đành tâm sống một mình trên thế gian này nữa.
Tống nghe nói cũng bi ai xúc động, hỏi:
- Vậy ta phải dùng thuật gì để có thể cứu Lăng Hoa?
Ngẫu Hoa đáp:
- Chàng chỉ việc bồi dưỡng rễ hoa cho kỹ. Mỗi sáng sớm dậy thì niệm tám mươi mốt lần Quan âm chú, sang năm Lăng Hoa có thể sống lại được.
Tống chiều theo lời Ngẫu Hoa dặn, bất kể mưa to gió lớn, sáng nào chàng cũng tâm thành tụng niệm, không gián đoạn ngày nào, lại còn thường xuyên đem nước hồ về chăm bẳm bồi thực cho rễ hoa ấu, ngày đêm không mệt mõi..
Một năm sau, quả nhiên ấu hoa sinh căn nảy rễ, rồi chẳng bao lâu, nở ra một bông hoa thật đẹp. Bỗng một hôm, Lăng Hoa thình lình xuất hiện, quần hồng áo tía, phiêu nhiên diễm tuyệt, tuy vóc dáng còn gầy ốm hơn trước.
Ðược gặp lại nhau, cả ba vừa mừng vừa tủi, kể lể hàn huyên không dứt chuyện.
Từ khi Tống được hai giai nhân ngày đêm bầu bạn, tinh thần trở nên thanh sảng phấn chấn hẳn lên, sách vở thi thư chỉ đọc qua một lượt là thuộc.
Lại đến năm sau, gặp ngày trọng Ðông, trời đại tuyết. Khí tuyết giá lạnh, làm nước trong bồn hoa bị đông kết thành băng. Tống chờ đợi mấy ngày liền không thấy mỹ nhân lại, lòng chẳng rõ nguyên cớ tại sao, chỉ một mình cô đơn, buồn khổ, quên ăn bỏ ngủ, ngồi bên cạnh bồn hoa, lâm râm cầu đảo.
Rồi Xuân qua Hè lại. Ngẫu Hoa bỗng đột ngột đến một mình, nét mặt buồn thảm, hình dung thập phần tiều tụy.
Tống ôm nàng vào lòng, rồi đặt ngay lên đùi, lấy tay lau nước mắt và vuốt tóc vỗ về an ủi, hỏi nguyên do nông nổi cùng sự vắng mặt của Lăng Hoa. Chỉ nghe nàng nức nở hồi lâu rồi òa khóc, nói:
- Lang quân còn lòng tư niệm đến Lăng Hoa sao? Vì cái lạnh khủng khiếp của mùa Ðông năm ngoái, Lăng Hoa đã chết rồi. Thân thiếp cũng điêu đứng khổ sở, tuy may mắn thoát nạn. nhưng suýt nữa cũng vĩnh biệt dương thế tưởng không còn gặp lại lang quân nữa.
Tống nghe Ngẫu Hoa nói, lòng cũng xúc động vô cùng, đau đớn, than khóc cơ hồ muốn xỉu. Chàng hối hận tự trách mình đần độn, không biết cách che chở cho Lăng Hoa, để giai nhân phải mệnh một.
Cũng may, chàng còn Ngẫu Hoa để bầu bạn, nên cũng không đến nỗi phải chết vì bi thống sầu muộn.
Tuy thế, Ngẫu Hoa mỗi ngày một gầy héo tàn tạ, vẽ ngọc tiêu điều khiến cho Tống muôn phần lo lắng. Bèn tìm thầy thuốc đến chữa trị.
Lúc mới thấy mặt Ngẫu Hoa, thầy lang đã hồn tiêu phách tán. Lại thấy mạch của nàng kỳ dị, khác hẳn với những phụ nữ bình thường, nên chỉ để lại một thang thuốc. Ghi nhớ đường đến nhà, rồi vội vã ra về.
Nhưng ngày nào lão cũng đến nhà Tống nghe ngóng rình mò, mong sẽ được nhìn lại dung nhan người đẹp.
Thì may sao, một hôm Tống có việc phải đi ra ngoài. Bấy giờ vào quãng hoàng hôn, lão lén thấy Ngẫu Hoa một mình tản bộ bên bờ hồ, gót sen dịu dàng, dáng ngọc thanh tao, từng bước từng bước chậm rãi.
Lão không cầm lòng được, ào tới muốn ôm chặt lấy Ngẫu Hoa, khiến nàng hoảng hốt sợ hãi, vùng vẫy nhãy vội xuống hồ. Lão cố vồ theo nắm lấy chân nàng giữ lại, nhưng chỉ nghe một tiếng "cắc", chân Ngẫu Hoa đã bị gẩy một đoạn. Lão định thần nhìn kỹ bàn chân của Ngẫu Hoa trong tay lão, té ra chỉ là một đoạn cuống sen.
Lão biết đó là yêu hoa ảo hóa, bèn đem chuyện mách cho Tống biết.
Tống một mạch chạy thẳng ra hồ, nhìn xuống hồ gọi Ngẫu Hoa khóc lóc thảm thiết. Nhưng nào đâu còn thấy bóng giai nhân nữa. Chỉ nghe tiếng gió vi vu lạnh lẽo thê lương, rờn rợn quanh hồ.
Tống có ý muốn đem việc lão thầy lang thô bạo ấy ra thưa quan phủ, nhưng người đầy tớ già cản lại nói:
- Ðây chỉ là yêu hoa ảo hóa, tướng công có đem việc thưa quan, phỏng có ích gì?
Tống cho là phải, chỉ đành ôm mối hận trong lòng.
Ngày hôm sau, chàng lại ra bờ hồ than khóc, bỗng chàng thấy một bông sen nhấp nhô chìm nỗi trên mặt nước. Chàng biết đó là di thể của Ngẫu Hoa, vớt lên mang về trồng lại vào bồn.
nhưng chỉ được hai ngày, bông sen đã tàn tạ khô héo, Tống bèn sắm một cỗ quan tài gỗ thật tốt, đem hoa ra mai táng ở bên bờ hồ và làm một bài "Phú dung hoàn khiết phú", để điếu nàng.
Sau đó, Tống xuống tóc làm tăng, vân du tứ hải. Cuối cùng không ai biết chàng đi đâu.
Ngẫu Hoa Ngẫu Hoa - Dân gian