We have to walk in a way that we only print peace and serenity on the Earth. Walk as if you are kissing the Earth with your feet.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Nguyen Minh
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 502 / 11
Cập nhật: 2019-07-18 08:49:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
uối năm tặng sách cho bạn, hời hợt nói một câu, “vậy là năm nay không tới nỗi vô tăm tích”. Chỉ mấy từ, mà phơi hết ngây thơ.
In một hay vài cuốn sách dày, bìa cứng bảnh bao, gửi vào thư viện hay một bảo tàng văn chương nào đó là đã đánh dấu vào thời gian, không bị vùi lấp mất sao? Chữ sống sót không phải bằng cách đó. Bản nhạc, bức tranh, và những tác phẩm nghệ thuật khác, cũng vậy.
Nghĩ mình chắc bị ám ảnh hư vô, sợ bị người đời quên mất. Bạn thì không, ít nhất cũng chẳng ra vẻ có. Hồi bạn chọn nghề cô dạy trẻ, mọi người cản quyết liệt, nói biết bao nhiêu chuyện sung sướng không làm, chọn chi công việc cực thân tủi lòng, bao lớp học trò một khi lớn lên không còn nhớ. Lúc đó bạn cười hỏi ngược, nhẹ không, “ủa, phải nhớ mới được sao?”. Ai nhớ được tên chị nữ hộ sinh đã cắt dây rốn cho mình?
Lần nhóm thiện nguyện vác tiền tới quê mình xây mấy cây cầu qua sông, anh đại diện một hai bảo đừng gắn biển tên chi hết, “tụi tui làm chuyện này đâu phải để được nhắc nhớ”. Làm việc thiện đã tốt, nhưng làm xong quên luôn còn tốt hơn, thầy anh dạy vậy.
“Cho đi và mất trí nhớ, chỉ nhiêu đó mà anh phải học mấy năm mới thuộc”, anh kể.
Những cây cầu xây từ lòng hảo tâm, rốt cuộc cũng xong. Chúng chỉ là cầu qua sông, không mang tên ai, không là biểu tượng lòng tốt của ai. Ít lâu sau, cầu có tên, là tên quán nước, hoặc chủ đất, tên một cái cây lớn đứng ngay bên đầu cầu. Người quê có cách định vị của họ. Nên có những cây cầu được xây tặng khác, được khắc danh tính người tài trợ rành rành trên đá hoa cương, rốt cuộc được dân địa phương gọi bằng cái tên trớt quớt, cầu Cây Quao, Hàng Gòn, Gò Mả, Năm Quắn. Người đàn ông tên Năm Quắn nọ chẳng góp gì cho cây cầu, nhưng lúc cầu mới xây xong ông thường lên đó giăng võng nằm chơi.
Nghĩ, ông Nguyễn Công Trứ không bày đầu cái vụ “phải có danh gì với núi sông”, ông chỉ nói trắng ra cái ham muốn trong lòng thiên hạ. Thật vô lý quá khi nghĩ mình sống đằng đẵng gần một trăm năm trời, lúc chết là chìm mất tăm hơi. Chẳng thể sống hai lần, người ta tìm cách khắc khảm mình vào cuộc đời, hòng có thể ở lại được chút nào hay chút ấy, sau khi da thịt ra tro bụi. Cái chết, nói cho cùng thật khó chấp nhận. Họ soạn nhạc, vẽ tranh, làm thơ, hay chọn cách giản dị hơn, xây một cây cầu, trồng một vài cái cây ăn trái trong vườn, để sau này con cháu nhớ tới lúc nhìn vào.
Hồi ngoại trồng mấy cây xoài cát bên hè, không biết có ý đó, hay đơn giản chỉ là thấy đất trống thì trồng, lấy trái ăn. Nhưng ngoại khuất mặt rồi, cậu Năm giữ cây không cho đốn, dù chúng già cỗi lâu nay chẳng hoa lợi gì. Hôm rồi cây bị sâu đục thân chết đứng, cậu ngó bó xác khô giữa trời, ngậm ngùi như tiễn ngoại đi lần nữa. Ít ra là cuộc ra đi khỏi vùng tưởng nhớ của cháu con, cậu nghĩ vậy. Một người đàn bà cả đời ẩn hiện trong bếp, ngoài vườn và trên mảnh ruộng của mình, lúc về đất không để lại gì ngoài tấm ảnh thờ và mấy cây ăn trái trong vườn. Mớ kỷ vật ít ỏi ấy, giờ cũng mất.
Nhưng mỗi lần nhìn thấy mấy góc nhà giắt đầy mớ túi nylon mục rã, suốt từ hàng ba tới bếp là những thứ đồ dùng sứt sẹo, tụi nhỏ đều phải buột miệng “cậu Năm y chang ngoại, thứ gì cũng để dành”. Cậu không nhận ra chính mình mới là một bản sao hoàn hảo, khiến ngoại chưa bao giờ bị quên lãng trong hồi ức của người ở lại. Không cần bận tâm hư vô, bà ngoại vẫn ở lại trong dáng đi của đứa cháu, trong tính khí của thằng con, trong cái hương vị món bánh tầm bì mà bà truyền dạy.
Có những người cả đời tìm cách đông cứng bóng mình không cho tan theo thân xác, nhưng cuộc chống chỏi với sự vô tình của thời gian nhiều khi không cần nỗ lực gì. Harald Jäger, viên trung tá xuất thân từ một gia đình làm nghề xây lò sưởi, chắc không biết tên tuổi mình sẽ đi vào sử sách thế giới với tư cách người mở bức tường Berlin khi đưa tay nâng thanh chắn. Cả khi không để lại chút tuổi tên gì, như những người xây Vạn lý Trường thành, thì họ cũng làm nên dấu vết của mình trong gạch đá.
Mình từng có lần gọi cái đời sống tẻ nhạt, không biến cố, lờ đờ trôi theo thời gian là “không dấu vết”. Hôm đó bạn nghe được, nói làm gì có người nào sống mà không để dấu. Ngay cả một người vô dụng nhất, chẳng ra tích sự gì, lúc qua đời cũng tốt đất xanh cây.
Không phải ai cũng có thể viết sách, vẽ tranh với cái ảo tưởng rằng chỉ cần vậy thì tên tuổi vẫn còn lang thang hoài trên mặt đất. Nhưng những con người bình thường cũng ở lại rất lâu. Họ chỉ sống, vậy thôi. Như bạn mình, chăn một đám trẻ nít chèm nhẹp mũi xanh năm này qua năm khác, cho tới cuối đời chưa lần nào học trò cũ tới thăm.
Bạn không lấy đó làm buồn. Thậm chí còn không thèm nghĩ bạn ở lại đâu đó trong cách tụi nhỏ cầm đũa, ngồi thẳng lưng, rửa tay trước khi ăn, những thứ cơ bản hình thành thói quen của một con người, đi theo chúng cho tới cuối đời. Khi ấy, bạn đã thủng thẳng một mình qua trời khác.
Neo Lại Bóng Mình Neo Lại Bóng Mình - Nguyễn Ngọc Tư