Số lần đọc/download: 773 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
(Tsuru San) Dương Hồng Kỳ dịch lại từ bản dịch của Hayashi, Satomi
Thuở xưa, tại một thôn làng nhỏ bé dưới chân núi Phú-Sĩ-Sơn (#1), có một cặp vợ chồng rất nghèo. Chồng làm nghề săn bắn, còn vợ làm nghề dệt lụa.
Tài năng của hai người rất giới hạn, tuổi cũng đã cao cho nên đời sống vật chất của họ rất chật vật, nhiều lúc chỉ cố gắng mà sống theo từng bữa một. Hôm ấy, người thợ săn không được may mắn, chẳng săn được con mồi nào cả. Trên đường về nhà, ông ta tình cờ bẫy được một con chim hạc.
Người thợ săn mừng rỡ, định đem về nhà làm thịt cho bữa cơm chiều thì con chim hạc bỗng ứa nước mắt van xin, nói rằng:
-Lạy ông, xin tha mạng cho con. Đức hiếu sinh của ông sẽ được cả Phật-Tổ lẫn Thái-Dương Thần-Nữ (#2) chứng giám và đền bù lại xứng đáng. Người thợ săn nghe nói động lòng, liền thả cho con chim hạc bay đi, đoạn trở về nhà tay không. Cho dù không có thịt, hai vợ chồng vẫn vui vẻ ăn rau và đậu hũ, sống đạm bạc cho qua bữa như mọi ngày.
Tối hôm ấy trời bão tuyết, gió thổi lạnh buốt. Nghe có tiếng người gọi bên ngoài, bà vợ ra mở cửa. Trước mặt bà, một người con gái trông rất hiền hậu, mặt mày tươi tỉnh xinh xắn, hình dung đẹp tuyệt vời, da dẻ trắng nõn nà, cho biết nàng ta lỡ đường xin được vào tá túc qua đêm để tạm tránh cơn bão tuyết.
Hai vợ chồng vốn bản chất hiền hòa lương thiện, hay thương người nên gật đầu ưng thuận ngay. Sáng hôm sau, như thường lệ hai vợ chồng thức dậy sớm thì trông thấy người con gái đang pha trà và nấu cháo. Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp. Các căn phòng được trang hoàng lại, trông khang trang và sáng sủa hơn trước rất nhiều.
Ngoài ra, còn có sẵn cả nước nóng cho hai người rửa mặt. Đâu ra đó hẳn hòi, thật là hết sức chu đáo. Nhìn người con gái, hai ông bà nở một nụ cười hiền dịu, tỏ ra hết sức cảm kích. Hỏi thăm chuyện, người con gái thật tình cho hai người biết rằng nàng tên là Tuyết (#3) xa cha mẹ từ nhỏ, từ lâu ở chung với gia đình chú thím.
Khi nghe được tin cha mẹ trên tỉnh thành, nàng một mình lên đường đi tìm nhưng không gặp đành quay trở về nơi cũ. Dọc đường vì gặp bão tuyết, trời lại tối cho nên bất đắc dĩ phải xin hai người cho tá túc đỡ, đợi cho cơn bão tuyết nhẹ đi bớt mới có thể tiếp tục lên đường được. Bà vợ hỏi:
-Con nghe được tin cha mẹ từ ai nói? Người con gái lễ phép thưa:
-Thưa, từ chú thím con. Ông chồng lắc đầu, thương hại nói:
-Thôi rồi! Con trúng kế của chú thím con rồi! Họ muốn lập mưu đuổi con đi ra khỏi nhà đó thôi! Ta tin chắc họ không mở rộng vòng tay mà đón con trở về nữa đâu. Người con gái nghe nói liền lộ vẻ buồn bã cúi gầm mặt xuống đất.
Sau một vài giây phút im lặng, bà vợ liền đề nghị:
-Chúng ta đã lớn tuổi mà lại hiếm hoi. Nếu có được một đứa con gái như con thật không còn gì vui hơn được. Nếu con không chê vợ chồng chúng ta nghèo khó thì cứ ở lại đây với hai ông bà già này, no cùng hưởng, đói cùng chịu.
Tôi nói vậy phải không ông già? Ông chồng mừng rỡ nói:
-Phải! Phải! Chúng ta sẽ nhận con làm con ngay từ giờ phút này, miễn là con đừng chê chúng ta thôi. Người con gái nghe nói rất cảm động liền quỳ xuống lạy hai ông bà, nhận làm cha mẹ và xin hai người đặt lại tên cho nàng.
Ông chồng nặn óc suy nghĩ một hồi.
Chợt nhớ lại hôm qua đi săn có tha mạng cho một con chim hạc, ông ta liền nói:
-Tốt lắm, từ nay cha đặt tên lại cho con là Hạc. Từ đó, nàng Hạc ở lại với cặp vợ chồng già, làm con gái ông bà. Nàng rất thương cha mẹ, rất đảm đang, lo hết tất cả việc nhà, bếp núc đâu ra đó cẩn thận, lại hầu hạ cha mẹ từng miếng ăn cho đến giấc ngủ. Dù sống trong cảnh thiếu thốn nhưng cả ba người rất vui vẻ thuận hòa, chẳng ai ngần ngại hay phàn nàn một tiếng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn là thực tế. Lợi tức gia đình không tăng, mà lại thêm một ‘miệng ăn’ cho nên gia đình càng lúc càng thêm chật vật. Nhưng trong cái khó khăn cũng tạo cho họ một tình thương gắn bó rất là sâu đậm và hiếm có. Nhiều bữa ăn rất đơn sơ chẳng có được bao nhiêu món, thế mà đồ ăn vẫn không lúc nào hết bởi vì cả ba người đều muốn nhường cho nhau cả, thành thử chẳng một ai dám ăn. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, một hôm, nàng Hạc bàn với cha mẹ nàng rằng:
-Con biết dệt lụa khá giỏi, xin cha mẹ cho con làm thử để kiếm thêm ít tiền phụ cho gia đình. Vào lúc bình thường có lẽ ông bà đã từ chối, nhưng vì thấy gia đình càng ngày càng sa sút nên không còn đường nào lựa chọn, hai người đành phải nghe lời, để cho nàng thử. Nàng Hạc lại nói:
-Chỉ có một điều trở ngại là trong khi con dệt lụa, con muốn thật yên tĩnh, không bị chi phối bởi bất cứ một chuyện gì lớn nhỏ. Vì vậy, xin cha mẹ đừng nhìn con lúc con đang làm việc, cứ để yên cho con làm xong.
Và cũng xin cha mẹ giữ gìn hộ con, đừng để cho bất cứ một ai lai vãng, vì nếu như vậy con không thể nào làm được, mọi việc sẽ hỏng hết. Cha mẹ nàng nghe nói liền dành riêng một phòng đàng sau nhà cho nàng Hạc làm việc mà không hề thắc mắc. Ông bà tin rằng nàng có nghề thật, nhưng có lẽ vì không muốn để cho ai học lóm nghề của mình cho nên muốn giữ kín bí mật tối đa. Sáng hôm sau khi thức dậy, cha mẹ nàng Hạc nhìn thấy những tấm lụa tuyệt đẹp mà có lẽ trong đời ông bà chưa từng bao giờ thấy qua. Mẹ nàng reo lên:
-Đẹp quá! Đẹp quá! Những tấm lụa này nếu bán ra chắc chắn được cao giá, mà thiên hạ lại giành giựt nhau mà mua. Điểm tâm xong, mẹ của nàng Hạc dắt nàng đến các vùng tỉnh thành lân cận để tìm mối bán lụa kiếm ít tiền.
Đúng như lời mẹ của nàng Hạc đã nói, hai người chỉ vừa vào đến cổng thành đã có không biết bao nhiêu người chủ hàng tơ lụa và nhiều nhà giàu xúm lại bao quanh, đấu giá mua cho được những tấm lụa thật đẹp mà chính họ cũng chưa bao giờ được thấy qua. Số tiền bán được ngày hôm đó đủ để cho gia đình chi dụng được trong vài tháng.
Thấy cha mẹ vui vẻ, nàng Hạc vô cùng sung sướng. Cứ cách vài ngày là nàng lại tiếp tục dệt lụa vào ban đêm khi cha mẹ nàng đi nghỉ. Và cha mẹ nàng vẫn giữ lời hứa, không làm phiền nàng hay lai vãng trước phòng dệt của nàng lúc nàng làm việc. Dệt xong, nàng lại theo mẹ đem lên tỉnh thành bán kiếm tiền.
Ban đầu, hai mẹ con còn đi chung, nhưng dần dần, quen thuộc đường lối, nàng Hạc đề nghị mẹ nàng nên ở nhà nghỉ cho khỏe, để một mình nàng đi là đủ. Mẹ nàng nghe nói cũng nghe theo, để cho một mình nàng đi kể từ đó... Vài năm trôi qua. Gia đình nàng Hạc giờ đây đã trở nên giàu có, dư giả. Nhờ tài dệt lụa ‘có một không hai’ của nàng, số người đặt mua càng ngày càng nhiều.
Mặc cho nàng ra công ra sức, thức thâu đêm suốt sáng làm việc bao nhiêu, số lụa là sản xuất gần như vẫn không thể nào đáp ứng được với mức tiêu thụ của thiên hạ. Hễ thấy lụa của nàng Hạc dệt ra là ai nấy quyết phải mua cho bằng được, bất luận là bao nhiêu tiền. Nhiều người vì chậm tay không mua kịp, đã thầm lén lút theo dấu chân nàng Hạc về tận nhà cho biết chỗ, dự tính trong tương lai sẽ đến tận nhà hỏi mua thì may ra mới có được hàng. Số người tìm đến nhà mua ban đầu chỉ có một vài người, nhưng dần dà gia tăng với số lượng khủng khiếp.
Và rồi nàng Hạc cũng chẳng cần phải đi đâu nữa, tự động thiên hạ rủ nhau tìm đến mà mua hàng. Khi đó, chỉ thỉnh thoảng nàng Hạc mới phải lên tỉnh để bỏ mối cho những hàng tơ lụa mua với số lượng nhiều. Mỗi lần đi như vậy, nàng đều mướn vài chiếc xe ngựa mà chở chứ không thể nào một mình mà đem hết lụa đi được. Nhiều nhà giàu tìm gặp nàng Hạc, hứa sẽ tặng cho nàng những món tiền khổng lồ nếu nàng chịu dạy cho con gái của họ nghề dệt lụa độc đáo của nàng. Trước những lời đề nghị đó, nàng Hạc chỉ lắc đầu từ chối, quyết không chịu nhận tiền của ai, mà cũng nhất định không chịu truyền nghề. Bị cự tuyệt, nhiều người đâm ra giận dữ, thù ghét nàng Hạc.
Những khi đến mua hàng, nhằm lúc nàng Hạc bận bịu dệt lụa không chịu tiếp ai, họ thường nói với cha mẹ nàng rằng:
-Tôi đồng ý rằng lụa của con gái ông bà dệt đẹp thật. Nhưng bán được với những giá cao để cho gia đình ông bà có được một sản nghiệp to lớn như thế này thì thật là điều khó tin.
Xin ông bà đừng quên con gái của ông bà có nhan sắc, mỗt lần lên tỉnh bán lụa có tiếp xúc với rất nhiều đàn ông con trai nhà giàu trên đó. Tôi vì thương ông bà nên mới nhắc khéo để cho ông bà ráng mà gìn giữ con gái để tránh tai tiếng về sau đó thôi. Trước những lời gièm pha của thiên hạ, cha mẹ nàng Hạc đều gạt cả đi chứ chẳng thèm bận tâm đến làm gì.
Họ luôn luôn tin tưởng vào đức hạnh của con gái mình, không bao giờ nghĩ rằng một người con gái như nàng có thể làm việc gì tai tiếng cho gia đình được. Nhưng rồi số người gièm pha mỗi lúc mỗi nhiều. Một đồn năm... Năm đồn mười... Mười đồn trăm... Có người bảo rằng:
-Hãy nhìn cái thân xác mỗi ngày một tiều tụy của nàng Hạc ắt có thể suy ra được những việc nàng có thể dính líu đến. Lại có người nói:
-Con gái ông bà bảo khi nàng dệt vải không ai được nhìn phải không? Và ông bà bằng lòng, chiều cô ta tuyệt đối chứ gì? Vậy cô ta làm những gì trong phòng đó với ai liệu ông bà có biết được không? Đừng quên rằng lúc ông bà ngủ thì cô ta vẫn thức mà ‘làm việc’ đấy nhé! Hoặc:
-Những lần lên tỉnh, có thật sự là con gái ông bà chỉ có mục đích bán lụa không thôi? Rốt cuộc, cho dù thương yêu tin tưởng con gái mình đến cách mấy, những lời thị phi kia đã làm cho cha mẹ nàng Hạc không thể nào còn tự chủ được nữa. Hai người bắt đầu nghi ngờ đến hành vi của người con gái thân yêu của họ, và cho rằng những lời nói của đám đông thật là có lý, và họ cần phải điều tra con gái mình mới biết rõ được hư thực ra sao. Đêm hôm đó, cặp vợ chồng già giả vờ đi ngủ sớm.
Đợi đến lúc gần nửa đêm, lúc nàng Hạc đóng chặt cửa phòng lại để dệt lụa như thường khi, hai ông bà mới bàn với nhau thử lén ra ngoài, đi vòng ra phía sau nhìn vào cửa sổ trong phòng xem có phải là con gái mình có làm việc thật không hay lại làm chuyện gì mờ ám, dùng cớ dệt lụa để che mắt họ. Hai ông bà cùng nhau đi thật nhẹ nhàng ra bên ngoài, đến phía sau phòng làm việc của nàng Hạc. Khi đến gần cửa sổ, hai người nghe rõ mồn một những tiếng ‘cộp cộp’ vang lên thật đều đặn.
Lấy làm lạ, hai người khẽ nhón mình dậy nhìn vào theo ánh đèn lờ mờ qua phên cửa sổ. Cả hai ông bà bỗng như kinh hãi, cùng giật mình đánh thót một cái.
Trên khung cửa sổ màu trắng đục qua ánh đèn, hai người nhìn thấy rõ ràng... cái bóng của một con chim hạc đang dùng mỏ mổ liên tiếp vào con thoi... Hai người đang trợn tròn há hốc thì bỗng nghe con hạc kêu lên một tiếng hết sức bi ai. Hai người chưa biết phải làm gì thì từ bên trong, nàng Hạc, con gái của họ mở cửa phòng chạy ra, với gương mặt hết sức xanh xao tiều tụy, gần như đã kiệt sức hoàn toàn. Nàng Hạc nhìn cha mẹ, buồn rầu nói:
-Con đây chính là con chim hạc đã được cha tha mạng lúc trước. Chính vì vậy nên con mới quyết định đến nhà này chịu làm con của cha mẹ để đền đáp ơn sâu đó. Con đã dặn với cha mẹ rằng đừng bao giờ nhìn con trong lúc con đang làm việc cả, vì như thế, phép thuật của con sẽ mất hết linh nghiệm, còn có hại đến cả tánh mạng của con, và rồi con sẽ phải hiện nguyên hình mà trở lại kiếp chim hạc. Cha mẹ đã không tin con thì thôi, sao lại còn làm hỏng hết việc tu luyện thành người của con? Từ nay con không còn ở đây để phụng dưỡng cha mẹ được nữa đâu, mà phải trở lại kiếp ‘hạc kêu sương’ để tu luyện lại từ đầu thôi. Xin cha mẹ bảo trọng.
Vĩnh biệt! Nói dứt lời, nàng Hạc ngã lăn xuống đất nằm im bất động, ngừng thở. Hai vợ chồng già lúc đó mới hiểu rõ được căn nguyên mọi việc. Ông bà ăn năn chẳng cùng, nhưng tất cả đã muộn màng. Cả hai người chỉ còn biết ôm lấy xác nàng Hạc mà hôn, than khóc chẳng cùng. Đôi mắt của nàng Hạc chợt ứa ra hai hàng lệ rồi từ từ nhắm nghiền lại. Chỉ một lúc sau, xác của nàng Hạc bỗng nhiên từ từ biến thành một con chim hạc, đứng bật dậy vỗ cánh mấy cái. Nhìn hai người, con hạc kêu lên mấy tiếng thật bi thương rồi tung đôi cánh bay lên không.
Đôi vợ chồng già đứng nhìn theo bóng hạc mỗi lúc một khuất dần trong màn đêm cho đến khi mất hút...
Chú thích:
(1-) Phú-Sĩ-Sơn: “Fuji-Yama” (Fuji: [phiên âm tiếng Nhật] có nghĩa là Phú-Sĩ; Yama: [phiên âm tiếng Nhật], tức chữ “sơn”, có nghĩa là “núi”); nguyên là một hỏa-diệm-sơn (núi lửa), với thắng cảnh hùng vĩ, rất đẹp, được xem là một kỳ-quan, là biểu tượng cũng như linh hồn của Nhật-Bản.
(2-) Ngày nay, 99.9% người Nhật đều theo cả Phật-Giáo lẫn Thần-Giáo (thờ Thái-Dương Thần-Nữ).
(3-) Tuyết: tên Nhật phiên âm là “Yuki”. Lời người dịch: “Tsuru San”, phiên âm theo tiếng Nhật có nghĩa là “Hạc Sinh”. Chữ “Tsuru” có nghĩa là con chim hạc; chữ “San” có nghĩa là “sinh” (sinh linh), ngụ ý ám chỉ một “động vật”.
Vì không muốn để “lộ bí mật” quá sớm làm câu chuyện mất hay nên đành ghi điểm này vào khúc cuối của phần chú thích. Xin độc giả thứ lỗi cho. Cám ơn nhiều. (Dương-Hồng-Kỳ)