Butterflies don't know the color of their wings, but human eyes know how beautiful it is. Likewise, you don't know how good you are, but others can see that you are special.

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1348 / 17
Cập nhật: 2014-06-19 22:57:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
-Được, hễ lão còn giở ngón ấy ra, mày cứ làm như mày bằng lòng, rồi tao sửa cho lão một mẻ.
Khuê sợ hãi, hỏi:
- Chết, thầy định sửa thế nào, lỡ rồi việc ra đến cửa công, thì lại một ông quan khác xử, vậy lẽ nào quan họ chẳng bênh nhau.
Bác thông phiên Giốc cười, lắc đầu:
- Không phải tao sửa như mày tưởng, tao sửa lão ta một món tiền tiêu kia mà.
Khuê rú lên:
- Ối! Thế thì con nhục quá.
Bác Giốc quắc mắt:
- Làm gì mà đã tru tréo cái mồm lên thế nào! Mày tưởng tao đê mạt đến nỗi đem hiến vợ con cho người quyền thế để mưu cầu danh lợi riêng cho mình à? Nếu tao có thể xử đê tiện đểu giả thế, thì bây giờ ít ra tao cũng làm đến tuần phủ rồi, chứ lại chịu nghèo xác nghèo xơ thế này à?
Khuê nhìn cha, có ý hỏi. Bác Giốc kéo một hơi, và hãm nước xong, lại nói tiếp:
- Ngày xưa, độ ba mười năm trước, thời buổi nhốn nháo, ra làm quan dễ lắm kia. Những hạng lính tập, bồi bếp, phu kíp, được lòng ông chủ nào có thế lực một tí, là xuất chính dễ như bỡn. Ngày ấy tao cũng bập bẹ tiếng Tây, mà u mày lại có nhan sắc, người ta cứ dỗ dành tao mãi, nhưng tao không thuận.
Khuê mỉm cười. Bác thông phiên thở dài, vắt tay lên trán, nói giọng chán nản:
- Làm ông quan, phụ mẫu dân, mà mắc phải cái tiếng cho vợ cho con đi làm đĩ với quan trên, thì tao tính còn gì nhục nhã cho bằng.
- Thế thầy định bắt con bằng lòng với ông huyện Văn Giang kia mà!
- Điếc! Tao bảo mày làm như bằng lòng. Làm như! Nghe chưa?
o O o
Nỗi căm hờn của ông huyện Văn Giang từ hôm về làng Rồng làm ông hay gắt gỏng, cáu kỉnh. Vì những cớ không đâu, luôn luôn ông sinh sự với vợ con, luôn luôn ông kiếm chuyện với thuộc hạ. Mà lần nào người ta cũng lấy làm ngạc nhiên, là ông đập bàn, đạp ghế, quát tháo đùng đùng rồi dậm doạ:
- Ông thì lên tỉnh bây giờ chứ lị!
Khẩu hiệu ấy ông hô đã nhiều lần, nhưng không ai để ông thực hành. Bởi vì vợ con ông xin lỗi ngay bằng những câu ngọt ngào, mà nha lại, dân sự tạ tội ngay bằng sự làm giàu thêm cho ông. Ông miễn cưỡng nhận những câu xin lõi suông và những sự tạ tội có lợi. Song, nỗi riêng canh cánh bên lòng. Chẳng chút hành vi, cử chỉ nào hàng ngày của ông là thoát ra ngoài cái ảnh hưởng của ái tình đối với cô Khuê.
Cho đến mãi tận hôm cuối tháng ấy, ông mới có việc lên tỉnh. Ông ngồi vắt chân chéo khoeo trên xe, vuốt bộ râu, nhìn phong cảnh bằng đôi mắt lạc quan. Cả một vùng trời lam lồng lộng, cả một dải nước đỏ mênh mang, cả một con đê xám ngòng ngoèo, cả một làn ruộng xanh mút tít, đẹp thì có đẹp, nhưng ông cho nó chưa có vẻ nên thơ bằng đôi má lúm đồng tiền của thiếu nữ.
Ông huyện rất mãn nguyện, vì ông thấy lần này bác thông phiên đón chào ông vồn vã, và nhất là bác phải đi vắng ngay. Ở nhà duy chỉ còn có một mình cô Khuê hầu hạ ông mà thôi.
Bởi vậy, ông gọi tên lính hầu, bảo:
- Mày tìm xem thầy Đề trọ chỗ nào, thì đến đấy mà ăn cơm chiều nay. Tao không có việc gì cần đến mày cả. Sáng mai, mày mới phải lại đây, cắp tráp điếu đi hầu tao vào dinh, và báo cả thầy Đề thế, nghe chưa?
Anh lệ được tự do, vội dọn bàn đèn và gảy bã điếu cho chóng, rồi đi nhảy cỡn.
Khuê cũng làm đầy đủ bổn phận như mọi bận. Cô chế nước sôi vào ấm nước chè hạt, làm lơ như không biết mình bị đôi mắt vọ ngắm nghía, và cô chắc thế nào cũng phải trả lời những câu tán tỉnh. Quả nhiên, ông huyện vẫy cô lại gần hỏi:
- Em đã têm sẵn trầu cho tao chưa?
- Bẩm đã ạ.
- Mang lại đây.
Cô Khuê bưng đĩa trầu đầy, đứng ở đầu ghế ngựa, hai tay đưa cho ông huyện. Ông huyện vẫn nằm tiêm thuốc, lấy chân khoèo đạp cái tráp khảm lại gần Khuê, và bảo:
- Bỏ vào ngăn cho tao.
- Xin quan lớn thìa khoá ạ.
Ông huyện ranh mãnh, làm như mình bận bịu, trỏ tay cầm tiêm vào túi áo cộc của mình và nói rất tự nhiên:
- Đấy, lấy mà mở.
Khuê thẹn thò, mỉm cười không nhúc nhích.
Hút xong điếu thuốc, ông huyện ngồi nhổm dậy, móc túi vứt chùm thìa khoá vào ngực Khuê và lườm bằng một cái lườm già cỗi:
- Khéo làm bộ vừa chứ.
Bẽn lẽn, Khuê không đáp, nhưng cô lẳng lặng mở khoá, dựng đứng nắp tráp lên và xếp trầu vào ngăn. Ông huyện chồm lại, cầm một tay cô, gí vào nắp và nói:
- Phải một tay giữ lấy đậy, kẻo cái nắp nó sập xuống, lại phải mở lần nữa. Tráp tao có khoá mỏ neo, trông đây này.
Cô Khuê giằng mãi tay ra mới được, thì vừa lúc ấy cái tráp đậy sập lại. Nhân tiện, ông huyện có ngay cuộc thí nghiệm, bèn nói:
- Đấy, bây giờ tao đố mày mở ra được.
Cô Khuê cười, lấy hai tay cái cố nậy mãi, nhưng vô hiệu. Rồi tự nhiên má cô đỏ ửng lên.
o O o
Bác thông phiên chỉ đi khỏi nhà độ nửa giờ rồi lại về ngay. Mà từ lúc ông huyện đến cho tới chập tối, bác đi vắng luôn. Song lần nào bác cũng chỉ đi độ một lát, nên ông huyện chưa có dịp nào tốt để giở thủ đoạn được. Miệng cá hồ ngậm vào lưỡi câu là nước đã sánh động.
Song, ông cũng là tay đoán tâm lí già dặn. Ông cho rằng cá này chẳng phải là thứ cá cao thượng biết khinh mồi. Ông là quan, có nhiều tiền, hẳn ông thương đến cô nào là không những làm danh giá cho cô ấy, mà còn làm vinh dự cho cha mẹ tổ tiên cô ấy nữa. Bởi vậy ông chắc chắn là bác Giốc sở dĩ vờ đi cho ông được tự do với cô Khuê, vì hẳn bố con đã bàn soạn với nhau chán chê ra rồi. Chứ không lẽ nào, lần trước, bác bắt được ông trong buồng con gái, mà lần này bác lại hớ hênh đặt mỡ cạnh miệng mèo.
Cho nên ông quyết tối nay, thế nào bác Giốc cũng đi nằm sớm, mà cô Khuê cũng lên buồng trước lúc mọi ngày. Hễ đúng như thế là ông chẳng cần giữ gìn cẩn thận như lần trước tắt đèn và sờ soạng lối đi. Ông có thể cứ công nhiên, cả thẻ bài lẫn áo gấm, bắt dân cờ quạt, trống khẩu, dịch loa mà rước ông vào buồng Khuê nằm như ngày họ đón ông về trọng nhậm hạt Văn Giang, chắc bác Giốc vẫn phải giả vờ ngủ say như chết.
Quả nhiên, vừa chập tối, bác thông phiên kêu râm rẩm đau bụng và tìm chăn tìm gối, lên giường nằm im thin thít.
Và mới độ hơn tám giờ, cô Khuê đã lẹp kẹp đôi guốc, bưng thau nước đặt sẵn trên giá và đến gần bàn đèn, thỏ thẻ hoi:
- Bẩm quan lớn có sai gì con nữa không ạ?
Ông huyện lắc đầu:
- Không.
Cô Khuê vừa quay đi, bỗng ông khẽ gọi:
- Này!
Khuê đứng chờ lệnh. Nhưng ông huyện không bảo gì, chỉ dăn deo đôi mắt, nhìn cô rất tình tứ. Rồi một lát ông mới mỉm cười, nói:
- Nhé!
o O o
Ông huyện tiêm vội vàng để hút cho đủ bữa. Tiếng tẩu kêu với tiếng bác thông phiên ngáy lắm lúc hoà với nhau kêu ầm nhà.
Đến độ mười giờ, ông đậy nắp hộp sừng, úp chén xái, xếp dọc tẩu cạnh khay và lấy đồng xu đặt trên miệng chụp đèn.
Ngọn lửa trước đỏ, sau xanh dần, đến nỗi không đủ sáng để chiếu rõ khắp mấy gian nhà rộng nữa.
Ông huyện ngồi dậy, lắng tai nghe bác thông phiên, và mở tráp ra, lấy miếng trầu nhai bỏm bẻm. Đoạn ông đi rửa mặt, rửa tay cho sạch, và mắt luôn luôn nhìn về phía cửa buồng. Tuy ông can đảm, song cũng thấy sự cảm động nó làm trái tim ông đập mạnh.
Rồi lau tay xong, ông không thể kiên tâm được hơn nữa. Ông khe khẽ tiến vào buồng cô Khuê.
Bác thông phiên đã nhìn rõ như vậy. Đợi khi cả tấm thân của ông bị chôn vào trong bóng tối, bác mới từ từ ngồi dậy. Bác đi chân không sang giường ông. Thấy cái tráp mở sẵn, bác nhắc cái ngăn trầu ra xem. Cả ngăn dưới chỉ có giấy má, chứ không có đồng tiền nào.
Bác cau mặt, nghĩ ngợi một lát, rồi đến xó cửa, lấy hòn gạch vẫn để ở đó. Bác bỏ hết giấy má cùng ngăn trầu trong tráp ra, rồi đặt hòn gạch thay vào. Bác cứ để nguyên cái nắp tráp mở và ngồi đợi.
Bỗng một tiếng đằng hắng trong buồng, bác vội vàng ôm tráp đi vào.
Thì cố nhiên là bác bắt được quả tang.
Ông huyện thấy động, cuống quýt sờ soạng cái quần, nhưng không thấy đâu cả. Hẳn là cô Khuê đã giấu biến đi mất rồi.
Loè một cái, một tia lửa chiếc đèn bấm năm pin soi rõ vào ông từ đầu cho đến chân. Ông lúng túng, đứng co ro. Nhưng một chiếc áo cánh không phản chủ, cũng là phản chủ. Nó không đủ vừa che mình ông vừa che cả những chỗ ông muốn che.
Bác thông phiên sấn lại ôm ông. Trong khi ấy, cô Khuê đỡ lấy tráp. Ông huyện giãy giụa, cau mặt xuống:
- Ơ, cái thằng, láo nào!
Nhưng bác Giốc chẳng nói chẳng rằng. Bác luồn tay ghì lấy đầu ông. Ông không cựa được. Cô Khuê cầm nạm râu ông, đặt vào thành tráp, và rập nắp lại đánh sập. Cái tráp có khoá mỏ neo, không có thìa khoá thì không thể mở được, nên cả bộ râu lê thê đã mắc cả ở trong tráp.
Cùm râu xong, bác Giốc bảo con gái buôn tay ra. Cái tráp nặng nó giật râu ông đau đánh nhói. Ông nhăn nhó không dám kêu. Vì hễ hàm dưới cử động thì nó co ngay râu ông xuống.
Ông vội vàng nâng lấy tráp, và nâng bằng cả hai tay, vì nó nặng quá. Và ông huyện cứ phải tô hô để nâng tráp như thế, cho đến sáng hôm sau, tận lúc thầy Đề chạy đủ hai trăm bạc mới chuộc được cho quan kịp vào dinh cụ Thượng.
1938
Nạn Râu Nạn Râu - Nguyễn Công Hoan