Medicine for the soul.

Inscription over the door of the Library at Thebes

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1013 / 12
Cập nhật: 2014-06-19 22:57:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ỗi khi ông dân làng bẹp nào mà nghiền nghĩ ra mưu kế để làm một việc gì thì có họa là thánh cũng phải mắc.
Bạn tôi, anh Việt, hồi ấy làm giáo học ở một trường thuộc hạt Cao Bằng. Cảnh tiêu điều trên mạn ngược đã làm hại đôi tai anh. Những lam khí nặng nề, những rừng rú đồ sộ, đã đè nén lên anh, làm cho đôi tai anh bẹp dí. Nghĩa là anh nghiện thuốc phiện. Mới đầu, người ta mời anh thử một điếu, anh nhất định gạt ra, chê là dọc tẩu khai, và lỡ nghiện thì mất hết nhân cách. Rồi sau, vì bị ép uổng và chế giễu nhiều quá, anh bất đắc dĩ phải nhượng bộ, nhưng hút xong, anh xúc miệng thật kỹ, lợm giọng mất đến ba hôm. Và bụng bảo dạ: "Mùi mẽo gì mà sao cũng có người nghiện được."
Bởi nghĩ vậy, nên anh cho là thỉnh thoảng giá có làm một hai điếu cũng chẳng sao. Lại được lợi là nằm cạnh bàn đèn nghe chuyện, rất nhiều chuyện, anh quên đứt được nỗi xa nhà, nỗi phiền muộn nó chứa chất trong lòng.
Thế rồi hút quen đi, anh nghiện lúc nào không biết. Thôi được, cũng không hề gì. Miền ấy thuốc phiện lậu rẻ như bùn, bỏ ra hai hào mua thì hút cả đêm không hết.
Bởi vậy, cái móc có thể nạo xái, thì nó cũng có thể kéo được Việt ở lại với non nước Cao Bằng. Anh không dám nghĩ đến việc xin trở về vùng xuôi nữa. Vùng xuôi không sẵn cái số ngang, mà giá có cũng đắt như vàng cốm.
Nhưng con tạo có cho ai được như ý bao giờ, nên khi chờ đủ thì giờ để Việt nghiện oặt sà lai, để thân thể anh chỉ còn là một cái khung dúm dó, và để tai anh hoàn toàn mất hết nếp dăn, thì nhà nước "phóng một đạo" nghị định đổi anh về Hà Nội. Thật là một tiếng sét đánh.
Nhận được giấy, anh ngồi ngẩn người ra, cau có nghĩ đến nỗi ăn tiêu đắt đỏ ở chốn nghìn năm văn vật. Trang chữ đánh máy ấy, anh coi nó như tờ kết án tử hình. Anh lo lắng mê mẩn mấy hôm đến nỗi quên ăn, quên ngủ. Nhưng không hôm nào anh quên hút. Mà hút thực nhiều, hút... vãi ra khỏi, hút cho bõ, kẻo đến ngày bị túng quẫn lại hối tiếc.
Gần đấy có nhà đoan. Sở thương chính ấy lập ra chỉ để chộp tụi buôn và dùng thuốc phiện lậu. Mỗi ngày, chuyến ô tô vận tải qua đó tất phải đỗ lại ít ra là mười lăm phút trước cửa nhà dây thép. Một là để sở bưu chính nhận và phát những bao thư, hai là để hành khách được biết rằng mình vẫn còn sống làm người, bởi vì nếu không chết về sự nguy hiểm của cách giao thông tài cũng tạm biến thành cá, cá hộp, ba là để lính đoan bắt mọi người mở hành lý ra khám. Những ngày không có tin báo thuốc phiện lậu chở trên xe, thì người ta lục soát lấy lệ, nhưng khi được biết đích xác có người mang cái thứ quốc cấm ấy về vùng xuôi, thì phải biết là họ sục sạo, lắm khi tài xế và hành khách phải phát cáu về nỗi chờ lâu.
Hôm hai mươi bẩy tháng Tám năm ấy, ông tây thương chính được tin Việt mới mua hai mươi kilô nhựa, định đem theo về Hà Nội. Ông ta cùng lính đoan ập vào nhà Việt để khám, nhưng như mọi lần, ông ta phải hậm hực về không và cũng như mọi lần, ông ta làm ra vẻ hối hận, bắt tay Việt cùng xin lỗi là trót nghe người ta báo láo. Mà mỗi khi Việt làm cho họ bẽ, thì anh lại đắc trí, nhìn theo họ, đầu gật gù, miệng mủm mỉm, nói một mình: "Chỗ bố giấu, có trời mà biết!"
Nhưng lần này ông tây đoan quyết chẳng chịu Việt, vì ông biết rằng có tài thánh anh cũng không mang thoát được lối ô tô này. Thì dù hôm nay anh có giấu giếm cẩn thận đến đâu, song hôm anh về, trong hành lý, tất sao cũng có.
Ông ta thật đã cao đoán.
Nhưng ông ta quên là dân làng bẹp còn đoán cao bằng mười ông. Phải, Việt biết tỏng ra rằng sự vờ vĩnh tử tế kia chỉ có mục đích ru ngủ cho anh khỏi ngờ sẽ có một tấm lưới giăng ra để bắt anh lần thứ hai. Và người bán nhựa hẳn đã đi báo để được ăn thêm tiền hoa hồng. Vậy thế nào nha thương chính cũng đợi đến hôm anh ra ô tô mà chộp cho kỳ được.
Anh nghiền ngẫm suốt một đêm. Nhiều lúc chán nản, anh đã tính ly di ả phù dung, không dám mang theo nữa. Nhưng một chốc vứt đi hàng hai mươi ki lô nhựa, sao anh có thể phí của trời thế được. Anh túng, gia dĩ thuốc phiện đối với anh, còn cần gấp mấy cơm gạo, gấp mấy khoa sư phạm của cái nghề godautre bạc bẽo này. Vậy anh có thể bỏ nghề, có thể nhịn ăn, chứ không có thể vứt đi từng ấy nhựa được. Vả lòng tự ái bắt anh tìm mưu kế để thắng sự xét nét của nha thương chính, và nhất định gí của quốc cấm vào mũi người tây đoan.
Thì đêm hôm sau anh đã nghĩ ra.
Anh thuê thợ mộc đóng mười hai cái hòm nhỏ giống nhau, bằng gỗ mỏng, dài tám tấc, rộng năm tấc và cao ba tấc, các chỗ ván ghép, phải đóng bằng những đanh thực to. Trong những hòm ấy, cái anh đựng quần áo, cái anh đựng chăn màn, cái anh đựng bát đĩa, cái anh đựng rế và chổi, vân vân, nghĩa là bất cứ đồ gì nhỏ, anh đều tống cả vào mười một cái hòm.
Còn cái thứ mười hai, anh chứa toàn nhựa.
Hôm ba mươi tháng tám là ngày khởi hành, trừ hòm thuốc phiện để lại, giấu chỗ mọi khi, còn anh sai người khuân cả đến trước nhà dây thép.
Ông tây thương chính và hai người lính lảng vảng từ lâu ở chỗ đỗ ô tô, thấy đồ đạc của Việt, bèn bảo nhau đi mượn kìm búa sẵn. Hễ Việt đến nơi, ông xin phép nậy hành lý ra khám liền.
Việt biết vậy. Các hòm, anh cho tải từ nhà đi lúc chín giờ, mà nhất định không thèm thuê người đứng coi. Anh yên trí thế nào bọn nhà đoan cũng túc trực cả ở đó để giữ hộ.
Anh đến chơi các người quen kẻ thuộc để từ biệt cho đến gần đúng ngọ, là giờ ô-tô tới, mới đủng đỉnh vắt tay đằng sau, đi rõ thong thả đến chỗ chờ xe. Anh lấy làm sung sướng về cái dáng điệu trêu ngươi ấy, và mỉa mai thầm tụi nhà đoan bị trúng kế.
Người tây đoan đứng cạnh chồng hòm, thấy anh đi tới mà lại vừa đi vừa đứng, nghênh trời đất, núi non, thì nóng ruột, bèn rảo bước đến, ngả mũ chào, và nói:
- Xin phép ông cho chúng tôi làm việc bổn phận.
Việt mỉm cười, giơ tay mời, và đáp bằng giọng hết sức nhã nhặn:
- Vâng, xin cứ tự tiện.
Được lệnh trên, người lính nậy nắp hòm, nhổ đanh. Anh ta mắm môi mắm lợi để làm việc. Nhưng đanh thì to, đóng kỹ, mà ván lại mỏng, nên vừa phải hết sức vừa phải nhẹ tay.
Và mất rất nhiều thì giờ, anh ta mới mở được một chiếc.
Việt vẫn vắt tay đằng sau, đứng tươi cười nhìn mấy thầy trò làm chức vụ. Thấy người tây mặt đỏ bừng, và người lính mồ hôi mồ kê nhễ nhại, anh còn nói trêu:
- Ấy, gượng nhẹ tay kẻo vỡ thuốc phiện nhé!
Song, không có gì đánh đổ được sự kiên tâm của người đã tin, nên bọn nhà đoan không nản lòng, cứ cố mở hết hòm này đến hòm khác.
Đúng mười hai giờ, ô tô sình sịch tới. Và đỗ. Và chờ. Và giục.
Việt cũng giục:
- Các ông mau lên kẻo tôi lỡ xe.
Người lính đã cuống queo càng lóng cóng già. Người tây thì gắt địa lên. Xe chờ quá nửa giờ mà mới có sáu chiếc hòm mở được. Ông đoan phát cáu, bảo tài xế:
- Nếu sợ muộn, cứ cho xe chạy đi.
Và nói với Việt:
- Còn ông thì chưa thể đi ngay hôm nay được. Tôi cần phải khám xong đã. Ông đi chuyến ngày mai.
Việt mỉm cười:
- Vâng, xin mời ông cứ làm việc bổn phận.
Rồi anh lại ung dung hút thuốc lá, thổi còi, đi đi lại lại ngắm phong cảnh.
Khám đến cái hòm thứ mười một, người tây đoan phùng mồm thở đánh phù, lấy ngón tay trỏ gạt mồ hôi trán, chòng chọc nhìn Việt. Việt ôn tồn hỏi:
- Vậy ông không thấy gì? Ông làm ơn sai đóng đanh trả tôi. Và cũng may không có tấm ván nào gẫy.
Trong khi người lính đóng hòm, Việt nhìn đồng hồ, thấy đã một giờ rưỡi, bèn hỏi:
- Ra các ông mẫn cán quá đến nỗi quên cả đói. Nhưng xin ông viết cho mấy chữ nhận rằng vì sự khám xét chậm trễ nay mà tôi lỡ mất chuyến xe, tức là một ngày để khi đến Hà Nội chậm, tôi không có lỗi. Và ông làm ơn thuê người đem các hòm này về nhà tôi cho tôi.
Người tây đoan không thể từ chối được lời yêu cầu rất hợp lẽ phải của Việt.
Và khi dân làng bẹp lại ngả bàn đến ra hút một chập nữa suốt đêm, để chờ đến trưa hôm sau ra ô tô, thì anh mới vứt lại hòm rế và chổi và khuân hòm nhựa thay vào.
Anh cũng chờ cho gần đến giờ xe tới mới đúng đỉnh ra nhà dây thép, đứng cạnh đồ đạc.
Anh sung sướng nhất là người tây đoan cũng lảng vảng ở đó, nhưng khi nhận ra anh thì hẳn tránh rõ xa - nghĩa là hắn không dám đến gần cái hòm thuốc phiện lậu.
Thế mà Việt còn không tha. Anh chạy theo, gọi người tây và trỏ tay, nói:
- Ông có cần khám nữa thì mời ông cho mượn kìm búa ngay đi, kẻo làm lỡ việc tôi lần nữa.
Người tây tím mặt, song làm ra dáng tử tế, lắc đầu, bắt tay Việt và đáp:
- Thôi, bất tất, tôi chúc ông thượng lộ bình an.
Mưu Làng Bẹp Mưu Làng Bẹp - Nguyễn Công Hoan