Số lần đọc/download: 1936 / 19
Cập nhật: 2015-08-14 13:16:52 +0700
B
à ngoại tôi hồi còn sống, mỗi lần nghe những chuyện người hại người, bà nói, chắc là bị ma nhập. Bà không tin và không giải thích được tại sao người này lại cầm dao cắt thịt da, lại làm tắt rụi hơi thở của người khác. Với bà, con người không ác, có-thứ-gì-đó khiến con người ác.
Nhờ vậy, bà ngoại giữ niềm tin miên viễn vào sự tốt đẹp của con người. Tin yêu hết cuộc đời. Ngoại đột ngột qua đời, bà vẫn chưa kịp dạy tôi cách bó chổi rơm, vót nan đan rổ, tôi vẫn chưa học nướng bánh bông lan… mà tiếc nhất là học chưa tròn cách nhìn người bao dung đó. Tôi bối rối. Tôi không đổ thừa cho ma quỷ nữa, vì thế giới đó giờ có linh hồn của ngoại, của ông bà tổ tiên, những người đã từng sống rất hiền thì không thể làm ma ác.
Có cô giáo già về hưu dọn mảnh vườn hoang cất nhà làm hàng xóm của tôi, đã dạy tôi nhìn con người theo cách khác, không thể nói là kém vị tha hơn kiểu của ngoại tôi. Cô nói con người tiến hóa từ loài thú, nên không tránh được trong người ai đó còn sót một chút xíu tính thú. Nghĩa là hồi nhỏ tôi hay đánh nhau với đám bạn bởi trong người tôi còn chút cặn của chó sói, hay sư tử, lý do này khiến tôi hung hăng, chớ thật ra tôi đâu có hung hăng. Ái chà…
Năm tôi mười lăm tuổi, má dẫn tôi hành hương núi Sam vía Bà chúa xứ. Lễ xong người ta rủ đi qua Tri Tôn chơi núi. Và tôi đến Ba Chúc lần đầu, khi trên những bức tường đổ nát quanh đó còn bê bết những mảng máu khô. Máu của trẻ em, của những người già, của những người đàn bà chết trong thảng thốt, chết mà không hiểu sao mình lại chết. Vùng đất đi qua cuộc thảm sát đẫm máu của Khơ-me Đỏ vẫn còn ngổn ngang nhiều vụn xương người. Hai má con tôi đứng khóc trước những tấm ảnh đen trắng chụp những thi thể gầy gò, còng queo như những dấu hỏi dưới trời thăm thẳm.
Lúc đó tôi không sợ, sau này khi quay lại Ba Chúc nhiều lần nữa, tôi vẫn không thấy sợ hãi, chỉ có cảm giác thất vọng ghê gớm, về con người. Ngay khi đứng giữa những bức ảnh loang lổ, đứa trẻ nào bị xé làm đôi, người phụ nữ nào bị xóc cây vào cửa mình… tôi nhận ra tội ác này không phải vì chút thú tính còn sót lại, nói vậy tội nghiệp tụi thú. Bà giáo già, cũng như bà ngoại tôi, thật ra cũng vì bối rối mới đành đổ lỗi cho ma quỷ, cầm thú… cho gọn.
Có thể bằng cách đó, chúng tôi chế ngự được nỗi thất vọng, bởi không thể không thương yêu con người, bởi trong chúng tôi vẫn còn rất nhiều người tốt. Những câu nói dịu dàng. Những ánh nhìn ấm áp. Những bàn tay nồng nàn thô ráp… Nên đôi khi đọc báo thấy chuyện cha trói con, kéo xểnh lông chông trên đường bằng xe máy, hay trò mang dao vào giảng đường đuổi giết thầy, chồng lột trần vợ nhốt vào chuồng chó, con đẩy mẹ ra đường ăn xin… tôi thấy ngơ ngác, thấy nên tìm gì đó vịn vào, bất cứ gì để biện minh cho sự tha hóa, nhẫn tâm của họ. Nghĩ, nắng này, mưa này tới đá còn phai, còn bạc màu, thì con người có kẻ cũng phai đi chất người một chút, hay chín mười chút, hay trăm ngàn chút. Người ta ai cũng phai, phai ít còn người, phai nhiều chỉ còn con. Tại mưa nắng hết.
Giống như cô vợ không còn giữ được tình yêu của chồng, thấy chồng đi với người khác, cô liền nghĩ con đàn bà kia chắc là có bùa Chà. Cố gắng để không gọi tên sự thật, tôi khoan khoái xoa tay, thấy an ủi vô cùng, giờ mình vô cảm hơn hồi xưa, rắp tâm toan tính hơn xưa… do bởi… trời mưa.
Tôi ước gì ý nghĩ đó có thể an ủi mình mãi. Nhưng tin trên báo sáng cứ xoáy vào lòng, hôm qua một em bé qua đời bởi nhát chém oan nghiệt từ hằn thù của người lớn, một em bé khác bị đánh đập, bỏ đói vì xin không đủ số tiền quy định của những kẻ chăn dắt, cũng hôm qua. Tôi không biết nên yêu thương con người theo kiểu nào mới phải? Đối diện, vẽ chi tiết, đường nét của cái ác, gọi tên, chiến đấu với nó hay ngụy biện cho sự thoái hóa của con người bằng những thứ không biết kêu oan, che đậy, phủ lên nó bằng bức rèm mưa nắng mông mênh?