Reading means borrowing.

Georg Christoph Lichtenberg, Aphorisms

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Minh Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2021-05-22 19:02:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ưa đã ngày thứ sáu. Nước tiếp nước đổ xuống đảo. Lì lợm, dằng dai. Vài khoảnh khắc nắng lên như cười cợt vào đám người ngây thơ nghĩ hôm nay sẽ có tàu rời bến, rồi hy vọng yếu ớt ấy tắt phụt đi theo màu trời tối sầm. Thêm cơn áp thấp nữa theo đuổi cơn bão cấp bảy vừa tan.
Nhìn ra bến tàu nước giăng mờ mịt. Bao nhiêu tàu bỏ đi núp bão, để lại cái bến trống không. Trong mấy nhà nghỉ nuôi chứa đám khách bị mắc kẹt, hơi nước nặng làm oằn thêm những thở dài. Ai cũng biết còn lâu mới có thể thoát khỏi đảo. Phía đất liền là nhà cửa, công việc, tiệc tùng. Ở đây chỉ có mưa, gió dựng sóng, tiền cạn dần và những bữa cơm bắt đầu vắng bóng rau xanh.
“Sống xứ này tàu không ra là chịu chết”, ông chủ nhà trọ nói, trong lúc lấy giẻ lau thấm nước mưa tràn qua cửa.
Bạn nhớ lần kẹt bên Phú Quốc, cũng bão nổi bão như vậy, nhưng ở đó có sân bay. Người khá giả tìm được đường tháo chạy. Bên đó chỉ người nghèo bị bỏ rơi. Nhưng ở đảo này, hết thảy chuyện đi ở đều dựa dẫm vô mấy chiếc tàu khách. Và tàu khách thì phụ thuộc vào ông trời. Ông ẩm ương rồi thì tiền nhiều hay ít đều chịu trận.
Chuyến đi bất đắc dĩ bị kéo dài, mỗi người một kiểu phản ứng. Người ra mặt thù nghịch ông trời, người bất lực phân bua với bạn hàng qua cái điện thoại nóng ran, người tuyệt vọng ứ hự ngó những núi mây mọng nước, “không biết chừng nào tụi này mới chịu tan”. Bạn nằm ườn trong phòng, không làm gì. Thật sự không làm gì, đến nghĩ cũng lơ mơ không đâu vô đâu. Những lần trốn nhà đi bụi, dù là rong chơi nhưng vẫn bận lội suối nọ núi kia, cố in dấu chân cùng khắp cái nơi chốn xa lạ đó, nghĩ rằng biết đâu đời này không còn lần quay lại. Nhưng giờ giông mưa vây trùng điệp bên ngoài nhà trọ, sách mang theo đã đọc hết, hết biết làm chi. Nói cho cùng, đây là một kiểu sự cố dọc đường mà dân ưa dịch chuyển không còn lạ. So với chuyện vạ vật ở phi trường chờ tát nước đường băng, đợi hãng bay tìm phi công, thì lỗi trì hoãn do thiên nhiên dễ chịu hơn nhiều. Nên bạn không đứng chỗ cửa sổ ngó mưa trên biển thì ngồi nhìn kiến đi dưới chân tường, bao giờ đói lại xuống tầng kiếm đồ ăn bỏ bụng.
Tầng trệt nhà trọ là quán cơm. Ngày ba bữa, đám người mắc kẹt có dịp gặp nhau, chào nhau bằng mỗi câu “không biết chừng nào mưa mới ngớt”. Cơm chan với sốt ruột, nhai không thấy ngon. Mưa bão đẩy người ta vô cái hoàn cảnh bất tiện hết sức nói. Một anh ra dáng doanh nhân xòe một nắm thẻ ngân hàng ra, than ở đây thứ này vô dụng, mà tiền mặt anh mang theo sắp hết rồi. Nhóm quý bà ở tầng hai khổ sở vì phải diện quần áo nhăn nheo mà chủ trọ vừa lấy ra khỏi máy giặt. Một con nhỏ mập ú hành ba má nó tơi bời vì muốn ăn thịt bò, nhưng trên mâm chỉ toàn cá muối.
Nhìn quanh chỉ có một gia đình bốn người cháy nắng là tỉnh khô, chừng như vô nhiễm với lo âu. Chị vợ kể trong lúc kêu lô tô, nhà chị ở miệt Thứ, hai vợ chồng đều làm thợ hồ, một bữa nhỏ con nói nó coi truyền hình cũng thấy biển hoài, trong bài học cũng nhiều biển, nhưng chưa lần nào được tắm biển thiệt. Vợ chồng anh gom góp tiền chở hai đứa nhỏ ra biển chơi.
“Ai dè chuyến này đi lâu quá mạng”, anh chồng cười phụ họa, khoe hàng răng khuyết hết mấy cái.
Không kể thì cũng đoán được anh chị dân lao động nghèo, qua cách ăn mặc, và bữa ăn thường xuyên cơm trắng trứng chiên, xịt chút xì dầu. Đứa con gái nhỏ rõ ràng là mặc quần áo của thằng anh nó để lại. Nhưng trên mặt cả bốn người chẳng có nét nào lầm lũi. Suốt những ngày bị mắc kẹt, họ không chơi lô tô thì cũng ra bến tắm mưa, tối lại hát nhạc vàng bằng cái mic karaoke hàng Tàu. Như thể những tin báo bão phát suốt trên truyền hình chẳng liên quan tới họ.
Nhưng người nghèo, ở chỗ nào, hoàn cảnh nào cũng dễ tổn thương.
Buổi cơm trưa nghe tiếng được tiếng mất, anh chồng nói mai còn mưa thì đi kiếm chuyện gì đó làm, “họ bị tốc nóc nhà cũng bộn, chắc cần thợ sửa, lo gì”. Chừng như họ sắp cháy túi, dù đã tằn tiện hết cỡ. “Mơi con đi câu, thể nào nhỏ Út Lì cũng có cá ăn”, thằng con trai bỏ lời chắc nụi. Bạn ngồi kế bên bàn ăn của họ, ngó hoài thằng nhỏ với hai cái răng cửa bự chảng, mi mắt rợp hệt mắt trâu, lúc nào cũng như đang cười. Hiểu chuyện như ông cụ non, thằng nhỏ hay đánh lạc hướng em nó mỗi khi nhỏ kia thèm muốn nhìn mớ đồ chơi sặc sỡ của bạn, “Cưng, chút tắm mưa”.
“Ừ, tắm chớ, chơi được cứ chơi, mai tính tiếp”, ba má nó hứng khởi đầu đũa với nhau.
Và chẳng giông bão nào ngăn cản được cả nhà họ ra ngoài bến chơi giỡn với những con sóng cao ngang đầu người, quất cái ngọn ngầu bọt vào thềm đá. Cú ra đòn đầy sức mạnh nhưng lại dễ đoán của sóng không làm gì được những con người chừng như chẳng thể nào quật ngã. Hoặc họ chạy khỏi hoặc sóng không với tới. Hai đứa nhỏ còn day lại cười toe khiêu khích, “Ê sóng, có ngon thì vô đây”.
Những người ở trong quán trọ nghe tiếng cười đùa vang động ngoài kia, tự hỏi, mình vẫn ngồi bó gối thở dài hay cứ buông hết những mối lo cháy ruột đi mà hít thở mùi mưa. Ngày mai có thể trời chưa tạnh, nhưng ấy là mưa khác rồi.
Mưa Mai Là Mưa Khác Mưa Mai Là Mưa Khác - Nguyễn Ngọc Tư