Số lần đọc/download: 1449 / 18
Cập nhật: 2014-06-19 22:57:32 +0700
Đã hơn một giờ, cậu Mai khóc, dỗ thế nào cũng không nín. Cậu đòi cho kỳ được bánh sừng bò, vì bà huyện hứa hối lộ cậu, nếu cậu để yên cho vú em tắm hộ. Thật là giỏ nhà ai quai nhà ấy.
Cả xóm ai cũng phải phát ghét về cái lối vòi dai của đứa bé hư đốn ấy. Mà cậu nghịch ngợm đất cát, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, quần áo lấm như chôn như vùi, nếu không để yên cho người ta tắm hộ thì để làm mắm hay sao. Giá phải con nhà khác, thì một cái bợp chững chạc vào mang tai, cậu có thể đâu vào đấy. Khốn nỗi cậu mới lên năm, đánh đau thì thương, vả lại là con một, nên bà huyện chiều quá chiều vong.
Vú em đã sửa soạn cả nước, xà phòng, lẫn khăn mặt, cậu chỉ việc ngồi đó, để người ta kỳ hầu, thế mà cũng trốn như chạch. Nói thế nào cậu cũng ứ, nên bà huyện bảo:
- Con tắm xong, mợ bảo nó mua cho cái bánh sừng bò mà ăn.
Cậu Mai thích chí, cười khanh khách, tụt ngay quần, nhầy vào chậu thau, làm nước bắn tung tóe.
Thế rồi khi tắm xong, cậu nằng nặc đòi bánh cho kỳ được, và nhất định không mặc quần áo. Đến khi biết mẹ nói dối, cậu đâm khùng, đỏ mặt tía tai, cứ trần truồng, nằm ềnh ra đất khóc rầm rĩ.
Bà huyện thấy con khó báo, cũng bực mình, nhưng không mắng. Bà chỉ phàn nàn với vú em:
- Giá như ở huyện thì tao bảo chạy ra phố mua được ngay, chứ ở nhà quê, cách Hà Nội những hơn hai mươi cây số làm gì có bánh sừng bò. Biết cậu nhớ dai thế, thà tao dỗ cái khác.
Rồi chợt nghĩ ra, bà hỏi:
- Ở phố ga có bán không hở mày?
- Bẩm bà lớn chỉ có vài hàng buôn bánh khách mà thôi.
Cậu Mai giẫy đành đạch:
- Không, em không ăn bánh khách đâu nào!
Rồi cậu ngồi nhổm dậy, túm lấy áo vú, tát lấy tát để vào mặt.
Vú em cố gỡ cho ra. Cậu tức, hai chân đạp trong chậu nước, đổ lênh láng, rồi lại nằm ăn vạ.
Bà huyện thấy con rắn đầu rắn cổ, vội vàng dỗ:
- Sáng mai, cậu cho xe về đón mợ con lên huyện thì tha hồ mà ăn bánh sừng bò.
- Không, bây giờ kia!
Bà hàng xóm muốn chừng sốt ruột về tiếng khóc, đứng ở hàng rào râm bụt, nói sang:
- Thôi, cậu nín đi. Về nhà quê thì đòi quà bánh đúc chứ lỵ.
Cậu Mai khóc mỏi mồm, bèn nằm yên. Cậu mệt lử và người bê bết những đất.
Bà huyện thương hại, gọi lũ trẻ láng giềng sang nghịch, để cậu mải chơi quên hờn.
Nhưng vô hiệu, cậu Mai chửi lũ trẻ, chửi bằng những tiếng thô tục. Chúng nó sợ cậu phát khùng hơn, lảng chạy mất.
Cậu Mai như bị gợi mối căm hờn, lại bắt đầu khóc. Thấy con gào thét, bà huyện như bị đứt từng khúc ruột. Bà nhăn nhó, lắc đầu, rồi chép miệng, dịu dàng nói:
- Giá có xe ở nhà, mợ bảo tài xế nó đánh ra Hà Nội mua cho em rồi. Thôi em dậy đi.
- Em không, bánh sừng bò cơ!
Bà huyện nhìn con, thở dài. Rồi chợt bà nghĩ ra, gọi:
- Ích ơi.
Người tá điền lên, bà hỏi:
- Làng ta có ai có xe đạp không mày?
- Bẩm bác Lý vẫn có, nhưng không biết bác ấy có nhà hay lên huyện.
- Thế thì mày đến nhà bác Lý nhé, nói rằng bà huyện tôi mượn bác xe đạp cho người lên ga bỏ cái thư một tý thôi. À, mày có biết đi xe đạp không?
- Bẩm bà không.
Bà huyện cau mặt:
- Rầy rà nhỉ. Em mày, thằng Nhân có biết đi không?
- Bẩm nó hơi biết.
- Vậy mày gọi nó lên đây, tao sai nó ra Hà Nội mua bánh cho cậu. Tính cậu thế cơ, muốn gì thì đòi cho kỳ được. Không có thì chết với cậu.
- Thưa bà, em con nó chưa ra Hà Nội bao giờ.
Bà huyện tần ngần nghĩ ngợi, rồi nói:
- Được, mày cứ ai mượn bác Lý, rồi bảo em mày lên đây tao dặn.
Ích lấy nón ra đi! Và một lát sau, một chú bé độ mười bốn, mười lăm tuổi, lên chào bà huyện.
Bà huyện hỏi:
- Nhân, mày biết đi xe đạp chứ?
- Bẩm biết.
- Mày đi mua cho cậu cái bánh sừng bò nhé.
- Thưa mua ở đâu ạ?
- Mua ở Hà Nội ấy mà.
- Bẩm bà, còn chưa ra Hà Nội bao giờ.
- Được, tao dặn đường. Mày cứ thẳng lên ga, rồi theo đường nhựa đi về phía chợ Gạch, nghe chưa.
- Vâng.
- Đấy là đường đi Hà Nội. Từ ga đến Hà Nội hai mươi ba cây số, sức mày đạp độ một giờ rưỡi đồng hồ. Mấy hôm nay xuôi gió thì chóng đấy. Mà đừng chơi giữa đường nhé. Sắp đến nơi, phải qua cái cầu dài. Rồi qua cầu, mày rẽ tay trái, theo dọc bờ sông, đến chiếc cột ở giữa đường trên có chiếc đồng hồ, thì mày đi về phía đường cong. Rồi đi phố ấy, đến ngã tư, mày rẽ về bên phải. Đi một quãng nữa, mày rẽ sang tay trái. Phố ấy có hiệu bán bánh tây. Mày vào mua cho tao hai chiếc bánh sừng bò, đằng bánh mới ấy. Mua xong, mày đạp ngay về, đừng nghênh ngang ngoài đường mà chậm nhé. Mày nhớ lối đi chưa?
Nhân ngơ ngác đáp:
- Thưa bà chưa. Mà Hà Nội nhiều phố quá, con sợ lạc.
- Không lạc đâu, cứ nghe tao dặn mà nhớ cho kỹ.
Bà huyện lại nhắc một lượt nữa, và lần này bà vạch ra đất, vẽ phố xá cho rõ ràng.
Nhân vẫn như vịt nghe sấm:
- Thưa bà, thế thì con lạc mất. Đường này lại lắm xe ô tô quá mà con thì mới biết đi xe đạp.
Bà huyện dỗ ngọt ngào:
- Mày cố đi đến nơi về đến chốn. Tao cho mày năm xu mà uống nước.
Độ nửa giờ sau, Ích dắt xe đạp về. Bà huyện đưa Nhân hào rưỡi, và căn dặn thêm một lượt.
Nhân mượn nón của anh rồi lên xe. Vì nó mới biết đi, nên cầm lái còn chập choạng.
Một xuýt nó đâm vào hàng rào. Sau hết, anh nó phải giữ xe cho nó lên.
Lúc Nhân đi là vào khoảng hai giờ chiều. Độ từ năm đến sáu giờ, tất nó về tới nhà.
Nhưng đến tận sáu rưỡi, sẩm tối, chẳng ai có tin tức gì về nó cả.
Bà huyện thỉnh thoảng chạy ra cổng và gắt nó chưa dẫn xác về. Bà ngóng đôi bánh sừng bò hơn là ngóng nó.
Nóng ruột ngóng nó là anh nó. Ích phàn nàn, em nó mới biết đi xe đạp mà dám cả gan. Hà Nội là nơi chưa đến bao giờ, lại xe cộ như mắc cửi. Vả lại nó bé quá, không biết có đạp nổi ngót năm mươi cây số khứ hồi hay không.
Rồi mẹ cũng mong đứng mong ngồi. Mẹ nó lo nó lạc, lo nó bị nạn ô tô, lo nó mệt quá mà quỵ giữa đường mất.
Rồi đến bảy giờ tối mịt, Ích không thể kiên gan, phải vác gậy đi đón em.
Đã từ năm giờ hơn, trên hiên nhà trên, cậu Mai nằm chán thì mỏi, nên đến bữa cơm, cậu yên cho vú giội lại người và mặc quần áo. Vả lại cậu đã trông thấy người ra Hà Nội mua bánh sừng bò rồi. Bởi vậy, cậu bằng lòng cho vú và cơm cho, chỉ yêu cầu một khoản xoàng mọi bận, là chạy diều mà thôi. Trong khi cậu chạy diều, vú cầm bát cơm và chiếc thìa chạy theo. Rình khi cậu nuốt vừa xong, thì vú đút ộc cho cậu một thìa cơm vào miệng. Cậu cũng giãy giụa và chửi vú để phản kháng. Nhưng vì mê diều, nên bất đắc dĩ nhận lấy miếng cơm.
Và cứ như thế cho đến khi cậu ăn đủ bữa.
Bà huyện không dám nhắc nhỏm ra miệng đến Nhân, sợ con nghe tiếng, lại nhất định khóc một dạo nữa đề biểu tình thì không biết đến bao giờ mới dỗ nổi.
Bà chỉ bảo thầm vú:
- Giá biết cậu không hờn dai, thì tao bảo nó vờ đi đâu một lát cũng được.
Rồi đến tám giờ, người ta chưa thấy Nhân về. Mẹ nó lo cuống cuồng thở vắn than dài, nói khó với năm sáu người, nhờ họ đi tìm hộ.
Nhưng bọn nào đi là mất bọn ấy.
Và độ quá trống canh một, nhà trên đóng cửa, bà huyện đánh một giấc ngủ ngon.
Nhưng đến nửa đêm những người đi tìm Nhân đều lục tục về không. Và đến nửa buổi hôm sau, vẫn chưa ai thấy tăm hơi Nhân đâu cả.
Chắc chắn là nó làm sao rồi.
Người ta nói đến tai bà huyện về Nhân, thì bà bực mình lắm. Người bảo nó lạc, người bảo nó bị chẹt ô tô.
Rồi đến khi không ai còn hi vọng trông thấy Nhân trở về với mẹ nó và anh nó nữa, thì bà huyện chép miệng, nghĩ đến cái bánh sừng bò là món ăn thích của cậu con quý, bà cau mặt, càu nhàu với vú em:
- Bà biết sai đồ ngô ngọng ấy là không được việc gì mà. Thế là toi hào rưỡi!
26-6-1938