Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Cười
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 459 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi thực sự ngây ngất trước tấm biển "Ủng hộ cải cách hành chính, thực hiện một cửa, một dấu". Bên cạnh dòng chức là hình vẽ một lá bùa hai mươi cửa, ngoằn ngoèo lộn rồng lộn rắn, bỗng thông thống một con đường đi cái rẹt từ người dân đến vị chức sắc, cả hai mặt mày giống như vừa... trúng số độc đắc. Tôi muốn hô lên "muôn năm" cho đã!
Số là tôi có việc đến cửa quan. Chuyện rất ư là... vi mô: Tôi làm đơn xin xây nhà bếp đằng sau ngôi nhà tôi đang ở, trong chu vi đất của tôi, nhà và đất thuộc hương hoả, bằng khoán đầy đủ. Diện tích nhà bếp mười thước vuông.
Sơ khởi, tôi đi lấy giấy xác nhận của phường rằng tôi đúng là tôi, tôi còn sống nhăn, nhà tôi cũng là của tôi, tôi ngụ tại đây từ lúc lọt lòng mẹ, tức gần nửa thế kỷ. Tưởng gọn, ai dè phải vòng vo. Tại phường, cô đánh máy lạnh lùng báo rằng, ông chủ phường bận đi họp rút kinh nghiệm về quản lý khu cư dân đô thị, ông phó phường chở con đi học, tôi nên tìm ông thư ký phường. "Ra mấy tiệm cà phê mà kiếm", cô nói mà chẳng thèm ngó mặt tôi. Quanh trụ sở phường khá nhiều quán. Tìm mãi rồi cũng gặp ông thư ký, không phải tại quán cà phê mà quán bia hơi. Ông hẹn tôi chiều đến phường.
Khi tôi đến, ông thư ký vắng mặt, nên tôi gặp ông phó phường. Tôi lột mũ, bắt đầu báo bẩm. Ông ngắt ngang: "Này, tôi là phó chủ tịch phường, không được nói tắt thành phó phường...".
Tôi cười mím chi cọp, xin lỗi.
- Sao không có sổ đăng ký hộ khẩu? - Ông phó chủ tịch hỏi.
Tôi vội vã chạy xe về nhà lấy sổ hộ khẩu, trở lại thì... hết giờ làm việc, đành chờ hôm sau.
Hôm sau, ông chủ phường - xin lỗi - chủ tịch phường nhận tờ khai của tôi, kèm sổ gia đình. Ông nổi quạu: "Làm như tụi tui quan liêu vậy, ông ngụ trong phường này ai mà không biết, đưa sổ hộ khẩu làm chi?".
Tưởng đã xuôi, ai dè ông hỏi: "Đây là nhà riêng của ông, giấy chủ quyền đâu?".
Lại về nhà, và khi trở lại, phường vừa nghỉ trưa. Chiều đến, ỷ y lời ông chủ tịch, không mang sổ hộ khẩu, tôi bị ông thư ký cự, lại quay về lấy và lại...
Mất hai ngày, cuối cùng tôi cũng xin được cái giấy gồm vẻn vẹn một câu: Chứng nhận ông Nguyễn Văn Mít ngụ tại khóm Y, khu phố X, phường Z, số nhà A trên C, đường B...
Lên quận. Cơ ngơi của quận không lấy gì làm "vĩ mô" cho lắm, song Phòng Quản lý Nhà đất lại lắm cửa vào, dù trong phòng bàn nọ kê khít rịt bàn kia.
Ông thứ nhất sồn sồn gầy nhom, vừa xem hồ sơ, vừa nghe tôi báo bẩm. Ông gật đầu rồi chỉ bàn kế bên. Ông nói: "Tôi lo tổng quát, vụ sửa nhà thuộc ông kia. Đồng ý về nguyên tắc cho ông xây bếp", rồi ký tên và đóng dấu.
Ông kia khá trẻ, dáng vận động viên, vẫn đòi tôi báo bẩm dù đã nghe trình bày rồi. Ông phán: "Tôi lo việc sửa nhà tổng quát, ông kìa giải quyết cho ông". Ông cũng ký cho phép một cách tổng quát, có đóng dấu hẳn hoi. Tôi xê qua bàn kế, lại báo bẩm với ông kìa. Ông kìa - mang kính lão nhưng người cực kỳ phương phi, đặc biệt là cái bụng - bảo: "Tôi lo sửa nhà cấp quận, còn nhà ông thuộc cấp phường, bà đó lo". Bàn này không ký tên đóng dấu. Lại xê qua bàn bà đó, một phụ nữ khó đoán tuổi, mặt mũi khó đăm đăm. Bà đọc các giấy tờ của tôi khá lâu, đòi xem luôn chứng minh nhân dân. Rồi bà nói với giọng... tủ lạnh: "Hồ sơ ông còn thiếu một cái quan trọng: không có bản vẽ căn bếp!".
Hụt hơi, tôi thều thào: "Một căn bếp trệt, mười thước vuông đâu cần bản vẽ".
Bà trừng mắt: "Không có bản vẽ thiết kế, phòng không ký giấy phép".
Tức mình, đêm đó tôi ngồi vẽ. Hôm sau tôi mang bản vẽ lại phòng. Liếc bản vẽ "tự tạo" của tôi, bà đó lắc đầu: "Phải có chữ ký và dấu của tổ thiết kế...".
Tổ thiết kế ngồi cách bàn của bà đó chưa tới ba bước. Ông tổ vừa nhổ râu cằm, vừa bảo: "Lấy giấy phép đi, rồi tôi vẽ cho; tôi vẽ chứ không phải ông, ông vẽ chẳng theo quy cách nào cả...".
Tôi quay lại bà đó.
- Có bản vẽ, tôi mới cho phép - Bà vừa đọc một hồ sơ khác, vừa trả lời.
- Có giấy phép, tôi mới vẽ - Ông tổ tiếp tục nhổ râu.
Chợt trí thông minh của tôi loé lên. Tôi bèn mời ông tổ ra ngoài làm một cữ cà phê, tặng một bao ba số 5. Trở vào, ông tổ tuy chê bản vẽ của tôi sai quy cách, kỹ thuật, vẫn ký tên, đóng dấu liền. Tất nhiên, tôi phải nộp tiền bản vẽ.
Và, thật là một buổi sáng hạnh phúc - tất cả, sau cữ cà phê - được giải quyết không quá năm phút.
Hai năm sau, tôi định bán căn nhà lấy tiền ra ngoại ô sản xuất. Được tấm biển "một cửa một dấu" khích lệ, tôi hăm hở trở lại phòng với đủ giấy má. Vào "một cửa", tôi thấy có sự thay đổi - các bàn lẻ dồn lại một bàn to. Nhưng vẫn những gương mặt ngày nào: ông sồn sồn, ông dáng vận động viên, ông đeo kính lão, bà đó và ông tổ. Bây giờ, ông dáng vận động viên ngồi sau tấm bảng trưởng phòng.
Mọi việc diễn ra trôi chảy, nghĩa là từng người trong phòng tiếp tôi, nghe tôi, không ai ký tên đóng dấu vào đơn xin bán nhà của tôi. Đi lên đi xuống cả tháng trời, tôi đâm nản. Vào một cửa, song vẫn phải rẽ qua nhiều người, còn cái dấu thì vẫn chưa chịu đóng.
Một lần, tôi thắc mắc hỏi ông sồn sồn tại sao vẫn như xưa, ông ta tủm tỉm: "Thế sắm chúng tôi, phát cho cái ghế mà chỉ thu lại cái dấu thì không như xưa làm sao được!".
Ông tổ rỉ tai tôi: "Năm trước, ông cất một cái bếp, một cữ cà phê là đủ, bây giờ ông bán ngôi nhà cả trăm cây... Hì, hì...".
Tôi đâu có tối dạ, nên nhờ ông mách nước... Chuyện nhanh chóng giống như vụ bản vẽ căn bếp của tôi.
Xong việc tôi than: "Vậy mà cũng gọi là một cửa, một dấu...".
Ông tổ cười: "Chẳng một cửa, một dấu là gì? Một cửa - cửa hậu. Một dấu - dấu của phu nhân trưởng phòng..."
Một Cửa Một Dấu Một Cửa Một Dấu - Sưu Tầm