Số lần đọc/download: 956 / 10
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:29 +0700
T
hế là hết. Subienkow đã trải qua một đoạn đường dài đầy cay đắng và hãi hùng, mong trở về các thủ đô Âu Châu như một con bồ câu trở về tổ ấm, và tới đây, một nơi xa xôi hơn bao giờ hết, tại một địa hạt trên Mỹ Châu thuộc Nga, con đường đã tận cùng. Chàng ngồi trên tuyết, hai tay bị trói dật cánh khủyu sau lưng, chờ đợi đến lượt bị tra tấn. Gã tò mò chầm chậm nhìn người lính Cossack to lớn nằm sấp trên tuyết đằng trước mặt; miệng rên rỉ vì đau đớn. Bọn đàn ông đã hành hạ hắn xong, rồi giao hắn cho đám phụ nữ. Cứ nghe tiếng kêu thét của người Cossack đó thì rõ. Bọn này còn tàn ác hơn bọn đàn ông nhiều.
Subienkow tiếp tục nhìn và rùng mình vì kinh tởm. Chàng không sợ chết. Chàng đã dùng đôi tay tự bảo vệ đời mình trên con đường gian nan suốt từ Warsaw đến Nulato trong một thời gian dài dặc nên cái chết không làm chàng rùng mình được. Nhưng chàng rất ghét lối tra tấn đó. Nó xúc phạm tâm hồn chàng. Tâm hồn chàng bất bình không phải vì sự đau đớn chàng phải chịu đựng, mà vì cái cảnh thảm thương do nỗi đau đớn gây trên thân thể chàng tạo ra. Chàng biết rằng chàng sẽ cầu khẩn, van xin, lạy lục, như là Hộ Pháp Ivan và các kẻ khác đã làm. Điều này không đẹp đẽ chút nào. Chết can đảm và đàng hoàng, miệng mỉm cười, diễu cợt.. như thế mới là đúng cách. Còn để mất tự chủ, tâm hồn rối loạn vì đau đớn của xác thịt, miệng kêu choe choé và rên khừ khừ như con khỉ đột để trở thành thú vật thật sự - ôi, đó thật là một điều khủng khiếp!
Không còn hy vọng gì thóat thân được. Ngay từ buổi đầu, khi chàng mơ giấc mộng nồng nhiệt về nền độc lập của Ba Lan, chàng đã trở thành một tên bù nhìn đặt trong tay của định mệnh. Từ buổi ban đầu, ở Warsaw, ở St. Petersburg, trong miền hầm mỏ Tây Bá Lợi Á, ở Kamchatka trên những chiếc thuyền ba chìm bảy nổi của bọn hải tặc chuyên cướp da thú, định mệnh đã xô đẩy gã đến bước đường cùng này. Hiển nhiên trên nền tảng của thế giới bước đường cùng này cho đời chàng đã được khắc rồi, một con người tế nhị và đa cảm, mà những dây thần kinh nằm sát ngay dưới làn da, một người vốn mơ mộng, có tâm hồn thi sỹ, và một nghệ sỹ. Trước khi mơ tưởng tới gã, tạo hóa đã định rằng cái mớ cảm giác sắc sảo dễ rung động tạo thành chàng sẽ bị đày đọa trong cảnh dã man khủng khiếp, và bỏ xác tại mảnh đất xa xôi tối tăm này, ở cái nơi tối âm u này, vượt quá những ranh giới cuối cùng của thế giới.
Gã thở dài. Vậy ra con người trước mặt gã là Hộ Pháp Ivan - Hộ Pháp Ivan, người khổng lồ, con người không cảm giác, con người bằng sắt, chàng Cossack quay ra theo nghề cướp biển, con người lạnh lùng bình thản, với bộ thần kinh hệ chai tới mức một sự đau đớn đối với người thường chỉ gãi ngứa cho hắn. Phải, cứ tin ở những tên mọi da đỏ Nulato này đi, hãy xem chúng tìm ra những dây thần kinh của Hộ Pháp Ivan và theo dõi những dây thần kinh này tới gốc rễ của tâm hồn run rẩy của hắn. Chắc chắn là chúng đang làm công việc ấy. Người ta không thể tưởng tượng được là một người lại có thể chịu đựng nhiều đau đớn như thế mà còn sống được. Hộ Pháp Ivan đang phải trả một giá đắt vì bộ thần kinh chậm xúc cảm của hắn. Hắn đã sống lâu gấp đôi bất cứ kẻ nào khác.
Subienkow cảm thấy chàng không thể chịu đựng nổi những cảnh đau đớn của tên Cossack hơn nữa. Tại sao Ivan lại không chết quách đi? Chàng sẽ nổi điên mất, nếu những tiếng thét kia không kết thúc. Nhưng khi tiếng thét chấm dứt thì lại đến lượt chàng. Ngòai ra lại còn tên mọi Yakaga đang chờ chàng nữa, ngay lúc này hắn đã nhìn chàng mà cười khóai trá. Yakaga, mà tuần trước chàng đã tống cổ ra khỏi đồn và đã lấy roi đánh chó quất vào mặt nó. Yakaga sẽ ra tay tra tấn chàng. Chắc chắn Yakaga đang sửa soạn dành cho chàng những cách tra tấn tinh vi hơn, làm thần kinh đau buốt hơn. Ôi! Cứ nghe cách thức Ivan kêu thét lên cũng biết là họ vừa dùng một đòn tra tấn tinh vi lắm. Những mụ đàn bà da đỏ bu chung quanh hắn bước lùi lại, vừa cười vừa vỗ tay. Subienkow trông thấy rõ sự tàn ác mà họ đã thi hành, chàng phá lên cười như điên dại. Bọn da đỏ nhìn chàng và ngạc nhiên là tại sao chàng lại còn cười được. Nhưng Subienkow không sao nín được.
Như vậy không chu đâu. Chàng tự kiềm chế, tiếng cười làm rung rinh người chàng dần dần im bặt. Chàng cố gắng nghĩ tới những điều khác, và bắt đầu hồi tưởng lại những việc đã xảy ra trong đời chàng. Chàng nhớ tới cha mẹ, nhớ tới con ngựa nhỏ bé có chấm lốm đốm, tới ông thầy dạy tư người Pháp đã dạy chàng khiêu vũ và dúi cho chàng cuốn sách cũ nát của triết gia Voltaire. Một lần nữa chàng thấy Paris, rồi thành phố London ảm đạm, rồi Vienna tưng bừng, và La Mã cổ kính, và một lần nữa, chàng lại thấy nhóm thanh niên bồng bột mơ tưởng, như chàng đã mơ tưởng, giấc mơ về một nước Ba Lan độc lập có hoàng đế Ba Lan trên ngai vàng ở Warsaw. Ôi! đoạn đường dài khởi đầu chính từ đó. Chàng đã sống lâu nhất. Lần lượt từng người, bắt đầu là hai người bị xử tử ở St. Petersburg, chàng tiếp tục đếm những con người có tâm hồn can đảm đã mất. Chỗ này một kẻ bị tên cai ngục đánh đập cho đến chết, rồi chỗ kia, trên con đường loang lổ máu của những kẻ tù đầy, nơi họ đã đi hàng tháng trời bất tận, đã bị những tên lính gác người Cossack đánh đập, một kẻ khác đã bị bỏ lại bên đường. Luôn luôn họ bị đối xử dã man hung bạo như thú vật vậy. Họ đã chết vì bị nóng lạnh trong những hầm mỏ, dưới ngọn roi da. Hai người cuối cùng đã chết sau khi trốn thóat, trong cuộc ẩu đả với bọn Cossack, và duy có chàng tới được Kamchatka với những giấy tờ ăn cắp được và tiền bạc của một du khách mà chàng đã bỏ nằm ngắc ngoải trên tuyết.
Chỉ toàn là cảnh dã man. Suốt bao năm trường, với tâm hồn gửi vào những phòng làm việc*, những rạp hát và những triều đình, chàng lại bị bao vây trong cảnh dã man. Chàng đã mua cuộc đời chàng bằng máu. Người nào cũng đã từng là kẻ sát nhân. Chàng đã giết người du khách để lấy giấy thông hành. Chàng đã tỏ ra là một người có can trường qua hai cuộc đấu kiếm với hai sỹ quan Nga cùng trong một ngày. Chàng phải tỏ ra là người thế nào thì mới dành được một địa vị trong bọn cướp da thú. Chàng phải dành bằng được chỗ đó. Đằng sau chàng là con đường đã có từ hàng ngàn năm xuyên qua Siberia và nước Nga, chàng không thể trốn theo con đường đó được. Con đường duy nhất là tiến về phía trước, vượt qua biển Bering tối tăm băng giá để tới Alaska. Con đường đó đưa từ cảnh dã man tới cảnh dã man hơn. Trên những con tàu hôi thúi mùi bệnh họai huyết, thiếu thức ăn, thiếu nước uống, bị những trận bão bất tận của biển cả quất lên quất xuống, con người đã trở thành thú vật. Đã ba lần chàng đáp tàu từ Kamchatka đi về phía đông. Và cả ba lần, sau khi trải qua đủ cảnh gian truân khổ sở, những kẻ sống sót lại trở về Kamchatka. Ở đó không có lối thóat nào để trốn cả; và chàng lại không thể trở về đường cũ được, vì hầm mỏ và roi da có buộc cục sắt vẫn chờ đợi chàng.
Một lần nữa, lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng, chàng đã đáp thuyền đó về hướng đông. Chàng đã sống chung với những người đầu tiên đầu tiên đã tìm ra những đảo Hải Cẩu thần kỳ; nhưng chàng không quay lại với họ để chung hưởng cảnh giàu có phong túc do những tấm da thú mang lại, trong những bữa tiệc đầy hoan lạc tại Kamchatka. Chàng đã thề rằng không bao giờ quay trở lại. Chàng biết rằng muốn đặt chân trở lại những thủ đô thân mến ở Âu Châu, chàng phải tiếp tục tiến. Vì thế mà chàng thấy cần phải chuyển sang tàu khác và ở lại vùng đất tối tăm đó. Bạn bè của chàng là những thợ săn người Slovania, những tay giang hồ Nga, người Mông Cổ, người Thát Đát, thổ dân Siberia; họ đã mở đường máu qua những cảnh hoang dã của Tân Thế Giới. Họ đã tàn sát những làng không chịu cung phụng da thú; và sau đó đến lượt họ bị những công ty hàng hải tàn sát. Chàng cùng với một người Phần Lan là hai kẻ còn sống sót. Họ đã trải qua một mùa đông cô quạnh và đói khát trên hòn đảo chơ vơ Aleutian; một chiếc tàu chở da thú khác đã cứu họ vào mùa xuân năm ấy, và đó là một chuyện tình cờ quả thật hãn hữu.
Những khung cảnh man rợ khủng khiếp luôn luôn bao vây chàng. Vì không chịu quay trở lại, và cứ chuyển tàu này sang tàu khác, chàng đã tới chiếc tàu đến thám hiểm miền Nam. Suốt dọc bờ biển Alaska, họ toàn gặp những toán người man rợ. Mỗi lần bỏ neo, dù là ở một hòn đảo cheo leo hay tại những bờ biển lởm chởm đá của đất liền, là một lần xung đột hoặc một lần gặp bão tố. Hoặc gió thổi mạnh như muốn phá tan tành chiếc tàu; hoặc thổ dân, miệng hò hét, mặt vẽ sơn khi xuất trận, chèo những chiếc thuyền ra khơi để thử thách sức tàn sát của thuốc súng của những tay cướp biển. Họ cứ đi dọc theo bờ biển xuống tận miền Nam, tới mảnh đất thần bí của vùng California. Người ta nói rằng những kẻ phiêu lưu Tây Ban Nha đã từ Mexico tiến lên tới đây sau nhiều trận tranh hùng. Chàng nuôi hy vọng là sẽ gặp được những tay hảo hán Tây Ban Nha đó. Chỉ cần trốn thóat được để tới gặp họ, là hết khó khăn - một năm hay hai năm, chậm hay nhanh một chút, nào có quan hệ gì? - chàng sẽ tới Mexico, rồi lên một chiếc tàu, thế là chàng sẽ về tới Âu Châu. Nhưng họ không gặp người Tây Ban Nha nào. Họ chỉ gặp bức tường man rợ vững chắc. Bọn thổ dân ở bên lề thế giới, mặt bôi những vết sơn khi xuất trận, đã đánh lui họ khỏi bờ biển. Sau cùng, khi một chiếc thuyền bị phá hủy và các người trên thuyền bị giết chết hết, viên thuyền trưởng liền bỏ giở cuộc thám hiểm rồi cho quay trở về hướng Bắc.
Nhiều năm tháng trôi qua. Chàng đã làm việc dưới quyền của Tebenkoff trong khi đồn Michaelovski đang được xây cất, và chàng đã sống hai năm tại xứ Kuskowin. Liền hai mùa hạ, vào tháng Sáu, chàng tìm cách để tới mũi eo biển Koizebue. Vào dịp này các bộ lạc hợp nhau để trao đổi hàng hóa; tại đây người ta thấy những tấm da hươu sao từ Siberia đem lại, ngà voi của xứ Diomedes, da hải mã từ những miền duyên hải Bắc Cực, những chiếc đèn bằng đá lạ lùng, được trao đổi từ bộ lạc này sang bộ lạc khác, nhưng không ai rõ xuất xứ, và có lần cả một con dao chế tạo tại Anh; Subienkow biết rằng đây là chỗ tiện lợi nhất để tìm hiểu về địa dư. Vì chàng đã gặp những người Eskimo ở eo biển Norton, Đảo King và đảo St. Lawrence, Mỏm Hoàng Tử Wales và Mỏm Barrow. Những nơi đó còn có những tên khác nữa, và khoảng cách phải tính bằng ngày đi đường.
Những người man rợ tới đổi chác hàng hóa tại đây đã từ một vùng rộng bao la tới, và những cây đèn bằng đá và con dao bằng thép kia lại từ một vùng rộng lớn hơn nữa tới sau khi được trao đổi qua tay nhiều người. Subienkow đã dùng đủ cách, hăm dọa, tán tỉnh, đút lót. Chàng gặp tất cả những người đã từng đi xa hay thuộc những bộ lạc lạ. Chàng được nghe kể nhiều chuyện hiểm nguy không kể xiết, được nghe người ta kể lại về những thú rừng, những bộ lạc không ưa người lạ, những khu rừng không sao vào được, những dãy núi cao hùng vĩ; nhưng ngòai những chuyện đó, chàng còn được nghe đồn đại về những người da trắng, mắt xanh, tóc vàng, chiến đấu dữ tợn như quỷ và luôn luôn chỉ lo tìm dã thú. Họ ở về phía đông, tuốt mãi về phía đông xa tắp. Chưa ai gặp họ. Người ta chỉ kháo như vậy mà thôi.
Thật là một ngôi trường khó học. Người ta không thể hiểu rõ ràng về địa dư qua những thổ âm kỳ lạ, theo lời nói của những kẻ có đầu óc tối tăm coi chuyện hoang đường là chuyện thật và đo những khoảng đường xa bằng những "giấc ngủ" dài ngắn tùy theo đường đi khó hay dễ. Nhưng sau cùng có một câu chuyện phong thanh làm cho Subienkow phấn khởi. Những người mắt xanh đó sống tại một vùng ở về phía Đông bên một con sông lớn. Con sông đó tên là Yukon. Phía Nam đồn Michaelovski cũng có một con sông lớn chảy ra, sông ấy người Nga mệnh danh là Kwikpak. Theo lời người thuật chuyện thì hai con sông này chỉ là một.
Subienkow trở lại Michaelovski. Suốt một năm trời, gã hối thúc mở một cuộc thám hiểm ngược dòng sông Kwikpak. Thế rồi Malakoff, người lai Nga, đứng lên dẫn đầu những tên man dã và hung bạo nhất trong đám dân lai phiêu lãng từ Kamchatka tới. Subienkow làm phụ tá. Họ len lỏi qua những con đường ngoằn ngoèo trong miền trung châu sông Kwikpak, leo lên những quả đồi thấp đầu tiên trên bờ phía Bắc, và suốt năm trăm dặm, trên những con thuyền độc mộc bọc da chở hàng hóa và đạn dược đầy đến tận mạn, họ chống cự lại guồng nước chảy xiết của con sông rộng từ hai đến mười dặm chảy trong một khe sâu hàng mấy sải tay. Malakoff quyết định xây một đồn trại ở Nulato. Subienkow thúc dục lão tiến xa hơn, nhưng rồi chàng cũng vội vàng đồng ý ở lại Nulato. Mùa Đông dài dặc sắp tới. Tốt hơn là hãy chờ. Mùa Hạ tới, khi tuyết tan hết, chàng sẽ trốn đi ngược dòng sông Kwikpak và tiến tới những trạm mậu dịch của Công ty Vịnh Hudson. Malakoff chưa từng nghe nói rằng chính Kwikpak là sông Yukon và Subienkow cũng dấu không cho lão biết chuyện đó.
Công cuộc xây đồn lũy bắt đầu. Đồn đó xây bằng lao công cưỡng bách. Những lớp tường bằng gỗ được dựng lên trong những tiếng thở dài và rên xiết của dân da đỏ Nulato. Lưng họ hứng chịu những ngọn roi da, và những ngọn roi đó do bàn tay sắt của quân cướp biển quất lên họ. Có một vài thổ dân da đỏ bỏ trốn, và khi bị bắt, họ bị đem về và căng nọc trước đồn, rồi họ và những dân trong bộ lạc được nếm mùi hiệu lực của chiếc roi da đầu buộc cục sắt. Hai người chết dưới ngọn roi đó; nhiều kẻ khác phải mang thương tích suốt đời, những người còn lại nhớ đời bài học đó và không còn dám trốn đi nữa. Tuyết bay tả tơi trước khi pháo đài được hoàn thành, thấm thóat tới mùa kiếm da thú. Các bộ lạc được lệnh phải cống hiến một số lớn da thú. Dân bộ lạc tiếp tục bị đánh đập, bị roi quất lên lưng; và để buộc họ phải cống hiến, đàn bà và con trẻ bị giữ làm con tin và bị đối xử rất dã man mà chỉ riêng có bọn cướp da thú mới biết làm mà thôi.
Ở đời ác giả ác báo, gieo gió thì gặt bão. Những kẻ đã gieo máu thì bây giờ lại phải gặt kết quả bằng máu. Đồn bị thiêu hủy. Trong khi đồn cháy, bọn cướp da thú đã bị sát hại hết một nửa. Nửa sống sót kia đã chết dần mòn vì tra tấn. Chỉ còn sót có Subienkow, hoặc Subienkow và gã Hộ pháp Ivan, nếu cái hình thù đang ngắc ngỏai rên xiết nằm trên tuyết kia còn có thể gọi là Hộ pháp Ivan. Subienkow bắt gặp Yakaga đang nhe răng cười với chàng. Nói với Yakaga cũng chẳng ăn thua gì. Vết roi hãy còn in hằn trên mặt hắn. Nói cho cùng, Subienkow chẳng thể trách hắn được, nhưng chàng không thích nghĩ tới những cách thức mà Yakaga sẽ áp dụng để tra tấn chàng. Chàng nghĩ tới giải pháp van xin tên Chúa tể Makamuk; nhưng suy đi nghĩ lại, chàng thấy là van xin cũng vô ích. Chàng còn nghĩ tới chuyện dứt đứt dây trói để được chết trong khi xung đột. Chết như thế sẽ mau chóng. Nhưng chàng không thể dứt dây trói được. Dây da hươu khoẻ hơn chàng. Đang suy mưu tính kế thì một ý nghĩ khác chợt hiện trong óc chàng. Chàng ra hiệu gọi Makamuk, và làm hiệu để cho gọi một người thông ngôn biết thổ âm miền Duyên Hải.
"Này, Makamuk", chàng nói: "Ta không định chết đâu. Ta là một siêu nhân, ta không điên rồ gì mà chết. Thật thế, ta sẽ không chết. Ta không giống những cái xác hèn kém này đâu."
Gã nhìn cái đống thịt đang rên rỉ mà trước kia là Hộ pháp Ivan, rồi lấy ngón chân hất nhẹ một cách khinh bỉ.
"Ta quá khôn nên không chết được. Nghe này, ta có một môn thuốc thần bí truyền không ai biết. Vì ta không chết, nên ta sẽ đổi môn thần dược này cho mi."
"Thuốc đó là thuốc gì?" Makamuk nói.
"Nó là một môn thuốc kỳ lạ."
Subienkow tần ngần suy nghĩ một lát làm như tiếc rẻ không muốn lộ bí quyết.
"Ta sẽ bảo mi. Một chút thuốc đó xoa lên da sẽ làm cho da cứng như đá, cứng như sắt, đến nỗi không có khí giới nào cắt đứt được. Một võ khí dù chém mạnh đến đâu cũng không ăn thua gì cả. Một con dao bằng xương đối với nó cũng chỉ là cục bùn, thuốc này sẽ làm cho những con dao sắt của bọn ta mang tới đây phải cong lưỡi. Mi sẽ cho ta gì để đổi lấy cái bí quyết của môn thuốc này?"
"Ta sẽ để cho mi sống." Makamuk trả lời qua tên thông ngôn.
Subienkow phá lên cười với một giọng khinh bỉ.
"Và mi sẽ làm nô lệ trong nhà ta cho đến chết."
Người Ba Lan cười bằng giọng khinh bỉ hơn.
"Cởi tay chân cho ta rồi chúng ta sẽ nói chuyện", chàng nói.
Viên chúa tể ra dấu hiệu; sau khi được thong thả, Subienkow quấn một điều thuốc rồi châm lửa hút.
"Nói chuyện thế này là điên". Makamuk nói: "Làm gì có thứ thuốc như thế, không thể có được. Lưỡi dao sắc là mạnh hơn bất cứ môn thuốc nào cả."
Viên chúa tể không tin nhưng vẫn còn hồ nghi trong bụng. Hắn đã chứng kiến nhiều phép thuật quỷ quái của bọn cướp da thú. Hắn không thể hòai nghi hoàn toàn được.
"Ta sẽ để cho mi sống; và mi khỏi phải làm nô lệ". Hắn tuyên bố.
"Thế chưa đủ."
Subienkow đóng vai trò một cách bình tĩnh như là chàng đang điều đình đánh đổi một tấm da cáo.
"Nó là một thần dược kỳ diệu. Nó đã cứu sống ta bao nhiêu lần. Ta muốn một cái xe trượt tuyết, một đàn chó, sáu tay săn của mi để đi xuôi dòng sông cùng với ta và đưa ta an toàn tới chỗ còn một ngày ngủ nữa thì tới đồn Michaelovski.
"Mi phải sống ở đây, và dạy chúng ta tất cả các phép thuật của mi." Hắn trả lời.
Subienkow lặng lẽ nhún vai. Chàng phà khói thuốc vào làn không khí lạnh buốt, mắt tò mò nhìn thân mình tên Cossack to lớn.
"Vết sẹo kia!" Makamuk bỗng thốt lên, tay chỉ vào cổ anh chàng Ba Lan, chỗ một vết sẹo đỏ hơn ghi lại một nhát dao chém trong một cuộc xung đột tại Kamchatka. "Môn thuốc không công hiệu. Lưỡi dao mạnh hơn thuốc của mi."
"Người chém đó mạnh lắm." (Subienkow đắn đo nói) "Mạnh hơn mi, mạnh hơn tay săn khoẻ nhất của mi, mạnh hơn thằng này."
Một lần nữa, chàng lấy ngón chân đụng vào mình tên Cossack - một hình thù gớm ghiếc đã mất tri giác - tuy nhiên, cái sống đau đớn còn bám lấy như luyến tiếc không muốn rời cái thân hình tàn tạ kia.
"Hơn nữa thuốc lại yếu. Vì ở nơi đó thiếu một vài lọai trái cây mà ở xứ này ta thấy nhiều lắm. Món thuốc ở đây sẽ mạnh."
"Ta sẽ cho phép mi xuôi dòng sông". Makamuk nói. "Ta sẽ cho mi xe trượt tuyết, đàn chó, sáu tay thợ săn để giữ an ninh cho mi."
"Mi chậm chạp quá," chàng trả lời. "Mi đã xúc phạm môn thần dược của ta vì mi không chịu nhận các điều kiện ngay. Vậy ta phải đòi hỏi thêm nữa. Ta muốn một trăm tấm da hải ly." (Makamuk cười khẩy.) "Ta muốn năm chục ký cá khô" (Makamuk gật đầu, vì cá nhiều và rẻ) "Ta muốn hai chiếc xe trượt tuyết một để ta đi và một để chở da thú và cá khô. Mi phải trả lại ta khẩu súng. Nếu mi không muốn trả ta giá này, thì lát nữa nó sẽ lên nữa."
Yakaga ghé lại thì thầm với vị chúa tể.
"Nhưng làm cách nào ta biết được rằng thuốc của mi là thuốc thực?" Makamuk hỏi.
"Điều đó dễ lắm. Trước hết ta sẽ đi vào rừng."
Một lần nữa Yakaga lại thì thầm với Makamuk và Makamuk tỏ vẻ nghi ngờ không đồng ý.
"Mi có thể cử hai chục người theo ta" Subienkow nói tiếp. "Mi biết chứ, ta phải kiếm những trái cây và rễ cây để chế thuốc. Sau đó, khi mi đã sửa soạn hai chiếc xe trượt tuyết đã chất lên đó cá, da hải ly và súng, và đã ra lệnh cho sáu tay săn đi theo ta - khi tất cả đều sẵn sàng, ta sẽ thoa thuốc lên cổ rồi để cổ lên khúc cây kia. Bấy giờ tay săn khỏe nhất của mi có thể cầm rìu chém lên cổ ta ba lần. Chính mi cầm rìu chặt cũng được."
Makamuk đứng há hốc mồm, như muốn nuốt cái pháp thuật kỳ diệu và mới mẻ nhất này của bọn cướp da thú.
"Nhưng trước hết," gã Ba Lan vội nói thêm, "ta cần nhắc là cứ sau mỗi lần chém, ta phải bôi thuốc mới. Chiếu rìu nặng và sắc, vậy ta muốn ăn chắc".
"Tất cả những điều mi yêu cầu ta sẽ cho cả," Makamuk vội la lớn nhận lời. "Mi hãy lo chế thuốc đi."
Subienkow cố dấu vẻ khóai trí. Gã đang đi một nước cờ tuyệt vọng, không thể sơ sẩy một chút nào cả. Gã ngạo mạn nói:
"Mi đã chậm chạp làm cho môn thần dược của ta bị xúc phạm. Để xóa bỏ sự xúc phạm này mi phải cho ta con gái mi."
Gã chỉ cô gái, một con bé dơ bẩn, một mắt lé và có một cái răng nhọn như răng chó sói. Makamuk tức giận lắm, nhưng gã Ba Lan điềm nhiên quấn một điếu thuốc lá khác và châm lửa hút.
"Mau lên," chàng dọa. "Nếu mi không mau, ta sẽ đòi thêm nữa."
Trong bầu không khí im lìm, quang cảnh nơi đất Bắc đìu hiu tan biến trước mắt chàng, và một lần nữa chàng lại nhìn thấy quê hương, và nước Pháp, và trong khi nhìn cô gái răng sói chàng lại nhớ tới một cô gái khác, một ca sỹ kiêm vũ nữ, mà chàng đã quen biết khi còn là một thanh niên sang thăm Paris.
"Mi muốn dùng con bé làm gì?" Makamuk hỏi.
"Để cùng xuôi dòng sông với ta." Subienkow nhìn bằng cặp mắt thẩm định. "Nó sẽ là người vợ tốt, hơn nữa được kết hôn với dòng máu của mi là một vinh dự xứng đáng với môn thần dược của ta."
Một lần nữa, chàng lại nhớ tới cô ca sỹ kiêm vũ nữ và hát lớn một bài ca mà cô ta đã dạy chàng. Chàng sống lại với dĩ vãng, nhưng một cách rời rạc và vô tư, nhìn những hình ảnh của chính cuộc đời chàng như những tấm hình trong một cuốn sách nói về đời một kẻ khác. Tiếng nói của viên chúa tể bất chợt phá tan bầu không khí làm chàng giật mình.
"Mi sẽ được thỏa nguyện." Makamuk nói, "Con bé sẽ xuôi dòng sông cùng với mi. Nhưng mi phải biết rằng ta sẽ đích thân cầm rìu chém mi ba nhát."
"Nhưng sau mỗi lần ta sẽ bôi thuốc," Subienkow trả lời, làm bộ như áy náy mà vẫn cố giấu.
"Mi sẽ bôi thuốc sau mỗi lần chém. Đây là những tay săn có phận sự đi cùng để trông chừng mi khỏi trốn. Mi hãy vào rừng lo kiếm thuốc đi."
Makamuk đã tin tưởng giá trị của môn thuốc đó vì thấy gã Ba Lan tham lam đòi hỏi đủ thứ. Chắc chắn phải là môn thuốc thần diệu lắm mới có thể làm cho một người dưới bóng tử thần đứng lên mặc cả ráo riết như một bà già.
"Vả lại," Yakaga thì thầm, trong khi chàng Ba Lan cùng với những tên canh chừng chàng khuất bóng giữa đám cây tùng. "Khi ông đã biết được môn thuốc đó rồi, ông có thể trừ khử hắn dễ dàng."
"Nhưng làm thế nào tao giết nó được?" Makamuk cãi lại. "Thuốc của nó sẽ không để tao giết nó đâu."
"Làm gì chẳng có chỗ nó không bôi thuốc." Yakaga trả lời. "Chúng ta sẽ giết hắn bằng chỗ đó. Có thể như tai hắn chẳng hạn, chúng ta sẽ dùng cây lao đâm suốt từ tai bên này qua tai bên kia. Hoặc giả mắt nó cũng được. Chắc chắn là thuốc này sẽ mạnh nên không thể bôi vào mắt được."
Viên chúa tể gật đầu: "Yakaga, mày khôn lằm. Nếu nó không còn pháp thuật nào khác nữa, chúng ta sẽ giết nó."
Subienkow không phung phí thì giờ để thu thập những món dùng để chế thuốc. Chàng lượm lặt bất kỳ cái gì gần tay chàng như những lá tùng dài, vỏ cây liễu, một mảnh vỏ cây phong, và một nắm dâu dại mà các tay săn đã đào dưới tuyết lên cho chàng. Thêm một ít rễ cây khô là đủ, và chàng dẫn đường trở về trại.
Makamuk và Yakaga ngồi xổm bên chàng, chú ý nhớ nhẩm từng món thuốc, lọai, và số lượng bao nhiêu khi chàng bỏ những món ấy vào trong nồi nước đang sôi sùng sục.
"Các người cẩn thận cho dâu vào trước nhất." Chàng giải thích.
"Và... Ồ, phải rồi, một món nữa - một ngón tay người. Đây rồi, Yakaga, mi để cho ta cắt một ngón tay đi."
Nhưng Yakaga vội thu hai tay lại sau lưng, mặt nhăn nhó.
"Chỉ một ngón nhỏ thôi mà," Subienkow nài nỉ.
"Yakaga cho nó ngón tay đi," Makamuk ra lệnh.
"Xung quanh đây thiếu gì ngón tay," Yakaga nhăn nhó nói, tay hắn chỉ hàng chục xác nằm ngổn ngang trên tuyết đã chết vì bị tra tấn.
"Nhưng phải là ngón tay của một người sống mới được." Chàng Ba Lan nói.
"Nếu vậy mi sẽ có ngón tay của một người sống." Yakaga bước lại phía người Cossack và xẻo luôn một ngón tay.
"Nó chưa chết," hắn nói, tay ném ngón còn ròng ròng máu lên trên tuyết bên chân chàng Ba Lan. "Hơn nữa ngón tay này lại lớn nên càng tốt."
Subienkow ném ngón tay đó vào lửa dưới chiếc nồi và bắt đầu cất tiếng hát. Đó là một bài tình ca Pháp nhưng chàng hát bằng một giọng trịnh trọng.
"Không có những lời thần chú của ta thêm vào thì môn thuốc sẽ không còn hiệu nghiệm," gã giải thích. "Những lời thần chú đóng vai trò cốt yếu trong môn thuốc. Này này! Thuốc được rồi!"
"Mi hãy đọc những tiếng này chậm chậm để ta nhớ với," Makamuk ra lệnh.
"Sau khi thí nghiệm mới được. Sau khi chiếc rìu bật khỏi cổ ta ba lần ta sẽ dậy cho mi những tiếng bí truyền này."
"Nhưng nếu môn thuốc không hiệu nghiệm thì sao?" Makamuk hỏi bằng giọng lo lắng.
Subienkow giận dữ quay lại nhìn hắn.
"Thuốc của ta bao giờ cũng hiệu nghiệm. Tuy nhiên, nếu nó không hiệu nghiệm thì ngươi sẽ hành hạ ta như những người kia. Hãy xẻo ta ra từng miếng, dù như tên kia cũng được!" Chàng chỉ tên Cossack. "Thuốc nguội rồi đó. Ta chỉ việc bôi nó lên cổ và đọc thêm lời thần chú này nữa."
Hết sức trịnh trọng, chàng chậm chạp hát một đoạn trong bài quốc ca Pháp, đồng thời xoa thứ nước kinh khủng ấy lên khắp cổ.
Một tiếng thét làm gián đoạn màn trò của chàng. Người Cossack khổng lồ, trong một lúc hồi dương, đã quỳ được hẳn lên. Những tiếng cười, những tiếng kêu kinh ngạc và những tiếng hoan hô từ miệng đám dân Nulato vang dậy, trong khi Hộ pháp Ivan bắt đầu giẫy dụa trên tuyết.
Subienkow bị nôn nao vì cảnh này, nhưng chàng cố dằn cho khỏi nôn mửa và làm bộ giận dữ.
"Thế này không được". Chàng nói. "Kết liễu nó đi, rồi chúng ta sẽ thí nghiệm. Này Yakaga, giết nó chết hẳn đi."
Trong khi lệnh này được thi hành, Subienkow quay về phía Makamuk.
"Mi nhớ là phải chém cho thật mạnh. Đây không phải là công việc trẻ con. Này, hãy cầm lấy chiếc rìu và bổ khúc cây này để ta xem mi chém có đàng hoàng không."
Makamuk vâng lời, vung rìu chém hai nhát, thật đúng và thật mạnh, chặt rời một miếng gỗ to lớn.
"Khá lắm". Subienkow nhìn quanh, ngó vào những khuôn mặt dã man đứng thành vòng tròn như tiêu biểu cho bức tường man rợ đã bao vây gã suốt từ khi cảnh sát Nga Hoàng bắt gã lần đầu tiên tại Warsaw. "Makamuk, mi hãy cầm rìu và đứng như thế này. Ta sẽ nằm xuống. Khi ta giơ tay thì mi chém, chém hết sức. Phải cẩn thận đừng để cho ai đứng đằng sau mi. Môn thuốc thần hiệu lắm, chiếc rìu bật từ cổ ta ra có thể vượt tay mi đó."
Gã nhìn hai chiếc xe trượt tuyết, với đàn chó đã đóng dây cương, chở đầy da thú và cá khô. Khẩu súng của gã nằm trên chốc đống da hải ly. Sáu tay săn làm vệ sỹ cho gã đứng hai bên cỗ xe.
"Còn con bé đâu?" Chàng Ba Lan hỏi. "Mang nó lại bên mấy chiếc xe rồi cuộc thí nghiệm mới tiến hành."
Khi lời yêu cầu này đã được thi hành, Subienkow nằm dài trên tuyết, đầu gối lên khúc cây như một đứa trẻ mệt mỏi sắp sửa đi ngủ. Chàng đã trải qua quá nhiều năm bi thảm đến nỗi chàng thấy mệt mỏi thật.
"Này Makamuk, ta cười mi và sức mạnh của mi," chàng nói. "Chém đi, chém mạnh."
Chàng giơ bàn tay lên. Makamuk vung chiếc rìu, chiếc rìu lưỡi rộng dùng để đốn cây. Ánh thép lấp lánh trong không khí lạnh lẽo, ngừng giây lát trên đầu Makamuk, rồi giáng xuống cổ Subienkow. Chiếc rìu cắt ngọt qua thịt và xương, cắm sâu vào khúc cây bên dưới. Những tên man rợ ngạc nhiên nhìn chiếc đầu bắn ra xa chừng một thước rời khỏi thân mình đang phun máu.
Mọi người ngạc nhiên, im lặng, đầu óc họ dần dần nhận ra rằng chẳng có thuốc men quái gì cả. Tên cướp da thú đã đánh lừa được họ. Trong cả đám tù nhân có mỗi một mình chàng đã thóat khỏi sự tra tấn. Chàng đã đánh nước bài đó để giành được điều này. Mọi người ồ lên cười. Makamuk ngượng ngùng cúi đầu. Tên cướp da thú đã lừa hắn. Chúng vẫn tiếp tục hét cười rũ rượi. Makamuk quay mình bỏ đi, đầu cúi gầm. Hắn biết rằng từ nay trở đi người ta sẽ không gọi hắn là Makamuk nữa. Gã sẽ được mệnh danh là Mất Mặt; và nỗi nhục của hắn sẽ theo hắn mãi cho tới khi hắn lìa cõi đời; và khi các bộ lạc họp nhau vào mùa Xuân để đánh cá hồi, hoặc vào mùa Hạ để trao đổi hàng hóa, câu truyện sẽ được truyền từ chỗ này qua nơi khác, qua những đám lửa trại, kể lại chuyện tên cướp da thú đã chết yên ổn do tay của Makamuk như thế nào.
"Ai là Mất Mặt?" Hắn có thể hình dung trước khi nghe thấy một gã thanh niên hỗn hào lên tiếng hỏi. Và người ta sẽ trả lời, "Ả, Mất Mặt, trước khi hắn chặt đầu tên cướp da thú, vẫn được thiên hạ gọi là Makamuk."