Người khôn ngoan nhất không phải là người gặt hái được nhiều thành công, mà là người biết biến thất bại thành những lợi thế nhất định.

Richard R. Grant

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Thảo
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Minh Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2021-01-26 09:24:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
Rủ nhau lên núi thả mây
(Câu hát đồng dao vùng núi Cấm – An Giang)
Đó là đoạn cuối của một dảy núi từ xa lắm, rơi rớt lại còn bảy ngọn xếp thành hàng dài nhấp nhô như gợn sóng. Làng dưới chân ngọn núi cao nhứt, quanh năm đỉnh ngập trong mây mù, những ngày trời trong cũng có vài đám mây nằm vắt ngang, đám này bay đi đám kia đến đậu. Làng có từ bao đời, nằm trên bờ dốc thoai thoải, có chừng vài trăm nóc nhà rải rác dưới táng những cây xoài rừng, các khóm tre trúc. Một con đường mòn nhỏ từ xa đi thẳng vào rồi rẻ ngang, vòng qua làng đi lên núi, đường đi xưa kia của những người đào củ hái lá thuốc, lâu rồi không dùng đến, phủ đầy lá mục, cỏ mọc che kín. Dân làng không đi đâu, người các làng bên cũng không ghé qua. Cả vùng không chợ, không nhà thương trường học. Sông suối cũng không, dân làng xài nước giếng sâu mấy chục thước, chiếc cần vọt cao ngang tầm ngọn cây.
Dân làng ở nhà sàn cao quá đầu người, cây gỗ không thiếu gì. Làm ruộng làm rẫy, đất toàn sỏi đá, khai khẩn lắm cũng chỉ được thửa nhỏ trước nhà. Chăn nuôi thêm trâu bò, heo gà thả rông, có thương lái đến mua phải làm một cuộc săn bắt, hò hét náo động cả vùng núi yên tĩnh. Một vài nhà làm thêm nghề đan lát, vùng núi nhiều tre trúc, nhưng giỏ bội lờ lọp làm ra không biết làm gì, bán cho ai.
Nhà Năm Tính hai vợ chồng hai đứa con, như mọi nhà khác. Làm ruộng không đủ ăn, rẫy cũng vậy, cây trái cằn cỗi rau cải sâu rầy héo úa. Đôi bò ốm trơ xương không thấy đẻ đái gì, con heo thả rông một hôm không về nữa. Nhưng vẫn sống qua ngày, nhạt nhoà theo với năm tháng, mùa nắng mùa mưa nối tiếp nhau, không thấy thiếu thốn đòi hỏi gì. Cuộc sống đều đặn thời gian trôi mau. Năm Tính chẳng mấy chốc già đi, không còn sức cày cấy cuốc đất trồng khoai lang khoai mì, vừa lúc hai đứa con lớn lên làm thay cha. Năm Tính ngồi đan lát trước hiên nhà, thỉnh thoảng ngước nhìn lên đỉnh núi mây mù, rồi cúi trở xuống tiếp tục đan, đầu óc rổng không. Cuộc sống lặng lẽ có từ lâu, trôi đi hoặc không hề trôi, từ bao đời cha mẹ ông bà chưa ai một lần lên đỉnh núi, cũng không có ý định lên, đỉnh núi sát bên nhưng xa vời như một ảo ảnh.
Một buổi sáng thấy có hai đứa nhỏ hiện ra dưới sân nhà đứng nhìn lên. Hai đứa con trai khôi ngô láu lỉnh, một chừng mười lăm, đứa kia mười ba. Đứa lớn lên tiếng gọi chủ nhà, là Năm Tính đang ngồi đan trước hàng hiên:
“Chú ơi chú ơi! Ba tụi cháu là bạn chú gởi lời thăm chú, hẹn bữa nào tới chơi, cùng chú lên đỉnh núi thả mây”.
“Thả mây là cái trò gì?”, Năm Tính nói vọng xuống. “Mà tụi bây là con cái nhà ai? Tao đâu quen ai, đâu lên đỉnh núi hồi nào?”.
“Chú lên đỉnh núi với ba tụi cháu một lần rồi, chắc chú quên. Người già hay quên. Tụi cháu lên nhà nghen?”.
“Lên làm chi?”.
“Lên uống nước, tụi cháu khát nước… Nhà có nước không?”.
“Nước thì có. Lên cầu thang kia kìa!”.
Hai đứa nhỏ đi lên:
“Ôi cầu thang gì kỳ quá!”.
“Lên đi! Nhà sàn không có thang máy”, Năm Tính nói. “Lên uống nước rồi đi đâu thì đi, con nít nói chuyện nhiều chịu khơng nỗi! Tụi bây bày đặt chuyện lên núi thả mây gì đó?”.
Cầu thang là một đoạn cây đẻo thành bậc. Hai đứa nhỏ leo thoăn thoắt, lên sàn nhà đứng ngó quanh vẻ ngạc nhiên lạ lẫm. Rồi đến ngồi trước mặt Năm Tính. Năm Tính ở nhà một mình, vợ con đi làm đồng, cùng với con chó. Ông đứng dậy đến khạp nước múc cho hai đứa nhỏ gáo nước, chúng vục mặt uống, nước chảy tràn xuống ngực áo. Năm Tính ngồi trở xuống tiếp tục đan. Hai đứa nhỏ lại nhìn quanh, đứa lớn lặp lại:
“Vài bữa nữa ba tụi cháu tới gặp chú”.
“Mày nói rồi”, Năm Tính nói. “Nhưng gặp làm chi, tao đâu quen ai? Tụi bây bày đặt chuyện tao đập chết. Hay muốn ăn khoai?”.
“Tụi cháu ăn khoai”.
“Được. Khoai nướng ngon lắm. Ăn khoai uống nước rồi đi, tao đang làm việc, không được làm rộn”.
“Chú đương giỏ chớ làm việc khỉ gì”, đứa lớn nói.
“Ngồi hoài một chỗ chai hết mông đít”, đứa nhỏ nói thêm.
“Không được hổn”, Năm Tính nói. “Tụi bây con nít mới nứt mắt, còn tao sống già đời ở đây, đương một ngàn cái giỏ rồi”.
“Đương một ngàn cái giỏ cũng chỉ ngồi một chỗ”, đứa lớn nói.
“Ngồi một chỗ chai hết mông đít”, đứa nhỏ nói thêm.
“Muốn ăn khoai không?”, Năm Tính nói. “Hay không ăn?”.
“Ăn!”, hai đứa đồng thanh.
Vợ con Năm Tính đem theo rổ khoai nướng đi làm đồng, còn lại một ít vùi trong tro bếp, dành cho Năm Tính ăn bữa trưa. Nhà hết gạo từ lâu, chỉ ăn khoai củ, chuối cây, độn thêm rau rác. Năm Tính đứng dậy đến lò bếp moi hai củ khoai cho hai đứa nhỏ, lấy luôn cho mình một củ. Ba người ăn khoai, uống nước. Đứa lớn vừa ăn vừa nói:
“Không biết căn nhà trên đỉnh núi còn không?”.
“Căn nhà gì?”, Năm Tính hỏi.
“Căn nhà nhốt mây, chú biết mà. Chú lên đó với ba tụi cháu, đâu phải với tụi cháu”.
“Đã nói bày đặt chuyện tao đập chết. Ăn khoai rồi đi đâu thì đi đi”.
“Tụi cháu nghỉ chân một chút”.
“Thì nghỉ. Có biết đan lát gì không?”.
“Không. Đan lát chán lắm. Ngồi một chỗ rột rẹt rột rẹt, chai hết cái mông đít. Chú có con không? Vợ chú đâu?”.
“Vợ con tao đi làm đồng. Hai đứa con tao cở tuổi tụi bây, biết làm đồng cày cuốc. Không như tụi bây chỉ giỏi đi rong chơi nói dóc”.
“Tụi cháu không nói dóc”, đứa lớn nói. “Tụi cháu tới đây nhắn lời ba tụi cháu, chú không muốn nghe thì thôi”.
“Tao không lên đỉnh núi hồi nào, không rảnh nói chuyện thả mây tầm ruồng với tụi bây. Chắc tụi bây lộn tao với ai đó”.
“Tụi cháu không lộn, cũng không nói chuyện tầm ruồng. Ba nói đó là chuyện quan trọng nhứt, đời người chỉ có một lần. Chắc lâu quá rồi chú quên”.
“Tao không quên”, Năm Tính nói. “Nhưng mày nói thử, lên đỉnh núi cất nhà thả mây là cái trò khỉ gì?”.
“Là như vầy”, đứa lớn nói. “Chú nhìn coi, trên đỉnh núi lúc nào cũng có mây, thấy không?”.
“Thấy rồi. Tao dòm hằng ngày. Vậy mới gọi là Đỉnh Mây Mù, mày đừng dạy khôn tao”.
“Cháu nghe ba kể vậy thôi”.
“Được. Rồi sao nữa, kể thử coi?”.
“Đây là ngọn núi lớn nhứt, vía núi cũng lớn, chưa ai dám lên đỉnh núi. Ba và chú là hai người đầu tiên, chuẩn bị đủ cả, dao dài phạt cây, giá xắn đất, đá lửa và dầu chai, muối và thuốc rắn, dây nhợ để làm bẫy, nóp bàng và bao tải. Để có thể sống lâu ngày trên đỉnh núi. Một con chó đi theo làm bầu bạn. Đi cả ngày chiều tối đến lưng chừng núi, ba và chú dừng lại leo lên chạc cây cột dây treo mình ngủ để tránh cọp, giữa đêm chú bị đứt dây rớt xuống hố…”.
“Tao rớt hả?”.
“Tại chú dỡ ẹt, chưa từng đi rừng leo núi bao giờ. Cột dây cũng không biết”.
“Mày biết hả? Mày cũng có đi hả?”.
“Cháu nghe ba kể”.
“Được rồi, kể tiếp đi”.
“Chú rớt xuống hố con chó sủa, ba cháu thức dậy cột dây kéo chú lên. Chú không bị gảy tay chân nhưng dập mủi máu ròng ròng, phải đắp thuốc cầm máu bằng mạng nhện với lá kim cang. Sáng ra ba và chú nấu nướng ăn uống xong đi tiếp, một đỗi chú lại bị rắn cắn…”.
“Lại tao nữa?”.
“Rủi thôi. Ai đi rừng leo núi cũng bị rắn cắn, hoặc nhện hùm phun nọc độc, đạp nhầm nhím xù lông, bị dây chiều cứa phỏng rát… Chú bị rắn cắn tưởng chết rồi, nằm xuôi tay chân để người được thẳng thớm. Nhưng may không phải rắn độc, ngủ một giấc thức dậy lên đường đi tiếp. Ba đi trước dùng dao phạt cây lấy lối đi, chú đi sau dò theo từng dấu chân. Sang ngày thứ hai chú khá hơn, tối đến ba chỉ chú cách bứt dây rừng cột vô người treo trên chạc cây ngủ cho khỏi té. Chú làm được hết, ba khen chú sáng dạ, chịu khó học hỏi, sau này sẽ thành người giỏi giang”.
“Cám ơn. Kể tiếp đi”.
“Đêm hôm đó hai người ngủ say, con chó cũng ngủ. Sáng ra nghe con chó sủa, hai người thức dậy nhìn xuống thấy con cọp ngồi dưới đất nhìn lên...”.
“Ôi trời đất ơi!”.
“Không sao, chú còn sống đây mà. Con chó nhảy chồm chồm quanh con cọp sủa dữ, ba chưa biết tính sao, bỗng thấy chú điềm nhiên bẻ nhánh cây tước làm roi chỉ vô mặt con cọp nói: “Mày dòm cái gì? Tụi tao lên đỉnh núi làm chuyện quan trọng, không mắc mớ gì tới mày. Mày cũng đâu thiếu thức ăn, rừng núi heo mển thiếu gì. Cớ sao ngồi đây nhìn chúng tao rỏ dải?”. Chú dứ dứ ngọn roi vô mặt con cọp, tránh đụng mặt làm nó đau, giọng sang sảng nhưng cử chỉ khoan thai lời lẻ từ tốn. Ba ngạc nhiên không hiểu ra sao, chưa từng thấy ai nói chuyện với cọp bao giờ. Con cọp cũng ngạc nhiên nhìn chú trân trân, nhìn lâu mỏi mắt đứng dậy bỏ đi. Chú khá lắm!”.
“Chớ không lẻ tao chịu cho con cọp ăn thịt? Tiếp theo!”.
“Ba và chú còn gặp nhiều chuyện nữa, nhưng không nguy hại gì. Một con trăn treo mình giữa hai thân cây như chiếc võng, thân xám xịt chú tưởng dây rừng xô đong đưa nó vẫn nằm yên. Một con suối lớn nước chảy ầm ào tung bọt trắng xoá, ba và chú đốn một cây lớn ngã ngang làm cầu, hai người bò qua chú bị trợt chân té…”.
“Lại tao? Sao cái gì cũng tao hết vậy?”.
“Không, cháu nhớ lộn. Ba trợt chân chớ không phải chú. Chú kịp níu ba lại, hai người qua suối đi tiếp”
“Sao đi hoài vậy?”.
“Chớ không lẻ ngồi một chỗ? Sau bốn ngày đêm tới nơi. Đỉnh núi là một mặt phẳng rộng chừng hơn công đất, có hồ nước, những tảng đá lớn nằm chồng chất, những đám mây bay ngang mù mịt như sương khói. Ba và chú chọn một hang trong khe đá làm chỗ ngủ, đi rảo chung quanh quan sát địa hình địa vật, bắt đầu đốn cây bẻ lá cất nhà, một căn nhà lớn rộng mênh mông. Một người làm một người đào củ hái trái tìm cái ăn, đốt lá tranh lấy muối, xuống suối bắt cá, tối đốt đống lửa trước cửa hang cho cọp đừng mò vô. Mất cả tháng trời căn nhà cất xong, dừng lá chung quanh, chừa một cửa theo hướng gió, chờ những buổi mây nhiều lùa mây vô nhốt lại, trời trong lại mở cửa thả mây ra…”.
“Chi vậy?”.
“Đâu có chi, cho đỉnh núi lúc nào cũng có mây vậy thôi. Nếu không làm sao gọi là Đỉnh Mây Mù? Chú không tin hả?”.
“Sao không tin, chuyện của tao mà? Hai đứa ăn khoai nữa không?”.
“Ăn!”.
“Tao cũng ăn. Tụi bây chờ đây chơi với hai đứa con tao không?”.
“Thôi. Tụi cháu ăn khoai rồi đi thôi, bận lắm!”.
“Lấy thêm khoai ăn đi đường, chiều vợ con tao đem khoai mới đào về. Nói ba tụi bây hôm nào rảnh ghé chơi”.
“Ba tụi cháu đến mà, cùng chú lên núi thả mây”.
“Được rồi, tao sẽ đi … Tao sẽ đi… ”.
oOo
Mặt trời sụp xuống khỏi ngọn cây vợ con Năm Tính về tới, cùng với con chó. Chị vợ nổi lửa nấu khoai vừa mới đào trong các khe rãnh. Hai đứa nhỏ giởn với con chó. Năm Tính ngồi thừ ra nhìn lên đỉnh núi, chiếc giỏ chỉ đan được một ít. Khoai chín, vợ chồng con cái cùng ăn. Năm Tính vừa ăn vừa nhìn lên đỉnh núi. Không thể nhìn thấy gì. Vùng núi mau tối sương núi dâng lên mờ mờ khắp chung quanh. Muỗi bay lào xào. Côn trùng cất tiếng nỉ non. Ăn xong vợ Năm Tính vào trong sửa soạn giường ngủ. Dân tình ở đây thường đi ngủ sớm. Năm Tính vẫn ngồi. Hai đứa nhỏ chạy đi bắt đom đóm, con chó chạy lăng xăng theo sau. Ngày mai là hội đom đóm của làng, thú vui duy nhứt của đám trẻ vùng núi. Nhưng không bắt được con đom đóm nào. Hai đứa nhỏ vô ngồi với cha, con chó ngồi kế bên. Đứa lớn nhìn quanh, hỏi:
“Ai ghé đây vậy ba?”.
“Ai đâu?”.
“Ai ăn khoai bỏ vỏ tùm lum đây nè? Đâu phải ba, đúng không?”.
“À, có hai đứa nhỏ ghé chơi, nói chuyện tức cười lắm!”.
“Hai đứa nhỏ nào? Nói chuyện tức cười gì?”.
“Đâu biết hai đứa nhỏ nào. Chúng ghé xin uống nước, nói chuyện ba có lần với ba chúng lên đỉnh núi, cất nhà thả mây…”.
“Ba lên đỉnh núi hồi nào? Cất nhà thả mây là cái gì?”.
“Ba cũng nói với chúng như vậy. Nhưng chúng cả quyết là có, kể chuyện rành rẽ ngọn ngành, nói tại ba già rồi hay quên”.
“Ba không quên, đúng không?”.
“Ba cũng không chắc lắm, chuyện lâu quá rồi. Có khi ba cũng có lên đỉnh núi một lần, rồi quên”.
“Sao tụi con không nghe nói?”.
“Làm sao tụi con biết được, hồi đó đã có tụi con đâu?”.
“Còn má? Để tụi con hỏi má…”.
“Không được hỏi má. Đây là chuyện đàn ông con trai, cha con mình biết với nhau thôi. Chẳng lẻ cả đời ba chưa một lần lên đỉnh núi? Má ngủ chưa?”.
“Ngủ rồi”.
“Cha con mình nói chuyện với nhau. Chuyện chắc cũng đại khái vậy thôi. Ba cùng với ba tụi nhỏ trèo lên đỉnh núi, hơn tháng trời lặn lội, cất căn nhà đợi lúc có nhiều mây lùa nhốt vô, bữa trời trong thả ra…”.
“Chi vậy?”.
“Đâu để làm chi. Đâu phải làm việc gì cũng để kiếm tiền? Đỉnh núi không có mây sao gọi là Đỉnh Mây Mù? Thôi chuyện lâu rồi, hết thời của ba rồi. Giờ tới hai con. Hai con còn nhỏ cứ bắt đom đóm chơi, giởn với con chó. Nhưng lớn lên rồi phải làm một chuyện gì. Như một lần phải lên đỉnh núi... Nhớ không?”.
“Nhớ”.
10 – 2007
Lên Núi Thả Mây Lên Núi Thả Mây - Lê Văn Thảo