Worrying does not empty tomorrow of its troubles. It empties today of its strength.

Corrie Ten Boom

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 843 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi nằm yên trên chiếc giường cạnh cửa sổ, mặt quay vào tường, trong thiếp mỏi. Tôi muốn ngủ ngay, đặng ngày mai thức giấc sớm, tới trường. Nhưng tôi cứ bắt đầu nhắm mắt, thì một làn sóng nghĩ ngợi bỗng dưng lại trào đến. Hình như trong tôi ngày hôm nay có một điều gì đó bất mãn, như một vết cộm mơ hồ. Thôi mà – tôi ngọt ngào dỗ thử mình – cô bé ạ, ngủ đi, cố ngủ đi, mai sẽ là một ngày mới, còn ngày hôm nay thì quên đi và dẹp qua một bên. Vứt cái đám nghĩ ngợi lung tung trong đầu xuống gầm giường, khép chặt mi mắt và hãy ngủ ngoan.
Nhưng thôi rồi, cái ngủ chập chờn mà tôi đang ráng dỗ lại gần, chưa kịp bén mảng, thì đã chợt biến như một cánh chim chớp vội. Bởi… tiếng ly pha lê chạm khẽ vào nhau, trong đêm.
Tiếng của pha lê xứ Bôhêm, nhỏ, nhẹ, nhưng sắc và vang, đủ giật mình tỉnh tôi. Với đôi tai thính, khỏi mở mắt, tôi cũng biết cái gì đang diễn ra trong căn phòng rộng, không vách ngăn của hai cha con tôi, vào một đêm hè oi bức của Sài Gòn tháng năm. Tôi đang nghe thấy – dù không thành tiếng - một chiếc ly nhỏ đang được bố tôi nhấc khỏi ngăn giá của cái tủ tường kết bằng mây, ở góc phòng - bố tôi thửa riêng, chỉ để đặt đám ly tách uống rượu của ông. Vẫn nhắm mắt, dầu bố tôi đi bằng chân đất nhẹ như một con cú mèo trên nền đá hoa, tôi vẫn biết ông đã cầm lên và nắm gọn trong tay chiếc ly pha lê nhỏ, không lớn hơn trái cóc và ông tiến tới đám chai rượu của ông để ở một góc phòng khác, ông đang nhanh nhẹn di chuyển đến chỗ để rượu, cầm lấy một chai trong tay, tay kia nắm trọn cái ly nhỏ, tiến đến, đặt ly và chai lên bàn ( tới đây thì tiếng đáy chai và đáy ly va khẽ - nhưng đủ âm vang trong tai tôi, vào mặt bàn salon rộng, được phủ một lượt kính trong).
Tối nào cũng hệt tối nào, khi cái khoảng không gian cuối chiều - được kết thúc bằng bữa cơm giản dị và nhanh gọn của bố con tôi – đang di chuyển dần sang đêm, thì ông khởi sự uống, ông uống chậm rãi và lâu lắc. Việc uống chỉ được kết thúc trước khi ông ngủ. Ngà ngà say, ông đặt mình xuống giường, lối 12 giờ hay 1 giờ đêm, nhiều khi muộn hơn, nếu ông không quá mệt vì công chuyện rối ren của nhiệm sở mà ông đã phải giải quyết vào ban ngày. Thứ ông thường thích uống là Đình Bảng - một thứ rượu nếp chân quê, cất lấy của một làng quê đồng bằng xa ngái ngoài xứ Bắc, cái làng đã cho thứ rượu mình cất lấy cái tên của mình. Một người đàn bà quen nết uống của ông, thường gởi cho ông từ Bắc và chẳng hề quên từ nhiều năm nay. Nếu không là thứ đó thì chắc chắn là phải Cognac thứ thiệt của Nga hoặc Whisky Scotland - tất nhiên là hiếm hơn, ông uống một ly hay vài ly là tùy theo tâm trạng. Ông có thể bỏ vào mỗi ly những viên đá nhỏ cho rượu dịu lại, trong cái nóng tháng Năm vẫn đậm đặc cả về đêm của Sài Gòn. Cung cách, giờ giấc, thói quen uống của ông, tôi gần như thuộc lòng, ông chỉ ưng hai việc khi uống một mình. Hoặc yên lặng nhâm nhi ly rượu với ý nghĩ trong đầu hoặc tự độc thoại với giọng trầm, ấm, thuần Bắc, sang sảng vang khắp nhà, với cường độ 10 lần cần thiết cho đôi tai bén của tôi - cử tọa duy nhất của ông. Tôi đã học và ông đã dạy cho tôi nhiều bằng các cuộc độc thoại ấy, những cuộc độc thoại đơn chiếc mà không hiểu sao chúng lại đề cập đến mọi chuyện trong đời sống và bao giờ cũng khiến tôi phải hong hóng nghe. Tôi bắt đầu hiểu rằng, có lẽ bố tôi - một người đàn ông ba đào, rày đây mai đó – như ông thường tự giễu: A! Mộc Châu đã trải, Quảng Ninh đã từng và sự đời đưa đẩy ông vào cảnh gà sống nuôi con, thì điều đáng ngán nhất với ông là tôi sẽ trở thành khác ông và nghĩ khác ông về thế giới. Dường như dĩ nhiên tôi phải là một phiên bản của ông, dầu tôi có muốn hay không. Thi thoảng ông quạu, vì tôi trái ý ông. Nhưng khi đó ông vẫn không rời bỏ thói quen của mình, ông nói cho tôi nghe và cấm ngặt cãi: Không được – Ông khẳng định – tao đang độc thoại chứ không phải đối thoại. Mà tao đã nói thì chỉ có từ đúng đồ lên thôi!
Và đêm nay, trong toàn bộ những cử động chuẩn bị uống một cách im ắng của ông mà tôi nghe được khi chưa ngủ, tối lắng thêm một tín hiệu nữa: Rõ là ông đang cáu tôi về một điều gì. Và hai sợi dây thế là được chập lại: cảm giác bất ổn trong lòng và tín hiệu quạu của bố với tôi. Tuy dim ngủ, mắt đã khép lại, tôi bỗng thấy lo lắng. Thôi. Chẳng nghi ngờ gì nữa. Chính xác là ông đang quạu lắm và sẽ được biết lý do khi ông sửa soạn xong việc uống của ông. Nhưng vì cái gì nhỉ? Và cái gì? Và tại sao? Tôi tiếp tục nghênh tai và lại lắng thấy ông bắt đầu ngồi xuống chiếc ghế salon đơn bằng gỗ màu cánh gián sẫm, có đệm êm, được phủ thêm một tấm hoa đỏ sẫm tránh bụi - chiếc ghế dành cho tiện nghi uống của ông. Tiếng cái chai được nhấc khỏi mặt bàn, sau đó là tiếng rót rượu. Tiếng chảy chậm, nhẹ, ấm, và hơi ngập ngừng… Chắc là chiếc ly pha lê nhỏ xinh đáy dầy đã hưởng trọn số rượu ông rót – không cách gì rớt ra ngoài, dù chỉ một máy nhỏ. Ông định uống lần nào thì sẽ có lần ấy rượu chảy xuống cốc. Cung cách rót rượu của ông khoan thai, bình ổn và lẹ làng, gượng nhẹ, đối ngược hẳn với tính cách dễ nổi đóa của ông khi bị trái ý. Mấy chục năm uống rượu và lưu lạc giang hồ - đủ để ông thành một tay điệu nghệ trong cái gọi là luống. Thậm chí ông đâu chỉ uống. Tôi ngờ rằng ông đã buộc phải nhấn chìm nỗi đau đớn nhất của đời ông vào đáy ly rượu. Sự sống đã trở thành người bạn câm lặng, trung thành mà ông không thể dứt bỏ trong nhiều năm và chắc chẳng bao giờ… là sẽ như vậy cho đến chót đời.
- Ôi - Tiếng ly rượu uống xong, đặt cạch khẽ xuống mặt bàn – đã ngắt quãng mọi suy tư của tôi, ông sắp sửa bài giáo huấn khi sang ly thứ hai. Tôi phải chờ ít phút thôi, và biết trước rằng bài phát biểu của ông sẽ không dài. Nó gồm một loạt câu chắc nịch, như đang đóng vào cột mỗi câu một nhận định ớn sườn. Ông rất ưng một câu thành ngữ khá ngộ của người Anh: “ Hãy gọi cái cuốc là cái cuốc”. Với chuẩn ấy, ông thường nói huỵch toẹt sự thật mà bình thường người ta vẫn thường trốn lảng hoặc dùng cho nó một tên gọi nhẹ nhàng hơn để khỏi phương hại đên cái tai của người buộc phải nghe. Nhưng đó chẳng phải là tính cách của ông, ông đi thẳng vào bản chất sự vật, chẳng nhọc lòng quanh co gì ráo! Có lẽ vì thế mà quanh ông, số người yêu ông như điên cuồng cũng nhiều, mà số người ghét “ đào đất đổ đi” cũng lắm, ông phớt bơ, hưởng trọn cái khoái cảm của việc gọi cái cuốc bằng tên của nó, đến mức, thỉnh thoảng trong chính bài độc thoại của mình, ông cũng không kềm được mà thốt lên: Tao đã nói trúng phắp!
Sau mỗi lần như thế - nếu lần đó chính tôi là lý do của cuộc độc thoại – tôi mất tiêu ngủ.
Mọi gắng gỏi của tôi - một đứa con gái 20 tuổi là làm sao cho ngày càng ít đi những bài giáo huấn của bố nhằm vào tôi - mặc dù dần dà tôi biết cái giá của chúng và tôi còn biết, sẽ đến lúc tôi phải ước rằng tôi sẽ đổi lấy chúng bằng tất cả những gì tôi có. Tuy nhiên, lúc đó vẫn còn ở phía trước. Hiện tại, tôi vẫn nỗ lực làm ít chúng đi - những bài giáo huấn của ông. Bố tôi vẫn đang chầm chậm uống. Tiếng những viên đá lạnh bé lanh canh va dịu dàng vào thành chiếc ly đang ở trên tay ông. Bố tôi tuyệt không lắc chúng, ông chờ chúng, tự tan trong chất rượu đạm sánh màu mật ong của ly Cognac. Tôi biết đó là Cognac vì căn cứ vào mùi hương đang lan tỏa trong phòng, quyện với khói xì gà, mặc dù tôi không hề uống và hút bao giờ.
Vẫn trong trạng thái dim ngủ, tôi đợi ông mở lời. Tôi chẳng phải chờ lâu. Tiếng đáy ly lại chạm vào mặt bàn phủ kính. Ly rượu đã được đặt lại trên bàn. Giọng bố tôi rền, vang, rành rọt khỏe mạnh và được ngắt chính xác như những câu đã được viết thành văn trên giấy, với dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than… Tóm lại là với tất cả các dấu chỉ định việc ngắt trong câu trong tiếng Việt. Giọng ấy tương phản hoàn toàn với vóc người tầm thước và cái dáng vội vã vất vả trong cách đi đứng của ông.
-Con Kim con, mày hãy nghe bố mày nói đây!(Khi sinh ra, tôi nhỏ tí, lăn nhó, chưa khóc ngay, mặt mũi không rõ rệt, phủ đầy một lớp lông mịn, mẹ trông thấy buột mồm kêu: con tôi sao bé như cái kim thế này? Sau mẹ mất, và Kim con trở thành cái tên cúng cơm của tôi).
- Mày(ông nhấn mạnh) đừng tưởng mày khá. Mày rất nhầm. Rất nhầm về bản thân. Nếu quả là mày khá thật, mày đã không ỉa bẹt vào cái giá trị cũ. Mà cái giá trị cũ mới đáng được trọng thị, dù với bất cứ thế hệ nào. Nếu không có những giá trị ấy sẽ không có ông nội, bà nội, không có ông và không có tao. Và đương nhiên, là chẳng có mày. Thế mà mày, phải, mày đã từ chối ông. Mày đã chối bỏ một cử đẹp của ông cho riêng mày. Mày!...
Thôi rồi, đoạn giáo đầu chắc nịch ấy của bố tôi đã quay ngược tôi về chính buổi chiều muộn của ngày hôm nay, khi tôi vừa ở trường về, vừa đói, vừa mệt, mở cửa bước vào nhà, thấy bố tôi đã đi làm về, đang ngồi ở chỗ quen thuộc của ông. Bố nói với tôi ngay: Kim con, ông Trần Uyển vào Sài Gòn thăm con gái, vừa đến chơi với bố hồi nãy. Ông lặn lội mãi mới tìm được nhà bố con mình. Mày nhớ không? Ông là bạn thân của ông nội, từ thuở hai ông còn là sinh viên năm thứ nhất trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương – cho đên khi ông nội mất. Ông rất yêu ông nội và hai ông đều quý tài nết nhau. Một cuộc thăm giao đáng kính trọng. Cả ông nội và ông đều là những họa sĩ được đào luyện tử tế, họa sĩ như thế ở cái xứ này đâu có nhiều – thưa thớt hơn cả lá mùa thu. Mà xứ mình làm đếch gì có mùa thu. Vài cái ngày ngắn toen hoẻn, nắng nôi nhợt nhạt, bụi bay đỏ quạch phố phường, thế là các em thi sĩ lãng mạn cuối mùa đã vội ré lên: mùa thu lá vàng bay, lá đổ, lá rụng, hãy cho tôi nhặt lá… Các em cứ thích tráng lên sự vật những màu cải lương, cứ thích trổ những bông sầu riêng phiền muộn…
Tội buột ngắt ông:
- Ông Trần Uyển đến có việc gì liên quan đến con không hở bố?
- Có liên quan.
Ông nhắc lại những kỷ niệm cũ có một thời với ông nội, từ khi hai người cùng ở quê nội vùng Sơn Tây Bất Bạt.
- Mày chả biết cái cóc khô gì về miền quê ấy đâu. Bây giờ ở đó chả có gì ngoài mộ ông bà nội. Hai nắm đất tháp màu đá ong, với mấy cây xương rồng gai hoa đỏ trùm phủ, và hai tấm bia đá phai bạc màu thời gian. Ông nhớ ông nội. Hôm nọ ông tự đi tìm mày ở trường. Ông bảo ông trông thấy mày – ông như lại nhìn thấy ông nội thuở nào – và ông muốn vẽ mày, muốn mày có một chân dung đẹp.
- Vẽ con? Vì con giống ông nội?
Hình như khi nói câu này tôi đã đưa ra một nụ cười méo mó và trễ nải đầy nghi ngờ mà bố tôi không hề thích.
Có lẽ ông không để ý, vẫn tiếp: - Chứ sao! Đích thị là như thế. Ông bảo sẽ vẽ mày trên nền lụa trắng với bút chì màu, nhưng tao lại ưng ông vẽ mày trên giấy Roki với cục mực tàu. Như thế khó hơn.
- Tại sao cứ phải vẽ con, mà con thì như một chú vịt con xấu xí. Bố tưởng con gái bố xinh lắm à, lại còn vẽ bằng mực tàu đen nhèm nữa?
- Tại sao ông vẽ mày thì tao đã nói. Có những lý do tình cảm ở những người ở thế hệ trước mà những đồ mày thì không có gan liền và sẽ không bao giờ hiểu được. Còn lại, xấu đẹp, không phải là vấn đề. Vấn đề là không phải bạ ai ông cũng vẽ. Ông chỉ vẽ những người có caratère và không phải lúc nào ông cũng lăm lăm vẽ. Vẽ là một thứ lao động cực kỳ mệt mỏi. Nhưng một khi ông đã vẽ, đã xuất thần, có nghĩa là chỉ sau mấy chục phút, mày sẽ có một caricacture đẹp khỏi chê, giống mày đến mức chính mày không biết đó là mày nữa kia, bởi vì mày cũng mới dừng ở mức hiểu được ảnh chụp thôi, còn vẽ thì chưa. Vì mày sẽ còn sống sang thế kỷ sau, vài mươi năm nữa sẽ trôi qua, lúc đó có thể mày mới ngã người ra vì chân dung ông vẽ quá đẹp. Ông cũng chẳng còn mấy đỗi nữa, riêng tranh vẽ mày sẽ còn lại như một kỷ niệm đẹp của ông. Vì thế tao đã nhận lời đưa mày đến chỗ ông vẽ vào chủ nhật tới! Nghe chưa?
Tôi bỗng dưng nổi đóa, nhanh đến mức lúc đó chính tôi cũng tự ngạc nhiên. Tại sao tôi lại phải đến nhà ông họa sĩ già ấy nhỉ, để rồi ngây mặt ra cho ông ấy vẽ, mà ông ấy lại là bạn từ tận đời ông bà nội. Ông bà thì mất tự lúc tôi mới chập chững biết đi, thế mà ông già ấy thì cứ còn lại, cứ đến tìm tôi tận trường để vẽ vời - ờ, tôi mang máng nhớ lại một buổi chiều gần đây, tôi có nhìn thấy một ông già đầu tóc hói chỉ còn một túm lơ phơ bạc sau gáy, người nhỏ thó, đi một xe mi-ni tàng, dắt vào cửa trường tôi, không ngớt hỏi học trò về: “Cháu Kim tôi, học lớp nhất cao đẳng định ngữ trường Võ Văn Tần phải đây không, các cháu chỉ giùm tôi?” Chả đứa học trò nào để ý đến ông già đi chậm, hỏi han như lẩm bẩm một mình ấy – chúng còn mải chuyện trò rôm rả.
Chính tôi cũng ngó lơ khi đang bận tán dóc với lũ bạn ở sân trường và tự nhủ: Thiếu gì “cháu Kim” ở đây. Vả lại từ hồi nào tới giờ mình đâu biết một ông già trông xá xệ đến thế kia!
Bây giờ tôi kịp nhớ ra và càng bực bội vì chợt nhớ thêm rằng tôi đã nhìn thấy ở nhà ông nội những bức chân dung ông ấy vẽ. Mặt người ở trong tranh hoàn toàn bị méo mó sang mặt những con chó, con mèo, con khỉ… hoặc toàn bị phóng đại các nét xấu. Những hàm răng trông như những cái lược hoặc nhiều bàn cuốc đặt cạnh nhau. Xấu hãi hùng. Tại sao tôi lại phải mất toi một ngày chủ nhật để rồi sẽ thấy mình thành một con gì đó trong tranh vẽ của ông già? Tôi ưng đi phố với con Lan lắm mồm bạn tôi, nghe nó hát còn hơn.
Tôi đưa ra một câu xóc óc: Con có phải trả tiền công vẽ cho ông ấy không?
- Không! Ông ấy vẽ tặng, để mày có một kỷ niệm tử tế - Bố tôi nói, tỉnh khô.
- Thế khi nào con muốn, con bán nó được không? Và bán bao nhiêu?
- Nếu thích, ngay khi rời khỏi nhà ông, mày đem ngay đến gallery của Nam - bạn mày ở đường Đồng Khởi – nó sẽ mua cho mày với giá 100USD và nó có thể bán ngay với giá ít nhất là hai lần như thế. Còn như sau vài chục năm nữa, có giời mới biết là nó đắt đến đâu, khi ông đã mất. Ông là số một trong lối vẽ ấy. Mà số một là độc trọi, không thể thay thế. Hiểu chưa?
Tôi im. Nghe có vẻ được. Nhưng bỗng dưng trong tôi bướng bỉnh dậy lên một làn sóng giận hờn mới. Vẽ vời, thăm viếng, chào hỏi, ngược về các chuyện cũ kỹ như trái đất của người già, rồi phải ngồi yên như một con bé ngoan ngoãn nhất trần đời tất cả những động thái ấy với tôi bây giờ, vô nghĩa hết trơn.
Tôi - một đứa con gái 20 tuổi, mất mẹ quá sớm, vào đời quá sớm, đi làm quá sớm, hơi nổi tiếng trên sân khấu quá sớm, yêu quá sớm ( từ 15 tuổi) và mối tình đầu vỡ tan quá sớm (khi 19 tuổi). Rồi bố tôi bỏ Hà Nội vào Sài Gòn, làm việc (ông bị hoàn cảnh riêng thôi thúc hơn là ý muốn – có bao giờ ông thích rời Hà Nội). Ông mang theo tôi - đứa con gái vật vờ xiêu đổ và già sớm của ông cùng sự ốm đau về tinh thần của nó. Bỏ người tình - một chàng trai lớn, ngộc ngạch, tốt bụng, cả nghe và đi vắng lâu đến mức tôi chán – tôi trở về với bố và suốt nửa năm nay tôi nghe ông gọi tôi là “một mụ già cằn cặt”.
Hoàn toàn không tự thức, tôi thêm một câu ngang xương - chấm dứt cuộc đối thoại với bố, trước khi vào bếp chuẩn bị bữa tối:
- Con dứt khoát không đến nhà ông Trần Uyển đâu. Con không thích ông ấy vẽ con. Và nói chung là con chẳng ham gì hết.
Đã bước hẳn vào bếp, tôi còn đủ nghe thấy tiếng bố tôi không cao hơn chính giọng của mình – mà rõ ràng hết sức:
- Mày có quyền không thích, đó là một việc. Tao không ép mày thèm làm những gì mày không muốn. Nhưng nghe mày trả lời, tao buộc phải nhận xét rằng mày đã bước chân vào nền kinh tế thị trường một cách ti tiện và thấp kém. Mày phủ định sạch trơn các giá trị cũ. Thôi khỏi. Mày khỏi cần đến nhà ông. Ông Trần Uyển cũng không cần vẽ mày!
Chấm xong dấu chấm than cho câu kết lạnh băng của mình, ông im. Tôi có cảm giác dấu chấm than ấy cứ lửng lơ treo trong bữa cơm chiều của hai bố con, trôi qua trong im lặng. Ăn xong ông đọc báo ngày, vài tờ nhật trình mà bao giờ ông cũng cho là “nhạt hoen hoét như nước ốc”, rồi ông xem một tí chương trình tivi mà ông cũng chả yêu thích gì hơn, bởi “thật vô bổ vì những quảng cáo nhăng nhố độc thêm hình con khỉ Tôn Ngộ Không, chẳng trúng trật vào đâu”… Sau đó ông ăn một trái na nhỏ - thứ na dai của Vũng Tàu, ông sẽ bỏ ngay nếu đó là một trái na bở. Ông nghỉ ngơi một chút để chuẩn bị uống. Tám tiếng đồng hồ căng thẳng làm việc ở một cơ quan dịch vụ thương mại đã rút kiệt sinh lực của ông.
Một lần ông nói với tôi: Bố cảm thấy đầy đủ dấu hiệu của tuổi già - Một lời tự thú hiếm hoi của bố tôi. Mới ăn cơm xong, lại vừa xem một phim tivi của Walt Disney và tráng miệng bằng hai trái na - thứ quả tôi khoái ăn nhất – chưa buồn ngủ và cũng mau quên như một nghìn các cô bé 20 tuổi khác – tôi mang mấy cặp khuyên tai mới mua ở tiệm ra, đặt lên bàn phấn, ngắm nghía, đeo thử trước gương.
Đó là những phương tiện xinh xẻo hữu hiệu cho nghề của tôi. Khi tôi lên sân khấu hát, tôi đặc biệt yên tâm khi đeo chúng. Tôi cảm được chúng đong đưa đầy khích lệ trên giọt tai tôi và đôi lúc chạm khẽ thân mật vào khổ. Tôi bận rộn ướm thử tất cả những đôi hoa tai đã mua – những đôi bông tai to, óng ánh, nhiều màu, phát sáng, mang hình hoa quả, cả gương mặt người, hoặc những đồng tiền vàng. Tôi hài lòng bảo:
- Bây giờ các ca sĩ trở lại đeo hoa tai mốt cũ, to và nhiều màu. Lại mạ vàng. Dễ thương ghê ta. Con vừa mua mấy đôi. Con thích quá bố ạ. Bố xem này!
- Bọn hoa tai to sẽ nuốt mất mặt mày đấy! - Bố thủng thẳng buông lời, tiếp tục xỉa răng, mắt toàn hướng về phía cái tivi – đang quảng cáo bột giặt Tico, có vẽ những chú vịt xanh nhởn nhơ bơi ngoài bao bì. Cô xướng ngôn đang khuyến khích các bà nội trợ mua với lý do có vẻ quyến rũ ghê: trong một bịch xà bông nào đó, bất ngờ hiện ra một tấm phiếu thưởng một triệu đồng. Xì! - Bố bảo - Tờ phiếu này sẽ rơi ngay vào mặt mụ vợ lão giám đốc nhà máy xà phòng. Chả em nội trợ nào may mắn vớ được đâu. Đừng hám!
Mặc kệ bột giặt Tico với lời đe dọa của bố. Bọn hoa tai cứ việc nuốt mất cái mặt bé choắt của Kim con này, bù lại, cô thừa kế cái giọng hào sảng của bố cô. Cô lại ở trong một tương lai phản chói gắt hơn. Ngưới cứ bé như một cây kim trên đôi giày trắng mảnh khảnh cao mười phân và tiếng hát cô cứ vang vọng ngập tràn khoảng không của vòm rộng nhà hát lớn và cái giọng Hà Nội của cô – dù cô đã bỏ Hà Nội để vô tới Sài Gòn với bố - vẫn cứ đẫm tình…
Hát thêm mấy câu bâng quơ nữa, gói trọn sự hài lòng mua sắm lũ khuyên tai, sắp xếp chúng lại cẩn thận, tôi soạn giường và đi ngủ. Những tường như mọi khi, tôi sẽ thiếp ngủ trong lúc bố lặng lẽ uống, nhưng tôi rốt cuộc đã không ngủ được, bởi… tiếng ly pha lê chạm khẽ vào nhau trong đêm…
o O o
Bố vẫn ngồi uống im lặng, sau khi nói bây nhiêu lời giật tôi trở lại việc cụ Trần Uyển. Rồi thôi. Trái với lệ thường. Ông không thêm một lời nào sau lời chót: Mày. Những lời ấy vẫn âm u trong tai tôi dù căn phòng về đêm hoàn toàn tĩnh lặng, đến nỗi nghe thấy cả mấy giọt mưa chiều còn sót lại trên vòm lá cây rơi toong xuống mái hiên nhà hàng xóm. Có một chú dế vẫn nỉ non trong đám cỏ ướt ven hồ dưới kia. Lại tiếng rượu nho được rót ra cốc một cách cẩn trọng, và chiếc ly đã lại chăm chỉ nhẫn nại hứng trọn những giọt Cognac màu nắng nóng bỏng.
Tôi lắng nghe tiếng đêm trôi và bỗng thấu suốt sự im lặng của ông. Tôi đã làm ông phải đau, tôi biết vậy. Biết bao giờ tôi mới trưởng thành và học được cách khỏi làm đau lòng người. Phải. Ngày mai tôi sẽ đến ông Trần Uyển, ngồi yên cho ông vẽ, và để lòng trôi dạt về Hà Nội, nơi bố đã sinh ra tôi…
Tôi thấy cái ngủ đang vui chân lại gần tôi như cánh cò trắng muốt. Gió từ cánh quạt đang quay đã ngưng (bố tôi đã lặng lẽ tắt đi cho tôi trong đêm Sài Gòn hơi trở lạnh). Tôi chìm dần vào giấc ngủ, yên lòng biết bố vẫn đang ngồi một mình trong đêm, với ly rượu độc trọi trong tay và dưới đáy ly, mấy giọt lệ của người rơi xuống – đang đọng lại trong đêm, như những giọt ngọc.
Lệ Già Lệ Già - Nguyễn Thị Minh Thái