Số lần đọc/download: 514 / 2
Cập nhật: 2017-11-08 14:00:05 +0700
Ông từng học ở ngôi trường mà tôi đã học. Bài hát về mùa xuân và tình yêu ảnh hưởng sâu sắc đến một quãng đời của ông được viết vào năm tôi ra đời. Tôi hay đi trên con đường mang tên ông để đến với một người bạn thi sĩ. Anh bạn kiến trúc sư của tôi thường rót cho tôi chén rượu từ chiếc bình thủy tinh có ghi tên ông. Cũng người kiến trúc sư ấy đã tạc tượng ông với râu tóc bơ phờ và khuôn mặt nhàu nát như những khuông nhạc của một bản nhạc bị vò xé. Nhưng truyện ngắn này không hoàn toàn viết về ông. Câu chuyện viết về một thời, và ông là một mẫu người của thời đó.
Ông yêu những cơn mưa đêm. Có ai đó ở vào thế kỷ của những thiên tài, một đêm cô độc trên hè phố vắng lạnh đã gõ cây can lên những thanh hàng rào bằng gang đúc hình hoa văn gô-tich của một khu vườn và chợt thích thú nhận ra bản nhạc “Dạ khúc gô-tich bằng gang” của mình ngẫu nhiên giống tiếng gõ câm trên phím dương cầm. Giai thoại về Mozar hay Beethoven? Ông không nhớ rõ. Có những giai thoại do người ta ngụy tạo để tôn vinh một người này, để thóa mạ một người kia; hay đơn giản là chỉ để cho vui. Nhưng bản Nocturnes của Frédéric Chopin thì có hẳn một đoạn sử dụng toàn những nốt câm - Armonic, như tiếng gõ vào những thanh hợp kim nặng, nghe tưng tức. Và cũng giống tiếng mưa rơi.
Ông cũng rất sợ những cơn mưa đêm. Cơn mưa tinh quái như biết có người phải khổ sở vì nó, nên đã tạo ra đủ các giai điệu và khúc thức từ tiếng lộp độp tẻ nhạt để hành hạ người mất ngủ. Tiếng những giọt nước còn sót lại của cơn mưa rơi trên lá cây, trên mái ngói cũ phủ rêu giống tiếng bước chân dè dặt, cũng giống tiếng nấc của cô gái làm nghề “ăn sương” đêm đêm đội mưa trở về căn nhà nát trong ngõ hẻm, dưới ngọn đèn đường vàng đục; mà một nhạc sĩ tên tuổi, người ký tên chung với ông trên nhiều ca khúc, đã viết trong một bài hát buồn lê thê:
“ Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em...”
Tiếng mưa đêm có khi còn là cơn lốc rào rào sỏi đá tàn nhẫn ném vào nơi mẫn cảm nhất của hồn ông; là những giọt băng muối buốt lạnh từ chót nhũ đá nơi huyệt động thâm u chậm rãi từng giọt đều đặn rơi vào cân não ông như một cực hình thời trung cổ. Tiếng mưa còn là những giọt chì sôi bỏng rỏ cách đều nhau làm thủng cháy lỗ chỗ cái khoảng không gian tối đen êm ấm như nhung mà hồn ông đang nương náu.
Mưa rơi trong nhiều ca khúc của ông. Lúc này ông bỗng nhớ tới một câu hát ngày xưa:
Người đi theo mưa gió xa muôn trùng.
“Người đi”... “mưa gió”... “muôn trùng ”... Lẽ ra ông phải thấy được sự cũ kỹ của những câu hát như vậy ngay từ khi chúng mới được viết ra, nhất là cái “muôn trùng” ấy. Vậy mà ngày nay người ta lại thích hát và nghe những bài hát như thế. Như thú chơi đồ cổ. Có lần ông đã nóng bừng mặt vì ngượng khi bắt gặp ở bến tàu cặp vợ chồng người hát xẩm đàn hát thảm thiết một bài ca của ông bạn nhạc sĩ, người đã viết ca khúc về cô gái điếm đi trong đêm mưa, người đã săn sóc những ca khúc đầu tay của ông:
Và ngày à... Và ngày tôi đã bị thương a...
Thân tàn, mà... nhưng chí, ấy mấy...còn vương ai ơi mây trời...ý ỳ y y...
Ông sợ rằng ở một bến đò hay một chợ quê nào đấy người hát rong mù lòa với chiếc nhị cò cư cũng gân cổ hát bài hát của ông với những câu đệm “ấy mấy”, “ai ơi ” kia. Có thể người bạn nhạc sĩ ấy sẽ thú vị khi thấy nhạc của mình đã đến được với những người bình dân, dù đến bằng cách như vậy. Vì ông ta cố ý viết nhạc của mình đậm chất đồng quê Việt với những cánh đồng lúa xanh và những thằng Cuội chăn trâu. Còn ông, ông muốn rằng dù đến với ai, nhạc của ông vẫn phải được nguyên vẹn như khi nó được sinh thành, những nhạc phẩm ảnh hưởng dòng nhạc lãng mạn Pháp một thời.
Tuy vậy, những bài hát thời đó thường theo vài khúc thức thông dụng, giai điệu đều đều buồn tẻ với giọng Rê thứ, La thứ rất êm tai, dễ sáng tác và dễ thuộc, nghe câu trước biết nhạc điệu câu sau, thậm chí cả lời ca nữa cũng có thể suy đoán trước những từ ngữ. Ông đã tìm cách vùng thoát khỏi cái dòng nhạc ngọt nước đường này, nhưng chính bài hát ông viết về Nàng lại sa vào bãi lầy ấy. Bài hát này tồn tại được đến ngày nay cũng vì ông đã gửi hồn mình vào đó, và còn vì tên tuổi của ông nữa.
Luồng ánh sáng lọc qua tán lá sấu cổ thụ um tùm ngoài cửa tràn vào phòng qua cánh cửa rộng mở, những bóng nắng đậm nhạt sinh động rọi trên mặt bàn và trên người ông. Ông đang ngồi trong ánh hồi quang của quá khứ với những hình ảnh chập chờn từ chiếc máy chiếu thời gian. Ông đang ngồi bên cửa sổ con tàu chạy ngược thời gian và bóng dáng ngày xưa bên đường hắt vào khoang tàu. Ông ngồi đó với mớ tóc dài và bộ râu thưa trắng xõa của nhà giả kim thuật đang nung luyện những khổ đau mà kiếp người có thể chịu đựng được và cả những nỗi tủi nhục mà con người không thể chịu đựng được, để trở thành những tác phẩm nghệ thuật.
Ông ngồi im lặng, râu tóc trắng rũ xõa xượi như một đạo sĩ, chén rượu đặt trên bàn trong tầm tay, không cần nhìn vẫn có thể cầm đúng cái chén nhỏ mỗi khi muốn nhấp vài giọt. Thứ rượu trong vắt như nước cất, có chất men lạ, uống vào không bốc sực lên, cũng không đằm đượm âm ỷ, chỉ thấy nhàn nhạt man mát chút vị ngọt mơ hồ của kẹo mạch nha; đến khi lan trên lưỡi thấm xuống cổ, cuống họng bỗng ứ lại một nỗi nghẹn ngào bất chợt.
Ông thường đến cái quán rượu đêm tồi tàn bên đường tàu hỏa. Người chủ quán già lưng hơi còng khuôn mặt nhăn nhúm và bàn tay khô héo bưng cho ông chén rượu nhạt thếch với món nhắm nguội ngắt. Ông cố nhấm nháp những thứ vô vị đó chỉ để có cớ ngồi lâu giữa không gian nghèo nàn bụi bậm ấy. Thỉnh thoảng, những toa tàu hồng hộc chạy qua như một con vật khổng lồ dư thừa sức lực nhưng bị kiềm chế, uất ức rống lên tung bụi than cuồn cuộn vào gian quán nhỏ, phủ lên những đồ vật vốn đã đầy bụi, thêm một lớp bụi mới nữa. ánh đèn điện cũng ám bụi. Cả những người trong quán cũng phủ đầy bụi im lìm như bị phù phép ngồi bất động từ trăm năm trước trong câu chuyện cổ tích. Trên những chiếc bàn vuông cáu bẩn, mấy chiếc đĩa nhôm méo mó đựng những hạt lạc quắt queo loại thứ phẩm dành cho gà vịt, và vài miếng bánh đa vụn như mảnh vỡ của một loại đồ gốm thô thiển. Đám khách rượu quần áo lôi thôi bạc thếch lặng lẽ nhấp những chén rượu màu nước hến nấu từ khoai, sắn. Dưới ánh sáng vàng bệch mờ đục, những khuôn mặt màu đất ánh lên những khối gò má sống mũi và những bóng tối của hốc mắt như bức tranh Những kẻ chơi bài của Paul Cézanne (*). Ông như được sống trong một thế giới vừa lạ lùng vừa quen thuộc đầy chất hội họa.
Ông hay đến đây còn vì một cớ khác nữa. Một bóng ma ẩn hiện trong tâm trí ông, mập mờ đeo đẳng; ông vừa muốn rũ bỏ vừa muốn đối mặt với nó. Không khí quán rượu này gợi tới cái tiệm hút thuốc phiện ám khói ngày xưa, nơi ông lần đầu tiên ông thực hiện việc giết một kẻ chỉ điểm.
.........
Khi ông rời cái thành phố thợ thuyền lầm than là thời mọi người mong muốn trở thành anh hùng tráng sĩ. Những thư sinh với sức vóc thư sinh cũng đua nhau quăng bút nghiên để hiên ngang với gươm và súng. Ông đã bỏ đàn, bỏ bút, bỏ panh-xô để học võ và tập bắn súng với khao khát trở thành hiệp sĩ.
Sau này, khi những bài ca của ông được những người lính vệ quốc hát vang lúc xung trận, những người tử tù chính trị hát như dồn hết sức lần cuối cùng trên pháp trường trước khi bị xử bắn, ông trở lại sáng tác âm nhạc.
Nhung, ông đã nhìn thấy đôi mắt của kẻ bị ông hành quyết trong cái tiệm hút ám khói. Cặp mắt của gã chỉ điểm trợn trừng trắng dại đi vì khiếp đảm khi ông gọi tên hắn, bảo rằng ông sẽ giết hắn. Có thể hắn là kẻ đáng chết. Nhưng đôi mắt trắng dại ấy cứ ánh lên mãi trong những giấc mơ sau này của ông. Tiếng súng nổ vang đến bây giờ. (Sao không là Tiếng súng ấu thơ của bọn trẻ đáng yêu trong một bài hát Pháp?
Trong không gian u ám của cái quán rượu bên đường tàu, ông đối thoại với con người trong quá khứ của mình, tự tranh luận cho đến khi ngã ngũ một điều luôn dằn vặt ông.
Bây giờ ông ngồi uống rượu tại nhà. Ông không cần cái quán rượu tồi tàn với không gian gợi nhớ ấy nữa. Ông đã tự minh giải được điều làm ông phiền muộn dai dẳng. Ông viết những bài thơ tự sự. Trong những bài thơ, ông lý giải về những điều mà lẽ ra ông phải hiểu từ lâu.
Trước kia ông thường uống rượu với một nhà văn nổi tiếng về lối viết tinh tế và thâm thúy. Có rất nhiều giai thoại về nhà văn này. Vì yêu và cả vì muốn làm khổ ông ta mà người đời đặt ra những giai thoại văn học ấy. Hai người ngồi im lặng trong căn phòng đầy bụi ngổn ngang sách và những vỏ chai rượu chẳng bao giờ được thu dọn. Họ im lặng uống. Vừa uống vừa đối thoại với nhau bằng sự im lặng. Họ uống cho tới lúc mắt nhòe đi không nhìn rõ nhau nữa.
Có lúc ông uống với một nhà văn khác cũng từng sống nhiều năm dài khốn khổ ở cái thành phố thợ thuyền lam lũ ấy và đã viết rất hay về lớp người cặn bã của xã hội. Đó là một ông già hồn nhiên ồn ào, thương đời, thương mình thường khóc rưng rức khi đã ngà ngà say khiến người ta không rõ ông ấy khóc vì say hay vì một cái cớ sâu kín gì trong lòng. Nhà văn ấy đã từng khóc vì người ta không hiểu ông, cứ làm khổ ông vì lòng tốt và sự thật thà của ông.
Hai ông bạn ấy đều nổi danh trên văn đàn và nổi danh trong giới “chơi” rượu, nhưng chẳng bao giờ họ nát rượu. Ngay cả khi say nhất họ vẫn tỉnh. Không hiểu hai vị lãng tử già uống rượu là để lấy tửu phá thành sầu hay dùng tửu khai huyệt hận nữa.
Cả hai ông bạn đã từ lâu khuất bóng trên cõi đời này. Còn mình ông độc ẩm.“Một mình rót uống chẳng buồn say” như câu thơ của một nhà văn khác cùng thời với ông.
Chiếc dương cầm kê bên cửa sổ chiếm khoảng không gian tốt nhất trong căn phòng hẹp. Cây đàn cũ kỹ giương cái nắp gỗ màu nâu lên trông giống một con thú biết bay, bị thương, giương chiếc cánh còn lại của đôi cánh vĩ đại lên một cách rất tự đại, như nó biết mình là thành viên quan trọng trong gia đình người nhạc sĩ, và là bạn tri kỷ của ông. Nhưng gần đây ông ít khi chạm tới những phím ngà đã ngả màu vàng, dù chúng vẫn còn rất mẫn cảm, chỉ một thoáng run ở đầu ngón tay thôi là một hợp âm đã lập tức ngân lên lan xa tới từng ngóc ngách ngôi nhà nhỏ. Có một dây đàn bị chùng, hơi chùng một chút như sự đàn hồi chốc lát của thời tiết, nhưng đôi tai tinh tế của ông vẫn nhận ra. Người thợ lên dây đàn quen biết đã đổi nghề và bỏ đi đâu từ lâu rồi. Mỗi khi muốn tìm lại những âm thanh ngày xưa trong đám bản nhạc cũ của mình, ông phải hạ xuống một bát độ để tránh cái dây chùng ấy. Vì thế, ngay cả bài hát về một mùa xuân trong sáng ông viết sau này cũng trở nên trầm buồn. Nó, cây đàn ấy, cũng có quyền già chứ - Ông nghĩ - Sự già đâu có phải là độc quyền của một mình ta.
Những đêm đông mưa, trong giấc mơ, ông thường trở về bến sông ngày xưa.
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em bay theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân...
Hình ảnh của Nàng vẫn như ngày đầu tiên đến với ông, vẫn cặp mắt long lanh đôi má mịn màng ửng hồng và nụ cười tươi. Bài hát về mùa xuân và tình yêu ngày ấy không phải ông sáng tác mà là ông chép lại từng nốt, theo những âm thanh vang lên từ trái tim mình, như có ai đó đọc cho ông viết. Người bạn ca sĩ của ông đã trình diễn thành công bài hát đó lần đầu tiên bằng trái tim đau buồn khi biết rằng ông viết bài hát đó dành cho Nàng.
- Moa thấy rõ là toa đã cảm en (**) rồi. Đúng không? - Người ca sĩ hỏi. Ông im lặng. Người bạn đã thấy được câu trả lời trong sự im lặng đó. Anh ta bật ngón tay, huýt sáo bài Ai biết?- Bài ca có giai điệu trong sáng tươi vui, nhưng khi hát lên, dù hát một cách vô tư, người nghe lại thấy buồn rưng rức. Những bài Hạnh phúc, Tiếng súng ấu thơ, Tuyết rơi... cũng thế. Và cũng vì thế mà người ta hát mãi những bài hát ấy đến ngày nay.
Bài Tiếng súng ấu thơ nhạc điệu hồn nhiên ngây thơ như dành cho trẻ con. Chú bé bắn bằng miệng “pằng pằng” đúng tim cô bé bạn gái trong trò chơi cảnh sát và kẻ cướp. Họ lớn lên, yêu nhau, rồi chàng trai bỏ đi. Nhưng vẫn còn mãi tiếng súng đồ chơi năm xưa và hình ảnh cô bé “trúng đạn” gục ngã trên sân. Những bài hát của Pháp thường như thế, đó là sự tài tình mẫu mực mà ông và những nhạc sĩ cùng thời đã cố vươn tới. Nhưng dường như họ đã cố gắng một cách bất lực, cuối cùng để lại những bài ca ủ ê não nùng dễ hát dễ nhớ, một thời chỉ làm chảy được nước mắt của những tiểu thư, công tử và các cô hàng xén phố huyện.
Tiếng huýt sáo của người bạn ca sĩ nhọn hoắt như cặp mỏ của con chim gõ kiến rỉa rói làm trái tim nhạy cảm của ông nhói đau.
Gặp nhau trong những phút vui đầu
Bỗng thấy tim mình rung lên rộn ràng...
Đố ai biết vì sao?...
Bài hát thể Rondo - Vòng tròn, cứ hát mãi, luẩn quẩn không biết dứt ra ở chỗ nào. Rồi tiếng huýt sáo chợt ngừng bặt ở một nốt cao vút, như sợi chỉ bằng bạc rất mảnh bị đứt đột ngột. Anh ca sĩ thở dài:
- Lẽ ra moa không nên đưa en đến nhà toa. Lẽ ra moa phải nhớ rằng toa là một gã đệ nhất si tình, là một khối nam châm có sức hút rất mạnh đối với những thiếu nữ lãng mạn như en. Giờ thì hỏng bét cả rồi. Moa chỉ còn thể xác của en.
- Không. Moa sẽ không làm phiền hai người. Moa sẽ đi khỏi đây. Moa đã chán ngấy cái kiếp ký quèn Sở Dây thép của cái thành phố cu-li bụi này rồi. - Ông thấy mình đang nói dối. Ông nhìn ra sông Cấm. Một cánh buồm nâu vá víu của con thuyền chở nặng đang xuôi ra phía biển. Ông không hề muốn rời xa thành phố này, không muốn xa dòng sông đục ngầu này. Ông không thể hình dung ra một buổi sáng ngủ dậy lại không còn nhìn thấy dòng sông Cấm kia. Như là có một cuộc tạo sơn lập địa mới.
Lúc này đang có chuyến phà sắp rời bến. Đám người lam lũ gồng gánh mang vác ào xuống chiếc phà hoen rỉ trông như cái vỏ hộp cá bẹp bị bọn trẻ con thả trôi sông. Gã cảnh binh răng vổ gày còm trong chiếc áo cộc tay và quần soóc ka-ki, thứ sắc phục tiết kiệm dành cho các nhân viên công lực của nhà nước thuộc địa xứ nhiệt đới, để lộ những cẳng tay cẳng chân khẳng khiu đen đủi, đang hùng hổ vung dùi cui cố thiết lập trật tự cho cái bến phà hỗn độn đầy những dân tứ xứ...
- “Mẹc sà-lù nhà chúng mày. Đồ cu-soong! (***) Muốn chết hả? ”
Chiếc mũ hình mu rùa lợp vải ka-ki với rất nhiều nếp gấp của gã cảnh binh nhấp nhô trong đám nón mê, khăn vuông, đầu trần, khăn xếp với những thúng mủng, bao tải, bị cói trên đầu, trên vai, trên lưng bầy người khốn khổ. Cái gã cảnh binh còm nhom mặt mũi xám xịt vì thuốc phiện, hàng ngày bị mụ vợ béo núc đè đầu cưỡi cổ nên cứ phải ra oai với thiên hạ để vớt vát chút sĩ diện là “người nhà nước”.
Nhưng ông vẫn phải đi khỏi thành phố này dù ông biết rồi đây nỗi nhớ dòng sông đục đầy bọt rác và váng dầu với cảnh hỗn độn lam lũ cực nhọc kia sẽ hành hạ ông mỗi buổi chiều. Đi để quên. Các tay lãng tử ngày ấy vẫn nghĩ thế và làm như thế, dù có những người chẳng có gì để quên. Họ ra vẻ những bậc trượng phu quyết gạt bỏ những tạp sự tầm thường, những tục lụy thê nhi, để quăng thân vào gió bụi tìm dựng nghiệp lớn; tuy rằng cái nghiệp lớn ấy cũng mù mờ không rõ là gì. Có khi chỉ là một chân dạy học tư ở tỉnh khác, để có cơm ăn. Họ cố tạo ra điệu bộ phong lưu mã thượng phường tuồng giữa tiếng thanh la não bạt, để người đời ngưỡng mộ.
Ông lên Hà Nội nhập vào giới văn nghệ sĩ đang ồn ào trong cuộc mưu danh và mưu sinh, để lãng quên mà chẳng thể nào quên được Nàng.
Trước khi đi, ông viết một ca khúc về buổi chiều mùa xuân ấy. Cuộc viếng thăm của Nàng đã đem ánh nắng rực rỡ cho ngôi nhà nhỏ bên dòng sông nuớc đục. Mà không, hôm ấy nuớc sông không đục. Nước rút ra xa bờ và trong trẻo. Những con chim biển chạy nhảy trên lớp phù sa kiếm ăn một cách vui vẻ. Mùa đông không có những cơn mưa lớn trôi đất cát xuống lòng sông. Và nước biển cũng xanh trong vì những vùng cửa sông không đổ phù sa ra biển như vào mùa mưa lũ.
Gió thổi bay vạt áo màu xanh lá non của Nàng, thổi bay chiếc khăn voan Ca-sơ-mia mỏng như khói trên đôi vai thon. Tất cả những gì trên người Nàng và cả thân hình Nàng đều mỏng manh như là không có thật, như dễ dàng tan biến trong không gian. Nếu ông không đưa tay cho Nàng nắm thì gió sẽ cuốn Nàng bay đi mất. Nàng vịn vào ông dò từng bậc đá ướt lần bước xuống bãi sông.
Những con chim biển theo sóng giạt sâu vào trong thành phố lâu ngày đã dạn dĩ. Chúng bay quanh hai người, cất tiếng kêu khàn khàn thân thiện. Nhưng ông nghĩ, đấy là lũ chim trống đang ghen với ông cũng như đám chim mái thì ghen với Nàng. Vì họ là một cặp rất đẹp đôi đang yêu nhau, dù vừa mới gặp. Trên rất cao, nơi tầng mây xám bất động như một cái trần cố định từ ngàn năm trước, một bầy chim mải miết bay. Bầy chim như những kẻ giang hồ cao ngạo đang bận rộn với sự nghiệp di trú sinh tồn của cả nòi giống chúng, không như lũ chim biển tầm thường suốt đời luẩn quẩn trên mặt nước và bờ bãi một miền quen nhàm để nhặt nhạnh chút thức ăn vụn.
Anh chàng ca sĩ đang trong trạng thái hứng khởi. Anh ta bỏ xa người tình và bạn, chạy nhảy đến sát tận mép nước, đá tung những vỏ đồ hộp, mẩu gỗ sóng đánh giạt lên cát. Anh ta sảng khoái dang tay ngửa mặt lên trời hú hét và cười ha ha như một đứa trẻ lêu lổng vừa thoát khỏi sự kiềm chế của người lớn. Anh có một người tình tuyệt đẹp để hãnh diện giữa đám đông, bên cạnh nàng là người bạn nhạc sĩ tài năng của anh, người đã viết những bài ca đem lại vinh quang cho anh trong các phòng trà thượng lưu, giữa những sàn nhảy rực rỡ đèn và trên những sân khấu lộng lẫy.
- Các toa có dám thách moa hát bạt được gió mùa đông bắc trên sông này không? - Anh ta kêu lên phấn khích - Này, moa không nói khoác đâu nhé. Tuần trước moa hát cho hoàng hậu Nam Phương nghe ngoài Đồ Sơn, moa đã dùng âm thuật hát vỡ mấy ô cửa kính ở Hotel de La Pointe đấy - Các toa có dám thách không nào? Chỉ một bữa chả Sài Gòn ở phố Khách thôi.
- Này em, - Anh ca sĩ đến bên hai người, không hề nhận ra vẻ lúng túng bối rối khác thường trên nét mặt anh bạn và cô nhân tình - Em có nhớ lần đầu anh đưa em đi ăn chả Sài Gòn không? Lần ấy, khi tay bồi bàn bưng ra đĩa rau sà-lách và bát dấm su hào cà rốt với cái khăn bông lau tay, anh đã nhắc em là ăn chả Sài-Gòn phải kiên nhẫn, đừng như thằng cha nhà quê nọ, trong khi nguời ta còn đang lọc tôm he cua bể gói thành chả để rán trong bếp thì hắn tưởng chả Sài Gòn chỉ có thế, liền chén sạch đĩa rau sống với bát dấm ớt, nhét chiếc khăn lau vào bị cói, để tiền lên bàn theo giá yết trên bảng rồi khoan khoái ra về, hớn hở khoe với vợ con: “Tao còn lạ chó gì chả Sà-goòng. Nó cũng từa tựa như rau ghém của ta thôi chứ ra cái đếch gì. Chỉ hơn là có thêm cái khăn bông.”
Anh ca sĩ vỗ tay cười hô hô tự tán thưởng câu chuyện khôi hài của mình. Rồi không đợi ai thách, ca sĩ cất tiếng hát. Vẫn một bài ca Pháp. Bài Biển sâu. Ông vẫn còn nhớ đến bây giờ cái giai điệu hơi ngang ngang như khúc Aria trích từ một vở Opéra, khác hẳn những bài hát mà ông và những nhạc sĩ đương thời vẫn viết.Biển bát ngát sâu...
Sao biển sống không yên lành?...
Khác nào trái tim người tôi gửi tình thổn thức...
Khác chi sóng dạt dào...
Đúng là giọng hát của người bạn ca sĩ rất khoẻ và âm vang như át cả tiếng gió mùa đông bắc đang thổi ù ù bên tai.
Cơn gió mùa ngày ấy chắc hàng năm vẫn quay về bến sông dù những người xưa đã tan tác mỗi người một nơi. Ông đã mấy lần biến thành người khác, chẳng còn là chàng nhạc sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ hồn nhiên ngày xưa. Ông mãi mãi sống trong dằn vặt như người đã cầm con dao găm người khác đưa cho, ném vào bóng đêm, tình cờ trúng ngay tim ai đó.
Ông như kẻ trong cơn ác mộng bị người ta vu cho tội ăn cắp, bị đám người điên rồ trong cơn tức giận vừa nguyền rủa vừa săn đuổi ông cho đến cùng đường, chân díu lại cuống cuồng. Ông muốn được choàng tỉnh, khắp mình ướt đẫm mồ hôi, và lại được trở thành người vô tội thanh thản. Nhưng giấc mơ ấy không bao giờ dứt, ông không thấy mình tỉnh giấc, mãi mãi không thoát được cuộc săn đuổi dai dẳng của đám người quái gở ấy.
Dù là một người có những biệt tài thiên phú, ông vẫn nhận ra rằng mình không phải là loại quả đầu mùa, loại trái cây được bán giá cao. Ông chỉ là thứ quả muộn mằn còn sót lại trên cành, là hương vị cuối mùa; khi rụng xuống đất rồi mới được người đời hiểu ra giá trị thực.
*Nàng đã có chồng con, sống yên ổn đến già như những người đẹp vô danh khác trên đời. Nhưng chồng nàng không phải là anh bạn ca sĩ ngày ấy.
Người ca sĩ có giọng hát át cả gió mùa, từng giễu cợt anh chàng nhà quê ăn chả Sài Gòn, cũng là một kiếp lãng tử. Anh hát không để làm giàu mà hát như con chim hót chỉ để sảng khoái cho đời và cho người. Anh nghèo kiết và chết thê thảm. Trong một đêm, dưới ánh đèn phố vàng màu quả thối, đám phu hót rác đẩy chiếc xe ba-gác lọc cọc chở cái xác chết đói khô quắt của anh đi. Khi cái cơ thể kiệt quệ không còn tự nuôi được nó nữa, anh ta với sự hưng phấn phi thường của người nghệ sĩ, cố đeo chiếc nơ tài tử vào cổ áo, lết từng bước ra hè phố, rồi sụp xuống như cúi rạp thân hình rã rời sau đêm hát, chào khán giả lần cuối cùng. Người bạn ca sĩ tài danh một thời dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ với giọng hát mê hồn tôn vinh những nhạc phẩm của ông, đã được vùi xác chung một huyệt với những người nhà quê và đám thợ thuyền khốn khổ trong cái năm ất Dậu khủng khiếp.
*
Ông trở lại bến Bính vào một ngày xuân. Ông thấy mình như con thuyền đầy thương tích sau cơn động biển, chệnh choạng nương theo dòng tìm về bến. ( Hình ảnh và cách ví von rất cũ như trong những bài ca thời ấy. Nhưng ông vẫn cứ nghĩ thế vì biết rằng chẳng ai có thể bình phẩm những ý nghĩ nếu ta không nói ra).
Tiếng gió mùa trên sông réo hú bên tai ông âm thanh của ngày xưa.
“Về đây nghe tiếng hú hồn mê hoan...
Về đây với màu gió ngày lang thang...”
Ông nhớ tới câu hát lời Việt cho bản Trở về Soriento mà ông bạn nhạc sĩ ngày trước đã viết. Ông ta đã bỏ chiến khu trở về thành phố, rồi ra nước ngoài sống lưu vong. Bây giờ đầu đã bạc trắng, vẫn cùng con cháu ôm mãi nghiệp cầm ca, hát rong nơi xứ người. Dù thế nào đi chăng nữa thì đối với ông, người nhạc sĩ ấy vẫn là một nghệ sĩ, đáng thương đáng nhớ biết bao.
Ngôi nhà xưa không còn nữa, hay là ông không thể nhận ra nó được nữa. Những công trình xây dựng chen chúc lấn sát tận bờ sông. Không còn những bậc đá ẩm ướt mà Nàng đã vịn vào ông để bước xuống bãi sông. Chỉ còn cái bến phà với những thanh chắn hướng dẫn bằng sắt sơn đỏ trắng và những sợi xích neo to tướng nặng nề hoen rỉ. Ông chợt nhớ tới gã cảnh binh răng vổ còm nhom tay chân khẳng khiu nhảy choi choi, vung cây dùi cui như chiếc quyền trượng nạt nộ đám người khăn vuông, nón mê, áo xống tả tơi lam lũ. Chắc lão đã chết từ lâu như mọi thứ quyền lực trên đời.
Ông xuống bãi sông theo một lối dốc người ta đang chở đất cát san lấp để làm bến tàu khách. Bờ bãi đầy rác.
Ông đứng lặng trên bên bờ sông. Cơn gió mùa xưa từng lay động tà áo xanh non của Nàng, bây giờ thổi tung mớ râu tóc xác xơ của chàng lãng tử già. Đám chim biển theo sóng vào sâu trong thành phố kiếm ăn cũng nhận ra ông, chúng cất tiếng kêu khàn khàn buồn bã như những tiếng chép miệng ái ngại trước ngoại hình tàn tạ của cố nhân. Ông mỉm cười nghĩ thế. Cũng là một cách tự trào. Ông thừa biết đám chim biển vô tri kia chỉ là cháu chắt của đám chim biển ngày ấy.
Trên nền trời xám cao tít, lũ chim giang hồ vẫn mải miết đập cánh trong gió với nghiệp chướng thiên di của chúng, sự đọa đày muôn đời dành cho kiếp chim.
BV
_____________________________________________________________
(*) Paul Cézanne (1839-1906) Họa sĩ Pháp thuộc trường phái ấn tượng
(**) Những đại từ nhân xưng tiếng Pháp các công chức và trí thức thời Pháp thuộc thường dùng: Moa (Moi): Tôi, tao...; Toa (Toi) Anh, mày... En (Elle): Nàng, cô ấy.
(***) Tiếng chửi rủa thô tục theo lối bồi bếp thường dùng dưới thời Pháp thuộc.
Truyện ngắn này có sử dụng những ý thơ của nhạc sĩ Văn Cao và những câu hát của ông; một số câu hát của nhạc sĩ Phạm Duy, và câu thơ của Nguyễn Vĩ.